Dấu Chỉ Thời Đại

Giuse Nguyễn Trọng Viễn OP.

1. Lịch sử

2. Ý niệm Dấu chỉ trong văn mạch Vatican II

3. Sống đức Tin trong dòng lịch sử hôm nay

Theo cha Chenu, ý niệm “dấu chỉ thời đại” là một trong ba hoặc bốn từ ngữ quan trọng nhất của Công đồng Vatican II[2]. Việc tìm hiểu ý nghĩa của từ ngữ này chẳng những có thể giúp chúng ta hiểu rõ hơn về Công đồng Vatican II, nhưng còn là giúp chúng ta sống đức Tin một cách trưởng thành và có trách nhiệm giữa cuộc đời; nghĩa là dám đồng hành với bước đi của lịch sử nhân loại, trong ánh sáng của Tin Mừng và với sức mạnh của Thần Khí. Đó cũng là cách thức sống đức Tin phù hợp với tâm thức của Giáo Hội, phù hợp với sự dẫn dắt của Chúa Thánh Thần trong thời đại hôm nay.

1. Lịch sử

Từ ngữ “dấu chỉ thời đại” là một từ ngữ khá mới trong lịch sử Giáo Hội. Người ta thấy, vào thế kỷ XVII, Melchior Cano nói về lịch sử như một “nơi chốn thần học”. Trong thời đại chúng ta, đức Hồng y Faulhaber đã từng dùng kiểu nói “Tiếng của thời đại, tiếng của Chúa[3]. Về phần giáo quyền, đức Pio XII đã đề cập đến đề tài này nhiều lần, đặc biệt trong diễn văn trước hồng y đoàn ngày 20-2-1946. Tuy nhiên, chỉ với Công đồng Vatican II, từ ngữ này mới trở thành một điểm then chốt của thần học, là chiều hướng chính trong hoạt động của Giáo Hội và là một nét căn bản trong đời sống đức tin Kitô giáo.

1.1 Thời gian chuẩn bị Công đồng Vatican II

Ngày 25-12-1961, trong tài liệu chính thức triệu tập Công đồng Vatican II, đức thánh cha Gioan XXIII đã sử dụng từ ngữ “Dấu chỉ thời đại” và qui chiếu vào đoạn Tin Mừng Mt 16,3 :

Bấy giờ, có những người thuộc phái Pha-ri-sêu và phái Xa-đốc lại gần Đức Giêsu, và để thử Người, thì xin Người cho thấy một dấu lạ từ trời. Người đáp : ‘Chiều đến, các ông nói : Ráng vàng thì nắng’, rồi sớm mai, các ông nói : ‘Ráng trắng thì mưa’. Cảnh sắc bầu trời thì các các ông biết cắt nghĩa, còn thời điềm thì các ông lại không cắt nghĩa nổi” (Mt 16, 1-3)

Ban đầu chẳng mấy ai chú ý đến cách dùng từ ngữ ấy cũng như nội dung cụ thể của nó. Tuy nhiên, trong thông điệp Hoà Bình Trên Trái Đất (11-4-1963), đức thánh cha Gioan XXIII nhắc lại ý tưởng đó và sử dụng nó như một khái niệm then chốt hướng dẫn tất cả những triển khai của thông điệp. Mỗi phần trong ba phần của thông điệp được kết thúc bằng một phân tích những nét tiêu biểu của thời đại, nhằm cố gắng triển khai “những viên đá chờ đợi[4], để tỏ bày sự hiện hiện và hoạt động của Thiên Chúa trong thế giới.

Tiếp theo đó, Đức Phaolô VI, trong thông điệp đầu tiên của mình, Ecclesiam suam (công bố ngày 6-8-1964), rõ ràng đã triển khai đường hướng của vấn đề trên. Ngài nói : “phải kích thích trong Giáo hội sự chờ đợi trong sự tỉnh thức kiên trì đối với những dấu chỉ thời đại . . . xác nhận tất cả những sự vật và gìn giữ điều gì là tốt trong mọi thời cũng như trong mọi hoàn cảnh”. . .

Cuối cùng, chính hiến chế Mục vụ Vui mừng và Hy vọng mới diễn tả ý nghĩa phong phú của từ ngữ dấu chỉ thời đại. Thay vì tách biệt và xa lạ với thế giới, Giáo Hội đặt mình trong trong dòng lịch sử trần thế, Giáo Hội đồng hành với con người; Giáo hội chăm chú tìm kiếm, lắng nghe, khám phá tiếng nói cũng như hoạt động của Thiên Chúa trong dòng lịch sử trần thế qua những “dấu chỉ thời đại”.

Tuy nhiên, vì một số chuyên viên Kinh Thánh dè dặt với cách hiểu từ ngữ này, nên các nghị phụ công đồng đã không dùng từ ngữ Kinh Thánh nữa và chỉ nói về “dấu chỉ về sự hiện diện của Thiên Chúa và về hoạt động của Ngài”. Dầu vậy, trong phiên họp thứ bốn, cuối năm 1965, các nghị phụ lấy lại diễn ngữ “dấu chỉ thời đại” mà không qui chiếu vào đoạn văn Kinh Thánh Matthêu 16, 1-3. Người ta thấy rằng đề tài “dấu chỉ thời đại”, cách này cách khác, có mặt trong từng chương của hiến chế Mục Vụ Vui Mừng và nhiều chỗ khác trong bản văn Công đồng.

1.2 Ý niệm “dấu chỉ” trong sách Thánh

Như đã nói, việc triển khai ý niệm dấu chỉ thời đại của hiến chế Mục Vụ không phải là không có tranh luận. Đặc biệt, những nhà chú giải Kinh Thánh đã lưu ý đến tính hàm hồ cũng như những nguy hiểm trong việc sử dụng từ ngữ Thánh Kinh nhằm tìm trong thế giới những dấu chỉ quá trực tiếp của sự can thiệp của Thiên Chúa, như thể Thiên Chúa là nguyên nhân trực tiếp và loại trừ mọi nguyên nhân của con người trong diễn tiến của thế giới. Theo cách hiểu đó, tự do của con người chỉ còn là một “trò chơi” trong diễn tiến lịch sử. Các nhà chú giải Thánh Kinh có lý khi tỏ ra dè dặt với một sự chuyển tiếp “quá nhanh”, quá trực tiếp từ ý nghĩa của từ ngữ dấu chỉ trong văn mạch và trong ý nghĩa xác định của Thánh Kinh, đến một ý nghĩa xác định khác trong lịch sử và trong thế giới hiện tại. Do đó, cần phải tìm hiểu ý nghĩa của ý niệm “dấu chỉ” trong Kinh Thánh.

1.2.1 Cựu ước

Cựu ước đã nói nhiều về những “dấu chỉ”[5] của Thiên Chúa : Thiên Chúa thường tỏ bày ý định của Ngài qua những dấu chỉ được ghi trong lịch sử thánh. Do đó, khi không thấy các dấu chỉ của Thiên Chúa, Dân Chúa sống trong tâm trạng hoang mang, lo âu và khắc khoải đợi chờ. Quả thật, Thiên Chúa luôn nhắc Dân nhớ lại những dấu chỉ trong quá khứ để củng cố niềm tin; đồng thời Ngài cũng ban những dấu chỉ hiện tại để giúp Dân sống niềm hy vọng; và nhất là Thiên Chúa hứa ban một dấu chỉ tương lai để hoàn tất nhiệm cục cứu độ của Ngài (X. Is 55,3; 43,16-20; . . .).

