Người hay Ngài?

Lm. Stêphanô Huỳnh Trụ

 

1. Sau khi công bố cuốn Nghi thức Thánh lễ, bản dịch mới, được Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích phê chuẩn ngày 10/05/2005 và Hội Đồng Giám Mục Việt Nam công bố buộc phải thi hành từ lễ Phục Sinh 2006 (16/04/2006), đã có nhiều bài viết và các đóng góp phê bình, trong số đó có nhiều ý kiến liên quan đến việc sử dụng hai đại danh từ Người và Ngài thay cho các danh xưng Thiên Chúa ở ngôi thứ hai hoặc thứ ba.

Ngày 27/05/06, Đức cha Phêrô Trần Đình Tứ, Chủ Tịch Ủy Ban Phụng Tự đã có bài trả lời những thắc mắc chung quanh đường lối và cách làm việc của Uỷ Ban Phụng Tự thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam. Liên quan đến cách sử dụng hai đại từ này trong Nghi thức Thánh Lễ, Đức cha Chủ Tịch cho biết: “Theo sự chọn lựa của đa số,... chúng tôi... dùng từ Ngài để chỉ Chúa Cha và Chúa Thánh Thần theo vị cách ngôi thứ ba. Ít khi chúng tôi dùng từ Ngài để thân thưa với Chúa, vì thấy có vẻ xa lạ quá! Chúng tôi không dùng từ Người để chỉ Ngôi Cha và Ngôi Thánh Thần, vì theo một lối phân tích mà chúng tôi cho là có lý, các Ngài không thuộc loài người, nhưng có thể dùng để chỉ Chúa Giêsu vì Chúa Giêsu cũng là người như chúng ta.” [1]

Nhưng sau đó, có nhiều ý kiến khác nhau đã được đưa ra. Trong bài này chúng tôi tập hợp những ý kiến mà chúng tôi được biết có liên quan, tìm hiểu lại ý nghĩa của hai đại từ Người là Ngài và cuối cùng mạo muội đưa ra vài nhận xét góp ý của mình.

2. Những ý kiến khác nhau liên quan đến việc dùng chữ Ngài và Người:

2.1. Uỷ Ban Phụng Tự/Hội Đồng Giám Mục Việt Nam:

Phát biểu của Đức cha Chủ Tịch UBPT có thể hiểu là: (1) Khi nói với Thiên Chúa thì lặp lại danh từ đã xưng hô trước đó, chứ không dùng Ngài (trừ một vài trường hợp bất đắc dĩ do âm luật bằng trắc đòi hỏi). Ví dụ: Lạy Chúa, Chúa đã…; Lạy Cha, Cha đã… (2) Khi nói về Thiên Chúa thì phân biệt: (2a) Nói về Chúa Cha và Chúa Thánh Thần thì dùng Ngài. (2b) Nói về Chúa Giêsu thì dùng Người (để nêu bật mầu nhiệm nhập thể).

Với nguyên tắc này, cha Võ Tá Khánh [2] nhận xét: “...Lẽ ra còn phải phân biệt: Khi nói về Ngôi Lời Hằng Hữu thì dùng “Ngài”, chỉ khi nói về Chúa Giêsu (Ngôi Lời nhập thể) mới dùng “Người”. (...) Chọn lựa này của Uỷ Ban Phụng Tự không chỉ gây thêm xáo trộn mà còn có nguy cơ khiến đức tin của dân Chúa cũng như suy nghĩ của người ngoài về giáo lý Công giáo bị lệch lạc. Thật vậy, dù chúng ta có giải thích gì đi nữa, đầu óc non nớt của học sinh giáo lý và cái nhìn chất phác của đại chúng vẫn đi đến một kết luận không mong chờ: Chúa Giêsu không cùng một đẳng cấp với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần. Đức tin của họ sẽ nằm ở giữa hai lạc thuyết Nestôriô và Ariô”.

