NƯỚC HAY TRIỀU ĐẠI?

 

1. Hằng ngày, khi đọc Kinh Lạy Cha chúng ta cầu xin “nước Cha trị đến”, nhưng câu kinh này “adveniat regnum tuum” (Mt 6,10) cũng có người dịch là “triều đại Cha mau đến”. Khi đọc thoáng qua thì từ triều đại nghe thuận tai và tao nhã hơn... vậy nước triều đại, từ nào đúng hơn?

2. Từ triều đại đúng hơn?

Giải thích về việc chọn từ triều đại hay vương quyền thay cho từ nước trong Kinh Lạy Cha, trong số 96/8 của bản CHÚ THÍCH BẢN DỊCH NGHI THỨC THÁNH LỄ 1992 của Uỷ ban Phụng tự HĐGMVN viết:

Ở Mt 6,10 từ basilêia phải dịch thế nào? Chắc chắn phải dịch là vương quyền hoặc triều đại, chứ không thể dịch là nước được:

1) Xét về ngôn ngữ: Nước là một vùng đất trước sau như một, dù cho trong vùng đất này có nhiều chế độ thay nhau đến rồi qua đi. Vì thế, chế độ này qua đi, chế độ kia đến, chứ nước không đến mà cũng chẳng qua đi.

2) Xét về thần học: Loài người sống dưới vương quyền Satan quỷ dữ. Hôm nay, cũng trên loài người ấy, chúng ta xin cho vương quyền của Satan qua đi và xin cho vương quyền Thiên Chúa đến, như các ngôn sứ đã từng tiên báo qua các thời đại.

Nói tóm lại, thay vì “nước”, Uỷ Ban dùng từ “vương quyền”. Khi Thiên Chúa giải thoát và thống trị loài người, thì đó là vương quyền của Người được thể hiện và triều đại của Người đã đến. Và đó chính là điều chúng ta kêu cầu khi đọc kinh Lạy Cha”.

Trong số 15/20 (Kinh Tin Kính Constantinopoli) của tài liệu này cũng đã giải thích:

“- Vương quyền là chính quyền nhà nước, đứng đầu là vua.

- Triều đại là thời gian trị vì của một ông vua hay một dòng vua: Triều đại Quang Trung qua, triều đại Gia Long đến.

- Nước, trước hết là một vùng đất. Nước Việt Nam, chẳng hạn, là một vùng đất nam giáp biển Nam Hải, bắc giáp Trung Hoa. Vì thế, nước Việt Nam trước sau vẫn là một, cho dù phải trải qua nhiều chế độ, chế độ này qua, chế độ kia đến.

Ở đây, cũng như ở các sách Tin Mừng, vấn đề không phải là vùng đất, vì đối với người tín hữu, “Chúa làm chủ trái đất cùng muôn vật muôn loài, làm chủ hoàn cầu với toàn thể dân cư” (Tv 23,1). Nhưng vấn đề là loài vật và dân cư có ý thức và chấp nhận quyền bính siêu việt của Người hay lại bắt chước tổ tiên, bất tuân lệnh Chúa và sa vào quyền bính Satan. Trái lại, khi họ chấp nhận, thì đó là vương quyền Thiên Chúa đã đến. Và cùng với vương quyền Thiên Chúa, triều đại Thiên Chúa bắt đầu trong thời gian. Nếu vậy thì có thể nói là vương quyền của Đức Giêsu (nếu muốn nhấn mạnh quyền bính) hoặc triều đại của Người (nếu muốn nhấn mạnh thời gian). Sau khi cân nhắc, Uỷ Ban thấy phải bỏ từ “nước”. Vả lại, trong hai từ còn lại, Uỷ Ban chọn từ “vương quyền”. Như thế, câu văn sẽ là: “Vương quyền Người sẽ vô cùng vô tận” [1], vừa nhấn mạnh quyền bính lại vừa nhấn mạnh thời gian: Vương quyền là vương quyền của Đức Giêsu; vương quyền ấy sẽ không lọt vào tay ai nữa”.

