TÔNG ĐỒ GIÁO DÂN

PHƯƠNG DIỆN GIÁO LUẬT VÀ MỤC VỤ

Lm. Giuse Huỳnh Văn Sỹ

(gpquinhon.org) Chúa nhật - 06/10/2013 06:06

DẪN NHẬP

Sắc lệnh Tông đồ giáo dân Apostolicam Actuositatem của công đồng Vaticanô II đã xác định vai trò quan trọng của tông đồ giáo dân trong Hội Thánh, đưa ra những hình thức tông đồ thích hợp với hoàn cảnh, đồng thời nhấn mạnh đến nhu cầu và cách thức đào tạo giáo dân thích hợp cho các hoạt động tồng đồ. Kể từ công đồng Vaticanô II, vai trò của người giáo dân trong Giáo Hội ngày càng được đề cao nhiều hơn.

Sự tham gia và cộng tác của người giáo dân vào hoạt động tông đồ trong Giáo Hội có một nền tảng thần học-pháp lý nhất định. Bộ giáo luật đã dành riêng nhiều khoản luật liên quan đến người giáo dân. Trong nhiều điều bàn về bổn phận và quyền lợi của người tín hữu nói chung và người giáo dân nói riêng[1], liên quan đến tông đồ giáo dân, giáo luật điều 225§1 nói rõ «Vì các giáo dân cũng như mọi Kitô hữu đều được Thiên Chúa uỷ nhiệm sứ vụ tông đồ qua phép rửa tội và phép thêm sức, cho nên họ có những nghĩa vụ chung và với tính cách cá nhân hay tập hợp thành những hiệp hội, họ có quyền làm cho sứ điệp cứu độ của Thiên Chúa được mọi người khắp thế giới nhận biết và đón nhận; nghĩa vụ này càng thúc bách hơn trong những hoàn cảnh mà chỉ nhờ họ, người ta mới có thể nghe Phúc Âm và nhận biết Đức Kitô». Khoản luật nầy gần như lập lại những điều đã nói tại các điều 208, 210 và 211[2].

Đối với giáo phận chúng ta, từ trước đến nay vẫn thường chú trọng đến hoạt động tông đồ giáo dân, đặt biệt qua các tổ chức công giáo tiến hành, các hội đoàn. Những năm gần đây giáo phận trên đường Tân Phúc Âm hóa và trong lộ trình chuẩn bị mừng kỷ niệm 400 năm lần đầu tiên Tin Mừng đến Nước Mặn, các Đấng Bản quyền lại càng quan tâm hơn đến hoạt động tông đồ giáo dân, cụ thể là việc tổ chức và sinh hoạt các hội đoàn.

Trong bài nầy, chúng ta không đào sâu về nền tảng thần học của tông đồ giáo dân, nhưng sẽ xét phương diện pháp lý và mục vụ theo vài khía cạnh: tông đồ giáo dân vừa là nghĩa vụ vừa là quyền của người giáo dân với những ý nghĩa sâu sắc; hoạt động tông đồ giáo dân bằng phương cách tập thể: hội đoàn, quá khứ và hiện tại đều cho thấy các hội đoàn có vị trí đặc biệt trong đời sống Giáo Hội, cũng như vai trò quan trọng của những người hữu trách, đặc biệt là hàng giáo phẩm, cha sở đối với hội đoàn. Trong hoàn cảnh hiện nay, chúng ta xét xem cần phải làm gì để việc tông đồ giáo dân cách riêng là sinh hoạt hội đoàn trong giáo xứ được thêm sinh động và hiệu quả hơn.

