TÍ BÍCH GIAO HÒA

ĐGM PHAOLO BÙI VĂN ĐỌC

PHẦN III: PHONG TRÀO CẢI CÁCH VÀ CÔNG ĐỔNG TRENTO

A. GIÁO LÝ TIN LÀNH

1. Giải tội là bí tích

Luther coi phép Giải tội là một "dấu chỉ hữu hiệu" (signum efficax), nhưng không theo nghĩa "cứ-sự" hay "cung cấp ơn cứu độ khách quan", mà theo nghĩa kích thích mạnh mẽ lòng tin và niêm ấn đức tin, làm cho hối nhân tin chắc chắn tình yêu của Thiên Chúa biểu lộ nơi Đức Kitô, tình yêu saün sàng tha tội và ban ơn nghĩa tử.

Đối với Mélanchton và bản Tuyên tín Ausburg, phép Giải tội quả thực là bí tích thứ ba bên cạnh phép Rửa và bữa tối của Chúa.

Luther, có khi liệt kê phép Giải tội bên cạnh phép Rửa và phép Thánh Thể, khi khác chỉ đề cập đến hai bí tích. Sự do dự có lẽ do hai cách nhìn khác nhau. Theo nghĩa hẹp, Luther cho rằng phép Giải tội không là bí tích như phép Rửa và phép Thánh Thể, vì không là dấu chỉ do Đức Giêsu thiết lập và xác định cụ thể. Nhưng đàng khác, phép Giải tội cũng là một dấu chỉ thánh vì lời xá giải của thừa tác viên có tương quan mật thiết với quyền buộc và mở mà Đức Kitô đã ban cho Giáo Hội : "Đức Kitô đã đặt trên môi miệng của Giáo Hội lời xá giải và ra lệnh giải thoát chúng ta khỏi tội lỗi. Khi một tâm hồn nhận ra các tội của mình và khao khát được an ủi, thì gặp nơi đây chỗ trọ vững chãi để nghe lời Thiên Chúa, và biết rằng Thiên Chúa, qua thừa tác vụ của một con người, tháo gỡ và giải thoát nó khỏi tội lỗi" (Grand catéchisme, Oeuvres de M. Luther, Paris 1946, p. 229-230).

Dưới khía cạnh này, Luther coi phép Giải tội là bí tích thực sự bên cạnh phép Rửa và phép Thánh Thể. Luther luôn nhấn mạnh tương quan giữa phép Giải tội với phép Rửa. Ông gọi phép Giải tội là "trở về với phép Rửa" (reditus ad baptismum), vì là hãm dẹp con người cũ, xây dựng con người mới sinh ra trong phép Rửa. Có khi Luther khẳng định phép Giải tội không gì khác hơn là phép Rửa sống lại nhờ đức tin.

Như vậy, đối với Luther, phép Giải tội không là một bí tích toàn vẹn như phép Rửa, phép Thánh Thể, nhưng là bí tích theo nghĩa rộng : dấu chỉ hữu hiệu, hiệu năng phát xuất từ Lời Thiên Chúa hứa với Giáo Hội, ban quyền trói và mở cho Giáo Hội.

Calvin không chấp nhận phép Giải tội là bí tích, vì nó không được Đức Kitô thiết lập, cũng không có lời hứa nào của Thiên Chúa. Lời hứa ban "quyền chìa khóa" chỉ có tương quan với việc rao giảng Tin Mừng, loan báo ơn tha tội được trao ban qua phép Rửa. Phép Giải tội chỉ là tưởng niệm phép Rửa (recordatio baptismi), làm cho sống lại đức tin phép Rửa.

2. Tin vào lời xá giải

Theo Luther, điều không thể chấp nhận nơi phép Giải tội Công giáo là ý tưởng xây dựng ơn tha tội của Thiên Chúa trên những hành vi của hối nhân. Theo ông, đó là lạc giáo Pelagiô. Ăn năn tội cách trọn là điều không thể làm được đối với tội nhân ; còn ăn năn tội cách chẳng trọn, bắt nguồn từ những tâm tình ích kỷ, lại là một tội khác. Việc xưng tội không thể nào toàn vẹn được, vì con người không bao giờ hoàn toàn ý thức về tội lỗi và sự dữ nơi mình ; hơn thế nữa, không gì tự phụ bằng chủ trương có thể làm thỏa mãn sự công chính của Thiên Chúa bằng các việc làm của con người.

