Bài Huấn Dụ của Đức Thánh Cha Phanxicô với các Tham Dự Viên Đại Hội của Hiệp Hội Quốc Tế các Nữ Bề Trên Tổng Quyền (U.I.S.G.)

Ngày 08-05-2013

Kính thưa Đức Hồng Y,

Kính thưa Đức Cha Quý mến trong Hàng Giám Mục,

Các Nữ Tu thân mến,

       Tôi vui mừng được gặp gỡ Quý Vị hôm nay và Tôi muốn chào thăm từng người trong Quý Vị, và Tôi cám ơn Quý Vị vì biết bao nhiêu điều Quý Vị đã làm để đời sống thánh hiến luôn là một ánh sáng trong hành trình của Giáo Hội. Các Nữ Tu thân mến, trước tiên Tôi cám ơn Người Anh Em thân yêu của Tôi, Đức Hồng Y João Braz de Aviz, vì các lời Ngài bày tỏ với Tôi, và Tôi cũng trân trọng sự hiện diện của Đức Cha Tổng Thư Ký của Bộ Tu Sĩ. Đề tài của cuộc Đại Hội của Quý Vị với Tôi thật quan trọng, đặc biệt về nhiệm vụ được trao phó cho các Con: “Phục Vụ của quyền bính theo Phúc Âm”. Dưới ánh sáng của kiểu nói này Cha muốn đề nghị cho các Con 3 suy tư đơn sơ, mà Cha muốn các Con tiếp tục suy tư, đào sâu riêng tư và trong cộng đoàn.

1. Chúa Giêsu, trong Bữa Tiệc Ly, đã nói với các Tông Đồ bằng các lời nói này: “Không phải các con đã chọn Thày, mà chính Thày đã chọn các con” (Ga 15, 16), Chúa nhắc nhở cho tất cả mọi người, không chỉ cho chúng tôi là các linh mục, đó là một ơn gọi luôn luôn là do sáng kiến của Thiên Chúa. Chính Đức Kitô Đấng đã gọi các Con đi theo Ngài trong đời sống thánh hiến và điều này có nghĩa là luôn thực hiện một “cuộc xuất hành” ra khỏi chính các Con, để tập trung sự hiện hữu của các Con vào Đức Kitô và vào Phúc Âm của Ngài, vào thánh ý của Thiên Chúa, trong khi lột bỏ con người của các Con khỏi những dự án, để có thể nói như  Thánh Phaolô là: “Không còn phải là Tôi sống, mà chính Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2, 20). “Cuộc xuất hành ” ra khỏi chính mình này, là đặt mình trong một cuộc hành trình thờ lạy Chúa Kitô và phục vụ Ngài nơi người anh chị em. Thờ lạy và phục vụ: hai thái độ không thể lìa xa nhau, nhưng phải luôn đi với nhau.  Thờ lạy Đức Kitô và phục vụ người khác, không giữ lại gì cho mình: đó là một việc “cởi bỏ” của những ai thực thi quyền bính. Các Con hãy sống và luôn nhắc tới trung tâm điểm đặt nơi Đức Kitô, căn tính Phúc Âm của đời sống thánh hiến. Các Con hãy giúp đỡ các cộng đoàn của Các Con sống “cuộc vượt qua” ra khỏi chính mình trong một hành trình thờ lạy và phục vụ, trước tiên qua 3 điểm chính yếu của đời sống của Các Con.

   Vâng Lời: như là việc lắng nghe ý muốn của Thiên Chúa, trong sức thúc đẩy của Chúa Thánh Thần được chính xác hóa do Giáo Hội, khi chấp nhận và hiều rằng việc vâng lời cũng đi qua các trung gian con người. Các Con hãy nhớ rằng mối tương quan giữa quyền bính – vâng lời được đặt trong mạch văn rộng lớn hơn của mầu nhiệm của Giáo Hội và thể hiện cách đặc biệt trách vụ trung gian của mình (xem Bộ về Đời Sống Thánh Hiến và các Hiệp Hội của Đời Sống Tông Đồ, Phục vụ quyền bính và Vâng Lời, s. 12).

