Tóm Lược Tông Hiến Vultum Dei quaerere Của ĐTC Phanxicô Về Các Nữ Tu Chiêm Niệm

(daminhvn.net)

Tóm lược

Tông hiến Vultum Dei quaerere của ĐTC Phanxicô về các nữ tu chiêm niệm

 Văn kiện được ký vào ngày 29/6/2016 (lễ thánh Phêrô và Phaolô), và được giới thiệu qua cuộc họp báo ngày 22/7 (lễ thánh Maria Mađalena). Bản văn không được chia thành phần hoặc chương; nhưng qua các tiêu đề chính, chúng ta có thể phân ra: I. Nhập đề (số 1-4); II. Tạ ơn vì đời sống chiêm niệm (số 5-6); III. Sự đồng hành của Giáo Hội (số 7-8); IV. Những yếu tố cốt yếu của đời sống chiêm niệm (số 9-11); V. Các đề tài cần được suy xét (số 12-35); VI. Những lời cầu chúc (số 36-37). VII. Kết luận với 14 điều (articoli) mang tính pháp lý.

NỘI DUNG 

I. Nhập đề 

1. Việc tìm Chúa, nhu cầu của tất cả mọi người (kể cả người vô tín ngưỡng)

2. Việc tìm Chúa trong cuộc đời thánh hiến

3-4. Việc tìm Chúa và ơn gọi đời sống chiêm niệm, đặc biệt các nữ đan sĩ

II. Trân trọng, chúc tụng, tạ ơn vì đời sống thánh hiến và đời sống đan sĩ chiêm niệm 

5. Ôn lại lịch sử của sự hình thành đời sống đan sĩ chiêm niệm

6. Tầm quan trọng của các nữ đan sĩ chiêm niệm qua những hình ảnh “hải đăng”, “ngọn đuốc”, “lính canh” cho con thuyền của nhân loại đang vượt biển.

III. Sự đồng hành và hướng dẫn của Giáo hội 

7. Những văn kiện của Giáo Hội về đời tu nói chung và đời sống chiêm niệm nói riêng:

a) Công đồng Vaticanô II: Hiến chế Lumen gentium và Sắc lệnh Perfectae caritatis

b) Thánh Gioan Phaolô II: Tông huấn Vita consecrata (việc canh tân: số 59 và 68)

c) Các văn kiện của Tòa Thánh:

- Huấn thị Potissimum institutioni (2/2/1990) về việc đào tạo (cách riêng số 78-85)

- Văn kiện Sviluppi (6/1/1992) về sự khan hiếm ơn gọi (số 81)

- Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo (11-10-1992)

- Huấn thị Congregavit nos (2/2/1994) về đời sống cộng đoàn (số 10 và 34 đề cập đến thinh lặng và cô tịch)

- Huấn thị Verbi sponsa Ecclesia (11/5/1999) tổng hợp giáo huấn về ý nghĩa của nội vi các nữ đan sĩ chiêm niệm

- Huấn thị Tái khởi hành từ Đức Kitô (19/5/2002), dành số 25 về các đan sĩ chiêm niệm

8. Tông hiến tái khẳng định lòng biết ơn các nữ đan sĩ chiêm niệm

IV. Những yếu tố cốt yếu của đời sống chiêm niệm (số 9-11)

9. Đi tìm Chúa bằng cách dâng hiến cả cuộc đời để chúc tụng ngợi khen Chúa. Trở thành tiếng nói của Hội thánh để ngợi khen, chúc tụng, rên siết và khẩn nài cho nhân loại. Biểu lộ sự đi tìm điều tốt duy nhất.

10. Mẫu gương của Mẹ Maria, Đấng lấy Chúa làm điều cần thiết duy nhất của đời mình.

11. Những hiệu quả cũng như những nguy cơ của đời sống chiêm niệm. Cám dỗ của thói quen máy móc, mất nhựa sống

V. Những đề tài cần suy nghĩ và duyệt lại (số 12-35)

Phần này dài nhất, trong đó Đức Thánh Cha đưa ra 12 đề tài để suy nghĩ. Các đề tài này không quan trọng ngang nhau: có những đề tài thuộc về bản chất đời tu trì, có những đề tài liên quan đến các tương quan giữa các đan viện với nhau. Sau khi đã phân tích nội dung của các đề tài ở trong phần đạo lý, trong phần cuối cùng, Đức Thánh Cha sẽ ra những quy tắc kỷ luật cụ thể.

