TẦM QUAN TRỌNG CỦA “LECTIO DIVINA” TRONG TÔNG HUẤN « VERBUM DOMINI »

XBVN – Ngày 11-11-2010, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã cho công bố Tông huấn “Verbum Domini” (“Lời Chúa”), hoa trái của Thượng Hội Đồng Giám Mục về Lời Chúa vào năm 2008. Tông huấn này diễn tả mối ưu tư của Đức Thánh Cha đối với tầm quan trọng và tính cấp bách của việc tái khám phá Lời Chúa như là trung tâm của đời sống của Giáo Hội, của mọi thành phần dân Chúa (x. các số 77- 85).

Nói với các thừa tác vụ chức thánh (Giám mục, linh mục, phó tế), Tông huấn khẳng định: ““Lời Thiên Chúa không thể thiếu đối với việc đào tạo tâm hồn của một Mục tử tốt lành, Thừa tác viên của Lời Chúa”. Các giám mục, linh mục, phó tế, trong bất cứ cách nào, không thể nghĩ sống ơn gọi và sứ mạng của mình mà không có sự dấn thân nên thánh cương quyết và đổi mới, tìm thấy một trong những trụ cột của nó trong sự tiếp xúc với Thánh Kinh.” (số 78).

Với các giám mục

Đối với các giám mục, Tông huấn nhắc nhở rằng “để nuôi dưỡng và tiến bộ trong đời sống thiêng liêng của mình, Giám mục phải luôn đặt “ở vị trí hàng đầu việc đọc và suy niệm Lời Chúa…”” (số 79). Và “trước khi là một người rao truyền Lời Chúa, Giám mục, cùng với các linh mục của mình và cũng như mọi tín hữu…phải là một người lắng nghe Lời Chúa. Giám mục phải là như “ở trong” Lời Chúa, để để mình được hướng dẫn và nuôi dưỡng bởi Lời Chúa, như ở trong dạ mẹ” (số 78). Đức Thánh Cha khuyên “các anh em của tôi trong hàng giám mục đọc cá nhân thường xuyên và nghiên cứu đều đặn Thánh Kính”.

Với các linh mục

 Với các linh mục, Đức Thánh Cha nhắc lại rằng « linh mục trước hết là Thừa tác viên của Lời Chúa…Chính vì thế, chính linh mục trước hết phải thủ đắc một sự thân mật sâu xa với Lời Chúa. Việc biết khía cạnh ngôn ngữ hay chú giải mà thôi thì không đủ, dù là cần thiết », nhưng còn phải đón nhận Lời Chúa với một tâm hồn ngoan ngoãn và cầu nguyện, để Lời Chúa thấm nhập vào trong tư tưởng và tình cảm của mình và nảy sinh nơi mình một tinh thần mới, « tư tưởng của Chúa Kitô » (1Cor 2, 16) ».

Với các phó tế

Đối với linh đạo đặc thù này, được trình bày chủ yếu như là « linh đạo phục vụ » bén rễ sâu nơi Chúa Kitô, Đức Thánh Cha cho thấy « một yếu tố đặc điểm của linh đạo phó tế là Lời Chúa, mà phó tế được kêu gọi trở nên người loan báo có thẩm quyền, bằng cách tin điều mình công bố, dạy điều mình tin, sống điều mình dạy ». Bởi thế, Đức Thánh Cha khuyên các phó tế « nuôi dưỡng cuộc sống của mình bằng việc tin tưởng đọc Thánh Kinh với việc học hỏi và cầu nguyện » (số 81).

