SOLEMNI HAC LITURGIA
(Kinh Tin kính của Dân Thiên Chúa)

của Đức Thánh Cha Phaolô VI

Bài giảng Thánh lễ bế mạc “Năm Đức Tin”
Quảng trường Thánh Phêrô - 30 tháng 6, 1968

Kính thưa anh em đáng kính và các con thân mến,

1. Với phụng vụ trọng thể này chúng ta kết thúc cử hành 1900 năm tử đạo của các thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô, và do đó khép lại Năm Đức tin. Chúng ta dâng hiến năm này cho việc kính nhớ các thánh Tông đồ để chúng ta có thể làm chứng cho ý muốn kiên định trung thành với kho tàng đức tin (x. 1 Tm 6,20) mà các ngài đã truyền lại cho chúng ta, và để chúng ta kiện cường khao khát nhờ vào đó mà sống trong mọi hoàn cảnh lịch sử mà Giáo Hội đang tiến bước giữa cuộc lữ hành trần thế này.

2. Chúng tôi thấy mình có bổn phận biết ơn tất cả mọi người đã đáp lại lời chúng tôi mời gọi mà hoàn thành rất tốt đẹp Năm Đức tin bằng việc đào sâu sự gắn bó bản thân với lời Thiên Chúa, bằng việc canh tân việc tuyên xưng đức tin trong những cộng đoàn khác nhau, và bằng chứng tá đời sống Kitô giáo. Đặc biệt chúng tôi tỏ lòng biết ơn và chúc lành tới anh em trong hàng Giám mục, và tới tất cả các tín hữu của Hội Thánh Công Giáo.

Uỷ thác

3. Như vậy, chúng tôi thấy rằng chúng tôi phải hoàn thành sự uỷ thác của Đức Kitô cho thánh Phêrô, mà chúng tôi kế vị ngài; đó là, củng cố đức tin cho anh em của chúng tôi (x. Lc 22,32). Dĩ nhiên, ý thức con người yếu đuối của mình, tuy với tất cả sức mạnh mà tinh thần của chúng tôi nhận lãnh từ mệnh lệnh này, chúng tôi sẽ tuyên xưng đức tin, công bố một kinh tin kính, nói đúng ra đây không phải là một định nghĩa tín điều, mà kinh này lặp lại cách cơ bản kinh tin kính Nicea, kinh tin kính thuộc về truyền thống bất tử của Hội Thánh của Thiên Chúa, cùng với vài khai triển do điều kiện thiêng liêng mà thời đại chúng ta đòi hỏi.

4. Khi thực hiện bản tuyên xưng đức tin này, chúng tôi nhận biết có một nỗi băn khoăn đang khuấy động những không gian sống hiện đại nào đó có liên quan đến đức tin. Những không gian sống đó không thoát khỏi ảnh hưởng của một thế giới đang bị thay đổi cách sâu sắc, trong đó rất nhiều điều chắc chắn bị đem ra bàn cãi hay tranh luận. Chúng tôi thấy ngay cả Người Công giáo cũng để mình bị lôi cuốn theo đam mê thích sự thay đổi và cái mới lạ. Giáo Hội, một cách chắc chắn nhất, luôn luôn có bổn phận nổ lực học hỏi sâu hơn và trình bày, theo một cách hợp thức hơn cho các thế hệ về sau, các mầu nhiệm khôn dò của Thiên Chúa, phong phú cho mọi người được hưởng hoa trái ơn cứu độ. Nhưng đồng thời phải có sự quan tâm lớn nhất, trong khi hoàn thành bổn phận nghiên cứu vốn không thể thiếu này, để không làm tổn hại các giáo huấn của đức tin Kitô giáo. Bởi vì điều đó sẽ làm nổi lên sự nhiễu loạn và bối rối cho nhiều tâm hồn tín hữu, không may như có thể thấy trong những ngày này.

