CÔNG ĐỒNG VATICANÔ 2 

(giaolyductin.net 21/10/13, 4:25 pm)

FABC Papers No.117

THE SECOND VATICAN COUNCIL AND THE CHURCH IN ASIA

Readings and Reflections

James H. Kroeger, M.M.

(General Editor)

Ngày 20 tháng Tư, 2005, ngày sau khi được chọn làm Giáo chủ của GH công giáo Roma, Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI đã nói một sứ điệp cho các hồng y, tín hữu, và tất cả những người nam nữ thiện chí; ngài phác thảo nhãn giới cho triều giáo hoàng của mình. Ngài nói sẽ nhất tâm "làm cho ánh sáng Đức Kitô chiếu tỏa trước con người hôm nay." Ngài cũng nói nhiều về mẫu gương của Đức Gioan Phaolô II và tầm quan trọng của Công đồng Vatican II.

Vị Tân Giáo hoàng mãnh mẽ ghi nhận: "Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã đúng đắn chỉ ra Công đồng như một 'chiếc la bàn' nhờ đó xác định phương hướng của chúng ta trong đại dương mênh mông của Thiên niên kỷ thứ ba (NMI 57-58). . . Trong chúc thư thiêng liêng, ngài cũng ghi nhận, "Tôi thâm tín rằng công đồng được ban cho những thế hệ mới để rút từ những kho tàng mà công đồng thế kỷ XX này đã ban rộng rãi trên chúng ta . . .' Do vậy, khi tự chuẩn bị để phục vụ cách thích hợp như Đấng Kế vị Phêrô, tôi cũng muốn xác quyết là tôi muốn tiếp tục đem Công đồng Vatican II ra thực hiện, theo chân những vị tiền nhiệm của tôi và trong sự tiếp nối trung thành với truyền thống 2000 năm của GH. Năm nay ghi dấu kỷ niệm 40 năm kết thúc công đồng này (8 tháng Mười Hai, 1965). Khi thời gian qua đi, những văn kiện công đồng vẫn không mất đi tính hợp thời; thực thế, những giáo lý của chúng đang minh chứng là thích đáng cho tình trạng mới của GH và xã hội toàn cầu hóa hiện hành" (OR-EE, 27-04-05, p. 3).

Ấn bản FABC này thâu họp bẩy bài mấu chốt trình bày một sơ lược về công đồng và ảnh hưởng của công đồng trên các GH Á châu. Tóm lại, sau một cái nhìn sơ lược nổi tiếng về Công đồng (Kroeger), ta trình bày ba bài giới thiệu tổng quát (Trisco-Komonchak, Dules, và Hurley); những bài này được theo sau bằng ba bài nữa trong bối cảnh hóa Công đồng tại Á châu (Claver, Neo, và Phan). Trình bày theo một hình thức sơ đồ, nội dung như sau: 

  I.   Dẫn nhập vào Vatican II 

                   [A]   Tổng quát chung (Kroeger)

   II.   Trình bày tổng quát về Vatican II 

                   [B]   Tổng quát toàn diện (Trisco-Komonchak)

                   [C]   Những nguyên tắc căn bản (Dulles)

                   [D]   Những kinh nghiệm cá nhân (Hurley)

   III.  Vatican II và Á châu 

                   [E]   Những suy tư từ Á châu (Claver)

                   [F]   Đời sống thánh hiến tại Á châu (Neo)

                   [G]   Tiếp nhận Công đồng ở Á châu (Phan)

Khi GH cử hành kỷ niệm 40 năm ngày kết thúc Công đồng (8 tháng Mười Hai, 1965-2005), ta hy vọng rằng bảy bài được chọn này sẽ canh tân mối quan tâm của những người Công Giáo Á châu (trẻ cũng như già) để trân trọng và làm cho những sự phong phú của Vatican II thành của mình - vì tiếp tục sự canh tân được Thần khí khởi hứng nơi các giáo hội địa phương khắp Á châu.

[A]  CÔNG ĐỒNG VATICAN II

Một Tặng phẩm Kỳ diệu và Quảng đại

James H. Kroeger, M.M.