Cha Nguyễn Tất Hải [3] cũng cho rằng: “Nói về Chúa (ở ngôi thứ ba) mà lúc thì Ngài, lúc thì Người, như vậy là không nhất quán”.

Cha Cao Phương Kỷ [4] cho rằng: (1) Người (và biến thể Ngài) cũng đều tỏ sự tôn kính cả. Tại sao lại hiểu chữ Ngài khác chữ Người và phân biệt cách áp dụng khác nhau cho Ba Ngôi Thiên Chúa, cùng một bản thể và luôn luôn cũng bằng nhau? (2) “Người, Ngài, dầu tỏ sự tôn kính nhưng không có ý nghĩa thiên (thần) tính”.

2.2. Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ:

“Toàn bản dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ theo ước lệ sau đây: (1) Tiếng ‘Ngài’ chỉ ngôi thứ hai. Vd: ‘Lạy Chúa, Chúa thượng con ngự bên hữu Ngài’. Ngài = Chúa. (2) Tiếng ‘Người’ chỉ ngôi thứ ba. Vd: ‘Đức Chúa đã một lần thề ước, Người sẽ chẳng rút lời’. Người = Đức Chúa”.[5]

Cha Hải cho rằng ước lệ này “tương đối khá hợp lý, (vì) ngay cả trong các nghi thức ngoại giao hiện nay, ta vẫn thấy thế giới thường dùng từ ‘Thưa ngài’ để chỉ ngôi xưng thứ hai”.[6]
Cha Trần Văn Bảo [7] cũng ủng hộ ước lệ này và cho rằng: “Chữ ‘Ngài’ không nên dùng trong phụng vụ dù là dùng cho ngôi thứ hai. Tâm tình người Việt đại từ danh xưng phải nói lên liên quan giữa người nói (cầu nguyện) và đối tượng: ‘Cha-con’, ‘Chúa-con’ tâm tình biết bao nhiêu. Còn ‘Ngài-con’ thì xa lạ quá!”

Soeur Nguyễn Thị Sang [8], thành viên của nhóm Phụng Vụ Các Giờ Kinh cho biết: “Tôi muốn nhắc đến một đại danh từ kỳ lạ trong tiếng Việt (Người, với chữ N viết hoa) được dùng trong các bản văn Kinh Thánh và phụng vụ để chỉ Thiên Chúa. (...) chữ Người được dùng để nói với Chúa hoặc chỉ về Chúa. Nhưng chữ này không hề lẫn lộn, vì đó là đại danh từ bộc lộ sự tôn kính chỉ dùng cho các nhân vật đáng kính, hoặc được dùng khi không có từ nào xứng đáng hơn”.

2.3. Cha Võ Tá Khánh [9]:

Trong bài “Vượt khỏi những lúng túng của hai đại danh từ Người và Ngài”, Cha Khánh cho rằng: Không nên thưa với Chúa là Ngài hay Người, vì: (1) “Chỉ khi nào muốn nhấn mạnh sự kính-trọng-mà-chưa-thân-tình mới dùng Ngài”, do đó: “Ước lệ dùng chữ Ngài làm đại danh từ ngỏ với Thiên Chúa khá gây trở ngại cho việc đào tạo tâm tình cầu nguyện”. (2) “Ngôn ngữ ngoài Công giáo của cả ba miền Bắc, Trung, Nam, không có nơi nào dùng (chữ) Người để gọi thần tính”. Nhưng sau đó, dường như cha Khánh lại ủng hộ cách dùng chữ “Ngài” để nói về Thiên Chúa và chữ “Chúa” (trừ những chỗ luật bằng trắc đòi hỏi thì dùng Ngài) khi thưa với Ngài. Vì trong phần kết luận, ngài viết: “Ước mong HĐGMVN cho nghiên cứu tường tận để ngôn ngữ của người Công giáo trở về với sự hồn nhiên ban đầu của ông Phan Khôi, của Đức Hồng Y Trịnh Văn Căn, của cha Trần Đức Huân...” (là những dịch giả đã dùng cách dịch nói trên).

