HÀNH TRÌNH ĐỨC TIN CỦA ÁP-RA-HAM

(xuanbichvietnam.net) Tháng Tư 17th, 2013.

Lời giới thiệu:

Cha Charles Conroy, MSC, là giáo sư chú giải Cựu Ước tại Đại học Gregoriana và tại Học Viện Thánh Kinh Giáo hoàng (Biblicum). Cách đây 10 năm ngài có dịp đến Philippines và có một số bài nói chuyện ở đó. “Hành trình đức tin của Ap-ra-ham” là một trong số các đề tài của ngài. Nhân Năm Đức Tin, chúng tôi xin giới thiệu đến quí độc giả. Bản tiếng Việt này do thầy Phêrô Nguyễn Quí Khôi; Linh mục Giuse Lê Công Đức hiệu đính.

=========================

Đây là lần đầu tiên tôi đến Phi-líp-pin. Nhưng tôi rất được khích lệ với ý nghĩ rằng chúng ta, dù là người Phi-líp-pin hay Ai-len, đều chia sẻ cùng một Thánh Kinh, cùng một Lời Hằng Sống. Đó là Lời Hằng Sống cho tất cả chúng ta. Thiên Chúa đang nói với hết thảy những người tin qua lời Thánh Kinh, lời đã được Chúa Thánh Thần linh hứng, và nếu giờ đây ta mở rộng tâm hồn đón Chúa Thánh Thần thì Chúa cũng sẽ nói với chúng ta.

Buổi nói chuyện này không nhằm mục đích trình bày những khám phá chuyên môn gần đây trong lĩnh vực lịch sử hay khảo cổ. Việc đó cũng khá thú vị nhưng tôi nghĩ không thiết yếu. Điều thiết yếu là ta hãy thử cho phép những lời ấy – vốn đến với chúng ta từ lâu, rất lâu rồi, và từ một nền văn hóa khác – nói được với chúng ta hôm nay, như đã từng nói với những thế hệ Ki-tô hữu đầu tiên.

Trước khi mở Thánh Kinh Cựu Ước, chúng ta tự nhắc mình rằng Áp-ra-ham có một vị trí rất danh giá trong Tân Ước. Trong thư gửi tín hữu Rô-ma, Phao-lô gọi Áp-ra-ham là tổ phụ của tất cả chúng ta là những người tin (Rm 4,16), là người có đức tin kiên vững khi niềm hy vọng dường như trở thành vô vọng (Rm 4,8). Một kiểu nói rất hay đó chứ. Và nếu mở chương 11, Thư Do thái, chúng ta có một loạt các mẫu gương đức tin. Song Áp-ra-ham vẫn được đề cập nhiều hơn bất cứ ai khác, gần như gấp đôi Mô-sê, người xếp thứ nhì. Vì vậy, tôi nghĩ rằng chúng ta cũng thông hiệp với những thế hệ Ki-tô hữu ban đầu trong cảm nhận rằng nhân vật Áp-ra-ham của Thánh Kinh có thể truyền cảm hứng cho đời sống đức tin của chúng ta hôm nay.

Tôi đặt tựa đề cho bài nói chuyện này là “Hành trình đức tin của Áp-ra-ham”, và sẽ đúc kết những gì tôi nghĩ là khía cạnh rất quan trọng trong bản văn cổ về Áp-ra-ham. Tất cả chúng ta đều có hành trình đức tin của mình. Và ta có thể nói về hành trình ấy ở một chừng mực nào đó. Có thể ta không nhận ra những phần nào đó của cuộc hành trình, nhưng chắc chắn là tất cả chúng ta đều đang đi trong một hành trình đức tin. Hành trình này còn dang dở và chúng ta vẫn đang bước tới. Khi suy ngẫm các bản văn về Áp-ra-ham, hết điểm này đến điểm khác, chúng ta có thể nhận ra những tương ứng với hành trình đức tin của chúng ta, cả trong tư cách cá nhân lẫn trong tư cách cộng đoàn Giáo Hội.

BỐI CẢNH CÂU CHUYỆN ÁP-RA-HAM

Trước khi bắt đầu gặp trực tiếp Áp-ra-ham, tôi muốn nói sơ lược về bối cảnh Thánh Kinh trong đó chúng ta gặp thấy các câu chuyện về ông: đó là bộ Ngũ Kinh – năm quyển đầu tiên của Sách Thánh mà người Do Thái gọi là Torah. Ta nên luôn luôn đọc Thánh Kinh trong một bối cảnh rộng lớn. Trong phụng vụ, ta thường chỉ trích một đoạn nhỏ, khoảng chín hoặc mười câu. Và ta cố gắng rút ý nghĩa từ đó, kín múc dưỡng chất cho đức tin của mình từ những câu ấy. Điều đó thật tốt; nhưng nếu ta đặt các câu ấy vào trong bối cảnh rộng hơn và tìm hiểu xem chúng liên hệ với câu chuyện lớn hơn như thế nào, thì ta sẽ có thể nhận ra nhiều ý nghĩa hơn trong những câu ấy.

Câu chuyện lớn hơn ở đây chính là bộ Ngũ Kinh. Liệu có thể tóm tắt những chủ đề của năm quyển sách này không? Thật không dễ đâu, và có lẽ đầy mạo hiểm nữa đó, nhưng tôi sẽ cố gắng làm một tóm tắt như vậy cho bài nói chuyện này. Tôi cho rằng nói chung bộ Ngũ Kinh nói về sự chọn lựa của Thiên Chúa, về lời hứa, ân sủng của Ngài và việc Ngài tự ràng buộc với chúng ta. Những chủ đề này được nhận thấy rõ nhất trong quyển sách then chốt bậc nhất của bộ Ngũ Kinh. Đó không phải là sách Sáng thế, quyển sách trong đó ta gặp thấy Áp-ra-ham, nhưng là sách Xuất hành.

Trong sách Xuất hành, chúng ta thấy cách Thiên Chúa thành lập một dân Ngài chọn, cách Ngài ban đất cho họ; ta cũng thấy họ có trách nhiệm tuân theo một lối sống, tuân theo lề luật của Thiên Chúa là Lời Hằng Sống, nhờ đó họ có thể tồn tại như một dân tộc tự do. Các sách Lê-vi và Dân số tiếp tục trình thuật về lề luật và hành trình vào Đất Hứa. Quyển cuối cùng của bộ Ngũ Thư, sách Đệ nhị luật, ghi lại những lời nói cuối cùng của Mô-sê, ngay chỗ ranh giới trước khi vào Đất Hứa. Trước khi dân Ít-ra-en tiến vào, Mô-sê tóm lược tất cả những gì Thiên Chúa đã làm cho dân Ngài và bổ nhiệm người kế vị mình. Ở đây có điều thật lạ là Mô sê – người dẫn dắt dân suốt hành trình trong sa mạc ròng rã bốn mươi năm – lại không được vào Đất Hứa. Ngũ Kinh trong tư cách một bộ sưu tập cũng dang dở một cách kỳ lạ.

Ngũ Kinh bắt đầu với lời hứa ban đất và kết thúc với việc Mô-sê chết trước khi dân Ít-ra-en tiến vào mảnh đất ấy. Nào, ta hãy nghĩ đến những độc giả Do Thái đã đọc Ngũ Kinh. Vào một thời điểm nào đó trong lịch sử của mình, họ – hay một số trong họ – đã hồi hương từ cuộc lưu đày Ba-bi-lon và cố gắng tái thiết cộng đoàn ở Giê-ru-sa-lem. Tuy nhiên họ vẫn chưa làm chủ được mảnh đất này, vốn đang bị ngoại bang kiểm soát. Ngũ Thư kết thúc trước khi dân hoàn toàn làm chủ Đất Hứa – cách trình bày này nói lên một điều gì đó với độc giả Do Thái. Tuy chưa có đất nhưng họ đã có lề luật. Họ có lời của Gia-vê, lời ấy mách bảo họ cách thế để trở thành một dân tộc tự do mà cuối cùng sẽ nhận được những lời Chúa hứa. Nói tắt, trọng tâm câu chuyện của Ngũ Thư là: sự tuyển chọn và lời hứa, ân ban và sự dấn thân.