Về những dấu chỉ quá khứ, chúng ta thấy một “sưu tập” hết sức phong phú, từ những kỳ công của Mai-sen cho đến cuộc chiếm hữu đất thánh thời Gio-su-ê; từ những cử chỉ tượng trưng của các ngôn sứ cho các đứa con của Hô-sê và con của I-sa-ia. . . đều có thể là dấu chỉ. Ngoài ra, sách Thánh còn nói đến cả những dấu chỉ “tự nhiên” như cầu vồng, hoặc các tinh tú. . .

Tuy nhiên, về những dấu chỉ thời hiện đại, người ta thấy trong Cựu Ước có những cách hiểu khác nhau :

+ Đối với loại Sách Sử, lối nhìn về “dấu chỉ thời đại” dựa trên việc đọc lại những biến cố từ những vị sáng lập nên Giao Ước và suy tư theo nguyên tắc chung là : nếu Thiên Chúa, trong quá khứ, đã yêu thương những người thuộc về Ngài; thì Ngài không thể không yêu thương họ ngày hôm nay. Tình yêu của Thiên Chúa vẫn tỏ hiện trong đời sống của Dân vì Ngài vẫn luôn là Đấng dẫn dắt lịch sử. Lối nhìn này luôn đặt mối liên hệ tuyệt đối giữa những diễn biến của lịch sử với mức độ của lòng trung tín của Dân; nghĩa là nếu Dân càng trung tín với Chúa thì càng được hưởng những phần thưởng trần thế. Về phía Thiên Chúa, tất cả mọi may lành trong Dân là do Thiên Chúa trung tín với lời hứa của Ngài; còn nếu có những tai ương, đó cũng là vì Thiên Chúa trung tín với lời hứa của Ngài. Các tác giả của Sách Sử nhìn thấy những tai ương ấy mang ý nghĩa như hình phạt để giúp Dân sám hối về tội lỗi. Việc đánh đuổi quân vô đạo và những kẻ bất chính sẽ mang lại hạnh phúc cho Dân (X. 1 Mac 3,1-9). Trong những trường hợp đặc biệt, Thiên Chúa hoặc những vị đại diện của Chúa sẽ gởi tới một dấu chỉ nhằm giải thích minh bạch hơn ý nghĩa của một sự kiện lịch sử; hoặc cũng có trường hợp một con người, như Giô-na-than, đã xác định ý muốn của Thiên Chúa bằng một dấu chỉ (1 Sm 14,10)

+ Đối với các ngôn sứ, là những người mà lời giảng luôn luôn được gợi hứng từ hoàn cảnh hiện tại, thì cách hiểu ý niệm dấu chỉ, khá gần với các sách sử, bao hàm một sự phân biệt dấu chỉ thời đại theo hai điểm :

- Mặc dù Thiên Chúa luôn hoạt động, nhưng lịch sử của Dân không hoàn toàn trực tiếp thể hiện muốn của Ngài. Nếu hoàn cảnh hiện tại là tai hoạ cho Dân, đó là vì Dân đã không trung tín với những biến cố nền tảng.

- Nhưng chỉ riêng sự trở về với Thiên Chúa không đủ để tái lập trật tự của Giao ước; cần có một hành động can thiệp mới của Thiên Chúa : hồng ân của một giao ước mới . . . Hoạt động của Thiên Chúa trong thời hiện đại vừa là dấu chỉ sự bất lực của Dân Israel, vừa là dấu chỉ sức mạnh của Giavê vẫn đang tác động trong một cuộc sáng tạo mới (Xc. Is 45, 1-8).

+ Đối với loại sách Khôn Ngoan, có hai cuốn đặc biệt bàn về bàn về chủ đề này, đó là sách Gióp và sách Giảng Viên. Được hình thành trong một giai đoạn có những biến đổi văn hoá quan trọng, những sách này là những tiếng kêu mãnh liệt chống lại tất cả những người muốn giải thích tình trạng khó khăn hiện tại như ý định của Thiên Chúa. Lý do là : không phải có người nào chối từ hoạt động của Thiên Chúa trong lịch sử, nhưng mỗi người lại nhìn những sự kiện lịch sử theo cách của mình. Do đó, sách khôn ngoan không chấp nhận những cách giải thích hoà hợp dễ dãi giữa những dấu chỉ của Thiên Chúa với cách giải thích của con người.

Qohelet biết rằng tất cả lịch sử, tất cả những cái nhìn tiên đoán, nhưng dự định lớn đều chỉ là “đuổi theo gió”; và  “Thiên Chúa ban cho con người biết nhận thức về vũ trụ, tuy thế, con người cũng không thể nào hiểu hết được ý nghĩa công trình Thiên Chúa thực hiện trong lịch sử” (Gv 3,11).

+ Về loại sách Khải Huyền, ta thấy có sự nhìn nhận cả cách trả lời của các ngôn sứ cũng như lập trường của các tác giả sách khôn ngoan. Tuy nhiên, nhiều khi ta thấy Thiên Chúa thinh lặng trong thời hiện tại và người công chính không biết đi theo đường nào. Tựu trung, trong thế giới xấu xa, mọi biến cố là dấu chỉ sự cùng tận và biến cố cùng tận này mang lại sự nghỉ ngơi cho những người công chính, bởi vì sự cùng tận tương đương với việc trở lại của Thiên Chúa và sự phục sinh của Ngài (X. Đn 12)

Tóm lại, theo Cựu Ước người ta có thể xác định những ý nghĩa căn bản về dấu chỉ thời đại như sau :

- Thiên Chúa đã thiết lập và dẫn dắt Dân của Ngài trong quá khứ bằng cách ban cho Dân những dấu chỉ biểu lộ sự hiện diện tác động và ý muốn của Ngài. Ngài đòi Dân gìn giữ sống động những dấu chỉ trong quá khứ để nuôi dưỡng niềm tin; nhưng Ngài vẫn tiếp tục ban những dấu chỉ trong thời hiện tại.

- Có những điều kiện và những cách thức riêng biệt để biện phân những dấu chỉ, chứ không phải đọc các dấu chỉ một cách ngẫu hứng hoặc tuỳ tiện. Đặc biệt, các dấu chỉ của Thiên Chúa biểu lộ ý định của một Thiên Chúa ngã vị và một chương trình duy nhất của Ngài, chứ không phải là những trò ma thuật dị đoan hoặc những giải thích về một hành động ngẫu hứng của thần thánh.

- Để biện phân những dấu chỉ do Chúa ban, phải có một dân tộc tin tưởng. Hơn nữa, một dấu chỉ của Thiên Chúa như thế không phải là một chuyện có tính cách cá nhân. Chắc chắn có những con người được dành riêng, được Thiên Chúa tuyển trạch, các ngôn sứ chẳng hạn, để nhận định, giải thích và ngay cả đôi khi là những người làm ra các dấu chỉ mà các ngài thực hiện bằng lời tiên báo hoặc hành động. Nhưng đó luôn là những dấu chỉ liên quan đến cộng đoàn Dân Chúa. Do vậy, là ngôn sứ đích thực, các ngài luôn hội nhập trong dòng lịch sử của Dân. Tất cả mọi ngôn sứ đều không phải là những cá nhân cô độc, ngay cả khi vì sứ điệp khó được chấp nhận mà các ngài bị loại trừ trong một giai đoạn nào đó.

- Cuối cùng, Thánh Kinh cho thấy Thiên Chúa dẫn dắt niềm tin của Dân bằng cách loan báo “một dấu chỉ tương lai”, “một dấu chỉ vững cửu và không thể tiêu tan”, đó chính là Đấng Mê-si-a.