2.4. Cha Cao Phương Kỷ:

Trong một bài thuyết luận khá dài, Cha Kỷ [10] cho rằng: (1) Không nên dùng Người hay Ngài để thưa với Chúa hay nói về Chúa (kể cả Ba Ngôi), vì đó chỉ là những hư tự tôn kính dành cho con người mà thôi. (2) Trong tiếng Việt, không có đại tự chỉ về Chúa, theo nghĩa tuyệt đối, siêu việt hơn mọi thần thánh, nên Công Giáo cần sáng tạo ra một từ ngữ mới dùng làm hư tự riêng biệt, có ý nghĩa thiên tính: đó là chữ “Chúa” vừa dùng như danh tự, vừa dùng làm hư tự.

3. Nghĩa của hai chữ “người” và “ngài”:

Trước hết cần xem lại ý nghĩa của hai chữ “người” và “ngài”.

Theo Cha Đắc Lộ (1651)

- “Người, tức là đàn ông hay đàn bà. Loài người ta: Loài người. Mấy người: Bao nhiêu người. Người: Người ấy, của người ấy; lối nói cách tôn kính, nhưng chỉ nói cho con người” [11].

Trong “Cuốn văn phạm Việt Nam đầu tiên” [12] của mình, Cha Đắc Lộ còn nói rõ là: “Ở ngôi thứ ba:... với những người ngang vai và hơn thế đối với những người trên thì phải lặp lại tên chức vị của họ. Để bày tỏ chức vị hay sự cao sang của ai, thì tiếng người, ille (vị ấy) chỉ nghĩa danh giá.... Nhưng khi nói về Thiên Chúa Cha, hay Thánh Linh, hay toàn thể Ba Ngôi rất thánh, thì không được dùng tiếng này, mà chúng ta phải lặp lại chính tên hay ngôi vị chúng ta nói tới, thí dụ, con Chúa blời, Filius Dei (Con của Thiên Chúa) cũng nói như vậy về các Thiên thần”. Vậy, theo quan điểm của Cha Đắc Lộ: Không được dùng tiếng Người để chỉ về Thiên Chúa.

Theo Paulus Của [13] (1895):

- Ngài: Người, tiếng xưng hô các kẻ trưởng thượng.

- Người: Người ta, người ấy; ngài, nha ngươi.

Vậy, người và ngài đồng nghĩa với nhau (ở số ít).

Theo Cha Gouin [14] (1957):

- Ngài: Ông, anh, bạn, đại từ giống đực để tôn vinh các bậc thần thánh và vua chúa,...

- Người: Con người, người, thân thể, cá nhân, những người khác, những người xung quanh, một số người, đại từ chỉ sự tôn trọng dành cho Thiên Chúa, các thần thánh, bậc trưởng thượng và phụ mẫu.

Vậy, theo quan điểm của Cha Gouin: Có thể sử dụng đại từ Ngài và Người để chỉ Thiên Chúa và các thần thánh.

Theo Gs. Lê Ngọc Trụ [15] (1972):

- Ngươi ∞ người: tiếng dùng để chỉ người nào khi nói có ý không trọng.

- Người ∞ ngươi ∞ ngài: con người ; tiếng gọi kẻ khác có ý tôn trọng. Vậy, người (∞ ngươi) có thể hàm ý không tôn trọng hoặc ngược lại (∞ ngài) hàm ý tôn trọng.

Theo Cha Lê Văn Lý [16] (1972):

- Người là (1) Một tự bởi danh tự người mà ra. (2) (Biến thể của nó là ngài) được dùng thay cho một ngôi tự chỉ ngôi thứ ba số ít. (3) Một thứ ngôi tự tôn trọng thay cho nó, một ngôi tự khinh bạc.