Với các ứng viên chức thánh

Tông huấn « đã dành một chỗ quan trọng đặc biệt cho vai trò quyết định của Lời Chúa trong đời sống thiêng liêng của các ứng viên linh mục : « Các ứng viên linh mục phải học yêu mến Lời Chúa. Thánh Kinh do đó phải là linh hồn của việc đào tạo thần học của họ, bằng cách nhấn mạnh tính tuần hoàn không thể thiếu giữa khoa chú giải, thần học, linh đạo và sứ vụ ». Các chủng sinh cũng được kêu gọi có một « tương quan cá nhân sâu xa với Lời Chúa, đặc biệt trong Lectio divina, để chính ơn gọi của họ được nuôi dưỡng bởi tương quan này : chính trong ánh sáng và sức mạnh của Lời Chúa mà mỗi người có thể khám phá, hiểu, yêu mến và bước theo ơn gọi riêng của mình và thực hiện sứ vụ, làm lớn lên trong tâm hồn mình những tư tưởng của Thiên Chúa, đến độ đức tin, như là lời đáp trả lại Lời Chúa, trở nên tiêu chí mới mẻ phán đoán và đánh giá con người và sự vật, các biến cố và các  vấn đề » (số 82).

Tuy nhiên, Tông huấn cũng nhắc nhở rằng « Sự chú ý đến việc đọc cầu nguyện Thánh Kinh (tức Lectio divina) không được bằng bất cứ cách nào nuôi dưỡng cho việc chẽ đôi đối với việc nghiên cứu chú giải được đòi hỏi vào thời gian đào tạo. Thượng Hội Đồng đã khuyên nhủ rằng các chủng sinh cần được trợ giúp cách cụ thể để thấy mối tương quan giữa việc nghiên cứu Thánh Kinh và cầu nguyện với Thánh Kinh. Nghiên cứu Thánh Kinh phải làm cho ý thức hơn về Mầu Nhiệm Mạc Khải của Thiên Chúa và nuôi dưỡng một thái độ đáp trả cầu nguyện với Chúa, Đấng đang nói. Cũng thế, một đời sống cầu nguyện đích thực chỉ sẽ có thể làm cho lớn lên trong tâm hồn của ứng viện ước muốn được biết luôn hơn nữa vị Thiên Chúa đã tỏ mình ra trong Lời của Ngài như là tình yêu vô tận. Bởi thế, sẽ phải mang lại sự chăm lo chu đáo nhất cho việc vun trồng trong đời sống của các chủng sinh tính hỗ tương giữa việc học hỏi và cầu nguyện này. Theo mục đích này, các ứng viên cần phải được khai dẫn vào một việc học hỏi Thánh Kinh bằng những phương pháp tạo điều kiện cho một lối tiếp cận toàn diện như thế ».

Với đời sống dâng hiến

Ở số 83, Tông huấn nhắc lại rằng đời sống dâng hiến « trước hết nảy sinh từ việc lắng nghe Lời Chúa và đón nhận Tin Mừng như là quy luật sống ». « Sống theo chân Chúa Kitô, khiết tịnh, khó nghèo và vâng phục, như thế là một «’sự chú giải’ sống động Lời Chúa ». Thánh Thần, nhờ đó Thánh Kinh đã được viết, là chính Thánh Thần soi sáng « Lời Chúa cho các vị sáng lập bằng một ánh sáng mới. Từ Lời Chúa, mọi đặc sủng được nảy sinh và từ Lời Chúa, mọi quy luật muốn nên lời diễn tả ».

Đức Thánh Cha đặc biệt nhắc đến Truyền thống đan tu « đã luôn xem việc suy niệm Thánh Kinh như là một yếu tố cấu thành linh đạo riêng của mình, đặc biệt dưới hình thức Lectio divina. » Ngài khẳng định : « Cả ngày hôm nay nữa, những thực tại dâng hiến đặc thù cũ và mới đều được kêu gọi trở nên những trường sống thiêng liêng đích thực nơi mà Thánh Kinh được đọc theo Thánh Thần trong Giáo Hội, để tất cả Dân Thiên Chúa có thể hưởng ích từ đó. Bởi vậy, Thượng Hội Đồng khuyên nhủ rằng trong các cộng đoàn Đời sống thánh hiến, không bao giờ thiếu việc đào tạo vững chắc việc đọc Thánh Kinh với niềm tin tưởng ».

