Đời Sống Tâm Linh: Những Hình Thức Tu Trì Sơ Khởi (2)

(daminhvn.net) 20/12/2014

PHẦN THỨ NHẤT

LỊCH SỬ CÁC HÌNH THỨC TU TRÌ

***

I. THỜI GIÁO PHỤ

***

Chương Một

NHỮNG HÌNH THỨC SƠ KHỞI

***

MỤC 2

ĐỜI TU TRÌ THỜI TÂN ƯỚC

 Trong lịch sử Kitô giáo, không thiếu ý kiến muốn nhận Đức Maria như là tu sĩ đầu tiên, mẫu gương cho kẻ khiết tịnh, khó nghèo, vâng lời; ý kiến khác thì cho rằng các tu sĩ đầu tiên là các môn đệ (tông đồ) đã từ bỏ tất cả để đi theo Chúa Kitô; và thậm chí có người khẳng định rằng chính Đức Kitô mới là tu sĩ tiên khởi. Dĩ nhiên, không thể nào tránh được cuộc tranh luận giữa ba ý kiến đó. Nhưng còn một cuộc tranh luận còn gay gắt hơn nữa, có thể phát biểu như sau: Chúa Giêsu có ý định thành lập hàng ngũ tu sĩ trong Hội thánh không?

I. VẤN NẠN

Câu hỏi vừa nêu phản ánh một cuộc tranh biện sôi nổi trong thế kỷ XX, giữa hai lập trường trái nghịch.

- Lập trường thứ nhất cho rằng Chúa Giêsu muốn cho tất cả mọi người nên trọn lành (Mt 5,48). Ngài chẳng có ý định thiết lập một thứ phân chia giai cấp trong Hội thánh giữa những người Atrọn lành@ và những người Akhông trọn lành@. Toàn thể Phúc âm được dành cho tất cả mọi tín hữu. Đời sống tu trì ra đời do một hoàn cảnh lịch sử của Giáo hội vào thế kỷ III, chứ không nằm trong ý định của Chúa Giêsu.

- Lập trường thứ hai cũng chấp nhận rằng Chúa Giêsu ước muốn cho hết mọi người nên trọn lành (Mt 5,48). Tuy vậy, ai thực sự muốn nên trọn lành thì phải khước từ tài sản gia đình để đi theo Chúa (Mt 19,21). Do đó, các tu sĩ mới thực sự là đồ đệ chân chính của Chúa.

Thành thực mà nói, ta có thể gặp thấy lập trường thứ hai trong nhiều sách thần học tu đức công giáo trước công đồng Vaticanô II; còn lập trường thứ nhất chỉ lưu hành nơi ông Martin Lutherô và các giáo hội Tin lành (tại đây không có hàng ngũ tu trì). Hồi trung tuần thế kỷ XX, lập trường này cũng được các phong trào giáo dân bên Công giáo ủng hộ, bởi vì muốn thúc đẩy các giáo dân dấn thân trong hoạt động tông đồ cũng như trong nếp sống thánh thiện.

Công đồng Vaticanô II đã tìm cách trả lời cho các vấn nạn vừa nói, cách riêng ở chương Năm của Hiến chế tín lý về Hội thánh. Công đồng khẳng định rằng tất cả mọi tín hữu đều được thúc gịuc nên thánh qua việc thực hành đức ái: sự trọn lành thánh thiện là một ơn gọi nhắm tới tất cả mọi tín hữu, chứ không dành riêng cho các tu sĩ. Tuy nhiên, có nhiều đường lối nên thánh khác nhau, tùy theo nếp sống riêng: giáo sĩ, giáo dân, tu sĩ, người độc thân, kẻ goá bụa, vv. Chúa Giêsu không có ý định thiết lập một hàng ngũ tu trì theo kiểu tương tự như khi thiết lập hàng ngũ tông đồ và bí tích Thánh Thể. Tuy nhiên, Hội thánh có nhiệm vụ thông truyền cho nhân loại gia sản đã nhận được do Chúa Giêsu: Lời của Chúa, Mình Chúa, và lối sống của Chúa. Lối sống của Chúa cần được duy trì cho đến muôn đời nhờ chứng tá của đời sống thánh hiến qua ba lời khuyên Phúc âm. Hiểu như vậy ta có thể nói là đời sống tu trì bắt nguồn từ chính Chúa Giêsu, nghĩa là bắt nguồn từ chính lối sống của Ngài (xc. HT 44).