Khi cần phải dùng ngôi tự tôn trọng người ở số nhiều, người ta sẽ nói: các ngài, chứ không nói: các người, hay là người ta sẽ sử dụng những kiểu nói khác, như: các vị ấy, các đấng ấy...
Vậy, người và ngài trái nghĩa nhau ở số nhiều: Các người (hàm ý không tôn trọng) ≠ Các ngài (hàm ý tôn trọng).

Theo TỪ ĐIỂN MƯỜNG-VIỆT [17] (2002):

Ngài: (1) Ngài: Tôi xin chào ngài= Tôi xin chào ngài; (2) Người ta: Con pẫu con ngài= Con nhà người ta; (3) Nhộng (ong): Con ngài nì rang băng điênh ăn lẳm= Nhộng ong này rang măng chua thì ngon lắm.

Vậy, tiếng Mường vẫn chưa đưa vào chữ người và vẫn giữ ngài để chỉ người.

Theo Cha Trần Văn Kiệm [18] (2004):

- Ngài (Nôm): , (1) Từ để tôn vinh: Thưa ngài; (2) Từ đệm trước ngại để giảm cường độ: Hơi ngài ngại [19].

- Người (Nôm): , (1) Nhân loại: Loài người; (2) Kẻ ở chung quanh: Người ta; người thợ; người đàn ông...; (3) Nói về bậc cao quý: Xin người nhận cho.

Vậy, người và ngài trong chữ Nôm viết giống nhau: (nhân + ½ ngại) hoặc ngược lại (½ngại + nhân).

4. Nhận xét và góp ý:

(1). Mặc dù từ ban đầu, Cha Đắc Lộ đã chủ trương không dùng đại từ Người để chỉ Thiên Chúa, như đã nói trên, và có thể thấy qua các tác phẩm của ngài. Nhưng “thực ra, về sau, không ai theo Đắc Lộ về việc tránh không dùng đại từ người để chỉ các Ngôi Thiên Chúa hay các thánh thiên thần, cũng như không ai theo ông về việc không dùng hai chữ nhân danh” [20]. Các Kinh Bổn viết bằng chữ Nôm và Quốc Ngữ từ hậu bán thế kỷ XVIII, như Thánh Giáo Yếu Lý (1774) đã sử dụng chữ (Người) [21]. Sau khi đã được chính thức sử dụng trên toàn quốc (1878) đến đầu thế kỷ XX, chữ Quốc Ngữ đã phát triển mạnh mẽ, các văn bản và sách vở Công Giáo thường dùng chữ Người để nói về Thiên Chúa, nhưng không thấy dùng chữ Ngài. Ví dụ: Trong các thơ luân lưu của các Đức Cha L. Mossard, V. Quinton...(1903-1927) [22]; Trong Sấm Truyền Cũ, Sấm Truyền Mới [23]; Trong bản dịch Thánh Kinh tiếng Việt đầu tiên (1913-1916) của Cha Cố Chính Linh [24] cũng đã dùng chữ “Người” để nói về Chúa và chữ “Chúa”, “Chúa tôi” để thưa với Ngài.

(2). Ngài và người cùng một gốc: Vì hoàn cảnh chính trị và xã hội, tiếng Việt có nhiều sự thay đổi trong cách phát âm giữa các địa phương. Theo các nhà khảo cứu, biến chuyển từ ngài sang người thật ra chỉ là một trong hàng chục biến chuyển khác từ nguyên âm A sang nhị âm ƯƠ, trong lúc chữ Nôm rút vào bóng tối và nhường chỗ cho Quốc Ngữ. Ví dụ: Đài ai đười ươi; lên đàng lên đường; mài mười; nhà Thang nhà Thương; tai cài tươi cười; tlàng học tràng học trường học; Trang (họ) Trương (họ); Tràng An Trường Yên; Yang Gui Fei Vương Quí Phi... Người gốc Nghệ Tĩnh thường đọc chữ người là ngài, nghe nói ở đó có câu châm ngôn: “Tốt con ngài hơn dài tấm áo”. Do đó, có người cho rằng ngày trước, người dùng để chỉ ‘con người, người ta’, được phát âm trên khắp nước An Nam là ngài [25]. Theo thời gian, cách sử dụng ngài và người cũng có phần dị biệt. Ví dụ, chúng ta nói: Lạy ngài, thưa ngài, chào ngài, các ngài; chứ không nói: Lạy người, thưa người, chào người, các người (theo nghĩa tôn trọng).

