HỎA TÁNG HAY ĐỊA TÁNG TRONG ĐẠI DỊCH COVID-19
?
*
Lm.Anphong
Nguyễn Công Vinh
Giáo phận
Phan Thiết
Việc
chôn cất người chết đã có ít nhất 100.000 năm qua. Tuỳ theo từng dân tộc, văn
hoá, tôn giáo, việc an táng với các nghi lễ, được coi là sự tôn trọng đối với
người đã khuất, đồng thời là cách để các thành viên trong gia đình còn sống
không phải đau lòng khi chứng kiến sự phân huỷ xác người thân yêu của họ; đây
cũng còn là cách thức giữ vệ sinh môi trường. Trong nhiều nền văn hoá, nó được
xem như là một bước chuyển tiếp để người quá cố đi vào thế giới bên kia hoặc
quay vòng luân hồi. Các giải pháp khác cho việc chôn cất, có thể là: hoả táng,
thiên táng, thuỷ táng, ướp khô xác, để đông lạnh…[1].
I.Nguồn
gốc việc thực hành
Hoả
táng[2]
là thiêu xác người chết, rồi cất giữ tro cốt vào một hũ nhỏ[3].
Thường tổ chức có lò thiêu, nhà thiêu cho việc hoả táng; nhưng cũng có một số
nơi như Népal và Ấn Độ sử dụng cách thiêu ngoài trời[4].
Rất khó để xác định thời điểm nào con người bắt đầu hoả táng, vì từ bao nhiêu
nghìn năm trước, nhiều bộ lạc, dân tộc đã hoả thiêu tử thi. Đây là cách thức
đơn giản và phù hợp với hoàn cảnh sống của họ.
Có thuyết
cho rằng Đức Phật trước khi mất, Ngài dặn các đệ tử hoả táng, sau đó thu các xá
lợi[5]
và chia cho các nước; nhưng không có tài liệu nói rõ Đức Phật có khuyến khích
việc hoả táng hay không. Phật Giáo không có luật lệ cứng rắn hay bắt buộc hình
thức nào trong việc an táng. Tuy nhiên tại một vài xứ Phật Giáo, việc hoả thiêu
thường được đa số tín đồ thực hành[6].
Đối với
Phật Giáo Ấn Độ, chết thì thiêu, đó là làm theo phong tục sẵn có của Ấn Độ thời cổ, nhằm nhắc nhở khi chết rồi thì
đừng luyến tiếc gì nữa[7],
chứ không phải bắt buộc. Các nước theo Phật Giáo Nam Tông như Thái Lan, Miến Điện,
Việt Nam (Nam VN), Tích Lan, Lào, thì vẫn giữ tục hoả táng. Còn nơi theo Phật
Giáo Bắc Tông thì vẫn giữ tục chôn cất, do ảnh hưởng triết lý của Khổng Tử. Đa
số các tôn giáo khác bắt nguồn từ Ấn Độ như Ấn Độ Giáo, Kỳ Na Giáo khi chết đều
áp dụng cách Hoả Táng[8].
Ở Việt
Nam, theo các nhà nghiên cứu, tục hoả táng có
thể đã có từ thời Hùng Vương hoặc từ thời Sa Huỳnh[9].
Vua Trần Nhân Tông trước khi qua đời (1308) di nguyện hoả thiêu. Từ đó, cách hoả
táng được chọn lựa, nhưng cũng còn tuỳ tôn giáo, phong tục, dân tộc , vùng miền.
II.Chọn Địa Táng hay Hoả Táng?
1/Địa
táng:
Khi nói
đến an táng thì thường hiểu là chôn cất hoặc địa táng[10].
Nói
chung , đa số người Việt Nam thích chọn
địa táng . Nhưng ngày nay, nhất là ở các thành phố lớn, nhiều gia đình đã chọn
cách hoả táng cho người quá cố. Sự lựa chọn nầy, ngoài thay đổi quan niệm về
tâm linh, còn có những lý do phụ khác như: đất đai khan hiếm, vệ sinh môi trường
cảnh quan, tài chính. Ở thôn quê, đất đai còn nhiều, tình làng nghĩa xóm còn mạnh,
nhân sự giúp đỡ trong việc an táng còn dễ dàng, nhiều nơi có Hội Hiếu góp tiền
cho việc chôn cất, nên thường chọn địa táng.
Giáo Hội
Công Giáo rất tôn trọng những người đã qua đời, quan tâm đến việc soạn thảo những
lễ nghi trang trọng cho việc an táng và dành mọi ưu tiên cho Thánh Lễ An Táng.
