Tìm hiểu Ga 18,28–19,16a [2/5]: Sự thật về những kẻ tố cáo Đức Giê-su.

 

 

Đề tài: Sự thật trong Ga 18,28–19,16a

 

Bài 1/5: “Sự thật là gì?”. Quan sát Ga 18,28–19,16a

Bài 2/5: Sự thật về những kẻ tố cáo Đức Giê-su.

Bài 3/5: Sự thật về Phi-la-tô.

Bài 4/5: Sự thật về Đức Giê-su.

Bài 5/5: Áp dụng Ga 18,28–19,16a vào cuộc sống.

 

 

Bài 2/5: Sự thật về những kẻ chống đối Đức Giê-su.

 

 

 

Những gì xảy ra bên ngoài dinh Phi-la-tô liên quan đến nhân vật Phi-la-tô và những kẻ tố cáo Đức Giê-su. Mặc dù Đức Giê-su không giao tiếp với họ nhưng tất cả các trao đổi bên ngoài dinh đều liên quan đến Người. Chúng ta sẽ tập trung phân tích đề tài “sự thật” nơi ba nhân vật:

1) những kẻ tố cáo

2) Phi-la-tô

3) Đức Giê-su

 

Theo cách trình bày câu chuyện, sự thật về các nhân vật này được tỏ lộ dần dần trong đoạn văn 18,28–19,16a. Bài này sẽ tìm hiểu về sự thật liên quan đến những kẻ chống đối Đức Giê-su.

 

Cấu trúc đoạn văn 18,28–19,16a mở đầu và kết thúc với đại từ “họ”. Họ là ai? Nhóm nhân vật này dần dần xuất hiện qua câu chuyện. Ở 18,28-30 người đọc chưa biết “họ” là ai. Đến 28,31, nhân vật “những người Do Thái” xuất hiện: “Những người Do Thái nói với ông ấy: ‘Chúng tôi không được phép xử tử ai cả’” (18,31b). Sau đó lại xuất hiện nhân vật “các thượng tế” ở 18,35; 19,6.15 và “các thuộc hạ” ở 19,6.

 

Trong đoạn văn 18,28–19,16a, các nhóm nhân vật “những người Do Thái” và “các thượng tế” gần như đồng nhất với nhau. Quả vậy, ở 18,35, Phi-la tô hỏi Đức Giê-su: “Dân của Ông và các thượng tế đã nộp Ông cho tôi. Ông đã làm gì?”, nhưng trong câu trả lời, Đức Giê-su lại nói: “Nếu Nước của Tôi thuộc về thế gian này, thuộc hạ của Tôi đã chiến đấu để Tôi không bị nộp cho những người Do Thái” (18,36). Nếu ở 19,6 các thượng tế cùng các thuộc hạ kêu lên: “Hãy đóng đinh vào thập giá, hãy đóng đinh vào thập giá”, thì ở 19,15 những người Do Thái kêu lên rằng: “Đem đi, đem đi, hãy đóng đinh Nó vào thập giá” (19,15). Như thế, có sự đồng nhất giữa hai nhóm nhân vật này. Về mặt chủng tộc, các thượng tếnhững người Do Thái, nhưng về mặt văn chương, Tin Mừng thứ tư cho phép phân biệt hai nhóm nhân vật “các thượng tế” và “những người Do Thái”.

 

Trong Tin Mừng, nhóm “những người Do Thái” tranh luận trực tiếp với Đức Giê-su từ ch. 2 đến ch. 10, trong khi nhóm “các thượng tế” xuất hiện khá muộn (từ ch. 7). Đặc điểm của nhóm “các thượng tế” là không tranh luận trực tiếp với Đức Giê-su. Nhóm này xuất hiện cùng với nhóm Pha-ri-sêu trong việc tìm bắt Đức Giê-su (7,32-45) và trong việc quyết định giết Người (11,47-57). “Các thượng tế” là những người quyết định giết cả La-da-rô (12,10). Trong đoạn văn 18,28–19,16a, nhóm “các thượng tế” cùng với nhóm “những người Do Thái” nộp Đức Giê-su cho Phi-la-tô và đòi đóng đinh Người. Việc hai nhóm này xuất hiện trong đoạn văn 18,28–19,16a là có ý nghĩa. Nhóm nhân vật “những người Do Thái” gợi lại tất cả những tranh luận giữa họ với Đức Giê-su trong suốt Tin Mừng. Nhóm “các thượng tế” gợi lại việc họ triệu tập Thượng Hội Đồng, quyết định giết Đức Giê-su (11,47-53) và ra lệnh bắt Người (11,57). Vì thế, đại từ “họ” trong đoạn văn 18,28–19,16a chỉ hai nhóm này và có thể gọi “họ” là “những kẻ tố cáo Đức Giê-su”. Bản văn không trình bày rõ ràng ngay từ đầu ai là người dẫn Đức Giê-su đến dinh Phi-la-tô mà chỉ dùng đại từ “họ”. Người đọc sẽ dần dần khám phá ra “họ” là ai trong quá trình đọc bản văn.

