Không gian kiến trúc nhà thờ

(gpquinhon.org) Chúa nhật - 05/01/2014 08:08

Nhà thờ Mằng Lăng

Giáo hạt Phú Yên, Giáo phận Qui Nhơn

Để góp phần trong việc xây dựng nhà thờ, xin chia sẻ một số suy nghĩ trong việc xây dựng không gian kiến trúc cho công trình thờ phượng. Ở đây gọi nhà thờ là tên gọi chung cho các công trình dành cho việc thờ phượng Thiên Chúa (Nhà thờ, Nhà nguyện, Vương cung thánh đường, Đền thờ, …).

Có hai loại không gian trong việc xây dựng nhà thờ, không gian bên ngoài và không gian bên trong.

Không gian bên ngoài :

Theo qui định của ngành xây dựng, diện tích xây dựng các công trình công cộng không được vượt quá số % diện tích sở hữu và khoảng lùi cần thiết cho công trình, tuỳ theo tính chất công trình và địa phương nơi có công trình xây dựng. Khi qui định như vậy, người ta đã tính đến không gian cần thiết cho sự thông thoáng, thoát hiểm, tầm nhìn của giao thông, phòng cháy chữa cháy, …Nhà thờ là một công trình thuộc loại công cộng, cần phải tôn trọng qui định này, không thể vì lý do cần diện tích sinh hoạt mà chúng ta bỏ qua, khi có những sự không may xảy ra, chúng ta sẽ ân hận. 

Khoảng không gian trước mặt tiền nhà thờ là khoảng không gian cần thiết phải qui hoạch, nhà thờ phải lùi lại để lộ khoảng không gian cần thiết này, ngoài lý do do qui định ngành xây dựng : 

- Cần khoảng lùi để người ta có thể chiêm ngắm được toàn vẹn nhà thờ là biểu tượng của lòng tin, là hình ảnh của Hội Thánh. Bầu khi đức tin cần cảm xúc này.

- Cần khoảng lùi vì khi người ta đến nhà thờ để thờ phượng Chúa, người ta cần một không gian tối thiểu để chuẩn bị tinh thần, một không gian tối thiểu để “dũ bỏ bụi trần”.

- Cần khoảng lùi vì đây là không gian cần thiết dành cho giáo dân khi cử hành các đại lễ mà nhà thờ không chứa hết, chúng ta sẽ lợi dụng mặt tiền nhà thờ hoặc sàn trệt tháp chuông làm lễ đài cử hành Thánh lễ (nếu tháp chuông ở mặt tiền nhà thờ).

Không gian bên ngoài nhà thờ cần xây dựng một không gian thoáng mát, thân thiện và nhân văn.

- Cây xanh sẽ giúp cho không gian này thoáng mát và thân thiện. Cần nghiên cứu trồng cây có tán cao để có bóng mát, không che tầm nhìn khi cử hành lễ ngoài trời, đồng thời trồng cây kiểng để trang trí công trình. Cố gắng giảm bê tông che đất, dành nhiều đất trồng cỏ để tăng thêm mầu xanh vốn rất cần cho sự thư giãn, giúp bổ xung mạch nước ngầm đã bị quá cạn kiệt. Tuỳ theo vùng miền mà chọn loại cây thích ứng với khí hậu, nhất là vùng mưa bão.

- Dĩ nhiên cần hàng rào bao quanh để gìn giữ nhà thờ. Giáo Hội theo quan điểm Công Đồng Vatican II không tự bao bọc lấy mình nhưng mở ra cho mọi người và đến với muôn dân (Các Hiến Chế: Lumen Gentium – Ánh sáng muôn dân, Ad Gentes – Đến với muôn dân.), vì thế không nên xây hàng rào kín cao như những lâu đài cổ, tách biệt, nhưng cần phải nhẹ nhàng thoáng mát. Có phần cốt liệu vững bền và chắc chắn làm căn bản, nhưng cũng cần cây xanh che phủ vừa trang trí vừa thoáng mát vừa thân thiện. Hàng rào cây xanh có tác dụng ngăn tiếng ồn và ngăn bụi (ngày nay nhà thờ thường xây dựng ngay bên đường giao thông).

- Nhà vệ sinh chung không thể không có chỗ ở một nơi nào đó trong sân nhà thờ. Người đến dự lễ rất cần khi có việc cần đến, bình thường cũng cần phải được vệ sinh đôi chút vì mưa gió hoặc đường xa. Ngày xưa nơi mỗi cửa nhà đều có chum nước mưa và cái gáo dừa cho khách đường xa, đây là nét nhân văn độc đáo của người việt.

