Chuẩn Bị Cho Việc Phục Vụ Trong Thừa Tác Vụ Linh Mục

(catechesis.net)

Tác giả: Hồng Y Joshep Ratzinger, Tổng Trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin

Chuyển ngữ: Lm. Giuse Nguyễn Tất Trung, OP.

 Những ý tưởng rộng lớn nhằm canh tân của Công Đồng Vatican II cũng hàm chứa những nét phác cho công việc đào tạo đã được đổi mới đối với thừa tác vụ Linh mục. Nhưng vào cuối những năm sáu mươi, lúc chương trình này đang được chuyển thành thực tiễn, thì trong toàn thế giới phương Tây, cuộc khủng hoảng về những nền tảng tinh thần đã manh nha từ lâu nay bùng ra và lan tràn. Theo nhãn quan của Công Đồng, thì việc đổi mới hàm chứa đồng thời sự liên tục và sự thay đổi, nhưng trong bầu khí cách mạng của những năm ấy, chỉ có sự thay đổi là xem ra chất chứa hy vọng, còn tất cả những gì dính dáng đến truyền thống đều bị đánh giá là cũ kỹ, vô ích, cản trở và đe dọa, cho nên cuối cùng phải tìm cách để gỡ bỏ đi. Đấy chính như thế, giờ phút canh tân lại biến trước hết thành khủng hoảng.

Người ta thắc mắc không biết Chủng viện có còn ý nghĩa không và thậm chí mục tiêu của việc đào tạo, tức là nhằm đến thừa tác vụ Linh mục, trong con mắt của nhiều người, bị coi là không hiểu đúng Tân Ước: đó chỉ là một sự trở về với những thực tại cổ xưa từng làm nên thời của chúng và cuối cùng cũng phải bỏ qua. Từ lúc đó, chúng ta đã thấy có những phản ứng đầu tiên. Người ta lại một lần nữa ý thức rằng con người ta chỉ có thể sống hướng về tương lai và tiến lên với điều kiện là phải đặt mình trên một lộ trình liên tục: sự tăng trưởng giả thiết phải có những gốc rễ và một sự khám phá mới chỉ có thể đủ độ chín nếu như con người ta không làm mất đi ký ức. Cử hành ký ức của lịch sử bằng những ngày lễ mừng, những ngày sinh nhật, kỷ niệm không phải chỉ là một thứ tình cảm nhớ nhung lãng mạn vô bổ. Những dịp mừng rỡ như thế sẽ là phong phú một khi giúp chúng ta suy nghĩ về những gì đang còn đây, trong khi vẫn khiến chúng ta phải tìm kiếm con đường sẽ dẫn đưa chúng ta đến tương lai.

1. Để mình được xây dựng thành ngôi nhà thiêng liêng: việc đào tạo giúp đưa con người gia nhập gia đình của Thiên Chúa

Vào năm 1977, khi tôi được bổ nhiệm làm Tổng Giám mục Munich và Freising, bấy giờ tôi cảm thấy mình như bị ném ra giữa chốn mênh mang của một tình trạng khủng khoảng và đầy xáo động. Con số các ứng sinh làm Linh mục trong Tổng Giáo phận thật là ít ỏi. Các thầy sống ở ngôi nhà của công tước Georgianum, tức là Chủng viện miền của Baviere, do công tước Georges le Rich xây dựng năm 1494, gần đại học Ingolstadt sau này được dời về Munich. Ngay từ đầu, tôi thấy rõ một trong các bổn phận tôi phải làm, đó là làm sao cho Giáo phận lại có được một Chủng viện của mình, cho dẫu có nhiều người thắc mắc không biết một công việc như thế có còn ý nghĩa trong một Hội Thánh đã được biến hình đổi dạng nữa không. Ít lâu trước khi lại một lần nữa phải rời khỏi Giáo phận gốc gác của tôi, tôi đã có niềm vui – hôm đó là ngày 20 tháng mười một năm 1981, một ngày mưa – được đặt viên đá đầu tiên cho ngôi nhà có vẻ bên ngoài đẹp, và như thế ít nữa là công trình này cũng đã bắt đầu được tiến hành.

 Khi suy nghĩ về những chữ được khắc trên viên đá hôm ấy, tôi nhớ lại những câu đáng thán phục trong thư thứ nhất của thánh Phêrô, trong đó những tước hiệu quí trọng của dân Israel xưa nay được chuyển sang dân gồm những người đã chịu phép rửa tội: “Anh em hãy để cho mình được xây dựng thành ngôi nhà thiêng liêng, làm thành một sự hiệp thông tư tế thánh thiện, để tiến dâng những hy tế thiêng liêng đẹp lòng Thiên Chúa nhờ Đức Giêsu Kitô” (1Pr 2,5). Những câu này có thể đã là thành phần của một giáo lý phép rửa trong tân ước. Những câu đó ứng dụng thần học về giao ước và sự tuyển chọn, là những điều trong Cựu Ước dùng để cắt nghĩa biến cố Xinai hợp với cộng đoàn mới của Đức Giêsu Kitô. Những câu ấy định nghĩa một cách đơn giản cho thấy được rửa tội có ý nghĩa là gì và Hội Thánh, ngôi nhà sống động của Thiên Chúa, thành hình và tăng triển ở trên thế gian này như thế nào. Nhưng một Chủng viện dành cho các Linh mục tương lai liệu có thể có một mục tiêu lớn hơn và cao hơn là mục tiêu đưa dẫn những con người trẻ biết sống một cách trọn vẹn yêu cầu của phép rửa tội, bậc sống của những người môn đệ, để họ hết thảy trở thành Hội Thánh sống động không? Vì thế, tôi thấy những câu của thánh Phêrô nói với những người đã chịu phép rửa này xem ra cũng nói đến điều rất cốt cán của những gì ta có thể chờ mong nơi một Chủng viện. Tôi thấy những từ ngữ ấy hoàn toàn thích hợp để định nghĩa chương trình, để dùng làm viên đá góc cho một công trình xây dựng như thế.

Vậy một Chủng viện thì để làm gì? Việc đào tạo cho thừa tác vụ Linh mục ngày hôm nay phải được thực hiện như thế nào? Bản văn Kinh Thánh trên nói cho chúng ta biết trước hết là việc xây dựng một ngôi nhà thiêng liêng, làm nên từ những viên đá sống động. Trong Kinh Thánh,“ngôi nhà”, rất thường ít chỉ về một công trình xây dựng bằng gạch đá cho bằng nói đến mối dây liên hệ họ hàng, đến gia đình – cách hiểu này vẫn còn ở nơi chúng ta khi chúng ta nói đến nhà này, nhà nọ với ý chỉ cả một gia đình, dòng tộc. Nguyên thuỷ là xa lạ với nhau, những người đã chịu phép rửa tội nay lại làm nên một gia đình của Thiên Chúa. Sự biến đổi này lẽ ra phải được thực hiện một cách rất cụ thể trong Chủng viện nơi đào tạo các Linh mục để người Linh mục tương lai tiếp theo đó, trong giáo xứ của mình hoặc ở bất cứ chỗ hoạt động nào khác, có thể qui tụ những con người vào trong gia đình, vào trong cộng đoàn sự sống của Thiên Chúa. Ngôi nhà này có tính chất là “thiêng liêng”. Nhưng ở đây không có nghĩa như chúng ta vẫn nghĩ, tức là một ngôi nhà theo nghĩa hoàn toàn là tượng trưng, tức là theo nghĩa bóng và không có trong thực hữu (réel).

