THỰC THI QUYỀN BÍNH TRONG CỘNG ĐOÀN TRƯỞNG THÀNH

 

Sœur Charlotte SUMBAMANU, STNJ

 

Sr. Charlotte Sumbamanu Masenga là Bề Trên Tổng Quyền Hội Dòng Chị em Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu tại Kinshasa, Congo.

Cử nhân ngành truyền thông xã hội, Sr Charlotte đã tích cực tham gia vào việc sáng lập và điều hành Đài phát thanh truyền hình Công giáo tại Elykia với tư cách là Giám Đốc điều hành chương trình.

 

 

Nhập đề

 

Nhiều mô hình xã hôi học trong việc điều hành đã thường xuyên ảnh hưởng mạnh mẽ đến việc thực thi quyền bính trong Giáo Hội và các Dòng tu. Ở đây, ta chỉ cần nhớ lại thời đại Rôma, đến những nền quân chủ, đến những mối liên hệ phong kiến, đến kỷ luật Napoléon… cũng đủ.

    

Một sự tiến hoá chóng mặt đã ghi đậm nét trên con người ngày nay, và đã làm cho con người chấp nhận những hình thức hiện hữu mới và cư ngụ trên thế giới quá ư thay đổi này. Hiện tượng toàn cầu hóa đã làm cho thế giới của chúng ta trở thành một «ngôi làng hành tinh», nhất là nhờ những tiến bộ ngoạn mục của những  công nghệ thông tin và truyền thông mới. Do đó, hiện tượng này áp đặt nền văn hóa và tâm tính riêng của nó. Chính vì thế, thậm chí người ta còn nói đến một nền đạo đức mới mang tính toàn cầu của thế giới. Và điều này có một tác động không nhỏ, không những trên thế giới, mà còn cả trong lòng Giáo hội, và đặc biệt, trong đời sống thánh hiến.

 

Từ nền văn hóa mới này, chúng ta thấy nổi lên những khái niệm mới, như chia sẻ trách nhiệm, bình đẳng, tự trị, phát triển bền vững, khác biệt văn hóa, chất lượng đời sống, định hướng tính dục, phá thai an toàn, cha mẹ đồng tính, quyền lựa chọn cái chết, những Tổ chức phi chính phủ, xã hội dân sự, đối tác, thỏa thuận, thắng cuộc v.v...

       

Những khái niệm này, không những diễn tả những khát vọng không chắc chắn, mà còn diễn tả những lệch lạc trầm trọng nhất của một ý thức hệ quá dễ dàng, đi ngược lại những giá trị của Do Thái giáo và Kitô giáo, chẳng hạn như chân lý, luân lý, lương tâm, ý chí, cha mẹ, đồng trinh, khiết tịnh, quyền bính, phẩm trật, công lý, tội lỗi, địch thù, v.v... Đối với đề tài của chúng ta đang nghiên cứu ở đây, thì điều chúng ta vừa nói trên muốn thay thế cho những khái niệm như : điều động thay thế cho đồng hành ; phối hợp thay cho quyền bính ; bình đẳng thay cho phẩm trật.

 

Ngoài ra, người ta còn nhận thấy rằng «cách nhận thức và sống quyền bính và vâng phục đã thay đổi hẳn, dầu là trong Giáo Hội hay ngoài xã hội. Ngoài những lý do khác ra, còn có lý do sau đây: đó là vì người ta ý thức về giá trị của mỗi người, với ơn gọi và những năng khiếu tri thức, cảm xúc và tinh thần của mình, với tự do và khả năng liên lạc của mình; đó là vì người ta ý thức về vị trí trung tâm của nền tu đức hiệp thông, qua việc làm nổi bật những khí cụ giúp chúng ta sống nền tu đức này, giúp chúng ta quan niệm về sứ mệnh một cách khác biệt và ít mang màu sắc cá nhân chủ nghĩa hơn, trong việc chia sẻ với mọi thành phần trong Dân Chúa, với những hình thức cộng tác cụ thể mà ta có thể từ đó suy ra». Nền «văn hóa» trong những xã hội tây phương, đặt trọng tâm nhiều trên cá nhân và tính tự trị của con người. lại càng củng cố thêm trạng thái sự vật mà chúng ta vừa nói đến ở trên.

 

    Ta hiểu được tính thích đáng của một bài suy tư, với những chi phí mới về việc thực thi quyền bính trong một cộng đoàn trưởng thành. Bài tham luận của chúng ta, với tựa đề «thực thi quyền bính trong cộng đoàn trưởng thành», sẽ xoay quanh 3 điểm sau đây :

 

1.    Khái niệm về quyền bính trong Giáo Hội.

2.    Nền tảng và sự cần thiết của quyền bính.

3.    Hình ảnh một cộng đoàn trưởng thành và kết luận. 

 

 

 

1. Khái niệm về quyền bính trong Giáo Hội

 

 

Giải nghĩa những khái niệm về quyền bính và vâng phục

 

       Quyền bính tương ứng với khả năng có thể ra lệnh và được vâng phục. Quyền bính bao hàm những khái niệm về tính hợp pháp của quyền hạn,  điều hành và vâng phục. Ta không được lẫn lộn quyền bính với tính chuyên quyền. Điều này có nghĩa là việc thực thi quyền bính tất nhiên giả thiết sự vâng phục. Chính vì thế, những từ ngữ vâng phục và quyền bính tương liên với nhau. Giữa 2 từ ngữ quyền bính và vâng phục, còn có lệnh truyền (ra lệnh). Từ đó ta có sơ đồ sau đây: quyền bính -lệnh truyền - vâng phục.