I. QUYỀN và NGHĨA VỤ TÔNG ĐỒ GIÁO DÂN 

Hệ thống pháp lý của mỗi xã hội đều xác định những bổn phận và quyền lợi của các phần tử của mình. Đó là điều cần thiết trong đời sống chung. Đời sống Giáo Hội cũng có nét tương tự. Thật vậy, Giáo Hội do Đức Kitô được thiết lập và tổ chức trên trần gian này như một xã hội nhằm đem ơn cứu rỗi cho con người[3]. Giáo Hội là một pháp nhân[4], có thẩm quyền tài phán và cai quản theo hệ thống pháp lý của mình[5]. Nhờ bí tích rửa tội, một người được sáp nhập vào Giáo Hội Chúa Kitô và trở thành một thể nhân trong Giáo Hội, với những nghĩa vụ và quyền lợi riêng[6]. Để hiểu sâu xa hơn về quyền lợi và nghĩa vụ của người giáo dân trong hoạt động tông đồ, chúng ta sẽ tìm hiểu về ý nghĩa của nó trong đời sống Giáo Hội.

1. Quyền - quyền lợi

Hạn từ “quyền”, “quyền lợi” xuất phát từ gốc tiếng hy lạp và latin: Ius[7]. Theo nguyên ngữ latin, từ ius, có 3 ý nghĩa căn bản: điều công bằng- công lý, luật pháp và quyền-quyền lợi[8]. Ba nghĩa nói trên của ius liên hệ chặt chẽ nhau. Quyền, quyền lợi của một chủ thể không những đòi hỏi một sự tôn trọng đúng đắn mà còn phải được pháp luật thừa nhận đồng thời phải phân phối các bổn phận và quyền lợi sao cho công bằng[9].

Trong Giáo Hội, như chúng ta biết, «nhờ bí tích rửa tội, con người được sáp nhập vào Giáo Hội Chúa Kitô và trở thành một thể nhân trong Giáo Hội, với những nghĩa vụ và quyền lợi riêng của người Kitô hữu, tuỳ theo hoàn cảnh của họ, trong mức độ họ hiệp thông với Giáo Hội, và miễn là họ không bị ngăn trở bởi một hình phạt đã được tuyên bố cách hợp pháp»[10]. «Những người kitô hữu tạo thành dân Chúa, và vì lý do này họ được tham dự vào chức vụ tư tế, ngôn sứ và vương giả của Đức Kitô theo cách thế riêng của mình, mỗi người tuỳ theo hoàn cảnh riêng của mình được kêu gọi thi hành sứ mạng Thiên Chúa đã uỷ thác cho Giáo Hội chu toàn trên trần gian»[11].

Quyền lợi trong Giáo Hội có một ý nghĩa đặc biệt. Thật vậy, quyền lợi ở đây không thể nhìn dưới nhãn quan đối kháng hay phân cực như trong tương quan giữa các cá nhân với nhà cầm quyền dân sự xét vì nhà cầm quyền có thể nhiều khi không đếm xỉa đến quyền lợi của cá nhân mà chỉ coi trọng công ích nên tìm cách đặt ra những hạn chế đối với các quyền lợi cá nhân[12].

Các quyền của người tín hữu không chỉ để bảo vệ hay làm thỏa mãn lợi ích cá nhân nhưng còn để phục vụ lợi ích chung, chẳng hạn như quyền loan báo Tin Mừng, quyền tham gia công giáo tiến hành, quyền tổ chức các hiệp hội, quyền hoạt động tông đồ... Dù có những quyền mang tính cách cá nhân đi nữa thì chúng ta cũng dễ dàng nhận ra mối liên hệ của nó với sứ vụ ad intra  ad extra của Giáo Hội[13]. Trong Giáo Hội, quyền bính là để phục vụ[14] theo gương Đức Kitô, Đấng «đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến mạng sống mình làm giá chuộc muôn người» (Mc 10,45).

Trong Giáo Hội, «thứ nhất, những quyền lợi của những người đã được rửa tội biểu hiện sự bình đẳng trong phẩm giá và trong hành động nhờ bí tích rửa tội. Mọi tín hữu đều được mời gọi nên thánh và phục vụ sứ mệnh cứu rỗi của Giáo Hội. Thứ hai, những quyền lợi trong Giáo Hội là để nâng cao phẩm giá của người tín hữu và luôn luôn nhằm đến sự thăng tiến ngày càng cao hơn. Những quyền lợi nầy không phải được ban cấp do một quyền bính ngoại tại nào đó nhưng hơn hết xuất phát từ chính tư cách “persona” của họ trong Giáo Hội. Thứ ba, những quyền lợi nầy xác định ý nghĩa tự do Kitô giáo và có hiệu quả như một phương thế chính đáng được phép»[15].