Từ “thiêng liêng”, “pneumatikos”, ở đây chỉ về Chúa Thánh Thần, tức là nói đến sức mạnh sáng tạo, mà không có sức mạnh này thì tuyệt đối sẽ không có gì là thực hữu (réel) nữa. Như vậy, chỉ với điều kiện là một ngôi nhà thiêng liêng, tức là một ngôi nhà được xây dựng nhờ Chúa Thánh Thần, thì ngôi nhà ấy mới có thể thực sự mang tính cách thực hữu (réel). Mối liên hệ họ hàng xuất phát từ Chúa Thánh Thần còn có một chiều sâu lớn hơn, mối liên hệ ấy còn mạnh mẽ hơn và sống động hơn là một mối liên hệ máu mủ bình thường. Những con người được qui tụ lại bởi vì họ tất cả đều được Chúa Thánh Thần động chạm tới gần gũi nhau hơn là họ chỉ gần nhau do bất cứ một mối liên hệ họ hàng nào khác. Theo cái nhìn này, Tin Mừng thánh Gioan nói về những người tin vào danh của Logos và vì thế họ có thể tự hào về một gốc gác mới: “Họ là những người sinh ra không phải do máu huyết, không phải do một ý muốn của xác thịt, không phải do một ý muốn của người đàn ông, nhưng do từ Thiên Chúa” (Ga 1,13). Như vậy, Thiên Chúa thiết lập một mối tương quan với người không được cưu mang do một ý muốn của đàn ông, nhưng do quyền năng của Thánh Thần: Đức Giêsu Kitô. Chúng ta trở thành “ngôi nhà thiêng liêng” nếu chúng ta thuộc về nhà, thuộc về gia đình của Đức Giêsu. Đó là điều đem lại thuận âm (consonance) nội tâm, dấu vết mới và lý do sống mới mạnh hơn mọi thứ khác nhau tự nhiên nào và tạo nên một mối liên hệ nội tâm thực sự. Như Hội Thánh và như bất kỳ gia đình nào, Chủng viện luôn ở trong tình trạng xây dựng. Chủng viện chỉ luôn được xây dựng như là một toàn thể tuỳ theo mức độ những con người ở đó biết để cho mình được Đức Giêsu Kitô dùng để làm thành một ngôi nhà thiêng liêng.

 Vậy bây giờ chúng ta có thể nói một cách rất giản dị là chức năng cốt yếu của một Chủng viện đối với các Linh mục tương lai đó là làm sao cống hiến cho họ một không gian trong đó công trình xây dựng thiêng liêng này có thể luôn luôn được kiện toàn. Chủng viện có bổn phận thành một nơi gặp gỡ với Đức Giêsu Kitô, nối kết những con người với Đức Giêsu sao cho họ có thể trở thành tiếng nói của Người trong thời hiện tại cho con người và cho thế giới hôm nay. Kết luận căn bản này sẽ được rõ rệt hơn nếu một lần nữa chúng ta trở lại bản văn của chúng ta. Mục tiêu nhắm tới là ngôi nhà. Mà để xây dựng ngôi nhà ấy thì phải có những viên đá – những viên đá sống cho một ngôi nhà sống động. Trong câu văn của chúng ta, động từ xây dựng ở thể thụ động: là những viên đá sống động, anh em hãy để cho mình được xây dựng thành một ngôi nhà thiêng liêng. Nhu cầu hành động của chúng ta khiến chúng ta chuyển sang thể chủ động: xây dựng Vương Quốc Thiên Chúa, xây dựng Hội Thánh, xây dựng một xã hội mới…

Tân Ước lại nhìn vai trò của chúng ta một cách khác. Chủ công trình chính là Thiên Chúa hoặc Chúa Thánh Thần. Chúng ta là những viên đá. Đối với chúng ta, xây dựng nghĩa là được xây dựng. Bài thánh thi cổ xưa hát trong lễ cung hiến thánh đường có những biểu thức rất là diễn cảm: “Bao công phu mài dũa do tay thợ lành nghề đá trở thành nhẵn bóng, vừa vặn đúng từng ly, xây thành ngôi thánh điện, muôn thuở được duy trì” (Tunsionibus, pressúris expolíti lápides suis coaptántur locis per manum artifícis; disponúntur permansúri sacris aedifíciis) đến độ toàn thể làm thành một công trình kiến trúc vĩ đại của thành Giêrusalem mới. Ở đây, chúng ta đụng tới một điều rất quan trọng: xây dựng nghĩa là được xây dựng. Nếu chúng ta muốn trở thành một ngôi nhà, chúng ta phải chấp nhận – mỗi người trong chúng ta – phận của viên đá chịu để cho mình được mài dũa, đẽo đục. Để thích hợp với ngôi nhà, chúng ta phải để mình được đẽo gọt mài dũa cho hợp với chỗ mình sẽ là hữu ích. Ai muốn trở thành viên đá trong toàn thể và cho toàn thể công trình thì phải biết để cho mình gắn bó với toàn thể. Người ấy chẳng thể chỉ đơn giản làm và không làm những gì thoáng qua đầu và những gì mình xem là có lợi. Người ấy chẳng thể đi vô tội vạ đến bất cứ chỗ nào mình muốn. Người ấy phải chấp nhận rằng có một người khác thắt lưng cho mình và dẫn mình đến nơi mình chẳng muốn (x. Ga 21,18). Về chủ đề này, Tin Mừng của thánh Gioan còn cống hiến cho chúng ta một hình ảnh khác nữa: để sinh hoa kết trái, cây nho phải chịu cắt tỉa. Cây nho phải để cho mình được cắt được tỉa. Con đường đi tới một sự sinh sản phong phú hơn, to lớn hơn là con đường đi qua đau khổ của sự cắt tỉa (Ga 15,2).