1.2.2 Tân Ước

Vào thời đại Tân Ước, có một sự chờ đợi tha thiết về sự can thiệp của Thiên Chúa; hoặc đúng hơn, có nhiều sự chờ đợi khác nhau nơi những người Do Thái. Sứ điệp của Đức Giêsu vừa trở nên dấu chỉ Nước Thiên Chúa đã có mặt, nhưng cũng làm thất vọng một phần những sự chờ đợi ấy. Ngài sẽ hiện diện như một “Dấu chỉ” có khả năng mang lại sự nâng dậy cho tất cả những ai khao khát Ngài; đồng thời, cũng trở thành duyên cớ cho nhiều người vấp ngã.

Ông Si-mê-on chúc phúc cho hai ông bà, và nói với bà Maria, mẹ của Hài Nhi : ‘Thiên Chúa đã đặt chú bé này làm duyên cớ cho nhiều người Ít-ra-en phải bị vấp ngã hay được chỗi dậy. Cháu còn là dấu hiệu bị người đời chống báng’” (Lc 2,33-34)

Diễn ngữ “dấu chỉ thời đại” thấy trong Mt 16,3, hiểu cho đúng, là những dấu chỉ riêng biệt của thời đại Thiên Sai, nghĩa là thời gian cứu độ cánh chung. Như thế, ở đây, ta không thể nói về những dấu chỉ vũ trụ hoặc dấu chỉ ngẫu nhiên, tuỳ hứng. Để hiểu được dấu chỉ đặc biệt này, phải đặt mình trong dòng lịch sử của Dân Chúa, và phải qui chiếu vào dấu chỉ Giô-na (X. Mt 12, 38-42), tức sự chết và cuộc Phục Sinh của Đức Kitô. Tất cả mọi dấu chỉ trong dòng lịch sử ơn cứu độ cũng như những dấu chỉ thời sau hết luôn phải qui chiếu vào Dấu Chỉ Tuyệt Hảo là chính Đức Giêsu, Đấng được nâng cao trên thập giá và tỏ lộ quyền năng của Ngài trong vinh quang Phục Sinh (X. Ga 12, 32-33; So 3,14; 8,28). Diễn ngữ “dấu chỉ” trong Tân Ước diễn tả điểm gặp gỡ giữa Thiên Chúa và lịch sử, vào thời đại đức Mêsia.

Như thế, trong Tân ước, Thiên Chúa dấn thân trọn vẹn vào dòng lịch sử, Thiên Chúa trở nên người để con người khám phá tiếng gọi trở nên Thiên Chúa trong chính lịch sử của đời sống trần gian; nghĩa là khám phá ra một tình yêu phổ quát được tỏ hiện trong suốt lịch sử nhân loại và đưa lịch sử nhân loại đến chỗ hoàn thành.

Một cách khái quát, với biến cố đức Giêsu Kitô, người Kitô hữu có thể khám phá thấy những ý nghĩa chính yếu của lịch sử cứu độ như sau :

+ Đức Giêsu đến để giao hoà con người với Thiên Chúa và giao hoà con người với nhau. Đó là một sự “hoà giải” phổ quát vừa hoàn toàn có tính nhân loại, vừa hoàn toàn có tính thần linh. Do đó, trên bình diện này, dấu chỉ chính là người thân cận. . .

+ Thật ra, Thiên Chúa không bẻ ngoặt lịch sử bằng một ý muốn độc đoán : cái chết của Đức Kitô là bằng chứng nổi bật rằng Ngài không muốn thống trị. Ngài không làm một “cú đẩy” các biến cố. Do đó, chúng ta thường thấy Ngài chấp nhận qui luật của cuộc sống con người. Ở mức độ này, dấu chỉ chính là thập giá.

+ Nhưng Thiên Chúa không bị giới hạn bởi lịch sử. Sách khải huyền có lý. Nếu hành trình của con người đi đến ngày Cánh Chung cần phải bước qua cái chết, thì chính cái chết không phải là điểm cùng tận mà là điểm khai mào cho một sự thành toàn. Con người qua cái chết để bước vào cõi sống. Ở mức độ này, dấu chỉ chính là sự phục sinh.

Tất cả những ý nghĩa của căn bản của đời sống đức Tin Kitô giáo đều thông qua ba dấu chỉ căn bản : người thân cận, cái chết và sự phục sinh của đức Kitô.


[1] Tổng hợp từ đề mục “Signes des Temps” trong Dictionaire de Théologie Chrétienne, Les Grand Thèmes de la Foi, Édition francaise dirigée par Joseph Doré, Desclée 1979; Théo, Nouvelle Encyclopédie catholique, Droguet Ardant/Fayard 1989; Dictionaire de la Vie Spirituelle, sous la direction de Stefano De Fiores et Tullo Goffi, Les Éditions du Cerf, Paris 1987; Dictionaire de Théologie fondamentale, Édition Francaise dirigée par René Latourelle, Les Éditons du Cerf, Paris 1992. . .

[2] Xc. G. Gennari, Signes des Temps, trong Dictionaire de la Vie Spirituelle, Sđd, trang 1031, chú thích 7.

[3] “Vox temporis, Vox Dei”.

[4] Từ ngữ “dấu chỉ thời đại” không được dùng trong nguyên bản la tinh.

[5] Trong tiếng Hy Lạp là “Sêmeia”

2. Ý niệm Dấu chỉ trong văn mạch Vatican II

2.1 bản văn Công Đồng

Được sự khuyến khích của quyền bính trong Giáo Hội, các nghị phụ Công đồng mạnh dạn đưa đề tài này vào trong các bản văn, nhất là trong mạch suy tư của thần học về giáo huấn của công đồng. Người ta có thể kể ra một số bản văn Công Đồng đã, minh nhiên hoặc mặc nhiên, diễn tả ý tưởng “dấu chỉ thời đại” như sau:

MV 4 : “Để chu toàn phận vụ ấy, lúc nào Giáo Hội cũng có bổn phận tìm hiểu tường tận những dấu chỉ của thời đại và giải thích dưới ánh sáng Phúc Âm; như vậy mới có thể giải đáp một cách thích ứng với từng thế hệ những thắc mắc muôn thuở của con người về ý nghĩa cuộc sống hiện tại và mai hậu cũng như về mối tương quan giữ hai cuộc sống ấy. Do đó, cần phải nhận biết và thấu hiểu thế giới chúng ta đang sống với những chờ đợi, mong ước và cả tính chất thường là bi thảm của nó.”

HN 4 Vì ngày nay ở nhiều nơi trên thế giới, nhờ ơn Chúa Thánh Thần thúc đẩy, rất nhiều cố gắng nhằm tiến tới hiệp nhất đầy đủ theo ý muốn của Chúa Giêsu Kitô đang được thực hiện bằng kinh nguyện, lời nói, việc làm, nên thánh Công đồng này khuyến khích tất cả mọi người công giáo hãy nhận ra các dấu chỉ thời đại để khéo léo tham gia và công cuộc hiệp nhất”.

LM 9 : “Các linh mục phải thành thật nhìn nhận và nêu cao phẩm giá và vai trò riêng biệt của giáo dân trong sứ mệnh Giáo Hội. Các Ngài cũng phải thành thật kính trọng sự tự do chân chính mà mọi người có quyền được hưởng trong xã hội trần gian. Các ngài phải sẵn lòng lắng nghe giáo dân, lưu ý đến các nguyện vọng của họ trong tinh thần huynh đệ, nhìn nhận kinh nghiệm và khả năng chuyên môn của họ trong các lãnh vực khác nhau của hoạt động nhân sinh, để cùng với họ có thể nhận biết những dấu chỉ của thời đại”.