Tất cả vấn đề đều xoay quanh học thuyết "công chính hóa". Luther khẳng định là tội nhân phải than khóc, run rẩy vì các tội của mình, và phải tìm cách xưng thú theo hình thức mình có thể làm được. Nhưng đàng khác, theo chiều hướng của Duns Scott, ông chú trọng tới sự hữu hiệu của lời xá giải được coi là công việc của Thiên Chúa qua thừa tác viên. Luther khuyến khích các kitô-hữu xưng tội, nhưng không nên tự tin ở mình, coi việc xưng tội là một việc công đức ; mục tiêu duy nhất khi xưng tội là nhằm lắng nghe Lời của Thiên Chúa, Đấng ban ơn tha tội.

Luther không chấp nhận đặc tính "xét xử" của lời xá giải. Đó không là lời phán quyết, không đòi hỏi quyền thánh chức và quyền tài phán, cũng không bao hàm quyền ra các việc đền tội.

Tất cả sự hữu hiệu của lời xá giải phát sinh từ niềm tin vào lời xá giải ấy. Lời ấy không hữu hiệu, không mang lại ơn cứu độ, nếu không được đức tin đón nhận, như dấu hiệu và sự loan báo lời hòa giải của Thiên Chúa. Vậy niềm tin vào ơn tha thứ của Thiên Chúa là "cốt lõi" của phép Giải tội.

Trong sách giáo lý toát yếu năm 1529, Luther viết : Phép Giải tội gồm hai điều. Điều đầu tiên là cần phải xưng tội. Điều thứ hai là phải lãnh nhận lời xá giải hay tha tội do người giải tội như là do Thiên Chúa. Thay vì nghi ngờ, phải tin cách mạnh mẽ rằng nhờ phương thế này mà các tội lỗi của chúng ta được tha trước Nhan Thánh Chúa trên trời".

Tương quan giữa đức tin và sự hữu hiệu của lời xá giải rất rõ trong công thức giải tội do Luther đề ra : "Xin Thiên Chúa ban ơn sủng cho ngươi và củng cố niềm tin của ngươi ! Amen. Ngươi có tin rằng sự tha thứ của ta là sự tha thứ của Thiên Chúa không ? - Thưa thầy có. Ngươi sẽ được như ngươi tin. Và ta, theo lệnh truyền của Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta, tha tội cho ngươi nhân danh Cha và Con và Thánh Thần. Amen. Hãy ra về bình an".

Vì chống lại học thuyết "cứ-sự" (ex opere operato) của giáo lý Công giáo, Luther nhấn mạnh đức tin đến độ không cần lời xá giải như một thực tại khách quan. Lý luận này dẫn đến việc chối bỏ bí tích, phủ nhận lời xá giải của Giáo Hội. Luther không duy lý, ông dừng ở giữa đàng, vì khẳng định rằng niềm tin vào ơn tha thứ của Thiên Chúa phải được khơi dậy bởi lời rao giảng. Và lời xá giải là một trong những hình thái của Lời khơi dậy và niêm ấn niềm tin vào ơn tha tội của Thiên Chúa.

Calvin chỉ nhấn mạnh sự hữu hiệu của niềm tin vào lời xá giải, niềm tin vào lời hòa giải của Thiên Chúa làm cho ta chắc chắn về ơn tha thứ của Người.

Luther không chấp nhận đòi buộc xưng tội hằng năm, nhưng chủ trương để hoàn toàn tự do. Ông khuyến khích xưng tội thường xuyên, nhưng phải hoàn toàn tự nguyện. Theo ông, mỗi người, để là kitô-hữu, phải biết tự buộc mình đi xưng tội. Thúc giục xưng tội là thúc giục trở nên kitô-hữu.

Calvin, tuy không coi phép Giải tội là bí tích, vẫn cho đó là một việc bổ ích : nghe lời xá giải để kích thích lòng tin vào ơn tha tội của Thiên Chúa.

Cả Luther và Calvin đều cho rằng có thể xưng tội với giáo dân. Giáo dân có quyền đọc lời xá giải. Nhưng xưng tội với mục sư thì đúng hơn, vì mục sư là người hiểu biết và có kinh nghiệm. Đó cũng là nhiệm vụ của mục sư, người rao giảng Lời, cũng là người loan báo ơn tha thứ qua lời xá giải.

Cách thực hành của các giáo hội Tin lành biến chuyển nhiều theo lịch sử. Phép Giải tội dần dần mai một. Nhưng gần đây nó sống lại nhờ sự đóng góp của một số thần học gia, trong đó có Bonhoffer. Ông coi phép Giải tội là một phương thế hướng dẫn tâm hồn, là gặp gỡ Đức Kitô qua dấu chỉ người anh em.