Khái niệm về quyền, quyền lợi có ý nghĩa đặc biệt dưới ánh sáng mục đích siêu nhiên của Giáo Hội. Thật vậy, «chính công cuộc cứu độ đòi hỏi tín hữu phải lưu tâm phân biệt đâu là quyền lợi và nghĩa vụ của họ với tư cách một phần tử của Giáo Hội, đâu là quyền lợi và nghĩa vụ với tư cách một phần tử trong xã hội loài người. Họ phải cố gắng hòa hợp cả hai loại nghĩa vụ và bổn phận đó với nhau, và hãy nhớ rằng trong mọi lãnh vực trần thế, lương tâm Kitô giáo phải luôn hướng dẫn họ, vì không một hoạt động nào của con người, dù thuộc phạm vi trần thế, có thể vượt khỏi quyền thống trị của Thiên Chúa. Vì thế, trong thời đại chúng ta, hơn bao giờ hết, người tín hữu cũng phải làm sáng tỏ sự phân biệt và hòa hợp các nghĩa vụ và bổn phận này trong phương thức hành động của họ, để sứ mệnh của Giáo Hội có thể đáp ứng những hoàn cảnh đặc biệt của thế giới ngày nay cách trọn vẹn hơn»[16].

2. Bổn phận - nghĩa vụ

Giữa quyền lợi và bổn phận có mối tương quan chặt chẽ. Mối tương quan nầy logic, nền tảng và không thể tách rời. Mỗi một quyền lợi đều ám chỉ một bổn phận hay nghĩa vụ tương ứng kèm theo và ngược lại. Điều nầy cũng được bộ giáo luật nhấn mạnh trong quyển II, đề mục I và II, trong đó cả hai hạn từ nghĩa vụ và bổn phận được dùng trong tương quan với quyền lợi[17]. Hạn từ nghĩa vụ và bổn phận có thể được coi gần như đồng nghĩa với nhau, tuy nhiên giữa chúng có sự khác biệt về ý nghĩa, tùy thuộc văn mạch sử dụng khác nhau[18].

a. Bổn phận

Bổn phận có thể hiểu đó là mối ràng buộc giữa con người với nhau, nhờ đó một người có thể yêu cầu người khác điều gì đó như một sự bắt buộc luân lý phải chu toàn vì quyền lợi người khác, trong đó vừa không được cản trở người khác thực hiện quyền của mình vừa phải chu toàn việc người khác yêu cầu[19].

Từ “bổn phận” được dịch từ tiếng latin officium có nguồn gốc từ tiếng efficiere, có nghĩa là một hoạt động, hành động phải thực hiện vì người khác. Nói chung, hạn từ bổn phận diễn tả một trách nhiệm, một sự cần thiết luân lý phải làm hay không được làm điều gì đó. Như vậy, từ bổn phận để chỉ về một hành vi hay một sự từ khước điều gì đó do luật quy định[20]. Trong tiếng việt, bổn phận có nghĩa là việc phải lo liệu, phải làm theo đạo lý thông thường[21], tức là sự ràng buộc có tính luân lý hơn là pháp lý.

Nên biết hạn từ officium được dùng trong bộ giáo luật đến 272 lần[22] và có những nghĩa khác nhau tùy theo văn mạch. Officium có nghĩa thứ nhất là “bổn phận”. Nhiều khoản luật sử dụng hạn từ theo nghĩa nầy dưới dạng như “officium et ius” o “ius et officium”, “officio teneri”.... Ý nghĩa thứ hai và chính yếu của officium nói đến tại điều 145§1, tức là về giáo vụ và ý nghĩa thứ ba của nó là văn phòng, cơ quan quản trị công[23].