MV 11 “Dân Thiên Chúa, nhờ đức Tin mà tin rằng mình được Thánh Thần Thiên Chúa là Đấng bao phủ mặt đất hướng dẫn, cố gắng nhận định đâu là những dấu chỉ thực về sự hiện diện hoặc ý định của Thiên Chúa trong mọi biến cố, mọi yêu sách và ước vọng mà họ dự phần với những người đương thời”.

MV 44 “Bổn phận của toàn thể Dân Chúa, đặc biệt là các chủ chăn và các nhà thần học là nhờ sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần, đón nghe, phân biệt, và giải thích các tiếng nói của thời đại, rồi phán đoán dưới ánh sáng Lời Chúa để Chân Lý mạc khải luôn được thấu triệt, được hiểu rõ và trình bày cách thích hợp hơn”

LM 6 : “Những nghi lễ dù đẹp mắt, những hội đoàn dù phát triển rầm rộ cũng không có ích bao nhiêu, nếu chúng không hướng về việc giáo dục con người đạt tới sự trưởng thành Kitô giáo. Để đạt đến sự trưởng thành đó, các linh mục phải giúp họ sáng suốt nhận ra trong các biến cố lớn nhỏ đâu là việc phải làm, đâu là ý Chúa muốn.

TĐ 14 : “Trong các dấu chỉ thời đại chúng ta, phải đặc biệt chú ý tới ý nghĩa ngày một gia tăng và không thể tránh được về sự liên đới giữa các dân tộc mà nhiệm vụ của hoạt động tông đồ giáo dân là phải lo lắng cổ động và biến nó thành một khát vọng chân thành và thiết thực về tình huynh đệ”.

TD 15 : “Hẳn nhiên phải công nhận là thời nay con người khát mong được tự do tuyên xưng tôn giáo mình một cách riêng tư cũng như công khai. Hơn nữa, họ còn muốn tự do tôn giáo phải được hầu hết các hiến pháp công bố như một dân quyền và phải được các văn kiện quốc tế long trọng chấp nhận (. . .). Trong niềm hân hoan chào đón những dấu hiệu tốt đẹp của thời đại này, nhưng đồng thời cũng phải đau lòng nói lên những sự kiện đáng tiếc, Thánh Công đồng khuyên nhủ những người Công giáo và nài xin tất cả mọi người hãy để ý xem quyền tự do tôn giáo cần thiết như thế nào, nhất là trong hoàn cảnh hiện tại của gia đình nhân loại”.

* PV 43 : “Lòng nhiệt thành cổ xuý và canh tân Phụng Vụ Thánh đáng được xem như một dấu chỉ các ý định quan phòng của Thiên Chúa trên thời đại chúng ta, và như cuộc viếng thăm của Chúa Thánh Thần trong Giáo Hội; sự kiện này đem lại một đặc điểm nổi bật cho đời sống Giáo Hội, cũng như cho mọi cách thế suy tư và hoạt động đầy tinh thần đạo giáo của thời đại chúng ta”.

Những đoạn văn tiêu biểu nêu trên cho thấy Công đồng nỗ lực khám phá ra những dấu chỉ của Thiên Chúa trong thế giới mình đang sống, qua những “dấu chỉ thời đại”; nhờ đó, Giáo Hội nói chung và mọi người Kitô hữu nói riêng, tích cực cộng tác với Thiên Chúa trong tiến trình của nhiệm cục cứu độ.

2.2 Vài khía cạnh cần xác định

Với sự triển khai trong Vatican II, Giáo Hội như bừng mắt trước thế giới chung quanh muôn mầu muôn vẻ. Tầm nhìn của Giáo Hội không còn chỉ là một thế giới “thiêng liêng” xa cách và không dính dáng gì tới trần thế, nhưng là biết bao nhiêu hiện tượng đang diễn ra và đang thay đổi hàng ngày trong thế giới. Tuy vậy, vấn đề không đơn giản, con người luôn có nguy cơ đi từ thái cực này tới thái cực kia. Công việc của Công đồng Vatican II thực sự mới là bước khởi đầu. Việc tìm hiểu chính xác đâu thực sự là những dấu chỉ thời đại và đâu là ý nghĩa đích thực của dấu chỉ thời đại dưới ánh sáng Tin Mừng, những điều đó, trong thực tế, còn là một nhiệm vụ không ít khó khăn. Các chuyên viên đã không ngừng nêu lên lên những xác định cần thiết về ý niệm “dấu chỉ thời đại”.

2.2.1. Đâu là những dấu chỉ thời đại ?

Về khía cạnh này, chúng ta có thể tạm chấp nhận “định nghĩa” của cha Chenu như sau :

Dấu chỉ thời đại là : “những hiện tượng, mà do sự phổ biến và thường xuyên của nó, xác định tính chất của một thời đại; và qua những hiện tượng ấy những khát vọng và những nhu cầu của con người hiện tại được diễn tả”[2].

Trong định nghĩa này, cần phải lưu ý :

* Những sự kiện lịch sử

Khi nói về những dấu chỉ lịch sử, chúng ta không nói đến những dấu chỉ được coi là “tự nhiên” (giống như khói là dấu chỉ của lửa), và cũng không nói đến những dấu chỉ ước lệ (như các con số, các ký hiệu, bảng chỉ đường...), nhưng chỉ đề cấp đến những dấu chỉ của thực tại nhân sinh, được “ghi” trong những biến cố và những thực tại của lịch sử nhân loại.

* Những sự kiện có tính cách “đậm đặc”

Đó là những sự kiện hoặc biến cố chứa đựng một ý nghĩa, đánh dấu một bước tiến triển hoặc thay đổi trong dòng lịch sử; những sự kiện mang lại ý nghĩa chung cho cả một thời đại, một nhóm người hoặc một nền văn hoá. Như thế, những sự kiện lịch sử ấy có ý nghĩa không chỉ đối với người tín hữu, nhưng bình thường chúng còn có ý nghĩa còn đối với cả những người ngoài Kitô giáo, nhất là những người biết để tâm suy nghĩ và tìm kiếm để hiểu những gì mình đang sống và những gì diễn ra chung quanh mình. (X. MV 11; MV 4). Dĩ nhiên ý nghĩa mà mỗi thành phần khám phá ra có thể khác nhau.

2.2.2. Cách thức đọc dấu chỉ của người Kitô hữu

Hiển nhiên là những dấu dấu chỉ của thời đại chỉ trở nên có ý nghĩa trong vận hành của niềm Tin; và đối với người Kitô hữu, nguyên lý chính yếu hướng dẫn việc đọc ý nghĩa dấu chỉ thời đại chỉ có thể là tác động của Thần Khí, Đấng “sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn” (Ga 16,13; X. MV 11). Do đó, thái độ của người Kitô hữu, trước hết chính là  thái độ “dễ dạy”, lắng nghe tiếng nói của Thần Khí. Tuy nhiên, chúng ta cũng có thể xác định một vài tiêu chuẩn cụ thể như sau :

* Luôn qui chiếu vào “Dấu Chỉ Của Mọi Dấu Chỉ”

Trong niềm tin, người Kitô hữu sống trong thời đại hiện nay như thời đại Cánh Chung, nghĩa là thời đại Thiên Chúa hoàn tất lịch sử nhân loại trong biến cố đức Giêsu Kitô. Đức Giêsu là Dấu Chỉ giữa mọi dấu chỉ, bởi vì Ngài là  Đấng nói với chúng ta về Thiên Chúa mà không một ai đã nói như thế bao giờ; Ngài là tiêu chuẩn để chúng ta có thể nhận định điều gì có ý nghĩa nhất trong đời sống chúng ta, điều đối với chúng ta có giá trị nhất, đầy sức sống nhất tràn đầy tình yêu và sự thật nhất; Ngài trao cho ban một ý nghĩa mới và một tầm mức mới vào những gì đã có ý nghĩa trong đời sống hiện tại.