Lý do của việc tôn trọng nầy không phải chỉ là tình cảm, nhưng còn có ý nghĩa
thần học sâu sắc[11]:
-Mọi người đã lãnh nhận bí tích Rửa Tội (Thánh Tẩy), được
Chúa thánh hoá và trong họ có sự sống cao cả của Thiên Chúa, có sự hiện diện của
Người, là Đền Thờ Chúa Ba Ngôi, mà cái chết thể xác không thể phá huỷ. Thánh
Phaolô xác quyết: “Nào anh em chẳng biết rằng anh em là Đền Thờ của Thiên
Chúa,và Thánh Thần Thiên Chúa ngự trong anh em sao? Vậy ai phà huỷ đền thờ
Thiên Chúa, thì Thiên Chúa sẽ huỷ diệt kẻ ấy […]” (1Cr 3,16-17)[12].
Vào ngày cuối cùng, thân xác được Thiên Chúa phục hồi để kết hợp với linh hồn
và sống lại với Đức Kitô[13].
-Mọi người đã được rửa tội, thuộc về Hội Thánh, ngoài liên hệ
huyết tộc, họ còn liên kết với nhau trong Thân Thể Mầu nhiệm là Đức Kitô. Vì thế,
sự ra đi của một người anh chị em có
liên hệ đến toàn Dân Chúa, và mọi người có trách nhiệm tiễn đưa và cầu nguyện để
hỗ trợ người ra.
-Người ra đi còn để lại những người thân trong gia đình, những
người nầy cũng là thành phần trong Thân Thể Đức Kitô, là thành phần Dân Chúa. Sự
hiện diện, việc tham dự nghi lễ an táng của cộng đoàn là sự chia sẻ có ý nghĩa
nhất, đem lại niềm an ủi cho những người thân thuộc còn sống, giúp họ tin tưởng
vào Đức Kitô Phục Sinh và an tâm về số phận người ra đi.
Theo Truyền Thống, Giáo Hội lựa chọn hình thức địa táng. Đức
Giêsu sau khi chết, đã được an táng trong mộ đá theo tục lệ người Do Thái thời ấy.
Thánh Mátthêu tường thuật: “ Khi đã nhận thi hài, ông Giuse[14]
lấy tấm vải gai sạch mà liệm, và đặt vào ngôi mộ mới, đã đục sẵn trong núi đá,
dành cho ông. Ông lăn tảng đá to lấp cửa mồ, rồi ra về” [15].
Truyền thống nầy vẫn giữ đến ngày nay. Ngôi mộ, nơi ở cuối cùng, như một dấu chỉ
cụ thể để dễ nhớ đến người đã khuất và cầu nguyện cho họ. Giáo hội chôn chất những
người chết đã lãnh nhận bí tích Rửa Tội trên một thửa đất dành riêng gọi là
Nghĩa Trang[16],
thửa đất nầy, vì là nơi an nghỉ của những người đã được thánh tẩy, nên được làm
phép và gọi là Đất Thánh[17].
Việc để xác dưới lòng đất được gợi hứng từ dụ ngôn hạt lúa gieo xuống đất[18]
của Chúa Giêsu và được thánh Phaolô nhắc lại và áp dụng trong 1Cr 15,42-44:
“ Việc kẻ chết sống lại cũng vậy: gieo xuống
thì hư nát, mà chỗi dậy thì bất diệt; gieo xuống thì hèn hạ, mà chỗi dậy thì
vinh quang; gieo xuống thì yếu đuối, mà chỗi dậy thì mạnh mẽ; gieo xuống là
thân thể có sinh khí, mà chỗi dậy là thân thể có thần khí”.
2/Hoả
táng
Tuy nhiên, ngày 5.7.1963, trong Huấn Thị Piam et constantem của Bộ Thánh Vụ[19],
Giáo Hội quy định về việc hoả táng: “tự bản
chất không nghịch với Kitô Giáo và không được từ chối cử hành bí tích và
nghi lễ an táng cho những người muốn được hoả táng, với điều kiện việc chọn
cách thức hoả táng không phải vì lý do chối
bỏ giáo thuyết Kitô giáo, có ý định ly khai hoặc vì muốn chống đối Giáo Hội
Công Giáo hay Hội Thánh”[20].
Quy định
nầy đã được đưa vào Bộ Giáo Luật 1983 ở điều 1176 §3: “Giáo Hội tha thiết khuyên
nhủ nên duy trì tục lệ lành thánh chôn xác người quá cố, tuy nhiên Giáo Hội không cấm hoả táng, trừ khi chọn hoả
táng vì những lý do nghịch với đạo lý Kitô Giáo”[21].
Sách
Giáo Lý Công Giáo năm 1992, số 2301 cũng nhắc lại như vậy: “ […] Hội Thánh cho phép hoả táng nếu việc nầy không biểu
lộ sự hoài nghi về đức tin vào sự phục sinh của thân xác”[22].