(3) Mầu nhiệm Ngôi Hiệp: Nếu cùng vị cách (ngôi II, hoặc III) mà lại có sự phân biệt trong lối xưng hô giữa Ngôi Cha, Ngôi Thánh Thần với Ngôi Con - nhất là trong phụng vụ, cầu nguyện, chứ không phải trong nghiên cứu thần học - thì liệu có làm giảm đi bản tính Thiên Chúa trong Chúa Giêsu Kitô hay không? Mầu nhiệm Ngôi Hiệp mà CĐ Calcedonia đã tuyên tín là: “Chúa Kitô hiện hữu trong hai bản tính không trộn lẫn hoặc thay đổi, không chia rẽ hoặc tách biệt; không bao giờ sự khác biệt giữa hai bản tính lại bị xóa mất đi do bởi sự việc chúng kết hợp với nhau, trái lại, đặc tính của mỗi một trong hai bản tính càng được bảo toàn, khi tụ hợp với nhau nơi một ngôi vị và một bản ngã; không bị phân rẽ hay chia cắt làm hai ngôi vị, nhưng chỉ là một, là Con Một duy nhất, là Thiên Chúa Ngôi Lời, là Chúa Giêsu Kitô” (DS 301-302/D148). Ngày 14/03/07, Cha Jon Sobrino, SJ. đã bị Thánh bộ Giáo lý Đức tin rút huấn quyền vì đã nhấn mạnh thái quá vai trò nhân tính Đức Kitô trong các vấn đề xã hội và làm giảm nhẹ thiên tính trong việc cứu độ.

(4) Người hay Ngài chỉ Thiên Chúa đều có những bất lợi? [26]: Dùng chữ Người thì: Người nghe sẽ không phân biệt được Người với người; đại từ chủ ngữ Người và tiếp đầu ngữ người hay thuộc ngữ người; lúng túng khi chuyển từ số ít (người) sang số nhiều (các ngài) (Cha Khánh); “chữ Người đôi khi gây cảm tưởng như xa cách với người mình đối thoại” (Cha Kỷ). Ở Việt Nam hiện nay, có một luật bất thành văn là khi nói về Chủ tịch Hồ Chí Minh, đại từ ngôi thứ ba phải viết hoa: Bác, Người. Ví dụ: “Thấm nhuần lời dạy của Bác và làm theo tấm gương đạo đức của Người”. Còn dùng chữ Ngài thì: “có trường hợp sẽ lẫn lộn Ngài ở ngôi thứ ba với Ngài ở ngôi thứ hai; và nhất là biểu lộ sự kính-trọng-mà-chưa-thân-tình” (Cha Khánh); “có vẻ kênh kiệu, nịnh bợ” (Cha Kỷ); “có vẻ xa lạ quá” (UBPT); “chữ Ngài hình như có nghĩa cao xa hơn chữ Người, nhưng có lẽ cũng chẳng nên dùng vì vốn là chữ Người đọc theo âm khác. Các cụ Vũ Văn Kính, Trần Văn Kiệm, Huỳnh Tịnh Của cùng nói như vậy” (Ls. Bình [27]). Thực ra, những ý kiến về sự bất lợi khi dùng hai từ Người và Ngài cũng thuộc về mặt giới hạn chung của ngôn ngữ mà thôi. Như nhiều từ ngữ khác trong Việt ngữ có những tiếng đồng âm dị nghĩa với nó, thì sẽ có những trường hợp “hàm hồ”, ví dụ: “Bác bác trứng, tôi tôi vôi”; “Hôm qua qua nói qua qua mà (sao) qua hỏng qua?”; “Gì cũng quản, gì cũng phân, đến phân cũng quản”; “Bà già đi chợ Cầu Đông, Bói xem một quẻ lấy chồng lợi chăng? Thầy bói gieo quẻ nói rằng: Lợi thì có lợi nhưng răng không còn...”.