Dù minh nhiên đề cập đến đức Giêsu hay không, ý nghĩa chính của bản văn Công đồng luôn qui chiếu vào Đức Giêsu, nhờ đó, Giáo Hội mới nắm bắt được tất cả ý nghĩa của những dấu chỉ đích thực và khám phá ra điều lịch sử đang hướng đến.

* Là Thân Mình Chúa Kitô, Giáo Hội cũng là dấu chỉ thời đại

Giáo Hội là Dấu chỉ Nước Trời đang hiện diện và tác động trong lòng thế giới (X. MV 45). Dó đó sự hiện diện và hoạt động của Giáo Hội, dù luôn có những bất toàn, nhưng vẫn biểu lộ như một bí tích Nước Trời, biểu lộ quyền năng của Chúa Thánh Thần trong dòng lịch sử của Gíao Hội. Thế giới được mời gọi để nhận ra tất cả những điều đó trong cộng đoàn các tín hữu, trong Giáo Hội; bởi vì nơi Giáo Hội, Đức Giêsu Kitô trở nên Đấng tuyên phán như một dấu chỉ và cũng làm cho các dấu chỉ khác nói lên ý nghĩa cứu độ. Do đó, trong Giáo Hội, chính chúng ta, cùng với và trong mối liên hệ với đức Kitô, lại cũng trở thành những dấu chỉ sống động cho thời đại của mình.

Thực sự, nền tảng của ý niệm “dấu chỉ thời đại”, luôn luôn nằm trong vấn đề tương quan giữa Giáo Hội và thế giới.

* Dấu chỉ thời đại là sự hiện diện của Nước Trời trong dòng lịch sử

Từ ngữ “dấu chỉ thời đại” theo nghĩa mà Vatican II sử dụng nói lên một sự nối kết giữa diễn tiến lịch sử và nhiệm cục Nước Trời. Dấu chỉ thời đại chính là sự hiện diện của Nước Trời ngay hiện nay trong lịch sử. Việc tìm kiếm ý nghĩa dấu chỉ thời đại mời gọi chúng ta bước trên nẻo đường của một sự thông hiểu sự hiện diện của Nước Trời trong dòng lịch sử. Trong tiến trình ấy, người tín hữu phải luôn phải tránh hai mối nguy : một đàng là lẫn lộn giữa Giáo Hội và thế giới; đàng khác là sự tách biệt giữa tiến trình lịch sử trần thế và thực tại Nước Trời đang đến.

Chắc chắn rằng Nước Trời, trong sự hoàn hảo của nó, là một thực tại đang đến. Nhưng với Chúa Kitô, Nước Trời cũng là một thực tại đã đến rồi. Và khi đó, mầu nhiệm đức Kitô đang thể hiện trong chính thời gian. Lịch sử trở thành thành phần toàn vẹn của Vương Quốc.

“Vương Quốc ấy đã hiện diện cách mầu nhiệm ở trần gian này và sẽ được kiện toàn khi Chúa đến” (MV 39)

Như thế, để có thể phân biệt và giải thích dưới ánh sáng Tin Mừng, phải hiệp thông đồng thời với Tin Mừng và với thời đại; vừa đón nhận những giá trị Tin Mừng như chất men cần thiết để biến đổi thế giới vừa hiệp thông với những giá trị của thời đại, với những trào lưu đang sống động. . .

2.2.3 Khởi sự của việc Loan báo Tin Mừng

Đời sống đức tin và nhiệm cục cứu độ không phải là một sinh hoạt bên ngoài cuộc sống thực và bên ngoài những biến cố trong dòng lịch sử. Do đó, nếu không có sự biện phân cần thiết đối với những dấu chỉ thì cũng không có sự dấn thân chân chính vào dòng lịch sử và không có được một sứ điệp đối với thế giới (X. MV 1 và 44).

Việc phân định dấu chỉ thời đại không phải là điều “bên cạnh” việc loan báo Tin Mừng; nhưng là một hoạt động khởi đầu, và với danh nghĩa này, nó là một phần toàn vẹn của việc loan báo Tin Mừng . . . Chính khi nhận diện sự kiện lịch sử, người Kitô hữu có thể tìm kiếm những điểm “tiếp xúc” của Tin Mừng với thời đại. Do đó, việc loan báo Tin Mừng đích thực được khởi đầu với việc nhận diện những dấu chỉ thời đại; bởi vì loan báo Tin Mừng giả thiết Người Kitô hữu nhận ra điều gì là quan trọng, là đậm đặc, điều gì đã “có ý nghĩa” trong đời sống của những con người và những nhóm người thời đại; loan báo Tin Mừng là cùng với thời đại làm sáng nên một ý nghĩa đã có hoặc làm cho một điều chưa có ý nghĩa trở nên “có ý nghĩa” trong Đức Giêsu Kitô.

Đây là công việc của Thần Khí, nhằm để nhận định đâu là cách thức ánh sáng của Tin Mừng có thể soi sáng cho một nhân loại đang tiến triển và đang hình thành bộ mặt của mình.

* Trách nhiệm đọc dấu chỉ thời đại

Công đồng cho thấy Hiến chế Mục vụ số 4 và số 44 nói rõ trách nhiệm đọc các dấu chỉ thời đại là bổn phận của toàn thể Dân Chúa (X. MV 4; MV 11; MV 44…). Trong Dân Chúa, các tín hữu “sống giữa trần thế” có một chỗ đứng không thể thay thế, bởi vì họ sống với những người khác, họ đứng ở giữa điểm liên kết của cấu trúc thế giới hiện tại với sự hiển trị của Nước Trời. Công đồng cũng lưu ý đặc biệt đến vai trò của các chủ chăn và các nhà thần học.

Như thế, toàn thể Giáo Hội, mọi người, mỗi thành phần, tùy theo sự khác biệt về tác vụ và trách nhiệm của mình, có trách nhiệm phải tìm kiếm không ngừng và phân biệt được những dấu chỉ của thời đại để làm cho chúng vang lên như một lời mời gọi, như một cột mốc chỉ đường đối với lịch sử trần thế.

2.2.4 Những nguy cơ cần phải tránh

* Thái độ dễ dãi

Việc đọc ý nghĩa của những sự kiện lịch sử chẳng những tùy thuộc vào ý nghĩa khách quan của biến cố, nhưng còn lệ thuộc cả những giá trị chủ quan của người đón nhận; vì thế, việc đọc ý nghĩa khó tránh được tính cách hàm hồ. Quả thật thế giới bao gồm nhiều sự hàm hồ : cái xấu trộn lẫn với cái tốt; cái hoàn hảo hơn trộn lẫn với các xấu hơn. Ngay Giáo Hội, được Thần Khí hướng dẫn, cũng không thoát khỏi những lỗi lầm, những trệch hướng và cả những thái độ không có tính chất Tin Mừng; trong Giáo Hội vẫn luôn có những con người mang thương tích tội lỗi.

