Năm đức tin với thánh Tôma.

Bài 39

 

Điều Răn Thứ Chín

“Ngươi không được ham muốn nhà người ta” (Xh 20,17).

Phan Tấn Thành

(daminhvn.net) Thứ bảy, 13 Tháng 7 2013 22:49

Thánh Tôma đảo ngược thứ tự giữa hai điều răn cuối cùng: đặt điều cấm ham muốn tài sản lên trước điều cấm ham muốn vợ của người khác, có lẽ bởi vì muốn theo sát bản văn của sách Xuất thành(Ngươi không được ham muốn nhà người ta. Ngươi không được ham muốn vợ người ta, tôi tớ nam nữ, con bò con lừa hay bất cứ vật gì của người ta).

Thật ra, nhiều cuộc tranh luận đã diễn ra chung quanh con số các điều răn cũng như về thứ tự của chúng. Tại sao có 10 điều răn, mà không ít hơn hoặc nhiều hơn? Câu trả lời khá đơn giản:  có lẽ chỉ vì lý do “sư phạm”, nghĩa là giúp cho các trẻ em dễ nhớ: hai bàn tay có 10 ngón, mỗi ngón ghi một điều răn. Xếp đặt các điều răn theo thứ tự nào? Câu hỏi này phức tạp hơn. Người ta nhận thấy rằng hai bản văn chính của Cựu ước(Xh  20,2-17 và Đnl 5,6-21) không hoàn toàn trùng hợp với nhau. Bản văn của sách Xuất hành  dài hơn, cách riêng là ở ba điều răn đầu tiên (và xem ra lúc đầu gồm có bốn điều: cấm thờ thần ngoại, cấm tạc tượng, cấm lạm dụng danh Chúa, cấm làm việc ngày sabat), còn bản văn sách Đệ-nhị-luật ngắn hơn, nhưng lại tách ra hai điều răn cuối cùng. Trên thực tế, các tín đồ đạo Do thái và Giáo hội Chính thống dựa theo bản văn Xuất hành, vì thế tính ra bốn điều răn dành cho Thiên Chúa (tách rời việc thờ tượng làm thành điều răn thứ hai), và điều răn cuối cùng thì gom thành một: “không được ham muốn vợ người ta, tôi tớ nam nữ, con bò con lừa hay bất cứ vật gì của người ta”. Giáo hội Công giáo kể từ thánh Augustinô dựa vào bản văn Đệ nhị luật, chỉ nói đến ba điều răn dành cho Thiên Chúa, và tách ra sự thèm muốn vợ người ta (thứ 9) ra khỏi sự thèm muốn tài sản của người (thứ 10).

Dù sao, một điểm chung của hai điều răn cuối cùng nằm ở chỗ ngăn cấm sự thèm muốn, sau khi đã ngăn cấm việc xâm phạm đến người phối ngẫu (điều thứ 6) và tài sản của người thân cận (điều thứ 7). Vào thời xưa, sự thèm muốn không chỉ hiểu về sự thèm thuồng nhưng còn kèm theo mưu toan chiếm đoạt. Các người vợ, tì thiếp họp thành một khối tài sản.

Thánh Tôma bắt đầu với việc ham muốn tài sản, rồi sau đó mới đến ham muốn tình dục.Trong bài huấn giáo hôm nay, tác giả đưa ra sáu lý do vì sao có lệnh truyền không được thèm muốn tài sản của tha nhân.

---------

”Ngươi không được ham muốn điều gì thuộc về người thân cận.” (Xh 20,17).Giữa luật Thiên Chúa và luật loài người có sự khác biệt ở chỗ là luật Thiên Chúa phán xét không những các hành động và lời nói mà kể cả các ý nghĩ nữa. Lý do bởi vì luật con người thì được làm ra bởi con người, mà con người chỉ nhìn thấy bên ngoài, còn luật Thiên Chúa thì do bởi Thiên Chúa, Đấng nhìn thấu suốt cả bên trong và bên ngoài của con người. Về điều này, vịnh gia đã nói: ”Ngài là Thiên Chúa của lòng con” (Tv 72,26). Có lời khác trong Kinh thánh lại chép rằng: ”Người phàm chỉ thấy điều mắt thấy, còn ĐỨC CHÚA thì thấy tận đáy lòng” (1 Sm 16,7).

Vì thế, sau khi đã bàn về những điều răn liên quan đến hành động và lời nói, bấy giờ chúng ta đề cập đến những điều răn liên quan về ý nghĩ. Thật vậy, đối với Thiên Chúa, ý định trong đầu cũng đã mang tính luân lý rồi; do đó cụm từ “ngươi không được thèm muốn” có nghĩa là: không những người không được lấy tài sản của người thân cận bằng hành động, mà thậm chí người không được ham muốn nó.  Điều ngăn cấm này có nhiều lý do.