Vào ngày 8 tháng Mười Hai, 2005, những người Công giáo cử hành kỷ niệm 40 năm kết thúc công đồng Vatican II; nhà giáo hội học Komonchak chí lý coi sự qui tụ lớn lao ấy của các giám mục trên thế giới là biến cố quan trọng nhất của lịch sử GH Công giáo Roma từ thời Cải cách Tin lành. Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã gọi công đồng này là biến cố tôn giáo quan trọng nhất của thế kỷ XX. Một vài người trong chúng ta đã lớn tuổi đủ để nhớ rõ Công đồng [Tôi là một đại chủng sinh vào thời gian đó (1962-1965)]! Tuy nhiên, bất kỳ ai viết về Công đồng ấy ngày hôm nay, ngay cả thần học gia hay học giả có thẩm quyền nhất, biết rằng may lắm, ông chỉ mới cống hiến được một trực giác nhỏ bé vào một hiện tượng trọng yếu mà thôi.

Người viết đây sẽ đơn giản cống hiến ba cái nhìn thoáng qua ngắn gọn, phổ thông về Vatican II. Tất cả, dù nghiêm chỉnh hay hóm hỉnh, đều nhằm khuấy lên nơi độc giả sự tò mò, mối quan tâm và hiến thân để bắt tay vào một hành trình cá nhân hầu khám phá những chiều sâu chính nơi Công đồng cũng như nơi tác động biến đổi mà "lễ Ngũ Tuần mới" này thực thi trên các GH địa phương khắp thế giới.   

Một toàn cảnh về Công Đồng. Vào ngày lễ thánh Phaolô trở lại (ngày 5 tháng Giêng, 1959), chưa đầy 100 ngày sau khi được chọn, Đức Giáo hoàng Gioan XXIII loan báo ngài có kế hoạch triệu tập tất cả các giám mục khắp thế giới cho một công đồng chung. Nhiều người ngạc nhiên rằng vị giáo hoàng "như người chăm nom nhà cửa" thôi (đã 77 tuổi rồi) lại muốn đảm trách một dự phóng khổng lồ như thế. Một vài người nghĩ rằng Đức Giáo hoàng ấy chỉ triệu tập một công đồng để hoàn tất những công việc dang dở của Vatican I (1869-2870) mà thôi; Đức Gioan XXIII đã có một cái gì khác trong đầu, hay đúng hơn "trong Thần khí."   

Suốt những giai đoạn chuẩn bị, motu proprio [tự sắc] của Giáo hoàng thiết lập một vài ủy ban và văn phòng Tổng Thư ký (secretariats), dưới thẩm quyền cá nhân của Giáo hoàng. Những ủy ban làm việc để biết được những đề xướng về những đề tài thảo luận; người ta nhận được trên 9.300 đề xướng. Chất liệu được xếp bảng chú dẫn (index) và phân phối cho mười một ủy ban được Đức Gioan XXIII chỉ định vào tháng Sáu, 1960 để nháp những tài liệu thảo luận. Những nhóm này bao gồm các giám mục, linh mục, thần học gia, một giáo dân song không có nữ giới. Những ủy ban gặp nhau giữa tháng Mười Một, 1960 và tháng Sáu, 1962 rồi đưa ra 70 văn kiện. Những văn kiện này lần lượt được giản lược thành 20 bản văn riêng rẽ và đệ trình cho Đức Giáo hoàng. Vào tháng Bảy 1962 bẩy trong những tài liệu này được lưu hành giữa các giám mục trên thế giới để chuẩn bị cho ngày khai mạc công đồng vào tháng Mười.    

Vào lễ Giáng sinh 1961 Đức Gioan XXIII đã chính thức triệu tập Công đồng với Tông hiếnHumanae Salutis. Vatican II khai mạc ngày 11 tháng Mười, 1962. Người ta có thể gợi nhắc vài thời khắc ý nghĩa của khóa họp đầu tiên này: diễn từ của Đức Gioan XXIII,Gaudet Mater Ecclesia, (Mẹ Giáo hội vui lên) mang tính thị kiến và chương trình; các Giám mục khước từ chấp nhận việc Giáo triều Roma tổ chức các ủy ban; những tranh luận về phụng vụ, mạc khải, và GH; chống lại tài liệu nháp của Giáo triều về Giáo hội. Những làn gió mới hiển nhiên đang thổi qua GH.   

