Năm Đức Tin Với Thánh Tôma,

Bài 41: Tóm Tắt 10 Điều Răn

 

Giuse Phan Tấn Thành, OP.

 (daminhvn.net)

Sau khi giải thích 10 điều răn, thánh Tôma tóm tắt ý nghĩa tổng quát của chúng cách ngắn gọn, dựa theo cốt lõi là hai mối tình yêu đối với Thiên Chúa và đối với tha nhân.

Chúng tôi muốn bổ túc tư tưởng của thánh Tiến sĩ thiên thần với vài suy tư về tính cách hiện đại của 10 điều răn, trích từ văn kiện "Kinh thánh và Luân lý" của Ủy ban Giáo hoàng về Kinh thánh xuất bản ngày 11 tháng 5 năm 2008. Vì thế bài hôm nay được phân thành hai mục, dựa theo hai bản văn

------

I. Tóm lược giáo huấn về 10 điều răn (theo thánh Tôma)

Trên đây là mười mệnh lệnh mà Chúa Giêsu đã nói với người thanh niên giàu có (Mt 19,17) : "Nếu anh muốn bước vào cõi sống, thì hãy tuân giữ các điều răn"

Thật vậy, hai nguồn mạch chính của tất cả mọi điều răn là : tình yêu với Thiên Chúa và tình yêu đối với tha nhân.

A. Tình yêu với Thiên Chúa

Kẻ yêu mến Thiên Chúa cần phải tuân giữ ba điều :

Thứ nhất, không được phép có một Chúa nào khác. Về điểm này, Kinh thánh dạy : "Ngươi không được thờ lạy những thần ngoại".

Thứ hai, cần phải tôn kính Thiên Chúa, vì thế có lệnh truyền : "Ngươi không được kêu tên Thiên Chúa vô cớ".

Thứ ba, phải nghỉ ngơi trong Thiên Chúa, vì thế có lời rằng : « Ngươi hãy nhớ thánh hóa ngày sabat ».

B. Tình yêu với tha nhân

Kẻ yêu mến người thân cận phải thực hiện những điều sau đây:

Thứ nhất, cần phải tỏ lòng kính trọng người ấy theo bổn phận của mình, vì thế Chúa đã dạy : "Hãy tôn kính cha mẹ".

Thứ hai, không được làm thiệt hại người thân cận,

- trước hết bằng hành động. Vì thế Chúa đã dạy "Chớ giết người" (điều răn này nhắm đến nhân thân của kẻ thân cận), "Chớ ngoại tình" (điều răn này nhắm đến nhân thân kết hợp với người thân cận do hôn nhân), "Chớ trộm cắp". (điều răn này liên quan đến tài sản của người khác)

- kế đến, bằng lời nói. Vì thế Chúa đã truyền : "Chớ làm chứng dối".

- sau cùng, trong tâm hồn. Vì thế Chúa dạy : "Đừng ham muốn cái gì thuộc về người thân cận, và đừng ước muốn người vợ của người thân cận.

II. Văn Kiện “Kinh thánh và luân lý” (số 28-30).

Thoạt tiên, bản văn Mười điều răn khó được con người thời nay chấp nhận, vì lối phát biểu tiêu cực, với những cấm đoán. Vì thế cần phải trình bày một cách tích cực hơn, vạch ra những giá trị được đề cao cũng như những quyền lợi cần được bảo vệ.

A. Những giá trị mà các điều răn muốn bảo vệ: 

Các mệnh lệnh của mười giới răn muốn bảo vệ các giá trị sau đây: Thiên Chúa, tín ngưỡng, thời giờ, gia đình, mạng sống, sự bền vững hôn nhân, tự do, thanh danh, gia đình và những người thân thuộc, nhà cửa và tài sản.