B. GIÁO LÝ VỀ BÍ TÍCH GIẢI TỘI CỦA CÔNG ĐỔNG TRENTÔ

Giáo lý về bí tích Giải tội và bí tích Xức dầu được Công Đồng Trentô bàn luận trong khóa 14.

1. Có bí tích Giải tội, phân biệt với bí tích Rửa tội

Vấn đề : Truyền Thống Kinh Thánh và giáo phụ gọi phép Rửa tội là "bí tích sám hối" (sacramentum paenitentiae). Ngoài ra, một số giáo phụ giải thích đoạn Tin Mừng Ga 20,22-23 quy chiếu về phép Rửa. Đến thời Trung Cổ, bắt đầu từ lúc phản ứng chống lại Abélard, người ta mới dùng đoạn ấy để minh chứng việc Chúa Giêsu thiết lập phép Giải tội và hơi lãng quên ý nghĩa xá giải của các đoạn Mt 16,19 và 18,18.

Calvin cho rằng Ga 20,22-23 chỉ đề cập đến lệnh Chúa Kitô truyền cho Giáo Hội loan báo ơn tha tội được ban qua phép Rửa. Đối với các tội nhân, đoạn Tin Mừng này chỉ loan báo ơn tha tội đã được ban trong phép Rửa, và được lời Xá giải nhắc nhớ để làm sống lại đức tin phép Rửa. Luther khi thì có vẻ đồng hóa phép Giải tội với phép Rửa, khi thì coi là một bí tích riêng.

Công Đồng Trentô nhằm học thuyết Calvin nhiều hơn là Luther. Để khỏi nghi ngờ sự hiện hữu của bí tích Giải tội, Công Đồng nhấn mạnh sự phân biệt với phép Rửa, hơi để lu mờ tương quan giữa hai bí tích.

Công Đồng định tín phép Giải tội là "bí tích thực sự và đúng nghĩa" (vere et proprie sacramentum : D 1701, can. 1), do Chúa Kitô thiết lập ; là thuốc chữa thiêng liêng, phân biệt với phép Rửa, dành cho các kitô-hữu sa ngã, nô lệ tội lỗi.

Công Đồng khẳng định cần phải lãnh hoán cải để được nên công chính, kể cả những người xin chịu phép Rửa. Nhưng sự hoán cải ấy, trước Chúa Kitô và trước khi chịu phép Rửa, không là một bí tích. Một vài nghị phụ Công Đồng coi đó là hình bóng của bí tích.

Về đoạn Ga 20,22-23, cần lưu ý những điểm sau :

1. Trong can. 3, Công Đồng định tín rằng những lời đó của Chúa Kitô phải hiểu theo nghĩa thiết lập bí tích Giải tội. Nếu ai bóp méo ý nghĩa câu ấy, chối việc thiết lập bí tích, chống lại quyền bính rao giảng Tin Mừng, thì phải vạ tuyệt thông. Công Đồng giữ cả hai yếu tố : thiết lập bí tích (D 1703), rao giảng Tin Mừng ; vì mỗi yếu tố đều có nhiều thần học gia và nghị phụ chủ trương bênh vực.

2. Trong chương I, Công Đồng xác định rằng : với những lời ấy, Đức Giêsu trao cho các Tông Đồ và những người kế vị quyền tha thứ và ràng buộc. Một số nghị phụ yêu cầu thêm chữ "praecipue" (nhất là), để còn có thể tựa vào những đoạn Tin Mừng khác như Mt 16,19 và 18,18.

Trong can. 2, Công Đồng định tín sự phân biệt giữa bí tích Giải tội và bí tích Rửa tội. Công Đồng dùng những chữ mà Calvin chống lại : "secundam post naufragium tabulam" (tấm ván cứu độ thứ hai : D 1702).

Chương II giải thích sự phân biệt giữa hai bí tích : 1) khác biệt về nghi thức ; 2) đặc tính xét xử của phép Giải tội, thừa tác viên là thẩm phán ; 3) có thể tái diễn nhiều lần ; 4) các hậu quả : nơi phép Rửa, kitô-hữu được tái sinh hoàn toàn - nơi phép Giải tội, ơn tha tội chỉ đạt được do nỗ lực của hối nhân (baptismus laboriosus).

Các nghị phụ muốn đề cập đến những tương quan tích cực giữa phép Rửa và phép Giải tội, nhưng vì Công Đồng sợ hiểu giống như Tin lành, nên chỉ giữ lại thành ngữ "baptismus laboriosus".