Hãy chờ đợi Lời Chúa

5. Về khía cạnh này, thật quan trọng để nhắc lại rằng, ngoài những hiện tượng được xác minh về mặt khoa học, trí tuệ Thiên Chúa ban cho chúng ta đạt tới bản chất của nó, và không chỉ đơn thuần là sự trình bày có tính chủ quan những cấu trúc và sự phát triển của ý thức; và, mặt khác, nhiệm vụ giải thích – thuộc về khoa chú giải – là cố gắng hiểu và phân tích, trong khi vẫn tôn trọng lời được diễn tả, ý nghĩa mà một bản văn truyền tải, chứ không phải tái tạo ý nghĩa này, theo vài kiểu cách nào đó, cho hợp với những giả thuyết tuỳ tiện.

6. Nhưng trên hết, chúng tôi đặt niềm tin không lay chuyển vào Chúa Thánh Thần, linh hồn của Giáo Hội, và vào đức tin đối thần bắt nguồn cho sự sống của Thân Mình Mầu Nhiệm. Chúng tôi biết rằng các tâm hồn đang trông chờ lời của Vị Đại Diện Đức Kitô, và chúng tôi đáp lại sự trông đợi đó bằng những hướng dẫn mà chúng tôi đều đặn ban hành. Nhưng hôm nay chúng tôi có được cơ hội để tuyên bố cách long trọng hơn.

7. Vào ngày được chọn kết thúc Năm Đức tin, vào lễ các Thánh tông đồ Phêrô và Phaolô, chúng tôi ước ao dâng lên Thiên Chúa hằng sống sự tôn kính bằng việc tuyên xưng đức tin. Và cũng như tại Cêsarê Philipphê Tông đồ Phêrô đã nói nhân danh Nhóm Mười hai, mà tuyên xưng đích thực, vượt qua các ý kiến nhân loại, vào Đức Kitô là Con Thiên Chúa hằng sống, thì cũng thế, hôm nay người kế vị khiêm tốn của ngài, mục tử của Giáo Hội Phổ Quát, cũng cất tiếng, nhân danh toàn thể Dân Thiên Chúa, kiên vững làm chứng cho Chân Lý thần linh đã được uỷ thác cho Giáo Hội để công bố cho tất cả các dân tộc.

Chúng tôi ước mong lời tuyên xưng của chúng tôi đây được thật đầy đủ và rõ ràng, hầu trả lời cách thích đáng cho nhu cầu cần sáng tỏ của rất nhiều linh hồn các tín hữu, và của tất cả những ai sống trong thế gian này, đang thuộc về bất kỳ gia đình thiêng liêng nào, đang trên đường tìm kiếm Chân Lý.

Để làm vinh danh Thiên Chúa rất thánh và Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta, tin tưởng vào sự trợ giúp của Đức Trinh Nữ Maria và các Thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô, vì lợi ích và để xây dựng Hội Thánh, nhân danh các mục tử và tất cả tín hữu, giờ đây chúng tôi công bố kinh tin kính này, trong sự hiệp thông tinh thần trọn vẹn với tất cả anh em và con cái đáng mến.

KINH TIN KÍNH

8. Chúng tôi tin kính một Thiên Chúa duy nhất, là Cha, Con và Thánh Thần, Đấng tạo thành các vật hữu hình như thế giới này trong đó chúng ta đang trãi qua một cuộc đời ngắn ngủi, các vật vô hình như các thuần linh cũng được gọi là thiên thần (x. Dz.-Sch. 3002), và là Đấng tạo thành mỗi người có linh hồn thiêng liêng và bất tử.