 

Từ ngữ quyền bính gợi lên quyền hạn hay sự thống trị. Quyền bính được định nghĩa là «khả năng tạo nên một ảnh hưởng trên những người khác trong sự tôn trọng những chuẩn mực đã được thiết lập và chia sẻ với họ ». Trong khi đó thì theo Max Weber, quyền bính của một cá nhân trên một con người khác dựa trên tính hợp pháp của quyền bính. Tác giả làm nổi bật những nguồn hợp pháp khác nhau, và những nguồn này tương ứng với đặc tính của một quyền bính được những người bề dưới chấp thuận và nhìn nhận. Và cũng chính tác giả xem quyền   «bất cứ cơ may nào làm cho ý muốn riêng của chúng ta được chiến thắng ngay trong một tương quan xã hội, thậm chí  phải chống lại những kháng cự; mà chẳng cần phải xem cơ may này dựa trên điều gì». Và theo J.M Denquin, để có quyền, thì ta phải biết ra lệnh, biết làm cho người khác kính trọng và vâng phục mình.

 

Giáo Hội học về sự hiệp thông của Công Đồng chung Vaticanô II đã kéo theo một cái nhìn mới về quyền bính, về cộng đoàn, về chủ thể và về vâng phục. Như thế, ngày hôm nay, người ta nhấn mạnh đến những từ ngữ như: một mặt là bề trên, người điều hoà, người phụ trách, điều phối viên..., và mặt khác là nhân cách, lương tâm, tự trị, đúng theo công ích, trách nhiệm,... 

 

Và trong việc  điều hành Giáo Hội, người ta thích dùng những từ như : bổ trợ, tính tập đoàn, đồng trách nhiệm, đa dạng, cộng đoàn. Nếu ta hiểu sai, thì ta có thể lẫn lộn những từ ngữ này với sự độc lập, dân chủ (do người dân cai trị ) và nhất là chủ nghĩa vô chính phủ và sự phóng đãng.

 

Như thế, từ những điều đã được nói đến trên đây, chúng ta có thể nói rằng quyền bính tương ứng với một giá trị được nhìn nhận, và được phân cho hay được trao ban; do đó, quyền bính khác khác với chế độ chuyên quyền. Quyền bính được liên kết với tính hợp pháp, và  người thực thi quyền bính được giả thiết là tôn trọng những chuẩn mực đã được thiết lập, và được mọi người chấp nhận. Trong khi đó thì chủ nghĩa chuyên quyền lại quy về quyền lực, về thống trị, thậm chí quy về quyền bá chủ ; quyền bính có thể được thực thi mà không cần có sự đồng ý của các đối tượng. Trong bối cảnh tôn giáo, ta cần nhấn mạnh  quyền bính là quyền nhắm đến lợi ích cho người khác, với mục đích thánh hóa họ.

 

Vâng phục là phục tùng một ai đó bằng cách thuận theo những gì người đó ra lệnh hay cấm đoán; đó là chịu theo ý muốn của người khác, như một đứa trẻ vâng lời cha mẹ, thần dân vâng lời quân vương, cá nhân tuân thủ luật pháp. Như thế, dường như ta thấy, trong bất cứ loại hình thức tổ chức xã hội nào, cũng có những mối quan hệ quyền bính, và việc thiết lập quyền bính này được nhiều bên khác nhau ưng thuận hoặc ngầm ưng thuận. Và sự vâng phục hệ tại việc chấp thuận những giá trị do quyền bính chỉ rõ; đó là thái độ của một con người chững chạc (trưởng thành), bởi vì đây không phải từ bỏ con người mình và ý muốn của mình, nhưng là thăng tiến bản thân nhờ đeo đuổi những giá trị này. 

 

Điều này bao hàm một quyết tâm sâu xa của ý chí, mà ta chỉ có thể quan sát thấy được nơi những con người tự do, có khả năng hiểu, chọn và muốn, những con người trưởng thành để chấp nhận cách tự phát, và với tinh thần trách nhiệm những chuẩn mực của đời sống cộng đoàn (trong xã hội), trong việc chu toàn  cách quảng đại bổn phận của mình, cũng như tôn trọng quyền lợi của người khác.

 

Sự vâng phục, trong chiều kích tự nhiên và thuần tuý nhân loại, là hành vi của một con người thông minh và tự do biết nói lên tiếng xin vâng của mình trước một quy định được mọi người nhìn nhận là có thể chấp nhận được (có giá trị) và trên thực tế, được xã hội chấp nhận. Sự vâng phục là khả năng của một người trưởng thành đảm nhận cách ý thức nhiệm vụ và vai trò của mình giữa lòng một cộng đoàn.

 

Còn về việc điều hành, đó là hành động của một người điều khiển, tức là người ra lệnh. Trong khung cảnh quyền bính, điều hành là cần thiết, hợp pháp bao lâu con người còn  nhìn nhận tính chất đúng luật của mệnh lệnh mình đã nhận (kế hoạch hoá, đối thoại, chuẩn bị, thực hiện, v.v ) ; họ đồng ý và vâng phục.

 

Sự tùng phục theo Tân Ước, «là thái độ tự ý chấp nhận những lời khuyên hay những khích lệ của người khác, thái độ hợp tác với người khác. Thật vậy, vâng phục không có nghĩa là để cho người khác kiểm soát hay điều khiển, mà là thái độ cốt ở việc chiều theo người khác trong mức độ họ phản chiếu tư tưởng của Chúa». Theo nghĩa này thì  vâng phục  không chỉ dừng lại ở việc phục tùng, mà còn là đón nhận người ra lệnh và người mà họ có tương quan. Khi ta thấy có mối quan hệ liên vị này, thì vâng phục trở nên thái độ tình yêu, đó là thái độ đặc trưng của Kitô hữu.

 

 

 

2. Nền tảng và sự cần thiết của quyền bính.

 

Trong Hội Thánh Công Giáo, Kinh Thánh có toàn quyền luân lý, quyền mà Thiên Chúa hành xử trên mọi tạo vật của Ngài. Như thế,  thực tại này mạc khải cho chúng ta thấy rằng Thiên Chúa, Chúa chúng ta, có quyền bính không hề lay chuyển.

