Huấn thị về cầu nguyện xin chữa lành bệnh

(congdiao.info) 7/8/2012 6:40:38 PM – Tác vụ chữa lành bệnh đã đóng một vai trò quá quan trọng trong cuộc đời Chúa Giêsu nên không thể nào các môn đệ Ngài lại không tiếp thực hiện việc làm của lòng nhân hậu Ngài cũng như việc Ngài phục hoạt sức khỏe thân xác hoặc tinh thần cho người ta.

  

 

Lời người dịch

Cầu nguyện xin chữa lành bệnh, kêu cầu Chúa Thánh Thần ban ơn đoàn sủng (có người dịch là đặc sủng) để người bệnh được chữa lành, đây là trào lưu đã được một số người công giáo háo hức đi theo, nhưng cũng làm cho nhiều tín hữu (kể cả các giám mục) e ngại.

Người theo thì cho rằng tham gia trào lưu cầu nguyện như thế sẽ mang lại hứng khởi cho việc sống đạo; hơn thế nữa, đây là một thể nghiệm đức tin mà kitô-hữu vào thời sơ khai của giáo hội đã kinh qua. Người đặt thành vấn đề thì cho rằng sư kiện này phát sinh do một trào lưu văn hóa tôn giáo nhất thời lẫn lộn ân sủng cuộc sống siêu nhiên với những xung động tâm lý. Nói cách khác, nhân danh lòng sùng đạo, người ta biến cuộc sống đức tin kitô giáo thành một hình thức ma thuật. Hơn thế nữa, việc tổ chức những nhóm cầu nguyện sinh hoạt bên ngoài và bên trên sinh hoạt mục vụ chung dưới sự chăn dắt của giáo hội qua các giám mục sở tại, tư nó đã là một dấu chỉ tiêu cực.

Trước thục trạng này, tháng 9 năm 2000.Thánh Bộ Tín Lý đã chính thức lên tiếng qua Huấn thị về cầu nguyện chữa lành bệnh.

Trước khi đi vào bản văn, chúng tôi xin giới thiệu một đoạn dẫn nhập của hồng y Suenens qua cơ sở FIAT do ngài sáng lập.

Nguyễn Đăng Trúc

Reichstett, Pháp, tháng 07 năm 2012

Dẫn nhập

Lời nhà xuất bản FIAT

Hồng y Suenens không bao giờ viết một tài liệu nào đặc loại để nói đến đoàn sủng chữa lành bệnh. Nhưng trong cuốn Một lễ Hiện Xuống mới?, ngài kêu gọi chúng ta tăng cường đức tin để đón nhận tất cả những ơn của Thánh Thần, kể cả đoàn sủng chữa lành bệnh. Đồng thời Đức hồng y cũng nhắc lại tầm quan trọng của sự suy xét và việc cần thiết phải có các hướng dẫn mục vụ, vì việc đó liên quan đến sự chân thật và đáng tin của Canh tân ‘trong Thánh Thần’. Ngài còn viết: “Các giám mục là người hướng dẫn tinh thần của dân Chúa cần phải gần với dân Ngài, đặc biệt trong các vấn đề tế nhị này, để tránh những sai lệch và hao sức vô ích.”

Bản phụ đính này góp lại nhiều tài liệu có thể giúp làm căn bản cho ai muốn hiểu về đoàn sủng chữa lành bệnh. Có nhiều bản văn trích dẫn; trước hết từ cuốn Một lễ Hiện Xuống mới?, tiếp đó là Hiến Chế Lumen Gentium cũng như Giáo Lý Công Giáo, và cuối cùng là toàn bản văn Huấn thị về cầu nguyện để xin chữa lành bệnh, được Thánh Bộ Tín Lý phổ biến vào tháng 9 năm 2000.

Hội đồng giáo hoàng về giáo dân đã tổ chức một cuộc thảo luận về ‘cầu nguyện xin chữa lành bệnh và Canh tân đoàn sủng trong Giáo hội công giáo’ từ ngày 10 đến ngày 13 tháng 11 năm 2001.

Đức Cha T. Bertone, Tổng thư ký của Thánh bộ Tín Lý đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng của tài liệu Huấn thị về cầu nguyện xin chữa lành bệnh, tổng kết lại những lối cầu nguyện hiện nay trong truyền thống của Giáo hội. Hồng y John Francis Strafford, chủ tịch Hội đồng giáo hoàng về giáo dân tuyên bố: “Lối tiếp cận về việc cầu nguyện xin chữa lành bệnh qua cái nhìn tín lý, lịch sử, linh đạo và giáo luật, rất là tích cực.” Hội đồng giáo hoàng về giáo dân cho rằng một trong những kết quả của cuộc thảo luận này về lâu dài sẽ là ‘việc mở vòng trói buộc’ để chân nhận những đoàn sủng của các cộng đoàn mới và việc đưa họ hội nhập vào sinh hoạt mục vụ giáo xứ.