Đức Thánh Cha đặc biệt hướng đến các nam nữ đan sĩ, « qua việc học tách rời khỏi thế gian, trở nên kết hiệp thân mật hơn với Chúa Kitô, trung tâm của thế giới. Hơn bao giờ hết, Giáo Hội cần đến chứng tá của những ai dấn thân « không yêu thích gì hơn tình yêu Chúa Kitô » ». Những người nam nữ sống đời chiêm niệm, « qua đời sống cầu nguyện, lắng nghe và suy niệm Lời Chúa nhắc cho chúng ta rằng con người không chỉ sống nhờ cơm bánh nhưng còn bởi mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra (x. Mt 4, 4). Do đó, mọi tín hữu phải nhớ rằng một hình thức sống như thế « chỉ ra cho thế giới hôm nay điều quan trọng nhất, và thậm chí xét cho cùng đó là điều quyết định duy nhát : có một lý trí tối hậu mà đáng sống cho, đó là Thiên Chúa và tình yêu khôn dò thấu ».

Với các giáo dân (số 84)

Đức Thánh Cha cho thấy Thượng Hội Đồng « rất thường chú ý đến giáo dân, cám ơn sự quảng đại dấn thân của họ trong việc truyền bá Tin Mừng trong những nơi khác nhau của cuộc sống thường nhật của họ, ở nơi làm việc, tại trường học, trong gia đình và trong giáo dục. » Vì ơn gọi sống giữa đời của họ, nên « họ cần được đào tạo để phân định thánh ý của Thiên Chúa nhờ sự thân mật với Lời Chúa, được đọc và học hỏi trong Giáo Hội, dưới sự hướng dẫn của các Mục tử hợp pháp. »

Hôn nhân và gia đình (số 85)

Đức Thánh Cha cho thấy « Thượng Hội Đồng đã cảm thấy sự cần thiết nhấn mạnh tương quan giữa Lời Chúa, hôn nhân và gia đình kitô hữu. » Trong Tông huấn, Lời Chúa được trình bày như là « căn tính đích thực » và là « nguồn mạch của hôn nhân » và chính Chúa Giêsu đã nâng hôn nhân lên hàng bí tích. Đứng trước những tấn công hôn nhân và gia đình, trước những lối suy nghĩ tầm thường hóa thân xác con người và sự khác biệt giới tính, « Lời Chúa tái khẳng định sự tốt lành nguyên thủy của con người, được tạo dựng có nam và nữ, và được kêu gọi đến tình yêu chung thủy, hỗ tương và phong nhiêu. »

Từ đó, Tông huấn nhắc nhở các bậc cha mẹ, các đôi vợ chồng có nghĩa vụ trở nên « những sứ giả Lời Chúa đầu tiên cho con cái của mình ». Và « cộng đồng giáo hội phải nâng đỡ và trợ giúp họ phát triển việc cầu nguyên trong gia đinh, lắng nghe Lời Chúa và hiểu biết Thánh Kinh ». Các bậc vợ chồng cũng hãy nhớ rằng « Lời Chúa cũng là một sự nâng đỡ quý giá trong những lúc khó khăn của đời sống vợ chồng và gia đinh ».

Lectio divina, phương pháp suy niệm Thánh Kinh (số 86-87)

Tông huấn dành một phần quan trọng trình bày Lectio divina như phương pháp suy niệm Thánh Kinh. Đó là một “đòi hỏi tiếp cận cầu nguyện bản văn thánh như là yếu tố nền tảng của đời sống thiêng liêng của mọi tín hữu, trong những tác vụ và các bậc sống khác nhau”. Tông huấn nhấn mạnh: “Lời Chúa là nền tảng cho mọi linh đạo kitô hữu đích thực”. Bởi vì, như thánh Augustinô nói: “Lời cầu nguyện của bạn là lời của bạn nói với Thiên Chúa. Khi bạn đọc, chính Thiên Chúa đang nói với bạn; khi bạn cầu nguyện, chính bạn đang nói với Thiên Chúa”.