 

 

Nền tảng của quyền bính

 

« Mọi quyền bính đều đến từ Thiên Chúa » (Rm 13,1), để phục vụ trong tinh thần chân lý. Mặt khác, trong trình thuật về những người con của ông Zébédée, Chúa Giêsu đả kích tâm tính thế tục được làm rõ nét qua quyền lực và óc thống trị. Chúa đưa ra cho chúng ta một tâm trạng mới như : « Ai muốn làm lớn giữa anh em, thì phải làm người phục vụ, và ai muốn làm đầu thì phải làm người tôi tớ của mọi người.” (Mt.20, 26). Trên thế giới này, những nhà lãnh đạo hành quyền dựa trên một cơ cấu xã hội-chính trị, trên một thứ bậc bảo đảm cho họ là mọi người sẽ tuân lệnh, và như thế, sẽ phục quyền họ. Trong Nước Chúa, quyền bính đến từ sự khiêm nhường trẻ thơ và từ sự phục vụ tận tâm. Nơi những người ngoại giáo, quyền bính đặt nền tảng trên địa vị và cấp bậc ; còn trong Nước Chúa, ai có tâm tính giống như Thiên Chúa, thì người đó mới được công nhận là có quyền bính. Chính vì thế, Đức Kitô đã nói về người lãnh đạo trong Nước Chúa như sau: «Họ phải là người phục vụ, họ phải là người bé nhỏ nhất, họ phải là người tôi tớ, là người rốới cái nhìn của Chúa thì «hữu thể đi trước hành động và hành động lại bắt nguồn từ hữu thể. Nói cách khác, chức vụ đến từ tâm tính.  Những ai phục vụ sẽ thực thi quyền bính, bởi vì họ là những người tôi tớ».

 

Trong thế giới dân ngoại, người ta đánh giá sự cao cả của một con người dựa trên quyền lực bên ngoài và tầm quan trọng của địa vị trên người khác. Còn trong Nước Thiên Chúa , thì sự cao cả được đo lường bằng đức khiêm nhường nội tâm, và sự phục vụ được xem như thái độ bên ngoài ; những người lãnh đạo không muốn cho người ta tôn kính mình cách đặc biệt; họ xem mình là « những người bé nhỏ nhất ». Chính vì thế, Chúa Giêsu cho biết Ngài không tán thành quan niệm về quyền bính thế gian. Ngài nói : «Giữa các con thì không được như thế» (Mt.20, 26 ; Mc.10 :43). Đối với Chúa Giêsu thì quyền bính là phục vụ, và đó là  lý do tồn tại của quyền bính trong các sách Tin Mừng. Đó là khuôn vàng thước ngọc hướng dẫn ta thực thi quyền bính cách đúng đắn trong Giáo Hội phục vụ. Theo nghĩa này, Lời Chúa chiếm vị trí đầu tiên ; Đức Giêsu- Kitô là nền tảng duy nhất của Lời Chúa, và Ngài là Đấng đã đến để phục vụ và hiến mạng sống mình cho nhiều người (Mt 28, 18 : Ga 3,30-36).

 

Sự cần thiết của quyền bính

 

Quyền bính cần thiết cho bất cứ một tổ chức nào tập họp những con người lại với nhau.Chúng ta cần lập quyền bính vì hai đặc tính sau đây: tự nhiênsiêu nhiên.

 

Trên bình diện tự nhiên: không có một nhóm người nào tự mình có khả năng hài hòa được đời sống liên nhân vị của mình, và đạt được mục tiêu mình đã đặt ra mà lại không có không có một tiêu chuẩn nào (thuộc bình diện nội tâm), và nhất là không có được người hữu trách mà tất cả mọi người có thể qui hướng. Một nhóm người trong xã hội, nếu không có được người phụ trách năng động và nhiệt tâm trong vai trò được mọi người nhìn nhận, thì chắc chắn nhóm người ấy sẽ phải sống trong cảnh hỗn loạn, làm phương hại đến những mục tiêu đã đề ra và những lý tưởng họ muốn nhắm tới.

 

Françoise Rossetti Herbelin đã có lý khi cho rằng những nhiệm vụ trước tiên của quyền bính là: Bảo đảm cho luật lệ, tạo dễ dàng cho nhiệm vụ của nhómtạo dễ dàng cho những quan hệ nội tại. Tạo dễ dàng cho nhiệm vụ của nhóm tức là khích lệ nhóm, phối hợp các nỗ lực, quyết định những phương tiện thích hợp để đạt tới những mục tiêu của nhóm. Trong khi đó, phải bảo đảm làm sao để tạo dễ dàng cho những mối quan hệ nội tại cốt ở việc phát triển và  liên kết chặt chẽ, củng cố tinh thần, duy trì sự hợp nhất của nhóm.

 

Cũng thế, trên bình diện siêu nhiên, ta phải nhớ rằng Hội dòng và những cộng đoàn tạo nên Hội dòng là những cộng đoàn của Giáo Hội. Những cộng đoàn này đã được thẩm quyền của Hội Thánh muốn và công khai thiết lập. «Ta không thấy nơi nào trong Giáo Hội có một cộng đoàn mà không hề có người phụ trách.  Nếu có, thì cộng đoàn như thế chỉ là một cộng đoàn ngông cuồng, vô hiệu lực và nhất là cộng đoàn đó không đáp ứng được thực tại bản chất Hội Thánh, xét như là thành phần Dân Chúa.

 

Trong viễn tượng này, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nhấn mạnh rằng : « Trong đời sống thánh hiến, vai trò của các vị Bề Trên và Bề Trên Tổng quyền luôn có một tầm quan trọng rộng lớn đối với đời sống thiêng liêng, cũng như đối với sứ mệnh truyền giáo... Những ai thực thi quyền bính không thể không chu toàn những bổn phận của mình là những người phụ trách trước tiên của cộng đoàn, người hướng dẫn anh chị em mình trên con đường thiêng liêng và tông đồ của những người anh chị em đó».