Nếu vậy, thì đâu là chức năng của sách Sáng thế mà trong đó chúng ta tìm thấy các câu chuyện về Áp-ra-ham? Sách Sáng thế tập chú trước hết vào chủ đề lời hứa – lời hứa về một dòng dõi đông đúc, về một người con trai cho Áp-ra-ham, về mảnh đất và về lời chúc phúc. Lời hứa hướng chúng ta đến tương lai. Nó cho ta thấy một điều gì đó mà chúng ta chưa sở hữu nhưng nó định hướng và thúc đẩy chúng ta đạt đến điều đó. Chính sách Sáng thế cung cấp cho bộ Ngũ Kinh sự định hướng tương lai và động lực hướng đến tương lai. Ngay trong sách Sáng thế, chúng ta thấy rằng đức tin của Ít-ra-en – và cả của chúng ta – không phải là một hệ thống các ý tưởng đóng kín, nhưng là một thần học về niềm hy vọng, về sự hướng về phía trước. Chúng ta đã được ban cho lời hứa. Nhưng lời hứa ấy vẫn chưa được hoàn thành. Chúng ta đang trên đường, trong một cuộc hành trình. Chính chủ đề lời hứa trong sách Sáng thế nhấn mạnh cho ta điều đó.

Còn một điểm nữa về sách Sáng thế, và điểm này liên hệ đến mười một chương đầu tiên. Những chương này không nói về Ít-ra-en, mà liên quan đến toàn thể nhân loại, bắt đầu từ công trình tạo dựng. Các bạn hãy nhớ đến A-đam, E-và và các nhân vật khác. Từ “Ít-ra-en” chưa xuất hiện ở đây. Mười một chương này cho chúng ta biết về toàn bộ tình trạng của nhân loại. Nhiều xứ sở và nhiều dân tộc được nói đến, cách riêng trong chương mười, trong đó con cái Ít-ra-en cố trình bày tất cả sự hiểu biết về các dân tộc mà họ có. Dĩ nhiên là rất hạn chế, nhưng họ cố gắng kể ra mọi điều họ biết về các dân trong chương này. Có vẻ như họ đang nói đến tất cả mọi người. Điều ghi nhận ở đây, đó là câu chuyện của dân Ít-ra-en không phải là câu chuyện về một dân tộc tách biệt. Họ là một dân tộc ở giữa các dân tộc khác. Và chúng ta thấy rất rõ điều này trong câu chuyện của Áp-ra-ham.

Điểm cuối cùng mà tôi muốn nói về bộ Ngũ Thư – dù tôi sẽ không đi vào chi tiết – đó là về các nguồn gốc và sự hình thành những quyển sách này. Tôi chắc chắn nhiều người trong các bạn biết rằng năm quyển này của Thánh Kinh không được viết ra cùng một lúc. Chúng được viết qua nhiều thế kỷ, với sự đóng góp của nhiều người. Việc vạch ra tất cả chi tiết của quá trình hình thành lâu dài qua nhiều thế kỉ của những quyển sách này quả là một bức tranh vô cùng phức tạp. Tôi nhắc đến sự kiện này, bởi vì khi chúng ta đọc các câu chuyện trong sách Sáng thế cũng như trong các sách khác của bộ Ngũ Kinh, đôi khi chúng ta cảm thấy có những sự đứt đoạn, những mâu thuẫn, hay sự trúc trắc nào đó trong câu chuyện. Đấy bởi vì những quyển sách này đã trải qua một giai đoạn hình thành rất lâu dài trong tay của nhiều tác giả được linh hứng, trước khi đạt đến hình thức cuối cùng như ta thấy hôm nay.

Như vậy tạm đủ cho phần giới thiệu tổng quát khung cảnh của các trình thuật về Áp-ra-ham. Bây giờ chúng ta hãy tìm hiểu chính các trình thuật này, bắt đầu từ St 11,27 cho đến St 25,10.

● Sáng thế 1-11

Đâu là mối liên hệ giữa câu chuyện Áp-ra-ham với các câu chuyện mà ta đọc thấy trong Sáng thế 1-11? Có thể nói rằng các câu chuyện trong Sáng thế 1-11 nói về ba chủ điểm: 1) Công trình tạo dựng tốt lành của Thiên Chúa, 2) Những sự tàn phá công trình tạo dựng tốt đẹp của Thiên Chúa do sự thất bại và tội lỗi của con người, và 3) Thiên Chúa không bỏ rơi nhân loại tội lỗi.

Sách Sáng thế bắt đầu với trình thuật về công trình tạo dựng tốt đẹp của Thiên Chúa. Ngài lần lượt tạo dựng hết thứ này đến thứ khác. Và Thiên Chúa thấy tất cả đều tốt đẹp. Câu “Thiên Chúa thấy tốt đẹp” được lặp đi lặp lại như một điệp khúc. Khi tạo nên con người, có nam có nữ, Thiên Chúa thấy rất tốt đẹp. Vì không giống như các thụ tạo khác, con người – nam và nữ – được tạo nên theo hình ảnh của Thiên Chúa, mang hình ảnh của Thiên Chúa trong tư cách là nam và nữ. Nhưng chẳng bao lâu thảm họa tội lỗi đã đi vào trong công trình tạo dựng tốt đẹp của Thiên Chúa, và nó đi vào như thế qua sự chọn lựa của con người. Câu chuyện ăn trái cấm là một câu chuyện nổi tiếng, một dụ ngôn (St 2-3). Nó cho thấy tại sao tình trạng gần gũi với Thiên Chúa thuở ban đầu, tình trạng hòa hợp giữa người với người và giữa người với các thụ tạo khác đã bị đổ vỡ hoàn toàn do một sự lựa chọn sai lầm của con người. Chúng ta nhìn thấy bức tranh đổ vỡ của cuộc sống con người ở những khía cạnh khác nhau. Nghĩa là, câu chuyện không chỉ nói về A-đam và E-va, mà nói về đời sống con người như chúng ta biết hôm nay, đời sống con người trên toàn thế giới này. Các mối quan hệ nam nữ của con người trở nên méo mó hoặc có thể trở nên méo mó.

Trong St 3,16, Thiên Chúa nói với người phụ nữ, tức E-va, rằng: “Ngươi sẽ thèm muốn chồng ngươi và nó sẽ thống trị ngươi”. Ở đây không có bình đẳng, chỉ có thống trị. Nghĩa là tình hình rất khác với những gì diễn ra trước đó. Trong St 2,25 ta đọc thấy: “Người đàn ông lìa cha mẹ và gắn bó với vợ mình, và cả hai trở thành một xương một thịt”. Rõ ràng là sự thống trị không từng được nói đến, nó chỉ xuất hiện sau sự lựa chọn sai lầm của tội lỗi con người. Thêm nữa, thiên chức làm mẹ là điều tuyệt vời nhưng nay phải được đảm nhận trong đau đớn và khổ sở: “Ta sẽ làm cho ngươi cực nhọc thật nhiều khi thai nghén, ngươi sẽ phải cực nhọc lúc sinh con” (St 3,16). Cuối cùng, lao động vốn là một phương thế để tất cả chúng ta thể hiện và hoàn thành chính mình thì nay trở thành sự nhọc nhằn, khó khăn và trở thành những cản ngại (St 3,17-19).

Tuy nhiên, Thiên Chúa không bỏ rơi nhân loại tội lỗi. Có một cảnh thật cảm động ở cuối chương ba khi ông bà nguyên tổ bị đuổi ra khỏi vườn địa đàng: Thiên Chúa mặc áo cho họ. Với cử chỉ ân cần đơn sơ như thế, Ngài đuổi hai ông bà ra khỏi vườn. Đây là một cảnh đơn sơ mộc mạc nhưng đầy cảm kích. Họ bị trừng phạt, nhưng Thiên Chúa không bỏ rơi họ.

Đọc tiếp những chương sau đó trong sách Sáng thế, chúng ta cũng thấy cùng một kiểu thức ấy. Và đây là một ghi nhận quan trọng. Tội lỗi và hình phạt vẫn có đó, nhưng Thiên Chúa không bỏ rơi con người. Trong Sáng thế 4, chúng ta chứng kiến tình anh em giữa Ca-in và A-ben bị đổ vỡ. Ca-in giết A-ben. Và một lần nữa, dù trừng phạt Ca-in nhưng Thiên Chúa không bỏ rơi anh ta. Ngài ghi một dấu trên trán Ca-in và nói rằng không ai được phép giết hại Ca-in. Rồi sau đó, tội lỗi của con người gia tăng, thế là xảy ra cơn lụt hồng thủy. Song Thiên Chúa không bỏ rơi nhân loại tội lỗi; bằng chứng là một số người được cứu – đó là Nô-ê, gia đình và các con vật của ông.

