Ngày 23: Thay Đổi và Cộng Sự Viên

 

Ông Ca-lếp… nói: “Ta cứ lên chiếm miền ấy, vì chắc chắn ta có thể thắng được”. Những người đã cùng lên với ông đáp lại: “Ta không thể lên đánh dân ấy, vì họ mạnh hơn ta”. (Ds 13: 30-31)

 

Thay đổi là một vấn đề không phải dễ dàng trong một tổ chức. Khó nhưng không phải là không khả thi. Trong các đại công ty doanh nghiệp, việc thay đổi về nhân sự, cấu trúc, kỹ thuật, phương pháp, hay chiến lược là điều thường xảy ra. Trong các công tác mục vụ cũng vậy, thay đổi để hoàn chỉnh công tác hoặc đạt hiệu năng là điều cần làm. Điều quan trọng để thực hiện sự thay đổi là làm sao để người thụ lãnh công tác chấp nhận sự thay đổi này.

 

Là người lãnh đạo, trước khi trình bày sự thay đổi cần chuẩn bị chu đáo cho việc thay đổi như phương tiện thi hành công tác, tinh thần người thụ lãnh, những trung gian hay hạt nhân (change agent) , vv… để khi điều mình muốn trình bày được người thụ lãnh đón nhận với tâm tình cởi mở, sẵn sàng và vui vẻ. Nên trình bày thẳng thắn và trực tiếp không qua trung gian hay đánh tiếng.

 

Thông thường, tâm tình người thụ lãnh đón nhận những thay đổi nằm trong năm phạm trù sau đây:

 

1.     Chấp nhận sự thay đổi với tinh thần tích cực: Những cộng sự viên với nhiệt tình và nhiều sáng kiến thường vui vẻ đón nhận những thay đổi và thích nghi mau lẹ. Họ có thể trở nên những hạt nhân (change agent) thích hợp cho việc thay đổi trong đội ngũ.

2.     Thích nghi mau lẹ: Những cộng sự viên thích nghi mau lẹ với sự thay đổi là những người có thể dùng làm những cộng sự viên chủ yếu trong công tác, những đầu tàu trong đội ngũ, để thúc đẩy công tác hoàn thành.

3.     Thích nghi bình thường: Chiếm đa số các cộng sự viên trong đội ngũ. Những người này cần được hướng dẫn gần gũi bởi những hạt nhân hay đầu tàu (phạm trù 1 và 2).

4.     Thích nghi chậm chạp: Những cộng sự viên thích nghi chậm chạp là những người không có sáng kiến, thích sống ỷ lại vào người khác. Những cộng sự viên này nên được tái huấn luyện và cần sự nâng đỡ cũng như quan tâm đặc biệt của những hạt nhân hay đầu tàu (phạm trù 1 và 2).

5.     Từ chối thích nghi: Chỉ là thiểu số trong đội ngũ. Những người cố chấp với những gì là đã có và quá khứ. Họ mang lại nhiều vấn đề rắc rối cho đội ngũ, làm chậm bước tiến của nhiều người (nhất là những người thuộc phạm trù 3 và 4), hoặc gây hoang mang cho đội ngũ với tinh thần chống đối. Trong các công ty doanh nghiệp, họ thường là những người bị loại bỏ. Trong công tác mục vụ, người lãnh đạo nên làm việc riêng với họ trong tinh thần bác ái và vị tha. Tuy nhiên để đội ngũ vướn mình một cách tốt đẹp, họ nên được điều vào những công tác khác thích hợp với khả năng của họ thì tốt hơn.


Mục Lục Quản Trị Mục Vụ
Trở Về Trang Nhà