3. Từ nước đúng hơn?

Tuy nhiên, cũng có nhiều người không đồng ý với ý kiến trên đây, điển hình là Gs. Nguyễn Văn Trung trong khảo luận DỊCH THUẬT VÀ LÝ LUẬN DỊCH THUẬT (2002), ông viết [2]:

Trong lịch sử thường thấy một nhóm người lập ra một triều đại mới thay thế triều đại cũ bị lật đổ. Ngày nay từ triều đại được hiểu là chế độ chính trị gồm những thể chế cầm quyền lập pháp, tư pháp và hành pháp gọi là chính quyền hay nhà nước. Nhà nước của một nước. Từ nước chỉ thị một cộng đồng những người cùng chung một vùng địa lý, một tiếng nói, văn hóa, một lịch sử, một sắc tộc: trong thực tế một nước hay quốc gia như nước Việt Nam gồm nhiều cộng đồng sắc tộc, ngôn ngữ, văn hoá, chỉ sống chung trong một vùng địa lý, địa lý chính trị dựa trên một đồng thuận về những quyền lợi kinh tế chính trị. Như vậy, quốc gia hay nước có tính cách bền vững hơn những chế độ chính trị, triều đại, lúc hưng thịnh, lúc suy vi và luôn luôn có thể bị thay đổi. Người dịch Kinh Lạy Cha dùng từ nước để dịch từ Latinh regnum diễn đạt được đúng ý của lời kinh, vì chả nhẽ nguyện cho nước Chúa trị đến mà nước chỉ tồn tại như một triều đại, một chế độ chính trị trong một thời gian sao?”. Ông đặt câu hỏi với những dịch giả Kinh Lạy Cha 1994/1998: “Từ triều đại chỉ một thời kỳ của một chế độ chính trị lúc hưng thịnh, lúc suy đồi, nay còn mai mất. Từ nước bao quát hơn từ triều đại, vì triều đại này sụp đổ triều đại khác lên thay, cả hai vẫn ở trong khuôn khổ nước, quốc gia có tính cách bền vững hơn. Dùng từ triều đại cụ thể hơn, nhưng phải chăng cũng mang ý định thu hẹp nghĩa của từ “Nước Trời”? Nhưng chả nhẽ triều đại của Cha cũng chịu cảnh thăng trầm, hưng suy của triều đại thế gian?” (Chương III: Tiếng Việt trong lời kinh). Và ông nhắc lại lời nhận xét dứt khoát của Lm. Cao Vĩnh Phan [3]: “Về điểm này, thiết nghĩ các nhà dịch giả Kinh Thánh Việt Nam ngày nay còn lâu mới qua mặt được những người đi trước khi họ dùng kiểu nói thô sơ “Nước Cha trị đến” mà vẫn bảo toàn được nền tảng tín lý của Đạo Chúa” (PL 1: Quá khứ dịch Kinh Thánh và Kinh Lạy Cha ở Việt Nam).

4. Ý nghĩa hai từ nướctriều đại

4.1. Nước: có 3 chữ Nôm: (nặc), (thuỷ nhược) và (trước) cả ba đều là danh từ. Nước ( hay ) có nghĩa là: I. (1) Chất lỏng không màu, không mùi, tồn tại ở dạng tự nhiên trong ao hồ, sông biển: nước mưa, nước thủy triều; (2) Chất lỏng nói chung: nước mắt, ngọt như nước dừa; (3) Lần dùng, lượt sử dụng qua nước: chè nước đầu, áo giặt bốn nước; (4) Lớp quét bằng chất màu ở bề ngoài: quét hai nước vôi cho đẹp; (5) Vẻ óng mượt tự nhiên bên ngoài một số vật: gỗ lên nước. II. (1) Nhà nước, quốc gia với chế độ chính trị xã hội nhất định, thường có tính lâu dài [4]. Ví dụ nước Việt Nam đã có bốn ngàn năm lịch sử, trải qua nhiều triều đại vua chúa, cũng như nhiều chế độ chính trị, nhưng vẫn là một nước Việt Nam với truyền thống riêng của mình. (2) (trong văn chương, nghĩa rộng) đất nước, quê hương, tổ quốc. Nước () có nghĩa là: (1) Bước đi của ngựa: ngựa chạy nước kiệu; (2) Bước đi của quân cờ trong thế cờ: nước cờ cao; (3) Cách hành động, tính toán để gỡ bí, tạo thế thuận lợi: tính hết nước rồi; (4) Thế so sánh, tương quan: chịu nước lép; (5) Mức tận cùng: độc ác hết nước.