Trong Sáng thế 11 chúng ta gặp câu chuyện nổi tiếng về tháp Ba-ben. Câu chuyện bắt đầu bằng lưu ý rằng vào lúc ấy mọi người trên mặt đất đều nói cùng một thứ tiếng và dùng những từ như nhau. Giá như ngày nay được như vậy thì tuyệt vời biết bao! Mọi nền văn hóa sẽ hiểu nhau mà không gặp trở ngại gì. Nhưng thật tiếc, sự việc lại đi ‘trật đường rây’. Con người nói với nhau: “Nào! Ta hãy xây cho mình một thành phố và một tháp có đỉnh cao chọc trời. Ta phải làm cho danh ta lẫy lừng để khỏi bị phân tán trên khắp mặt đất (St 11,3-4). Nói cách khác, họ đang nói với nhau rằng “Nào! Ta hãy tự kiến tạo tương lai cho mình, ta hãy dùng tất cả trình độ kỹ thuật có thể để xây dựng một ngọn tháp kỳ vĩ. Danh tiếng ta sẽ lẫy lừng. Và chúng ta sẽ tự lo công việc này của mình”. Người ta chẳng nhắc gì đến Thiên Chúa ở đây, chỉ có sự cao ngạo đắc thắng của con người. Và rồi phán quyết của Thiên Chúa về sự cao ngạo ấy đã được đưa ra: con người bị phân tán và ngôn ngữ của họ bị lộn xộn. Nhóm này không còn hiểu nhóm kia. Đây là một lưu ý quan trọng.

Sau sự trừng phạt này, bản văn không biểu thị rõ rằng Thiên Chúa vẫn ở với đám người mà Ngài đã phân tán và ngôn ngữ của họ đã bị Ngài gây xáo trộn. Nói cách khác, trong mô thức tội lỗi / hình phạt / sự kiện Thiên Chúa không bỏ rơi, thì yếu tố thứ ba về việc ‘Thiên Chúa không bỏ rơi’ không thấy có trong câu chuyện tháp Ba-ben. Điều gì đang xảy ra vậy? Hay là mô thức kia đã thay đổi? Không, thực sự không. Chương về câu chuyện tháp Ba-ben kết thúc thì cũng là lúc câu chuyện về Áp-ra-ham bắt đầu. Điều này cho thấy rằng toàn bộ câu chuyện Ap-ra-ham là cách Thiên Chúa chứng tỏ Ngài không bỏ rơi nhân loại vốn đã bị phân tán. Nói cách khác, kế hoạch của Thiên Chúa đối với nhân loại giờ đây tập trung vào một nhóm nhỏ. Nhưng đấy không phải vì lợi ích của duy chỉ nhóm này, mà vì lợi ích của toàn thể nhân loại. Vâng, Thiên không bỏ rơi con người, Ngài bắt đầu trong một phạm vi gia đình rất nhỏ. Câu chuyện Áp-ra-ham được mở ra như thế.

CÂU CHUYỆN ÁP-RA-HAM

Khung cảnh câu chuyện được nêu ở những câu cuối của Sáng thế 11, với danh tánh các vị tiên nhân của Áp-ra-ham. Áp-ra-ham đã kết hôn với bà Sa-ra (lúc đó vẫn còn được gọi là Sa-rai). Còn ông là “Áp-ram” chứ không phải “Áp-ra-ham”. Bà Sa-rai, vợ ông, là người son sẻ. Đây là yếu tố quan trọng để hiểu phần tiếp theo của câu chuyện. Khi rời khỏi quê hương xứ sở thì Áp-ra-ham đã bảy mươi lăm tuổi mà vẫn chưa có con. Điều này sẽ tạo nên kịch tính cho toàn bộ câu chuyện của ông.

Câu chuyện Áp-ra-ham bắt đầu ở St 12. Tôi muốn nêu vài nhận xét về các phần của chương này, một chương rất đặc trưng cho các câu chuyện về Áp-ra-ham. Chương này rất ngắn và không kể nhiều điều mà chúng ta muốn biết. Chúng ta phải thật chú ý khi đọc các câu chuyện này, vì chúng ngắn gọn, rất cô đọng và rất tập trung. Tôi xin đưa ra vài ví dụ.

Câu chuyện về tiếng gọi dành cho Áp-ra-ham bắt đầu như sau: “Đức Chúa phán với ông Áp-ram” (St 12,1). Chúng ta không biết Chúa đã nói với ông bằng cách nào? Đó là một thị kiến? Hay là một giấc mơ? Điều duy nhất mà câu chuyện muốn nói chính là nội dung, tức những gì mà Áp-ra-ham nhận hiểu. Trước hết, nội dung ấy là một lệnh truyền, rồi kèm theo đó là một lời hứa. Lệnh truyền như sau: “Hãy rời bỏ xứ sở, họ hàng và nhà cha ngươi mà đi tới vùng đất Ta sẽ chỉ cho ngươi” (St 12). “Rời bỏ” và “đi tới”! Vế “rời bỏ” gắn với nhiều chi tiết hơn: “Hãy rời bỏ xứ sở, họ hàng và nhà cha ngươi”. Nghĩa là rời bỏ bối cảnh rộng lớn hơn để bước vào bối cảnh đặc thù hơn. Hãy rời bỏ xứ sở của ngươi, bộ tộc của ngươi, và hãy rời bỏ chính khung cảnh gia đình của ngươi. Áp-ra-ham được mời gọi trở thành một người di cư, giống như rất nhiều người trong thế giới chúng ta hôm nay. Nếu nghĩ đến tình cảnh của nhiều người di cư hiện nay, chúng ta có thể cảm nhận phần nào về Áp-ra-ham. Những người phải sống nơi đất khách quê người thì thường bất ổn, bấp bênh. Họ không còn ở trong môi trường của mình, họ không còn ở nơi mà họ cảm thấy an toàn, gắn bó, và được chấp nhận. Họ sống giữa những người xem họ là những kẻ xa lạ, khác biệt, đôi khi họ bị xem là mối đe dọa và bị nhìn bằng ánh mắt thù địch. Áp-ra-ham được yêu cầu phải chấp nhận tất cả những điều đó, phải sống bên lề, phải chấp nhận sự nguy hiểm, phải mang tâm trạng căng thẳng – và phải chịu những khổ sở của tình cảnh như thế. Đó là điều Thiên Chúa mời gọi Áp-ra-ham, vì thiện ích của toàn thể loài người đã bị phân tán. Thiên Chúa yêu cầu Áp-ra-ham ra đi.

Vế thứ hai là “hãy đi tới”. Điều làm chúng ta ngạc nhiên trong mệnh lệnh “hãy đi tới” này, đó là nó quá mơ hồ. “Hãy đi tới vùng đất Ta sẽ chỉ cho ngươi”. Nhưng vùng đất đó ở đâu? Áp-ra-ham không được trao cho thông tin rõ ràng về chuyến đi của mình. Thiên Chúa chỉ nói: “Ngươi hãy cứ đi và rồi Ta sẽ chỉ cho biết nơi mà ngươi sẽ đến. Ta không cho ngươi lúc này ngay cả sự yên tâm của việc biết trước điểm đến của mình”. Mệnh lệnh như thế đó, một mệnh lệnh khó khăn. Và tôi nghĩ chúng ta có thể cảm nhận sự khó khăn này.

Nhưng rồi, lời hứa được ban cho. “Ta sẽ là cho ngươi thành một dân lớn, sẽ chúc phúc cho ngươi. Ta sẽ làm cho tên tuổi ngươi lẫy lừng và ngươi sẽ là một mối phúc lành. Ta sẽ chúc phúc cho những ai chúc phúc cho ngươi. Ai nhục mạ ngươi Ta sẽ nguyền rủa. Nhờ ngươi, mọi dân tộc trên mặt đất sẽ được chúc phúc” (St 12,2-3). Từ “mối phúc” hay “chúc phúc” xuất hiện nhiều lần. Áp-ra-ham là người mang mối phúc không chỉ cho chính mình hay gia tộc mình nhưng là cho các dân tộc khác nữa. Tôi đang theo bản dịch NRSV: “Nhờ ngươi, mọi gia tộc khác trên mặt đất sẽ được chúc phúc”. Tôi nghĩ một số bản khác dịch rằng: “Mọi gia tộc trên mặt đất sẽ chúc phúc bởi ngươi” hay đại loại như thế. Nhưng thật ra không có khác biệt nhiều, vì điều chính yếu là những gì Áp-ra-ham thực hiện sẽ tác động đến mọi gia tộc trên mặt đất. Ở đây ta thấy mối liên hệ với Sáng thế 1-11. Câu chuyện Áp-ra-ham không chỉ dành cho Ít-ra-en nhưng cho tất cả mọi người. Đó chính là mục đích của lệnh truyền và lời hứa của Thiên Chúa.