Như vậy ta thấy có sự thay đổi lớn trong phương pháp giải thích Kinh thánh.

- Trước đây, người ta tìm cách trích dẫn một câu nói của Chúa Giêsu để chứng minh nguồn gốc đời tu trì, điển hình là câu trả lời cho người thanh niên giàu có: ANếu anh muốn nên trọn lành, anh hãy về nhà, bán hết những gì anh có, phân phát cho người nghèo, và anh sẽ được kho tằng trên trời. Rồi anh hãy đến đây đi theo tôi@ (Mt 19,21). Câu nói này hàm ngụ một lời khuyên mời, dành cho những người tình nguyện (Anếu anh muốn@), chứ không bắt buộc.

- Ngày nay, người ta không muốn dừng lại ở một câu tuyên bố lẻ tẻ, nhưng nhằm đến toàn thể cuộc sống. Đời sống tu trì muốn hoạ lại nếp sống của Chúa Giêsu. Đây là một nghĩa vụ đòi hỏi cho tất cả các môn đệ của Chúa. Tuy vậy, khi đọc kỹ Phúc âm, chúng ta thấy có nhiều đường lối khác nhau để làm môn đệ Chúa. Có những người được mời gọi hãy từ bỏ tất cả mọi sự, kể cả gia đình tài sản, để họp thành một gia đình mới của Chúa Giêsu, dấn thân cho việc loan báo Tin mừng và thi ân giáng phúc cho đồng loại. Đó là nhóm 12 tông đồ, nhóm 72 môn đệ, nhóm một vài phụ nữ được nói đến ở Luca 8,2-3 và Mc 15,41. Mặt khác, không phải tất cả các môn đệ của Chúa đều được yêu cầu khước từ gia đình và tài sản (chẳng hạn như: hai chị em Martha và Maria, ông Giuse Aritmathea, ông Nicôđêmô), nhưng không vì thế mà họ không phải là môn đệ chân chính.

Tất cả mọi người đều phải yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn (xc Mt 22,35); nhưng không phải tất cả mọi người đều được mời gọi hãy bán hết cơ nghiệp để theo Chúa. Ông Matthêu được gọi hãy từ bỏ nghề nghiệp thu thuế để đi theo Chúa (Mt 9,9-13; Mc 2,13-17; Lc 5,27-32); còn ông Dakêô thì chỉ được yêu cầu hãy biết sử dụng tiền bạc hợp với công lý, chứ không phải khước từ hết cơ nghiệp.

II. MẪU GƯƠNG

Thực ra, khi tìm hiểu Anền tảng Kinh thánh@ của đời tu trì ta có thể nhận thấy hai lối tiếp cạnh khác nhau, (hoặc có thể nói là hai phương pháp sử dụng Kinh thánh). 

- Lối thứ nhất là tìm hiểu những bản văn biện minh cho một hàng ngũ những người tình nguyện từ bỏ mọi sự để theo Chúa. Đây là lối tiếp cận trong thần học tín lý khi bàn về nguồn gốc các bí tích, nguồn gốc chức tư tế thừa tác, nguồn gốc quyền tối thượng của vị kế vị thánh Phêrô.

- Lối thứ hai là tìm hiểu xem xưa nay những đoạn Kinh Thánh đã gợi hứng cho các tín hữu muốn hiến dâng trót đời cho Thiên Chúa. Lối tiếp cận này phong phú hơn nhiều, mà ta tạm đặt tên là Anoi theo mẫu gương@, với những khuôn mẫu chính là: Chúa Giêsu, các môn đệ, các Kitô hữu tiên khởi.