9. Chúng tôi tin rằng Thiên Chúa duy nhất này tuyệt đối là một trong bản thể rất thánh cũng như trong mọi sự hoàn hảo, trong quyền năng, sự hiểu biết vô cùng, sự quan phòng, ý chí và tình yêu của Ngài. Ngài là Đấng Ngài là (ND - tự hữu), như Ngài đã mặc khải cho Ông Môisen (x. Xh 3,14); và Ngài là tình yêu, như tông đồ Gioan đã dạy chúng ta (x. 1 Ga 4,8): ngõ hầu hai tên gọi này, là (ND - tự hữu) và tình yêu, diễn tả một cách khôn tả cùng một thực tại thần linh của Đấng ước muốn tỏ mình cho chúng ta, và của Đấng, “ngự trị trong ánh sáng siêu phàm” (x. 1 Tm 6,16), tự thân vượt trên mọi tên gọi, mọi vật và mọi trí năng được tạo thành. Chỉ mình Thiên Chúa có thể ban cho chúng ta được hiểu biết đúng đắn và đầy đủ thực tại này bằng việc tự mặc khải mình là Cha, Con và Thánh Thần, mà nhờ ân sủng chúng ta được kêu gọi chia sẻ sự sống vĩnh cửu của Ngài, ngay dưới này trong đức tin còn mờ nhạt và sau cái chết trong ánh sáng vĩnh hằng. Những sự liên kết lẫn nhau vĩnh viễn làm nên Ba Ngôi, mà từng ngôi là duy nhất và cùng một bản thể thần linh, là sự sống thánh thiêng thâm sâu của Thiên Chúa ba lần thánh, tuyệt đối vượt trên tất cả những gì mà chúng ta có thể tưởng nghĩ theo thước đo của con người (x. Dz 804). Tuy nhiên, chúng tôi cảm tạ lòng nhân lành của Chúa làm cho rất nhiều tín hữu có thể làm chứng cùng với chúng tôi trước mọi người về sự hợp nhất của Thiên Chúa, ngay cả dù cho họ không biết về mầu nhiệm Ba Ngôi rất thánh.

Ngôi Cha

10. Vậy chúng tôi tin kính Ngôi Cha, Đấng không ngừng sinh ra Ngôi Con; chúng tôi tin kính Ngôi Con, là Lời Thiên Chúa, Đấng được sinh ra từ đời đời; chúng tôi tin kính Ngôi Thánh Thần, Ngài là Ngôi vị không phải được tạo thành, xuất phát từ Ngôi Cha và Ngôi Con như tình yêu vĩnh cửu giữa hai ngôi này. Như thế, nơi Ba Ngôi Thiên Chúa, đồng tự hữu và ngang nhau (coaeternae sibi et coaequales - Dz 75), sự sống và hạnh phúc của Thiên Chúa là duy nhất một cách trọn hảo, trong sự tuyệt vời và vinh quang cao cả nhất thích hợp cho bản thể không do tạo thành, và luôn luôn “phải tôn kính sự duy nhất trong Ba Ngôi và Ba Ngôi trong sự duy nhất” (Dz-Sch. 75).

Ngôi Con

11. Chúng tôi tin kính Đức Giêsu Kitô Chúa chúng tôi và là Con Thiên Chúa. Người là Lời Hằng Hữu, được Ngôi Cha sinh ra trước khi có thời gian, đồng bản thể với Ngôi Cha, homoousios to Patri (Dz-Sch. 150), và nhờ Người mọi vật được tạo thành. Người đã nhập thể trong lòng Trinh nữ Maria bởi quyền năng Thánh Thần, và đã làm người: do đó, Người ngang hàng với Ngôi Cha theo thiên tính, và kém hơn Ngôi Cha theo nhân tính của Người (x. Dz.-Sch. 76); và chính Người vẫn là một, không phải do sự không thể lẫn lộn giữa các bản tính, mà do sự duy nhất nơi ngôi vị của Người (x. như trên).