b. Nghĩa vụ

Từ “nghĩa vụ”, trong tiếng latin là obligatio, có nghĩa là một sự bắt buộc (ligare) thực hiện một nhiệm vụ nào đó do lời hứa[24]. Theo các nhà triết học và luân lý, danh từ nghĩa vụ có ý nghĩa rất rộng: đó là những gì chúng ta có thể làm hay không được làm (không lệ thuộc vào ý thích của mình) trong phạm vi nào đó, hay việc phải làm (dù không bị cưỡng bức); đó cũng là những gì mà chúng ta phải làm, hay không được làm vì nó bất hợp pháp hay do xấu hổ; hoặc đó là việc phải làm do sự bắt buộc có tính luân lý hoặc pháp lý[25]. Trong tiếng việt, nghĩa vụ cũng có nghĩa tương tự: nghĩa vụ là việc mà pháp luật hay đạo đức bắt buộc phải làm đối với xã hội, đối với người khác [26].

Ý nghĩa thực sự của hạn từ “nghĩa vụ” ở chỗ nó không chỉ là một trách nhiệm pháp lý đối với người nào đó mà nó còn diễn tả một sự tự do thực sự để thực hiện nhiệm vụ đó. Bởi vậy, nghĩa vụ còn được hiểu là sự tự do chu toàn một việc bắt buộc đối với một người nào đó do luật luân lý hay luật thiết định ấn định. Trong việc thực hiện nầy, cần có sự tôn trọng quyền lợi, tự do của người khác và cả công ích nữa[27]. Vậy có sự hỗ tương giữa nghĩa vụ và bổn phận và hạn từ nghĩa vụ có ý nghĩa rộng hơn là bổn phận.

Trong bộ giáo luật, từ obligatio được dùng 171 lần[28] và được hiểu là nghĩa vụ hay bổn phận tùy văn mạch, chẳng hạn như obligationum et iurium, oiuribus obligationibus[29], obligatio teneri[30] et obligatio adstringi[31]. Cụ thể như trong điều 226§1 sử dụng từ officium (officio tenentur) để chỉ một bổn phận có tính luân lý của người giáo dân sống trong bậc hôn nhân gia đình, thì cũng trong khoản luật đó ở §2, từ obligatio lại được sử dụng để chỉ một nghĩa vụ pháp lý nghiêm nhặt (gravissima obligatione tenentur) của các bậc cha mẹ[32].

3. Nguyên tắc nền tảng của nghĩa vụ và quyền lợi

Như đã nói, việc tông đồ giáo dân vừa là nghĩa vụ vừa là quyền của người giáo dân. Quyền và nghĩa vụ nầy không phải được hiểu như trong xã hội trần thế, nhưng được đặt trên những nguyên tắc nền tảng trong đời sống Giáo Hội.

Nhờ lãnh nhận bí tích rửa tội hữu hiệu mà một người được sáp nhập vào Giáo Hội và từ đó phát sinh nghĩa vụ và quyền lợi của người kitô hữu. Nói cách khác, nghĩa vụ và quyền lợi đó có một nguồn phát sinh đặt biệt và một khung cảnh để thực thi. Nghĩa vụ và quyền lợi nầy được dựa trên năm nguyên tắc: hiệp thông, truyền giáo, công ích, salus animarum và đồng trách nhiệm[33]. Chúng ta sẽ lần lượt đề cập đến 5 nguyên tắc nầy.

a. Hiệp thông (communio)