+ Ba giá trị hàng dọc (tương quan giữa con người với Thiên Chúa):

1. tôn thờ một Thiên Chúa duy nhất

2. tôn trọng sự hiện diện của Thiên Chúa trong thế giới

3. đánh giá tính thánh thiêng của thời gian

+ Bảy giá trị hàng ngang (tương quan giữa con người với nhau):

4. tôn trọng gia đình

5. cổ võ quyền được sống

6. duy trì sự hợp nhất giữa đôi vợ chồng

7. bảo về quyền của mỗi cá nhân được mọi người tôn trọng tự do và phẩm giá của mình

8. giữ gìn thanh danh của người khác

9. tôn trọng những con người (thuộc về một gia đình, một xí nghiệp)

10. để lại tài sản của mình cho người khác.

Bản văn cho thấy một cấp bậc các giá trị: đứng đầu là Thiên Chúa và cuối cũng là tài sản vật chất; còn trong tương quan xã hội, thì đứng đầu là gia đình, rồi đến sự sống, hôn nhân bền vững. Ngày nay, thứ tự này bị đảo lộn: trước hết là con người, sau đó mới đến Thiên Chúa; còn trong tương quan xã hội thì kinh tế được đặt lên hàng đầu! Thế nhưng khi một chính thể dựa trên một trật tự đảo điên (tiền bạc quan trọng hơn con người, giá trị luân lý bị coi nhẹ) thì sớm muộn gì cũng sẽ sụp đổ.

Luân lý mà 10 điều răn đề nghị mang tính cách giải thoát: đặt Thiên Chúa lên hàng đầu, để cho ngài làm chủ thế giới (số 1 và số 2), dành cho mỗi người khả năng sắp xếp thời gian dành cho Thiên Chúa (số 3), cổ võ đời sống gia đình (số 4), duy trì sự sống, kể cả của người bệnh tật và không sản xuất (số 5), chống lại những mầm mống phá hoại hôn nhân (số 6), ngăn chặn hết mọi hình thức khai thác thân xác, tâm hồn và tư tưởng (số 7), bảo vệ con người chống lại những tấn công làm mất thanh danh (số 8), chống lại những hình thức lừa đảo, khai thác, lạm dụng và cưỡng chế (số 9 và 10).

B. Nền tảng của các quyền lợi pháp lý

Bản 10 điều răn cung cấp nến tảng cho hiến chương những quyền lợi và tự do của hết tất cả mọi người.

1. Quyền được có tương quan tôn giáo với Thiên Chúa

2. Quyền được tôn trọng các tín ngưỡng và các biểu tượng tôn giáo

3. Quyền được tự do thi hành tín ngưỡng, và thứ đến, quyền được nghỉ ngơi, có thời giờ rãnh rỗi và nầng cao cuộc sống.

4. Quyền của các gia đình được hưởng những chính sách công bằng, quyền của con cái được dưỡng dục do cha mẹ; quyền của cha mẹ già yếu được con cái tôn kính và nâng đỡ.

5. Quyền sống (được sinh ra đời), quyền được tôn trọng sự sống (và tăng trưởng cho đến khi lìa đời), quyền được giáo dục.

6. Quyền của mỗi người được chọn lựa người phối ngẫu; quyền của đôi vợ chồng được tôn trọng, khuyến khích và nâng đỡ về phía quốc gia và xã hội: quyền của con cái được hưởng sự bền vững (tình cảm và tài chính) của cha mẹ.

7. Quyền được tôn trọng các tự do dân sự (thân thể vẹn toàn, chọn lựa nếp sống, tự do di chuyển và ngôn luận),

8. Quyền thanh danh, và thứ đến, quyền được tôn trọng đời sống tư riêng, quyền được thông tin không bị bóp méo.

9. Quyền được an toàn và yên ổn ở gia đình và nghề nghiệp, và thứ đến, quyền tự do doanh nghiệp.

10. Quyền được sở hữu tư sản (bao gồm bảo đảm được luật pháp bảo vệ tài sản của mình).

 


Mục Lục Năm Đức Tin