ĐỜI TU- BẢN TRẮC NGHIỆM CHO CON NGƯỜI THỜI NAY.

Dẫn Nhập 

Sống giữa cảnh đời tranh đua xua nịnh, thực dụng, đề cao chủ nghĩa cá nhân và lấy những giá trị trần thế làm thước, thì đời sống tu trì là một “dấu chấm hỏi” cho con người thời nay. Hơn ai hết, các tu sĩ đang làm chứng một điều trái ngược với hiểu biết và sự kiếm tìm theo lẽ thường. Khi bước vào đời tu, họ dám đánh đổi tất cả để bước theo Đức Kitô cách triệt để hơn; đồng thời kiến tạo một cuộc sống thanh thoát, tự do và hiệp nhất. Đàng khác, sự hiện diện của họ đã toát lên lời chứng hùng hồn: thế gian này chưa phải là tất cả, nhưng còn đó hạnh phúc vĩnh cữu mà Thiên Chúa đang gọi mời.

Vậy để phần nào hiểu rõ hơn giá trị đời tu trong lòng thế trần hôm nay, chúng ta cùng nhau tìm hiểu một vài điểm chính yếu dưới đây:

         1.   Sự Tự Do Của Con Cái Thiên Chúa

Khi đề cập đến tự do, nhiều người đưa ra vấn nạn: trong đời tu có tự do không? Bởi vì, khi vâng phục, người tu sĩ trao cho người khác ý chí, sự tự do và cả những ước muốn, kế hoạch đời mình; trong khi tự do lại đề cao quyền tự chủ, tự quyết về tương lai và vận mệnh cuộc đời.

Xét trên bình diện con người, vâng phục có thể là “rào cản” của tự do. Qua vâng phục, tôi đã bị người khác “đóng khung” trong ý muốn của họ và dẫn dắt đời mình ngược với kế hoạch có sẵn. Tuy nhiên, trong ánh sáng đức tin, tự do và vâng phục là hai nhân tố bổ túc cho nhau; tuân phục hoàn hảo là tuân phục có ý thức và tự nguyện hoàn toàn theo mẫu gương Đức Kitô. Thánh giáo hoàng Gioan Phaolô II cho ta hiểu rõ hơn về ý tưởng này: “Khởi đi từ mầu nhiệm Chúa Kitô, đức vâng phục chứng minh rằng vâng phục và tự do không mâu thuẫn nhau. Thật vậy, thái độ của Chúa Con cho thấy rằng mầu nhiệm về sự tự do của con người là con đường vâng phục ý muốn Chúa Cha, và mầu nhiệm vâng phục là con đường chinh phục từng bước sự tự do chân thật[1].

Chúng ta được kêu gọi để thuộc về Đức Kitô (x. Rm 1, 6); cho nên, sự tự do đích thực chỉ có trong Ngài mà thôi (x. Gl 2, 4). Đó là sự tự do của con cái Thiên Chúa: sự tự do vượt lên trên biên cương hạn hẹp của đố kỵ, tranh đua để sống chiều kích yêu thương. Sự tự do này là một lực đẩy giúp người tu sĩ trưởng thành và phát huy những năng lực bản thân để phục vụ cho nhu cầu cộng đoàn và Giáo Hội. Linh mục Quirico đã nói: “Sự tự do mà con cái Thiên Chúa được hưởng là sự tự do để yêu thương... Như là những con cái Thiên Chúa, họ tuyên hứa công khai để yêu thương trong sự tự do của Thần Khí[2].

Có thể nói, sự tự do đích thực không khởi đi từ những việc làm theo cảm hứng hay qui hướng về mình, nhưng cần được đặt trong khuôn phép và mở ra phục vụ tha nhân. Bởi đó, để đạt được sự tự do này, người tu sĩ phải chấp nhận chết đi tính kiêu căng, phá đổ những bức tướng của đa nghi và can đảm bước vào lối dẫn của yêu thương, tin tưởng và phó thác. Dĩ nhiên, nó cũng là lối dẫn tới tự do thực sự, và làm cho đời thánh hiến thêm mặn nồng tình Chúa, ấm áp tình người. Hơn nữa, sự tự do mang lại cho đời tu giá trị và ý nghĩa đích thực, vì từ đây, họ không còn chiều theo ý mình nhưng tín trao đường đời cho Chúa để được uốn nắn, thanh luyện nên khí cụ hữu hiệu như lòng Chúa mong muốn và niềm đợi trông của người khác.

