Khi các tu sĩ tận hiến ỏ Rôma gặp giám mục của họ

(phanxico.vn) 21/05/2015

Phần 2

zenit.org, 18-5-2015

Sáng thứ bảy 16 tháng 5, tại Hội trường Phaolô VI, sau phần chứng tá, trình diễn ca nhạc, múa hát của nhiều nước khác nhau trên các châu lục khác nhau, đặc biệt có một ca đoàn của các tu sĩ Trung quốc, Đức giáo hoàng đã có buổi nói chuyện với các tu sĩ tận hiến của giáo phận mình.

Đức giáo hoàng đã trả lời đầy đủ các câu hỏi của các cộng đoàn tu sĩ đại diện cho các dòng khác nhau: một dòng chiêm niệm, một dòng ngoài đời, một dòng Phanxicô phục vụ cho các người trẻ bị suy thoái tinh thần, một tu sĩ tận hiến làm việc ở giáo xứ.

Câu hỏi thứ nhì là của nữ tu Ba Lan Iwona Langa, xơ sẽ khấn dòng Ordo Virginum của địa phận Rôma vào ngày 31 tháng 5 sắp tới. Nữ tu Langa làm việc với các bà mẹ cùng với các con của họ đang gặp khó khăn ở «Nhà Aïn Karim». Một ơn gọi của đời sống giáo dân tận hiến theo như tinh thần của Công Đồng Vatican II.

Iwona Langa – Hôn nhân và sống khiết tịnh theo tinh thần Kitô giáo là hai bậc sống thể hiện cho ơn gọi của tình yêu. Trung thành, kiên trì, hợp nhất trong tâm hồn, đó là sự dấn thân và thách thức cho các cặp vợ chồng cũng như cho các tu sĩ tận hiến: làm sao có thể soi sáng con đường của nhau, người này vì người kia và cùng đi với nhau đến Nước Chúa?

Đức Phanxicô – Cha có thể nói, cũng như nữ tu Fulvia Sieni, nữ tu Langa cũng đang «ở trong tù», xơ cũng đang… «trên đường đi». Cả hai đều mang Lời Chúa vào cuộc sống. Con đã đặt một câu hỏi rất hay: «Tình yêu trong hôn nhân và trong đời sống tận hiến có cùng là một tình yêu không?» Trong những đức tính này có tính kiên trì, trung thành, hiệp nhất, có tâm hồn không? Và có những dấn thân, những thách thức trong này không? Chính vì thế mà các nữ tu được gọi là «hiền thê của Chúa». Họ kết nghĩa với Chúa.

Cha có một người bác, con gái của ông là nữ tu và ông nói: Bây giờ, tôi là cha vợ của Chúa! Con gái tôi kết nghĩa với Chúa!» Dòng nữ có tầm mức của một tình yêu kết nghĩa cao cả. Dòng nam cũng vậy, người ta nói giám mục là «phu quân của Giáo hội», bởi vì giám mục ở địa vị của Chúa Giêsu, phu quân của Giáo hội. Nhưng chiều kích nữ tính này – cha hơi đi xa câu hỏi một chút, cha sẽ trở lại – nơi phụ nữ rất quan trọng. Các nữ tu là hình tượng của Giáo hội và của Đức Trinh Nữ Maria. Các con đừng quên trong tiếng Pháp, Giáo hội thuộc giống cái. Chữ Église dùng với mạo từ giống cái «la». Và chính vì vậy mà Giáo hội là hiền thê của Chúa Giêsu.

Chúng ta thường hay quên điều này; và chúng ta cũng quên tình mẫu tử này của nữ tu; bởi vì tình yêu của Giáo hội là tình mẫu tử; tình mẫu tử của các nữ tu cũng như tình mẫu tử của Trinh Nữ Maria. Lòng trung thành, thành ngữ nói lên tình yêu của người phụ nữ tận hiến, «phải» – nhưng «phải» ở đây không phải là bổn phận nhưng vì đồng bản chất – phải phản ảnh tính trung thành, tình yêu, tình dịu dàng của mẹ Giáo hội và Mẹ Maria của chúng ta. Người phụ nữ tận hiến mà không đi theo con đường này thì cuối cùng họ sẽ bị lạc đường. Tình mẫu tử của người phụ nữ tận hiến! Chúng ta hãy suy nghĩ nhiều về chuyện này. Mẹ Maria đầy tình mẫu tử như thế nào và Giáo hội đầy tình mẫu tử như thế nào.