A. Mẫu gương của Chúa Giêsu.

Xưa nay đã từng có biết bao nhiêu tín hữu nhìn ngắm tấm gương của Chúa Giêsu trong Phúc âm, và họ cố gắng hoạ lại trong đời mình. Có thể là tấm gương của thơ nhi yếu ớt tại Belem; tấm gương của kẻ ẩn dật 30 năm trường ở Nadaret; tấm gương của người đi rao giảng Tin mừng; tấm gương của người đi tiếp xúc với hết mọi thành phần xã hội, cách riêng những kẻ sống bên lề, bị ruồng bỏ hất hủi; tấm gương của kẻ rút vào nơi cô tịch để cầu nguyện; tấm gương của kẻ hiền lành, nhẫn nhục, không đi tìm danh vọng chức quyền; tấm gương của kẻ phó thác cho Cha trên trời; tấm gương của kẻ hy sinh mạng sống, chịu chết thay cho tha nhân. Chúng ta sẽ còn có dịp trở lại điểm này khi phân tích tông huấn Đời sống thánh hiến (chương 12).

B. Mẫu gương của cộng đoàn tiên khởi

Ngoài tấm gương chính bản thân Chúa Giêsu Thầy chí thánh, nhiều tín hữu cũng tìm cách học hỏi cách thức đi theo Chúa ở nơi các môn đệ ưu tuyển của Ngài.

1/ Người môn đệ hoàn hảo hơn cả là Đức Mẹ Maria, người thân mẫu đã muốn trở thành kẻ thụ huấn lắng nghe lời Chúa (xc Lc 11,27-28). Người là tấm gương cho kẻ nghiền ngẫm lời Chúa (xc Lc 2,19.51), sẵn sàng để cho Lời Chúa hướng dẫn, kể cả vào những lúc thử thách cam go. Người là tấm gương cho kẻ tin (xc Lc 1,45). Người đã đón nhận Thiên Chúa vào cung lòng và trở thành đền thờ sống động của Thánh Linh. Các kẻ tận hiến cho Chúa cũng muốn đưa Người về ở với mình, theo như lời ký thác của Chúa Giêsu trên thập tự (xc Ga 19, 27). Trên thực tế, Mẹ đã hiện diện với cộng đoàn tín hữu tại Giêrussalem, cùng cầu nguyện với họ để khẩn nài Thánh Linh ngự đến (xc Cv 1,13-14).

2/ Các thánh tông đồ cũng trở thành tấm gương của những kẻ từ bỏ mọi sự để đi theo Chúa (Mc 1,16-20). Hơn thế nữa, họ đã ở lại sống bên cạnh Chúa, họp thành một gia đình mới của Chúa (Mc 3,13-15. 32-35). Trong số các tông đồ, thánh Phaolô đã nổi bật về lòng gắn bó với Chúa Kitô, sống chết cho Chúa, hăng say phục vụ rao giảng Tin mừng ngõ hầu mọi người được biết Chúa.

3/ Cộng đoàn tiên khởi ở Giêrusalem đã trở thành nguồn hứng khởi cho nhiều bản luật đan tu cổ điển. Đời tu trì được hình dung như là nỗ lực tái lập cộng đoàn Giêrusalem, được thuật lại ở đầu sách Tông đồ công vụ (2,42-47; 4,32-35; 5,12-16). Tất cả các phần tử chia sẻ với nhau niềm tin vào lời giảng của các thánh tông đồ; họ cùng nhau tham gia việc cầu nguyện và bí tích Thánh Thể; tình đoàn kết huynh đệ đưa đến việc đặt hết tài sản làm của chung.

Tóm lại, thật khó vạch ra một mối liên hệ chặt chẽ giữa các hình thức tu trì hiện nay với hình thức tu trì vào thời nguyên thuỷ. Nhưng đó là xét dưới phương diện nguồn gốc lịch sử; nhưng nếu xét về nguồn hứng khởi, thì phải nhận rằng trải qua nhiều thế hệ, các tu sĩ không ngừng nghiền ngẫm Tân ước để tìm cho mình một khuôn mẫu cho cuộc sống.

Lm. Giuse Phan Tấn Thành, OP.

 


Năm Đời Sống Thánh Hiến