Ngày 15: Tính Thách Đố trong Dự Kiến

 

Các ngươi sẽ đuổi kẻ thù của các ngươi, và chúng sẽ bị gươm đâm ngã gục trước mặt các ngươi. Năm người các ngươi sẽ đuổi được một trăm, một trăm người các ngươi sẽ đuổi được mười ngàn, và kẻ thù của các ngươi sẽ bị gươm đâm ngã gục trước mặt các ngươi. (Lv 26: 7-8)

 

Tiền nhân có câu: Lửa thử vàng, gian nan thử đức. Nếu cuộc sống thiếu sự thách đố hoặc thử thách, con người dễ trở nên ươn lười và thụ động. Charles Noble, một quản trị gia danh tiếng cận đại, đã phát biểu: Một dự kiến tầm xa (a long-range vision) sẽ giúp chúng ta vượt qua những bức xúc hoặc thất bại thường ngày. Nói cách khác, dự kiến sẽ giúp chúng ta tăng cường nghị lực và là động lực thúc đẩy chúng ta vượt qua những chướng ngại trong tiến trình thực hiện sứ mạng. Khả năng lãnh đạo càng cao, sự thách đố của dự kiến càng đóng vai trò quan trọng. Thiếu tính thách đố trong dự kiến sẽ làm người lãnh đạo mất đi sự khao khát thành công. Michelangelo, một nhà danh họa, đã cầu nguyện khi ông thực hiện tác phẩm cuối đời: Lạy Chúa, xin hãy giúp con biết luôn ước muốn nhiều hơn những điều con có thể thực hiện. Tham vọng của ông không gì khác hơn là duy trì dự kiến để nghị lực không bị sức khỏe làm hao mòn.

 

Người ta cho rằng chỉ những ai thấy điều không thấy (invisible) mới có thể làm điều không thể (impossible). Điều đó hoàn toàn đúng với những người lãnh đạo và lột tả trọn vẹn hai chữ dự kiến. Là người lãnh đạo, nếu chúng ta nhận ra dự kiến cho đội ngũ của mình, cơ hội các cộng sự viên thành công sẽ cao hơn nhiều, vì dự kiến định hướng cho đội ngũ và đem lại sự tự tin cho họ. Cả hai điều này đều là bí quyết thành công của các cộng sự viên.

 

 


Mục Lục Quản Trị Mục Vụ
Trở Về Trang Nhà