“Đức Giáo hoàng tốt lành Gioan qua đời ngày 3 tháng Sáu, 1963; Đức Phaolô VI lên kế vị; ngài tuyên bố dứt khoát muốn tiếp tục Công đồng. Diễn từ của Đức Phaolô VI khai mạc khóa thứ hai (ngày 29 tháng Chín) liệt kê bốn mục đích: khai triển một ý tưởng sâu xa hơn về GH, canh tân GH, hiệp nhất các Kitô hữu, và đối thoại giữa GH và thế giới. Vào cuối khóa họp thứ hai này (mồng 4 tháng Mười Hai), hai văn kiện đầu tiên được công đồng chính thức phê chuẩn (Phụng vụ thánh và truyền thông xã hội.)   

Trong tám tháng nghỉ giữa những khóa họp của Công đồng, Đức Phaolô VI có một vài sáng kiến chủ chốt: ngài thăm viếng Thượng Phụ Athenagoras ở Đất Thánh (tháng Giêng, 1964); vào Chúa Nhật lễ Hiện Xuống (tháng Năm, 1964), ngài thiết lập văn phòng thư ký (Secretariat) cho những người ngoài Kitô giáo [được đổi lại thành Hội đồng Giáo hoàng về Đối thoại Liên Tôn năm 1988]; tháng Tám, ngài công bố thông điệp đầu tiên, Ecclesiam Suam; hơn một nửa của văn kiện này tập trung vào "đối thoại" như chìa khóa quan trọng cho căn tính của GH.   

Khóa họp thứ ba của Công đồng trải dài từ 14 tháng Chín tới 21 tháng Mười Một, 1964. Có những cuộc thảo luận về những đề tài phức tạp khác nhau rộng lớn: tự do tôn giáo, những người Do thái, giáo dân, GH trong thế giới tân tiến, hôn nhân, văn hóa, truyền giáo, và đào tạo các linh mục. Ba văn kiện được công bố (GH, các GH Công giáo Đông phương, và Đại kết).   

Những tháng xen giữa khóa họp thứ ba và thứ tư của Công đồng chứng kiến những biến cố quan trọng: Đức Phaolô VI dự Hội Nghị Thánh Thể ở Ấn độ (tháng Mười Một, 1964); Hồng y Béa thăm Công hội Thế giới của các Giáo hội tại Geneva (tháng Hai, 1965); Đức Phaolô VI cử hành Thánh lễ bằng tiếng mẹ đẻ vào chính ngày đầu tiên điều này được cho phép (tháng Ba, 1965); Đức Phaolô VI công bố thông điệp Mysterium fidei (tháng Chín, 1965).   

Khóa họp thứ tư và cuối cùng của Công đồng bắt đầu vào ngày 14 tháng Chín, 1965. Chính ngày kế tiếp Đức Phaolô VI thiết lập Thượng Hội Đồng các Giám mục đã được mong đợi từ lâu. Các nghị phụ Công đồng tranh cãi về những văn kiện về truyền giáo, đời tu, đào luyện linh mục, đời sống và tác vụ linh mục, và những tôn giáo ngoài Kitô giáo. Trong khóa họp này dành Nhiều giờ thảo luận cặn kẽ về văn kiện GH trong thế giới tân tiến. Mười một văn kiện nữa đã được công bố, bốn trong chúng đề ngày 7 tháng Mười Hai, 1965, khóa họp công khai cuối cùng của Công đồng. Nghi thức kết thúc được tổ chức ở Quảng Trường thánh Phêrô vào ngày 8 tháng Mười Hai, 1965.Mười sáu văn kiện Công đồng bao gồm: 4 Hiến chế, 9 Sắc lệnh, và 3 Tuyên ngôn. Bản văn chính thức tiếng Latinh, không kể 992 ghi chú dài ngắn khác nhau, lên tới gần 103.011 chữ. Một công trình phi thường!     

