Rửa Tội cho người lương dân đang có gia đình

(conggiao.info) 8/18/2014 9:44:37 AM  Khi ban bí tích Rửa Tội cho người lương dân đang có gia đình, linh mục có phải cử hành nghi thức hôn phối cho họ không?

Trả lời:

Để xét xem có phải cử hành nghi thức hôn phối cho người lương dân đang có gia đình khi ban bí tích Rửa Tội cho họ, linh mục cần phân biệt các trường hợp:

1- Hai vợ chồng có hôn nhân hợp pháp

Trong Phúc chiếu (rescriptum) ban hành ngày 18/06/1856, Bộ Thánh Vụ đã xác định: Hôn nhân của những người lương dân không mắc ngăn trở theo thiên luật hay luật tự nhiên thì thành sự. Cho nên, hôn nhân được nhìn nhận là thành sự ngay từ đầu thì không cần phải lặp lại sự ưng thuận.

1.1. Trường hợp cả hai vợ chồng gia nhập đạo Công giáo

Nếu hai vợ chồng lương dân đã cử hành hôn phối thành sự thì sau khi ban bí tích Rửa Tội, linh mục không cần cử hành nghi thức hôn phối cho nữa. Khi hai vợ chồng tân tòng được rửa tội, hôn nhân tự nhiên đã thành sự trước đó được nâng lên hàng bí tích. Linh mục sẽ ghi chú về hôn phối tự nhiên vào Sổ Rửa Tội của cả hai người. Mặc dù không cử hành nghi thức hôn phối cho đôi vợ chồng tân tòng, nhưng nếu họ xin thì linh mục có thể đọc lời chúc lành cho họ

Cuốn “Chỉ Nam Linh Mục Địa Phận Long Xuyên” ban hành ngày 15/11/1971, số 298, đã quy định: “Hai người không rửa tội cưới nhau đúng theo luật đời là đủ giá trị, khi cả hai tòng giáo, không cần làm phép hôn phối, nếu muốn chỉ có thể xin phép lành”.

1.2. Trường hợp chỉ có một người gia nhập đạo Công giáo

1.2.1. Một người gia nhập đạo công giáo, còn người kia vẫn là lương dân

Cũng không cần phải cam kết lại, nếu chỉ có một trong hai người gia nhập đạo, với điều kiện là hôn phối của cả hai người đã thành sự. Trong trường hợp này, không cần phải xin chuẩn hôn phối khác đạo. Linh mục sẽ ghi chú về hôn phối tự nhiên vào Sổ Rửa Tội của người tân tòng.

1.2.2. Một người gia nhập đạo công giáo, còn người kia là người công giáo đã được chuẩn hôn phối khác đạo

Trường hợp một người lương dân đã kết hôn với một người Công giáo đã xin phép chuẩn hôn phối khác đạo, thì cũng không cử hành lại nghi thức hôn phối, vì hôn nhân trước kia đã thành sự.

2- Hai vợ chồng có hôn nhân bất hợp pháp

2.1. Trường hợp cả hai vợ chồng gia nhập đạo Công giáo

Trong trường hợp hôn nhân của những tân tòng đã từng có nhiều vợ hay nhiều chồng, thì linh mục phải cử hành nghi thức hôn phối theo luật định (x. Điều 1148 §2).

Nếu hôn nhân của hai người có ngăn trở theo thiên luật hay luật tự nhiên (vd. loạn luân), thì hai người phải chấm dứt hôn nhân bất hợp pháp này trước khi rửa tội.

2.2. Trường hợp chỉ có một người gia nhập đạo Công giáo

2.2.1. Trường hợp người lương dân đã kết hôn với người công giáo nhưng không có phép chuẩn hôn phối khác đạo, thì hôn nhân của hai người là bất hợp pháp. Cho nên, sau khi người lương dân được rửa tội, linh mục phải cử hành nghi thức hôn phối cho họ.

2.2.2. Nếu chỉ có một người được rửa tội mà thôi, còn người kia vẫn là lương dân không muốn gia nhập đạo Công giáo thì phân biệt hai trường hợp sau đây:

- Nếu người xin lãnh nhận bí tích rửa tội đã từng có hôn nhân thành sự với người khác, thì hôn nhân tự nhiên của họ vẫn còn giá trị. Do đó việc tái hôn hiện nay của họ là bất hợp pháp. Nay người này được rửa tội và không thể tiếp tục cuộc sống chung với người phối ngẫu đầu tiên vì lý do đức tin (theo quy định đặc ân Phaolô) thì họ có thể được tái hôn. Đấng Bản Quyền địa phương có thể cho phép đương sự tái hôn với một người lương dân. Trong trường hợp này, cần phải xin miễn chuẩn khác đạo trước khi cử hành nghi thức hôn phối. Nhưng Giáo quyền không thể cho miễn chuẩn nếu người lương dân này đã có hôn nhân tự nhiên thành sự trước đó, dù cho đã ly dị dân sự.

- Nếu người lương dân không gia nhập đạo đã từng kết hôn thành sự với một người lương dân khác rồi thì Giáo Hội công nhận hôn nhân tự nhiên của họ. Vì thế, người được rửa tội không thể kết hôn với người lương dân đã có hôn nhân thành sự. Trong trường hợp này, người lương dân đã có hôn nhân thành sự phải gia nhập đạo Công giáo thì mới được hưởng đặc ân Phaolô tháo gỡ hôn phối cũ để tái hôn với người được rửa tội.

- Nếu người lương dân đã từng có hôn nhân thành sự với người khác không chịu gia nhập đạo Công giáo thì linh mục không được rửa tội cho người phối ngẫu kia, vì hai người sẽ ở trong tình trạng rối khi không thể cử hành nghi thức hôn phối theo luật định.

(Lm. LG Huỳnh Phước Lâm, WGP.Long Xuyên)


Muc Luc Muc Vu