Tháng Mười Hai 2000

 

"Anh Em Hãy Tỉnh Thức Và Cầu Nguyện Luôn"

(Lc 21:36)

Chúng ta gặp lời mời gọi này của Ðức Giêsu khi Luca loan báo cuộc trở lại của Người sẽ đến, lúc người ta không ngờ, cho vũ trụ được Chúa tạo dựng, nhưng cũng đến với cái chết thể xác, cho mỗi người trong chúng ta; đó sẽ là cuộc gặp gỡ diện đối diện với Chúa.

Ðức Giêsu sẽ lặp lại câu "Anh em hãy tỉnh thức và cầu nguyện" trong vườn Cây dầu, để chuẩn bị các môn đệ của Người cho sự nhục nhã của cuộc khổ nạn.

Như vậy trong hai lời này có chứa đựng bí mật để giúp ta đương đầu với những biến cố bi thảm nhất trong đời, nhưng cũng cả với những thử thách không thể tránh được trong cuộc sống hàng ngày.

Tỉnh thức và cầu nguyện đều cần thiết như nhau: người ta không tỉnh thức nếu không cầu nguyện, cũng không cầu nguyện nếu tinh thần không tỉnh thức. Ngay từ thời các nhà tu hành đầu tiên trong hoang địa, các ngài đã tìm mọi cách để kết hợp hai nhân đức này, ngõ hầu không cám dỗ nào có thể đến bất ngờ. Và các ngài đã nghĩ ra rất nhiều phương thế để luôn giữ thái độ tỉnh thức và cầu nguyện.

Nhưng đối với chúng ta ngày nay, trong nhịp sống hiện đại xô bồ và lôi cuốn, chúng ta có hi vọng nào để không bị tiếng hát của rất nhiều quyến rũ ru ngủ?

Do đó những lời Tin mừng này cũng dành cho chúng ta...

"Anh em hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn"

Ngày nay Ðức Giêsu cũng không thể đòi chúng ta điều gì ta không thể làm được. Và cùng với lời khuyên, Người cũng không thể không ban cho ta phương thế để có thể sống theo lời Người dạy.

Vậy làm sao ta có thể tỉnh thức và canh chừng, làm sao có thể giữ thái độ cầu nguyện luôn luôn được? Có lẽ ta đã tìm mọi cách có thể để giữ mình đề phòng mọi sự và mọi người. Nhưng đó không phải là đường lối và ta nhận ra ngay là sớm muộn ta cũng phải bỏ.

Con đường đó khác và ta tìm thấy nó trong Tin mừng cũng như trong chính kinh nghiệm của con người. Khi người ta yêu ai, thì cõi lòng luôn thức tỉnh chờ đợi người đó và mỗi giây phút qua đi thiếu bóng người đó đều được sống vì người đó. Người nào mến yêu thì rất tỉnh thức. Vậy tỉnh thức thuộc về tình thương.

Dụ ngôn các trinh nữ khờ và trinh nữ khôn cũng dạy ta điều đó. Ai chờ đợi người mình yêu mến thì tỉnh thức; người đó không phải cố gắng để tỉnh thức, bởi vì tình cảm giữ người đó đứng vững và sẵn sàng cho giây phút gặp gỡ thì mạnh hơn.

Người ta sống như vậy trong gia đình, khi xa nhau người ta sống chờ đợi lúc gặp lại nhau. Và trong lời chào vui mừng có chứa đựng tất cả công việc làm vui tươi trong ngày.

Một người mẹ hay người cha cũng làm như vậy, khi nghỉ ngơi giây lát đang khi săn sóc cho đứa con đau yếu. Người đó ngủ, nhưng cõi lòng luôn tỉnh thức.

Người mến yêu Ðức Giêsu cũng làm như vậy. Người đó làm mọi sự vì Người, Ðấng họ gặp gỡ trong ý muốn của Người được bày tỏ cách đơn giản mỗi giây phút và họ sẽ gặp cách long trọng trong ngày Người sẽ đến. Sau đó phụng vụ cũng chuẩn bị chúng ta trong tháng này bằng lời cầu nguyện sống động, với nhiều chờ đợi, nhiều qùa tặng, cho Hồng ân cao quý: đó là cuộc giáng sinh của Ðức Giêsu trên trái đất này, trong cuộc lễ mừng Người vào đầu ngàn năm thức ba.

"Anh em hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn"

 

Cả lời cầu nguyện liên tục cũng đều là vấn đề của tình thương, bởi vì, ngoài những lúc dành cho việc cầu nguyện, tất cả cuộc sống hàng ngày cũng có thể trở thành lời cầu nguyện, lễ dâng, một cuộc chuyện vãn âm thầm với Thiên Chúa.

Nụ cười với người khác đó, công việc phải làm đó, cái xe phải lái đó, bữa cơm phải chuẩn bị đó, hoạt động phải tổ chức đó, giọt nước mắt đổ ra cho người anh chị em đang đau khổ đó, cây đàn phải chơi đó, bài báo hoặc lá thơ phải viết đó, biến cố vui mừng phải tham dự cách vui vẻ đó, chiếc áo phải giặt lại đó... Nếu ta làm mọi sự vì yêu thương, thì tất cả đều có thể trở nên lời cầu nguyện.

Vậy để tỉnh thức, để cầu nguyện luôn, thì cần phải sống trong yêu thương: nghĩa là mến yêu ý Chúa và mỗi người Chúa đặt bên ta.

Hôm nay tôi sẽ mến yêu. Như thế tôi sẽ tỉnh thức từng giây từng phút.

Chiara Lubich


Trở Về Trang Mục Lục
Trở Về Trang Nhà