Chúng ta hãy rảo qua 12 điểm vừa nói.

1/ Huấn luyện (số 13-15). Một tiến trình dài hạn, để trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô. Bao gồm chiều kích nhân bản, văn hóa, tâm linh và mục vụ. Khung cảnh huấn luyện là chính đan viện. Cần có sự phân định các ơn gọi, đừng chú trọng đến lượng mà bỏ qua phẩm chất. 

2/ Cầu nguyện (số 16-18). Ý nghĩa của lời nguyện chuyển cầu cho các nhu cầu của nhân loại, chia sẻ những thao thức và đau khổ của thế giới. Việc cầu nguyện đòi hỏi một linh đạo dựa trên Lời Chúa, các bí tích, huấn quyền, giáo huấn của các vị lập dòng. Sự cần thiết của việc huấn luyện tiệm tiến vào đời sống cầu nguyện và chiêm niệm.

3/ Lời Chúa (số 19-21). Lời Chúa nuôi dưỡng sự cầu nguyện và cuộc sống. Cần cổ động truyền thống lectio divina. Việc suy gẫm Lời Chúa giúp vào việc huấn luyện con người biết sống hòa hợp với ý Chúa, mở rộng đến sự thông hiệp trong Giáo hội, và dẫn đến việc trao ban mình cho tha nhân.

4/ Bí tích Thánh Thể và Hòa giải (số 22-23). Cần chuẩn bị chu đáo việc cử hành Thánh Lễ, được kéo dài qua việc thờ lạy Thánh Thể. Cảm nghiệm hoán cải từ việc gặp gỡ Chúa đưa đến việc lãnh bí tích Hòa giải, nhằm dẫn đến việc chiêm ngắm khuôn mặt khoan dung của Thiên Chúa.

5/ Đời sống huynh đệ (số 24-27). Đời sống đan tu diễn ra trong cộng đoàn, khác với nếp sống ẩn sĩ. Đời sống huynh đệ biểu lộ sự thông hiệp của Ba Ngôi, và trở nên dấu chỉ hòa giải trước mặt thế giới. Đời sống huynh đệ là hình thức tiên khởi của việc loan báo Tin mừng. Đời sống huynh đệ là nơi chia sẻ việc cầu nguyện, cũng như những ân ban giữa các phần tử.

6/ Sự tự trị (số 28-29). Sự tự trị không có nghĩa là cô lập khỏi các đan viện khác. Cần biết chia sẻ và hỗ trợ giữa các đan viện.

7/ Liên hiệp (số 30). Mục đích là để tương trợ giữa các đan viện, đặc biệt trong việc huấn luyện và trao đổi nhân sự.

8/ Nội vi (số 31). Bộ giáo luật đề cập đến bốn hình thức nội vi (đ.667). Ngoài hình thức chung cho tất cả mọi hội dòng, còn có ba hình thức dành cho đời sống chiêm niệm: a) giáo hoàng; b) hiến pháp; c) đan tu. Sự khác biệt liên quan đến việc đảm nhận một công tác tông đồ bên ngoài.

9/ Lao động (số 32). Lao động là một hình thức liên đới với những người nghèo “tay làm hàm nhai”. Tuy nhiên, đừng để cho việc lao động gây trở ngại cho sự chiêm niệm, do não trạng tìm kiếm hiệu lực trong việc làm.

10/ Thinh lặng (số 33). Bầu khí thinh lặng cần thiết để lắng nghe Lời Chúa.

11/ Phương tiện truyền thông (số 34). Các phương tiện này hữu ích cho việc thông tin và huấn luyện; nhưng cần biết biện phân, ngõ hầu chúng không làm tổn hại việc chiêm niệm hoặc đời sống cộng đoàn.

12/ Khổ chế (số 35). Giúp cho ta đạt được sự tự chủ cũng như não trạng thế gian, giúp thực hành các lời khấn dòng.

VI. Những lời nhắn nhủ (số 36-37)

Một lần nữa, văn kiện đề cao tầm quan trọng của các nữ tu chiêm niệm đối với Hội thánh và thế giới, sánh như ngọn “hải đăng” soi đường, như chiếc thanh nối kết giữa trời với đất.

VII. Kết luận. Những điều khoản pháp lý

Những chỉ thị chấp hành những điều vừa nói trên đây, cách riêng là 12 điểm bàn ở phần V.

1/ Hiệu lực pháp lý của các văn kiện trước đây (Sponsa Christi của Dức Piô XII; Huấn thị Inter praeclara Verbi Sponsa).