Kết luận thứ nhất của chúng ta về việc đào tạo các Linh mục tương lai là việc đào tạo ấy phải nhằm cung cấp hơn nữa sự đào tạo để thành một hữu thể nhân linh đích thực. Để được như thế, trước hết cần phải tập tành nghiêm túc những đức tính mà nếu không có thì chẳng có gia đình nào có thể tồn tại lâu dài được. Đối với người Linh mục, điều này càng quan trọng hơn vì người Linh mục không phải chỉ làm sao có khả năng để sống giữa Linh mục đoàn mà thôi, giữa lòng Hội Thánh địa phương và Hội Thánh nhìn trong toàn thể, nhưng cũng còn có bổn phận qui tụ và gần gũi trong cộng đoàn đức tin của những con người đang cảm thấy mình xa lạ với nhau vì những dị biệt về nguồn gốc xuất xứ, về tính khí và những hoàn cảnh cuộc sống của họ nữa. Người Linh mục phải làm nảy sinh nơi những con người khả năng hoà giải với nhau, tha thứ và quên đi, nhẫn nại chịu đựng và tỏ ra quảng đại hào hiệp. Người Linh mục phải giúp những người ấy biết chịu đựng người khác trong tha tính của họ, biết kiên nhẫn với nhau, biết tỏ ra tin tưởng nhưng sáng suốt, thận trọng nhưng cởi mở, biết giữ một sự quân bình đúng mực, và còn biết bao nhiêu là chuyện khác nữa. Người Linh mục còn nhất là phải có khả năng nâng đỡ những con người đang gặp đau khổ – trong đau khổ thể lý cũng như trong mọi nỗi thất vọng, nhục nhã và những lo âu mà không một ai có thể tránh khỏi. Làm sao có thể thực hiện được nếu như chính bản thân người Linh mục trước tiên đã không tập tành? Khả năng chấp nhận đau khổ và vượt qua đau khổ là một điều kiện cơ bản để đạt tới thành công trong cuộc phiêu lưu của con người. Ở đâu ta không hề có cơ hội để học điều ấy, thì thất bại sẽ là khó lòng tránh khỏi. Cảm giác muốn chống lại mọi chuyện và chống lại mọi người nói được là sẽ xâm nhập mảnh đất tâm hồn và làm cho thành một miền đất chết. Thái độ làm chủ khổ đau này chính là điều chúng ta ngày xưa gọi là khổ chế. Ngày nay, người ta không muốn nghe nói đến khổ chế nữa, nhưng cách dịch từ Hylạp đó thành luyện tập, tập tành thì chúng ta lại dễ đón nhận hơn. Ai nấy đều biết chẳng có thành công nếu không có tập luyện và không có sự tự chủ giả thiết kèm theo đó. Ngày nay, người ta vận dụng hết năng lực và dành tất cả sự nghiêm túc để luyện tập mọi loại tranh đua, và chính vì thế chúng ta đạt được những thành tích ngày xưa không thể nghĩ được trong nhiều lãnh vực. Nhưng tại sao nếu luyện tập để có một sự sống đích thực, một sự sống chân thực, nếu luyện tập để biết nghệ thuật từ bỏ, biết làm chủ bản thân, để được sự tự do nội tâm đối với những đam mê, thì ra như chúng ta lại coi là kỳ dị?

2. Đam mê chân lý

 Ở đây, có biết bao nhiêu là điều để nói, nhưng tôi đành chỉ xin nhấn mạnh thật đặc biệt một điểm: sự giáo dục về chân lý. Chân lý thường là nỗi sợ đối với con người. Chân lý hẳn nhiên là động lực mạnh mẽ nhất để đưa tới chỗ quên mình, đến sự tự do đích thực. Chúng ta cứ lấy ví dụ ông Philatô. Ông biết rõ rằng bị cáo trước mặt ông, ông Giêsu này, là người vô tội và theo công lý ông sẽ phải tha cho ông Giêsu. Và ông cũng muốn làm như thế. Nhưng chân lý này lại ở trong thế xung đột với hoàn cảnh của ông. Chân lý này liều mình đưa tới cho ông những lo âu phiền luỵ, tức là làm cho ông mất cái ghế hiện ông đang giữ. Ông cũng có thể thấy ở đó không chừng cả những bạo động dấy loạn nữa. Ông có thể sẽ bị hoàng đế nhìn bằng cặp mắt ác cảm… Thế nên thà hy sinh chân lý, chân lý không tiếng nói, không tự bảo vệ, thậm chí khi chân lý bị phản bội có đổ tràn vào tâm hồn ông một thứ tình cảm hỗn độn do hèn nhát cũng được. Tình trạng này không ngừng hiện lên trong lịch sử: chúng ta cứ nhớ lại một ví dụ khác, ở phía ngược lại – đó là trường hợp của Thomas More. Nhìn nhận vua có quyền tối thượng trên cả Giáo Hội thì bấy giờ người ta cũng coi là tự nhiên thôi! Chẳng có tín điều nào minh nhiên cấm điều đó mà không có sự lưỡng nghĩa. Mọi Giám mục cũng đã làm như thế cả rồi. Tại sao ông, người giáo dân, lại phải đưa mạng mình vào chốn liều lĩnh và kéo theo cả gia đình mình đến chỗ mất mát như thế? Nếu như ông không nghĩ đến chính bản thân, thì ít nữa ông cũng không được phớt lờ những người thân yêu trong gia đình của ông khi cân nhắc lợi hại trước đòi hỏi nghiêm ngặt của lương tâm ông? Những trường hợp như thế làm nổi bật, có thể nói là phóng to ra, điều đang không ngừng xảy ra trong những cuộc đời bé tí của chúng ta. Tôi có thể rút lui khỏi một công việc bằng cách làm một nhượng bộ nho nhỏ đối với cái không-chân lý. Hoặc ngược lại: chấp nhận những hệ quả của chân lý dẫn tôi đến những phiền phức khôn lường. Điều này xảy ra bao nhiêu lần rồi? Và bao nhiêu lần chúng ta đã không tránh né! Khi đưa vào trong cuộc đời thường nhật, hoàn cảnh Thomas Mora gặp phải đã diễn ra một cách can trường: ai cũng nói như thế, tại sao tôi lại không? Tại sao tôi lại làm xáo trộn sự yên hàn của nhóm? Tại sao tôi lại biến mình thành trò giễu cợt? Bình an của xã hội chẳng lẽ lại không được ưu tiên hơn kỳ vọng của tôi đối với chân lý hay sao? Chính vì thế mà sự phù hợp với nhóm biến thành bạo chúa chống lại chân lý. Georges Bernanos, bị săn đuổi bởi mầu nhiệm ơn gọi làm Linh mục và bởi những bi kịch của những thất bại ông gặp phải, đã vẽ nên cách bi thương mối nguy này nơi con người của Giám mục Espelette. Vị Giám mục khả kính này từng là giáo sư đại học, người được học hành đến nơi đến chốn và là con người bặt thiệp. Trong bất cứ cảnh huống nào, người luôn tìm được lời lẽ thích hợp và giới trí thức đợi chờ nơi vị Giám mục trong trường hợp này:

“Nhưng sự liều lĩnh của con người Linh mục tài ba này không làm hại ai trừ chính người. Sự hèn nhát trí thức của người là mênh mông. {…} Than ôi! Chẳng có gì ít xứng đáng với tình yêu cho bằng con người kia chỉ biết sống để được yêu. Những con người như thế, rất tài nghệ trong việc biến mình vào sở thích của mỗi người, chỉ là những cái gương mà thôi…”.

Bernanos đẩy phân tích của ông tới tận gốc rễ của sự suy sụp này: “Tôi là người của thời đại mình, ông nhắc lại, và với dáng vẻ của một con người làm chứng cho chính mình. […] Nhưng ông đã không bao giờ để ý là mỗi lần như thế ông đã chối từ dấu chỉ vĩnh cửu đã được in ấn trên ông”.

Tôi không ngại quả quyết rằng căn bệnh lớn của thời đại chúng ta là sự nghèo nàn về chân lý. Thành công, hiệu quả đã thế chỗ của chân lý ở khắp nơi. Chỉ nhìn theo bề ngoài, việc từ bỏ chân lý và chạy trốn vào trong sự đồng nhất của nhóm giữ được sự bằng an. Nhưng một cộng đoàn như thế đúng là được xây dựng trên cát. Đau khổ của chân lý là điều kiện để có một cộng đoàn chân thật. Cần phải chấp nhận như thế ngày này qua ngày khác. Chỉ nhờ kiên nhẫn nhỏ nhoi của chân lý mà chúng ta trưởng thành bên trong, mà chúng ta giải thoát được mình, mà chúng ta trở thành tự do cho Thiên Chúa.