Công Đồng khẳng định sự cần thiết của bí tích Giải tội như phương thế cứu rỗi cho những kitô-hữu phạm tội trọng, giống như phép Rửa cần thiết cho những người chưa là kitô-hữu. Cả hai đều cần thiết, ít nhất là trong ước muốn (necessitas in voto).

2. Cấu trúc và hiệu quả của bí tích Giải tội

Can. 4 định tín ba hành vi của hối nhân : ăn năn tội, xưng tộiđền tội là ba thành phần của bí tích, gần giống như chất thể bí tích (quasi-materia, D 1704).

Để chống phong trào Cải-cách, Công Đồng khẳng định trong can. 4 : "Bí tích Giải tội không chỉ bao gồm sự sợ hãi của lương tâm ý thức sự nặng nề của tội lỗi mình, và niềm tin phát xuất từ lời rao giảng và lời xá giải".

Giáo lý Công Đồng về cấu trúc của bí tích lấy lại của Tôma, nhưng có lưu tâm đến trường phái Scotus, nên không gọi các hành vi của hối nhân là materia, mà chỉ coi là quasi-materia là những phần làm cho bí tích nên nguyên vẹn (ad integritatem sacramenti). Sau Công Đồng Trento, trường phái Scotus chấp nhận chữ quasi-materia, và hiểu đó là điều kiện tất yếu (conditio sine qua non).

3. Ăn năn tội

Vấn đề : học thuyết Luther coi việc ăn năn tội cách trọn của hối nhân là điều bất khả, và việc ăn năn tội cách chẳng trọn là điều giả hình. Chống lại học thuyết ấy, Công Đồng Trentô khẳng định giá trị và ý nghĩa của cả hai.

Để hiểu vấn đề, cần lưu tâm tới những ý kiến của các thần học gia Công giáo thời bấy giờ :

- Trường phái Tôma chủ trương : 1) Không ai được công chính hóa nếu không ăn năn tội cách trọn, thực hiện hành vi sám hối mà động lực là lòng mến. Hành vi ăn năn tội cách trọn là việc chuẩn bị tối hậu để lãnh nhận bí tích ; 2) Nhờ ăn năn tội cách trọn, tội nhân có thể được công chính hóa trước khi nhận lời Xá giải ; 3) Ăn năn tội cách chẳng trọn đủ để lãnh nhận bí tích Giải tội. Và chính nhờ bí tích mà tội nhân hoán cải hoàn toàn (peccator ex attritio fit contritus).

- Trường phái Scotus chủ trương : 1) Có hai con đường công chính hóa : con đường hoàn hảo là ăn năn tội cách trọn (attritio major), có thể thực hiện ngoài bí tích Giải tội ; con đường dễ hơn là ăn năn tội cách chẳng trọn (attritio minor) và lãnh nhận bí tích. 2) Ăn năn tội cách chẳng trọn chẳng những đủ để lãnh nhận bí tích, mà để được công chính hóa nhờ bí tích. Việc ăn năn tội cách chẳng trọn không hướng về lòng mến ; là một con đường công chính hóa khác với con đường ăn năn tội cách trọn. Người ăn năn tội cách chẳng trọn được công-chính-hóa nhờ lời Xá giải, do kết ước của Thiên Chúa (ex pacto divino).

- Giáo lý của Công Đồng : Công Đồng định nghĩa : "Ăn năn tội (contritio) là sau đau đớn trong tâm hồn, ghét bỏ tội lỗi đã phạm với quyết tâm không phạm tội nữa" (D 1676).

Có hai yếu tố : quyết tâm thay đổi đời sống và chán ghét lối sống cũ. Không có ăn năn tội thật sự, nếu vẫn còn thích thú tội đã phạm, dù có ý muốn không phạm tội nữa. Phải có ăn năn tội mới được tha tội, ngay cả khi lãnh nhận bí tích Hòa giải.

1. Ăn năn tội cách trọn (contritio caritate perfecta) hòa giải con người lại với Thiên Chúa ngay cả trước khi lãnh nhận bí tích, dĩ nhiên vì đã có ước muốn lãnh nhận bí tích bao hàm trong đó.

