Ngày 16: Thái Độ Với Những Phản Ứng Tiêu Cực

 

Khi Xan-ba-lát, Tô-vi-gia và các người Ả -rập, Am-mon, Át-đốt nghe tin là công việc sửa chữa tường thành Giêrusalem tiến triển khả quan – vì các lỗ hổng bắt đầu được trám lại- chúng nổi giận đùng đùng. Cả bọn liên minh với nhau tiến đánh Giêrusalem, gây rối loạn trong thành. Chúng tôi cầu xin Thiên Chúa chúng tôi và đặt chốt canh để phòng ngự ngày đêm. (Nkm 4: 1-3)

 

Nơ-khe-mi-a đã phải tranh đấu với những vấn đề tương tự như người lãnh đạo ngày nay phải đối diện: những người phá hoại hoặc có đầu óc tiêu cực làm hỏng công việc hay gây hoang mang cho người thụ lãnh công tác. Xan-ba-lát trước hết đã diễu cợt và chế nhạo việc người Do Thái làm. Khi việc đó không có kết quả, hắn ta đã chuyển sang lối đe dọa, gài bẫy, và vận động chính trị nhằm gây bất lợi. Nhưng dưới sự lãnh đạo của Nơ-khe-mi-a, ông đã có những phản ứng cấp thời và khôn ngoan, nhằm vô hiệu hoá những hành động gây rối của Xan-ba-lát. Sau cùng, ông đã thúc đẩy công tác hoàn thành theo dự kiến.

 

Qua hành động của Xan-ba-lát, người lãnh đạo có thể học hỏi những bài học giá trị về những tấn công, sự dọa dẫm, cũng như những hình thái phá hoại khác trong công tác lãnh đạo của mình, vì thế:

1.     Luôn sẵn sàng với những phá hoại công khai hoặc ngấm ngầm.

2.     Đừng để cho những ý kiến tiêu cực hay phá hoại có cơ hội phát triển trong hàng ngũ. Hãy ngăn chặn và có phản ứng cấp thời nhằm giữ vững tinh thần đội ngũ.

3.     Hãy đặt tất cả tin tưởng nơi Thiên Chúa và làm hết sức mình.

4.     Hãy đặt trọng tâm vào chương trình hay kế hoạch đã định và đừng nhìn lại sau lưng.

Sự quyết tâm của người lãnh đạo theo chương trình đã định sẽ sớm loại trừ những dèm pha và thách đố. Điều quan trọng hơn trong lối phản ứng ấy, là tạo niềm tin tưởng nơi đội ngũ để tiến đến thành công.

 


Mục Lục Quản Trị Mục Vụ
Trở Về Trang Nhà