Những thống kê gây sửng sốt. Trong khi biết rằng ta phải tìm ý nghĩa của công đồng Vatican II trong mười sáu văn kiện công đồng cũng như trong việc canh tân GH được tác động của Thánh Thần thực hiện, ta có thể thích thú nhìn vào một vài sự kiện "ấn tượng" của toàn thể dự phóng Vatican II.   

Theo thống kê, Đài Vatican tóm tắt Công đồng trong năm câu. Có 168 cuộc họp chung và 10 cuộc họp khoáng đại; khóa thứ nhất có 36, khóa hai 43, khóa ba 48, và khóa cuối cùng có 41 cuộc họp chung. Trong những buổi họp chung có 147 giới thiệu hay tường trình được đọc lên, và 2212 bài phát biểu; cũng có 4361 góp ý bằng giấy bút. Số trung bình của các giám mục hiện diện hằng ngày là 2200; tột đỉnh lên tới con số 2392 vào ngày 6 tháng Mười Hai, 1965. Trong các khóa họp, 242 Nghị phụ qua đời, gồm 12 Hồng y. Con số chuyên viên được chính thức chỉ định là 460 trong đó có 235 linh mục triều, 45 tu sĩ dòng Tên, 42 tu sĩ dòng Đaminh, và 15 tu sĩ dòng Phan sinh.   

Những thống kê hấp dẫn khác nữa (với một ít thay đổi nhỏ) được Ralph Wiltgen, SVD cống hiến (The Rhine Flows into the Tiber). Tổng chi phí cho công đồng Vatican II và công việc chuẩn bị là 725000000$. Vì 2860 Nghị phụ tham dự trọn vẹn hay từng phần của bốn khóa họp, trải dài trên 281 ngày, kinh phí trung bình là 2530$ cho mỗi nghị phụ, hay 9$ một ngày. Tuy nhiên, những phí tổn này không bao gồm những chi phí do chính các Nghị phụ; 67% được trả phí tổn di chuyển, và 53% được trả cho việc ăn ở. Về tổng cộng chi tiêu do Vatican, 33% được dùng cho ăn ở; 30% cho di chuyển; 9% cho trang bị phòng hội Công đồng; 8% cho những chi phí liên kết của vi tính, văn phòng in ấn công đồng, những công việc in ấn, và lắp ráp điện thoại; 20% cho những phí tổn khác.   

Ốm yếu, già lão, hay những hạn chế bị chính quyền áp đặt khiến 274 Nghị phụ không tham dự được. Giữa những ngày khai mạc và kết thúc có 253 Nghị phụ qua đời, và 296 Nghị phụ mới được thêm vào. Giữa 98 Hồng y tham dự, có 11 vị chết trước khi công đồng kết thúc; chỉ một hồng y không tham dự được là Hồng y Josef Mindszenty của Hunggari. Tuổi trung bình của các Nghị phụ là 60. Hai phần ba thuộc giáo sĩ triều, số còn lại là các phần tử của những dòng tu.   

Những hồ sơ của Công đồng được chứa đựng trong 200 bộ sách lớn và có bản liệt kê theo thứ tự abc của các Nghị phụ, chỉ cho thấy mỗi người nói chung bỏ 544 phiếu kín. Hơn nữa có tất cả những tài liệu tập tin, công hàm chứa đựng một băng đĩa đầy đủ thu lại tất cả 168 những hội họp chung, đầy 712 cuộn, mỗi cuộn dài 1300 feet, chạy ra 542 giờ. Đức Phaolô VI ca ngợi văn phòng Tổng Thư Ký của Công đồng vì làm việc cung cấp một lưu trữ đầy đủ về thần học, tổ chức và quản trị của Công đồng. Thống kê không nói đầy đủ về Công đồng, nhưng chắc chắn cho thấy chiều kích phong phú khác của dự phóng đầy tham vọng của Đức Gioan XXIII.    