Nói thêm: Về phương diện công pháp quốc tế thì một chủ thể được xem là quốc gia khi có có đầy đủ các yếu tố: lãnh thổ, dân cư và chính quyền. Quốc gia là một khái niệm địa lý và chính trị, trừu tượng về tinh thần, tình cảm và pháp lý, để chỉ về một lãnh thổ có chủ quyền, một chính quyền và những con người của các dân tộc có trên lãnh thổ đó; họ gắn bó với nhau bằng luật pháp, quyền lợi, văn hoá, tôn giáo, ngôn ngữ, chữ viết qua quá trình lịch sử lập quốc, và những con người chấp nhận nền văn hoá cũng như lịch sử lập quốc đó cùng chịu sự chi phối của chính quyền, họ cùng nhau chia sẻ quá khứ, hiện tại và cùng nhau xây dựng một tương lai chung trên vùng lãnh thổ có chủ quyền. Hai khái niệm nước và quốc gia, mặc dù vẫn thường được dùng thay cho nhau nhưng cũng có sắc thái khác nhau (theo nghĩa rộng, nước cũng có nghĩa như đất nước, quê hương, tổ quốc).

Trong Kinh Lạy Cha, nước () [5]vừa có nghĩa là quốc gia vừa có nghĩa là đất nước, quê hương, tổ quốc (như sẽ nói ở số 5).

4.2. Triều đại

- Triều [6]: Có ba chữ Hán: , , . Triều trong triều đại là chữ (triều). Chữ này có nghĩa: dt. (1) Nơi làm việc của vua: Triều đình; (2) Dòng họ tiếp nhau cầm quyền: Lê triều; (3) Họ Triều; (4) Tên nước: Triều Tiên ; (5) Nhóm đang cai trị: triều đảng; đt. (6) Bá quan quanh vua: Thiết triều; (7) Nhìn về phía: Toạ đông triều tây; (8) Hành hương: Triều thánh.

- Đại: Có nhiều chữ Hán: , , , , , , , , , , , . Đại trong triều đại là chữ (đại). Chữ có nghĩa: dt. (1) Giai đoạn lịch sử: Hán đại; (2) Bộ phận: Hạ đại; (3) Thời thế: Thời đại; (4) Thế hệ: Hậu đại; (5) Họ Đại; đt. (6) Thay thế: Đại diện; (7) Giữ chức tạm thời: Đại bộ trưởng.

- Triều đại ( ): Triều là dòng họ tiếp nhau cầm quyền, đại là thế hệ, cho nên triều đại có nghĩa là thế hệ hay hệ thống cai trị của một dòng họ đế vương. Triều đại chỉ hệ thống chính trị có thời hạn, không có tính bền vững.

5. Phải dịch thế nào?

5.1. Để dịch một từ ngữ hay câu chữ từ một thứ tiếng sang thứ tiếng khác thì cần hiểu rõ về nội dung và tính chất của từ hay câu muốn dịch.

- Về mặt nội dung: Trong Phúc Âm Nhất Lãm (nguyên tác Hy Lạp), Thánh Marcô và thánh Luca sử dụng từ “Basileia tou Theou”, cách chung trong tiếng Việt dịch là “Nước Thiên Chúa”, trong khi thánh Matthêo lại thích dùng thuật ngữ Hy Lạp "Basileia tōn Ouranōn" được dịch là “Nước Trời”. Các học giả Thánh Kinh giải thích rằng bản văn Matthêo dùng chữ “Trời” thay cho chữ “Thiên Chúa” vì khác với Marcô và Luca, Phúc Âm Matthêo được viết cho người Do Thái, nên tác giả đã tôn trọng lòng đạo đức của độc giả Do Thái bằng cách tránh sử dụng trực tiếp thánh danh Thiên Chúa. Trong Phúc Âm theo thánh Matthêo, “Trời” thay cho “Thiên Chúa”, về căn bản thì hai từ này là tương đương nhau [7]. Điều khó khăn ở đây là Chúa Giêsu đã không cho chúng ta một định nghĩa chính xác về bản chất của basileia tou Theou (vương quyền / nước / triều đại Thiên Chúa), mà Chúa chỉ mô tả qua các dụ ngôn. Dù sao, chúng ta vẫn có thể hiểu rằng basileia tou Theou "hệ tại sự phục tùng của các tâm hồn vào lề luật của Chúa hơn là sự thiết lập một hình thức hữu hình của chế độ thần quyền" [8]. Như vậy, basileia tiên vàn nói về vương quyền và vương triều (hay triều đại) hơn là vương quốc (hay nước).

