PHÂN ĐỊNH THẦN KHÍ TRONG ĐỜI TU

BÀI: SỐ 02

Jos. Vinc. Ngọc Biển

(tiếp theo)

  1. Phân định là gì? Và, phân định như thế nào?

2.1.      Phân định là gì?

Trước khi nói đến phân định theo nghĩa siêu nghiệm, siêu linh..., ta nên nói qua về những phân định trong cuộc sống thường ngày của con người, để thấy được ngay trong đời sống tự nhiên, chúng ta cũng đã rất cần đến sự phân định, hầu qua đó, người thực hành sự phân định thấu cảm được những điều đang diễn ra là gì, như thế nào và phải ứng xử sao...?

·                Phân định trong cuộc sống tự nhiên

Khi nói đến phân định tự nhiên, người ta có thể hiểu một cách rất đơn giản là một sự phân biệt. Khi phân biệt, người ta phải chia mọi sự cách rạch ròi.[1] Hay trong cuốn từ điển “American college dictionnary”, định nghĩa như sau:

Phân định chính là việc: 1) “nhận thấy bằng mắt hoặc bằng một giác quan nào khác...; 2) phân biệt bằng trí tuệ, nhận ra sự khác biệt coi như tách biệt nhau; phân biệt”.[2]

Như vậy, nếu hiểu phân định trong đời sống thuần túy tự nhiên thì một người bình thường, ngang qua cuộc sống, họ có thể phân định được một số thực tại gắn với những sinh hoạt và diễn tiến ngang qua không gian và thời gian trong hiện tại hoặc viễn cảnh nơi tương lai như:

Nếu xét theo góc độ phẩm và lượng thì cần phải phân định giữa: tốt - xấu; thành công - thất bại; thuận - nghịch; thiện - ác...;

Hay qua trạng thái giữa: vui - buồn; sướng - khổ; hạnh phúc – bất an...;

Hoặc nơi giác quan giữa: cao - thấp; núi - biển; khô – cạn; trái - phải; trắng - đen; vàng - đỏ; xanh - tím...;

Qua khứu giác và vị giác: thơm - thối; mặn - nhạt; ngọt - bùi; cay – đắng...;

Như những gì đã phân tích, thì ngang qua việc phân định tự nhiên, nó giúp cho ta thấy, cảm, thấu và biết được thực tại của những thứ cần phân định theo nghĩa đen.

Còn khi phân định theo ý nghĩa Siêu Nhiên, tất nhiên nó không chỉ dừng lại theo nghĩa thực dụng, hiện sinh, mà đôi lúc, nó vượt ra xa, hay lên trên những thực tại trần thế để biểu cảm hay hướng con người đến một điều gì đó toàn thiện hơn cái đã có..., ta gọi nó là phân định thiêng liêng.

·                Phân định trong cuộc sống siêu nhiên

Khi nói đến phân định thiêng liêng, tức là một sự phân định mang tính Siêu Việt, thì thánh Phaolô chỉ ra sự cẩn trọng và nhắc nhở: “Anh em đừng có rập theo đời này, nhưng hãy cải biến con người anh em bằng cách đổi mới tâm thần, hầu có thể nhận ra đâu là ý Thiên Chúa: cái gì là tốt, cái gì đẹp lòng Chúa, cái gì hoàn hảo” (Rm 12,2). Theo lời răn dạy của thánh nhân, chúng ta hiểu được rằng: nếu muốn để sự phân định của chúng ta được diễn ra trong sự tương hợp của Thiên Ý, tức là để Ý Chúa được nên trọn thì người phân định phải luôn luôn thoát ra khỏi những gì là trần thế và phải thay đổi cách nhìn mới, không thể theo nhãn quan và trí tưởng thuần túy của con người!

Lúc khác, thánh Phaolô lên tiếng nhắc nhở cho những ai theo ý chủ quan và phóng chiếu ý mình thay ý Chúa, ngài nói:“Vì thế, anh em đừng hóa ra ngu xuẩn, nhưng hãy tìm hiểu đâu là ý Chúa. Chớ say sưa rượu chè, vì rượu chè đưa tới trụy lạc, nhưng hãy thấm nhuần Thần Khí” (Ep 5,17 - 18).

