Tháng Bẩy 2000

 

"Khi tôi yếu chính là lúc tôi mạnh"
(2Cr 12:10)

Thánh Phaolô cho biết ngài đã nhận được những mạc khải cao cả1. Nhưng Thiên Chúa cũng cho phép thánh nhân bị những thử thách nặng nề và, trong số đó một thử thách đặc biệt liên tục dày vò ngài. Có lẽ đó là một bệnh tật, một khó chịu liên miên nơi thể xác, điều mà ngoài việc làm thánh nhân rất khó chịu, còn ngăn cản hoạt động của thánh nhân và làm cho ngài cảm thấy rõ ràng giới hạn con người của mình.

Thánh Phaolô liên tiếp nài xin Chúa giải thoát ngài khỏi đau khổ này, cho đến khi ngài được mạc khải về lý do của thử thách ấy và về quyền năng Thiên Chúa tỏ hiện hoàn toàn trong sự yếu đuối của ta; điều đó chỉ nhằm một mục đích là nhường chỗ cho sức mạnh của Ðức Kitô mà thôi2.

Chính vì vậy mà thánh Phaolô có thể nói:

"Khi tôi yếu chính là lúc tôi mạnh"

Lý trí của ta chống lại một xác quyết như vậy, bởi vì nó thấy ở đó một sự mâu thuẫn hay một sự nghịch lý táo bạo. Trái lại xác quyết đó nói lên một trong những sự thật cao cả nhất của đức tin Kitô giáo. Ðức Giêsu giải thích điều đó cho ta bằng cuộc sống của Người và nhất là với cái chết của Người.

Khi nào Người đã chu toàn Công cuộc Chúa Cha trao phó cho Người? Khi nào Người đã cứu độ nhân loại? Khi nào Người đã chiến thắng tội lỗi? Khi Người chết trên thập giá, bị đè bẹp hoàn toàn, sau khi kêu lớn tiếng: "Lạy Chúa tôi, lạy Chúa tôi, sao Chúa bỏ tôi"3

Ðức Giêsu nên mạnh hơn chính khi Người thành yếu hơn. Lúc đó Ðức Giêsu đã có thể làm nẩy sinh một dân mới của Thiên Chúa chỉ bằng lời giảng dậy của Người và với thêm một vài phép lạ hoặc một vài cử chỉ khác thường. Trái lại Người đã không làm như vậy. Không, bởi vì Giáo hội là công trình của Thiên Chúa và chính trong đau khổ và chỉ nơi đau khổ mà các công trình của Thiên Chúa nẩy nở.

Vậy trong sự yếu đuối của ta, trong kinh nghiệm về sự dòn mỏng của ta dấu ẩn một dịp duy nhất: dịp để ta nghiệm được sức mạnh về cái chết và sống lại của Ðức Kitô và có thể khẳng định với thánh Phaolô rằng:

"Khi tôi yếu chính là lúc tôi mạnh"

Mọi người chúng ta đều trải qua những giây phút yếu đuối, vỡ mộng, thất vọng. Chúng ta thường phải chịu những đau khổ đủ loại: thù nghịch, tình trạng đau khổ, bệnh tật, cái chết, những thử thách nội tâm, những hiểu lầm, cám dỗ, thất bại. Lúc đó ta phải làm gì? Ðể trung thành với Kitô giáo và nếu muốn sống Ðạo cách triệt để, ta phải tin rằng đó là những giây phút rất quý báu.

Tại sao? Tại vì chính người nào cảm thấy mình không có khả năng thắng vượt những thử thách đổ xuống trên thân xác và tâm hồn mình, nên không thể cậy vào sức riêng mình, thì người đó ở trong tình trạng phải phó thác nơi Thiên Chúa.

Lúc đó bị hấp dẫn bởi lòng phó thác ấy, Thiên Chúa can thiệp. Ở đâu Chúa tác động, Người làm những việc lớn lao, xem ra chúng lớn hơn, chính vì phát sinh từ sự nhỏ bé của ta.

Vậy ta hãy ca ngợi sự bé nhỏ ấy của ta, bởi vì nhờ đó ta có thể nhường chỗ cho Thiên Chúa và được Người ban sức mạnh để tiếp tục "trông cậy mặc dù không còn gì để cậy trông"4 cùng mến yêu cụ thể cho đến cùng.

Như tại Thụy sĩ chuyện đã xẩy đến cho cha mẹ một người xì ke mà ông bà không để ý và đã thử mọi cách để chữa chạy cho đứa con. Nhưng vô ích. Một hôm người con không về nhà nữa. Cha mẹ cảm thấy mình có lỗi, sợ hãi, bất lực, xấu hổ. Nhưng đó là cuộc gặp gỡ với vết thương đặc biệt của xã hội chúng ta, ở đó họ nhìn thấy gương mặt của Ðức Kitô bị đóng đinh, và tìm được sức mạnh mới để tiếp tục hi vọng cùng mến yêu.

Khi vượt thắng được giới hạn và sự bất lực, những người trong gia đình cảm thấy trong lòng một năng lực chưa hề biết đến và rộng mở đến thái độ liên đới. Họ tổ chức một nhóm các gia đình để đương đầu với tình cảnh này, họ giúp đỡ và đưa đồ ăn cùng trà đến cho những người trẻ ở quảng trường Platzspitz, lúc đó là hỏa ngục xì ke ở thành phố Zurich. Ở đó một hôm họ tìm lại được đứa con, bơ phờ và yếu đuối. Với sự giúp đỡ của những gia đình khác, họ đã có thể bắt đầu và đi đến cùng cuộc hành trình giải phóng lâu dài cho đứa con.

Chiara Lubich


Trở Về Trang Mục Lục
Trở Về Trang Nhà