2.  Tinh thần Hiệp Thông

Xây dựng cộng đoàn hiệp nhất và yêu thương là ước mong của những ai sống đời thánh hiến. Sự hiệp nhất là nhịp cầu nối kết đôi bờ của sự khác biệt để giải quyết những bế tắc và khắc phục những giới hạn.

Sự hiệp nhất mà người thánh hiến tìm kiếm và nỗ lực kiến tạo là sự hiệp thông khởi đi từ Thiên Chúa. Trong Đức Kitô, mỗi người là con cái Thiên Chúa; vì có cùng “huyết thống”, nên họ luôn là anh chị em của nhau (x. Gl 3, 27). Dĩ nhiên, sự hiệp thông này không thể loại bỏ vai trò của Chúa Thánh Thần. Dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, các đặc sũng, các việc phục vụ hay hoạt động tông đồ, tuy khác nhau về cách thức nhưng có chung tâm điểm là Thiên Chúa, qua Đức Giêsu Kitô (x. 1Cr 12, 4- 6). Như vậy, sự hiệp nhất của người kitô hữu, cách riêng của người tu sĩ được khởi đi từ nguyên lý hợp nhất giữa Ba Ngôi Thiên Chúa.

Một dấu chỉ biểu lộ rõ nét sự hiệp nhất là cùng nhau cầu nguyện và thanh dự Bàn Tiệc Thánh. Ở đây, mỗi người được nuôi dưỡng bằng Lời Chúa và Thánh Thể như nguồn mạch và chóp đỉnh của hiệp thông. Họ quyên đi những lỗi lầm để tha thứ, bao dung và sống vì nhau. Thánh giáo hoàng Gioan Phaolô II đã trình bày về điểm này trong Thông điệp Vita Conserata: “Nhờ yêu thương nhau giữa các thành viên trong cộng đoàn, một tình yêu được nuôi dưỡng bằng Lời Chúa và Thánh Thể, được tinh luyện bằng bí tích hòa giải, được nuôi dưỡng bằng lời cầu nguyện cho sự hiệp nhất, là ân huệ mà Chúa Thánh Thần trao ban cho những ai biết lắng nghe và vâng theo Tin Mừng. Rõ ràng chính Người, Chúa Thánh Thần dẫn đưa tâm hồn vào sự hiệp thông với Chúa Cha và với con  của Người, Đức Giêsu Kitô, sự hiệp thông này là nguồn mạch của tình yêu huynh đệ[3].

Nhờ siêng năng tham gia dự bàn tiệc Lời Chúa và Thánh Thể, người tu sĩ đang mặc lấy tâm tình Đức Kitô (x. Pl 2, 5). Qua đó, mỗi người có được niềm phấn khởi tâm hồn, liên kết chặt chẽ trong tình yêu, đạt tới sự thông hiểu phong phú và nhận biết mầu nhiệm Thiên Chúa (x. Cl 2, 2). Đồng thời, cuộc sống họ hiện tại hóa mầu nhiệm tự hủy của Đức Kitô, Đấng vốn giàu sang đã trở nên nghèo, để lấy cái nghèo của mình mà làm cho anh em trở nên giàu có (x. Pl 2, 6- 11).