(5) Từ ngữ và niềm tin: Nếu có vấn đề “Ngôn ngữ ngoài Công giáo của cả ba miền Bắc, Trung, Nam, không có nơi nào dùng ‘Người’ để gọi thần tính” (Cha Khánh) là một trở ngại, thì thử hỏi đối với người ngoài Công Giáo biết rằng chúng ta thờ Thiên Chúa, Chúa Giêsu là Thiên Chúa... thì việc chúng ta gọi Thiên Chúa là Cha, Chúa Giêsu là Anh Cả có vấn đề gì hay không? (Hai từ này cũng không có nơi nào dùng để gọi thần tính cả). Có lẽ phải phân biệt “từ ngữ” và “niềm tin”. Từ ngữ là công cụ để chúng ta tuyên xưng, truyền đạt niềm tin. Nên từ ngữ phải dễ hiểu và cùng một sự hiểu biết như nhau. Còn niềm tin thì người ta phải tìm hiểu mới biết được, cũng như nếu chúng ta không học Phật học, thì không biết thế nào là “tiền niệm”, “hiện niệm” hay “hậu niệm”. Bên Phật giáo cũng có rất nhiều từ chuyên môn không được dịch ra tiếng Việt mà chỉ phiên âm từ tiếng Ấn Độ (sang tiếng Trung Quốc, rồi từ tiếng Trung Quốc phiên âm qua tiếng Việt) như: bát nhã (pranõa), Bồ tát (Boddhisatva), Phật (Buddha), thiền (dhyana) v.v... Các tôn giáo khác hay các bộ môn khoa học, kỹ thuật cũng vậy.

(6) Không ai cấm chúng ta theo quan điểm của cha Đắc Lộ: Khi nói về Thiên Chúa Cha, hay Thánh Linh, hay toàn thể Ba Ngôi rất thánh, chúng ta có thể lặp lại chính tên hay ngôi vị chúng ta nói tới. Tức là có thể dùng từ “Chúa”, “Chúa tôi” như những đại từ ở ngôi thứ II hoặc ngôi thứ III và như thế cũng là rất tốt vì rõ nghĩa. Nhưng việc sử dụng hai đại từ “Người”, “Ngài” như các thế hệ tiền bối của chúng ta hàng trăm năm qua đã sử dụng để diễn tả niềm tin và tình yêu của các ngài dành cho Thiên Chúa qua tác phẩm văn học, thi ca, kinh nguyện vv... càng làm cho ngôn ngữ nhà đạo chúng ta phong phú hơn, giản tiện hơn thì không phải cũng là điều tốt hơn sao? Chúng tôi đồng ý với phát biểu của Soeur Sang: Những chữ này không hề lẫn lộn, vì đó là đại danh từ bộc lộ sự tôn kính chỉ dùng cho các nhân vật đáng kính, hoặc được dùng khi không có từ nào xứng đáng hơn.

_______________________________________________________

Ghi chú:

[1] Trả lời của Đức cha Phêrô Trần Đình Tứ, Chủ tịch UBPT/HĐGMVN về cuốn ''Nghi Thức Thánh Lễ" năm 2005, Hiệp thông Số 43, Th.9-10/2007.

[2] Lm. Phêrô Võ Tá Khánh, trong bài “Vượt khỏi những lúng túng của hai đại danh từ Người và Ngài”, đăng trong Hiệp thông Số 48, Th.7-8/2008, tr. 169-187.