- Về tính chất của từ: Từ “regnum” (Latin) dịch từ tiếng Hy Lạp là “basileia”, nhưng thực ra từ này lại dịch từ tiếng Hipri là "malkuth" và tiếng Aram là "malkutha" đã có trong Cựu Ước và cũng cần phải hiểu trong ánh sáng của Cựu Ước: Malkuth hay malkutha không bao hàm nghĩa một vùng đất, một lãnh thổ (territory), nhưng là một quyền lực, một sự thống trị (dominion), và basileia trước hết có nghĩa là việc hành xử vương quyền, quyền tối thượng và vương vị, và thứ đến mới có nghĩa là vương quốc hay một lãnh thổ [9].

5.2. Chính vì các mầu nhiệm luôn vượt quá giới hạn của ngôn ngữ nên Chúa Giêsu phải dùng các dụ ngôn để mặc khải. Khi diễn tả những khái niệm siêu hình, nhất là khi nói về siêu việt thể, ngôn từ của nhân loại thường bất túc, vì vậy chúng ta thường phải dùng phép loại suy (analog) và trác tuyệt (eminence):

- Khi sử dụng từ triều đại để nói về mầu nhiệm nước Trời, chúng ta hiểu rằng có cái gì đó giống với các triều đại trong nhân loại: Sự thống trị của một vị vua, sự bảo đảm của công lý, chiến thắng và hòa bình... nhưng cũng có điểm khác với các triều đại của con người: không có những âm hưởng của chính trị và những khía cạnh mờ tối của nền quân chủ, độc tài (loại suy) và cuối cùng: triều đại của Thiên Chúa là một "triều đại trường cửu" (x. Đn 7,22.27) (trác tuyệt).

- Cũng thế, khi sử dụng từ nước: người ta nghĩ đến (giống) một vuơng quốc, có vua (Đức Kitô), có dân (dân Thiên Chúa) và một lãnh thổ “không thuộc về thế gian này” (Ga 18,36); nhưng đồng thời (khác): “người ta sẽ không nói: ‘Ở đây này!’ hay ‘Ở kia kìa!’, vì này Nước Thiên Chúa đang ở giữa các ông” (Lc 17,21). Ý niệm về lãnh thổ, về một vùng đất phải được thay thế bằng lãnh vực các tâm hồn (loại suy). Ý niệm về biên cương phải được mở rộng đến vô cùng vô tận: “một vương quốc vĩnh cửu và vô biên” (Kinh tiền tụng lễ Chúa Kitô Vua), “nước Người sẽ không bao giờ cùng” (Kinh Tin Kính Constantinôpoli) (trác tuyệt) [10]. 

6. Kết luận

Nếu chấp nhận những giới hạn đó của ngôn từ, chúng ta có thể kết luận [11]: Trong Tân Ước, cùng một từ Hy Lạp basileia có thể dịch nhiều cách: regalitas (danh từ trừu tượng: vương quyền, kingship, royauté), regnum (danh từ cụ thể: vương quốc, nước, kingdom, royaume), regnatio (danh từ chỉ việc cai trị: vương triều, triều đại, reign, règne). Dĩ nhiên mỗi cách dịch đều hàm chứa ngụ ý một lối giải thích nào đó về bản chất của nó:

- Khi dịch là vương quyền hay vương chế (của Thiên Chúa), người ta muốn nhấn mạnh tới việc Chúa cai trị trên khắp địa cầu (nghĩa chủ động: Thiên Chúa thiết lập quyền hành trên khắp địa cầu, trên mọi dân tộc hay là tại Israel). Đây là ý nghĩa thường được biểu lộ trong Cựu ước qua công thức “Thiên Chúa hiển trị, ngự trị” (Tv 47,3; 93; 96-99), khi muốn nói tới việc Thiên Chúa xuất hiện, can thiệp vào lịch sử để cứu thoát dân Israel.

