GIÁNG SINH

 

“Hang Bêlem” là bài ca danh tiếng của nhạc sĩ Phanxicô Hải Linh, câu mở đầu là “Đêm đông, lạnh lẽo Chúa sinh ra đời”, vậy mà ca sĩ nọ lại hát là “Đêm đông lạnh lẽo Chúa giáng sinh ra đời”. Hai chữ “giáng sinh” đã đi vào đầu óc chúng ta từ lâu, ngày Chúa hạ sinh, chúng ta nói là Chúa giáng sinh.

Lễ Giáng Sinh tiếng Latinh là Nativitas Domini (Sinh nhật của Chúa [1]), tiếng Anh là Christmas (do chữ “Christ’s Mass” nghĩa là Thánh lễ của Đức Kitô), tiếng Hoa gọi là Thánh Đản Tiết (Thánh: vị thánh; đản: sinh ra; tiết: tết, ngày mừng).

1.  Nguồn gốc

Trong những thế kỷ đầu, Hội Thánh chú tâm vào việc loan báo cuộc khổ nạn, sự chết và sống lại của Chúa, nên không mừng ngày sinh của Chúa. Các tín hữu họp nhau trong ngày Chúa Nhật, ngày phục sinh của Chúa. “Tuy nhiên, ngay từ năm 200, Thánh Clementê Alexandria (150-215) đã nói đến một lễ hết sức đặc biệt được cử hành vào ngày 20 tháng 5. Còn Hội Thánh Latinh thì mừng kính lễ ấy vào ngày 25 tháng 12” [2]. Năm 354, Đức Giáo Tông Liberius công bố ngày 25 tháng 12 là ngày chính thức để cử hành Lễ Giáng Sinh của Chúa Giêsu, thay cho ngày lễ ăn mừng Thần Mặt Trời của người Rôma.

2.  Nghĩa của chữ giáng, sinh

2.1. Giáng: Có 4 chữ Hán, ở đây là chữ, nghĩa là: (đt.) (1) Rơi, rụng xuống: Sương giáng (sương xuống); (2) Hạ xuống: Giáng quan (quan phải xuống chức dưới cái chức đang làm); (3) Ban cho: Giáng phúc (ban ơn phước); (4) Người đáng kính quang lâm: Giáng giá (ngài đến); (5) Nén lại: Giáng tâm tương tùng (nén lòng cùng theo); (6) Sau này: Tự tư dĩ giáng (từ này về sau).

2.2. Sinh: Có năm chữ Hán, trong trường hợp này là chữ, nghĩa là: (dt.) (1) Mạng sống: Dưỡng sinh (nuôi mạng sống); (2) Quãng đời sống: Sinh thời (khi còn sống); (3) Cuộc sống: Khởi tử hồi sinh (từ chết sống lại); (4) Hết thảy những gì có sự sống, nói chúng: Sinh vật; (đt.) (5) Đẻ, sinh sản, sinh ra: Sinh tử (đẻ con) (6) Làm ăn kiếm sống, nuôi: Kế sinh nhai (các cách để nuôi sống); (7) Xảy ra: Sinh bệnh; (8) Gây ra: Sinh sự; (9) Nhóm lửa: Sinh lư tử (đốt lò); (10) Mọc ra: Sinh căn (đâm rễ); (11) Xuất hiện, hiện ra: Phát sinh;; (12) Trưởng thành: Sinh đắc như hoa tự ngọc (trưởng thành đẹp như hoa như ngọc); (13) Nho sĩ: Thư sinh; (14) Học trò: Học sinh; (15) Họ Sinh; (tt.) (16) Chưa chín: Sinh tích tân quả (một trái táo xanh), sinh nhục (thịt sống); (17) Chưa quen biết: Sinh khách (khách lạ); (pht.) (18) Rất nhiều: Sinh thống (đau lắm); (19) Cưỡng bách: Sinh lạp ngạnh xả (生拉硬扯cố mà kéo); (trợ từ) (20) Dùng làm tiếng đệm: Y sinh (thầy thuốc)