[3] Lm. Phêrô Nguyễn Tất Hải, CSsR, Bản dịch Việt ngữ Nghi thức Thánh lễ 2005 là gì ? Đăng trên Website VietCatholic ngày 08/09/2006 (http://vietcatholicnews.com/news/index.htm).

[4] Bài thuyết luận của Lm. Cao Phương Kỷ “Tôn thờ Ngôi Lời Nhập Thể, Chúa Giêsu Kytô, Con Thiên Chúa - Nhân vụ “The Da Vinci Code” (không đề ngày) đăng trên Website Dũng Lạc (http://www.dunglac.org/index.php?m=home&v=detail&ia=935).

[5] Các Giờ Kinh Phụng Vụ, UBPT/HĐGMVN, 1991, tr.121.

[6] Lm. Phêrô Nguyễn Tất Hải, CSsR, ibid

[7] Lm. Marie Bảo Tịnh Trần Văn Bảo, Ocist: Thư ngỏ kính gửi cha Kim Long TTK UBPT góp ý về Nghi thức Thánh lễ, bản dịch 2006, ngày 01/05/2006.

[8] Bài phỏng vấn “Tiếng Việt và tiếng Hoa giúp làm sáng tỏ các bản văn Kinh Thánh” trên Thông Tấn Xã UCA News, ngày 24/09/1999.

[9] Xem Lm Phêrô Võ Tá Khánh, ibid.

[10] Lm. Cao Phương Kỷ, “Tôn thờ Ngôi Lời Nhập Thể, Chúa Giêsu Kytô Con Thiên Chúa - Nhân vụ ‘The Da Vinci Code’” (không đề ngày) đăng trên Website Dũng Lạc (http://www.dunglac.org/upload/article/f__1184147469.htm).

[11] Alexandre de Rhodes, TỪ ĐIỂN ANNAM - LUSITAN - LATINH (TỪ ĐIỂN VIỆT - BỒ - LA), Roma, 1651. Phiên dịch: Thanh Lãng, Hoàng Xuân Việt, Đỗ Quang Chính, nxb. Khoa Học Xã Hội, Hà Nội 1991, tr. 166.

[12] Alexandre de Rhodes, ibid. tr. 18. (Lm. Thanh Lãng, BIỂU NHẤT LÃM VĂN HỌC CẬN ĐẠI, Tự Do, Sài Gòn, 1958, tr.23, viết: "Chính phần này được tục gọi là Cuốn văn phạm Việt Nam đầu tiên.”, tức là tập sách LINGUAE ANNAMITICAE SEU TUNCHINENSIS BREVIS DECLARATIO - Báo cáo vắn tắt về tiếng An Nam hay Đông Kinh - vỏn vẹn 31 trang - mà Cha Đắc Lộ in chung với cuốn TỪ ĐIỂN VIỆT - BỒ - LA).

[13] Huình Tịnh Paulus Của, ĐẠI NAM QUẤC ÂM TỰ VỊ, Rey, Curiol & Cie, Sài Gòn, 1895. nxb. Khai Trí, Sài Gòn, 1974.

[14] Lm. Eugène Gouin, MEP, DICTIONNAIRE VIETNAMIEN CHINOIS FRANÇAIS, D’Extrême Orient, Sài Gòn, 1957: tr. 898: “Ngài: Il, lui, vous, pronom masculin honorifique pour les Esprits et les roi,...”; tr. 947: “Người: Homme, personne, corps, individu, autrui, le prochain, les autres, numéral des personnes, pronom respectueux pour Dieu, les Esprits, les supérieurs et les parents”.

[15] Gs. Lê Ngọc Trụ, VIỆT NGỮ CHÍNH TẢ TỰ VỊ, in lần II, nxb. Khai Trí, Sài Gòn, 1972, tr.443. (Ký hiệu ∞ nghĩa là: đổi lẫn nhau).