Theo giáo luật điều 96, nhờ bí tích rửa tội mà các kitô hữu sáp nhập vào Giáo Hội của Đức Kitô và trở thành một persona trong Giáo Hội với những nghĩa vụ và quyền lợi nhất định. Do đó những ai đã nhận bí tích rửa tội hữu hiệu thì giữa họ có môt sự hiệp thông sâu xa. Tất cả mọi Kitô hữu đều thực sự bình đẳng với nhau về phẩm giá và về hành động, nhờ đó họ cùng cộng tác vào việc xây dựng Thân Mình Đức Kitô, tuỳ theo ơn gọi, điều kiện giáo luật; theo hoàn cảnh và nhiệm vụ riêng của mình[34]. «Nhờ bí tích rửa tội, tư cách pháp lý của mỗi người tín hữu không bị thay đổi và xóa bỏ. Tuy nhiên khả năng hành động pháp lý tức là tự do thực thi nhiệm vụ với tư cách một thể nhân thì cần phải có sự hiệp thông Giáo Hội»[35]. Đối với người giáo dân, công đồng Vaticanô II dạy rằng «giáo dân được hiểu là tất cả những Kitô hữu không thuộc hàng giáo sĩ và bậc tu trì được Giáo Hội công nhận; nghĩa là những Kitô hữu đã được tháp nhập vào Thân Thể Chúa Kitô nhờ phép Thánh Tẩy, đã trở nên Dân Thiên Chúa, và tham dự vào chức vụ tư tế, tiên tri và vương giả của Chúa Kitô theo cách thức của họ; họ là những người đang thực hiện sứ mệnh của toàn dân Kitô giáo trong Giáo Hội và trên trần gian theo phận vụ riêng của mình»[36]. Như vậy, người giáo dân nhờ hiệp thông nói trên mà có đồng trách nhiệm, cùng với hàng giáo sĩ và tu sĩ, trong sứ vụ của Giáo Hội. Sự hiệp thông được coi như một khung cảnh (context, framework) nền tảng để người tín hữu thực thi quyền và nghĩa vụ của mình trong Giáo Hội[37].

b. Truyền giáo (missio)

«Tự bản tính, Giáo Hội lữ hành phải truyền giáo»[38] và mọi Kitô hữu đều có quyền và bổn phận tham dự vào sứ vụ nầy của Giáo Hội[39]. Giáo Hội đã lãnh nhận từ Đức Kitô, Đấng sáng lập của mình, sứ vụ loan báo tin mừng và thiết lập vương quốc của người cho mọi dân nước. Do đó mọi thành phần của Giáo Hội có đồng trách nhiệm trong sứ vụ nầy và bình đẳng trong phẩm giá và trong hành động[40]. Cả bộ giáo luật latin CIC (Codex Iuris Canonici) và bộ giáo luật của các Giáo Hội Đông Phương CCEO (Codex Canonum Ecclesiarum Orientalium) đã lấy lại đạo lý trên của công đồng và khẳng định đây là nền tảng cho quyền và bổn phận của người tín hữu đối với công cuộc Phúc âm hóa[41].

Trong tông huấn Người Kitô hữu giáo dân, Christifideles laici, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã lưu ý sự liên hệ gần gũi giữa sự hiệp thông và sứ vụ truyền giáo. Thật vậy, «sự hiệp thông và việc truyền giáo gắn liền với nhau, xâm nhập và quấn quít nhau và đã trở nên như nguồn mạch, và là hoa trái của việc truyền giáo. Hiệp thông là truyền giáo, và truyền giáo có mục đích thể hiện sự hiệp thông»[42]. Chúng ta có thể nói rằng, trong Giáo Hội, sự hiệp thông không phải chỉ là để hiệp thông nhưng là vì sứ vụ truyền giáo. Mọi nghĩa vụ và quyền lợi của người kitô hữu được phát sinh từ hai chiều kích nầy của Giáo Hội[43].

Đối với giáo dân, «vì họ tham dự thực sự vào nhiệm vụ tư tế, tiên tri và vương đế của Chúa Kitô, nên họ chu toàn phần việc của mình trong sứ mệnh của toàn dân Thiên Chúa trong Giáo Hội và ở giữa trần gian»[44]. Cụ thể, những người trong bậc sống hôn nhân và gia đình có sứ mạng tông đồ đặc biệt. Trong gia đình kitô hữu, mọi thành viên phải thực thi Phúc âm hóa và cũng được Phúc âm hóa nhờ đời sống yêu thương và trung thành với Thiên Chúa[45]. Đối với các bậc làm cha mẹ, «qua bí tích hôn phối, sứ mạng giáo dục được nâng lên thành phẩm giá và ơn gọi của một “thừa tác vụ” đích thực trong Giáo Hội để phục vụ việc xây dựng các chi thể của Giáo Hội. Thừa tác vụ giáo dục của các cha mẹ Kitô hữu thật lớn lao và thật đẹp»[46].

c. Công ích

Nguyên tắc thứ ba là về công ích. Giáo luật điều 223 lưu ý rằng «khi hành sử các quyền của mình, với tính cách cá nhân hay tập hợp thành những hiệp hội, các Kitô hữu phải xét đến lợi ích chung của Giáo Hội cũng như quyền lợi của người khác, và những bổn phận của họ đối với tha nhân». Công ích, quyền lợi của người khác và những bổn phận đối với tha nhân tạo nên những giới hạn khi thực thi quyền của cá nhân trong cộng đoàn Giáo Hội.