 Chính ở đây hiện lên một lần nữa hình ảnh những viên đá sống. Thánh Phêrô cho thấy rõ yêu cầu bên trong của hình ảnh này khi đối chiếu với Tv 118,22 từ lâu đã trở thành một bản văn nền tảng Kitô học: “Viên đá những người thợ xây loại bỏ đã trở nên đá tảng góc tường”. Chúng ta không đi vào chi tiết thần học về cái chết và sự phục sinh của câu này. Nhưng ý tưởng về viên đá sống động đã đưa chúng ta đến chỗ nhìn nhận rằng xây dựng hàm nghĩa là được xây dựng, rằng không có chịu, không có thống khổ thì cũng chẳng có thanh luyện. Đối với Bernanos, đau khổ là chính hữu thể của trái tim Thiên Chúa, những đau khổ của thân xác và tinh thần là những gì quí hoá nhất Chúa ban cho chúng ta”. Viên đá bị loại bỏ tượng trưng người đã mang vào bản thân mình đau khổ đến chết vì lòng yêu mến triệt để và vì thế đã trở thành không gian cho tất cả chúng ta – Người đã trở thành viên đá góc để làm cho nhân loại bị rách nát thành một ngôi nhà sống động, thành một gia đình mới. Trong Chủng viện dành cho các Linh mục tương lai, trong việc đào tạo của người Linh mục, chúng ta không nhằm xây dựng một nhóm người nào đó. Trong trường hợp này, có thể có nguy cơ là đam mê muốn để mình hội nhập lại chỉ nhắm sao cho đồng nhất với nhóm mà hy sinh chân lý. Chúng ta không xây dựng theo một đồ án do chính chúng ta vẽ ra. Chúng ta phải để cho mình được xây dựng nhờ Đấng là khuôn mẫu uyên nguyên và là khuôn mẫu mỗi người chúng ta phải đạt tới – tức là nhờ Ađam thứ hai mà thánh Phaolô nói rằng Người là “hữu thể thần khí ban sự sống” (1Cr 15,45). Đồ án xây dựng này lý giải cho những thương đau để thanh luyện và bảo đảm rằng đó là những thanh luyện chứ không phải là những phá đổ, hủy diệt. Ta hội nhập vào trong công trình xây dựng đang lớn lên này bằng cách cố gắng học tập “tất cả những gì là chân thật, tất cả những gì là quí hoá, chính trực, tinh tuyền, đáng mến đáng yêu, đáng trọng, những gì được gọi là đức hạnh, những gì là đáng khen ngợi” (Pl 4,8). Ta trở nên thích hợp với công trình xây dựng này khi ta trở nên chân thật.

Ở đâu mục tiêu này trở thành thực sự, thì Chủng viện trở thành nhà của mình. Còn nếu không có con đường chung này, thì Chủng viện sẽ chỉ là những phòng trọ dành cho sinh viên, trong đó những người chiếm cứ nói cho cùng chỉ sống cho bản thân mình mà thôi. Chính sự sẵn sàng để được thanh luyện bảo đảm giữ cho một ngôi nhà như thế có được sự khôi hài và sự vui vẻ. Ở đâu thiếu sự sẵn sàng này, thì bầu khí chung sẽ trở thành bầu khí bừa bãi, không thú vị bất cứ điều gì kể cả chính mình: đó là những ngày đầy mây đen và niềm vui không lớn lên được, bởi vì niềm vui không gặp được ánh mặt trời là thứ nó cần để lớn lên.

3. Ngôi nhà và đền thờ: việc phục vụ Lời đã trở thành xác phàm

Những suy tư trên mở ra một phần thứ hai, tức là vượt quá sự đào tạo căn bản để thành một con người và thành người Kitô hữu còn có việc đào tạo ơn gọi Linh mục nữa. Bản văn vừa nói cho chúng ta về ngôi nhà thiêng liêng xây lên bằng những viên đá sống động sẽ lại giúp chúng ta có điểm khởi hành để nói về vấn đề này. Đó chính là ngôi nhà Thiên Chúa đang xây dựng cho Người trong thế gian này đồng thời chúng ta cũng đang tự xây dựng cho Người –“Ngôi nhà của Thiên Chúa”. Ở đây, chúng ta thấy tất cả thần học về Đền Thờ. Đền Thờ trước hết là nơi Thiên Chúa ngự, là không gian có sự hiện diện của Người ở trong thế gian này. Và chính với tư cách ấy mà Đền Thờ là nơi hội tụ ở đó giao ước được thể hiện luôn luôn là mới mẻ. Đó là nơi diễn ra sự gặp gỡ giữa Thiên Chúa với dân của Người, một dân thấy được chính mình ở đó. Đó là nơi từ đó Lời Thiên Chúa xuất phát, là nơi tiêu chuẩn lề luật của Người được thiết lập và là nơi Người trở thành khả thị từ xa xa. Sau cùng, chính như thế là nơi của vinh quang Thiên Chúa. Vinh quang này biểu lộ trong sự tinh tuyền không vương tỳ vết của lời Người, nhưng vinh quang này cũng biểu lộ trong vẻ đẹp của lễ hội qua diễn tiến phụng tự. Vinh quang biểu lộ trong sự tôn vinh, tức là lời đáp trả lại tiếng gọi do lời Người gửi tới – một lời đáp trả tập trung và đi trước, rồi sau đó được nối dài trong cách sống của toàn thể cuộc đời, câu đáp lại trở thành âm vang của vinh quang Người. Vào khoảnh khắc cái chết của Đức Giêsu, khi màn trong Đền Thờ bị xé ra, điều đó có nghĩa là ngôi nhà này không còn là nơi gặp gỡ giữa Thiên Chúa với con người ở thế gian này nữa. Từ khoảnh khắc cái chết của Đức Giêsu, chính thân thể Người, bị trao nộp vì chúng ta, là Đền Thờ mới và chân thật. Việc Đền Thờ bằng đá bên ngoài bị phá huỷ vào năm 70 chỉ bộc lộ trước cái nhìn của toàn thể lịch sử điều đã được hoàn tất trong cái chết của Đức Giêsu. Lời Thánh vịnh nay được ứng dụng một cách trọn vẹn: “Chúa chẳng thích gì tế phẩm và lễ vật, nhưng đã tạo cho con một thân thể” (Tv 40,6; Hr 10,5). Từ đấy, việc phụng tự mang một ý nghĩa mới và dứt khoát: chúng ta tôn vinh Thiên Chúa khi chúng ta trở nên một thân thể với Đức Kitô, nghĩa là một cuộc hiện hữu mới, theo Thần Khí, trong đó Người chiếm lấy chúng ta trọn vẹn cả thân thể và sự sống (x. 1Cr 6,17). Chúng ta tôn vinh Thiên Chúa và chúng ta để cho mình được lôi cuốn vào trong hành vi yêu thương được hoàn tất trên thánh giá. Sự tôn vinh và giao ước, việc phụng tự và sự sống trở thành một và như nhau, bất khả phân ly. Giờ của Đức Giêsu nay được tiếp tục cho đến tận thế hệ tại ở điều này là trên thánh giá, Người lôi kéo chúng ta đến với Người (Ga 12,32) để chúng ta “chỉ còn là một” với Người (Ga 3,28).

