Ngày 8: Phục Vụ

 

Giữa anh em thì không được như vậy: Ai muốn làm lớn giữa anh em, thì phải làm người phục vụ anh em. Và ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ anh em. (Mt 20: 26-27)

 

Các Sách trong Cựu Ước sử dụng rất nhiều từ ngữ Do Thái mà chúng ta có thể diễn đạt qua ngôn ngữ Việt Nam là người phục dịch, người hầu, hay người ở, vv… Mỗi tiếng mang một chút khác biệt về chức năng, nhưng không làm phai nhạt hình ảnh của một con người phục vụ.

 

1.     Người nô lệ (Ebed): Là danh từ chỉ người mất hết chủ quyền về chính mình. Họ bán chủ quyền của họ cho một người khác và bổn phận của họ từ nay là hầu hạ người chủ (Đnl 15: 12). Người lãnh đạo đầy tớ (leader-servant) là người để Thiên Chúa nắm chủ quyền và bổn phận duy nhất là phục vụ Ngài và dân của Ngài.

2.     Người phục dịch (Abad): Một người từ bỏ mọi quyền lợi cá nhân để chỉ làm công việc phục dịch (Ds 18: 7, 23). Tương tự, người lãnh đạo phải hi sinh quyền lợi riêng tư và sống cho mục đích của công tác được trao phó.

3.     Người đầy tớ (Sakyir): Một người làm thuê để ăn lương (Lv 25: 39-42). Người lãnh đạo không là người ăn lương nhưng là người phục vụ vô vị lợi, bằng tất cả tài năng và thời giờ Chúa ban. Đừng bao giờ nghĩ rằng đảm đương các công tác vì hư danh hay quyền lợi. Trong thực tế, thi hành các công tác mục vụ, người lãnh đạo không nhận lương bổng và thường nghe phàn nàn và chỉ trích nhiều hơn được khen thưởng. Hãy làm vì Danh Đức Kitô và phục vụ các linh hồn.

4.     Người hầu (Sharath): Người sẽ làm những công tác của người tôi tớ để hoàn thành những mục tiêu chung (Xh 28: 35-43). Người lãnh đạo phải gắn bó với sứ mạng được giao phó.

 

Là người lãnh đạo, chúng ta phải luôn nhớ rằng mình được mời gọi để phục vụ. Nếu Thầy Chí Thánh có thể rửa chân cho môn đệ của mình như một người hầu (sarath), là môn đệ của Ngài, tại sao chúng ta lại từ chối phục vụ cho mọi người?

 


Mục Lục Quản Trị Mục Vụ
Trở Về Trang Nhà