Áp-ra-ham đã phản ứng ra sao? Ta đọc thấy một trình thuật hết sức vắn gọn: “Áp-ra-ham ra đi như Thiên Chúa phán với ông” (St 12,4). Chúng ta dễ thắc mắc rằng: Chà, tại sao Áp-ra-ham chẳng chút nghi ngờ gì nhỉ? Phải chăng ông không bàn hỏi gì với gia đình? Chắc hẳn người thân sẽ hỏi tại sao anh ra đi, tại sao anh rời bỏ chúng tôi chứ? Bản văn chẳng nói gì về những điều đó. Chỉ có một điều quan trọng trong câu chuyện, đó là Thiên Chúa đã gọi và Áp-ra-ham tích cực đáp trả. Chúng ta dễ dàng mường tượng khía cạnh tâm lý của sự việc này. Đặt mình trong hoàn cảnh của Áp-ra-ham, chúng ta có thể hình dung rằng chắc hẳn Áp-ra-ham đã tự vấn và trăn trở rất nhiều. Tuy nhiên, bản văn không cho ta biết gì về điều đó.

Cần lưu ý rằng không phải tất cả các bản văn Thánh Kinh về tiếng gọi của Chúa đều giống như trường hợp này. Bạn hãy nhớ lại chuyện Chúa Giê-rê-mi-a làm ngôn sứ. Ông đã trả lời: “Ôi, lạy Chúa, con đây còn quá trẻ” (Gr 1,6). Trường hợp của Mô-sê cũng tương tự. Nhưng Áp-ra-ham thì không như thế. Bản văn cho chúng ta biết sự vâng phục hoàn toàn của Áp-ra-ham. Ngay ở đây chúng ta đã có thể nói rằng Áp-ra-ham là một con người của đức tin. Ông đặt niềm tin vào Chúa và ông ra đi. Ông chấp nhận hoàn cảnh của một người tha hương.

Phần còn lại của câu chuyện kể về việc Áp-ra-ham đưa vợ là Sa-rai, cháu là Lót cùng toàn bộ gia sản đến vùng đất Ca-na-an, ngày nay là Pa-lét-tin. St 12,6-9 cho biết rằng Áp-ra-ham đi loanh quanh trong đất Ca-na-an nhưng vẫn không có một chỗ ở cố định. Ông không có đất; ông là người du mục, sống nay đây mai đó, cắm lều hết chỗ này đến chỗ khác. Ông không có được sự an toàn, cũng không có của cải tại vùng đất đó. Nhưng hành trình đức tin của ông đã bắt đầu.

Chúng ta ghi nhận hai điều ở đây. Từ “hành trình” ở đây có hai nghĩa một trật. Áp-ra-ham là một con người di chuyển rất nhiều qua nhiều nơi, và đó là những hành trình cũng rất ấn tượng. Nhưng điều ấn tượng nhất nơi Áp-ra-ham là cuộc hành trình của đức tin trong lòng ông. Chúng ta đã nhìn thấy khởi điểm của hành trình này, nhưng chưa thấy kết cục của nó. Cuộc hành trình đức tin sẽ không dễ dàng chút nào.

HÀNH TRÌNH ĐỨC TIN CỦA ÁP-RA-HAM

Chúng ta chuyển sang điểm tiếp theo: hành trình đức tin của Áp-ra-ham sau khi được gọi. Hành trình này được thuật lại từ phần thứ hai của St 12 cho đến St 25. Tôi sẽ không chú giải chi tiết phần lớn các đoạn văn, nhưng sẽ cố gắng trao cho bạn một cái nhìn tổng quan nhằm giúp bạn tự suy nghĩ về các bản văn này.

Tôi chia cuộc hành trình thành ba phần, dù có lẽ hơi gượng ép. Phần thứ nhất, Sáng thế 12-15, nói về lời hứa bị trì hoãn, bị thử thách, nhưng được củng cố. Sự trì hoãn đầu tiên là việc Áp-ra-ham không có lấy một mảnh đất cắm dùi. Ông đi lang thang trong đất Ca-na-an như một người du mục, đương đầu với những khó khăn. Đã xảy ra một nạn đói. Áp-ra-ham đi xuống Ai cập để tạm trú ở đó như một ngoại kiều, vì nạn đói đang hoành hành dữ dội trong xứ.

Có một điều kỳ lạ trong biến cố này. Một số nhà chú giải đổ lỗi cho Áp-ra-ham. Họ nói rằng Áp-ra-ham đã đi xuống Ai Cập, nhưng Thiên Chúa đâu có bảo ông làm như vậy. Trước đó Chúa bảo ông đi tới đất Ca-na-an, vâng, ông đã nghe lời. Và một số nhà chú giải chất vấn: Aha, nhưng ở đây thì Áp-ra-ham chỉ làm theo ý riêng của mình. Xem chừng ông không đủ tín thác vào Thiên Chúa khi khó khăn xuất hiện, nạn đói xảy ra. Đáng lẽ ông phải tin tưởng vào Thiên Chúa, tin tưởng rằng dù ông ở lại Ca-na-an thì Thiên Chúa cũng sẽ lo liệu cho ông chứ?

Có lẽ Áp-ra-ham không chờ đợi. Ông đi đến Ai Cập theo sáng kiến riêng của mình. Nhưng câu chuyện không chỉ có thế. Trước khi vào Ai Cập, Áp-ra-ham nói với Sa-rai vợ mình rằng: “Tôi biết bà là một người phụ nữ có nhan sắc. Khi người Ai Cập nhìn thấy bà họ sẽ nói vợ hắn đấy, họ sẽ giết tôi để chiếm lấy bà” (St 12,11-12). Vì thế, để cứu lấy chính mình, Áp-ra-ham bảo: “Xin bà cứ nói bà là em tôi. Như vậy bà sẽ cứu mạng tôi” (St 12,13).

Rồi điều gì xảy ra? Đúng như Áp-ra-ham tiên liệu, người Ai Cập thấy bà Sa-rai rất xinh đẹp. Các bề tôi của Pha-ra-ô nhìn thấy thì trầm trồ khen ngợi bà trước mặt Pha-ra-ô, vua Ai cập, và bà được đưa tới nhà Pha-ra-ô. Bản văn không cho chúng ta biết những gì xảy ra với Sa-rai tại nhà Pha-ra-ô. Nhưng bản văn lại cho ta biết những gì xảy ra với Áp-ra-ham: ông tận dụng rất tốt tất cả những cơ hội này. Ông nhận được nhiều chiên, dê, bò, lừa, tôi trai, tớ gái và lạc đà (St 12,16). Áp-ra-ham đã thực hiện một cuộc trao đổi tuyệt vời. Nhưng đáng tiếc rằng bà Sa-rai chính là cái giá phải trả. Một lần nữa các nhà chú giải lại qui trách nhiệm cho Áp-ra-ham: Ồ, anh cư xử như vậy là không đúng đắn! Anh đã hành xử quá ích kỷ. Anh giữ an toàn cho mình và kiếm được nhiều của cải, nhưng anh đã chẳng nghĩ đến số phận của Sa-rai!

Câu chuyện kết thúc có hậu vì Thiên Chúa giáng những tai ương lớn xuống Pha-ra-ô và gia đình nhà vua. Cuối cùng, Pha-ra-ô gọi Áp-ra-ham đến và nói: “Ngươi làm gì cho ta thế? Tại sao ngươi không khai với ta rằng Sa-rai là vợ ngươi chứ không phải em gái?” (St 12,18). Áp-ra-ham bị đuổi đi nhưng được phép mang theo tất cả của cải ông có. Suy cho cùng thì mọi sự khá suôn sẻ với Áp-ra-ham. Nhưng ở giai đoạn này liệu Áp-ra-ham có phải là một con người thánh thiện mẫu mực? Chúng ta có thể nghi ngờ điều đó. Tôi cho rằng có một điểm rất quan trọng ở đây. Đọc bản văn này ta thấy có một sự tương phản lồ lộ giữa Áp-ra-ham trong câu chuyện ơn gọi và Áp-ra-ham bên Ai Cập. Áp-ra-ham trong câu chuyện ơn gọi là một vị thánh. Ông hoàn toàn vâng phục Thiên Chúa, ông ra đi mà không thắc mắc, không nghi ngờ gì cả. Nhưng rồi ông lại bắt đầu cư xử một cách ích kỷ. Đó phải chăng không là bản tính của con người chúng ta?