Tuy nhiên, Tông huấn cũng cảnh giác chúng ta trước một “lối tiếp cận” Thánh Kinh cách “cá nhân chủ nghĩa” và cho thấy rằng Lời Chúa được ban cho chúng ta là “để xây dựng sự hiệp thông, để kết hiệp chúng ta trong chân lý suốt hành trình của chúng ta về với Thiên Chúa. Đó là một Lời được nói với mỗi người cách cá nhân, nhưng đó cũng là một Lời xây dựng cộng đoàn, xây dựng Giáo Hội. Chính vì thế, bản văn thánh phải luôn được đề cập trong sự hiệp thông giáo hội”. “Vì thế thật quan trọng việc đọc Thánh Kinh và bảo vệ Thánh Kinh trong sự hiệp thông của Giáo Hội, tức là với tất cả các đại chứng nhân  của Lời này, bắt đầu bởi những Giáo Phụ đầu  tiên cho đến các thánh hôm nay, cho đến Huấn quyền hiện tại”.

Số 87 dành sự chú ý đặc biệt cho phương pháp tiếp cận Thánh Kinh trong đức tin: Lectio divina, một phương pháp “có khả năng mở ra cho tín hữu kho tàng Lời Chúa, và như thế khơi lên cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô, Lời hằng sống của Thiên Chúa”.

Các giai đoạn căn bản của Lectio divina đươc Tông huấn trình bày như sau:

+ Mở đầu là việc đọc bản văn Lời Chúa (lectio), việc đọc này “gợi lên câu hỏi về sự hiểu biết đích thực nội dung của nó: tự nó bản văn Thánh Kinh nói gì? Không có giai đoạn này, bản văn có nguy cơ chỉ trở nên một cái cớ để  không bao giờ ra khỏi các tư tưởng của chúng ta.”

+ Tiếp đến là “việc suy niệm (meditatio), đặt ra câu hỏi sau: bản văn Thánh Kinh nói gì với chúng ta? Ở đây, mỗi người cách cá nhân, nhưng cũng xét như là thực tại cộng đoàn, phải để cho mình được chạm đến và đặt lại vấn đề, vì nó không hệ tại xem xét những lời được loan báo trong quá khư nhưng là trong hiện tại.”

+ Như vậy, chúng ta đi đến giai đoạn cầu nguyện (oratio). Giai đoạn này “giả thiết câu hỏi sau: Chúng ta nói gì với Chúa nhằm đáp lại Lời Ngài? Việc cầu nguyện như là lời cầu xin, cầu bầu, tạ ơn và ca ngợi, là cách thức đầu tiên qua đó Lời Chúa biến đổi chúng ta.

+ Sau cùng, “Lectio divina kết thúc bằng việc chiêm ngắm (contemplatio), trong đó chúng ta chấp nhận, như là ân huệ của Thiên Chúa, chính cái nhìn như Ngài để phán đoán thực tại, và chúng ta tự hỏi: sự hoán cải tinh thần, tâm hồn và cuộc sống nào mà Chúa đòi hỏi chúng ta? Thánh Phaolô trong thư gởi tín hữu Rôma khẳng định: “Anh em đừng có rập theo đời này, nhưng hãy cải biến con người anh em bằng cách đổi mới tâm thần, hầu có thể nhận ra đâu là ý Thiên Chúa: cái gì là tốt, cái gì đẹp lòng Chúa, cái gì hoàn hảo.” (12, 2). Quả thế, việc chiêm ngăm hướng đến việc tạo nên trong chúng ta một cái nhìn khôn ngoan về thực tại, tuân theo Thiên Chúa, và đào tạo trong chúng ta “tư tưởng của Chúa Kitô” (1Cor 2, 16). Lời Chúa được trình bày ở đây như là tiêu chí phân định: “Lời Thiên Chúa là lời sống động, hữu hiệu và sắc bén hơn cả gươm hai lưỡi: xuyên thấu chỗ phân cách tâm với linh, cốt với tuỷ; lời đó phê phán tâm tình cũng như tư tưởng của lòng người”.

+ “Tiếp đến cần nhớ rằng Lectio divina không hoàn tất trong sự năng động của nó bao lâu nó không đổ ra trong hành động (actio)”, đưa đời sống của người tín hữu đến chỗ “trở nên quà tặng cho người khác trong đức ái”.

 

 


Muc Luc Muc Vu