[16] Lm. Ts. Lê Văn Lý, SƠ THẢO NGỮ PHÁP VIỆT NAM, TTHL Bộ Giáo Dục, Sài Gòn, 1972, tr. 95-99.

[17] Nguyễn Văn Khang (chủ biên), TỪ ĐIỂN MƯỜNG-VIỆT, Nxb Văn Hoá Dân Tộc, 2002.

[18] Lm. Antôn Trần Văn Kiệm, GIÚP ĐỌC NÔM VÀ HÁN VIỆT, nxb. Đà Nẵng, 2004.

[19] Chữ cũng đọc là ngài, nhưng có nghĩa khác: (1) Bướm tằm: Con ngài; (2) Cụm từ: Mắt phượng mày ngài (trích từ Tướng thư “Diện như mãn nguyệt, mi như ngoạ tàm”, tả đàn bà đẹp và phúc hậu).

[20] Nguyễn Khắc Xuyên, NGỮ PHÁP TIẾNG VIỆT CỦA ĐẮC LỘ 1651 - Để kỉ niệm 400 năm sinh nhật Đắc Lộ 1593-1993, Nxb Thời Điểm, California, 1993.

[21] Lm. Ts. Nguyễn Hưng dịch, THÁNH GIÁO YẾU LÝ (Giáo Lý Công Giáo viết bằng Hán Nôm), Bản in Ronéo lưu hành nội bộ, TP.HCM, 1997, tr. 127 và 352: “H. Đức Chúa Trời lấy đí gì mà dựng nên trời đất muôn vật? T. Lấy phép tắc vô cùng. H. Lấy phép tắc vô cùng nghĩa là làm sao? T. Nghĩa là bởi không mà Người phán một lời tức thì liền có trời đất muôn vật”.

[22] Xem Thơ luân lưu “Dạy người giáo hữu phải làm mọi việc thường ngày thể nào để nên thánh” của Đức Cha L. Mossard (Mão) năm 1903. “cảm tạ lòng lành Đức Chúa Trời thương ta quá bội, vì Người định cho ta đặng nên trọn lành và đặng rỗi (...) Anh em hãy ăn ở xứng đáng Đức Chúa Trời, đẹp lòng Người trong mọi sự,..”.

[23] Trong “Sấm Truyền Cũ thuật cùng gẫm truyện thánh tổ tông”, in lần thứ 6 tại Imprierie de la mission, Saigon, Tan Dinh, 1950: “Đức Chúa Trời dựng nên bầu trời cùng trái đất, không còn lộn lạo tối tăm; đoạn Người dựng nên sự sáng mà phân sự tối ra”; Trong “Sấm Truyền Mới hay là Thánh Yếu Giáo Lý”: “H. Vì ý nào Đức Chúa Trời dựng nên trời đất muôn vật ? T. Có ý cho sáng danh Người cùng cho ta đặng dùng ?”

[24] Albertus Schlicklin, KINH THÁNH - CỨ BẢN VULGATA, Imprimerie de la Société des Missions-Étrangères, Hong Kong 1913-1916.“Đức Chúa Lời thấy sự sáng tốt lành, Người phân sự sáng ra khỏi sự tối” (Gen 1,4) “Lạy Chúa, nếu tôi được đẹp lòng vừa con mắt Chúa tôi, thì xin đừng bỏ qua tôi tá Chúa tôi” (Gen 18,3).

[25] Nguyên Nguyên, Khuôn trăng đầy đặn nét người nở nang. (http://alcor.concordia.ca/~tmai/NetNgai.pdf).

[26] Xin đọc thêm chi tiết trong bài của các tác giả đã trích dẫn.

[27] Ls. Nguyễn Công Bình, “Xin cố tránh gọi Ðức Chúa Thánh Thần là Ðấng Thiêng Liêng bằng chữ Ngài hay Người”, ngày 03/02/2010, đăng trên Website Dũng Lạc (http://www.dunglac.org/upload/article/f__1265307132.pdf).

 


Trang Mục Vụ