Chúng ta có những khoảnh khắc tuyệt vời khi sống hòa hợp hoàn toàn với Thiên Chúa và với tiếng Ngài gọi mời trong cuộc sống. Và rồi bất ngờ, trong một tình huống nào đó, gặp những đe dọa nào đó cách này hay cách khác, bản chất thực của mình lộ ra và chúng ta bắt đầu cư xử ích kỷ. Chúng ta không trở thành những vị thánh ngay tức khắc. Hành trình đức tin không hoàn tất một sáng một chiều. Nó phải tiếp diễn cho đến khi chúng ta biết rõ hơn về chính mình và cho đến khi chúng ta thực sự đầu hàng Thiên Chúa. Điều này vẫn chưa xảy ra với Áp-ra-ham, ông vẫn chưa thực sự đầu hàng Thiên Chúa vào lúc này. Ông phải chờ một thời gian khá lâu nữa. Đó là lý do tại sao tôi nói lời hứa bị trì hoãn và bị thử thách. Tại sao bị thử thách? Vì Áp-ra-ham được Thiên Chúa hứa ban cho nhiều con cháu, nhưng ai sẽ sinh chúng cho ông nếu không phải bà Sa-rai vợ ông? Nhưng Áp-ra-ham thản nhiên trao Sa-rai cho Pha-ra-ô. Đúng là ông đã nhận lại bà Sa-rai, nhưng ông không hề biết là điều này sẽ xảy ra. Nghĩa là, trong thực tế ông đã hành động cách ích kỷ và đã làm cho lời hứa của Thiên Chúa gặp nguy hiểm, lời hứa về một dòng dõi đông đúc.

Thế nhưng lời hứa ấy vẫn được củng cố. Thiên Chúa không bỏ rơi Áp-ra-ham ngay cả khi ông sa vào ích kỷ. Chúng ta nhận ra sự củng cố lời hứa này trong Sáng thế 15. Thiên Chúa nói với Áp-ra-ham trong một thị kiến và ông  lập tức lên tiếng phàn nàn: “Lạy Chúa là Chúa Thượng, Chúa sẽ ban cho con điều gì đây khi mà con vẫn không có con” (St 15,2). Áp-ra-ham thực sự lo lắng về điều đó. Ông không có người nối dõi, không con, không ai cho ông một dòng dõi đông đúc như lời Chúa đã hứa. “Con vẫn không có con và nếu con chết thì tất cả tài sản sẽ thuộc về một gia nhân” (St 15,3). Gia nhân đó chính là Ê-li-e-de. Nhưng có lời Thiên Chúa phán với Áp-ra-ham rằng: “Kẻ đó sẽ không thừa kế ngươi, nhưng một kẻ do chính ngươi sinh ra mới là người thừa kế” (St 15,4). Lời hứa được xác nhận. Và lần này, Áp-ra-ham lại trở nên tốt lành: “Ông tin Thiên Chúa và vì thế Thiên Chúa kể ông là người công chính” (St 15,6). Đây là một bản văn rất nổi tiếng. Sau này Thánh Phao-lô sẽ nhắc đi nhắc lại nó. Thế đó, chúng ta dường như trở lại tình trạng tốt đẹp. Nhưng chưa ổn một cách vĩnh viễn đâu!

Trong phần thứ hai bao gồm các chương 16-21, lời hứa lại dường như không thể xảy ra (“và Sa-rai đã cười”: St 18 và 21) nhưng rồi bắt đầu được thực hiện. Tôi muốn mời bạn để ý một trích dẫn nhỏ ở đây: “Sa-rai cười” (St 18,12). Đây là tiếng cười thiếu lòng tin. Nhưng cho dù món quà về một đứa con trai tưởng chừng không thể xảy ra, thì thực sự là lời hứa đã bắt đầu được thực hiện. St 16 cho chúng ta biết rằng ngay từ đầu lời hứa ấy đã dường như bất khả thi. Bà Sa-rai, vợ Áp-ra-ham, chưa sinh được cho ông một người con nào. Vì thế Sa-rai tính một kế hoạch. Ông bà có một người tớ gái người Ai Cập tên là Ha-ga. Sa-rai nói với Áp-ra-ham: “Ông hãy ăn ở với Ha-ga, may ra nhờ nó mà chúng ta sẽ có con” (St 16,2). Và sự việc xảy ra đúng như vậy. Ha-ga thụ thai một con trai. Thế nhưng Sa-rai đột nhiên ghen tỵ và đòi Áp-ra-ham phải đuổi Ha-ga đi. Đây là một cảnh tượng trớ trêu. Ha-ga bị đối xử tệ bạc. Nhưng cuối cùng nàng sinh ra một người con trai là Ít-ma-ên.

Nên nhớ rằng các anh em Hồi Giáo truy nguyên dòng dõi của mình đến Ít-ma-ên. Họ chính là con của Áp-ra-ham thông qua Ít-ma-ên. Một điểm khác nữa về toàn bộ câu chuyện Ha-ga, đó là câu chuyện không hề cho thấy rằng Thiên Chúa bảo Áp-ra-ham hành động như thế. Một lần nữa ở đây, chính Áp-ra-ham, và cả Sa-rai nữa, đã tự giải quyết vấn đề theo ý riêng của mình. Những bản văn này không ngừng dạy chúng ta tín thác nhiều hơn vào Thiên Chúa, và hãy cho phép Ngài thực hiện các kế hoạch của Ngài cho chúng ta theo cách của Ngài.

Trong Sáng thế 17, Áp-ram và Sa-rai được đặt tên mới. Ông bà lúc này trở thành Áp-ra-ham và Sa-ra, và được báo lần nữa rằng chính Sa-ra sẽ sinh cho Áp-ra-ham một người con trai. Ông bật cười không tin: “Ông cúi mặt xuống, cười và nghĩ bụng: ‘Đàn ông trăm tuổi có con được sao? Còn bà Sa-ra đã chín mươi tuổi lại sinh đẻ được sao?’’’ (St 17,7). Rõ ràng, Áp-ra-ham nghĩ rằng điều đó là hoàn toàn không thể. Chẳng thể nào xảy ra điều đó. Vì thế ông cười.

Sáng thế 18 kể câu chuyện về ba người khách đến thăm Áp-ra-ham và Sa-ra tại căn lều của ông bà. Khi những vị khách này nhắc lại rằng Sa-ra sẽ sinh con trai trong năm tới thì bà đang ở cửa lều nghe lóm và cười thầm (St 18,12). “Thiên Chúa phán với Áp-ra-ham: ‘Tại sao Sa-ra cười và nói ‘Có thật tôi già thế này mà lại còn sinh đẻ được chăng?’’’ Nhưng Sa-ra chối và nói: “Con đâu có cười”; vì bà sợ. Và Chúa bảo: “Có, ngươi đã cười” (St 18,13-15). Tại sao bản văn cứ nhắc đi nhắc lại từ “cười”? Chúng ta tìm thấy câu trả lời trong St 21,6 nói về việc bà Sa-ra sinh một người con trai và đứa trẻ được gọi là I-xa-ac. Tên I-xa-ác trong tiếp Híp-ri là “Yitzhak”, nghĩa là “nó sẽ cười”.

Đây là một chi tiết rất thú vị trong trình thuật. Trong những chương trước đó, khi Áp-ra-ham và Sa-ra cười tỏ ra không tin, thì tiếng cười của họ đã thật sự hàm chứa tên gọi của đứa con trai mà họ sẽ sinh ra. Khi I-xa-ác chào đời, bà Sa-ra nói: “Thiên Chúa đã làm cho tôi cười. Tất cả những ai nghe biết sẽ cười với tôi, sẽ vui mừng vì tôi có được một con trai sau bao năm tháng chờ mong” (St 21,6).

Phần thứ ba của câu chuyện Áp-ra-ham thuộc về các chương 22-25 của sách Sáng thế, nói về đỉnh điểm và cũng là kết điểm của hành trình. Sau câu chuyện dài trải qua nhiều chương, cuối cùng Áp-ra-ham được ban cho một người con trai mà từ đó sẽ phát sinh ra một dòng dõi đông đúc như lời Thiên Chúa hứa với ông. Thế rồi, St 22 cho biết:

Sau các việc đó, Thiên Chúa thử lòng Ap-ra-ham. Người gọi ông: “Áp-ra-ham”. Ông thưa: “Dạ con đây”. Người phán: “Hãy đem con của ngươi, đứa con một yêu dấu của ngươi là I-xa-ác, hãy đi đến xứ Mô-ri-gia mà dâng nó làm lễ toàn thiêu ở đấy, trên một ngọn núi Ta sẽ chỉ cho” (St 22,1-2).