 Trong việc phụng tự mới được hoàn thành thường tồn trong hành trình vượt qua đưa chúng ta ra khỏi bản thân mình để đi vào trong không gian là Thân Thể của Đức Kitô, những yếu tố căn bản xác định phụng tự Cựu Ước vẫn giữ được trọn vẹn giá trị của chúng. Chỉ đến bây giờ chúng mới có được ý nghĩa trọn vẹn. “Đền Thờ”chúng ta đã nói trên, trước tiên là một nơi dành cho Lời Thiên Chúa. Chức Linh mục nhằm phục vụ Ngôi Lời mặc lấy xác phàm vì thế phải làm cho Lời Thiên Chúa trở thành hiện tại trong sự tinh tuyền không pha tạp và được hiện thực luôn mãi. Đối với người Linh mục của giao ước mới, điều căn bản là người ấy không được đưa ra một triết lý sống nào của riêng cá nhân mình, hoặc do chính mình nghĩ hoặc đã đọc được, nhưng là truyền đi lời đã được truyền lại cho chúng ta qua những bàn tay chắc chắn và chúng ta không được buôn bán, nói theo cách mạnh mẽ và diễn cảm của thánh Phaolô trong thư thứ hai gửi tín hữu Côrintô (2Cr 2,17). Bản văn của thánh Phaolô này vẫn luôn có giá trị giúp xác định thể thức và sứ vụ nền tảng của cuộc đời người Linh mục trong Hội Thánh của giao ước mới. Tôi phải truyền lại lời nói của một người khác: nói thế có nghĩa là tôi phải biết lời đó, tôi phải hiểu lời đó, tôi phải làm cho lời đó trở thành của tôi trước đã.

Nhưng lời loan báo sứ điệp này hiển nhiên còn giả thiết phải có cái gì còn hơn thái độ của một người điện tín viên trung thành truyền lại những từ xa lạ không có liên can gì đến bản thân mình. Hơn thế, tôi phải truyền lại lời nói của một người khác ở ngôi thứ nhất số ít, hoàn toàn liên can đến bản thân và tôi phải làm cho mình phù hợp với lời đó sao cho lời đó trở thành lời của chính tôi. Thật ra, đó sứ điệp này không cần đến một cái máy điện báo tự động, nhưng đúng là cần một chứng nhân. Thông thường, con người hình thành một tư tưởng rồi tìm những từ ngữ để diễn tả tư tưởng ấy ra. Còn ở đây thì ngược lại. Lời nói đi trước tư tưởng. Tư tưởng đặt mình vào tư thế sẵn sàng và hiến mình cho lời nói. Chính trong tiến trình tập tành, hiểu và trả lời này, một tiến trình giúp cho con người sống lời này từ bên trong, làm nên điểm cốt cán của bất kỳ việc đào tạo Linh mục nào. Trong cuốn sách tĩnh tâm, cha Kolvenbach dùng kiểu nói sacrificium intellectus, hy sinh của trí tuệ, để chỉ sự lệ thuộc của hiểu biết riêng đối với giáo huấn của Hội Thánh và cha viết tiếp:

“Sacrificium này ghi lên toàn thể công việc tinh thần […] dấu ấn của sự hy sinh hiểu theo nghĩa đen và như thế đóng lên đó dấu ấn Linh mục […]. Sự thích hợp […] đối với việc loan báo sứ điệp không chủ yếu xuất phát từ tri thức, nhưng từ sự kết hợp bản thân của Linh mục với thân thể của Đức Kitô và của việc chính bản thân sự hiểu biết của chúng ta đi vào trong lời nói được thông truyền. Cũng giống như đối với các thầy Lêvi, các ngôn sứ và các tông đồ, tiến trình tập tành của người loan báo Lời Thiên Chúa – một tiến trình không bao giờ kết thúc – cũng hệ tại ở chỗ dành vị trí đầu tiên cho vinh quang của Thiên Chúa […]. Một Linh mục phải hiến mình không giới hạn cho Lời Thiên Chúa”.

Chính trong viễn tượng này, cha Kolvenbach giải thích kiểu nói huyền bí của thánh Phaolô, khi thánh nhân viết rằng chúng ta phải “mặc lấy Đức Kitô”: mặc lấy Đức Kitô đưa về tiến trình chúng ta được đồng hoá với lời của đức tin, với sự đồng hoá nội tâm sống động của lời này, như thế lời này trở thành lời riêng của chúng ta, bởi vì chúng ta đã nên đồng hình với lời ấy.

Trong thực tế, điều này có nghĩa là khi học thần học, chiều kích trí thức và chiều kích thiêng liêng không thể tách rời nhau được. Trong thế giới này, có một Lời Thiên Chúa có thể đạt tới tôi, có một điều gì đó Thiên Chúa đã nói và đang nói với chúng tôi, đó chính là tin mừng lạ lùng nhất mà tôi chỉ có thể tưởng nghĩ. Nhưng thói quen đã làm cho cảm quan chúng ta khô cứng khiến chúng ta không còn nhận ra điều mà tin mừng này đem lại là điều chưa hề nghe nói. Tôi nhớ lại mới đây có một câu chuyện mà Helmut Thielicke thuật lại trong hồi ký của ông, hai sinh viên ngữ học chưa bao giờ được dạy về tôn giáo đã nghe một bài giảng ở Hambourg. Điều khiến hai anh ấn tượng nhất đó là việc đọc chung Kinh Lạy Cha, hai anh chưa hề biết đến bản văn Kinh này bao giờ. Giống như hết thảy những người tỏ ra là biết rồi, hai anh không dám hỏi, nhưng tự mình bắt đầu đi tìm bản văn này. Họ tìm kiếm trong thư viện làng nhưng không thành công. Ngay cả trong thư viện của phân khoa thần học, họ cũng không tìm ra được bản văn. Điều này đối với họ càng ngày càng ra như kỳ bí cho đến lúc sau cùng họ có ý tưởng là viết lại Kinh Lạy Cha khi nghe thánh lễ được truyền đi trên đài phát thanh. “Như thế, cuối cùng chúng tôi đã có bản văn Kinh Lạy Cha”, câu chuyện kết luận rằng hai chàng sinh viên đã có những cố gắng lâu dài và vất vả để tìm lời kinh Chúa dạy. Những cố gắng tìm kiếm này đã đưa hai anh tới chỗ gia nhập Hội Thánh Công Giáo. Ở đây lại diễn ra, trong thời đại chúng ta, điều Chúa đã chứng nhận về lòng tin của những người ngoại giáo: “Tôi không thấy ai trong Israel có một lòng tin như thế” (Mt 8,10). Nhận ra sự phiêu lưu của việc gần gũi với Lời Thiên Chúa trong tất cả vẻ đẹp cuốn hút và dốc toàn lực dấn thân vào Lời ấy, đó là điều thuộc về bản chất của ơn gọi Linh mục. Vì thế, chúng ta không được chùn bước trước một khó khăn nào nhằm để biết và lại biết nhiều hơn nữa Lời Thiên Chúa. Nếu phải học tiếng Ý để có thể đọc chính bản văn của thi sĩ Dante là điều bõ công, thì càng có lý do mạnh hơn để chúng ta coi là chuyện đương nhiên khi học để đọc Kinh Thánh trong ngôn ngữ gốc của Kinh Thánh. Bất kỳ việc nghiên cứu có tính cách lịch sử nghiêm túc nào cũng tự nhiên là thành phần của việc chúng ta đi vào thám hiểm Lời Thiên Chúa. Con đường dẫn tới chức Linh mục không thể miễn chước kỷ luật của lý trí, kỷ luật của một công việc lao động có phương pháp. Ai yêu thì muốn biết. Người ấy sẽ không bao giờ có thể biết đủ về người mình yêu. Chính vì thế mối quan tâm lo để biết là một yêu cầu bên trong của tình yêu. Đàng khác, kỷ luật có phương pháp, một điều luôn chấp nhận phải để cho mình sạch những ý tưởng riêng tư, phải thích kỷ luật ấy, bằng cách tuân theo điều đã được tặng trước(prédonné), là một khía cạnh bất khả thay thế của việc giáo dục chân lý và tính chân thật, một thành tố cơ bản là quên mình của nhân chứng vốn không loan báo chính mình, nhưng hoàn toàn sẵn sàng để phục vụ một Đấng khác lớn hơn mình. Một lòng tha thiết cứ nghĩ mình sẽ làm nên nhiệm cuộc do cố gắng sẽ biến thành cuồng tín. Một sự kiến tạo không có chân lý là một sự thủ dâm tinh thần mà chúng ta không được đi vào.