Công ích về căn bản đó là một nguyên tắc tổng hợp của sự hợp nhất, bình đẳng, đồng trách nhiệm và thông dự[47]. Đối với công ích của Giáo Hội, chúng ta có thể nói một cách đơn giản rằng nó hệ tại trong việc tuân giữ những nghĩa vụ và quyền lợi của người tín hữu trong môi trường Giáo Hội địa phương của họ[48].

d. Salus animarum

Nguyên tắc thứ tư đó là những nghĩa vụ và quyền lợi trong Giáo Hội phải nhằm tới salus animarum. Đối với Giáo Hội đó là một nguyên tắc tối thượng[49]. Trong Giáo Hội quyền lợi và nghĩa vụ là những phương tiện để đạt tới mục đích nầy.

Ở đây chúng ta cũng thấy mối liên hệ giữa công ích của Giáo Hội với quyền lợi cá nhân, tức là phần rỗi các linh hồn.

e. Đồng trách nhiệm

Nguyên tắc thứ năm là đồng trách nhiệm. Các khoản luật 209, 210 và 211 diễn tả những việc đồng trách nhiệm căn bản đối với người tín hữu. Đó là duy trì sự hiệp thông với Giáo Hội, cố gắng sống thánh thiện và cổ vũ cho Giáo Hội được phát triển và được thánh hoá không ngừng; mọi Kitô hữu có bổn phận và có quyền hoạt động cá nhân hay tập thể theo hội đoàn để Tin mừng càng ngày càng được truyền đạt tới toàn thể nhân loại trong mọi thời và mọi nơi.

Nguyên tắc đồng trách nhiệm có một tầm quan trọng đặc biệt vì «nguyên tắc nầy được coi như là một tảng đá góc trong hệ thống giáo luật»[50].

Nói tóm lại, trong Giáo Hội, nghĩa vụ-bổn phận, quyền-quyền lợi obligatio, officium et ius là những phương tiện và định hướng cho việc đạt đến mục đích siêu nhiên của Giáo Hội. Hệ thống pháp lý của Giáo Hội đều nhằm đến mục đích tối hậu: salus animarum. Tất cả các tín hữu với tư cách là một thể nhân (perssona) của Giáo Hội nhờ bí tích rửa tội nên được thông dự vào ba sứ mạng của Đức Kitô (ngôn sứ, tư tế và vương đế) với những nghĩa vụ và quyền lợi xác định. Hoạt động tông đồ, một nghĩa vụ và quyền của người giáo dân phải được nhìn trong viễn tượng nầy.

(còn nữa)


[1] Xem Giáo luật [=GL] quyển II, phần I, đề mục II “De obligationibus et iuribus christifidelium laicorum”, các điều 224-231.

[2] GL điều 208: Nhờ được tái sinh trong Đức Kitô, tất cả mọi Kitô hữu đều thực sự bình đẳng với nhau về phẩm giá và về hành động, nhờ đó họ cùng cộng tác vào việc xây dựng Thân Mình Đức Kitô, tuỳ theo hoàn cảnh và nhiệm vụ riêng của mình. Điều 210: Tất cả mọi Kitô hữu, tuỳ theo hoàn cảnh riêng của mỗi người, phải cố gắng sống thánh thiện và cổ vũ cho Giáo Hội được phát triển và được thánh hoá không ngừng. Điều 211: Tất cả mọi Kitô hữu có bổn phận và có quyền hoạt động để cho sứ điệp cứu độ của Thiên Chúa càng ngày càng được truyền đạt tới toàn thể nhân loại trong mọi thời và mọi nơi.