Là người đọc, chúng ta hiểu sự việc này vì ta đã đọc thấy ngay từ đầu rằng đó là một cách thử thách. Nhưng Áp-ra-ham nào biết đó là một sự thử thách. Ông nghĩ rằng Thiên Chúa thật sự muốn mình đem đi hiến tế đứa con trai độc nhất, được sinh ra sau những tháng năm mòn mỏi đợi chờ và là niềm hy vọng duy nhất để có một dòng dõi. Yêu cầu này có vẻ rất điên rồ và khó hiểu. Nhưng Áp-ra-ham đã bắt tay vào thực hiện.

Đây là một trình thuật rất đặc biệt. Cách diễn tả lạnh lùng, không bộc lộ cảm xúc đã tạo nên một chương đầy cảm kích. Chúng ta hãy lấy một ví dụ: mẩu đối thoại giữa Áp-ra-ham và I-xa-ác trên đường đi lên núi. “I-xa-ác thưa với cha mình là ông Áp-ra-ham: ‘Cha’. Ông Áp-ra-ham nói: ‘Cha đây con’. Cậu nói: ‘Có lửa, có củi đây còn chiên để làm lễ toàn thiêu đâu?’’’ (St 22,7). I-xa-ác không hề biết điều gì sắp xảy ra. “Chiên để làm lễ toàn thiêu đâu?” Và Áp-ra-ham trả lời: “Chính Thiên Chúa sẽ lo liệu về chiên để làm lễ toàn thiêu, con ạ. Rồi cả hai cùng đi” (St 22,7-8).  Bản văn không hề cho ta biết gì về tâm trạng của Áp-ra-ham. Nhưng ta có thể hình dung vào lúc này trái tim của người cha đang tan nát. Bản văn chỉ nói rằng Áp-ra-ham cùng với I-xa-ác đang đi lên núi. Rồi trên đỉnh núi ấy, sự việc xảy ra như một khúc phim quay chậm. Chúng ta thấy các hành động của Áp-ra-ham diễn ra lần lượt: ông lập một bàn thờ, xếp củi lên, trói I-xa-ác con ông lại và đặt lên bàn thờ, phía trên đống củi, rồi ông đưa tay lấy thanh gươm. Sự hồi hộp đạt tới cực điểm vào lúc này. Thế rồi, một thiên thần của Chúa bảo ông: “Đừng giơ tay làm hại đứa trẻ, đừng làm gì nó. Bây giờ Ta biết ngươi là kẻ kính sợ Thiên Chúa: đối với Ta, con của ngươi, con một của ngươi, ngươi cũng chẳng tiếc!” (St 22,12).

Đây chính là lúc mà Áp-ra-ham thật sự đầu hàng Thiên Chúa, lúc mà hành trình đức tin của ông đạt tới cõi sâu nhất trong tâm hồn. Giờ đây ông hoàn toàn vâng phục Thiên Chúa. Sự ích kỷ như chúng ta thấy trước đây, sự cậy dựa vào sáng kiến của riêng mình (thậm chí sau khi nghe tiếng gọi) giờ đây bị gạt bỏ hết. Áp-ra-ham đã đầu hàng Thiên Chúa. Ở điểm này, hành trình đức tin của ông đã thật sự đạt tới đích.

ĐOẠN KẾT

Sau đó, Sáng thế 23-25 thật sự là hồi kết của câu chuyện Áp-ra-ham. Ông đang sửa soạn để rời sân khấu. Ở chương 23, bà Sa-ra qua đời và Áp-ra-ham đã mua được một miếng đất làm phần mộ sau nhiều lần mặc cả. Miếng đất ấy ở gần Khép-rôn, thuộc miền nam Ít-ra-en, nơi thường được nhắc đến trong các bản tin thời sự không được vui lắm dạo gần đây. Miếng đất duy nhất mà Áp-ra-ham thực sự sở hữu chỉ có thế: một phần mộ! Ông thực sự sở hữu nó. Nó là của ông. Như vậy lời hứa về một vùng đất đang bắt đầu được thực hiện trên một qui mô rất bé nhỏ. Đó, mảnh đất mà bà Sa-ra được chôn cất.

Trong Sáng thế 24, hôn nhân của I-xa-ác được sắp đặt, nhưng không phải với một phụ nữ bản xứ Ca-na-an. Họ phải trở về quê nhà ở Mê-sô-pô-ta-mi-a, ở đó họ tìm được một người họ hàng xa tên là Rê-bec-ca làm vợ I-xa-ác. Cuối cùng, bỏ qua một số chi tiết, chương 25 cho biết Áp-ra-ham qua đời, hưởng thọ một trăm bảy mươi lăm tuổi. Nói cách khác, đã một trăm năm trôi qua kể từ khi ông rời bỏ quê hương ra đi lúc tuổi bảy mươi lăm. Ông được chôn tại chính mảnh đất phần mộ của bà Sa-ra trong Đất Hứa. Ông thực sự sở hữu mảnh đất nhỏ bé ấy trong Đất Hứa. Câu chuyện hành trình đức tin của Áp-ra-ham khép lại ở đây.

KẾT LUẬN

Tôi muốn rút ra một kết luận từ câu chuyện này. Cũng như trong hành trình của Áp-ra-ham, trong hành trình đức tin của chúng ta mọi sự không được quyết định bởi lời đáp trả đầy thiện chí lúc ban đầu của chúng ta đối với tiếng gọi. Tất cả chúng ta cố gắng trở thành những Ki-tô hữu nhiệt thành dấn thân, sống  Tin Mừng. Chúng ta đã quyết định như thế và muốn sống như thế. Nhưng chúng ta biết rằng không có gì bảo đảm mình sẽ luôn nhiệt thành như lúc ban đầu. Những khó khăn sẽ xuất hiện, và đứng trước khó khăn, chúng ta cảm thấy sự yếu đuối của mình, cách nào đó chúng ta kinh nghiệm sự ích kỷ của mình. Tuy nhiên chúng ta cũng biết rằng Thiên Chúa vẫn ở với chúng ta, và rằng ngay cả những lúc gặp khó khăn thử thách, những lúc mà mọi sự dường như trở thành vô nghĩa và không thể chấp nhận, thì với sức mạnh Chúa ban, chúng ta vẫn có thể tiếp bước trong hành trình đức tin, như câu chuyện của Áp-ra-ham vậy. Và cũng như hành trình đức tin của Áp-ra-ham không chỉ cho chính ông, mà còn cho nhiều thế hệ con cháu và – thông qua họ – cho toàn thể nhân loại, chúng ta biết rằng hành trình đức tin của mình không phải chỉ là chuyện cá nhân, nhưng có liên quan đến toàn thể cộng đoàn đức tin và liên quan đến cả thế giới. Ta hiểu tại sao Thánh Phao-lô gọi Áp-ra-ham là “Cha của chúng ta trong đức tin” (Rm 4,16), và quả đúng như vậy.

HỎI – ĐÁP

1. Trong các Giờ Kinh Phụng Vụ, Áp-ra-ham được đề cập trong bài Thánh ca của Da-ca-ri-a và của Đức Ma-ri-a. Cha nhận xét như thế nào về điều này?

CONROY: Đây chỉ là một biểu hiện của sự kiện vốn đã được Tân Ước nói đến, đó là Áp-ra-ham có một tầm quan trọng nền tảng, trước khi các kinh nguyện phụng vụ của chúng ta được hình thành. Khi lặp lại những lời nguyện này, chúng ta đang đặt mình trong cùng chiều hướng với các Ki-tô hữu đầu tiên trong Tin Mừng, với Thánh Phao-lô, với Thư gửi tín hữu Do Thái và với nhiều bản văn khác, trong đó các tiền bối của chúng ta trong đức tin đã nhận ra Áp-ra-ham là một nhân vật rường cột và là người đã cho ta biết ta phải sống đời Ki-tô hữu của mình như thế nào. Tôi nghĩ rằng ý niệm về đức tin và sự vâng phục thật sự là ý niệm chủ chốt. Một số kinh nguyện của chúng ta cũng nhấn mạnh đến khía cạnh lời hứa. Lời hứa cho Áp-ra-ham và cho con cháu của ông. Điều này tương hợp với những gì chúng ta thấy trong trong bản văn của sách Sáng thế. Sự hiện diện của Áp-ra-ham trong các kinh nguyện của chúng ta là một sự hiện diện đậm tính Thánh Kinh.