Công đồng nhìn nhận nhiều nơi, đặc biệt trong Vui Mừng và Hy Vọng, rằng có những tảng đá chờ đợi để xây dựng Vương quốc của Thiên Chúa, nhưng những tảng đá ấy có thể trở nên những “tảng đá vấp phạm” :

“Bởi vì những giá trị ấy, trong tầm mức chúng là những ân ban của Thiên Chúa, là những điều tốt; nhưng không phải hiếm khi sự hư hoại của trái tim con người làm chúng trệch hướng khỏi trật tự được ghi khắc: Chính vì thế mà chúng cần được thanh lọc” (MV 11)

Do đó, cần phải hết sức cảnh giác đối với thái độ dễ dãi, hoặc “linh thiêng hoá” quá mau; hoặc dựa vào một công thức cố định; hoặc áp dụng một tiến trình pháp lý “tự động”. Không phải một trào lưu đang nổi bật luôn luôn là đúng và cũng chẳng phải dễ dàng coi những biện pháp quản trị của Giáo quyền là ý nghĩa căn bản của dấu chỉ thời đại. “Qui luật” giải thích dấu chỉ thời đại là qui luật của niềm Tin, trong sự hướng dẫn kỳ diệu của Thần Khí, nhằm biện phân một cách cụ thể những dấu chỉ đích thực trong mỗi tình huống, mỗi nhóm người, mỗi thời đại của lịch sử dựa theo ánh sáng Tin Mừng.

* Thái độ “siêu lịch sử”

Phải công nhận rằng, từ lâu trong Giáo Hội, vẫn có một não trạng “siêu lịch sử” chi phối suy tư thần học và cung cách sống đạo. Khuynh hướng ấy giả thuyết rằng việc gặp gỡ Thiên Chúa và đạt được ơn cứu độ của Ngài diễn ra hoàn toàn trong một nơi huyền nhiệm nào đó của tâm hồn, một tầm hồn không bị nhiễm bẩn do những thực tại của không gian và thời gian. Do đó, người ta nỗ lực thoát khỏi những biến động của thời cuộc, nhìn những biến cố lịch sử xung quanh mình như một thế giới đi song song hoặc bên ngoài đời sống thiêng liêng. Suy tư thần học trong những thập niên cuối thế kỷ XX, nhờ vào các nhà thần học như Newmann, Teilhard de Chardin, Congar, Chenu, Danielou, Rahner, de Lubac, Shcillebeeckx ..., luôn ý thức rằng chiều kích thời gian thấm sâu vào đời sống tinh thần của con người và tạo nên tính chất thiết yếu của mọi kinh nghiệm nhân sinh cũng như kinh nghiệm đức Tin. Kinh nghiệm đức Tin chính là nhận ra “nơi chốn” thực hiện nhiệm cục cứu độ, kinh nghiệm ấy được thực hiện trong chính lịch sử. Theo nghĩa này, không có đức Tin, không có ơn cứu độ, không có thần học nào ở ngoài lịch sử; bởi vì đức Tin là sự trả lời đối với một biến cố, ơn cứu độ cũng chính là một biến cố và thần học chỉ có thể hiện hữu khi dựa vào những sự kiện, từ Abraham cho đến đức Giêsu Kitô, và đến Giáo Hội, một Giáo Hội vốn sống trong không gian và thời gian. Làm thần học không phải chỉ là mở cuốn Denzinger, nhưng còn là suy tư một cách chân chính trên những chất liệu cuộc sống, dựa trên ánh sáng của mạc khải.

Thần học nẩy sinh trong lịch sử, được đọc trong lịch sử và hướng về lịch sử, bởi vì Thiên Chúa đã trở nên Lời và nên một biến cố lịch sử. Kitô giáo không phải là một hệ thống các tư tưởng, nhưng là “nhiệm cục cứu độ”. Chúng ta không thể hiểu được thế giới nếu loại bỏ thời gian và những đặc tính riêng biệt, cụ thể của thế giới. Chính đường nét ấy thể hiện tính mới mẻ riêng biệt của mặc khải Do Thái – Kitô giáo, so với những quan niệm Đông phương cũng như Hy Lạp.

Cuộc sống trong dòng lịch sử không phải là những chướng ngại cho sự hiểu biết chân lý, nhưng đó là nơi chốn duy nhất của mạc khải và là nơi thực hiện chân lý mạc khải. Theo nghĩa này, mạc khải Thánh Kinh dẫn dắt người tín hữu vượt qua mọi quan niệm siêu-lịch-sử, cũng như mọi quan niệm về lịch sử như một chu kỳ tuần hoàn, có tính cách định mệnh và đóng kín.

* Lối nhìn duy ý thức hệ

Lối đọc sự kiện lịch sử từ quan niệm duy ý thức hệ là lối đọc chỉ sử dụng những khía cạnh thích hợp với một hệ thống tư tưởng tiền chế. Lối đọc ấy có nguy cơ cắt xén thực tại cụ thể hoặc bóp méo thực tại nhằm biện minh cho một mục tiêu rõ rệt đã có từ trước. Chúng ta có một vài thí dụ điển hình :

Trước tiên, đó là quan niệm cho rằng toàn bộ thực tại tôn giáo là thái độ vong thân, là ảo tưởng, là thuốc phiện của quần chúng. Thái độ ấy không tôn trọng thực tại của niềm tin trong nhu cầu của nhân loại, không nhận ra một lối sống không vong thân mà cũng không ảo tưởng của những người tín hữu đang dấn thân phục vụ nhân loại; không nhận ra, trong một chiều kích lịch sử rộng lớn, tính tôn giáo là một thực tại trường tồn và sống động trong cuộc sống nhân sinh.

Thí dụ thứ hai là thái độ giản lược tất cả những ý tưởng và những hoạt động phát sinh từ trào lưu xã hội chủ nghĩa của Marx thành một thế lực đối nghịch căn bản, nhuốn màu sắc vô thần, thù hận với Thiên Chúa và chối từ tình yêu.

Một hiện tượng nữa là thái độ giản lược tất cả những phân tích về bản năng của Freud vào một thứ giải trừ linh thánh, đề cao nguyên lý duy nhất của cuộc sống là tính dục, và đi trệch với niềm tin…

Những thái độ “duy ý thức hệ” như thế sẽ làm cho người ta mất sự cẩn trọng cần thiết, mất tâm hồn trong sáng khi phân tích cơ cấu ý nghĩa của các biến cố lịch sử.

* Lối nhìn duy luân lý

Khuynh hướng duy luân lý, thật ra, cũng là một thứ biến thể của thái độ duy ý thức hệ. Khuynh hướng duy luân lý cũng nhận định sự kiện không theo văn mạch lịch sử xác định của chúng, nhưng theo tiêu chuẩn của những giá trị trừu tượng. Thấy độ này không khám phá ra những gốc rễ lịch sử, môi trường kinh tế và văn hoá của các sự kiện. Người ta đã không chịu cố gắng khám phá sự vật trong bản chất phức tạp của chúng, nhưng luôn lấy một nhãn quan luân lý cứng nhắc để phán xét mọi sự.


[1] Tổng hợp từ đề mục “Signes des Temps” trong Dictionaire de Théologie Chrétienne, Les Grand Thèmes de la Foi, Édition francaise dirigée par Joseph Doré, Desclée 1979; Théo, Nouvelle Encyclopédie catholique, Droguet Ardant/Fayard 1989; Dictionaire de la Vie Spirituelle, sous la direction de Stefano De Fiores et Tullo Goffi, Les Éditions du Cerf, Paris 1987; Dictionaire de Théologie fondamentale, Édition Francaise dirigée par René Latourelle, Les Éditons du Cerf, Paris 1992. . .