Như thế, để sự phân định được tốt, người thực hành sự phân định cần siêng năng đón nhận ý Chúa nơi đời sống cầu nguyện, để nhờ đó, sự Khôn Ngoan của Thiên Chúa chiếu dọi vào trong tâm trí, thấm vào trái tim và toát ra qua hành động của người phân định, để: “... anh em sẽ sống được như Chúa đòi hỏi, và làm đẹp lòng Người về mọi phương diện, sẽ sinh hoa trái là mọi thứ việc lành, và mỗi ngày một hiểu biết Thiên Chúa hơn” (Cl 1, 10).

2.2.      Phân định Thần Khí (thần khí) như thế nào?

Khi nói đến phân định Thần Khí (thần khí), cha E. Malatesta, dòng Tên đã đưa ra định nghĩa:

“Qua từ ‘phân định Thần Khí (thần khí)’, người ta hiểu đó là tiến trình, qua đó, chúng ta xem xét, dưới ánh sáng của đức tin và trong đó tương hợp của đức ái, bản chất của những tâm trạng thiêng liêng mà chúng ta cảm thấy nơi chính mình và được người khác cảm nhận. Mục đích của việc xem xét ấy là xác định, trong chừng mực có thể được, đâu là những tâm trạng đưa dẫn chúng ta đến với Thiên Chúa để phục vụ Người và tha nhân trong một sự toàn thiện lớn hơn, và đâu là những tâm trạng đưa đẩy chúng ta đi xa mục đích đó”.[3]

Chính Đức Giêsu, Ngài cũng nhắc nhở các môn đệ khi phân định cần phải biết được nguyên nhân căn bản, vì qua đó, nó giúp cho chúng ta biết được cái “gốc” nảy sinh vấn đề: “Cứ xem họ sinh hoa quả nào, thì họ biết họ là ai. Ở bụi gai, làm gì có nho mà hái? Trên cây găng, làm gì có vả mà bẻ? Nên hễ cây tốt thì sinh quả tốt, cây xấu thì sinh quả xấu. Cây tốt không thể sinh quả xấu, cũng như cây xấu không thể sinh quả tốt. Cây nào không sinh quả tốt, thì bị chặt đi và quăng vào lửa. Vậy, cứ xem họ sinh hoa quả nào, thì biết họ là ai”(Mt 7, 16-20).

Qua bản văn Kinh Thánh trên, Đức Giêsu muốn cho các môn đệ phải tỉnh táo để không bị mắc lừa qua những lời lẽ văn hoa, chữ nghĩa, sáo rỗng, phỉnh bịp... Ngài căn dặn các ông phải cẩn trọng trước mọi vấn đề và buộc phải làm một cuộc trắc nghiệm để sự phân định không bị rơi vào tình trạng hồ đồ, nóng vội, chủ quan...

Còn theo thánh Phaolô, ngài phân biệt đâu là sự tác động của Thần Khí tốt và đâu là thần khí xấu. Theo ngài thì: Thần Khí Thiên Chúa sẽ làm tác sinh điều thiện hảo. Thần khí của ma quỷ hay của con người thì tác động và đẩy đưa người chịu ảnh hưởng đến chỗ xấu xa, trụy lạc, tội lỗi... Thánh nhân cũng đưa ra những đặc tính của Thần Khí Thiên Chúa, cũng như những đặc điểm của thần khí ma quỷ và con người, để dễ nhận diện, hầu giúp cho việc phân định đạt được kết quả tốt, thoát ra khỏi tình trạng mất tự do hoặc bị lệ thuộc, nô lệ, vụ luật..., ngài viết: “Nếu anh em để cho Thần Khí hướng dẫn, thì anh em không còn lệ thuộc Lề Luật nữa. Những việc do xác thịt gây ra thì ai cũng rõ, đó là: dâm bôn, ô uế, phóng đãng, thờ quấy, phù phép, hận thù, bất hòa, ghen tương, nóng giận, tranh chấp, chia rẽ, bè phái, ganh tỵ, say sưa, chè chén, và những điều khác giống như vậy [...]. Còn hoa quả của Thần Khí là: bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hòa, tiết độ. Không có luật nào chống lại những điều như thế. Những ai thuộc về Ðức Kitô Giêsu thì đã đóng đinh tính xác thịt vào thập giá cùng với các dục vọng và đam mê” (Gl 5, 16-24).