Ngày 15
tháng 8 năm 2016, Bộ Giáo Lý Đức Tin trong Huấn Thị Ad Resurgendum cum Christo về việc mai táng và lưu giữ tro hoả táng[23]
xác nhận lại và cho thêm những chỉ
thị rõ rệt về việc hoả táng:
-Số 4: “Trong trường hợp chọn cách hoả táng vì lý do vệ sinh, kinh tế hay xã hội, phải
chắc chắn việc nầy không làm trái với ý muốn đã được nói rõ hoặc có thể suy diễn
được của người tín hữu vừa qua đời. Hội Thánh không phản bác thực hành nầy trên
bình diện giáo thuyết, vì việc hỏa táng
không tác động gì đến linh hồn, cũng
không gây cản trở gì trong việc Thiên Chúa quyền năng làm cho thân xác kẻ đã chết
được sống lại trong đời sống mới. Như thế, việc hoả táng, tự bản chất,
không hàm chứa sự chối bỏ khách quan đối với giáo thuyết Kitô giáo về sự bất tử
của linh hồn và sự sống lại của thân xác.
-Số 5: “Nếu chọn cách thức hỏa táng vì những lý do chính
đáng, tro hoả táng có thể được lưu giữ tại một nơi xứng đáng, chẳng hạn tại
nghĩa trang, hoặc trong một số trường hợp,
tại thánh đường hoặc một nơi dành riêng, được cung hiến bởi thẩm quyền Giáo Hội”.
-Số 6: “[…] Không được phép lưu giữ tro hoả táng tại tư gia
[…]không được phép chia tro hoả táng cho các nhóm thành viên khác nhau trong
gia đình […].
-Số 7: “ […] Không được phép vung tro hoả táng lên không, rải
trên mặt đất, đổ xuống sông biển, hay làm cách thức nào khác, cũng không được
giữ tro hoả táng trong các kỷ vật, đồ trang sức hay vật dụng nào khác.
Trong
việc hoả táng, Giáo Hội cũng qui định chi tiết những nghi thức phải thực hiện
trước trong thánh đường với xác người qua đời và tại nhà hoả táng, có các nghi
thức cuối cùng trước khi đặt vào lò thiêu[24].
Trong
thời kỳ dịch bệnh Covid-19 nầy, số người chết mỗi ngày khá nhiều[25],
nhất là ở các đô thị, thì cả việc hoả táng cũng là vấn để không kham nổi. Trong
hoàn cảnh dịch bệnh, do vấn đề đất đai, việc lây nhiễm, việc tụ tập đông người,
việc di chuyển, phương tiện và nhân sự không đủ đáp ứng, thì những Nghi Thức
Tang Lễ bình thường trong nhà thờ trước khi hoả táng là không thể thực hiện được.
Người tín hữu có lý do chính đáng để an tâm chọn việc hoả táng đơn giản cho người
thân của mình, với niềm tin vững mạnh vào lòng thương xót và ơn phục sinh của
thiên Chúa, cùng với sự cầu bầu của Hội Thánh[26].
Địa
táng hay hoả táng, thì cuối cùng thể xác cũng thành bụi đất, nhanh hay chậm
thôi! Khi tạo thành con người, Kinh Thánh mô tả: “ Thiên Chúa lấy bụi từ đất nặn ra con người, thổi sinh
khí vào lỗ mũi, và con người trở nên một sinh vật”[27].
Sau khi sa ngã, Thiên Chúa phán với con người: “ Ngươi phải đổ mồ hôi trán mới
có bánh ăn, cho đến khi trở về với đất, vì từ đất, ngươi đã được lấy ra. Ngươi là bụi đất, và sẽ trở về với bụi đất”[28].
Từ bụi
đất, Thiên Chúa quyền năng tạo thành con người, thì với quyền năng, Thiên Chúa
cũng có thể cho bụi đất của thể xác người chết được sống lại thành con người,
như chúng ta vẫn tuyên xưng. Ngôn sứ Ê-dê-ki-en được báo trước vể cuộc phục
sinh sau cùng trong thị kiến thú vị Những
bộ xương khô: “ […] thung lũng ấy đầy xương cốt. Người đưa tôi đi ngang đi
dọc giữa chúng. Những xương ấy nằm la liệt trên mặt thung lũng và đã khô đét.
Người bảo tôi: hỡi con người, liệu các xương nầy có hồi sinh được không? Tôi
thưa: Lạy Chúa, chính Ngài mới biết điều
đó. […] Chúa phán thế nầy với các xương ấy: Đây Ta sắp cho thần khí nhập
vào các ngươi. Ta sẽ đặt thần khí vào trong các ngươi và các ngươi sẽ được sống.
Ta sẽ đặt gân trên các ngươi, sẽ khiến thịt mọc trên các ngươi, sẽ trải da bọc
lấy các ngươi. Ta sẽ đặt thần khí vào trong các ngươi và các ngươi sẽ được sống.