[2] Xc. G. Gennari, Signes des Temps; trong Dictionaire de la Vie Spirituelle, Les Éditons du Cerf , Paris 1987, trang 1030, chú thích 4.

3. Sống đức Tin trong dòng lịch sử hôm nay

Việc xuất hiện từ ngữ “dấu chỉ thời đại” trong các bản văn Công đồng cũng như trong thần học hiện đại tạo nên một ảnh hưởng rộng rãi về điều người ta gọi là ý thức về lịch sử tính. Chiều kích lịch sử trở nên một phạm trù nền tảng và phổ biến, hiện diện trong mọi quan niệm về mạc khải, về niềm tin, về Giáo Hội, về ơn cứu độ và về thần học. Chúng ta ghi nhận một vài nét biến chuyển.

3.1 Truyền thống Do thái - Kitô giáo và việc đọc dấu chỉ

Niềm Tin Do Thái Kitô giáo luôn luôn xác tín về tác động của Thiên Chúa trong dòng lịch sử, đó là một Thiên Chúa của lịch sử cứu độ. Thiên Chúa đã dính dáng vào lịch sử của một Dân để qua đó, đi vào lịch sử của cả nhân loại. Thiên Chúa đã can thiệp vào diễn tiến lịch sử của Dân Chúa và lịch sử nhân loại bằng quyền năng và tình yêu lớn lao của Ngài, được soi dẫn bằng những “dấu chỉ” trong dòng lịch sử ấy. Nẻo đường chân chính đưa con người tiếp xúc với Thiên Chúa không phải là xuất thần, nhưng là một sự trung tín từng ngày với những dấu chỉ của Thiên Chúa được biểu lộ trong dòng cuộc sống. Đời sống đức Tin như thế trở nên một lịch sử nghĩa tình và có khả năng dẫn dắt người tín hữu đi vào nhiệm cục cứu độ của Thiên Chúa.

Tuy nhiên, sự can thiệp và dẫn dắt của Thiên Chúa không phải là một sự cưỡng chế mà bằng một “lời mời gọi” Ngài không luôn bẻ quặt chiều hướng lịch sử nhưng muốn được nhìn nhận và được đón nhận một cách tự do trong lòng tin. Chính vì thế, Ngài ban những dấu chỉ và chính bản thân Ngài trở thành “Dấu chỉ” mời gọi lời đáp trả của nhân loại.

Do đó, vận mạng của con người không phải được đúc khuôn từ trong ý định của Thiên Chúa, nhưng chính là hành trình đáp lại một ơn ban, là thể hiện mình như được Thiên Chúa mời gọi để tiến vào sự hiệp nhất trong tình yêu với chính Ngài. Hồng ân tuyệt diệu của Thiên Chúa sẽ trở thành “vô nghĩa” đối với con người, nếu con người từ chối chính ý nghĩa của niềm Tin.

Như thế, cùng với Thiên Chúa, con người cũng được coi như kẻ tác tạo nên lịch sử đích thực, chứ không phải chỉ là một dụng cụ thuần túy trong tay một số phận vô ngã từ trên cao, cũng không phải là một trò chơi may rủi như một sự “tổng hoà của những mối quan hệ” cũẫ hội loài người..

Dưới ánh sáng mạc khải, định mệnh duy nhất của con người nằm trong một tiếng gọi phổ quát của ơn cứu độ, thể hiện một sự tôn trọng sâu xa đối với sự độc lập tự do của con người trong lịch sử của mình. Con người xây dựng nên lịch sử của mình trong một sự tự lập thực sự và hữu hiệu, ngay cả khi lịch sử ấy gắn liền với hoạt động quan phòng của Thiên Chúa. Điều đó cũng có nghĩa là ý nghĩa của lịch sử được tác tạo nên từ những ai làm ra chúng, đó là con người và Thiên Chúa[1]. Hơn nữa, lịch sử đó không phải là một vòng tròn khép kín gồm các biến cố lập đi lập lại trong một chu kỳ qui hồi, trong một qui luật cố định. Lịch sử là một nẻo đường mở đối với lựa chọn của con người, lựa chọn ý nghĩa hoặc không ý nghĩa, trong một chuỗi các biến cố; những biến cố này là hoa trái của sự quan phòng nhiệm mầu tối cao và đáng kính trọng.

Khởi từ Vatican II, có một nỗ lực triển khai trong chiều hướng thần học lịch sử và cụ thể để đưa Giáo Hội thoát khỏi một lối nhìn siêu lịch sử và suy diễn mọi sự từ một nguyên lý trừu tượng; để mở ra cho Giáo Hội sự hiểu biết đa dạng, xuyên qua không gian và thời gian, qua những nền văn hoá và văn minh. Cuộc gặp gỡ lịch sử giữa con người và Thiên Chúa, dưới ánh sáng đức Tin, là ý nghĩa đích thực của tất cả lịch sử và do đó, trở nên “lịch sử cứu độ” hay “nhiệm cục cứu độ”. Chân lý cứu độ không còn là một hệ thống các ý tưởng soi sáng chúng ta từ trên cao, nhưng là một lịch sử hướng tới tương lai đầy tràn ý nghĩa mà con người không ngừng khám phá, xây dựng, thông hiểu và tác tạo nên.

3.2 Thái độ trân trọng thực tại trần gian

Để đọc được những dấu chỉ thời đại, trước tiên phải hoà mình vào những diễn tiến lịch sử, nhận ra những trào lưu lớn xuyên suốt lịch sử, cũng như những nỗ lực cụ thể mong muốn biến đổi dòng lịch sử ấy. Nẻo đường ấy giả thiết thái độ trân trọng thực tại như nó là, thực tại trong những gốc rễ trần thế của chúng; với những nguyên nhân thực và những chiều kích mà chúng bao hàm.

Cách thức đọc dấu chỉ của người Kitô hữu về lịch sử là thái độ muốn khám phá sự phát triển nội tại của cuộc sống con người và hoàn thành nó như một lời đáp đối với thực tại của hồng ân Thiên Chúa. Thực tại trần thế không phải là chuyện phù phiếm, không phải là chuyện bên lề, không phải là duyên cớ làm xa rời Thiên Chúa. Ngược lại, cần trân trọng “thực tại tính” để có thể đọc và giải thích chúng trong ánh sáng cứu độ. Người tín hữu cần phải sống trọn hành trình cuộc đời mình, phải sử dụng hết những dụng cụ có thể của con người để đọc dấu chỉ, phải cẩn thận nhìn nhận các thực tại hiển nhiên của lịch sử, phải nghiên cứu với tất cả phương tiện của các khoa học nhân văn. Nói cách khác, việc đọc của người Kitô hữu không thể chối từ, hoặc đi ngược lại những dữ kiện thực tế. Do đó, người ta khám phá tầm quan trọng của những khoa học nhân văn và những hiểu biết về văn hoá trong suy tư thần học cũng như trong đời sống đức Tin.

Khi đặt mình trong một thái độ lắng nghe, thái độ đồng hành, thái độ có thiện cảm với nhân loại, người ta  mới có khả năng biện phận ý nghĩa đích thực của các dấu chỉ. Điều đó không có nghĩa là nói vâng với mọi chuyện, hoặc coi như mọi chuyện không có gì quan trọng, không có gì nguy hiểm. Một mối thiện cảm đích thực cũng bao hàm thái độ dám thể hiện vai trò ngôn sứ để tố cáo những sai lạc và dám đi ngược lại những gì mà đám đông quần chúng đang theo đuổi.

