Năm đức tin với Thánh Tôma.

Bài 19: Nước Cha trị đến

Lm. Phan Tấn Thành

Lời cầu xin thứ hai có thể dịch nhiều cách: Xin cho triều đại Cha mau đến, hoặc: Xin cho vương quốc (vương triều) của Cha đến. Ở đây, chúng ta không bàn về ý nghĩa của đoạn văn trong Tân ước, nhưng chỉ ghi nhận sự giải thích của thánh Tôma Aquinô.

Thánh nhân đưa ra ba cách thức hiểu cụm từ “Nước Thiên Chúa” (hoặc: Vương triều Thiên Chúa). Mỗi ý nghĩa đều kèm theo những suy tư và hệ luận.

-       Trước hết, hiểu về thời mà mọi người đều nhìn nhận vương quyền của Đức Kitô: điều này sẽ xảy ra vào thời cánh chung.

-       Thứ hai, hiểu về vinh quang các thánh trên thiên đàng

-       Thứ ba, hiểu về Thiên Chúa ngự trị trong tâm hồn chúng ta.

Lời cầu xin này được gắn với linh ân sùng, và chân phúc dành cho kẻ hiền hòa.

-------------

Xin cho vương triều của Cha đến

Như đã nói ở trên, Thánh Linh dạy chúng ta biết yêu mến, mong ước và cầu xin  cách chính đáng. Như vậy, Ngài ban cho chúng ta ơn kính sợ, thúc giục chúng ta hãy cầu xin cho Danh Thiên Chúa được thánh hóa. Thánh Linh cũng ban cho chúng ta ơn thứ hai, đó là ơn sùng hiếu, nghĩa là tâm tình âu yếm và nhiệt tình đối với Cha và với bất cứ người nào chịu đau khổ.

Thiên Chúa thật sự là Cha của chúng ta. Đối với ngài, không những chúng ta phải tỏ lòng tôn trọng và kính sợ  nhưng còn phải tỏ tâm tình âu yếm và nhiệt thành nữa. Tâm tình này thúc đẩy chúng ta cầu xin cho vương quốc Thiên Chúa đến bằng cách “sống chừng mực, công chính và đạo đức ở thế gian này, trong niềm trông chờ niềm hy vọng hồng phúc và sự xuất hiện vinh quang của Thiên Chúa cao cả của chúng ta.” (Tt 2,12-13).

Có lẽ có người đặt vấn nạn: “Vương triều Thiên Chúa đã luôn hiện hữu rồi; tại sao lại phải cầu xin cho nó đến? Xin thưa rằng lời cầu xin của chúng ta có thể hiểu theo ba ý nghĩa.

1/ Một vị vua có quyền được sở hữu một vương quốc và cai trị ở đó. Nhưng chuyện có thể xảy ra là quyền bính của ông chưa hiện hành bòi vì thần dân chưa suy phục ông. Vương quyền của ông sẽ thành tựu khi nào tất cả mọi người dân đều tùng phục ông.                                 

Tự bản chất, Thiên Chúa đã là chủ tể của vạn vật. Xét về thiên tính thì Đức Kitô cũng vậy. Nhưng xét như con người, thì mặc dù Đức Kitô đã được Thiên Chúa trao ban”uy quyền, vinh quang và vương vị” (Đn 7,14), nhưng vương quyền này vẫn chưa hoàn thành.Vì vậy cần phải làm cho hết mọi loài suy phục Người, và điều này sẽ xảy đến vào lúc thời gian kết liễu: “Thật vậy Đức Ki-tô phải nắm vương quyền cho đến khi Thiên Chúa đặt mọi thù địch dưới chân Người” (1 Cr 15, 25).  Đó là lý do vì sao chúng ta cầu xin cho vương triều của Người đến.

Đồng thời lời cầu xin cũng nhắm đến ba mục tiêu: a) những người công chính được thêm vững mạnh, b) những người tội lỗi bị trừng trị, c) sự chết bị tiêu diệt.

Thật vậy, con người  sẽ phục tùng Đức Kitô bằng hai cách: hoặc tự ý hoặc là miễn cưỡng.