 

Trong việc điều hành mang tính phục vụ này, «thì trong những môi trường ghi đậm nét cá nhân chủ nghĩa, viêc làm cho người khác nhận ra và đón nhận vai trò của quyền bính để phục lợi ích của mọi người, quả thực chẳng dễ dàng chút nào. Tuy nhiên, ta phải tái khẳng định tầm quan trọng của trách vụ này, một trách vụ được mọi người xem là cần thiết để củng cố mối hiệp thông huynh đệ, và để không  làm cho sự vâng phục phải trở nên vô ích.

 

Đức Giáo hoàng Biển Đức XVI đã nói rất chính xác trong bài diễn văn của ngài đọc trước các vị Bề Trên rằng «Quyền bính phục vụ đòi phải có một sự hiện diện thường xuyên có khả năng thúc đẩy và đề nghị, nhắc nhớ lý do tồn tại của đời sống thánh hiến, giúp những ai đã được giao phó cho anh chị em ngày càng trung thành đáp lại tiếng gọi của Chúa Thánh Thần. Quyền bính và vâng phục là cách thực thi tình bác ái, luật mới là tình yêu (x. Ga 5, 9-15 ; Ga 6, 57) để giúp ta thi hành ý muốn của Thiên Chúa và sống thánh thiện.

 

 

Quyền bính trong cộng đoàn trưởng thành

 

Cộng đoàn trưởng thành  là một khung cảnh sống, nơi các thành viên đã đạt được đầy đủ sự trưởng thành trong  nhận thức, và tăng trưởng trên bình diện thể lý, tâm lý, trí tuệ, luân lý, tu đức và có được một kinh nghiệm nào đó về con người và các biến cố, một cái nhìn sáng suốt về sự vật, một mức độ đúng đắn và sáng suốt trong việc đánh giá những giá trị, con người và biến cố. Họ có khả năng  hành động một cách có trách nhiệm, tự do, trung thực, liên kết và hài hòa với toàn bộ giá trị, và trong trường hợp đặc biệt, với những đòi hỏi của đời sống thánh hiến.

 

Bức chân dung của thành viên trong một cộng đoàn trưởng thành.

 

Trước khi tiến hành mô tả những thành viên  của một cộng đoàn trưởng thành, trước tiên, ta cần phác thảo bức chân dung của một con người trưởng thành, mô tả bản tính của họ.

 

Bản tính của một con người trưởng thành trên bình diện nhân loại

 

Người trưởng thành là người đã hoàn toàn phát triển,  người đã đạt đến mức độ trưởng thành cho phép họ làm chủ được những khả năng thể lý và trí tuệ của mình, và làm họ có khả năng phán đoán một cách đúng đắn về phương diện tâm lý và  thiêng liêng. 

 

Như thế, người trưởng thành có khả năng quyết định cách tự do và giữ những điều minh đã cam kết; đó là người hướng đến những thực tại và những vấn đề hệ trọng, cởi mở đón nhận những vấn nạn của người khác và của thế giới; là người đã được một kinh nghiệm nào đó về con người và sự vật; như thế, họ bớt nghiêm khắc hơn, tế nhị hơn, thông cảm hơn. Một con người biết rằng bất cứ ai cũng có những giới hạn cũng như khuyết điểm, và không làm cho mình phải vấp phạm.

 

Theo Đức Hồng Y Malula (đã qua đời), Đấng sáng lập Hội Dòng các Nữ Tu Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu tại Kinshasa, thì một người hoàn toàn trưởng thành là « một con người có trách nhiệm, có những xác tin cá nhân, và nỗ lực đem ra áp dụng trong đời sống và chia sẻ cho người khác, một con người hành động, có sáng kiến và kinh nghiệm độc đáo». Người  trưởng thành là người đã trút bỏ, hoặc đang từ từ trút bỏ những hành động ấu trĩ.

 

Bản tính của một người chưa trưởng thành trên bình diện nhân văn

 

Một người chưa trưởng thành bày tỏ và thoả thích trong những khuyết điểm, hay những ý thích thất thường mang tính trẻ con của mình; họ quan tâm đến những chuyện không đâu và những thoả mãn  nhỏ nhặt của mình;  họ dừng lại ở những chuyện phù phiếm, ở những cái thứ yếu hơn điều chính yếu; họ chỉ muốn nói đến quyền lợi hơn là bổn phận  của mình; chỉ môt chút là phàn nàn, yêu sách và chỉ trích tiêu cực. Đó là một con người mê thích mình, một con người tìm cách xem mình là trọng tâm của cộng đoàn, mà không hề quan tâm đến công ích hay ích lợi của người khác.

 

Với những điều vừa được khẳng định trên đây, ta có thể cho rằng một tu sĩ trưởng thành là người đã có «chọn lựa một lần thay cho tất cả, và là người mang trong lòng mình tình yêu đam mê đối với Thiên Chúa, đam mê bác ái từ bỏ tất cả những gì tầm thường và bất cứ đời sống dễ dãi nào. Trong cuộc sống, họ không ngừng tìm kiếm tình yêu trọn hảo».

 

Trong đời tu, trưởng thành có nghĩa  là biết cách sống theo sự lựa chọn lựa căn bản của mình, bằng cách đón nhận một cách triệt để mọi đòi hỏi của bậc sống của mình với niềm vui và trách nhiệm, dầu cho có những khó khăn rải rác trên bước đường mình đi. Người tu sĩ trưởng thành đảm nhận cách thanh thản, những quyền lợi và bổn phận gắn liền với bậc sống của mình, và hoàn toàn sống trong giới hạn của những quyền lợi và bổn phận, đến độ họ làm cho mọi người có thể thấy được họ hoàn toàn tự ý chấp nhận những đòi hỏi của cuộc sống,  mà không hề bị bó buộc  cũng như  miễn cưỡng. Tóm lại, đó là một người đã chọn Đức Giêsu, và đã chọn Đức Giêsu chịu đóng đinh để tận hiến đời mình cho công trình cứu độ, và đã biết Ngài một cách đầy đủ qua kinh nghiệm của cầu nguyện, vâng phục,  tận tuỵ phục vụ anh chị em, hoạt động tông đồ, khó nghèo thật sự và kỷ luật trong cuộc sống.