12. Người ở giữa chúng ta, đầy tràn ơn sủng và chân lý. Người rao giảng và thiết lập Nước Thiên Chúa và làm cho chúng ta nhận biết Ngôi Cha nơi chính bản thân Người. Người ban cho chúng ta điều răn mới là hãy yêu thương nhau như Người đã yêu thương chúng ta. Người dạy chúng ta con đường các mối phúc của Tin Mừng: sống tinh thần nghèo khó, hiền lành, kiên nhẫn chịu đựng đau khổ, khao khát sự công chính, biết thương xót, giữ lòng trong sạch, ao ước bình an, chịu đựng bách hại vì lẽ công chính. Dưới thời quan Phongxiô Philatô Người chịu khổ hình – Chiên Thiên Chúa mang trên mình tội lỗi của thế gian, và Người đã chết trên thập giá vì chúng ta, cứu chúng ta bằng máu cứu độ của Người. Người được mai táng, và do quyền năng của chính Người, ngày thứ ba Người đã trỗi dậy, nhờ sự phục sinh của Người mà nâng chúng ta lên cho tham dự vào sự sống thần linh, là đời sống ân sủng. Người lên trời, và sẽ trở lại trong vinh quang, để phán xét kẻ sống và kẻ chết: mỗi người theo công nghiệp của mình – ai từ trước đến giờ đã đáp lại tình yêu và lòng nhân từ của Thiên Chúa thì đi vào cõi sống đời đời, ai đến lúc ấy mà còn từ chối thì đi vào nơi lửa không hề tắt.

Và Nước của Người sẽ không bao giờ cùng.

Ngôi Thánh Thần

13. Chúng tôi tin kính Ngôi Thánh Thần, là Chúa và là Đấng ban sự sống, Ngài được phụng thờ và tôn vinh cùng với Ngôi Cha và Ngôi Con. Ngài đã nhờ các tiên tri mà phán dạy chúng ta; Ngài được Đức Kitô sai đến, sau khi Đức Kitô phục sinh và lên với Ngôi Cha; Ngài soi sáng, ban sức sống, bảo vệ và hướng dẫn Giáo Hội; Ngài thanh tẩy các phần tử của Giáo Hội nếu họ không xa lánh ân sủng của Ngài. Hoạt động của Ngài vào tận cõi thâm sâu của tâm hồn, làm cho con người có thể đáp lại lời mời gọi của Chúa Giêsu: Hãy nên trọn lành, như Cha các con trên trời là Đấng trọn lành (Mt 5,48).

14. Chúng tôi tin rằng Đức Maria là Mẹ Đồng Trinh trọn đời của Ngôi Lời Nhập Thể, là Đức Giêsu Kitô, Thiên Chúa và Đấng Cứu Độ chúng ta (x. Dz.-Sch. 251-252), và vì được chọn cách riêng này, ứng theo công nghiệp của Con Mẹ, Mẹ đã được cứu độ một cách nổi bật hơn cả (x. Lumen gentium , 53), được gìn giữ khỏi mọi tì vết của tội nguyên tổ (x. Dz.-Sch. 2803) và được tràn đầy ân sủng hơn mọi thụ tạo khác (x. Lumen gentium, 53).

15. Do được liên kết khắng khít và không thể tách rời với các Mầu nhiệm Nhập thể và Cứu độ (x. Lumen gentium, 53, 58, 61), Đức Trinh Nữ, Đấng Vô Nhiễm, vào cuối cuộc đời trần thế đã được đưa cả hồn và xác vào vinh quang thiên quốc (x. Dz.-Sch. 3903) và được trở nên giống như Người Con phục sinh của Mẹ, tham dự vào số phận tương lai của tất cả những người công chính; và chúng tôi tin rằng Mẹ Rất Thánh của Thiên Chúa, Bà Eva mới, Mẹ của Hội Thánh (x. Lumen gentium, 53, 56, 61, 63; x. Pauli VI, Alloc. in conclusione III Sessionis Concilii Vat. II: A.A.S. 56, 1964, p. 1016; Exhort. Apost. Signum Magnum, Introd.), ở trên trời vẫn tiếp tục vai trò từ mẫu đối với các chi thể của Đức Kitô, cộng tác với việc hạ sinh và phát triển đời sống thần linh trong tâm hồn những người được cứu độ (x. Lumen gentium, 62; Pauli VI, Exhort. Apost. Signum Magnum, p. 1, n. 1).