Điểm cuối này hoàn toàn đi liền với ước vọng của hồng y Suenens: “Ước gì Canh tân trong Thánh Thần không phải là một phong trào trong Giáo hội, nhưng là Giáo hội đang chuyển mình".

Trích dẫn

1. Từ cuốn ‘Một lễ Hiện Xuống mới?’

“Tác vụ chữa lành bệnh đã đóng một vai trò quá quan trọng trong cuộc đời Chúa Giêsu nên không thể nào các môn đệ Ngài lại không tiếp thực hiện việc làm của lòng nhân hậu Ngài cũng như việc Ngài phục hoạt sức khỏe thân xác hoặc tinh thần cho người ta. Để có thể giúp Ngài tiếp tục hành động như xưa Ngài đã làm, Ngài yêu cầu chúng ta có một đức tin chờ đón và tin tưởng, như đức tin của phụ nữ đã đụng đến áo Ngài và được chữa lành nhờ một sức mạnh phát ra từ nơi Ngài.

Chúng ta cần phải canh tân lòng tin tưởng này của chúng ta vào quyền năng của Chúa, để Ngài phục vụ người bệnh qua lời cầu nguyện của chúng ta. Chúng ta đừng sợ phải noi theo gương đức tin sống động như thế nơi anh chị em Tinh lành. Ngoài ra chúng ta thấy nơi Giáo hội công giáo, việc cầu nguyện tập thể cho người bệnh được hồi sinh trong các môi trường chịu ảnh hưởng của Canh tân đoàn sủng. Tôi xét lại lối cư xử của tôi đối vơi những người bệnh mà tôi có dịp thăm viếng, khi tôi thấy nhiều kitô hữu qui tụ bên giường một bệnh nhân, cùng cầu nguyện cho người ấy một cách hồn nhiên, đặt tay lên người bệnh như cử chỉ mà Chúa Giêsu đã làm trong Phúc Âm, và diễn tả mối hiệp thông Kitô giáo chung quanh người đang đau yếu.

Chúng ta không dám tin vào Đấng đang ngự trong chúng ta, nghĩa là tin vào Chúa Kitô sống và hoạt động nơi chúng ta. Chúng ta không dám tin vào lời cầu nguyện có thể mang lại cả phép lạ.

Lời cầu nguyện của chúng ta phải gắn liền với toàn bộ phức tạp của hoàn cảnh: Có đủ thứ bệnh, hữu hình và vô hình, thân xác, tâm lý, bệnh lý, qua những vết thương sâu kín và xa xưa. Lời cầu xin của chúng ta phải ôm hết trọn bộ những gì cần chữa lành; nó cần đưa cả cuộc sống con người đang khổ đau, hiện tại cũng như quá khứ vào ánh sánh ân sủng của Thiên Chúa. Phải nhớ là Đức Giêsu hôm qua cũng là Đức Giêsu hôm nay, Ngài là Chúa của quá khứ và của hiện tại. Nếu phép lạ chữa lành tức khắc và ngoạn mục rất họa hiếm, thì việc chữa lành từ từ và chậm cũng do tác động của Chúa. Lời cầu nguyện không đi ngược lại y lý con người, nhưng ở bên trong y lý.

Chúng ta đừng quên là Thánh Thần chính là sự xức dầu sống động và là sức mạnh Thiên Chúa; Chúa Giêsu tiếp tục công cuộc của mình qua Thánh Thần ấy.”

2. Các trích dẫn lấy từ các tài liệu Công đồng Vaticanô II

Công đồng có một thái độ đón nhận và cởi mở đối với các đoàn sủng qua một đoạn văn rất cân bằng, vừa thận trọng vừa nhìn nhận tầm quan trọng của chúng trong hoàn cảnh hiện nay.

Công đồng lưu ý chúng ta về các đoàn sủng; và nhân đề cập đến sự kiện này đã mời gọi dân Chúa ý thức hơn nữa về sự hiện diện thường trực và năng động của Thánh Thần trong Giáo hội.