   Đức Khó Nghèo như là một việc vượt lên khỏi mọi lối sống ích kỷ trong cái lý của Phúc Âm, vì Phúc Âm dạy ta cách tín thác vào sự Quan Phòng của Thiên Chúa. Đức Khó Nghèo chỉ ra cho tất cả Giáo Hội thấy rằng không còn phải là chúng ta xây dựng Nước Thiên Chúa, không phải các phương tiện của con người làm cho tăng trưởng, nhưng trước nhất chính là quyền năng, là ơn thánh của Đức Kitô, đang hành động qua sự yếu đuối của chúng ta. “Ơn của Ta đủ cho con; sức mạnh quả thực được tỏ lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối“, Thánh Tông Đồ Dân Ngoại quả quyết như thế (2Cr 12, 9). Đức Khó Nghèo dạy về tình liên đới, sự chia sẻ và lòng bác ái, và Đức Khó Nghèo cũng được diễn tả trong sự thanh đạm và niềm vui của những gì là chính yếu, để cảnh tỉnh khỏi những thần tượng do vật chất làm che lấp ý nghĩa chân chính của đời sống. Sự Nghèo Khó học được qua những con người khiêm nhường, túng thiếu, qua các bệnh nhân và qua những ai ở ngoài lề đường của cuộc sống. Sự Khó Nghèo trên lý thuyết không ích lợi gì cho chúng ta. Sự Khó Nghèo học được khi đụng chạm bằng xương bằng thịt của Đức Kitô khó nghèo, trong các người khiêm nhu, trong các bệnh nhân, trong trẻ thơ.  

   Tiếp theo là Đức Trong Sạch như là đặc sủng quý báu, làm cho tự do của ơn huệ dâng lên Thiên Chúa, được trở nên rộng lớn ra hơn, với Thiên Chúa và với người khác, qua thái độ dịu êm, qua lòng thương xót, với sự gần gũi của Đức Kitô. Đức Trong Sạch vì Nước Trời chứng tỏ cho thấy làm thế nào để tình cảm có chỗ đứng của nó trong sự tự do trưởng thành và trở nên dấu chỉ về thế giới tương lai, để làm cho sự tối thượng của Thiên Chúa luôn sáng ngời. Nhưng, xin lưu ý, đó lại là một Đức Trong Sạch “thật phong phú“, một Đức Trong Sạch làm nảy sinh ra các con cái thiêng liêng cho Giáo Hội. Con người được thánh hiến là người mẹ, họ phải là người Mẹ, mà không phải là những “Dì cưng, Sơ thương“. Xin lỗi Các Con, nếu Cha nói như thế, nhưng tình mẫu tử trong đời sống thánh hiến, sự phong phú của tình mẫu tử này thật là quan trọng! Niềm vui của sự phong phú thiêng liêng phải làm cho đời sống của các on nên sống động; các Con hãy là Mẹ, như bộ mặt của Mẹ Maria và của Giáo Hội là Mẹ. Người ta không hiểu được Đức Maria là Mẹ và của Giáo Hội là Mẹ, người ta không thể hiểu Đức Maria, nếu không có việc sinh Con của Đức Mẹ, và Các Con là mẫu hình của Đức Maria và của Giáo Hội.

2. Một yếu tố thứ hai mà Cha muốn nhấn mạnh trong việc dùng quyền bính, đó là việc phục vụ: chúng ta không bao giờ được phép quên rằng quyền bính chính thực, ở bất cứ bậc sống nào, đó là phục vụ, có được bộ mặt sáng ngời trên Thập Giá. Đức Beneđictô XVI, với sự khôn ngoan lớn lao của Ngài, đã nhắc nhớ nhiều lần cho Giáo Hội rằng, nếu đối với con người thì thường quyền bính đồng nghĩa với việc chiếm hữu, đồng nghĩa với thống trị, với thành công, nhưng với Thiên Chúa, thì quyền bính luôn đồng nghĩa với phục vụ, khiêm nhường, với tình yêu; điều này muốn nói rằng, hành xử như thế, là đi vào trong cái lý của Chúa Giêsu, Đấng đã quỳ xuống rửa chân cho các Tông Đồ (xem Angelus, ngày 29-1-2012), và là Đấng nói cho các môn đệ của Ngài: “Anh em biết rằng các người cai trị trong các dân nước, thì thống trị trên họ . . . con giữa các con thì không như thế; – đúng như khẩu hiệu của Đại Hội của Các Con, đúng không? “giữa các con thì không như thế; – nhưng ai muốn làm lớn giữa các con, sẽ là người đầy tớ và ai muốn ở chỗ nhất trong các con, sẽ là đầy tớ của các con” (Mt 20, 25-27). Chúng ta hãy nghĩ tới thiệt hại đem cho Dân của Thiên Chúa do những người nam và nữ của Giáo Hội, những người chỉ lo địa vị, phá rối, những người “lợi dụng” Dân chúng, Giáo Hội, anh chị em của mình – những người đáng lý ra phải phục vụ – những người chỉ lo cho các lợi lộc của họ và các tham vọng cá nhân của họ. Họ là những người gây ra thiệt hại thật lớn lao cho Giáo Hội.  