3. Nghĩa của từ giáng sinh

Giáng là hạ xuống, sinh là sinh ra, giáng sinh là từ trên hạ xuống mà sinh ra. Theo cuốn “Trùng Biên Quốc Ngữ Từ Điển Tu Chính Bản” [3] thì giáng sinh là mục từ viết tắt của câu “Kim Đồng giáng thế, Ngọc Nữ tái sinh”. Truyện kể [4]: “Kim Đồng, Ngọc Nữ là hai tiểu thần của Chân Vũ Đại Đế. Hai vị chịu trách nhiệm ghi chép thiện, ác, công lao hay tội lỗi của tam giới. Kim Đồng bị ảnh hưởng việc lấy vợ gã chồng của trần gian, nên đã chọc ghẹo Ngọc Nữ, bị Chân Vũ Đế phát hiện, nên đã giáng xuống nhân gian. Kim Đồng làm một ông già bói toán. Vì trước đó phụ trách sổ sách của Chân Vũ Đế, “Nam Đẩu ghi sự sống, Bắc Đẩu ghi sự chết”, biết hết tình trạng của mọi người, nên bói toán luôn đúng. Người ta gọi ông là Chu Công. Ngọc Nữ không phải là thủ phạm, nên xuống làm con một gia đình nghèo, họ Nhâm, tên là Đào Hoa”.

Ngày nay khi nói đến giáng sinh thì người ta chỉ nghĩ đến từ trên hạ sinh. Khi người ta chúc mừng con người khác thông minh tài giỏi, thì nói “thạch lân giáng thế”, nghĩa là con thạch kỳ lân trên trời bị giáng xuống thế gian. Thật ra nghĩa chính của thuật từ này chỉ có nghĩa là sinh ra đời, nhưng thường nói về việc sinh ra đời của một bậc vĩ nhân, một người sáng lập ra một tôn giáo hay có khi cũng nói về sự xuất hiện những bậc thần tiên xuống thế.

Giáng thế, giáng trần hay giáng phàm đều có cùng một nghĩa là xuống thế gian, trần gian hay cõi phàm trần này; còn giáng sinh thì có nghĩa khác một chút là (từ cao) xuống thế sinh ra.

Ngày lễ Chúa Giêsu sinh ra đời, Trung Quốc gọi là Thánh Đản Tiết (nghĩa là ngày lễ mừng vị thánh sinh ra đời). Người Đài Loan thì gọi là Gia [5] Đản Tiết. Họ quan niệm Khổng Tử mới là vị thánh, nên gọi mừng ngày sinh của Khổng Tử là Khổng Thánh Đản Tiết. Nhưng trên thực tế, khi nói đến Thánh Đản Tiết ai cũng hiểu là lễ sinh nhật của Chúa Giêsu.

Nhận xét

Ở Việt Nam, vì kính huý Danh Thánh Chúa, nên “Societas Jesus” thường được gọi là Dòng Tên, chứ không gọi là Dòng Chúa Giêsu. Cũng vậy, Lịch Phụng Vụ trước đây (1967) ghi ngày 25/12 là Lễ Sinh Nhật Đức Chúa Giêsu, nhưng Kitô hữu Việt Nam chỉ gọi là Lễ Sinh Nhật mà thôi. Hiện nay, khi nói đến Lễ Giáng Sinh, ai cũng hiểu là lễ mừng sinh nhật của Chúa Giêsu, tuy giáng sinh chỉ có nghĩa là hạ sinh, cũng không chỉ rõ ai giáng sinh.

---------------------------------------

[1] Từ Chúa (Dominus) ở đây phải hiểu là Chúa Giêsu Kitô - Ngôi Lời nhập thể, chứ không phải là Thiên Chúa (Deus). Trong Thánh Kinh, Dominus ám chỉ quyền lãnh chúa phổ quát và tuyệt đối của Giavê (trong Cựu Ước) hay của Chúa

Lm. Stêphanô Huỳnh Trụ