[3] Xem GL điều 204§2.

[4] Xem GL điều 113, 1258, 1752.

[5] Xem GL điều 129§1.

[6] Xem GL điều 96.

[7] Xem R. Pizzorni, Filosofia del diritto, Roma 1982, 20-40.

[8] Xem R. Pizzorni, Filosofia del diritto, Roma 1982, 22-35. để biết rõ thêm hạn từ ius, Xem J. Finnis, Legge naturale e diritti naturali, Torino 1996, 215-244; về lịch sử và ý nghĩa của hạn từ nầy trong giáo luật, xem C. J. Reid, «The thirteenth-century canon law and rights: the word ius and its range of subjective meanings», trong Studia canonica 30 (1996) 295-342.

[9] Xem R. J. Castilo Lara, «Diritti e doveri dei christifideles», trong Arcisodalizio Della Curia Romana (chủ biên), I laici nel diritto della Chiesa (Studi giuridici XIV), Città del Vaticano 1987, 29.

[10] GL điều 96.

[11] Xem GL điều 204.

[12] Xem P. Moneta, «Il diritto ai sacramenti dell’iniziazione cristiana», trong Monitor ecclesiasticus 115 (1990) 616.

[13] R. J. Castillo Lara, Diritti e doveri dei christifideles, trong Arcisodalizio Della Curia Romana (chủ biên), I laici nel diritto della Chiesa (Studi giuridici XIV), Città del Vaticano 1987, 38.

[14] Xem BỘ Các Dòng Tu và Tu Đoàn Tông ĐỒ, huấn thị Sự phục vụ của quyền bính và đức vâng lời, Rôma 11.5.2008.

[15] G. Aranha, The mission of the family in the Church in the light of can. 226§1, Roma 2002, 123.

[16] Công Đồng Vaticanô II, Hiến chế về Giáo Hội Lumen Gentium [=LG], số 36.

[17] G. Aranha, The mission of the family in the Church in the light of can. 226§1, Roma 2002, 121-122. Trong quyển I giáo luật, đề mục I có tựa đề: “nghĩa vụ và quyền lợi của mọi kitô hữu” và đề mục 2: “Nghĩa vụ và quyền lợi của giáo dân”, (obligationibus et iuribus). Tuy nhiên cả hai hạn từ nghĩa vụ và bổn phận (obligatio  officium) đều được sử dụng.

[18] Xem R. Guastini, «Dovere giuridico», in Enciclopedia giuridica, Roma 1989, vol. XII, 1-7; e «Obbligo», trong Enciclopedia giuridica, Roma 1990, vol. 31,1-6.

[19] R. M. Pizzorni, Filosofia del diritto, Roma 1971, 42-43.

[20] R. M. Pizzorni, Filosofia del diritto, Roma 1971, 43.

[21] Mục từ “Bổn phận” trong, Từ điển Tiếng Việt, Viện Ngôn Ngữ Học, NXB Từ điển bách khoa, Hà Nội, 2010.

[22] Xem G. Aranha, The mission of the family in the Church in the light of can. 226§1, Roma 2002, 125. Ci sono 243 volte come officium, 24 volte come officium ecclesiasticum e 5 volte come officium proprium. Xem X. Ochoa, Index verborum ac locutionum Codicis iuris canonici, Roma 1983, 286-288.

[23] A. Montan, «Ministeria, munera, offcia. I laici titolari di ufficio e di ministeri (cann. 238, 230, 274): precisazioni terminologiche», in Gruppo Italiano Docenti Di Diritto Canonico, I laici nella ministerialità della Chiesa (Quaderni della Mendola 8), Milano 2000, 115-117. Chẳng hạn như tại các GL điều 451; 470; 775.

[24] J. Finnis, Legge naturale e diritti naturali, Torino 1996, 326.

[25] J. Finnis, Legge naturale e diritti naturali, Torino 1996, 325.

[26] Mục từ “nghĩa vụ” trong Từ điển Tiếng Việt, Viện ngôn ngữ học, NXB Từ Điển Bách Khoa, Hà Nội, 2010.