Tội nguyên tổ

16. Chúng tôi tin rằng nơi Ông Ađam mọi người đều phạm tội, điều đó có nghĩa là tội nguyên tổ do ông phạm đã làm cho bản tính con người, chung cho hết mọi người, rơi vào một tình trạng phải gánh chịu những hậu quả của tội đó, và đó không phải là tình trạng đã có nơi cha mẹ đầu tiên của chúng ta từ thưở ban đầu – được dựng nên trong sự thánh thiện và công chính, và trong đó con người không biết đến sự dữ lẫn cái chết. Chính bản tính nhân loại sa ngã như thế, bị lột bỏ ân sủng đang bao bọc nó, bị thương tích ngay trong chính những sức mạnh tự nhiên của mình và phải chịu cái chết thống trị, bản tính đó được truyền cho mọi người, và theo nghĩa đó mọi người được sinh ra trong tội. Do đó, chúng tôi tin, cùng với Công đồng Trentô, rằng nguyên tội được truyền đi với bản tính con người, “không phải bởi sự bắt chước, nhưng bởi sự lưu truyền” và rằng như vậy nó “dành cho mọi người” (Dz-Sch. 1513).

Tái sinh bởi Thánh Thần

17. Chúng tôi tin rằng Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta, bởi hiến tế thập giá đã cứu độ chúng ta khỏi tội nguyên tổ và tất cả tội riêng mà mỗi người chúng ta đã phạm, ngõ hầu, hợp với lời của thánh Tông đồ, “ở đâu tội tràn đầy, thì ân sủng càng tràn đầy gấp bội” (Rm 5,20).

Bí tích Rửa Tội

18. Chúng tôi tin một Bí tích Rửa Tội do Đức Giêsu Chúa chúng ta thiết lập để tha tội. Nên ban Bí tích Rửa Tội ngay cả cho các trẻ nhỏ chưa hề có khả năng phạm bất kỳ tội riêng nào, để, mặc dù được sinh ra trong tình trạng thiếu ân sủng siêu nhiên, các em được tái sinh “bởi nước và Thánh Thần” vào đời sống thần linh trong Đức Kitô Giêsu (x. Dz-Sch. 1514).

Giáo Hội

19. Chúng tôi tin Giáo Hội duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền, do Chúa Giêsu Kitô xây dựng trên tảng đá là thánh Phêrô. Giáo Hội là Thân Thể Mầu Nhiệm của Đức Kitô; đồng thời cũng là một xã hội hữu hình được thiết lập có cơ cấu phẩm trật, và là một cộng đoàn thiêng liêng; là Giáo Hội trên thế gian, Dân Thiên Chúa trên đường lữ hành ngay dưới đây, và là giáo Hội được đầy tràn ân phúc thiêng đàng; là mầm giống và là hoa trái đầu mùa của Nước Thiên Chúa, qua đó công trình và những đau khổ Cứu Độ được tiếp tục qua dòng lịch sử nhân loại, và đang trông đợi sự hoàn tất viên mãn bên kia thời gian, trong vinh quang (x. Lumen gentium, 8, 5). Theo dòng thời gian, Chúa Giêsu nặn đúc Giáo Hội bằng các bí tích bắt nguồn từ sự sung mãn của Người (x. Lumen gentium, 7, 11). Nhờ các bí tích mà Giáo Hội làm cho các phần tử của mình tham dự vào Mầu nhiệm Chết và Phục sinh của Đức Kitô, trong ân sủng của Thánh Thần, nhờ Ngài mà Giáo Hội được sống và hoạt động (x. Sacrosanctum Concilium, 5, 6; Lumen gentium, 7, 12, 50). Do đó, Giáo Hội được thánh thiện, dù mang trong mình các tội nhân, bởi vì chính Giáo Hội không sống bằng đời sống nào khác ngoại trừ đời sống ân sủng: chính nhờ sống bằng sự sống của Giáo Hội mà các phần tử của Giáo Hội được thánh hoá; chính vì tự tách mình ra khỏi sự sống của Giáo Hội mà họ sa vào tội lỗi và sự hỗn loạn vốn ngăn cản sự thánh thiêng của Giáo Hội chiếu toả ra bên ngoài. Đây là nguyên nhân khiến Giáo Hội đau khổ và phải sám hối vì các tội lỗi này, Giáo Hội có quyền năng chữa lành con cái mình khỏi tội lỗi nhờ máu Đức Kitô và ân sủng Thánh Thần.