Người Việt Nam chúng ta rất yêu quí thiên nhiên, các ngôi nhà truyền thống của chúng ta (nhà vườn) là những ngôi nhà chìm trong thiên nhiên, cây xanh bao quanh. Các công trình di sản văn hoá của chúng ta là các công trình chìm trong thiên nhiên, trong thế đất của núi đồi, sông ngòi, hồ ao. Quan tâm đến cây xanh chúng ta quan tâm đến không gian thân thiện.

Có một ngôi nhà thờ nọ toạ lạc trong một thành phố nổi tiếng về cây xanh nhưng không hề trồng cây, được biết giáo dân không thích trồng cây vì sợ cây che mất nhà thờ đẹp của giáo xứ ! Một công trình công cộng không có cây xanh thì thật là thô thiển và trơ trẽn.

Không gian bên trong:

Không gian bên trong nhà thờ gồm hai không gian chính: Cung thánh và vùng dành cho cộng đoàn dân Chúa.

Cung thánh là nơi cử hành hầu hết các bí tích, đặc biệt là cử hành Thánh lễ. Cung thánh cao đủ để mọi người ở mọi nơi trong nhà thờ đều có thể quan sát được mọi diễn tiến của lễ nghi, nhưng không cao quá khiến những người ngồi gần phải mỏi cổ.

Cung thánh chiếm một diện tích vừa phải, đủ để cử hành các nghi thức, không nên quá rộng “lấn át” không gian của cộng đồng dân Chúa. Chỉ một vài công trình cần không gian rộng để thường xuyên cử hành các nghi thức truyền chức, khấn, hoặc đồng tế đông linh mục, ngoài ra không nên nhà thờ nào cũng có cung thánh quá rộng gây lãng phí không gian. Lâu lắm mới có Thánh lễ đồng tế chúng ta có thể mượn các hàng ghế đầu của giáo dân cho các linh mục, như thế sẽ nhân bản hơn, công bằng hơn và tôn trọng người giáo dân hơn.

Ca đoàn là thành phần của cộng đoàn phụng vụ. Ngày nay người ta không để ca đoàn ở một nơi tách biệt, nhưng cần phải cẩn thận khi đặt ca đoàn lên phía sau cung thánh, cám dỗ biểu diễn và khoe y phục luôn rình rập anh chị em ca viên.

Vùng dành cho cộng đoàn dân Chúa. Ngày nay, theo quan điểm canh tân phụng vụ, người ta bố trí sao cho cộng đoàn phụng vụ vây quanh bàn tiệc thánh, tránh ngồi nhìn lên như quan điểm “xem lễ”. Diện tích xây dựng nhà thờ tuỳ thuộc vào không gian này.

Nên tính toán sao cho phù hợp. Tuỳ theo số giáo dân trong giáo xứ và tuỳ theo số giáo dân thường xuyên dự lễ mỗi ngày. Không nên xây quá lớn để mỗi ngày số giáo dân ít ỏi dự lễ lọt thỏm trong ngôi nhà thờ rộng mênh mông, lãng phí và vô lý, càng bất tiện hơn khi cử hành các lễ an táng hoặc hôn phối ngoài giờ, số người dự lễ giới hạn, nhà thờ rộng thênh thang mất bầu khi ấm cúng cần thiết. Ngày Chúa nhật hoặc các ngày có đông người dự lễ, chúng ta tính toán phát triển không gian bằng các cửa sổ và cửa ra vào hai bên hông nhà thờ, một hành lang dài và rộng giúp thêm không gian dự lễ, đồng thời không gian này rất cần thiết là không gian đệm thích ứng với vùng miền khi hậu nhiệt đới như nước ta.

Nhà thờ là hình ảnh của Giáo Hội, ngày nay Giáo Hội muốn xuất hiện giữa thế giới loài người trong dáng vẻ khiêm tốn, thân thiện, giản dị và khó nghèo (Dựng xây từ những viên đá sống động – UBGM. về Nghệ Thuật Thánh, Nxb Tôn giáo, số 29 và 30 trang 47 và 48). Đức Thánh Cha Phanxicô đang giúp chúng ta thực thi những hình ảnh đó. Người có trách nhiệm xây dựng nhà thờ phải đối diện với đòi hỏi này.

Tác giả bài viết: Lm. Vinh Sơn Phạm Trung Thành, CSsR. 

Nguồn tin: nghethuatthanh.net

 


Muc Luc Muc Vu