Trong phần cuối chương IV và trong can. 5, Công Đồng khẳng định lợi ích và giá trị của việc ăn năn tội cách chẳng trọn chống lại Luther (D 1705). Muốn hiểu giáo lý Công Đồng trong phần này, phải trở lại ý niệm "sợ" được phân biệt làm nhiều loại : trước hết đó là "sự kính sợ" (con cái kính sợ cha mẹ), bao hàm yếu tố yêu thương (timor filialis) ; loại sợ thứ hai là "sợ bị trừng phạt" (timor servilis). Nếu vì sợ tội mà ghét tội và quyết không phạm tội nữa, dù lý do là sợ hình phạt, thì sự sợ hãi này được gọi là timor simpliciter servilis. Nếu sự sợ hãi không loại bỏ được sự ưa thích phạm tội, mà chỉ ngăn phạm tội vì hình phạt, thì sự sợ hãi này thuần túy nô lệ (timor serviliter servilis). Công Đồng loại bỏ sự sợ hãi thuần túy nô lệ này, nó không được gọi là ăn năn tội.

Công Đồng nói tới quyết tâm thay đổi đời sống (propositum melioris vitae) và hy vọng ơn tha thứ : phải có đức tin và một chút lòng mến, dù là mặc nhiên. Nhưng Công Đồng không xác định sự ghét tội phải bao hàm lòng mến Thiên Chúa đến mức nào.

2. Ăn năn tội cách chẳng trọn là một hành vi tốt và hữu ích vì là hồng ân của Thiên Chúa, do Chúa Thánh Thần thúc đẩy và chuẩn bị, khẩn cầu ơn Chúa xuống qua bí tích Giải tội. Công Đồng dùng hai chữ "chuẩn bị" (disponere) và "sửa soạn" (praeparare) ; không loại trừ, cũng không khẳng định là "ăn năn tội cách chẳng trọn" trở nên trọn (attritus fit contritus). Đàng khác hai chữ "chuẩn bị" và "sửa soạn" cho thấy rằng Công Đồng không coi đó là "đủ" (sufficit) để được công chính hóa. Như vậy Công Đồng không muốn đi vào cuộc tranh luận giữa hai trường phái Tôma và Scotus.

4. Việc xưng tội

Những người Tin lành cho rằng việc xưng tội theo kiểu Công giáo không do Thiên Chúa (de jure divino) ; xưng thú toàn diện mọi tội là điều không cần thiết và bất khả.

Chống lại lập trường ấy, Công Đồng dạy :

1. Sự cần thiết "do ý muốn của Thiên Chúa" (de jure divino) phải xưng mọi tội trọng.

Giáo lý này được định tín trong các can. 6 và 7, dựa vào Mt 16,19 ; 18,18 và Ga 20,23. Đức Giêsu đã đặt các linh mục làm thủ lãnh và thẩm phán. Để thi hành nhiệm vụ và quyền này, các ngài phải biết tường tận tình trạng của hối nhân để ra hình phạt cân xứng.

2. Về "chiều rộng" cũng như khả thể toàn vẹn của việc xưng tội. Trong can. 7 và chương V, Công Đồng dạy phải xưng mọi tội trọng, kể cả những tội kín, cả những hoàn cảnh làm cho thay đổi loại tội. Cần phải xét mình cẩn thận và nhớ được những tội trọng nào thì xưng tất cả. Tội trọng nào quên cũng thuộc về toàn bộ các tội được tha.

Sự toàn vẹn là chủ quan và nguyên tắc (subjectiva et formalis), chứ không là vật chất hay khách quan (materialis vel objectiva) ; do đó, hối nhân có thể làm được. Công Đồng không ngừng lập lại từ ngữ "humano modo".

Có hai lý do đòi phải xưng tội đầy đủ : 1) là đặc tính xét xử của bí tích Giải tội ; 2) là việc xưng thú mọi tội chứng tỏ quyết tâm từ bỏ mọi hành vi tội ác đã làm cho mình xa Thiên Chúa. Nếu ý thức mà không xưng thú đầy đủ, là chưa quyết tâm dứt khoát.

Xưng thú tất cả là một sự sỉ nhục và nhọc nhằn, và đó là một trong những yếu tố biểu thị sự "khó nhọc" trong việc sám hối và hòa giải nhờ bí tích Giải tội.

Theo can. 7, các tội nhẹ có thể xưng, nhưng không bó buộc, vì chúng có thể được tha nhờ những phương thế khác.

3. Xưng tội cách bí mật riêng với linh mục : có nghị phụ đòi phải định tín việc xưng tội riêng là "de jure divino" ; các nghị phụ khác cho rằng chỉ là "de jure humano" (ecclesiastico).