Hai yếu tố căn bản sau giúp xây dựng cộng đoàn hiệp thông:

*  Đối Thoại

Đối thoại là nhịp cầu đi đến với tha nhân, hầu lấp đầy khoảng trống gây ngăn cách giữa người với người. Trong đối thoại cần cởi mở, vượt thắng cảm xúc, thiên kiến, đồng thời kiên nhẫn lắng nghe để lãnh hội những quan điểm của người khác và bình thản đón nhận những góp ý chân thành. Đối thoại để hiểu nhau, nên loại trừ tham vọng chinh phục người khác. Qua đối thoại, người ta có thể vượt qua được một số bất đồng chính kiến và đi đến đồng thuận. Nhờ đó, những xác tín, lập trường và những bản sắc riêng không còn là khó khăn mà là điều cần thiết để có đối thoại thật sự. Họ cản đảm chấp nhận đặt lại những xác tín riêng, dám biến đổi cuộc sống hiện tại và khả năng thay đổi cuộc đời.

*  Thái Độ Bao Dung

Bao dung đích thực không đồng nghĩa với thụ động hay dễ dãi. Nó cũng không phải là làm ngơ trước sự dữ, vì sợ biểu lộ lập trường hay muốn “nín thở qua cầu”. Bao dung đòi hỏi phải có thái độ trung thực, biết đánh giá sự việc trong tinh thần yêu thương và xây dựng. Thật ra, bao dung làm cho mỗi người dám sống chết bới những xác tín của mình, nhưng cũng làm những gì có thể để người khác sống chết với những xác tín của họ. Đồng thời, nó giúp mỗi người biểu lộ sự trân trọng, cảm thông, quan tâm tới lối sống và nếp nghĩ của của người khác.

Quả thật, hiệp thông nhưng không đánh mất căn tín và nét độc đáo của mình: tôi vẫn là tôi, với những đặc nét tiêng mà Thiên Chúa đã ban, nhưng cũng dành chỗ cho những “nốt nhạc” khác. Sự hiệp thông trong đời tu không mang tính cào bằng hay đồng loạt như khuôn đúc. Đúng hơn, đó là một nối kết với tình yêu Thiên Chúa để cùng nhau xây dựng cuộc sống chung ngày thêm an hòa và thăng tiến.

3 Nhiệm Cục Cánh Chung

Đời sống của những ai đặt niềm tin vào Đức Kitô đều có chung một ước nguyện: cùng với con cái Thiên Chúa chung hưởng phúc vinh quang.

Thế nhưng Friedrich Nietzshe, một triết gia vô thần đã nói lên một ý nguyện trái ngược: “Chúng tôi không muốn bước vào Nước trời. Chúng tôi đã trở thành con người, và vì thế điều chúng tôi muốn là vương quyền ở dưới đất[4]. Friedrich Nietzshe muốn thiết lập một vương quốc vắng bóng Thiên Chúa, trong đó con người làm chủ và hành xử những gì mình muốn. Do đó, niềm tin vào Thiên Chúa và sự sống đời sau được xem như một cản trở. Đức thánh cha Bênêđictô XVI đã nói lên tâm ước của con người thời đại là đặt mình trên những giá trị trần thế, nhưng lại lãng quyên cuộc sống mai hậu. Ngài nói: “Có lẽ nhiều người không muốn có đức tin chỉ vì đối với họ cuộc sống đời đời không phải là giá trị cần phấn đấu để đạt được. Họ không muốn sự đời đời, nhưng muốn cuộc sống hiện tại, và niềm tin vào sự sống đời đời xem ra như một rào cản[5].

Giữa một thế giới lấy các giá trị trần thế làm thước đo, thánh Phaolô mời gọi tín hữu cần khơi dậy, điều hướng cuộc đời bằng một cái nhìn đúng và rộng. Bởi vì, là kitô hữu, họ không thể dừng lại ở mức thang mà thế gian đang chọn lựa, nhưng hướng tới một lý tưởng cao đẹp và vững bền hơn; đó là nguồn ơn cứu độ được thực hiện nơi Đức Kitô. Ngài xác quyết: “Nếu chúng ta đặt hy vọng vào Đức Kitô chỉ vì đời này mà thôi, thì chúng ta là những kẻ đáng thương hơn hết mọi người” (1Cr 15, 19). Trong Đức Kitô, mỗi người nhận được một sự sống mới, một sự tái táo mới. Nhờ phép rửa, người tín hữu đã chết đối với tội lỗi, và nay sống cho Thiên Chúa. Như vậy, theo thánh nhân, phép rửa đã thiết lập quyền “sở hữu” của Đức Kitô trên con người. Cho nên, ơn cứu độ của con người không gì hơn là được tháp nhập vào Đức Kitô, Đấng đã tiêu diệt tội lỗi và thần chết: “Người đã chết, là chết đối với tội lỗi và một lần là đủ. Nay Người sống là sống cho Thiên Chúa” (Rm 6, 10).