 

Diện mạo người lãnh đạo trong cộng đoàn trưởng thành

 

Người lãnh đạo trong một cộng đoàn trưởng thành trước tiên là thành viên của cộng đoàn này, do đó, họ phải là hiện thân của những giá trị và tầm nhìn (Đặc sủng và Linh đạo) của Hội Dòng mình. Họ xử sự dựa theo vâng phục, sứ mệnh và phục vụ.

 

Người lãnh đạo là vâng phục : trước hết, bề trên là người vâng phục đầu tiên, bởi vì họ thực thi quyền bính của mình trong việc ngoan ngoãn vâng nghe Lời Chúa, và như thế, là vâng phục Thiên Chúa, bởi vì họ thi hành chức vụ khi họ lắng nghe lời Chúa, lắng nghe Huấn quyền của Giáo Hội, Hiến pháp của Dòng để phục vụ công ích và ích lợi của mỗi phần tử, và  phục vụ sứ mệnh của Hội dòng. Cha Bernard Ducruet cũng đã nhấn mạnh như thế, ngài nói rằng trong cộng đoàn Kitô giáo, quyền bính là để phục vụ Lời Chúa. Từ điểu chúng ta vừa nói đến ở trên, quyền bính khác với bất cứ loại hình thức cộng đoàn nào. Quyền bính dựa trên Lời Chúa, một lời rõ ràng và hiển nhiên, được nói với chúng ta trong Chúa Giêsu Kitô. Trong một cộng đoàn thiêng liêng, chính Lời Chúa chiếm vị trí đầu tiên, và Đức Giêsu Kitô là nền tảng duy nhất của cộng đoàn này.

 

Người lãnh đạo là sứ mệnh mà ta có thể liên kết với 3 nhiệm vụ của thừa tác vụ mục tử của các Giám Mục trong Giáo Hội. (MR 13). Bề trên điều hành qua việc giảng dạy để thánh hóa. Bề trên phải giúp những người mình coi sóc nên thánh.

 

Thánh Biển Đức nói, Viện Phụ « phải luôn nhớ đến danh xưng mà mình đang mang» và danh xưng đó xác định sứ mệnh dẫn đưa những người con cái Thiên Chúa đã giao phó cho mình về với Chúa Cha. Trong cộng đoàn, Bề TrênMẹ, nhưng không theo kiểu cha mẹ giáo dục con cái mình, mặc dầu đôi khi có sự tương đồng nào đó. Bề trên là cha, là mẹ giống như Đức Kitô ở giữa các môn đệ của mình. Sứ mệnh của Đức Kitô là mạc khải Chúa Cha cho họ, đưa họ về với Chúa Cha bằng cả con người, gương sáng và giáo huấn của Ngài. Bề trên không phải là người thay thế người cha người mẹ tự nhiên mà có thể chúng ta đang thiếu; mục đích của bề trên không phải là bít kín những lỗ hổng tình cảm con trẻ của chúng ta.  Tình mẫu tử phụ tử của Bề trên sẽ dạy cho họ biết khám phá ra nguồn gốc và cuộc sinh nở của mình trong Thiên Chúa. Cũng cùng một ý nghĩa này, câu châm ngôn Rwandais đã nói :  «Thật ra chỉ một mình Thiên Chúa mới hạ sinh, con người chỉ làm công việc giáo dục».

 

Chỉ Bề Trên nào hoàn toàn trung thành với Lời Chúa mới có thể mường tượng được cuộc sinh nở của mình trong Thiên Chúa, khi họ sẵn sàng tỏ ra vâng theo giáo huấn của Tin Mừng, của Giáo Hội và Hiến Pháp của Dòng mình.

 

Chính vì thế, Thánh Biển Đức nói thêm: «ngài sẽ không dạy gì cả, sẽ  không thiết lập hay ra lệnh một điều gì cả ngoài giáo huấn của Chúa Giêsu. Giáo huấn, lệnh truyền và gương mẫu của ngài phải thức tỉnh nới các đan sĩ tinh thần con thảo, được xem như hạt mầm của Lời Chúa».

 

Người lãnh đạo là phục vụ, bởi vì bề trên phải là người tôi tớ phục vụ anh chị em mình, là linh hoạt viên với ưu tư duy nhất muốn chu toàn sứ mệnh của mình với tinh thần trách nhiệm, để có được cộng đoàn biết vâng phục, hợp nhất và huynh đệ, một cộng đoàn đặc sủng, để phục vụ mỗi thành viên trong cộng đoàn. Trong khi phục vụ cộng đoàn, bề trên đóng vai trò là người chỉ đạo và hướng dẫn. Chính vì thế, « Quyền bính thiêng liêng không phát sinh từ con người là bạn hay là thù, nhưng phát sinh từ Đức Kitô và Lời của Ngài là Đấng đã nói «Tôi đến để phục vụ chứ không để được phục vụ» (Mt 27-28). Bề trên từ bỏ  những ước muốn có ít nhiều đam mê muốn quyết định, ép buộc, thống trị hay lôi cuốn người khác. Bề trên không tìm cách tác động trên cảm xúc của con người, cũng như không tìm cách tán dương lòng mộ đạo của họ. Lòng yêu thương của bề trên trải rộng tới mọi anh chị em của mình, và nhất là tới những người yếu đuối nhất, mà nơi họ, bề trên nhìn thấy được hình ảnh Đức Giêsu Kitô đã ghi hay muốn ghi dấu ấn của Ngài.