2/ Bộ Đời sống thánh hiến sẽ ra những biện pháp chấp hành tông hiến này

3/ Việc huấn luyện. Mục này dài nhất. Mỗi đan viện cần có chương trình huấn luyện khởi đầu và thường xuyên. Nên có sự trao đổi giữa các đan viện trong liên hiệp về chất liệu huấn luyện và đào tạo các người phụ trách huấn luyện. Cẩn thận trong việc tuyển lựa các ơn gọi từ các nước khác.

4/ Việc cầu nguyện

5/ Lectio divina. Có thể nghĩ đến việc tham gia chia sẻ với các thành phần khác của Dân Chúa.

6/ Việc cử hành Thánh lễ, việc thờ lạy Mình Thánh Chúa, linh hướng và giải tội. Nên lựa chọn những linh mục hiểu biết đặc sủng đời chiêm niệm

7/ Quyền bính trong đời sống cộng đoàn: nhằm phục vụ tình huynh đệ.

8/ Sự tự trị và tồn tại của đan viện. Đây là đề tài khá dài (sau mục về huấn luyện). Cần cân nhắc việc duy trì một đan viện khi không còn số nhân sự tối thiểu

9/ Vai trò của liên hiệp. Quy tắc chung là tất cả mọi đan viện phải thuộc về một liên hiệp. Những luật trừ có thể được chấp nhận, với phép của Tòa Thánh. Các liên hiệp không hẳn dựa trên tiêu chuẩn địa lý, mà có thể dựa trên những gần gũi về mặt tinh thần. Nên cổ võ sự liên kết với các dòng nam

10/ Hình thức nội vi. Mỗi đan viện có thể xin Tòa Thánh cho áp dụng một hình thức nội vi thích ưng với hoàn cảnh.

11/ Lao động. Kể cả những đan viện đã có hoa lợi sinh sống cũng cần phải tham gia vào nghĩa vụ lao động.

12/ Thinh lặng và 13/ Khổ chế. Mỗi đan viện cần cân nhắc những thời khắc thinh lặng, và những hình thức thực hành khổ chế.

--------------

Những con số thống kê. 

Trên thế giới có 4000 đan viện, trong đó khoản 2000 ở châu Âu (Tây ban nha 850, Italia 523, Pháp 257, Đức 119). Số đan sĩ toàn cầu là 43546.

Á châu: 3100 khấn trọng, 379 khấn đơn, 271 tập sinh

Âu châu: 22.315 khấn trọng, 1167 khấn đơn, 628 tập sinh

Đại dương châu: 188 khấn trọng, 16 khấn đơn, 5 tập sinh

Mỹ Bắc: 3519 khấn trọng, 303 khấn đơn, 206 tập sinh

Mỹ Nam: 4242 khấn trọng, 443 khấn đơn, 315 tập sinh

Phi châu: 3100 khấn trọng, 379 khấn đơn, 271 tập sinh

Các nữ tu thuộc về 43 dòng. Đông nhất là Phansinh (13.066 với 7 nhánh), kế đó là Carmelo (11.175, với 3 nhánh : không cải tổ 671/ cải tổ 1739 theo hiến pháp 1990 / 8776 theo hiến pháp 1991), Biển đức (6627), Xitô (2622), Đaminh (2614), Thăm viếng (1851), Augustino (1192).

------

Chú thích. Nên lưu ý sự khác biệt giữa: “đời sống chiêm niệm” (contemplative life) / “đời sống đan tu” (monastic life) / “nhà kín” (cloistered life). – Thêm vào đó, sự phân biệt giữa “nhà kín” với “ẩn sĩ” với hai hình thức (hermit / recluse). Cũng nên nhắc lại bốn cấp độ “nội vi” (nội cấm)

Chiêm niệm. Những ý nghĩa khác nhau.

- Phân biệt: 1/ như hành vi: áp dụng vào nghệ thuật; tri thức; tôn giáo; 2/ như hình thức cầu nguyện (cấp độ cầu nguyện theo thánh Teresa / chặng kết thúc của lectio divina); 3/ như thái độ chiêm niệm: nhìn thấy sự hiện diện của Thiên Chúa; 4/ giáo luật: nếp sống thuần túy chiêm niệm.

- Trong đời tu: Phân biệt: a) chiều kích chiêm niệm của mọi hình thức thánh hiến; b) những dòng thuần túy chiêm niệm.

 


Năm Đời Sống Thánh Hiến