 Và con hỏi: làm sao có thể soi sáng con đường của nhau, người này vì người kia và cùng đi với nhau đến Nước Chúa? Tình yêu của Mẹ Maria và tình yêu của Giáo hội là tình yêu cụ thể! Chiều kích cụ thể là đức tính của tình mẫu tử của phụ nữ, của các nữ tu. Tình yêu cụ thể. Khi một nữ tu bắt đầu với quá nhiều ý tưởng thì hãy nhớ đến Thánh Têrêxa. Thánh Têrêxa đã làm gì? Thánh Têrêxa đã cho bề trên lời khuyên nào? «Hãy cho bà một miếng thịt bò và chúng ta sẽ nói chuyện sau!» Làm cho bà về với thực tế. Cụ thể. Và cụ thể trong tình yêu thì rất rất khó. Quả thật rất khó!

Hơn nữa khi chúng ta sống trong cộng đoàn, chúng ta tất cả đều biết các vấn đề của cộng đoàn: ghen tương, nói tầm phào; chị bề trên thì như thế này; chị kia thì như thế kia… Những chuyện này là cụ thể nhưng không phải là chuyện tốt! Cụ thể của lòng tốt, của tình yêu tha thứ tất cả! Nếu phải nói một sự thật thì phải nói trước mặt nhưng với tình thương; cầu nguyện trước khi trách cứ rồi xin Chúa sửa lỗi. Đó là tình yêu cụ thể! Một nữ tu không thể cho phép mình có tình yêu trên mây; không, tình yêu phải cụ thể.

Và chiều kích cụ thể của người phụ nữ tận hiến sẽ giống cái gì? Các con có thể tìm thấy chiều kích này trong hai đoạn Phúc Âm. Đoạn Tám Mối Phước Thật: đoạn này sẽ nói cho các on biết các con phải làm những gì. Chương trình hoạch định của Chúa Giêsu là cụ thể. Cha thường hay nghĩ, Tám Mối Phước Thật là thông điệp đầu tiên của Giáo hội. Đúng vậy, vì tất cả chương trình là ở đó. Còn chiều kích cụ thể các con sẽ tìm thấy trong đoạn Phúc Âm Thánh Máthêu, đoạn mà dựa trên đó, tất cả chúng ta sẽ bị xét xử. Chiều kích cụ thể của người phụ nữ tận hiến là ở đó. Với hai đoạn này, các con có thể áp dụng để sống trọn cuộc đời tận hiến của mình; với hai nguyên tắc cụ thể, làm hai chuyện cụ thể. Và khi làm những chuyện cụ thể này, các con có thể đến một tầm mức cao của sự thánh thiện và của lời cầu nguyện cao cả. Nhưng phải cụ thể: tình yêu là cụ thể! Và tình yêu của phụ nữ như các con là tình mẫu tử cụ thể.

Một bà mẹ sẽ không bao giờ nói xấu con mình. Và nếu các con là nữ tu, dù các con sống trong tu viện hay trong cộng đoàn ngoài đời, các con có sự tận hiến cho tình mẫu tử này, các con không có quyền nói xấu các nữ tu khác! Không! Luôn luôn xin lỗi, luôn luôn! Trong tiểu sử của Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu có một giai thoại về việc này rất hay. Thánh Têrêxa biết có một xơ không thích mình. Têrêxa đã làm gì? Têrêxa cười và đi tới. Một nụ cười. Và Têrêxa làm gì khi phải giúp xơ luôn bất bình này đi đứng, hai chân của xơ bị bệnh, xơ đi cà thọt. Thánh Têrêxa luôn làm nhiều hơn phần việc phải làm! Têrêxa dìu và cắt bánh mì cho xơ, khi nào Têrêxa cũng làm một cái gì thêm nữa. Không bao giờ chỉ trích sau lưng! Vì như thế là hủy tình mẫu tử! Một bà mẹ chỉ trích, nói xấu con mình thì không phải là một bà mẹ! Tiếng Ý có chữ «marâtre-mẹ ghẻ»… mẹ ghẻ không phải là mẹ.

Cha sẽ nói như sau: tình yêu – và cũng như trong tình yêu vợ chồng, cũng là một hình ảnh, hình ảnh tình mẫu tử của Giáo hội – là cụ thể. Cha xin các con làm bài tập sau: thường xuyên đọc Tám Mối Phước Thật và đoạn Phúc Âm Máthêu số 25 nói về việc Xét xử. Sẽ giúp các con rất nhiều cho việc cụ thể hóa Phúc Âm. Cha không biết mình có thể ngừng ở đây được chưa?

 

Nguyễn Tùng Lâm dịch


Năm Đời Sống Thánh Hiến