  Các Con luôn biết thi hành quyền bính, bằng việc đồng hành, hiểu biết, giúp đỡ, yêu thương; các Con hãy ôm ấp tất cả mọi người, nhất là những người cảm thấy bị lẻ loi, bị bỏ rơi, cứng nhắc, sống ở những khu vực bên ngoài con tim nhân loại. Chúng ta hãy hướng nhìn hướng về Thánh Giá: ở đó người ta phải đặt mọi quyền bính trong Giáo Hội, ở đó Đấng là Chúa, đã trở nên người tôi tớ cho đến trao ban trọn vẹn thân mình.

3.  Sau cùng là Tính Giáo Hội  như một trong những chiều kích làm nên đời sống thánh hiến, chiều kích phải luôn được nhìn lại và đào sâu trong đời sống. Ơn gọi của Các Con là một đặc sủng đặt nền tảng cho hành trình của Giáo Hội, và không thể nào xẩy ra là một con người thánh hiến, nam hoặc nữ, lại không “cảm nghiệm” cùng Giáo Hội [sentire cum Ecclesia]. Một “cảm nghiệm” cùng Giáo Hội biết tìm ra lối diễn tả như con cái, trong việc trung thành với Huấn Quyền, trong sự hiệp thông với các Vị Mục Tử và với Người Kế Vị Thánh Phêrô, Giám Mục Rôma, dấu hiệu hữu hình của sự hiệp nhất. Việc loan báo và chứng tá của Phúc Âm, đối với mọi Kitô Hữu, không bao giờ là một hành động riêng lẻ. Điều này thật quan trọng, việc loan báo và làm chứng tá cho Tin Mừng đối với mỗi người Kitô Hữu không bao giờ là một hành động riêng lẻ hoặc của một nhóm, và bất cứ người loan báo Tin Mừng nào cũng vậy, không được hành động riêng lẻ, như Đức Giáo Hoàng Phaolô VI nhắc nhở rõ ràng, “do sáng kiến cá nhân, nhưng được thực hiện qua sự hiệp nhất trong sứ vụ của Giáo Hội và nhân danh Giáo Hội” (Tông Huấn Tin Mừng cần được rao giảng [Evangelii nuntiandi], s. 80). Và Đức Phaolô VI nói tiếp: “Đó là một sự phân đôi vô nghĩa để có thể nghĩ rằng có thể sống với Chúa Giêsu mà không có Giáo Hội, có thể theo Chúa Giêsu ở ngoài Giáo Hội, yêu Chúa Giêsu mà không yêu mến Giáo Hội” (xem Nt., s. 16). Các Con hãy cảm thấy trách trách nhiệm phải lo lắng huấn luyện trong các Hội Dòng của các Con theo giáo huấn lành mạnh của Giáo Hội, trong tình yêu mến Giáo Hội và trong tinh thần của Hội Thánh.

   Tóm lại, trung tâm điểm nơi Đức Kitô và Phúc Âm của Ngài, quyền bính như việc phục vụ do tình yêu, “cảm nghiệm” trong và với Mẹ Giáo Hội: đó là 3 chỉ dẫn mà Cha muốn gợi ra và để lại cho các Con, và cùng với các lời nhắn nhủ này, một lần nữa Cha nói lời cám ơn của Cha, về những việc các Con thực hiện, không phải luôn dễ dàng. Giáo Hội là gì nếu không có các Con? Sẽ thiếu vắng cho Giáo Hội đặc tính là người mẹ, thiếu tình cảm, thiếu sự dịu hiền! Thiếu trực giác của một Bà Mẹ!

     Các Nữ Tu thân mến, Các Con hãy chắc chắn rằng Cha theo dõi các Con với tâm tình của Cha. Cha cầu nguyện cho các Con, nhưng các Con cũng cầu nguyện cho Cha. Các Con hãy chào thăm các Cộng Đoàn của các Con từ phía Cha, nhất là chào thăm các Nữ Tu bệnh tật và các Nữ Tu trẻ. Với tất cả mọi người Cha gửi lời khích lệ hãy đi theo Phúc Âm của Đức Kitô với sự can đảm thẳng thắn và với niềm vui. Các Con hãy vui tươi, bởi vì thật là tuyệt đẹp khi đi theo Chúa Giêsu, thật đẹp khi trở nên hình ảnh sống động của Đức Maria và của Mẹ Thánh Giáo Hội phẩm trật của chúng ta.

      Xin chân thành cám ơn tất cả.