Lời

20. Vì Giáo Hội là người thừa kế các lời Chúa hứa và là con gái của Ông Abraham theo Thần Khí, qua dân Israel mà Kinh Thánh của họ được Giáo Hội ưu ái giữ gìn, cũng như các tổ phụ và tiên tri của họ được Giáo Hội tôn kính; vì được xây dựng trên các tông đồ và qua muôn thế hệ được chuyển giao lời luôn sống động và quyền mục tử của các ngài nơi người kế vị Thánh Phêrô và các giám mục hiệp thông với ngài; vì luôn luôn được Thánh Thần trợ giúp, cho nên Giáo Hội có nhiệm vụ gìn giữ, giảng dạy, giải thích và rao truyền Chân Lý mà Thiên Chúa mặc khải một cách còn ẩn khuất qua các tiên tri, và một cách trọn vẹn qua Chúa Giêsu. Chúng tôi tin tất cả những điều chứa đựng trong lời Thiên Chúa, được viết ra hoặc được truyền lại, và tất cả những điều Giáo Hội đề ra để tin như được Thiên Chúa mặc khải, hoặc bằng một phán quyết long trọng hoặc bằng giáo huấn thông thường và phổ quát (x. Dz-Sch. 3011). Chúng tôi tin vào ơn bất khả ngộ được ban cho người kế vị thánh Phêrô khi ngài giảng dạy nhân danh quyền tối thượng (ex cathedra) trong tư cách mục tử và thầy dạy của tất cả các tín hữu (x.Dz.-Sch. 3074), và ơn đó cũng được đảm bảo khi giám mục đoàn cùng với ngài thực thi quyền giáo huấn tối cao (x. Lumen gentium, 25).

21. Chúng tôi tin rằng Giáo Hội do Chúa Giêsu Kitô thiết lập và được Người cầu nguyện cho hoàn toàn là một trong đức tin, phụng tự và mối dây hiệp thông có tính phẩm trật. Trong lòng Giáo Hội, sự phong phú nơi các nghi thức phụng vụ và sự khác biệt chính đáng trong các gia sản thần học và tu đức, cũng như các kỷ luật riêng, chẳng những không làm tổn thương sự hợp nhất của Giáo Hội, mà còn làm cho Giáo Hội được biểu thị rõ ràng hơn (x. Lumen gentium, 23; x. Orientalium Ecclesiarum, 2, 3, 5, 6).

Một Mục Tử

22. Nhận biết rằng bên ngoài cơ cấu của Giáo Hội Chúa Kitô, còn có nhiều yếu tố chân lý và thánh hoá thuộc về Giáo Hội cách đúng nghĩa và hướng về sự hợp nhất Công Giáo (x. Lumen gentium, 8), và tin vào hoạt động của Thánh Thần làm sống dậy trong tâm hồn các môn đệ Đức Kitô tình yêu hợp nhất (x. Lumen gentium, 15), chúng tôi ấp ủ niềm hy vọng rằng các Kitô hữu chưa hiệp thông trọn vẹn với Giáo Hội duy nhất này sẽ có một ngày được tái hợp nhất thành một ràn chiên với một chủ chiên duy nhất.

23. Chúng tôi tin rằng Giáo Hội cần cho ơn cứu độ, vì chính Chúa Kitô, Đấng trung gian và là con đường cứu độ duy nhất, hiện diện với chúng ta trong thân thể của Người là Giáo Hội (x. Lumen gentium, 14). Nhưng kế hoạch cứu độ của Chúa bao trùm hết mọi người; và những ai không do lỗi của mình không nhận biết Tin Mừng của Đức Kitô và Giáo Hội, nhưng chân thành tìm kiếm Thiên Chúa, và dưới tác động của ân sủng, cố gắng thực hiện ý Ngài nhờ lương tâm mách bảo, họ, số lượng bao nhiêu chỉ có Thiên Chúa biết, có thể được cứu độ (x. Lumen gentium, 16).