Một công việc nghiêm túc và có kỷ luật để hiểu biết Kinh Thánh là nền tảng của việc giáo dục tới chức Linh mục. Nhưng một việc đọc Kinh thánh thuần túy theo lịch sử hẳn nhiên là không đủ. Chúng ta không đọc Kinh Thánh như một lời của con người thuộc về quá khứ. Chúng ta đọc thấy ở đấy Lời Thiên Chúa mà Người đã đưa tới, qua những con người của quá khứ, cho con người thuộc mọi thời, để Lời ấy thành Lời luôn luôn mới, luôn luôn là hiện tại cho họ. Chỉ coi Lời là một cái gì thuộc quá khứ tức là chối Kinh Thánh là Kinh Thánh. Một giải thích thuần tuý lịch sử như thế, tức là chỉ quan tâm đến những gì nó đã có, đương nhiên đưa tới chỗ chối bỏ Thư Qui và do đó đi đến chỗ phi bác Kinh Thánh không nhận là Kinh Thánh. Chấp nhận Thư Qui luôn luôn có nghĩa là đọc Lời mà không giản lược Lời ấy vào khoảnh khắc nó được biên soạn ra, đó là nhìn thấy trong những tác giả trực tiếp Dân Thiên Chúa, dân mang và tác giả thường hằng của Lời này. Nhưng vì không có dân nào tự mình lại là dân của Thiên Chúa, nên nhìn nhận sự hiện diện của dân này ở hậu cảnh, tức cũng đồng thời nhìn nhận, nơi dân ấy và qua dân ấy, Đấng linh hứng đích thận hành trình và ký ức đã trở thành Kinh Thánh của dân ấy. Chính khi được đặt vào hướng nhìn như thế mà khoa chú giải trở thành chú giải Kinh Thánh và trở thành thần học. Chỉ có thần học trong mức độ thần học ấy được cưu mang bởi chủ thể là Hội Thánh: không có Hội Thánh, không có thần học. Khi quên mất Hội Thánh, thần học trở thành triết lý về tôn giáo: phát tán của những tiếp cận thần học chỉ là một sự kế cận của những môn học lịch sử, triết học, thực tiễn học, tất cả như thể Thư Qui sụp đổ vì thiếu chủ thể thường tồn mà chỉ mình nó mới có thể trả lời được. Khi sự hiện diện bên trong của chủ thể Hội Thánh này bị gẫy gập trong các linh hồn, thì người ta đi vào tiến trình tan rã: sự tan rã của Thư Qui và sự tan rã của thần học xét như thần học thành một loạt những môn học ít được nối kết với nhau trở thành khó lòng tránh khỏi. Chính đó là thử thách lớn của thời đại chúng ta, thời người ta ít có cảm thức về mầu nhiệm Hội Thánh và thời người ta chỉ nhìn Hội Thánh lớn lao như là một tổ chức cưu mang (porteuse) có thể điều phối những quan tâm tôn giáo nhưng chính bản thân nó thì không đi vào trong tôn giáo, chỉ có cách diễn tả trong cộng đoàn trực tiếp và cảm nhận được. Chính vì thế kinh nghiệm và sự chấp nhận Hội Thánh là một thành tố căn bản của việc đào tạo các Linh mục tương lai. Nếu trong thời gian đào tạo này, “Hội Thánh không thức dậy trong các lương tri”, thì rốt cuộc tất cả sẽ còn lại là chủ quan. Đức tin trở thành công việc của một sự lựa chọn cá nhân: tôi chọn điều đối với tôi vẫn còn có thể là hiện thực. Tiến trình giải hữu chính mình qua đó tôi giao phó mình cho lời của người khác không còn chỗ đứng nữa. Lời ấy vẫn còn là lời của tôi. Tôi không để cho mình được lôi kéo vào trong thân thể của Đức Kitô, tôi vẫn chỉ là đơn độc với chính bản thân tôi mà thôi.

 Điều đó có nghĩa là việc chuẩn bị cho chức Linh mục như thế đòi phải có sự đào tạo toàn diện gồm nhiều tiếp cận khoa học khác nhau. Do yếu tính, tôn giáo của Logos là một tôn giáo có lý tính. Chiều kích triết lý và lịch sự cũng là một phần cần phải chú ý như chiều kích thực tiễn. Nhưng tất cả điều đó chỉ có thể liên kết được với nhau khởi đi từ một cái nôi thần học đúng nghĩa mà không thể thay thế mà không có thực tại Hội Thánh. Ngày nay, ở thời đại càng ngày mọi cái càng được chuyên môn hoá, tôi thấy việc tìm kiếm sự thống nhất nội tại trong thần học và việc tập trung khởi đi từ trung tâm là một ưu tiên cấp bách. Chắc chắn là một nhà thần học phải được đào tạo về nhiều mặt khác nhau, nhưng thần học ở một chừng mực nào đó cũng phải luôn luôn gột rửa mình cho sạch những cũ kỹ rỉ sét để có thể tập trung vào cái cốt yếu. Thần học phải có thể phân biệt giữa kiến thức chuyên môn với kiến thức căn bản. Thần học tiên vàn phải giúp cho có một cái nhìn hữu cơ về toàn thể, giúp đi vào điều cốt yếu. Nếu việc học hành nghiên cứu khuôn mẫu cần phải có rốt cuộc đưa đến chỗ thu tích được một đống kiến thức chuyên biệt cái này kề cận cái kia, không có liên hệ gì với nhau, thì việc học ấy thiếu mất mục đích. Chỉ có cái nhìn toàn thể cũng giúp nhận ra những tiêu chuẩn không thể không có để có được sự phân biệt thần khí cần thiết, để có sự tự lập của người mang sứ điệp. Nếu không học để biết phê phán khởi đi từ toàn thể, thì người ấy sẽ liều mình đi vào những kiểu thời thượng thay đổi luôn luôn mà không có gì để tự vệ.