Dịch theo nguyên bản tiếng Ý do Phòng Báo Chí Tòa Thánh phổ biến, ngày 08-05-2013.

Linh mục Phanxicô Borgia Trần Văn Khả, ngày 25-05-2013

 

Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong buổi tiếp kiến sáng 8-5-2013, dành cho 900 nữ Bề trên Tổng quyền vừa kết thúc đại hội tại Roma từ ngày 3 đến 7-5 vừa qua.

Ngỏ lời trong dịp này, ĐTC mời gọi các Bề trên hãy giúp hội dòng của mình ”xuất hành”, ra khỏi chính mình và hành trình trên con đường thờ lạy Chúa và phục vụ, qua 3 cột trụ của đời sống thánh hiến: vâng phục, thanh bần và khiết tịnh. Ngài đặc biệt nhấn mạnh đến việc thực thi quyền bính, cũng là chủ đề của Đại hội vừa qua của các Bề trên Tổng quyền ”Dịch vụ quyền bính theo Tin Mừng”. ĐTC nói:

”Chúng ta không bao giờ được quên rằng quyền bính đích thực, ở bất kỳ cấp độ nào, là một việc phục vụ, có tột đỉnh sáng ngời trên Thánh Giá. Đức Biển Đức 16, với sự khôn ngoan, đã nhiều lần nhắc nhở Giáo Hội rằng đối với nhiều người, quyền bính đồng nghĩa với sở hữu, thống trị, thành công, nhưng đối với Thiên Chúa, quyền bính luôn luôn đồng nghĩa với phục vụ, khiêm tốn, yêu thương, có nghĩa là đi vào lý luận của Chúa Giêsu Đấng cúi mình rửa chân cho các Tông Đồ (Xc Kinh Truyền Tin, 29-1-2012) và Chúa nói với các môn đệ: ”Các con biết rằng những người cầm quyền cai trị các dân nước thống trị trên họ.. Nơi các con không như thế: chính chủ đề đại hội của chị em cũng là: nơi các con không được như thế.. Ai muốn làm lớn nơi các con, thì sẽ là đầy tớ và ai muốn là người đứng đầu nơi các các thì sẽ là người hầu hạ các con” (Mt 20,25-27). Chúng ta hãy nghĩ đến thiệt hại mà những người nam nữ của Giáo Hội gây ra cho Dân Chúa, những người chỉ lo tiến thân trên con đường sự nghiệp, những người chỉ lo leo lên chức vị cao; họ lạm dụng dân Chúa, Giáo Hội, anh chị em mình, - mà lẽ ra họ phải phục vụ-, coi những người này chỉ là những bàn đạp để thỏa mãn những tham vọng cá nhân và tư lợi của họ. Những kẻ ấy gây thiệt hại rất lớn cho Giáo Hội!”

ĐTC nói thêm rằng: ”Chị em hãy luôn biết thực thi quyền bính, trong thái độ đồng hành, cảm thông, giúp đỡ, yêu mến, quan tâm săn sóc mọi người, nhất là những người cảm thấy cô độc, bị gạt bỏ, khô cằn, không được chú ý. Chúng ta hãy hãy hướng nhìn về Thập Giá: bất kỳ quyền bính nào của Giáo Hội đều ở nơi đó, nơi mà Đấng là Chúa, đã trở thành đầy tớ đến độ tận hiến toàn thân mình”.

ĐTC cũng nhắc nhở các bề trên về đặc tính Giáo Hội của đời sống thánh hiến: ”Ơn gọi của chị em là một đoàn sủng cơ bản đối với hành trình của Giáo Hội, và một người nam nữ thánh hiến không thể không có cùng cảm thức với Giáo Hội: sự đồng cảm này được biểu lộ trong niềm trung thành với Huấn Quyền của Hội Thánh, hiệp thông với các vị Chủ Chăn và với Người Kế nhiệm Thánh Phêrô, là GM Roma, dấu chỉ hữu hình của sự hiệp nhất”.

ĐTC nhắc lại Giáo huấn của Đức Phaolô 6 theo đó, thực là một ”sự phân cách vô lý khi nghĩ rằng mình sống với Chúa Giêsu mà không có Giáo Hội, theo Chúa Giêsu bên ngoài Giáo Hội, yêu mến Chúa Giêsu mà không yêu mến Giáo Hội (Evang. nuntiandi, 16). Chị em hãy cảm thấy trách nhiệm chăm sóc việc huấn luyện của hội dòng chị em trong đạo lý lành mạnh của Giáo Hội, trong niềm yêu mến Giáo Hội và trong tinh thần Giáo Hội”.


Trang Mục Vụ