THÁNG MƯỜI 2000

 

"Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào Nước Thiên Chúa" (Mt 19:24)

Những lời này là chủ yếu để hiểu Ðức Giêsu quan hệ với sự giầu có như thế nào. Hình ảnh thật mạnh mẽ, ngược đời, phù hợp với thể văn của người Xêmít (Do thái và Ả rập. nd). Sự giầu có với nước Thiên Chúa không hợp nhau, và chẳng ích gì khi muốn làm giảm tầm quan trọng của một giáo huấn xuất hiện nhiều lần trong lời rao giảng của Ðức Giêsu như thế. Chẳng hạn Người nói không thể làm tôi Thiên Chúa và Mammon (nghĩa là tiền của; x. Mt 6,24). Hoặc Người xem ra đòi hỏi nơi chàng thanh niên giầu có nhiều sự từ bỏ không thể đối với con người song có thể đối với Thiên Chúa (x. Mc 10,27).

Nhưng ta hãy cố gắng tìm hiểu ý nghĩa đích thực của những lời phát xuất từ chính Ðức Giêsu, từ mối quan hệ của Người với những kẻ giàu sang như vậy.

Người cũng giao du cùng hạng sung túc. Với ông Da-kêu, kẻ mới cho đi phân nửa tài sản, Người đã phán: "Hôm nay, ơn cứu độ đã đến cho nhà này" (Lc 19,9). Ngoài ra, Công vụ Tông đồ còn làm chứng cho thấy việc để chung của cải là tự phát và tự do trong Giáo Hội nguyên thủy (x. Cv 4,32tt).

Thành thử Ðức Giêsu đã không có ý định chỉ lập một cộng đoàn gồm những kẻ được kêu gọi từ bỏ mọi tài sản của họ để theo Người.

Thế mà Người phán:

"Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào Nước Thiên Chúa"

Vậy Ðức Giêsu lên án điều gì? Chắc chắn không lên án chính của cải trên trái đất này, nhưng lên án việc chúng ta gắn bó vào chúng.

Tại sao? Rõ ràng lắm: tại vì mọi sự đều thuộc về Thiên Chúa, thế mà kẻ giàu có xử sự như thể của cải thuộc về mình.

Sự thật là của cải dễ chiếm chỗ Thiên Chúa trong trái tim con người; chúng làm ta mù quáng và giúp cho mọi tật xấu phát triển. Tông đồ Phaolô đã viết: "Những kẻ muốn làm giầu, thì sa chước cám dỗ, sa vào cạm bẫy và nhiều ước muốn ngu xuẩn độc hại; đó là những thứ làm cho con người chìm đắm trong cảnh hủy diệt tiêu vong. Thật thế, cội rễ sinh ra mọi điều ác là lòng ham muốn tiền bạc, vì buông theo lòng ham muốn đó, nhiều người đã lạc xa đức tin và chuốc lấy bao nỗi đớn đau xâu xé" (1Tm 6,9-10).

Vậy người có của nên có thái độ nào? Họ cần giữ trái tim mình tự do, hoàn toàn mở rộng cho Thiên Chúa. Họ nên nhận thức rằng mình là người quản lý tài sản của mình, và như Ðức Gioan-Phaolô II nói, họ nên biết rằng tài sản ấy là như vay của xã hội (x. Thông điệp Mối quan tâm về vấn đề xã hội số 42).

Vì của cải ở đời này tự bản chất không xấu, ta chớ khinh bỉ nó mà phải sử dụng nó cho nên.

Cõi lòng chứ chẳng phải bàn tay ta cần tránh xa của cải. Vấn đề là sử dụng nó để làm ích cho tha nhân.

Ai giầu là giàu vì phúc lợi của kẻ khác.

"Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào Nước Thiên Chúa"

Có thể có người nói: tôi không giầu có chút nào, thành thử những lời này chẳng áp dụng cho tôi.

Chúng ta phải coi chừng. Câu mà các môn đệ đã sửng sốt hỏi Ðức Kitô ngay sau khi nghe lời tuyên phán ấy là: "Thế thì ai có thể được cứu độ?". Câu này rõ ràng ngụ ý là lời ấy đã được ngỏ nhiều ít với mọi người.

Ngay cả kẻ đã từ bỏ mọi sự để theo Ðức Kitô cũng có thể dính bén muôn ngàn sự. Ngay cả người nghèo chửi rủa nếu bất cứ ai động tới khoanh bánh trong bị của mình, cũng có thể là người giàu trước mặt Thiên Chúa.

Dầu vậy, trong lịch sử Giáo hội, nhiều người giàu đã chẳng bỏ về. Họ đã theo Ðức Giêsu trên con đường nghèo khó triệt để nhất. Ðó là trường hợp của anh Eletto, người tôi biết rõ: một thanh niên cao lớn, đẹp trai, thông minh và giầu có. Khi nghe Chúa gọi theo Người, anh đã không do dự phút nào cả. Anh đã chẳng quay mặt đi. Của cải xem ra không có đối với anh. Anh đã cho đi tất cả tài sản và cả mạng sống của mình. Ðang khi làm một việc bác ái cho một thiếu niên, anh đã chết đuối trong một cái hồ lúc mới 33 tuổi. Tại đó, trên bờ, những dòng sau đây đã được ghi lên một tấm bia kỷ niệm: "Tôi đã không chọn gì khác ngoài một mình Thiên Chúa".

Khi trình diện trước Ðức Giêsu, chắc chắn Eletto đã chẳng nghe những lời: "Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào Nước Thiên Chúa".

Chiara Lubich


Trở Về Trang Mục Lục
Trở Về Trang Nhà