1/ Lòng tham vô đáy

Lý do thứ nhất là lòng tham thì vô tận. Thật vậy, lòng tham lạm thì không cùng.  Thế nhưng người khôn ngoan thì cần biết đặt ra một giới hạn trong hết mọi việc,  chứ không ai lại đi theo một con đường bất tận, như có lời viết: ”Người tham lam chẳng bao giờ thỏa mãn về tiền bạc “ (Gv 5,9). Isaia (5,8) cũng nói: ”Vô phúc cho kẻ vơ lấy hết nhà này đến nhà khác và  ruộng này đến ruộng khác. Sở dĩ những ước muốn của con người  không bao giờ thỏa mãn hết được là bởi vì lòng người được dựng nên để đón nhận Thiên Chúa. Vì thế thánh Âugustinô đã nói: ”Lạy Chúa, Ngài dựng nên chúng con cho Ngài, và trái tim chúng con không được nghỉ ngơi cho đến khi nào được nghỉ yên trong Chúa” (Tự Thuật, I). Bởi vậy những gì thấp kém hơn Thiên Chúa thì không  thể lấp đầy  trái tim con người, như vịnh gia đã nói: ” Chúa làm cho khát vọng của ngươi được tràn đầy nhờ những phúc lộc của Ngài” (Tv 102,5).

2/ Lòng tham gây ra xáo trộn

Lý do thứ hai là lòng tham lấy mất đi một điều thiện quý giá đó là sự yên nghỉ. Thật vậy, những người tham lam thì luôn bận tâm làm sao thủ đắc được những gì mình chưa có và  giữ lấy cái gì mình đã có: ”Lắm bạc nhiều tiền đâu được ngủ yên” (Gv 5,11), “Kho tàng của anh ở đâu, thì lòng anh ở đó” (Mt 6,21). Theo thánh Grêgôriô, vì thế mà Chúa Giêsu đã so sánh tiền của với  gai góc (Lc 8,14).

3/ Lòng tham chẳng được ích gì

Thứ ba, lòng tham chẳng ích gì cho chính bản thân và cho người khác. Những người tham của chỉ muốn bo bo giữ  lấy tài sản, không dám dùng vì sợ mất, lại càng không giúp người khác: ”Của cải không lợi gì cho kẻ tiểu nhân, đối với con người đố kỵ, thì tài sản để làm gì?” (Hc 14,3).

4/ Lòng tham tổn hại đến công bằng

Thứ bốn, lòng tham làm  hủy hoại đến  công lý, như Kinh thánh đã nói: ”Ngươi không được nhận quà hối lộ, vì quà hối lộ làm cho những kẻ sáng mắt hoá ra đui mù và làm hỏng việc của những người công chính” (Xh 23,8). Có lời khác trong Kinh thánh nói rằng: ”Người nào đã tham vàng bạcthì không sao công chính được” (Hc 31,5).

5/ Lòng tham tiêu diệt tình thương

Thứ năm, lòng ham muốn tài sản tha nhân tiêu diệt lòng yêu mến đối với người ấy.  Thánh Augustinô đã nói:  ”Ai càng có đức mến thì càng ít ham muốn của cải dưới đất,” và ngược lại. Vì thế sách Huấn ca đã khẳng định: “Đừng đổi người anh em chân chính lấy vàng Ô-phia” (Hc 7,18).  Lòng tham cũng tiêu diệt lòng yêu mến Thiên Chúa, bởi vì như Tân ước đã nói ”Không ai có thể làm tôi hai chủ: không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi Tiền Của được” (Mt 6,24).

6/ Lòng tham sinh ra mọi tội ác

Cuối cùng, lòng tham lam sinh ra tất cả những tội lỗi khác. Thánh Phaolô bảo rằng lòng tham lam là ”cội rễ của mọi sự dữ,” (1Tm 6,10) và khi gốc rễ này ăn sâu trong tâm tư thì lòng tham lam dẫn đến giết người, trộm cắp và mọi thứ xấu xa khác. Bởi thế, thánh Tông đồ còn nói thêm rằng; ”Còn những kẻ muốn làm giàu, thì sa chước cám dỗ, sa vào cạm bẫy và nhiều ước muốn ngu xuẩn độc hại; đó là những thứ làm cho con người chìm đắm trong cảnh huỷ diệt tiêu vong. Thật thế, cội rễ sinh ra mọi điều ác là lòng ham muốn tiền bạc” (1Tm 6,9-10).

Nên lưu ý rằng, lòng tham lam là tội trọng khi ham muốn không chính đáng về tài sản của người khác; và thậm chí nếu có chính đáng đi nữa thì cũng mắc tội nhẹ.

 


Mục Lục Năm Đức Tin