Tôi xin sang một phương diện khác. “Nobis quoque peccatoribus”, “cả chúng con nữa là những tôi tớ tội lỗi”, đó là những từ ngữ đầu tiên trong lời cầu nguyện của Lễ Qui Rôma, phần Linh mục cầu nguyện cho chính mình: đây là điều luôn khiến tôi suy nghĩ. Trước nhan Thiên Chúa, phẩm giá giáo sĩ không là gì cả, lời cầu nguyện của Hội Thánh đi đến tận cốt lõi của điều này: chúng con là “những tôi tớ tội lỗi”. Tôi nghĩ đó không phải thuần tuý là một biểu thức tỏ lòng khiêm tốn. Ở đây, chúng ta có cùng một ý thức như ý thức của ngôn sứ Isaia trước sự biểu lộ của Thiên Chúa: “Khốn cho tôi! Tôi chết mất, vì tôi là một con người môi miệng ô uế […] thế mà mắt tôi lại đã nhìn thấy Đức Vua, Chúa Thượng, Đấng Toàn Năng” (Is 6,5); đó cũng ý thức của thánh Phêrô, kinh hãi trước mẻ cá lạ lùng: “Lạy Chúa, xin xa con ra, vì con là một kẻ tội lỗi” (Lc 5,8); đó cũng là ý thức được diễn tả trong phụng vụ cổ xưa, khi Đức Giám mục khuyên nhủ các ứng sinh sắp chịu chức: “Phải tiến đến phẩm vị cao cả này với một lòng sợ hãi sâu xa”. Quả là nguy hiểm khi liên tục tiến gần đến sự thiêng thánh, có thể rơi vào nguy cơ “gần chùa gọi bụt bằng anh”, điều thánh thiêng khi ấy trở thành cái gì thường nhật, rồi còn coi là ách nặng nữa. Chuyện hai chàng sinh viên đi tìm Kinh Lạy Cha như thể cho chúng ta sờ thấy niềm khao khát của dân ngoại và sự mù loà của bản thân chúng ta.

Chính vì thế, trong quá khứ, Hội Thánh luôn cho rằng không thể học thần học như bất kỳ môn học nào, như là một nghề để sinh sống. Thật vậy, có thể điều đó lại khiến cho người ta coi Lời Thiên Chúa như là một cái gì thuộc về mình, không còn đúng bản chất là Lời Thiên Chúa nữa. Ông Môsê xưa đã phải cởi dép trước bụi gai đang cháy rực. Chúng ta cũng có thể nói rằng người nào tiếp cận với những tia sáng của Lời Thiên Chúa, lo lắng về Lời ấy như là nghề nghiệp, thì cũng phải biết trang bị để có thể sống trong sự gần gũi thân mật đó, nếu không người ấy sẽ bị thiêu cháy. Lịch sử Hội Thánh cho thấy mối nguy này là có thực: mọi cuộc khủng hoảng lớn trong Hội Thánh về căn bản đều xuất phát từ một sự tuột dốc của hàng giáo sĩ, những người coi sự năng tiếp xúc với sự thánh thiêng không còn phải là một mầu nhiệm thấm thía và gần gũi cháy bỏng với Đấng Chí Thánh là điều nguy hiểm nữa, nhưng là một cách bảo đảm cho cuộc sống dễ chịu. Lệnh truyền cho ông Môsê cởi dép ra diễn tả khá rõ việc chuẩn bị cần phải có để có thể dám làm cuộc phiêu lưu tới gần chuyên nghiệp mầu nhiệm Thiên Chúa: giầy dép làm bằng da, tức là da thú vật đã chết, chỉ về những thứ chết chóc mà chúng ta phải cởi bỏ để có thể tiến lại gần Đấng luôn là sự sống. Nhưng thái độ ngăn cản con đường vượt qua là những thứ chết chóc: chỉ có người nào dám mất chính mình mới có được mình. Chức Linh mục đòi phải từ bỏ nếp sống trưởng giả, chức Linh mục phải chấp nhận vào mình, một cách có cấu trúc, “sự mất mình”. Đó là những nhận xét thuộc loại này vốn giải thích cho thấy Hội Thánh đã nối kết chức Linh mục với sự độc thân: sự độc thân là cái gì mâu thuẫn cực kỳ với sự thành toàn bình thường của cuộc đời. Người chấp nhận sự độc thân từ bên trong không thể coi chức Linh mục như là một nghề nghiệp đem lại nhiều lợi lộc như nhiều nghề khác, nhưng phải bằng cách này hay cách khác chấp nhận từ bỏ dự phóng cuộc đời theo ý mình, để cho người khác thắt lưng và dẫn đến nơi mình chẳng muốn. Trước khi có quyết định như thế, cần phải nghe và suy gẫm Lời của Chúa: “Người nào trong anh em khi muốn xây một cây tháp, lại không khởi sự bằng cách ngồi tính toán phí tổn và xét xem liệu mình có theo đuổi đến cùng được hay không?” (Lc 14,28). Không ai có thể tự mình chọn chức Linh mục tìm sự thành toàn cho cuộc đời mình. Nó đòi một điều kiện căn bản là xem xét cẩn thận xem tôi có đáp lại lời kêu gọi của Chúa hay tôi mong đó là cách tôi thể hiện chính bản thân mình. Và suốt con đường này, cần phải luôn sống trong mối tương quan sống động với Người. Thật vậy, nếu chúng ta quay đi nơi khác không nhìn Người nữa, chắc chắn sẽ xảy ra cho chúng ta điều đã xảy ra cho thánh Phêrô người đã lao mình xuống nước để đi đến với Đức Giêsu: chỉ có cái nhìn hướng về Chúa mới có thể làm đối trọng với trọng lực, và có thể làm được, thành công. Chúng ta vẫn luôn luôn là những người tội lỗi. Nhưng nếu Chúa nắm lấy tay chúng ta, nước sâu đã mất hết mọi quyền lực đối với chúng ta.

 Tôi xin trở lại một lần nữa lời Nobis quoque, lời cầu xin của Linh mục trong Lễ Qui Rôma. Linh mục nhắc đến những vị chỉ cho chúng ta con đường và các ngài đã trở thành những người chuyển cầu cho chúng ta, đầu tiên là thánh Gioan Tẩy giả và, sau đó, là hai lần mỗi lần bảy vị thánh, tất cả đều là tử đạo, và bảy thánh nữ đồng trinh. Các ngài đại diện cho các nhóm khác nhau về địa dư trong Hội Thánh và có những ơn gọi khác nhau trong Hội Thánh, đó là toàn thể dân thánh của Thiên Chúa. Linh mục để cho mình được các vị thánh và toàn thể cộng đoàn sống động những người tin nâng đỡ. Một điều tôi thấy có ý nghĩa đặc biệt đó là Lễ Qui Rôma nhắc đến các thánh phụ nữ trong lời cầu nguyện cho các Linh mục. Sự độc thân của Linh mục không phải do thái độ ghét phụ nữ. Càng không có nghĩa là bỏ đi bất kỳ mối tương quan nào với phụ nữ. Sự trưởng thành bên trong của một Linh mục cũng tùy thuộc chủ yếu vào khả năng tìm được thái độ đúng đắn đối với phụ nữ. Linh mục cần được những người mẹ, những người chị, những người nữ sống đời thánh hiến, những người phụ nữ đang làm một nghề nghiệp, các quả phụ giúp đỡ, những người ấy chấp nhận sứ vụ đặc biệt của mình và lòng tốt và sự tận tuỵ vô vị lợi, tinh tuyền, theo nữ tính có thể giúp người Linh mục.