[27] Xem G. Aranha, The mission of the family in the Church in the light of can. 226§1, Roma 2002, 126; A. Mendonça, «Promotion and protection of the rights in the Church», trong Philippiniana sacra 33 (1998) 439.

[28] Xem X. Ochoa, Index verborum ac locutionum Codicis iuris canonici, Roma 1983, 281-283.

[29] Xem GL điều 113§1, 145§2, 199§1, 199§3, 224, 273, 310, 405§1, 548§1, 614, 685§2, 710, 728, 737, 743, 744§1, 745, ecc.

[30] Xem GL các điều 127§2, 127§3, 128, 122, 222§1, 224, 225§1, 226§2, 229§1, 231§1, 273, 276§2, 277§1, 356, 387, 410, 414, 418§2, 427§1, 429, 437§1, 463§1, 528§1, 533§1, 534§1, 543§1, 543§3, 549, 550§1, 555§4, 562, 574, 774§2, 783, 798, 867§1, 885§1, 890, 916, 920§1, 949, 958§2, 981, 986§1, 986§2, 989, 1043, ecc.

[31] Xem GL các điều 209§1, 705, 748§1, 774§2, 793§1, ect.

[32] Xem E. Caparros, «Title II. The obligations and rights of the lay member of Christ’s faithful», trong Exegetical commentary on the code of canon law, vol. III/1, Montreal, Canada - Chicago, IL 2004, 167.

[33] Xem A. Mendonça, «Promotion and protection of rights in the Church», trong Philippiniana sacra 33 (1998) 445.

[34] Xem GL điều 208.

[35] L. Sabbarese, I fedeli costituiti popolo di Dio. Commento al Codice di diritto canonico, libro II, parte I, Roma 2000, 22. Về sự hiệp thông, giáo luật điều 205 minh định rằng «Những người đã được rửa tội, liên kết với Đức Kitô trong cơ cấu hữu hình của Giáo Hội công giáo bằng những dây liên kết của việc tuyên xưng đức tin, của các bí tích và của việc lãnh đạo của Giáo Hội, thì được hiệp thông trọn vẹn với Giáo Hội công giáo trên địa cầu này».

[36] LG số 31.

[37] A. Mendonça, «Promotion and protection of rights in the Church», in Philippiniana sacra 33 (1998) 445.

[38] Công ĐỒng Vaticanô II, Sắc lệnh truyền giáo Ad Gentes [=AG] số 2 và xem GL điều 781.

[39] Xem Công Đồng Vaticanô II, Sắc lệnh Tông đồ Giáo dân Apostolicam Actuositatem [=AA] số 2, và GL điều 211.

[40] Xem LG số 5; xem GL điều 208.

[41] Xem A. Mendonça, «Promotion and protection of rights in the Church», in Philippiniana sacra 33 (1998) 446. Xem GL điều 215, 216, 217, 225, 229, 271; 781, ecc; và trong bộ giáo luật các Giáo Hội đông phương (CCEO) các điều: 18, 19, 20, 401, 406, 360§1, 361, 362.

[42] Gioan Phaolô II, Tông huấn Người kitô hữu giáo dân, Christifideles laici số 32. [=Christifideles laici]

[43] A. Mendonça, «Promotion and protection of rights in the Church», trong Philippiniana sacra 33 (1998) 447.

[44] AA số 2,

[45] Phaolô VI, Tông huấn Evangelii nuntiandi, 8-12, 1975, AAS, 58 (1976) số 71 [= Evangelii nuntiandi]

[46] Gioan Phaolô II, Tông huấn về gia đình, Familiaris consortio số 38.

[47] A. Mendonça, «Promotion and protection of rights in the Church», trong Philippiniana sacra 33 (1998) 447.

[48] A. Mendonça, «Promotion and protection of rights in the Church», trong Philippiniana sacra 33 (1998) 447.

[49] Xem GL điều 1752.

[50] A. Mendonça, «Promotion and protection of rights in the Church», trong Philippiniana sacra 33 (1998) 448.


Trang Mục Vụ