Tháng Năm 2000

"Nếu anh em ở lại trong Thầy và lời Thầy ở lại trong anh em, thì muốn gì anh em cứ xin, anh em sẽ được như ý" (Ga 15:7)

Sau bữa ăn tối cuối cùng, những lời từ biệt của Ðức Giêsu chứa đựng rât nhiều lời dậy dỗ và căn dặn, mà với tâm hồn một người anh và người cha Người ban cho các môn đệ mình trong hết mọi thời đại.

Nếu tất cả mọi lời của Người đều là thần thánh, thì những lời này có một giọng đặc biệt, vì chúng là những lời ở đó Ðấng là Thầy và Chúa gói trọn giáo lý ban sự sống của mình trong một chúc thư mà rồi sẽ là hiến chương cho các cộng đoàn Kitô sau này.

Vậy ta hãy đọc Lời sống tháng này là lời nằm trong chúc thư của Ðức Giêsu, với ước mong khám phá ra ý nghĩa sâu xa và ẩn tàng của nó, để có thể làm thấm nhuần toàn thể cuộc sống ta.

Khi đọc chương này trong Tin mừng Gioan, điều đầu tiên đập vào mắt ta là hình ảnh cây nho và cành nho, hình ảnh quen thuộc đối với một dân đã trồng nho từ hàng thế kỷ. Và họ biết rõ là chỉ có cành nào tháp chặt vào thân cây thì lá mới có thể xanh tươi và mang nhiều trái. Ðang khi cành nào bị cắt đi, thì khô héo và chết. Không có một hình ảnh nào mạnh hơn để nói về bản chất của mối liên lạc giữa ta với Ðức Kitô.

Nhưng trong trang Tin mừng này cũng có một từ được nhấn mạnh là từ "ở lại", theo nghĩa đó là sự ràng buộc chặt chẽ và hội nhập sâu xa vào Ðức Kitô; đó là điều kiện để nhận được nhựa sống làm cho ta sống nhờ chính sự sống của Người. "Anh em hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại nơi anh em", "Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái". "Ai không ở lại trong Thầy, thì bị quăng ra ngoài như cành nho" . Như vậy động từ "ở lại" phải có một ý nghĩa và giá trị cốt yếu cho đời sống Kitô hữu.

"Nếu anh em ở lại trong Thầy và lời Thầy ở lại trong anh em, thì muốn gì anh em cứ xin, anh em sẽ được như ý"

"Nếu". Từ "nếu" chỉ một điều kiện xem ra không phải ai cũng giữ được, nếu Thiên Chúa không đến gặp gỡ người đó. Hơn nữa, nếu Người không xuống với nhân loại đến chỗ nên một với con người. Có thể nói, chính Người đã tự tháp nhập vào thân xác ta qua phép Rửa và làm cho thân xác đó sống động nhờ ân sủng của Người.

Sau đó tùy thuộc nơi ta việc thể hiện trong cuộc sống điều mà phép Rửa đã thực hiện và khám phá ra những sự phong phú khôn lường Người đã đặt ở đó.

Bằng càch nào? Bằng cách thực hành Lời Chúa, làm cho lời ấy sinh hoa kết quả, làm cho lời ấy ở lại trong cuộc sống ta. Ở lại nơi Người có nghĩa là làm thế nào để lời của Người ở lại nơi ta, không phải như những cục đá nằm dưới đáy giếng, mà như hạt giống dưới đất, để rồi đến lúc chúng sẽ nẩy mầm và sinh hoa trái. Nhưng, như chính Ðức Giêsu giải thích trong đoạn Tin mừng này, trước hết ở lại trong Người có nghĩa là ở lại trong Tình thương của Người . Chính đó là nhựa sống từ rễ đi lên, đi vào thân cây, cho đến những cành xa nhất. Chính tình thương là điều nối kết ta với Ðức Giêsu, làm cho ta nên một với Người, như ngày nay ta nói, giống như những phần thể "ghép" vào thân thể của Người; và tình thương là thực hành những điều răn Người dạy, tất cả được tóm lại trong điều răn cao cả và mới mẻ là thương yêu lẫn nhau.

Và hầu như để ta vững dạ, ngõ hầu ta có thể xác nhận một lần nữa là ta có thể được tháp nhập vào Người, Người hứa rằng mọi lời cầu xin của ta đều được chấp nhận.

"Nếu anh em ở lại trong Thầy và lời Thầy ở lại trong anh em, thì muốn gì anh em cứ xin, anh em sẽ được như ý"

Nếu chính Người xin thì không thể không được. Và nếu chúng ta hợp nhất với Người, thì chính Người cầu xin nơi ta. Vậy nếu ta cầu nguyện, và xin Chúa điều gì, thì ta hãy tự hỏi mình trước xem ta có thực hành lời Chúa không, ta có luôn ở lại trong tình thương không. Ta hãy tự hỏi mình có nên lời sống động của Người không, có nên một dấu hiệu cụ thể về tình thương của Người đối với mọi người không và đối với mỗi người ta gặp không. Cũng có thể là ta xin ơn, nhưng không có ý định muốn sống cuộc đời ta hợp với những gì Thiên Chúa đòi hỏi cả.

Như vậy Người nhận lời ta thì có phải không? Và lời cầu nguyện ấy sẽ không khác sao, nếu nó phát xuất từ mối hợp nhất giữa ta với Ðức Giêsu, và nếu chính Người nơi ta nói lên những lời cầu xin với Chúa Cha?

Vậy ta hãy xin bất cứ điều gì, nhưng trước tiên hãy lo thực hành ý Người, lời Người, ngõ hầu không còn phải là ta sống, mà chính Người sống nơi ta.

Chiara Lubich


Trở Về Trang Mục Lục
Trở Về Trang Nhà