“Thiên tài của Cõi lòng.” Suốt lúc sinh thời Đức Giáo hoàng Gioan XXIII đã nổi tiếng rộng rãi với dân chúng thuộc mọi tầng lớp; Người ta thường gán cho ngài thường "những tước hiệu" khác nhau. Người ta biết ngài như "Vị Giáo hoàng của Dân chúng" và như "Đức Giáo hoàng Gioan tốt lành". Khi ngài chết ngày 3 tháng Sáu, 1963 (Thứ hai lễ Hiện xuống) một đề tựa của tờ báo lớn như sau: "A Death in the Family" (Cái chết trong gia đình). Từ khi được phong Á thánh ngày 3 tháng Chín, 2000, ngài là "Chân phước Giáo hoàng Gioan." Nay người ta nhìn thấy thi thể không rữa nát của ngài qua một quan tài kiếng gần gian chính của Vương cung thánh đường thánh Phêrô.   

Người viết đây thích trao tặng cho Đức Gioan XXIII một tước hiệu khác, là một "thiên tài của cõi lòng." Ngài đã sống và yêu đời - thật sung mãn. Là một người cư xử dịu dàng, ngài vui thích con người, chẳng hạn, dừng lại trò chuyện với những người làm vườn khi tản bộ. Ngài mời những tân binh của Đội Bảo Vệ Thụy Sĩ ngồi uống nước với ngài để có thể biết họ. Ngài dành lễ Giáng sinh đầu tiên của mình như một Giáo hoàng với những ốm trong hai nhà thương tại Roma; ngày hôm sau ngài thăm các tù nhân tại nhà tù Regina coeli của Roma. Ngài đã biết những kinh hoàng của Thế chiến I, bị đi quân dịch như một vị tuyên úy. Đức tin sâu xa và đời sống cầu nguyện của ngài thật hiển nhiên; ngài cầu nguyện 3 tràng hạt mỗi ngày. Ngài là một "vị Mục Tử Tốt Lành" biết tâm hồn con người: ngài là một "thiên tài của cõi lòng."   

Mọi người yêu mến tài hóm hỉnh của Đức Giáo hoàng Gioan, sự say mê của ngài đối với cuộc sống. Ngài có dư tràn một phẩm chất phi thường trong một giáo hoàng - một cảm thức khôi hài chân thật. Một ít giai thoại và lời nói cho thấy chiều kích này nơi "người cha của Vatican II."   

Một nhà ngoại giao mới được chính thức công nhận tới Vatican được Đức Giáo hoàng đón tiếp, và ông hỏi: "Có bao nhiêu người làm việc ở Vatican vậy?" Đức Gioan XXIII trả lời với một cái nháy mắt: "Ồ, không hơn một nửa trong họ đâu." Một dịp khác, khi Đức Giáo hoàng chuẩn bị gặp Tổng thống Kenedy và phu nhân, ngài hỏi một đức ông lễ tân thích hợp sẽ là sao; một vài đề xuất được đưa ra (chẳng hạn, thưa bà). Tuy nhiên, khi ngài vào phòng tiếp, ngài tự phát giang rộng đôi tay, cười rạng rỡ và thốt lên; "Ồ,Jacqueline!" Khi Đức Giáo hoàng thăm nhà thương Holy Spirit ở Roma, ngài gặp Mẹ Bề trên. Bà nói: "Kính thưa Đức Thánh Cha, con là Bề Trên của Thánh Thần." "Đức Giáo hoàng trả lời: "Này, Cha phải nói rằng con thật may mắn. Cha chỉ là vị Đại diện của Chúa Giêsu Kitô thôi!"   

Trong những cuộc rước, Đức Giáo hoàng thường được mang trên sedia gestatoria (tòa có thể đi chuyển được) để dân chúng có thể thấy ngài rõ hơn. Đức Gioan XXIII thấy khó chịu, nói rằng nó làm ngài chóng mặt; ngài nói: "Đây là chiếc ghế khó chịu nhất mà cha biết!" Một dịp ngài nghe lỏm hai người phụ nữ Ý nói về vẻ bề ngoài của mình. Họ nói ngài xấu trai; ngài quá mập, còn lỗ mũi lại quá lớn. Đức Giáo hoàng châm chọc họ: "Là giáo hoàng không phải một cuộc thi sắc đẹp!"   