Xét vì ý muốn của Thiên Chúa sẽ thành tựu bắng bất cứ giá nào, và Ngài đã muốn rằng muôn vật phải phục tùng Đức Kitô, cho nên con người chỉ có hai sự lựa chọn: hoặc là đồng tình chấp thuận thi hành ý muốn của Chúa, giống như những người công chính, hoặc là phải chịu đựng để cho Thiên Chúa áp đặt ý muốn của Ngài, giống như những người tội lỗi  và những kẻ  thù địch của Ngài, qua việc trừng trị họ. Điều này sẽ xảy đến vào lúc thời gian kết thúc, khi mà “tất cả kẻ thù bị đặt làm bệ dưới chân Người” (Tv 110, 1). Vì thế đối với các thánh, thật là âu yếm khi nguyện cầu cho vương quyền Thiên Chúa đến, bởi vì đó là xin cho được hoàn toàn suy phục Ngài. Đối với người tội lỗi, lời cầu ấy trở nên kinh hoàng, bởi vì cầu cho vương quốc của Thiên Chúa đến có nghĩa là cầu cho mình phải chịu những hình phạt mà ý Chúa sẽ giáng xuống trên họ. Lời đe dọa của ngôn sứ Amos thật xứng hợp cho họ: “Khốn cho những ai mong đợi ngày của Chúa. Ngày ấy sẽ như thế nào? Sẽ là tối tăm, chứ không phải là ánh sáng” (Am 5, 18).

Khi Vương triều của Chúa đến thì sự chết cũng bị tiêu diệt. Thât vậy, vì Đức Kitô là Sự Sống cho nên sư chết không thể tồn tại trong vương triều của Người, bởi vì sự chết phủ nhận sự sống. Vì thế thánh Phaolô nói : “Thù địch cuối cùng bị tiêu diệt là sự chết” (1 Cr 15, 26). Sự chết bị tiêu diệt khi diễn ra cuộc phục sinh, tức là lúc Đức Kitô,  Đấng “có quyền năng khắc phục muôn loài, và sẽ dùng quyền năng ấy mà biến đổi thân xác yếu hèn của chúng ta nên giống thân xác vinh hiển của Người” (Pl 3, 21).

2/ Thứ hai, “Vương triều Thiên Chúa” có thể hiểu như là vinh quang trên thiên đàng.

Cách giải thích này không có gì khác lạ, bởi vì nói đến vương triều có nghĩa là nói đến sự cai trị. Sự cai trị được coi là tuyệt hảo khi mà không ai làm trái ngược ý muốn của kẻ cầm quyền.

Thế mà ý muốn của Thiên Chúa là cứu độ loài người: “Ngài muốn cho tât cả mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý” (1 Tm 2, 4). Thánh ý này được thành tựu mỹ mãn trên thiên đàng, ở đó sẽ chẳng có gì ngăn cản ơn cứu độ nhân loại; bởi như có lời chép trong tin mừng Matthêu rằng : “Con Người sẽ sai các thiên sứ của Người đi tập trung mọi kẻ làm gương mù gương xấu và mọi kẻ làm điều gian ác, mà tống ra khỏi Nước của Người” (Mt 13, 41). Trái lại, ở thế gian này thì đây những chướng ngại làm ngăn trở ơn cứu độ của con người. Bởi thế, khi cầu xin cho Vương triều Chúa đến, thì chúng ta xin cho được thông phần vào vương quốc trên trời và vinh quang thiên đàng.

Vương triều này đáng ao ước vì ba lý do sau :

a) Lý do thứ nhất là vì trong vương quốc này, công lý sẽ hoàn toàn ngự trị, bởi vì sẽ thể hiện điều mà  ngôn sứ Isaia đã viết : “Dân của Ngài gồm toàn là những người công chính” (Is 60, 21). Ngày nay, trên đời này, người tốt sống chen lẫn người xấu; nhưng ở trên trời, sẽ không còn kẻ tội lỗi gian ác nào nữa.

b) Lý do thứ hai, Vương quốc này đáng được ước ao bởi vì ở đó có sự tự do hoàn toàn. Hiện thời ở dưới thế này không có tự do, tuy dù đó là điều mà ai ai cũng khao khát. Trên trời là nơi có sự tự do toàn diện, thoát khỏi mọi hình thức nô lệ, như thánh Phaolô đã viết: “Muôn loài thụ tạo ngóng trông … được giải thoát, không còn phải lệ thuộc vào cảnh hư nát, mà được cùng với con cái Thiên Chúa chung hưởng tự do và vinh quang (xc. Rm 8, 21). Trên thiên đàng, không những người ta được tự do mà còn được cai trị, theo như lời đã chép trong sách Khải Huyền  “Ngài đã làm cho họ thành một vương quốc những tư tế, để phụng thờ Thiên Chúa chúng ta, và họ sẽ cai trị trên trái đất” (Kh 5, 10). Họ sẽ làm vua của muôn loài, bởi lẽ họ hòa hợp với ý muốn Thiên Chúa: Thiên Chúa muốn điều mà các thánh muốn, và các thánh muốn điều mà Thiên Chúa muốn. Vì thế tất cả các thánh đều sẽ cai trị muôn loài, bởi lẽ ý muốn của các ngài sẽ được thể hiện, và Thiên Chúa sẽ là phần thưởng cho tất cả các ngài, theo như những lời của tiên tri Isaia: “Trong ngày ấy, Đức Chúa các đạo binh sẽ trở nên vương miện trang điểm và vòng hoa diễm lệ cho số còn sót lại của dân Người” (Is 28, 5).