 

Người lãnh đạo trong một cộng đoàn như thế, trước tiên không phải là giám thị, mà là điều phối viên và là người đồng hành. Để làm được như thế, bề trên phải dựa vào Chúa Giêsu và Lời của Ngài. Như thế, «Người lãnh đạo tinh thần đích thật không chứng tỏ con người mình bằng sự thành công hay kết quả đạt được, nhưng họ dựa vào sự khiêm tốn,  lắng nghe mỗi người, trung thành trong tình yêu đối với Chúa, đối với Lời Chúa và đối với Giáo Hội của Ngài.

 

Thừa tác vụ của bề trên là thừa tác vụ hợp nhất - bề trên là dấu chỉ và là người có trách nhiệm lo cho sự hợp nhất trong cộng đoàn. Lý tưởng này có thể thực hiện được không ? Người ta có thể tự hỏi như thế. Nhưng chúng ta vẫn luôn ý thức rõ là quyền bính trong cộng đoàn, cũng như trong lòng Giáo Hội vẫn luôn là hồng ân Thiên Chúa ban, và hồng ân này vẫn là lý tưởng mà mỗi ngày ta phải xem mình đã đạt tới mức nào.

 

Người lãnh đạo và tình hình của cộng đoàn

 

Bề trên thực thi quyền bính của mình dựa vào kế hoạch của Thiên Chúa đã được Đức Giêsu dạy : «Tôi đến để phục vụ chứ không phải để được phục vụ» (Mt. 20, 27-28). Trong thực tế, bề trên là con người bất toàn, họ phải nhìn nhận điều này, và phải tự vượt thắng để đáp ứng cho những đòi hỏi khi thi hành trách nhiệm của mình. Họ phải làm phát sinh trong lòng mình những đức tính nhân bản giúp họ được mọi người chấp nhận, ngay cả trong ngữ cảnh khác với dòng tu. Ngoài tất cả những đức tính nhân bản này, bề trên còn phải là người dễ tiếp cận và
được mọi người tin tưởng. Bề trên giúp các thành viên của mình biết cởi mở cách tự phát. Và khi đã trấn an họ, bề trên khuyến khích họ cởi mở lương tâm.

 

Sự tin tưởng giúp cho bề trên thực thi được quyền bính-phục vụ của mình cách tự do, dễ dàng và vui  vẻ. Bề trên xứng đáng nhận được niềm tin tưởng này, sự tin tưởng mà ta không thể mua được bằng tiền. Sự tin tưởng là điểm căn bản của hành động đáp ứng những qui luật sau đây: thực thi quyền bính nhận lãnh từ Thiên Chúa với tinh thần phục vụ; luôn thi hành thánh ý Thiên khi thực thi quyền bính; điều hành các thành viên như con cái của Thiên Chúa; cổ vũ việc vâng lời một cách tự nguyện; tôn trọng mọi người; lắng nghe mỗi thành viên và toàn thể cộng đoàn; tạo thuận lợi cho sự cộng tác và khuyến khích những sáng kiến vì ích lợi của Hội Dòng và Hội Thánh (x. Can 618).

 

Tình hinh của cộng đoàn đối với quyền bính

 

Trong cộng đoàn, bề trên không áp đặt bằng những lời nói độc đoán. Nhưng bê trên mặc lấy tâm tình như một thành viên, tâm đầu ý hợp với những thành viên khác, ý thức về sứ mệnh của mình là làm cho các thành viên khác hoạt động cách linh hoạt. Bởi vì nhiệm vụ chính của bề trên là giúp mọi người đạt được những  mục tiêu cá nhân và cộng đoàn.  Để làm nổi bật sự đồng vận này, khôn ngoan châu Phi đã diễn tả qua câu châm ngôn sau đây: «Mukalenga wa bantu, bantu ba mukalenga», có nghĩa là : «người lãnh đạo vì dân và dân vì người lãnh đạo». Như thế, có một sự liên hệ hỗ tương. Bề trên không áp đặt cho tập thể cách mình suy nghĩ và hiện hữu. Bề trên là linh hoạt  viên của cộng đoàn. Điều này có nghĩa là thức tỉnh đời sống của tập thể, là kêu gọi cộng đoàn sống một cuộc sống bắt nguồn từ cách sống của mình. Chinh vì thế, trong cộng đoàn tu trì,  quyền bính thiết yếu là «mục vụ».

 

Đứng về góc độ hoạt động, bề trên điều hành cộng đoàn bắt đầu từ chính cộng đoàn, bề trên phải hết sức tôn trọng các thành viên, bởi vì những mục tiêu của cộng đoàn không hề xa lạ với các mục tiêu của các thành viên và ngược lại, những mục tiêu của các thành viên cũng không hề xa lạ với những mục tiêu của cộng đoàn, bởi vì cộng đoàn nằm trong lòng các thành viên.

 

Bề trên được kêu gọi để có « thái độ phục vụ quan tâm và niềm nỡ». Thái độ này cho phép bề trên biến đổi cộng đoàn không có sức sống và tiêu cực  thành cộng đoàn năng động và tích cực, củng cố những khả năng của các thành viên trong cộng đoàn. Mọi người mong đợi nơi bề trên thái độ huynh đệ và con người đồng hành hơn là một chuyên gia hiểu biết tất cả và biết làm tất cả.

 

Bề trên là người đồng hành với cộng đoàn

 

Trong việc đồng hành, bề trên không những chú ý tới việc làm của anh em, mà còn chú ý tới tất cả những gì liên quan đến con người của  họ về mặt nhân bản, cảm xúc, liên hệ, đời sống tinh thần và tôn giáo... Không chỉ có theo dõi, Bề trên còn tạo thuận lợi cho các thành viên cởi mở, để họ quan tâm và cảm thấy thich thú sống những đòi hỏi của Tin Mừng trong niềm vui của Chúa. Là Bề trên thì quan trọng hơn hành động với tư cách là bề trên. Sự kiện làm người đồng hành bao hàm khả năng biết  sống với người khác, mà không hề ngăn cản họ sống thật với con người của mình, bằng thái độ đồng hành hơn là ra lệnh, bằng cách làm cho sự vật xuất hiện hơn là tự mình tổ chức sắp xếp những sự vật đó.