- Khi dịch là vương quốc hay nước (của Thiên Chúa) thì người ta để ý tới ảnh hưởng của sự can thiệp của Thiên Chúa, đó là một lãnh thổ (khu vực không gian) đặt dưới sự cai trị của Thiên Chúa (nghĩa thụ động). Khu vực đó có thể mang ý nghĩa thiêng liêng, tức là (tâm hồn) các cá nhân hay cộng đoàn tín hữu đón nhận Thiên Chúa.

- Khi dịch là vương triều hay triều đại (của Thiên Chúa) thì người ta muốn nêu bật thời kỳ mà Thiên Chúa ra tay can thiệp, việc sử dụng thiết thực quyền cai quản của Thiên Chúa trên các tội nhân đã được sự chiến thắng phục sinh của Chúa Kitô khai mở (reigne du Christ) hay sự ngự trị của ân sủng (regne de la gracê), đó cũng là khởi điểm của Hội Thánh là “mầm mống và là bước khai nguyên” của triều đại Thiên Chúa” (LG 5b) và triều đại ấy “đến muôn đời nó sẽ đứng vững" (Đn 2,44).

- Nếu lưu ý rằng: Trong các từ tiếng Việt để dịch từ basileia nói trên, chỉ có từ nước là thuần Việt, đơn giản, dễ hiểu, cũng là từ được dùng từ lâu đời và phổ biến nhất trong các bản dịch xưa nay. Thì qua những phân tích trên đây, chúng tôi nghĩ có thể kết luận rằng: Trong Kinh Lạy Cha, từ basileia dịch là triều đại hay nước đều không sai, nhưng phải nhận rằng: Dịch là triều đại thì “đúng hơn” (về mặt ngữ học và thần học) và dịch là nước thì “thích hợp hơn” (về mặt văn học và tâm thức quần chúng trong truyền thống kinh nguyện).

 

[1] Thay cho câu: “Nước Người sẽ không bao giờ cùng” trong bản dịch Kinh Tin Kính năm 1971.

[2]http://www.dunglac.org/index.php?m=module3&v=chapter&ib=297&ict=3236, truy cập ngày 07/04/08.

[3] Cao Vĩnh Phan, NĂM 2000 - ĐỌC VÀ HỌC KINH THÁNH QUA CÁC BẢN DỊCH TIẾNG VIỆT, Tư liệu nghiên cứu phổ biến nội bộ, năm 2000, trang 181.

[4] Theo nghĩa hẹp thì nước vẫn có thể thay đổi (hoặc đổi tên, hoặc tách ra thành nhiều nước hoặc nhập vào nước khác với tên mới... ). Ví dụ: Đế quốc Áo-Hung (Austria-Hungary Empire) thành lập 1867 từ Đế quốc Habsburg, và bao gồm một phần Áo và một phần Hung. Đến năm 1918, đế quốc này bị chia thành Áo, Hungary, Tiệp Khắc (Czechoslovakia), Ba Lan và Vương quốc Serb, Croat và Slovene (sau đổi thành Vương quốc Nam Tư vào năm 1929). Rồi đến Nam Tư (Yugoslavia) được tạo thành từ những phần của Đế quốc Áo-Hung và các Vương quốc SerbiaMontenegro vào các năm 1918/1929. Được thành lập lại sau Chiến tranh thế giới thứ II và bị tan rã sau khi 4 trong số 6 quốc gia tạo dựng ra Nam Tư (là Slovenia, Croatia, Macedonia và Bosna và Hercegovina) tách ra vào những năm 1990. Hai nước cộng hòa còn lại đã chính thức đổi lại tên thành SerbiaMontenegro vào năm 2003. Và Tiệp Khắc (Czechoslovakia) được thành lập từ vài phần của Đế quốc Áo-Hung sau khi đế quốc này hoàn toàn tan rã sau Thế chiến thứ I. Đến năm 1993, Tiệp Khắc lại tự chia thành hai nước (Cộng hòa Séc và Slovakia).