Ở số 12 của Hiến chế ta đọc thấy: “Hơn nữa, cũng chính Thánh Thần ấy, không chỉ thánh hoá và hướng dẫn dân Chúa bằng các bí tích, các chức vụ, và trang điểm họ bằng các nhân đức, nhưng Ngài còn ban phát các ân sủng đặc biệt cho mọi cấp bậc tín hữu “phân chia ân huệ cho mỗi người theo ý Ngài” (1 Cr 12,11), khiến người lãnh nhận các ân sủng ấy có đủ khả năng và sẵn lòng đảm nhận các công việc và nhiệm vụ khác nhau mưu ích cho việc canh tân, xây dựng và phát triển Giáo hội như lời chép rằng: “Thánh Thần hiển hiện trong mỗi người hầu mang lại lợi ích” (1 Cr 12,7). Phải lãnh nhận những đoàn sủng này, từ các ơn chói lọi nhất đến các ơn thường mà nhiều người lãnh được, với lòng tri ân và yên ủi vì các ơn đó mang ích lợi và phù hợp với nhu cầu của Giáo hội. Nhưng không nên liều lĩnh kêu nài những ơn đặc biệt, và cũng đừng vì đó mà tự đắc mong rằng việc tông đồ sinh kết quả. Những vị thủ lãnh trong Giáo hội có thẩm quyền phán quyết về tính cách chân chính và sự sử dụng hợp lý các ơn lạ ấy; các ngài có nhiệm vụ đặc biệt phải khảo sát tất cả, không phải để dập tắt Thánh Thần, nhưng để giữ lại những điều thiện hảo (x. 1 Th 5,12 và 19-21).”

Cũng một giáo lý đó trong Sắc lệnh về Tông đồ giáo dân, số 3: “Để thể hiện việc tông đồ này, Thánh Thần thánh hóa dân Chúa qua giáo vụ và các bí tích. Ngài cũng ban cho các tín hữu những ơn đặc biệt (x. 1 Cr 12,7), “phân phát những ơn đó cho mọi người tùy ý Ngài” (1 Cr 12,11) để mỗi người tùy theo ơn đã nhận mà giúp đỡ nhau” và “chính họ trở nên như những người quản lý trung tín giữ mọi thứ ơn của Thiên Chúa” (1 Pr 4,10) hầu xây dựng toàn thân trong đức ái (x. Ep 4,16). Do sự đón nhận những đoàn sủng này dầu là những đoàn sủng thông thường, mỗi tín hữu có quyền lợi và bổn phận sử dụng những ơn đó trong Giáo hội cũng như giữa trần gian để mưu ích cho mọi người và xây dựng Giáo hội trong tự do của Thánh Thần, Đấng “muốn thổi đâu thì thổi” (Ga 3,8) và đồng thời sử dụng trong sự hiệp thông với anh em trong Chúa Kitô, nhất là với các vị chủ chăn của mình. Chính các ngài có nhiệm vụ xét đoán về bản tính đích thực và việc sử dụng thích hợp những đoàn sủng đó, không phải để dập tắt Thánh Thần, nhưng để thử nghiệm mọi việc và điều nào tốt thì giữ lấy (x. 1 Th 5,12; 19-21).”

3. Trong cuốn Giáo lý Công giáo

Cuốn Giáo lý Công giáo diễn tả rõ ràng bằng cách nào các đoàn sủng của mỗi người đóng góp vào việc xây dựng Giáo hội là Thân thể Chúa Kitô:

“Các đoàn sủng phải được người được hưởng cũng như tất cả các thành phần Giáo hội đón nhận với lòng biết ơn. Thật thế, chúng là nguồn ân sủng mang lại sinh lực tông đồ và thánh hóa toàn Thân thể Chúa Kitô; nhưng chúng phải thực sự là những ơn được Thánh Thần gửi đến và được thực thi một cách hoàn toàn thích ứng với những thúc đẩy chân thực của chính Thánh Thần, nghĩa là thể theo đức ái, vốn là thước đo mọi đoàn sủng. (x. 1 Cr 13)

Chính trong ý nghĩa đó mà cần phải luôn luôn suy xét các đoàn sủng. Không một đoàn sủng nào được chuẩn khỏi phải qui chiếu và tuân phục các vị mục tử của Giáo hội. ‘Họ đặc biệt cần thử nghiệm tất cả, không phải để dập tắt Thánh Thần, nhưng giữ lại nhưng gì thiện hảo’ (Lumen Gentium số 12), hầu tất cả các đoàn sủng trong nét đa biệt và bổ túc của mình sẽ hợp tác xây dựng ‘công ích’ (1 Cr 12,7).

Thánh Thần ban cho một ít người đoàn sủng đặc biệt chữa lành bệnh tật nhằm thể hiện ơn huệ của Chúa Phục Sinh. Nhưng, dẫu có cầu nguyện thật sốt sắng cũng không làm cho mọi bệnh tật biến đi. Vì thế mà thánh Phaolô lấy lời Chúa dạy để nhắc chúng ta rằng: ‘ Ơn huệ của Ta đủ cho ngươi: vì sức mạnh của Ta thể hiện ra trong sự yếu hèn’ (2 Cr 12,9), và những khổ đau đang gánh chịu phải được hiểu là ‘tôi hoàn thành nơi thể xác tôi những gì còn thiếu nơi những thử thách của Chúa Kitô cho Thân thể Ngài là Giáo hội’ (Cl 1,24).”


Muc Luc Muc Vu