 

Bề trên mang lại sức sống cho cộng đoàn

 

Linh hoạt là phương pháp điều hành cộng đoàn dựa trên sự cộng tác và tham gia. Sự linh hoạt của bề trên được thể hiện qua thái độ sẵn sàng, lòng khoan dung và tận tụy của mình, quảng đại  chấp nhận các thành viên và thông cảm họ, trưởng thành theo tinh thần Phúc Âm, khả năng tiếp nhận và sống những hoàn cảnh Chúa gửi đến, chấp nhận những giới hạn của mình, nhạy bén trong việc nhận ra thực tại của cộng đoàn, và những tình huống mà cộng đoàn đang phải trải qua, luôn sống một đời sống cầu nguyện đích thực, khả năng nói và thinh lặng, khả năng phân định được những vấn đề nghi nghĩa, khả năng đối diện với nỗi sợ hãi của mình, khả năng đọc và khám phá ra những cơ chế để tự vệ, để trốn chạy và để kháng cự.

 

Những phương tiện hoạt động của Bề trên Dòng

 

Để phát triển những giá trị giúp chúng ta lớn lên trong cộng đoàn, và giúp cộng đoàn lớn lên, chúng tôi đưa vào đây một số phương tiện hành động mà Bề trên có thể sử dụng để giúp anh em mình vâng phục cách tự nguyện :

 

Thông tin: là phương tiện hữu hiệu để giúp cho các thành viên dễ dàng ý thức, đồng trách nhiệm và dấn thân; ủy thác trách nhiệm (có khả năng ủy quyền), là con đường hữu hiệu để nhận ra khoảng không gian tự do hợp lý  để tự tổ chức và tổ chức. Ở đây, ta muốn nói đến những chị em được trực tiếp giao cho thi hành những bổn phận và công việc ; luật lệ xác định rõ ràng cho đời sống (thích nghi), cộng đoàn biết lựa chọn thời biểu để đáp ứng những chỉ dẫn tổng quát của luật và  những trường hợp cụ thể, đặc thù của luật. Bổn phận của bề trên là làm cho ý thức này được sinh động, để khích lệ anh em vâng lời cách tự nguyện. Như thế, người tu sĩ trưởng thành sẽ có được những điều sau đây: hiểu biết đầy đủ về đặc sủng và những đòi hỏi của đời tu, hiểu biết đầy đủ về linh đạo và Đặc sủng riêng của Hội Dòng mình; người ấy sẽ chứng tỏ mình gắn bó tự nguyện nhờ đức tin với tất cả những gì đã nói ở trên: khả năng lắng nghe và chấp nhận quyền bính, đối thoại cởi mở, kiên trì và vững vàng trong việc phân định, vô vị lợi và quảng đại trong hành động, tùng phục luật lệ và quyền bính.

 

 

 

3. Hình ảnh cộng đoàn trưởng thành

 

Cộng đoàn tu sĩ  là sự hiệp thông của những người sống đời thánh hiến, họ tuyên khấn để tìm kiếm và  cùng nhau chu toàn  thánh ý Chúa ;  đây là cộng đoàn các nam nữ tu sĩ với những vai trò khác nhau, nhưng chia sẻ cùng một mục đích, cùng một lý tưởng và cùng một niềm đam mê. Tất cả những điều đó khắc ghi trong lòng họ một số đặc tính làm họ trở thành những chứng nhân của mối hiệp thông Ba Ngôi Thiên Chúa. Các thành viên của một cộng đoàn trưởng thành trau dồi nhũng giá trị Phúc Âm, và  từng bước chiến đấu chống lại những gì đi ngược lại với các giá trị, và họ có đầy đủ khả năng để vâng phục những chuẩn mực tổng quát và riêng biệt.

 

Như thế, những nét đặc trưng của cộng đoàn trưởng thành : đồng trách nhiệm liên kết với nhau, đánh giá hỗ tương và thừa nhận nhau, chấp nhận và động viên người khác phát triển tiềm năng của họ; bổ sung cho nhau. Ở đây ta cần phải nhấn mạnh rằng đời sống chung, sự hợp nhất sẽ được hoàn thiện nếu mọi thành viên cùng quản trị cuộc sống chung. Mỗi người đảm nhận phần trách nhiệm của mình theo khả năng, để nâng đỡ và bổ túc cho hành động và những sáng kiến của cộng đoàn. Tính bổ sung cho phép ta cùng nhau chia sẻ trách nhiệm một cách tốt đẹp và gắn bó với thánh ý Chúa. Câu châm ngôn của châu Phi đã không nói rằng những con kiến có thể tải nổi một con voi khi chúng liên kết với nhau đó sao ? (Mossi)

 

 

Hình ảnh một cộng đoàn không trưởng thành

 

Ở đây ta muốn nói đến cộng đoàn mà những thành viên không hề quy chiếu về Đức Kitô là trung tâm đời sống của họ. Các thành viên là người yêu sách hơn là những người khởi xướng. Đó là một cộng đoàn không có hỗ trợ, không có những sáng kiến xây dựng; một cộng đoàn mà ta nhận thấy là thiếu chấp nhận quyền bính và tuân phục những tiêu chuẩn tổng quát và riêng biệt.

