Giáo luật quy định thế nào về những người lãnh nhận bí tích Thêm Sức?

gpquinhon.org  Thứ hai - 03/06/2013 04:26 -

1. Điều kiện hữu hiệu

Theo Điều 889 §1, để lãnh nhận bí tích Thêm Sức hữu hiệu thì đương sự cần phải đáp ứng hai điều kiện:

- Đã được Rửa Tội rồi: vì bí tích Rửa Tội là “cửa dẫn vào các bí tích” (Điều 849) và “người nào đã không lãnh nhận bí tích Rửa Tội thì không thể lãnh nhận cách thành sự các bí tích khác” (Điều 842 §1)

- Và chưa lãnh nhận bí tích Thêm Sức: vì bí tích Thêm Sức in một ấn tích vào linh hồn và chỉ lãnh một lần (x. Điều 879) nên chỉ những ai chưa lãnh nhận bí tích Thêm Sức mới có khả năng lãnh nhận bí tích Thêm Sức.

2. Điều kiện hợp pháp

Điều 889 §2 quy định: không kể trường hợp nguy tử, người đã nhận Bí tích Rửa Tội muốn lãnh nhận bí tích Thêm Sức cách hợp pháp, nếu đương sự đã đến tuổi khôn, thì buộc:

- phải học hỏi đúng mức,

- phải được chuẩn bị đầy đủ,

- và phải có khả năng lặp lại các lời hứa khi chịu phép Rửa Tội

Như vậy, những ai trong trường hợp nguy tử, và những ai không biết sử dụng trí khôn thì được miễn trừ khỏi các đòi hỏi này.

3. Bổn phận lãnh nhận bí tích Thêm Sức

Theo Điều 890, các tín hữu buộc phải lãnh nhận bí tích này vào thời gian thích hợp; các bậc cha mẹ, các vị chủ chăn, nhất là cha sở, phải liệu sao cho các tín hữu được học hỏi đúng mức để lãnh nhận bí tích này, và được lãnh nhận vào thời gian thích hợp.

Cha sở có một trách nhiệm đặc biệt trong việc chuẩn bị đúng cách cho các trẻ em lãnh nhận bí tích Thêm Sức, nhờ việc giảng dạy giáo lý trong một thời gian thích hợp (x. Điều 777, 20). Điều 777, 40 còn đòi hỏi cha sở phải đặc biệt liệu sao để “huấn giáo cho cả những người tàn tật về thể xác hoặc tinh thần, trong mức độ mà hoàn cảnh của họ cho phép” nhằm chuẩn bị thích đáng cho họ lãnh nhận bí tích Thêm Sức. Ngoài ra Giáo luật còn đòi hỏi phải lãnh nhận bí tích Thêm Sức trước đã:

- những chủng sinh gia nhập đại chủng viện (Điều 241§2),

- những ứng sinh gia nhập tập viện (Điều 645§1),

- những ai muốn làm người đỡ đầu Rửa Tội(Điều 871 §1,30).

Riêng những người Công giáo nào chưa lãnh bí tích Thêm Sức, thì phải lãnh bí tích ấy trước khi kết hôn, nếu điều đó có thể thực hiện được mà không có bất tiện nghiêm trọng (Điều 1065 §1). Xin phép được nhắc lại trong trường hợp này, riêng đối với giáo phận Long Xuyên, theo Quyết định ngày 04/12/1986, Đức Giám Mục giáo phận đã ban năng quyền cho các linh mục trong giáo phận ban bí tích Thêm Sức cho người Công giáo sắp lãnh nhận Bí tích Hôn Phối mà chưa lãnh nhận bí tích Thêm Sức, “nhưng phải làm riêng tư mà thôi”.

4. Mức tuổi để lãnh nhận bí tích Thêm Sức

Điều 891 quy định như sau: “Phải ban bí tích Thêm Sức cho các tín hữu vào khoảng tuổi khôn, trừ khi Hội Đồng Giám Mục ấn định một mức tuổi khác, trừ trường hợp nguy tử, hoặc trừ khi có một lý do nghiêm trọng khuyên làm cách khác, theo sự phán đoán của thừa tác viên”.

Mức tuổi theo Giáo luật ấn định là “vào khoảng tuổi khôn”, nghĩa là khoảng 7 tuổi. Tuy nhiên Giáo luật dành cho Hội Đồng Giám Mục ấn định một mức tuổi khác cho phù hợp, có thể nhỏ hơn hoặc lớn hơn (vd. HĐGM Pháp ấn định: từ 12-18 tuổi, x. DC 86 (1989) 76; HĐGM Thuỵ Sĩ ấn định: tối thiểu là 11 tuổi, EM 1985, n0 30-31, 507). Tại Việt Nam, Hội Đồng Giám Mục chưa có quy định chung nào về mức tuổi lãnh nhận bí tích Thêm Sức.

Thông thường, những người có trách nhiệm (cha sở, cha mẹ, giáo lý viên…) cũng cần phải xét xem các em có đạt tới một mức độ trưởng thành tâm lý và tâm linh để hiểu về bí tích Thêm Sức hay không, vì bí tích này chứng nhận một người trưởng thành trong bình diện đức tin (được cụ thể bằng việc chính đương sự lặp lại các lời hứa khi chịu phép Rửa Tội). Dù mức tuổi được ấn định như thế nào đi nữa, chúng cần chú ý đến hai luật trừ:

- Trong trường hợp nguy tử, thì nên ban bí tích Thêm sức ngay cho đương sự, dù các em chưa đến tuổi khôn (x. Điều 889 §2), để các em khỏi bị thiệt thòi ân sủng của bí tích.

- Khi có một lý do nghiêm trọng khuyên làm cách khác, thừa tác viên được phép quyết định một mức tuổi khác, có thể sớm hơn (vd. nếu có nguy cơ đương sự sau này không bao giờ có thể lãnh nhận bí tích Thêm Sức), hoặc nhỏ hơn (vd. đương sự rõ ràng chưa được chuẩn bị thích đáng để lãnh nhận bí tích Thêm Sức).

Tác giả bài viết: Lm. Luy Huỳnh Phước Lâm 


Muc Luc Muc Vu