Hiến tế Đồi Calvê

24. Chúng tôi tin rằng Thánh Lễ, do linh mục cử hành đại diện Chúa Kitô nhờ quyền năng được ban cho qua Bí tích Truyền Chức, và được ngài dâng tiến nhân danh Chúa Kitô và các phần tử của Thân Mình Mầu Nhiệm của Người, là hiến tế đồi Calvê được làm cho hiện diện cách bí tích trên các bàn thờ. Chúng tôi tin rằng bánh và rượu được Chúa thánh hiến trong bữa Tiệc Ly đã được biến đổi thành Mình và Máu Người sắp được hiến dâng cho chúng ta trên thập giá, cũng thế bánh và rượu do linh mục thánh hiến được biến đổi thành Mình và Máu Chúa Kitô đang hiển trị trên thiên đàng, và chúng tôi tin rằng sự hiện diện mầu nhiệm của Chúa, dưới những hình thức tiếp tục xuất hiện trước các giác quan của chúng ta như trước lúc được thánh hiến, là sự hiện diện đúng nghĩa, thật sự và bản thể (x. Dz.-Sch. 1651).

Biến bản thể (transsubstantiatio)

25. Vì thế Đức Kitô không thể hiện diện trong bí tích này nếu không có sự biến đổi chính thực tại của bánh thành Mình Người và biến đổi chính thực tại của rượu thành Máu Người, chỉ những thuộc tính của bánh và rượu là không đổi như giác quan của chúng ta nhận thấy. Sự biến đổi nhiệm mầu này được Giáo Hội gọi một cách rất thích hợp là biến bản thể. Mọi giải thích thần học cố gắng hiểu mầu nhiệm này, để phù hợp với đức tin Công Giáo, phải xác nhận rằng trong chính thực tại của nó, điều hoàn toàn vượt khỏi lý trí của chúng ta, bánh và rượu không còn tồn tại nữa sau Lời Truyền Phép, để từ lúc đó Mình và Máu đáng tôn thờ của Chúa Giêsu thật sự ở trước mắt chúng ta dưới hình thể bí tích của bánh và rượu (x. Dz.-Sch. 1642, 1651; Pauli VI, Litt. Enc. Mysterium Fidei), như Chúa đã muốn thế, để ban chính Người cho chúng ta làm lương thực và để cho chúng ta gia nhập vào mối hiệp nhất trong Thân Thể Mầu Nhiệm của Người (x. S. Th. III, 73, 3).

26. Sự hiện hữu độc nhất vô nhị và bất khả phân của Chúa vinh quang trên thiên quốc không thể nhân lên nhiều lần, lại được bí tích làm cho hiện diện ở nhiều nơi trên trái đất có cử hành Thánh lễ. Và sự hiện hữu này tiếp tục hiện diện, sau khi cử hành hiến tế, trong Bí Tích Thánh, được cất giữ nơi nhà tạm, làm trái tim sự sống của mỗi nhà thờ. Chúng ta có bổn phận rất dịu ngọt là tôn kính và thờ lạy, nơi Bánh Thánh mà mắt chúng ta nhìn thấy, Ngôi Lời Nhập Thể mà mắt chúng ta không thể thấy, và là Đấng, tuy không rời Thiên Đàng, vẫn hiện diện trước mắt chúng ta.

