Tháng Mười Một, 2000

 

"Phúc cho ai xót thương người,
vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương"
(Mt 5:7)

Nếu có một lời nào trong Kinh thánh, tương tự và hơn bất cứ lời nào khác, diễn tả việc Thiên Chúa mạc khải nơi Ðức Giêsu Kitô, thì đó là lời xót thương.

Trong cuộc thần hiện ở Sinai, Chúa mạc khải cho ông Môsê rằng: "Ta là Thiên Chúa nhân hậu, giữ lòng nhân nghĩa với muôn ngàn thế hệ"1.

Vào buổi đầu của ngày cứu độ, Ðức Maria cho bà E-li-sa-bét biết rằng Ðấng toàn năng đã nhớ lại lòng thương xót của Người2 và Ðấng mình sinh hạ là chứng từ mới cho điều đó. Vậy tình thương cha-mẹ của Thiên Chúa hợp lại nơi Ðức Giêsu, con Thiên Chúa và con Ðức Maria, được diễn ta rất ý nghĩa bởi hai từ tiếng Do thái dùng để nói lên lòng thương xót: nghĩa là một thái độ sâu xa của lòng nhân hậu biểu lộ lòng thành tín của Thiên Chúa đối với chính mình và có "lòng mẹ" đối với mọi người.

Nhưng điều gì làm cho lòng thương xót nên mạnh mẽ như vậy, để lúc nào cũng hơn đức công chính?3
Và tại sao Ðức Giêsu lại đặt nổi nhân đức này đến độ làm cho nhân đức ấy nên điều kiện để mỗi người được ơn cứu độ?

"Phúc cho ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương"

Như Ðức giáo hoàng Gioan Phaolô II giải thích rõ ràng, lòng thương xót là "chiều kích cần thiết của tình thương, giống như tên gọi thứ hai của nhân đức này"4. Ðối với ngài, những lời phúc thật làm thành một tổng hợp cho toàn thể Tin mừng là mạc khải của tình thương cứu độ của Thiên Chúa và là lời mời gọi tất cả mọi người có lòng "xót thương như Chúa Cha"5 và như Ðức Giêsu, Ðấng là hình ảnh trung thực nhất của Chúa Cha.

Trong lời kinh "Lạy Cha", cùng với những lời khác, cùng một đề tài của phúc thật trở lại với câu: "Xin tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha kẻ mắc nợ chúng con". Ðó là lề luật viết trên trời rằng chúng ta được tha nợ theo mức độ ta biết thứ tha cho những người anh chị em ta.

Ðề tài thương xót và tha thứ trải rộng toàn thể Tin mừng. Xét cho cùng, mục đích của Ðức Giêsu đã được tỏ hiện cho ta trong lời cầu nguyện cuối cùng của Người, vào đêm trước cuộc khổ nạn: đó là sự hiệp nhất của tất cả mọi người nam cũng như nữ trong một đại gia đình có mẫu gương là Chúa Ba ngôi. Tất cả lời giảng dạy của Người chỉ nhằm đem lại cho ta, cùng với tình thương của Người, một phương thế để thực hiện sự hiệp thông cao cả nhất giữa chúng ta và với Thiên Chúa. Và lòng xót thương chính là sự biểu hiện cuối cùng của tình thương, của lòng bác ái, nhân đức thành toàn, làm cho lòng xót thương nên toàn hảo.

"Phúc cho ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương"

Vậy ta hãy tìm cách thực hành tình thương này trong mọi mối quan hệ của ta với người khác theo hình thức xót thương!

Lòng xót thương là một tình thương biết tiếp nhận mọi người bên cạnh, nhất là người nghèo khó và bần cùng nhất. Một tình thương không đo lường, tràn đầy, đại đồng, cụ thể. Một tình thương nhằm làm phát sinh sự hỗ tương là mục đích cuối cùng của lòng thương xót, vì thiếu lòng xót thương thì chỉ có sự công bằng, điều chỉ nhằm tạo nên sự bình đẳng chứ không phải tình huynh đệ.

Ngày nay người ta thường nói đến những người đã phạm những tội nặng nề thì không được tha thứ. Người ta đòi sự trả thù hơn là sự công bằng. Nhưng chúng ta, sau khi đã tìm mọi cách để đền bù sự thiệt hại, ta phải nhường chỗ cho sự tha thứ, điều duy nhất có thể chữa lành vết thương cá nhân và xã hội do tội ác gây nên. "Hãy tha thứ và anh em sẽ được thứ tha."6

Và như thế, nếu ta bị xúc phạm cách nào đi chăng nữa, bị bất công thế nào đi chăng nữa, thì ta cũng nên tha thứ và sẽ được thứ tha. Ta hãy là người đầu tiên dùng lòng nhân hậu, nói lên lòng xót thương!

Cho dầu xem ra khó khăn và gay go, ta hãy tự hỏi mình, khi đứng trước mỗi người bên cạnh: mẹ người đó xử sự với họ thế nào? Ðó là một tư tưởng sẽ giúp ta hiểu và sống theo như Thiên Chúa ước mong.

Chiara Lubich


Trở Về Trang Mục Lục
Trở Về Trang Nhà