2. Những đoạn mà Áp-ra-ham thể hiện đức tin mạnh mẽ được viết rất ngắn gọn, trong khi những đoạn mô tả mặt yếu của ông thì được viết với nhiều chi tiết hơn. Phải chăng đây là một nét khác thường của văn phong hoặc của các tác giả?

CONROY: Đó là một điểm rất thú vị. Sự ngắn gọn ấy có thể gây nhầm lẫn ít nhiều, theo nghĩa rằng tôi tin người Do Thái vốn quen với những câu chuyện ngắn gọn và có tính hướng tâm rõ rệt. Có lẽ họ đã đọc những câu chuyện ấy cách chăm chú hơn so với cách đọc của chúng ta. Khi gặp một trình thuật ngắn, chúng ta thường đọc qua loa chiếu lệ. Khi gặp một câu chuyện dài hơn, thì dĩ nhiên là ta cần nhiều thời gian hơn để đọc và suy tư. Chúng ta là những con người trong nhịp sống vội vã. Vâng, đó là bản chất của các nền văn hóa chúng ta trên khắp thế giới hôm nay.

Theo tôi, người Do Thái thời xưa có khả năng diễn đạt ít lời nhiều ý không chỉ trong các bản văn này mà cả trong các trình thuật văn xuôi khác, nhưng nhất là trong thi ca. Họ có tài sử dụng ngôn ngữ cách ngắn gọn và súc tích. Đây có thể là một khía cạnh của câu chuyện. Một khía cạnh khác có thể hàm chứa ở đây, đó là các tác giả đi sâu vào chi tiết một số câu chuyện về những yếu đuối của con người Áp-ra-ham nhằm nhắc cho các độc giả Do Thái và các độc giả Ki-tô giáo rằng Áp-ra-ham không phải là một mẫu gương quá xa vời như kiểu một pho tượng để ta đặt trên bệ. Áp-ra-ham là một con người cũng yếu đuối như chúng ta. Và qua việc suy tư về những yếu đuối ấy của ông, chúng ta cũng có thể đồng hành với ông trong những khoảnh khắc sáng sủa hơn – những khoảnh khắc trong đó ông tin vào Thiên Chúa và qui phục Ngài. Có lẽ đây là một cách củng cố tính ‘con nhà tông’ của chúng ta trong liên hệ với Áp-ra-ham, và giúp ta tránh nhìn ông như một con người quá hoàn hảo đến mức xa rời khỏi chúng ta.

3. Con là một phụ nữ độc thân. Con không có con cái. Do hoàn cảnh mình, con gặp khó khăn trong việc cầu nguyện với Áp-ra-ham và với câu chuyện ‘đầu hàng’ của ông. Nhưng khi cầu nguyện với Sa-ra, con bắt đầu cảm nghiệm đức tin cách sống động, và con ngoan ngoãn phó thác cho Thiên Chúa nắm giữ vận mạng của con. Con nhận thấy câu chuyện của bà là một bản văn dễ giúp cầu nguyện hơn. Vậy, Cha nghĩ sao về điều này?

CONROY: Một ý tưởng tuyệt vời! Giống như nhiều bản văn khác trong Thánh Kinh, người phụ nữ, các nhân vật nữ có phần bị lấn át. Bà Sa-ra cũng là một trường hợp như thế. Ngoài ra, chúng ta có thể tìm thấy nhiều ví dụ khác. Sở dĩ thế bởi vì họ thuộc về một nền văn hóa đậm tính gia trưởng, trọng nam khinh nữ. Đây là một sự hạn chế về văn hóa của rất nhiều bản văn Thánh Kinh. Tuy nhiên, tôi thấy rằng người ta có thể nhận hiểu vai trò của một số nhân vật nữ rõ hơn so với tầm mức như được các bản văn diễn tả. Tôi cho rằng người ta có thể đọc lại câu chuyện Áp-ra-ham từ nhãn quan của bà Sa-ra và đó sẽ là một việc rất thú vị. Sa-ra đã cảm nghiệm thế nào khi được bảo phải rời bỏ không chỉ gia đình Áp-ra-ham mà cả gia đình và người thân của bà? Bà cảm thấy ra sao khi phải làm thế? Tâm tư của bà như thế nào lúc bị giao cho Pha-ra-ô ở Ai Cập? Chúng ta không nghe nói gì, nhưng đó có thể là một cách tiếp cận hữu ích và cũng là một cách tiếp cận để giúp cầu nguyện. Bề mặt câu chữ của bản văn xuất phát từ một xã hội mang tính gia trưởng không giúp ta được nhiều, nhưng ngày nay chúng ta trở nên nhạy cảm hơn với cách tiếp cận theo hướng này. Tôi tin rằng có nhiều hướng để đọc lại Thánh Kinh. Điều này không chỉ đúng cho trường hợp của Sa-ra, mà còn đối với những nhân vật khác nữa.

4. Những người Hồi Giáo cho rằng Ít-ma-ên mới thật sự là đứa con được đem đi hiến tế chứ không phải I-xa-ác và Ít-ma-ên cũng là con đầu lòng, được sinh bởi Ha-ga. Một số người theo đạo Hồi cho rằng Ít-ma-ên chính là người con yêu dấu. Ý kiến của Cha thế nào?

CONROY: Tôi chỉ nhận định trong một phạm vi giới hạn nào đó, vì tôi không phải là một chuyên viên về Hồi Giáo hay về Kinh Co-ran. Nối kết với ghi nhận trên kia của tôi, thì đây cũng là một phần trong câu chuyện Áp-ra-ham mà người ta có thể suy nghĩ từ một nhãn quan khác – không chỉ từ nhãn quan của Ha-ga, mà của Ít-ma-ên nữa. Thật thú vị! Ngay cả trong câu chuyện bà Ha-ga bị đuổi ra khỏi nhà, chúng ta cũng thấy rằng Áp-ra-ham làm điều đó với một trái tim trĩu nặng. Ông thật sự không muốn đuổi Ha-ga và Ít-ma-ên đi. Ông có thiện cảm với bà và yêu mến con trai. Nào bạn hãy xem cách mà Ít-ma-ên được giới thiệu ở cuối St 16,11-12: “Sứ thần của Đức Chúa nói với Ha-ga rằng ‘Này đây ngươi đang có thai, sắp sinh hạ con trai và đặt tên là Ít-ma-ên’’’. Từ “Ít-ma-ên” trong tiếng Do Thái có nghĩa là “Thiên Chúa nghe”. Đó là một cái tên đẹp và mang nghĩa tích cực.

Ha-ga bị đuổi vào sa mạc; Thiên Chúa đã nghe lời kêu than và Ngài thấu hiểu những nỗi khổ của người phụ nữ này. Ngài đã ban cho bà đứa con trai này “vì Đức Chúa đã quan tâm đến tình cảnh của bà”. Bản văn tiếp tục cho biết rằng Ít-ma-ên sẽ phải gặp nhiều sự thù nghịch – “nó giơ tay chống lại mọi người, mọi người giơ tay chống nó”. Ít-ma-ên sẽ sống đối nghịch với tất cả bà con thân thích của mình. Nhưng khi chúng ta đọc tới câu chuyện về cái chết của Áp-ra-ham trong St 25,8-9, bản văn cho biết: “Ông qua đời khi đã cao niên, đã sống tuổi già hạnh phúc và được mãn nguyện; và ông được về sum họp với gia tiên. Các con ông là I-xa-ác và Ít-ma-ên chôn cất ông trong hang”. Không chỉ I-xa-ác nhưng là “I-xa-ác và Ít-ma-ên” chôn ông trong hang. Điều này có thể cho thấy rằng không có sự thù nghịch nào giữa hai người, và rằng cả Ít-ma-ên lẫn I-xa-ác tiếp tục được công nhận là các con của Áp-ra-ham. Ở đây có lẽ chúng ta hiểu tại sao truyền thống Hồi giáo dựa trên các bản văn này và có lẽ đã mở rộng chúng.