Công Đồng đưa ra hai kết luận : 1) Đức Kitô không cấm việc xưng tội công khai, cũng không đòi hỏi ; 2) Việc xưng tội cách bí mật không xa lạ với sự thiết lập và lệnh truyền của Đức Kitô (non alienum ab institutione et mandato Christi).

Cách hiểu những lời khẳng định của Công Đồng Trentô :

1) Để đánh giá tín điều về việc xưng tội nguyên vẹn, cần phải lưu ý Công Đồng phân biệt tội trọng với tội nhẹ.

"Tội nhẹ là những tội không làm cho chúng ta xa lìa ân sủng của Thiên Chúa, là những tội chúng ta thường phạm".

"Bí tích Thánh Thể là thuốc giải độc nhờ đó chúng ta được giải thoát khỏi các lỗi phạm hằng ngày và được gìn giữ khỏi các tội trọng".

"Sức mạnh cứu độ xóa bỏ các tội chúng ta phạm hằng ngày".

Theo từ ngữ của Công Đồng Trentô, chỉ có tội nhẹ mới được gọi là tội hằng ngày. Dĩ nhiên Công Đồng coi tội trọng, không những mọi hành vi chống lại giới răn của Thiên Chúa, kể cả hành vi ẩn kín và nội tâm làm cho ta trở nên thù địch cùng Thiên Chúa. Công Đồng không xác định rõ những hành vi nào làm cho chúng ta trở nên thù địch cùng Thiên Chúa, đánh mất đời sống ân sủng. Thời bấy giờ, các thần học gia chắc chắn rằng chỉ có tội trọng khi hành vi tự bản chất là xấu, khi chủ thể hoàn toàn ý thức về sự dữ và hoàn toàn ưng thuận cách tự do.

Nếu chỉ chú trọng bình diện khách quan, không lưu ý khía cạnh chủ quan, thì không thể nại tới Công Đồng. Nếu nói theo Công Đồng rằng tội trọng làm cho chúng ta trở nên thù địch cùng Thiên Chúa, đối tượng của sự phẫn nộ của Người, phải kết luận rằng tội trọng bao hàm một thay đổi sâu xa trong tâm lý con người, giống như sự hoán cải (dù đó là hai hướng đi ngược chiều). Một hành vi nhân linh chỉ có tác dụng ghê gớm như vậy, khi có "chiều sâu bản vị" đến mức làm cho đời sống đối ngược với Thiên Chúa, hay ít nữa là không thể dung hòa với tình yêu của Người.

2) Điều thứ hai cần lưu ý là "đặc tính xét xử" của việc giải tội, theo Công Đồng, không cứng rắn như một số người thường nghĩ. Ở đây, chúng ta có thể trích dẫn tư tưởng của K. Rahner : "Hãy luôn luôn nhớ rằng chỉ phải xưng những điều mà lương tâm chủ quan coi là tội đã phạm. Sự dữ vô ý thức không mang trách nhiệm. Chỉ điều gì chúng ta trách nhiệm, chúng ta mới xưng thú. Tòa án Xá giải không là tòa điều tra (inquisitio). Chỉ xưng ra thể loại và các hoàn cảnh thay đổi thể loại, khi chủ thể ý thức rõ ràng và có trách nhiệm chủ động về những hoàn cảnh ấy ; chứ không chỉ là những hoàn cảnh gắn liền với chất thể khách quan của hành vi".

3) Một trong những chướng ngại cho việc canh tân mục vụ bí tích Hòa Giải là quan niệm về sự xưng thú nguyên vẹn các tội. Để tránh những khó khăn do hiểu sai hay hiểu quá mức đòi buộc của Công Đồng, cần lưu ý rằng : dù đòi buộc ấy là một chân lý mạc khải, vẫn luôn được coi là một đòi buộc có điều kiện, chứ không tuyệt đối. Thần học cổ điển cũng công nhận rằng có những hoàn cảnh làm cho việc xưng thú mọi tội trở nên "bất khả", ví dụ khi hấp hối, trong thời chiến.

5. Thừa tác viên giải tội

Có ba mệnh đề của phong trào cải cách bị Công Đồng Trentô lên án :

Mệnh đề 1 : "Lời xá giải của linh mục không là một hành vi phán xét, mà chỉ là thừa tác vụ loan báo cho người xưng tội rằng họ đã được tha, miễn là họ tin rằng mình được xá giải, dù linh mục ban lời đùa cợt, không nghiêm túc ; hơn thế nữa, linh mục còn có thể giải tội mà không cần tội nhân xưng thú"

Mệnh đề 2 chối quyền thánh chức và quyền tài phán của thừa tác viên (giáo dân giải tội cũng được) ; Giám mục không có quyền dành riêng cho mình một số trường hợp đặc biệt.