4. Lời và Bí tích: Nơi của việc phụng tự

Các suy nghĩ của chúng ta luôn ở trong khung cảnh của ý tưởng về Đền Thờ sống động trong đó chúng ta phải để cho mình được xây dựng. Đền Thờ được xây dựng lên để dâng lên Thiên Chúa việc phụng thờ, để dâng lễ tế, thư thứ nhất của thánh Phêrô cho chúng ta hay như thế.

 Là những Kitô hữu, chúng ta tin vào Ngôi Lời đã mặc lấy xác phàm. Chính vì thế công việc phục vụ của Linh mục không giản lược vào việc giảng thuyết, vào việc cắt nghĩa Kinh Thánh: điều trở thành khả thị về Ngôi Lời đã diễn ra trong các bí tích, nói theo thánh Lêô Cả. Lời đức tin về căn bản là lời có tính cách bí tích. Vì thế, việc đào tạo Linh mục, về cốt cách, phải là sự chuẩn bị cho công việc phục vụ các bí tích, phụng vụ bí tích của Hội Thánh. Ở đây, chúng ta có thể không đi vào những nhận xét dài dòng, vì tất cả những gì đã nói cho tới đây thì đều được suy nghĩ theo quan điểm bí tích. Một chuyện thôi là rõ ngay: Thánh lễ hằng ngày phải là trung tâm của toàn thể việc đào tạo Linh mục. Nguyện đường phải là trái tim của Chủng viện và việc gặp gỡ Thánh Thể phải được kéo dài và đào sâu thêm trong việc thờ lạy riêng tư trước Chúa đang hiện diện. Bí tích Hòa Giải nói được phải luôn luôn là lò lửa thanh luyện được ngôn sứ Isaia nói đến trong thị kiến về ơn gọi của ông (Is 6,6). Bí tích này phải là sức mạnh hoà giải nhờ đó Chúa lôi kéo chúng ta luôn luôn ra khỏi mọi sự bất hoà và giúp chúng ta tìm lại được sự thông cảm hài hoà.

Thinh lặng và sự diễn tả tưng bừng cả hai đều có vị trí của chúng trong phụng vụ. Khi nghĩ lại những năm ở Chủng viện, những kỷ niệm đẹp nhất của tôi vẫn là những khoảnh khắc dâng thánh lễ vào buổi ban mai, trong tâm tình mới mẻ tinh khôi cũng như những cuộc cử hành thật là trọng thể vào những ngày lễ. Cái làm nên vẻ đẹp của phụng vụ chính là chúng ta không còn là những diễn viên nữa, nhưng phụng vụ giúp chúng ta tham gia nhiều hơn là chính chúng ta dấn thân vào, phụng vụ ôm ấp chúng ta và làm cho chúng ta trở thành những người thân, những người trong gia đình. Một lần nữa, tôi lại xin nhắc đến Lễ Qui Rôma: trong kinh “Communicantes”, kinh “Hiệp Thông”, có kể danh tánh hai mươi bốn vị thánh, nhắc đến hai mươi bốn vị kỳ mục đứng chung quanh ngai Thiên Chúa trong phụng vụ thiên quốc, được sách Khải Huyền nói đến. Toàn thể phụng vụ là phụng vụ có tính cách vũ trụ, giúp chúng ta vượt ra khỏi sự qui tụ dẫu sao cũng vẫn là nghèo nàn của chúng ta để đưa chúng ta vào trong cộng đoàn bao gồm cả thiên quốc lẫn trần gian. Chính đó là điều làm cho phụng vụ thật là trang trọng, là làn gió mạnh thổi đi. Đó chính là cái làm cho phụng vụ thành một lễ hội. Chính đó là cái làm cho sự thinh lặng của chúng ta trở thành phong phú và cũng đưa chúng ta đi tìm sự tuân phục sáng tạo giúp chúng ta trở thành xứng đáng để hợp tiếng với ca đoàn vĩnh cửu.

 Phụng vụ không thể thành công mà không có văn hoá – đây là điều hiển nhiên. Văn hoá mà không có phụng tự thì đánh mất hồn, phụng tự mà không có văn hoá thì không hiểu đúng phẩm giá của mình. Nếu theo cốt cách, cách cơ bản, việc đào tạo Linh mục là đào tạo nhắm đến phụng vụ, thì một Chủng viện cũng phải là nơi đào tạo văn hoá rộng rãi. Âm nhạc, văn chương, nghệ thuật tạo hình, nét vui tươi sinh động của thiên nhiên, tất cả những thứ ấy đều có chỗ của chúng. Có sự khác biệt trong những hồng ân và cái làm nên vẻ đẹp của một Chủng viện chính là những hồng ân nhiều và đa dạng đều hướng về một toàn thể. Không ai có thể có mọi thứ, nhưng không ai được đành thúc thủ để cho tình trạng không có văn hoá. Phụng vụ là nơi gặp gỡ chính cái đẹp, gặp gỡ tình yêu vĩnh cửu. Phụng vụ phải chiếu giãi niềm vui trong ngôi nhà, phải luôn luôn giúp biến hình đổi dạng và vượt thắng những gian nan vất vả của một ngày làm việc. Khi phụng vụ sẽ là trung tâm của cuộc sống, chúng ta sẽ ở trong sự thúc đẩy của lời thánh Tông Đồ: “Anh em hãy vui lên trong Chúa mọi lúc; tôi xin nhắc lại, anh em hãy vui lên […] Chúa đã gần” (Pl 4,4). Chính từ trung tâm phụng vụ này, và chỉ có từ đó mà thôi, chúng ta sẽ có thể hiểu được thánh Tông Đồ muốn nói gì khi người định nghĩa người tư tế của giao ước mới là “người tôi tớ của niềm vui” (2Cr 1,24).

Lúc tôi còn trẻ, đôi khi vẫn còn những người dân quê nghĩ rằng chuẩn bị làm Linh mục chủ yếu hệ tại học làm lễ. Người ta ngạc nhiên khi thấy phải có một thời gian lâu như thế, cho dù người ta biết là cần phải học tiếng Latinh, chuyện không phải là dễ dàng. Muốn hiểu đến nơi đến chốn, phải nói rằng rốt cuộc việc chuẩn bị làm Linh mục thực ra là học cho biết cử hành Thánh Thể. Nhưng ngược lại, ta cũng có thể nói rằng Thánh Thể được làm ra để dạy chúng ta sống. Trường học của Thánh Thể là trường học dạy cho biết sự sống đích thực là gì. Thánh Thể đưa chúng ta vào mái trường của Đấng duy mình Người có thể nói: “Tôi là con đường, là sự thật và là sự sống” (Ga 14,6). Điều làm cho Thánh Thể thành một sứ vụ đáng hãi hùng, đó là người Linh mục được phép nói bằng chữ “Tôi” của Chúa Kitô. Trở thành Linh mục và là Linh mục, đó là không ngừng tiến đi trên con đường đồng hoá này. Chúng ta chẳng bao giờ đạt tới đích, nhưng nếu chúng ta luôn tìm kiếm sự đồng hoá này, chúng ta đang đi đúng đường: con đường đưa tới Thiên Chúa và tới con người, con đường của lòng yêu thương. Đấy là tiêu chuẩn cần phải dựa vào để thẩm định bất kỳ việc đào tạo Linh mục nào.

(Nguồn: J. Ratzinger, Un chant nouveau pour le Seigneur, Desclée 1995, pp. 213-233)

 


Trang Mục Vụ