[…] Vậy có tiếng động […], có sự rung chuyển và các xương xích lại gần, ăn khớp
với nhau […]. Thần khí liền nhập vào những người đã chết; chúng được hồi sinh
và đứng thẳng lên: đó là cả một đạo quân lớn, đông vô kể”[29].
Lạy
Chúa, chính Chúa mới biết điều đó, và chúng con tin đời sau Chúa sẽ cho chúng
con biết rõ điều đó! Lạy Chúa, cuộc sống nầy chỉ thay đổi mà không mất đi[30].
(Vinh An, mùa đại dịch
Covid-19)`
[1] X.Wipipedia.org
[2] Crémation- địa táng là inhumation hoặc enterrement. Hoả táng cũng gọi là hoả thiêu hay thiêu.
[3] Hũ tro cốt có thể gửi ở các nhà giữ hài cốt, ở nhà thờ, chùa chiền. Có nơi rải trên bãi cỏ dành riêng hoặc rải vào sông núi.
[4] Open-air cremation.
[5] Xá lợi hay xá lị là những hạt nhỏ có dạng viên tròn trông giống ngọc trai hay phalê hình thành sau khi thi thể được hoả táng hoặc thân cốt sau khi chết của các vị cao tăng Phật Giáo.
[6] X.phatgiao.org.vn
[7] Ý nghĩa nầy theo Triết lý Ấn Độ, vì họ tin rằng tro cốt cuối cùng sẽ hợp nhất với lực đã khai sáng ra nó.
[8] X.phatgiao.org.vn
[9] Thời Hùng Vương: tìm thấy những mảnh thi thể cháy dở cùng những vật dụng khác cháy dở nằm trong trống đồng, thạp đồng. Thời Sa Huỳnh: tìm thấy các chum có chứa tro cốt.
[10] Địa táng có nhiều hình thức: Chôn xác xuống lòng đất (huyệt), đậy kín rồi úp mộ bên trên; đục vào vách đất , vách đá. Ở Rôma, vào thời bách hại, dưới các hang toại đạo, hai bên tường đất, người ta khoét sâu vào và đặt xác vào trong, đậy kín; Ở thành Vatican, xác các vị chức sắc cao cấp cũng được cất trong các hộc hai bên tường ximăng rồi bịt kín.
[11] X.Bộ Giáo Lý Đức Tin, Huấn Thị “Ad Resurgendum cum Chiristo” về việc mai táng, Roma 15.8.2016, số 2.3, bản dịch tiếng Việt ĐGM Emmanuel Nguyễn Hồng Sơn.- xem HĐGM.VN, Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo1992, số 1680-1690, NXB Tôn Giáo, 2010.
[12] Xem thêm: 1Cr 6,19-20; 2Cr 6,16
[13] X. Kinh Tin Kính.
[14] Giuse người thành A-ri-ma-thê.
[15] x.Mt 27,57-61; Mc 15,42-47; Lc 23,50-55; Ga 19,38-42.
[16] Tiếng Hi lạp là koimêtêrion, có nghĩa là: nơi người ta ngủ. Xem thêm Mt 8,22.
[17] Mỗi giáo xứ thiết lập Nghĩa Trang để an táng những tín hữu trong hoặc ngoài giáo xứ, chứ không chôn lẫn lộn với những người khác. Có những nơi vì hoàn cảnh xã hội hoặc những di dân không thuộc giáo xứ nào cả, nên cũng an táng trong những Nghĩa Trang chung với những người không rửa tội.
[18] X. Mt 13,4-8,19-23; Mc 4,4-8, 14-20; Lc 8,11-15.
[19] AAS 56 (1964),822-823.
[20] Huấn Thị Ad Resurgendum cum Christo số 1, trích lại Huấn Thị Piam et Constantem, Sdd.
[21] X.Code de Droit Canonique, Bilingue et Annoté, Wilson & Lafleur 1tée, Montréal 1999 – HĐGMVN, Bộ Giáo Luật 1983, NXB Tôn Giáo, Hà Nội 2007.
[22] X.Sách GLCG 1992, Sđd ở trên.
[23]
Sđd, x.chú thích số 13.
[24] X.Sách Nghi Lễ An Táng.
[25] Khi viết bài nầy (ngày 17.9.2021). theo tin chính thức từ Bộ Y tế thì cả nước đã có 16.425 ca tử vong. Như vậy trung bình mỗi ngày hơn 200 ca.
[26] Ecclesia supplex.
[27] Kinh Thánh Trọn Bộ Cựu Ước và Tân Ước, Bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ, NXB Thành Phố Hồ Chí Minh, 1998.
[28]
Id. St 3,19.
[29]
Id. Xem trọn tường thuật: Ed.37,1-14.
[30] X. 2Cr 5,1-10;11,13-16; 2Tm 1,10; 1Cr 15,51.