[5] “Nước Cha trị đến...” trong bản Kinh Lạy Cha chữ Nôm do Hội Đồng Kinh 1924 tu chính, viết là: " ...” (THÁNH GIÁO KINH NGUYỆN, tr. 652).

[6] x. BÀI GIẢNG CHÚA NHẬT, số 7-2007, tr. 106-108.

[7] John L. McKenzie, DICTIONARY OF THE BIBLE, Simon & Schuster, 1995, tr. 480.

[8] Olivier de La Brosse & Ntg, DICTIONNAIRE DE LA FOI CHRÉTIENNE, Cerf, Paris, 1968: Royaume.

[9] x. Karl Rahner, SACRAMENTUM MUNDI - AN ENCYCLOPEDIA OF THEOLOGY, Burn & Oates, London, 1970, Vol.3, tr. 233.

[10] Trong tiếng Anh, cách dịch truyền thống (Kingdom of God) cũng đang gặp vấn đề tương tự ở ta : Nhiều học giả Kinh Thánh đề nghị thay “Kingdom of God” bằng cụm từ “God's imperial rule” hoặc “God's domain”. C.H. Dodd đề nghị thay "kingdom" bằng "kingship", "kingly rule", “reign" hay “sovereignty” (xc. Charles Harold Dodd, THE PARABLES OF THE KINGDOM, Fontana 1961, p. 29); Nhóm Jesus Seminar đề nghị thay “Kingdom” bằng “Empire”; R. Chilson đề nghị  thay “Kingdom of God” bằng “Love's Domain”, “Love's Dominion”, hay “Love's Rule” (xc. Fr. Richard Chilson, C.S.P., YESHUA OF NAZARETH: SPIRITUAL MASTER. Notre Dame, IN: Sorin Books, 2001)...

[11] Tham chiếu SÁCH GIÁO LÝ HỘI THÁNH CÔNG GIÁO, Số 2816, bản Latin, Anh, Pháp, Việt. Trong bản dịch tiếng Việt của Ban Giáo Lý Giáo Phận TP.HCM (1997) sử dụng 3 từ vương quyền, vương quốcvương triều để dịch 3 từ: royauté, royaumerègne trong nguyên bản tiếng Pháp, nhưng theo Đào Đăng Vỹ (PHÁP VIỆT TỪ ĐIỂN, in lần thứ III, Nguyễn Trung xb, 1960), royauté: vương quyền, vương chế, vương chính; royaume: vương quốc, nước (có vua) và règne: đời vua, triều vua, triều đại.

--------------------------

Tài liệu tham khảo:

1. Một nhóm giáo sư, TỪ ĐIỂN LA-PHÁP-VIỆT, Ra Khơi, Sài Gòn, 1960.

2. Đào Đăng Vỹ, PHÁP VIỆT TỪ ĐIỂN, in lần thứ III, Nguyễn Trung xb, Sài Gòn, 1960.

3. Olivier de La Brosse & ntg, DICTIONNAIRE DE LA FOI CHRÉTIENNE, Cerf, Paris, 1968.

4. THE NEW WORLD DICTIONARY-CONCORDANCE TO THE NEW AMERICAN BIBLE, Catholic World Press, 1970.

5. Karl Rahner, SACRAMENTUM MUNDI - AN ENCYCLOPEDIA OF THEOLOGY, Burn & Oates, London, 1970, Vol.3.

6. CHÚ THÍCH BẢN DỊCH NGHI THỨC THÁNH LỄ của Ủy Ban Phụng Tự HĐGMVN, 1992.

7. John L. McKenzie, DICTIONARY OF THE BIBLE, Simon & Schuster, 1995.

8. Cao Vĩnh Phan, NĂM 2000 - ĐỌC VÀ HỌC KINH THÁNH QUA CÁC BẢN DỊCH TIẾNG VIỆT, Tư liệu nghiên cứu phổ biến nội bộ, năm 2000.

9. Nguyễn Văn Trung, DỊCH THUẬT VÀ LÝ LUẬN DỊCH THUẬT, 2002, Trên Website dunglac.org, truy cập ngày 01/04/2008.

Lm. Stêphanô Huỳnh Trụ

nguồn : truyenthongconggiao.org