Khi là Khâm sứ Tòa thánh (Apostolic Nuncio) tại Pháp, vị Giáo hoàng tương lai được hỏi trong một dạ tiệc: "Thưa Đức ông, ngài có bối rối khi có những phụ nữ diện những bộ áo để cổ trần không? Nó thường là một vấp phạm mà." Đức ông Roncalli trả lời: "cớ vấp phạm ư? Ồ, không! Khi có một phụ nữ mặc hở cổ, các khách mời không nhìn vào nàng. Họ nhìn vào vị Khâm sứ xem coi ông phản ứng làm sao."   

Đức Gioan XXIII nói về Công đồng trong vài dịp khác nhau. Ngài nói khi tiến tới cửa sổ như thể muốn mở ra: "Tôi mong hít được làn gió mát từ đó . . . Chúng ta phải rũ bỏ những bụi bặm hoàng vương đã phủ đầy ngai tòa thánh Phêrô từ Constantin." Những ý định của Đức Gioan rất rõ: "Chúng tôi tiên vàn muốn rằng Công đồng phải là một hành vi nhân hậu." Sẽ không có những kết án trong Công đồng, bởi vì ngày nay GH ưa thích "dầu xót thương hơn là cánh tay nghiêm khắc." Khi một Hồng y trong Giáo triều nói cho vị Giáo hoàng rằng tuyệt đối không thể mở Công Đồng vào năm 1963, ngài trả lời: "Đúng, chúng ta sẽ khai mạc công đồng vào năm 1962!"   

Đức Giáo hoàng Gioan thú nhận rằng ngài gặp khó ngủ vào đêm sau khi công bố Công đồng. Ngài nói rằng ngài tự nhủ như thế này: "Gioan này, tại sao lại không ngủ? Giáo hoàng hay Thánh Thần, ai cai quản GH? Chính Thánh Thần phải không? Vậy, Gioan, hãy ngủ đi!" Một lần, trong khóa họp thứ nhất của Công đồng, ngài khôi hài: "Cha rất muốn Chúa hiện ra cho mình để nói khi nào Công Đồng kết thúc. Để Công đồng bắt đầu, cha ra lệnh, nhưng để kết thúc . . ." Vào buổi chiều tối của ngày khai mạc Công đồng năm 1962, Giáo hoàng nói cho những người Roma tụ họp tại Quảng Trường thánh Phêrô: "Khi anh chị em trở về nhà, hãy ôm hôn con cái của anh chị em dùm cha. Hãy nói với chúng đây là cái ôm hôn yêu dấu từ Đức Giáo hoàng." Hẳn nhiên, dân chúng khắp thế giới dành một chỗ đặc biệt trong lòng mình cho Đức Gioan XXIII; ngài là một người đáng yêu và nhân hậu. Bây giờ, như vị chân phước, Đức Giáo hoàng Gioan chuyển cầu cho chúng ta.   

Suy tư. Khi GH cử hành kỷ niệm 40 năm kết thúc Công đồng (1965-2005), GH cần lượng giá ảnh hưởng của Vatican II. Một câu hỏi thiết yếu tập trung vào "sự tiếp nhận" Công Đồng ở Á châu. Viễn cảnh và kinh nghiệm của Công đồng đã thay đổi và canh tân các Giáo hội địa phương tại Á châu như thế nào? "Làn gió Thần khí" có được cảm nhận sâu xa, thay đổi ý thức, thái độ, và lối cư xử của dân chúng không? Chúng ta đang ở đâu bốn thập niên sau khi Đức Gioan XXIII bắt đầu chương trình canh tân, aggiornamento, của mình? Đâu là những đường lối mới của Thần khí mà những người Công giáo Á châu chúng ta bị thách đố để phân định và bước theo - hoàn toàn trung thành với Công đồng?

(Còn tiếp)

 


Mục Lục Năm Đức Tin