 

Trong một cộng đoàn không trưởng thành, việc thực thi quyền bính gặp phải  những khó khăn mà ta có thể xem là những khuyết điểm của người lãnh đạo, và đây là một vài dấu chỉ: chuyên quyền  dưới mọi hình thức, bất bình đẳng trong cách đối xử (thiên vị), thiếu tôn trọng đối với những người mình điều hành, và đối với phẩm giá nhân bản và Kitô giáo của họ, muốn giải quyết tất cả  (quyền bính hiện diện khắp nơi), óc giám thị và nghi ngờ, ích kỷ và ù lì không dám đương đầu với những vấn đề thực tế, thiếu bác ái, cứng lòng, v.v... Và hệ quả tất nhiên là sự vâng phục cũng gặp phải  những khuyết điểm mà ta có thể nêu ra những biểu hiện sau đây: nổi loạn hay chống đối, đả kích tất cả, óc gièm pha và cằn nhằn, giả hình và thiếu thành thật, lề thói và nhàm chán tất cả, thái độ ấu trĩ, trầm uất v. v...

 

Những phương thế để đạt được sự trưởng thành này

 

Cộng đoàn trưởng thành không phải là loại quần áo may sẵn, cũng không phải là một thế hệ tự phát. Cộng đoàn là thành quả của những hành vi và của nền văn hóa bắt nguồn từ  sự đào tạo  đầu tiên, thường xuyên và có trách nhiệm.

 

Và như thế, ngay từ đào tạo đầu tiên, ta đã phải được đào tạo về ý chí và  học tập các nhân đức nhân bản như:  trung thực, ngay thẳng, ý thưc trách nhiệm, óc phê phán, tự do và quân bình về mặt cảm xúc. Việc đào tạo này phải được thực hiện qua một quá trình đào tạo và phải áp dụng một số thực hành.

 

 Cổ vũ giáo dục ý chí: giáo dục ý chí, củng cố hay trau dồi ý chí phải được thể hiện qua việc từ bỏ bằng cách nói không hay giới hạn thời gian; lòng quảng đại được thể hiện bằng cách làm cho mình luôn sẵn sàng giúp đỡ mọi người; đúng giờ, nhanh nhẹn, có kỷ luật bản thân, chấp nhận kiêng khem, can đảm để đương đầu với những tình huống thử thách, làm việc cá nhân, những sáng kiến cá nhân.

 

Cải thiện phương pháp phân định:  sự cải thiện này chỉ có thể đạt được khi ta thiết lập một bậc thang giá trị: những giá trị của Đức Kitô (nhân đức), những giá trị cá nhân (những hoạch định cá nhân) và Hội ḍng (những bó buộc với tư cách là tu sĩ). Sự thực hành này cần phải được nâng đỡ bằng lời cầu nguyện và nguyện gẫm hàng ngày. Nếu phân dịnh sai lệch, thì đối thoại sẽ trở nên trống rỗng.

 

Luyện tập lắng nghe (để củng cố khả năng lắng nghe, ta phải cố gắng hiểu được sự hiện diện, kinh nghiệm, cái bây giờ và ở đây của người khác, sẵn lòng nhìn thế giới với đôi mắt của người khác, lắng nghe họ bằng cả con tim, hiểu và lắng nghe, biết im lặng và để người cho khác nói...).

 

Tôn trọng nhu cầu của người khác trong toàn bộ cá tính của họ (một hình thức khác về văn hóa vâng phục cốt ở việc biết và hiểu người khác, cốt ở việc có một thái độ quan tâm chân thành và huynh đệ, nâng đỡ người khác tăng trưởng... một phương tiện khác để trau dồi văn hóa vâng phục là phục vụ mọi người một cách vô vị lợi và bộc phát,  hoàn toàn sẵn sàng giúp đỡ, sẵn sàng cách vô vị lợi bằng sự tự nguyện và cống hiến, đóng góp).

 

 

 

Kết luận

 

Quyền bính, vâng lời, phục tùng. Sự phục tùng hiện hữu trong Thánh Kinh, và đó là điều quý giá. Nhưng vâng phục  phải bắt đầu bằng điều Thiên Chúa  muốn, và bằng Lời Chúa giả định, nghĩa là tất cả chúng ta, dầu là cá nhân hay tập thể (bề trên và các thành viên), đều tùng phục Đức Giêsu Kitô; và chúng ta tùng phục lẫn nhau trong Giáo Hội, nơi chúng ta sống, để được xem là những người thợ tận tụy phục vụ Thân mình Đức Kitô, và chứng tỏ mình là người trung thành. Thánh Phaolô đã nói rất rõ:  «Anh em phục tùng lẫn nhau trong lòng kính sợ Chúa Kitô » (Ep 5, 21).

 

Thánh Phêrô diễn tả  cùng một tư tưởng như thế khi ngài nói: «Cũng thế, các bạn, những người trẻ, hãy phục tùng người cao niên, và mọi người, người này đối với người khác, hãy mặc lấy sự khiêm nhu, bởi vì Thiên Chúa chống lại kẻ kiêu ngạo, nhưng ban ơn cho kẻ khiêm nhường» (1 P 5, 5).

 

Tình yêu thúc đẩy chúng ta chấp nhận trách nhiệm làm «người canh giữ anh chị em mình». Nhưng tình yêu không cho phép chúng ta dùng bạo lực để quá xen vào đời sống riêng tư của họ. Thật vậy, chúng ta được kêu mời bước theo con đường kín đáo của Chúa Thánh Thần trong tâm hồn mỗi người. Và chúng ta không bao giờ được kêu mời  thay thế Ngài, hay để làm công việc của Ngài!

 

Bởi vì sự tùng phục lẫn nhau dựa trên tình yêu, nên nó cũng bắt nguồn trong chính bản tính của Thiên Chúa Ba Ngôi. Thiên Chúa, tự bản tính là Cộng đoàn. Trong thực tế, Thiên Chúa duy nhất là cộng đoàn Ba Ngôi từ muôn đời muôn kiếp vẫn hằng chia sẻ cuộc sống chung.

 

Do đó,  quyền bính xuất phát từ trực giác thần linh. Ba Ngôi Thiên Chúa  diễn tả một cộng đoàn duy nhất bổ sung cho nhaucùng đồng trách nhiệm.  

 

 

                 Roma, ngày 06 tháng 05 năm 2013

 

 

 

 

 

 


Trang Mục Vụ