Mệnh đề 3 không công nhận linh mục có quyền ra việc đền tội.

Để chống lại những sai lầm đó,

1. Chương VI và can. 10 dạy rằng : chỉ có Giám mục và linh mục là thừa tác viên bí tích Giải tội, dựa vào Mt 18,18 và Ga 20,23. Các linh mục, dù có tội trọng, vẫn có quyền chìa khóa : "Họ thi hành, với tư cách là thừa tác viên của Đức Kitô, chức năng tha tội do việc truyền chức, bởi quyền năng của Chúa Thánh Thần"

2. Chương VII dạy rằng linh mục ban phép Giải tội cần phải có quyền tài phán. Canon 11 ấn định quyền Giám mục dành riêng một số trường hợp nghiêm trọng trong giáo phận mình, vì chính các ngài là những người trao cho các linh mục quyền tài phán và giải tội.

Đặc tính xét xử của việc giải tội. Can. 9 định tín : việc giải tội của linh mục là một hành vi xét xử. Muốn hiểu đúng nghĩa điều Công Đồng dạy, trước hết phải lưu ý một số điều :

1) Đặc tính xét xử của việc giải tội tùy thuộc ý niệm về quyền xét xử thời bấy giờ, không hoàn toàn giống như ngày nay.

2) Công Đồng vẫn cho đó là một hình ảnh, dù hữu ích để diễn tả một số yếu tố chủ chốt của thừa tác vụ hòa giải.

Sau khi lưu ý hai điều nói trên, chúng ta có thể nhận ra khá rõ giáo huấn của Công Đồng :

- Lời xá giải của linh mục hữu hiệu, ban ơn tha tội thực sự, chứ không chỉ loan báo ơn tha tội đã được ban.

- Lời xá giải là một lời phán quyết đối với những người thuộc hạ (D 1685). Lời phán quyết ấy được tuyên bố bởi quyền bính mà Giám mục hay linh mục lãnh nhận từ Đức Kitô. Quyền ấy vừa là quyền thánh chức, vừa là quyền tài phán.

- Việc giải tội đòi hỏi phải biết tình trạng của tội nhân, do việc xưng các tội trọng mà tội nhân ý thức ; việc giải tội còn bao hàm quyền giao các việc đền tội ; các việc đền tội có giá trị khi hối nhân kết hiệp với Đức Kitô đã chịu chết để chuộc tội.

Về hiểu biết tình trạng tội nhân qua việc xưng tội, nói chung, các thần học gia không gắt gao như Cano chủ trương (không thể giải tội cho người hấp hối). Họ cho rằng lời phán quyết trong tòa giải tội là "phán quyết ân xá" (judicium gratiosum), chứ không là lời phán quyết kết tội (judicium criminale).

Ý niệm "xét xử" biến chuyển khá nhiều. Từ Cách mạng Pháp trở đi, người ta phân biệt rõ "tư pháp" và "hành pháp". Tư pháp là xét xử theo nghĩa hẹp, là tòa án.

Có người cho rằng quyền xét xử thời Công Đồng Trentô hiểu theo nghĩa hẹp, nghĩa là linh mục có quyền tha tội hay không tha tùy ý, và quyền ấy, ông lãnh nhận từ Đức Kitô. Ngày nay, phần đông các thần học gia hiểu theo nghĩa rộng : Xá giải giống như "chấp nhận tha" với vài điều kiện (được đề ra và kiểm chứng). Lập trường này có nhiều lý chứng : 1) trên bình diện chú giải Kinh Thánh, "buộc" không hiểu theo nghĩa "không tha" đối ngược với tha ; 2) Công Đồng Trentô hiểu "buộc" là ấn định việc đền tội ; 3) Phong trào Cải Cách chống lại quyền ra việc đền tội của Giám mục, linh mục, mà họ gọi đó là quyền tài phán.

Như vậy đặc tính xét xử của phép Giải tội phải hiểu theo nghĩa loại suy, vì Giáo Hội là một tổ chức siêu nhiên, quyền tha tội phát sinh từ việc truyền chức. Nếu so sánh với tòa án đời, chúng ta thấy có nhiều khác biệt. Nơi tòa đời, vị thẩm phán phải tìm cách nhận ra bị cáo có tội hay vô tội để kết án hay tha theo luật pháp ; nơi tòa giải tội, linh mục đối diện với tội nhân tự nhận mình có tội, và phải tha nếu tội nhân thống hối. Việc xét xử ở tòa án tuyên bố bị cáo vô tội hay có tội đáng để trừng phạt ; còn việc giải tội nhằm công chính hóa người có tội và đã nhận biết mình có tội. Trong phiên tòa, bị cáo có quyền tự bào chữa ; nơi tòa giải tội, hối nhân phải tự thú, và không được tha nếu tìm cách tự bào chữa, không nhận mình thực sự có tội.