 

Sự tỏ lộ dần dần qua bản văn phù hợp với sự tỏ lộ khác cũng dần dần, đó là những điều họ tố cáo Đức Giê-su trước Phi-la-tô. Chỉ khi đọc đến cuối đoạn văn, độc giả mới biết hết ý định của những kẻ tố cáo Đức Giê-su. Khởi đầu, họ kết tội Đức Giê-su là “người làm điều ác” (18,30). Họ đòi tha Ba-ra-ba là một tên cướp (18,40), nghĩa là Đức Giê-su được xếp vào hàng trộm cướp. Theo họ, Đức Giê-su đáng tội chết vì làm điều ác. Kế đến, họ để lộ lý do sâu xa hơn: Đức Giê-su phải chết vì Người tự xưng là Con Thiên Chúa; họ nói với Phi-la-tô: “Chúng tôi, chúng tôi có Lề Luật; và chiếu theo Lề Luật, thì Ông ta phải chết vì đã cho mình là Con Thiên Chúa” (19,7). Đến cuối đoạn văn, họ lại tố cáo Đức Giê-su về tội chính trị, khi nói với Phi-la-tô: “Nếu ông tha người này, ông không là bạn của Xê-da. Bất cứ ai tự cho mình là vua thì chống lại Xê-da” (19,12).

 

Như thế, những kẻ nộp Đức Giê-su tố cáo Người ba tội: Tội hình sự (làm điều ác, 18,40); tội nói phạm thượng (xưng là Con Thiên Chúa, 19,7); và tội chính trị (xưng là vua, 19,12). Ba tội danh này nhằm đạt được điều những kẻ tố cáo muốn làm mà họ không được phép làm: Giết Đức Giê-su. Họ nói rõ sự bất lực của họ với Phi-la-tô: “Chúng tôi không được phép xử tử ai cả” (18,31). Câu giải thích của người thuật chuyện trong câu tiếp theo 18,32: “Thế là ứng nghiệm lời Đức Giê-su, lời Người nói về việc Người sẽ phải chết cách nào”, cho thấy số phận Đức Giê-su đã được quyết định từ trước. Đoạn văn 18,28–19,16a không nhằm mục đích xét xử Đức Giê-su; nhưng qua câu chuyện này, người thuật chuyện muốn làm sáng tỏ sự thật sâu xa về các nhân vật: sự thật về những kẻ tố cáo, sự thật về Phi-la-tô và sự thật về Đức Giê-su.

 

Sự thật bên trong của những kẻ tố cáo được tỏ lộ dần dần với các yếu tố thời gian và nơi chốn. Lúc trời vừa sáng (18,28) mọi sự chưa sáng tỏ, người đọc chưa biết “họ” là ai và chưa hiểu hết ý định của “họ”. Nhưng đến cuối trình thuật, vào lúc 12 giờ trưa (19,14), sự thật về họ được tỏ lộ rõ ràng. “Họ” là “những người Do Thái”, “các thượng tế”, những kẻ chống đối và bách hại Đức Giê-su trong suốt sứ vụ công khai của Người. Họ không dám vào dinh Phi-la-tô vì sợ bị nhiễm uế, nhưng lại tìm mọi cách giết Đức Giê-su. Họ là những người trung thành với Thiên Chúa trong việc giữ luật thanh sạch để dự lễ Vượt Qua, nhưng đến cuối trình thuật, giữa thanh thiên bạch nhật, họ tuyên bố: “Chúng tôi không có vua nào cả ngoài Xê-da” (19,15).

 

Qua cách trình bày các nhân vật như thế, người thuật chuyện đã tạo ra sự đảo lộn ngoạn mục. Những kẻ tố cáo Đức Giê-su tìm mọi cách giết Người mà không quan tâm đến việc xét xử (phân định xem bị cáo có tội hay vô tội) làm cho họ trở thành “những người làm điều ác” chứ không phải là Đức Giê-su.

 

Sự đảo lộn về không gian cũng là nét độc đáo của đoạn văn. Ngay từ đầu, sự phân biệt bên trong dinh (bị nhiễm uế thuộc về dân ngoại) và bên ngoài dinh (thuộc phần đất không bị nhiễm uế) mang ý nghĩa tôn giáo. Không gian địa lý này gợi về không gian thần học: “Bên ngoài” dinh thuộc về dân Thiên Chúa và “bên trong” dinh thuộc về dân ngoại. Những kẻ nộp Đức Giê-su được giới thiệu như là những người trung thành với Thiên Chúa, họ không vào trong dinh để có thể dự lễ Vượt Qua kính Đức Chúa là Đấng đã cứu dân khỏi ách nô lệ Ai-cập. Họ tùng phục Thiên Chúa đến mức ai nói phạm thượng thì phải chết, vì Dân Thiên Chúa chỉ tôn thờ một mình Thiên Chúa. Trớ trêu thay, cuối đoạn văn họ lại tuyên bố Xê-da là vua của họ, trong khi Thiên Chúa mới là Vua thực sự của họ. Vẻ bên ngoài, họ trung thành với Thiên Chúa, nhưng thực ra họ tôn thờ Xê-da (19,15).

 

Như thế, không gian thần học bị đảo lộn: Những kẻ giữ luật, tránh bị nhiễm uế qua hình thức bên ngoài, lại lộ ra thái độ bên trong: Sống theo kiểu dân ngoại, tung hô Xê-da và bất trung với Thiên Chúa. Họ đòi giết Đức Giê-su là Đấng Thiên Chúa sai đến.

 

Qua cách trình bày nhân vật như trên, bản văn làm lộ ra bộ mặt thật của những kẻ tố cáo. Đức Giê-su đã tố cáo tội của họ khi Người nói với Phi-la-tô: “Kẻ nộp Tôi cho ông thì mắc tội nặng hơn” (19,11b). Người thuật chuyện mời gọi người đọc ra được những sự thật trên nơi những kẻ chống đối Đức Giê-su để soi rọi vào cuộc đời mình.

 

Bài tiếp theo (bài 3/5) sẽ trình bày sự thật về Phi-la-tô, một trong những nhân vật chính của câu chuyện.

Ngày 14 tháng 04 năm 2011

Giu-se Lê Minh Thông, O.P.

http://leminhthongtinmunggioan.blogspot.com/  -  email: josleminhthong@gmail.com