Quan tâm hiện tại

27. Chúng tôi tin rằng Nước Thiên Chúa đã bắt đầu dưới thế này nơi Giáo Hội của Chúa Kitô, không thuộc về thế gian đang qua đi, và sự tăng trưởng của riêng Nước ấy không thể lẫn lộn với sự phát triển của văn minh, khoa học hay kỹ thuật của con người, nhưng hệ tại trong sự nhận biết những sự phong phú khôn dò của Chúa Kitô ngày càng sâu xa hơn, hy vọng vào các phúc lộc vĩnh cửu ngày càng mạnh mẽ hơn, đáp trả tình yêu Thiên Chúa ngày càng mãnh liệt hơn, và ban tặng ân sủng và sự thánh thiện giữa loài người ngày càng rộng rãi hơn. Nhưng cũng chính tình yêu này khiến Giáo Hội quan tâm thường xuyên đến sự thịnh vượng hiện tại đúng đắn của con người. Tuy không ngừng nhắc nhở con cái mình rằng họ sẽ không sống mãi ở trần gian này, Giáo Hội cũng thúc giục con cái đóng góp, mỗi người theo ơn gọi và khả năng của mình, cho thành đô trần thế được thịnh vượng, thăng tiến công lý, hoà bình, và tình huynh đệ giữa con người, tự nguyện trợ giúp anh chị em mình, cách riêng những người nghèo nhất và bất hạnh nhất. Do đó, sở dĩ Giáo Hội lo lắng sâu sắc cho các nhu cầu của con người, cho họ được niềm vui và hy vọng, hay khi họ đau khổ và phải nỗ lực, thì không vì khác hơn là Giáo Hội hết sức ước ao hiện diện với họ, để khai trí cho họ bằng ánh sáng của Đức Kitô và quy tụ tất cả họ lại trong Người, Đấng Cứu Độ duy nhất của họ. Sự lo lắng này không bao giờ có nghĩa là Giáo Hội đồng hoá mình với những sự ở thế gian, cũng như giảm bớt nhiệt tâm chờ đợi Chúa của mình và Vương Quốc vĩnh cửu.

28. Chúng tôi tin đời sống vĩnh cửu. Chúng tôi tin rằng linh hồn tất cả những người chết trong ân sủng của Chúa Kitô, hoặc vẫn còn phải được thanh tẩy trong luyện ngục, hay ngay từ lúc rời bỏ thân xác được Chúa Giêsu đưa về Thiên Đàng như Người đã làm đối với Người Trộm Lành, đều là Dân Thiên Chúa đã đi vào đời vĩnh cửu sau khi chết, cái chết là điều sau cùng sẽ bị đánh bại vào ngày Phục Sinh khi các linh hồn này hợp nhất với thân xác của mình.

Trông đợi sự sống lại

29. Chúng tôi tin rằng đông đảo các linh hồn này, được quy tụ quanh Chúa Giêsu và Mẹ Maria trên Thiên Đàng, làm thành Giáo Hội Thiên Quốc nơi các ngài nhìn thấy Thiên Chúa cách tỏ tường trong niềm hạnh phúc vĩnh cửu (x. 1 Ga 3,2; Dz.-Sch. 1000), đó cũng là nơi, theo những mức độ khác nhau, các ngài cũng được liên kết với các thánh thiên thần trong thần vụ do Chúa Kitô trong vinh quang thực thi, là chuyển cầu cho chúng ta và giúp đỡ sự yếu đuối của chúng ta bằng mối quan tâm huynh đệ của các ngài (x. Lumen gentium, 49).

30. Chúng tôi tin sự hiệp thông của các tín hữu Chúa Kitô, là những người đang lữ hành trên thế gian, những người đã chết đang được thanh luyện, và những vị được chúc phúc trên Thiên Đàng, tất cả làm thành một Giáo Hội; và chúng tôi tin rằng trong sự hiệp thông này tình yêu hay thương xót của Thiên Chúa và của các thánh nhân Ngài luôn lắng nghe lời nguyện cầu của chúng ta, như Chúa Giêsu đã nói với chúng ta: Các con hãy xin thì sẽ được (x. Lc 10,9-10; Ga 16,24). Như vậy với đức tin và đức cậy chúng tôi trông đợi sự sống lại của kẻ chết, và sự sống đời sau.

Xin chúc tụng Thiên Chúa, thánh, thánh, thánh. Amen.

Biên dịch: Lm. Phêrô Lê Tấn Bảo  

(giaophanmytho.net)

 


Mục Lục Năm Đức Tin