Sang cuối Thập Niên XIX, khi Thánh Công Đồng Vaticanô II xuất hiện, trong Hiến Chế “Gaudium Et Spes”, các Nghị Phụ cũng nói đến hạn từ phân định Thần Khí (thần khí) trong thời đại hôm nay, ngõ hầu mở ra một cái nhìn phong phú mang tính “thời đại” để hợp với thời cuộc hơn.

Vì thế, các Nghị Phụ đã đưa ra những nhận định và nhấn mạnh đến tính cộng đồng, tức là biết nhận ra những “dấu chỉ thời đại”, qua việc nhạy bén, yêu mến và trung thành với việc lắng nghe tiếng Chúa trong các truyền thống, phong tục, tập quán, các nền văn hóa, cũng như các tôn giáo chân chính… của mọi dân tộc. Đàng khác, Hiến Chế còn xác nhận “Lương Tâm” của mỗi người cũng chính là nơi Thiên Chúa ngỏ lời cá biệt, riêng tư cách thân tình và chắc chắn nhất: “Tiếng nói của Lương Tâm luôn luôn kêu gọi con người phải yêu mến và thi hành điều thiện cũng như tránh điều ác. Tiếng nói ấy âm vang đúng lúc trong tâm hồn của chính con người: hãy làm điều này, hãy tránh điều kia”.[4]

Như vậy, Công Đồng xác định thêm rằng: nơi những gì tồn tại và phát triển gắn liền với không gian và thời gian nhất định, mà hệ quả của chúng không nghịch với đức tin của Giáo Hội, thì hẳn đó là một trong những cơ hội tốt cần khám phá và như một điều kiện thuận lợi giúp góp phần đưa chúng ta đến sự phân định đúng đắn và phong phú, hầu đáp ứng được những nhu cầu, tâm lý và sở thích của con người thời đại mà không sợ xa rời đức tin Công Giáo. Nhưng ngược lại, qua đó, nó làm cho đời sống đức tin của chúng ta được dồi dào, phong phú và đa dạng. Tuy nhiên, để đạt được điều tốt lành trên, thì vai trò của “Lương Tâm” là điều tối quan trọng, bởi vì: qua tiếng nói “Lương Tâm”, người ta có thể nhận ra điều xấu và tốt; điều gì nên làm và nên chọn, cũng như điều gì không nên làm và chọn thì phải loại trừ.

Như vậy, ta có thể hiểu một cách giản lược về việc phân định chính là: một hành vi nhận thức, phân biệt, phán đoán khi chính bản thân đối diện với một tình huống đặc thù, thời điểm nhất định, đối tượng cụ thể nào đó và đòi ta phải chọn lựa nên hay không nên; đón nhận hay khước từ; và, làm thế nào!

Người nắm giữ vai trò linh hướng cho cá nhân hay một nhóm người; đảm nhận trách nhiệm đồng hành cho một hoặc nhóm đối tượng cùng lý tưởng; nghề nghiệp..., thì cần phải có sự phân định rất khôn ngoan, sáng suốt để giúp cho chính bản thân và người (nhóm người) mà ta đang giúp vượt ra khỏi sự hỗn mang của tư tưởng hay hành vi, hầu đạt tới sự thống nhất xác hồn theo chiều hướng thuận.  

Tắt một lời: muốn đạt được một sự phân định tốt, phải lấy Chúa làm trung tâm, căn cốt, tất yếu và phải ngoan ngùy theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Tác động đó được mặc định qua “Lương Tâm” chân chính; đồng thời cũng phải nhạy bén với các “dấu chỉ của thời đại”.

Được vậy, mới hy vọng có những hoa trái và hệ luận tốt, để sau này tiến tới việc phân định Thần Khí (thần khí) trong đời tu một cách khôn ngoan, hợp với Thiên Ý.

 (còn tiếp)



[1] Xc. Ban Biên Soạn Chuyên Từ Điển, Ngọc - Xuân – Quỳnh, Từ Điển Tiếng Việt, hạn từ “P”, nhà xuất bản Từ Điển Bách Khoa, 2010, tr. 490.

[2] Phạm Quốc Văn, OP. Trên đường Emmau – một thoáng nhìn về việc đồng hành thiêng liêng, lưu hành nội bộ, 2012, tr. 62.

[3] Xc. Ibid., tr. 66.

[4] Thánh Công Đồng Vaticanô II, Hiến Chế Gaudium Et Spes, Giáo Hoàng Học Viện Thánh Piô X, chuyển ngữ, năm 1972, số 16.


Năm Đời Sống Thánh Hiến