Với niềm xác tín vào ơn cứu độ của Thiên Chúa được thể hiện trong Đức Kitô, người tu sĩ sẽ dễ dàng vượt qua những ngõ cụt của cái nhìn hạn hẹp, chắp cho mình đôi cánh của niềm tin và tình yêu để vươn tới chân trời hạnh phúc mà Thiên Chúa đang gọi mời. Điều mà người tận hiến chờ đợi không chỉ những thành quả của công việc, nhưng một cái gì đó cao quí mà họ đang khát khao kiếm tìm: tình yêu Thiên Chúa và sự chân thành đối với anh chị em. Nhờ đó, họ cùng chung chia niềm vui nỗi buồn trong cuộc sống và xây đắp một khung trời yêu mến.

Dĩ nhiên, người tu sĩ không sống trong ảo mộng khi đặt hy vọng vào cuộc sống mai hậu mà quyên đi những gì mình đang chung đụng, đối diện. Có lẽ, họ sống giữa thế gian, cho thế gian nhưng không thuộc về thế gian, hầu kiến tạo thế giới này ngày một tươi vui, an hòa và hạnh phúc. Cách ngắn gọn, người tu sĩ đang muốn xây dựng “một thiên đàng tại thế” bằng chính ơn gọi, khả năng và bậc sống của mình.

Kết Luận

Có thể nói, đời sống chứng nhân không phải là một lâu đài cố thủ để bảo vệ “của hồi môn” mà cha ông truyền lại. Tiên vàn, nó là lối dẫn mỗi người đến với nhau và cùng nhau đến với Thiên Chúa. Điều này mang lại cho mỗi thành viên niềm hưng phấn khả dĩ giúp họ vượt lên trên những lỗi lầm sa ngã, bởi vì, họ cảm nhận được bàn tay dắt dìu của Thiên Chúa và sự gần gũi của anh chị em.

Hơn nữa, chính tình yêu Thiên Chúa đã đưa họ lên một tầm mức cao: Thiết lập mối tương giao với Thiên Chúa, được đi vào trong quĩ đạo tình yêu của Ngài, được trở nên nghĩa tử và đồng thừa kế với Đức Kitô (x. Rm 8, 15- 17). Nơi Ngài, con người được giao hòa với Thiên Chúa, bắt gặp được ánh mắt yêu thương của Ngài. Nhờ đó, mỗi người can đảm tiến bước trong tin yêu, không ngừng xây dựng nhân thế ngày một thắm đượm tình Chúa và dạt dào tình người, để cuộc đời họ trở thành lời ngợi ca vinh quang Chúa giữa lòng thế trần hôm nay.

 

        Montfort Nguyễn Xuân Pháp CT



[1] Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Tông Huấn Vita Conserata, ban hành ngày 25/03/1996, số 91.

[2] Lm. Quirico T. Pedregosa Op, Tình Yêu Chính Là Sứ Vụ, Nt Anna Nguyễn Thị Ngọc Diệp Op dịch, Nxb: Tôn Giáo Hà Nội, năm 2012, tr 151.

[3] Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Tông Huấn Vita Conserata, ban hành ngày 25/03/1996, số 42.

[4] Giáo Trình Triết Học Hiện Sinh, tr 54.

[5] Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI, Thông Điệp Spe Salvi, ban hành ngày 30/11/2007, Lm.Aug Nguyễn Văn Trinh dịch, số 10.


Năm Đời Sống Thánh Hiến