c) Lý do thứ ba, vương triều này đáng trông mong bởi vì sự dồi dào chan chứa những điều tốt lành. Ông Isaia nói: “Điều mà tai chưa hề nghe, mắt chưa hề thấy một thần linh nào, ngoài Chúa ra, đã hành động như thế đối với ai tin cậy nơi mình” (Is 64, 3). Thánh vịnh cũng rập tiếng ca ngợi rằng: “Chúa ban cho đời ngươi chứa chan hạnh phúc” (Tv 103, 5). Nên ghi nhận rằng: duy chỉ trong Thiên Chúa, con người mới gặp thấy được mọi sự, với một mức độ rất tuyệt vời và hoàn hảo hơn là những gì con người có thể ước ao ở trên đời này.  Bạn đi tìm vui thú ư? Bạn sẽ thấy nơi Thiên Chúa ở múc tuyệt đỉnh. Bạn tìm kiếm phú quý ư? Bạn sẽ thấy dư dật những điều tốt lành mà sự phú quý mong ước. Và ta có thể nói tương tự như vậy về những điều khác nữa. Thánh Augustinô đã nhận ra điều này khi viết trong quyển sách “Tuyên xưng”: Khi linh hồn con lìa xa Ngài vì tội lỗi, và tìm kiếm sự tinh tuyền và trong trắng ở ngoài Ngài, nhưng linh hồn con chỉ thấy chúng khi biết trở về với Ngài”.

3/ Có thể hiểu lời cầu xin “Vương triều của Cha đến” theo nghĩa thứ ba như thế này. Đôi khi trên đời này tội lỗi ngự trị và chiến thắng. Điều này xảy ra khi con người chiều theo khuynh hướng phạm tội, đang khi thánh Phaolô đã  cảnh báo rằng: “Đừng để tội lỗi thống trị thân xác phải chết của anh em, buông thả theo những ước muốn của nó” (Rm 6, 12).  Trái lại, Thiên Chúa cần phải ngự trị trong tâm hồn chúng ta. Điều này xảy ra khi chúng ta sẵn sàng vâng phục Người và tuân giữ các giới răn của Người. Vì vậy, khi chúng ta cầu xin cho vương triều Thiên Chúa đến thì chúng ta khẩn xin Thiên Chúa hãy ngự trị trong chúng ta, chứ đừng để cho tội lỗi thống trị.

Lời cầu xin này đưa chúng ta đến mối phúc mà Đức Giêsu đã công bố: “Phúc thay ai cho những kẻ hiền lành”.

Thật vậy, theo cách lý giải thứ nhất, khi con người ước mong cho Thiên Chúa trở nên Chủ tể muôn loài, thì ta không tự mình trả oán vì những bất công mình phải chịu, nhưng để dành việc ấy cho Thiên Chúa, bởi vì nếu ta báo oán thì ta sẽ chẳng cầu mong cho vương triều của Chúa đến.

Theo cách giải thích thứ hai, nếu bạn trông mong vương triều Thiên Chúa, nghĩa là vinh quang trên thiên đàng, thi bạn chẳng quan tâm đến việc mất mác những của cải thế gian.

Sau cùng, nếu bạn xin  cho Thiên Chúa và Đức Kitô ngự trị trong lòng anh em, thì bạn phải trở nên hiền lành bởi vi Đức Kitô là Đấng rất hiền hậu: “ Các con hãy học nơi Thầy vì Thầy là kẻ hiền hạu và khiêm nhường trong tâm hồn” (Mt 11,29). Thánh Phaolô cũng viết rằng: “anh em đã vui mừng để cho người ta tước đoạt của cải, vì biết rằng mình chiếm hữu những của cải tốt hơn và bền bỉ hơn” (Dt 10, 34).

daminhvn.net Wednesday, 13 February 2013 08:27

 


Mục Lục Năm Đức Tin