6. Đền tội

Những người "Cải Cách" không chấp nhận rằng có thể có hình phạt sau khi đã có ơn tha thứ, vì như vậy là cho rằng các công trạng của Đức Giêsu không đủ mang lại ơn tha thứ. Việc đền tội chân thực là niềm tin vào Đức Giêsu và một đời sống tốt đẹp. Các hình phạt và các việc đền tội được đề ra trong lịch sử Giáo Hội không có giá trị tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ là những truyền thống nhân loại, tối đa có giá trị kỷ luật chứ không ảnh hưởng gì trên việc tha tội.

Chống lại phong trào Cải Cách, Công Đồng khẳng định :

1) Hình phạt không được tha hoàn toàn cùng với tội lỗi (D 1689).

2) Các việc đền tội có hai vai trò : thuyên chữa (đó là những liều thuốc chữa các dấu vết tội còn để lại nơi con người), và đền bù (vindicativa).

3) Không những các hình phạt tự ý, mà cả những hình phạt mà linh mục đề ra và những hình phạt mà trong thực tế con người đang chịu đựng gắn liền với đời sống thường nhật, đều có giá trị đền tội. Giá trị ấy phát xuất từ thập giá Chúa Kitô, mà kitô-hữu kết hiệp với trong việc đền tội của mình. Do đó, việc đền tội là hành vi tôn thờ Thiên Chúa, không làm lu mờ các công trạng của Đức Giêsu.

4) Quyền chìa khóa được trao cho linh mục không những để tha, mà còn để buộc, nghĩa là ra việc đền tội phù hợp với từng tội nhân, làm cho đạt hai mục tiêu chữa lành và đền bù.

7. Bí tích Hòa giải và bí tích Thánh Thể

Khóa 13 Công Đồng chống lại các sai lầm sau đây :

1. Bí tích Thánh Thể được thiết lập duy nhất để ban ơn tha tội.

2. Chỉ cần đức tin đủ để chuẩn bị hiệp thông Thánh Thể, không đòi buộc xưng tội trước.

1) Bí tích Thánh Thể và ơn tha tội.

Công Đồng khẳng định phép Thánh Thể cũng là một liều thuốc giải độc, cứu chúng ta khỏi các tội hằng ngày và gìn giữ ta khỏi tội trọng (can. 2).

Công Đồng lên án chủ trương phép Thánh Thể chỉ có mục tiêu mang lại ơn tha tội.

2) Việc chuẩn bị cần thiết để hiệp thông Thánh Thể

Vấn đề bó buộc xưng tội trước khi rước lễ được tranh luận dữ dội, và có rất nhiều ý kiến khác nhau.

Ngày 11.10.1551, Công Đồng gút lại thành hai điểm :

- Canon 11 lên án chủ trương chỉ cần đức tin để hiệp thông Thánh Thể. Công Đồng lập lại cách thực hành của Giáo Hội, coi việc xưng tội trước khi rước lễ, trong trường hợp ý thức mình phạm tội trọng, là điều cần thiết.

- Chương 7 thì nói rõ hơn, đó là "tập tục của Giáo Hội" (ecclesiastica consuetudo) và thêm rằng trường hợp khẩn cấp, linh mục có tội trọng phải cử hành thánh lễ dù chưa xưng tội được, nhưng sau đó phải xưng tội (x. D 1647).

Trong khóa 22, Công Đồng đề cập đến giá trị "xá tội và tha vạ" của Thánh lễ, dành cho cả những người sống lẫn người đã qua đời. Giá trị xá tội được giải thích : khi con người đến gần Thiên Chúa trong Hy Tế Thánh Thể với tâm hồn chân thật, đức tin ngay thẳng, với lòng kính sợ, ăn năn và thống hối, thì Chúa tha các tội ác, kể cả các tội nặng vì Người ban cho ơn sủng và ơn thống hối. Ơn này hướng người kitô-hữu đến bí tích Giải tội, vì đó là ơn ăn năn tội cách trọn bao hàm ước muốn lãnh nhận bí tích Giải tội.