3.3 Thái độ khiêm tốn và đối thoại

Từ Công đồng, người ta thấy triển khai một thái độ nhạy cảm lớn đối với tầm quan trọng của việc lắng nghe, đón nhận và liên đới với những người người bên cạnh chúng ta, trong đời sống, trong hành động, cũng như trong ý muốn kiên định nhằm tìm kiếm nẻo đường thăng tiến đích thực cho lịch sử nhân loại.

Giáo Hội không muốn đặt mình ở vị trí là “thầy” thiên hạ; nhưng còn muốn lắng nghe, muốn thâu nhận những giá trị đích thực của các nền văn hoá cũng như các trào lưu nhân bản. Với một thái độ khiêm tốn hơn, Giáo hội muốn mở rộng lòng kính trọng tất cả những gì khác biệt với mình, muốn chia sẻ ưu tư với con người, với các dân tộc, các chủng tộc, các nền văn hoá, các nền văn minh, các tầng lớp xã hội, các nhóm người khác nhau.

Như thế, nẻo đường phát triển của Nước Trời không còn là con đường độc đạo, con đường một chiều, nhưng mở rộng đối với những gì khác biệt. Dĩ nhiên, thái độ ấy luôn đặt nền trên niềm tin tưởng vào đức Giêsu Kitô, Đấng cứu độ duy nhất của nhân loại và toàn thể lịch sử vụ trụ; nẻo đường ấy không thể hướng tới một chân trời nào khác hơn là sự thành toàn của Nước Trời.

3.4  Sống với Chúa trong một cuộc phiêu lưu

 Thiên Chúa sáng tạo con người như một thụ tạo có “cứu cánh” nơi chính mình chứ không phải là một phương tiện hay một dụng cụ :

“Con người, tạo vật duy nhất ở trần gian được Thiên Chúa dựng nên vì chính họ, chỉ có thể gặp lại chính bản thân mình nhờ thành thực hiến dâng” (MV 24)

Do đó, con người được mời gọi chứ không bị “sỏ mũi”, con người cần sáng suốt để lắng nghe chứ không bị “bịt mắt”, con người được tự do thực hiện vận mạng của mình chứ không phải là rập khuôn theo một công thức.

Với nhãn quan lịch sử, đời sống Kitô hữu trở thành một hành trình cùng với Chúa, hành trình trong sự dẫn dắt của Thần Khí Chúa để cùng khám phá và sáng tạo, cùng quyết định và nhập cuộc trong dòng lịch sử. Đó đích thực là một cuộc “phiêu lưu” với Chúa chứ không phải là một bài tập để tìm một đáp số có sẵn, không phải là một thử thách vô nghĩa chỉ nhằm tới một phần thưởng hoàn toàn xa lạ với cuộc sống hiện tại.

Trong cuộc phiêu lưu này, con người thể hiện được một sự công chính mới, bằng thái độ lắng nghe và suy niệm  như đức Maria, để tự nguyện đáp lại một cách sáng tạo lời mời gọi yêu thương của Thiên Chúa trong đức Giêsu Kitô. Đó là một cuộc phiêu lưu luôn rộng mở với những diễn tiến trong dòng lịch sử chứ không phải đóng khung trong một qui luật tất định tiền chế.

3.5 Vài dấu chỉ thời đại tiêu biểu của thời đại

Công đồng cho chúng ta một vài dấu chỉ tiêu biểu của thời đại như : khát vọng hiệp nhất (X. HN 4); vai trò của người giáo dân (X. LM 9); tình liên đới giữa các dân tộc (X. TĐ 14); quyền tự do tôn giáo (X. TD 15); lòng nhiệt thành với phụng vụ (X. PV 43); . . .

Cùng với những nỗ lực của Công đồng, người ta còn có thể kể ra một số hiện tượng tiêu biểu có thể được coi như những dấu chỉ thời đại như :

- Trào lưu xã hội hoá; trào lưu trần tục hoá; những tính chất văn hoá mới trong một xã hội công nghiệp mới

- Cổ võ phẩm giá phụ nữ; giải phóng những nhóm thiểu số; ủng hộ tầng lớp thợ thuyền; đấu tranh cho một sự công bằng trong mức độ toàn cầu . . .

- Khủng hoảng quyền bính; phê bình chủ trương “tập trung”, trong lãnh vực thế tục cũng như lãnh vực tôn giáo

- Đòi hỏi lời nói phải đi đôi với hành động; nhu cầu của đích thực tính và thái độ thành thật trong mọi lãnh vực; đòi hỏi một sự trong sáng Tin Mừng trong tất cả những gì mang danh Kitô; từ chối một thứ tôn giáo tách biệt với anh em . . .

- Xuất hiện những yếu tố quan trọng của khoa phân tâm; tầm quan trọng của những phân tích xã hội Mác xít; nhu cầu đối thoại giữa Kitô giáo và Mác . . .

- Nguy cơ ô nhiễm môi trường; thái độ tôn trọng lợi ích chung của toàn nhân loại. . .

- Khát vọng hoà bình; nhu cầu đối thoại; trào lưu đại kết; quan niệm bạo lực như một sự dữ tự thân…

- Sự trở lại của nhu cầu chiêm niệm và những lợi ích của đời sống thần bí, theo nghĩa của những truyền thống tâm linh lớn của Đông và Tây phương.

Kết luận

Với Công đồng Vatican II nói chung và trong văn mạch của ý niệm “dấu chỉ thời đại”, chúng ta có thể thấy một giá trị mới xuất hiện trong tâm thức của Giáo Hội : giá trị trần thế. Cuộc sống trần thế, cuộc sống thật của con người, không còn là một điều gì đi song song và bên ngoài vận hành của niềm Tin. Chính thái độ trân trọng cuộc sống trần thế đưa người Kitô hữu trở lại một cuộc sống “hiện sinh” đầy tràn ý nghĩa, đặt người người Kitô hữu vào hành trình tìm kiếm Nước Trời thông qua cuộc sống và bao hàm những thái độ “có ý nghĩa” đối với dòng lịch sử trần thế.

Đức Giêsu đã hoàn thành sứ vụ trần thế của Ngài không phải chỉ như một “kho ân phúc” để hoá giải tội lỗi trên bình diện pháp lý, nhưng Ngài đã gieo Ánh sáng Tin Mừng vào trần gian, Ngài trung tín thể hiện trọn vẹn những giá trị Tin Mừng ấy cho đến cùng, và Ngài Phục Sinh để cùng các môn đệ tiếp tục loan báo Tin Mừng ấy cho toàn thể nhân loại :

“Đức Giêsu đến gần nói với các ông : ‘Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. Vậy anh em hãy đi làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ những điều Thầy truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,18-20)

Như nắm men phải được vùi vào đấu bột (X. Lc 13, 20-21), người Kitô hữu cũng dấn thân vào trần gian với men Tin Mừng, với sứ vụ đem những giá trị Tin Mừng của Bài Giảng Trên Núi, những giá trị Tin Mừng đầy tính chất cứu độ đối với lịch sử nhân loại, vào lịch sử trần gian để hướng lịch sử ấy đi đến điểm hoàn tất trong ngày Quang Lâm.

 

nguồn daminhvn.net


[1] Xc. G. Gennari, Signes des Temps, trong Dictionaire de la Vie Spirituelle, Sđd, trang 1032-1033.

 

 

 


Muc Luc Muc Vu