5. Con rất thích phương pháp mà Cha sử dụng. Phải chăng đó là một kiểu chú giải thiêng liêng?

CONROY: Tôi nghĩ rằng kiểu đọc mà tôi đã áp dụng có thể ở mức nào đó được gọi là sự chú giải thiêng liêng. Tôi đã không đi vào những vấn đề có tính đặc trưng phê bình lịch sử, chẳng hạn như: Có phải tất cả những câu chuyện về Áp-ra-ham đều ra đời cùng một thời điểm? Hay một số ra đời trước còn một số khác ra đời gần đây hơn? Câu chuyện này có hiệu chỉnh câu chuyện kia không? Tại sao chúng ta có hai trình thuật về việc Áp-ra-ham trao bà Sa-ra vào tay một ông vua ngoại quốc? Những câu hỏi này rất hợp lý và có giá trị. Tuy nhiên chúng phù hợp hơn cho việc nghiên cứu chuyên môn. Nếu chúng ta đang tìm những chất liệu để nuôi dưỡng đức tin thông qua Thánh Kinh thì nhiều câu hỏi loại này thật sự không mấy liên quan. Chúng chỉ cần thiết nếu chúng ta muốn hiểu dưới góc độ chuyên môn theo kiểu những bản văn này xuất hiện như thế nào, bản văn này liên hệ với bản văn kia ra sao? Về mặt chuyên môn, điều đó rất có giá trị. Tôi không xem nhẹ phương pháp phê bình lịch sử. Tuy nhiên, cũng như hầu hết các nhà chuyên môn Thánh Kinh ngày nay, tôi cho rằng nó không phải là phương pháp duy nhất. Chúng ta phải dùng phương pháp phê bình lịch sử trong môi trường nghiên cứu, song nó cũng có thể giúp chúng ta như một nền tảng ngầm để đọc theo hướng chiều thiêng liêng nhiều hơn.

Nếu bài đọc ngày Chúa Nhật là một đoạn văn mà tôi đã nghiên cứu chuyên sâu, tức tôi đã xem xét các ngôn ngữ gốc cũng như các vấn đề lịch sử của nó, tôi sẽ thấy mình thoải mái hơn để giảng thuyết dựa trên bản văn đó, song không phải bằng cách nói về các vấn đề phê bình lịch sử, nhưng là xem chúng như một bối cảnh để mình có thể biết điều gì nên hay không nên nhấn mạnh, điều gì nên nói và điều gì không nên nói. Vì vậy, tôi cho rằng cách đọc bản văn theo phương pháp phê bình lịch sử cũng có thể ích lợi cho việc đọc bản văn theo hướng mục vụ và thiêng liêng nhiều hơn. Nếu loại bỏ phương pháp phê bình lịch sử thì sẽ có nguy cơ rất lớn của việc mở cửa cho mọi kiểu chú giải Thánh Kinh tùy tiện.

6. Phải chăng Cha muốn nói rằng chúng ta rất cần kiểm soát việc chú giải thông qua phương pháp phê bình lịch sử?

CONROY: Đúng thế, tôi nói vậy không chỉ xét trên lý thuyết mà còn vì xét đến những kết quả trong thời gian gần đây cũng như trong lịch sử Giáo Hội từ thời các Giáo phụ. Chúng ta có thể thấy một số chú giải rất tuyệt vời, nhưng đàng khác cũng có một số chú giải thực sự huyễn hoặc, trong đó mọi thứ có thể được  rút ra từ bản văn. Và phản ứng tự nhiên của người ta là: “Ô kìa, nói như vậy là đi quá xa rồi đấy. Tốt hơn nên xem lại thử bản văn đang nói gì trên mặt chữ, trước khi đi vào những ý nghĩa có tính biểu tượng, ẩn dụ và thiêng liêng – vốn là những ý nghĩa có thể rất hữu dụng và rất hay, song cũng rất dễ đến từ sự tưởng tượng thuần túy.”

7. Xin Cha giải thích thêm về kết luận của Cha, trong đó Cha nói rằng hành trình đức tin của chúng ta không chỉ cho chính mình mà còn cho một cộng đồng lớn hơn.

CONROY: Hành trình đức tin của Áp-ra-ham không chỉ cho chính ông. Sáng thế 1-11 cho ta biết rằng cuộc hành trình ấy liên hệ đến tất cả các gia tộc trên mặt đất. Cũng vậy, hành trình đức tin của chúng ta không phải dành cho chính mình. Chúng ta có thể xem lại những gì Thánh Phao-lô nói về thân thể Đức Ki-tô: tất cả chúng ta là những chi thể của thân thể này, và những gì xảy ra với một chi thể sẽ có ảnh hưởng đến các chi thể khác. Chi thể này tác động đến chi thể kia mặc dù chúng ta không hề hay biết. Điều này thật kỳ diệu. Nỗ lực trung thành và sống Tin Mừng của tôi có thể tác động đến (những) người nào đó trong thân thể Đức Ki-tô, họ có thể ở một lục địa xa xăm khác mà ta không hề hay biết. Dĩ nhiên nó cũng tác động đến những ai xem thấy đời sống chứng tá và những nỗ lực trung thành với Tin Mừng của chúng ta. Điều này thật khích lệ vì ta biết rằng mình không bao giờ đơn độc trong những cuộc chiến đấu của đức tin. Kết quả cuối cùng không chỉ cho chính chúng ta; nó có thể phục vụ cách tuyệt vời cho những người khác nữa.

8. Con rất ngạc nhiên về số năm mà Áp-ra-ham đã sống. Phải chăng họ tính năm giống như cách của chúng ta ngày nay?

CONROY: Tôi nghĩ rằng điều này có liên hệ đến cách kể chuyện của người Do Thái trong sách Sáng thế. So với các nhân vật khác, Áp-ra-ham vẫn khá trẻ. Người cao cao niên nhất là Mơ-thu-se-lác: 969 tuổi (St 5,27). Điều thú vị là những tên tuổi càng xa xưa trong lịch sử thì sống càng lâu. Lịch sử càng đi tới thì người ta càng đạt mức tuổi thọ bình thường. Tuổi thọ có chiều hướng giảm liên tục theo dòng thời gian. Tôi nghĩ điều đó chỉ là một cách nói rằng vào thời xa xưa ấy mọi thứ khác với đời sống con người của chúng ta ngày nay. Những tên tuổi xa xưa trong quá khứ ấy ở vào một thời mà mọi sự khác hẳn hôm nay nên đã sống cao niên hơn. Hơn nữa, một đặc điểm của các nền văn hóa cổ là người ta cho rằng những ai sống lâu năm thì có thế lực mạnh hơn, như là những mẫu gương. Vào khoảng hai thế kỷ trước Chúa Giáng sinh, người Do Thái viết nhiều sách thuộc loại khải huyền. Khá nhiều quyển sách loại này được đặt tên theo những nhân vật đáng kính trong quá khứ. Chẳng hạn như sách khải huyền của E-nốt, nhân vật mà chúng ta gặp thấy trong chương 5 sách Sáng thế. Cũng có một sách khải huyền được gán tên Áp-ra-ham. Người ta cho rằng các sách khải huyền, chứa đựng một thông điệp cho thời đại của mình, sẽ có nhiều thế giá hơn bằng cách đặt tên theo các nhân vật xa xưa. Điều này có sự tương đồng nào đó với vấn đề tính năm. Việc nói rằng những người này sống lâu hơn có nghĩa là họ quan trọng hơn, có thẩm quyền hơn, và vì thế chúng ta nên chú tâm lắng nghe họ hơn.

9. Ngay cả đối với Đức Giê-su, Áp-ra-ham rất quan trọng. Ngài là con cháu thuộc dòng dõi Áp-ra-ham. Nhưng Đức Giêsu cảnh báo người Do Thái rằng việc họ có Áp-ra-ham là cha vẫn chưa nói lên gì đáng kể cả. Xin Cha giải thích điều này.

CONROY: Vào thời Chúa Giê-su, người Do Thái nói chung rất ngưỡng mộ Áp-ra-ham. Không chỉ Thánh Phao-lô gọi Áp-ra-ham là cha của chúng ta trong đức tin. Kiểu nói đó còn là một thuật ngữ Do thái: Avraham, Avinu (Áp-ra-ham, cha chúng ta), như người ta thấy trong Talmud.[1] Sự nhìn nhận này rất quan trọng – đến nỗi có những bản văn Tin Mừng cố gắng tương đối hóa sự nhìn nhận đó. Sẽ không đủ việc tự nhận mình là con cái Áp-ra-ham, vì Thiên Chúa có thể biến những hòn đá trở thành con cái Áp-ra-ham. Sự kiện rằng người ta là người Do thái, là con cháu của Áp-ra-ham thôi thì không đủ. Người ta cần phải lắng nghe Thiên Chúa nữa.


[1] Talmud là tập hợp các bản văn cổ của các bậc thầy người Do Thái trong suốt hơn mười thế kỷ.

 


Mục Lục Năm Đức Tin