THÁNH BỘ GIÁO SĨ

 

LINH MỤC,

MỤC TỬ VÀ LÃNH ĐẠO

CỘNG ĐOÀN GIÁO XỨ

 

HUẤN THỊ 04/8/2002

 

 

PHẦN I

CHỨC TƯ TẾ PHỔ QUÁT CỦA TÍN HỮU

VÀ CHỨC TƯ TẾ THỪA TÁC

 

1. Ngước mắt lên mà xem (Ga 4,35) – (1-4)

2. Những yếu tố nòng cốt của thừa tác vụ và đời sống linh mục

a) Căn tính Linh mục (5-9)

b) Thống nhất đời sống (10-11)

c) Hành trình nên thánh (12-14)

d) Sự trung thành của linh mục đối với kỷ luật Giáo Hội (15)

e) Linh mục trong cộng đoàn Giáo Hội (16)

f) Ý thức đến chiều kích phổ quát trong cái đặc thù (17)

 

PHẦN II

GIÁO XỨ VÀ NHIỆM VỤ LINH MỤC QUẢN XỨ

 

3. Giáo xứ và Linh mục quản xứ (18-26)

4. Các thách đố tích cực hiện nay

đối với các thừa tác vụ mục vụ trong giáo xứ (27-30)

 

 

 

Kinh tuyên xưng tình yêu của cha sở họ Ars,

Thánh Gioan Maria Vianney

 

Lời kinh … dâng lên Rất Thánh Đức Bà Maria

DẪN NHẬP

Huấn thị này, nhờ sự chuyển trao của các Giám mục, được gửi đến tất cả các linh mục quản xứ và các cộng tác viên đang dấn thân trong việc chăm sóc các linh hồn. Tài liệu phải được xem xét trong bối cảnh của một suy tư và học hỏi có chiều sâu, đã được khởi sự từ một số năm qua.

Với sự xuất bản của Kim chỉ nam về sứ vụ và đời sống của các linh mục và của các phó tế vĩnh viễn, cùng với sự xuất bản của Huấn thị Liên Bộ, Ecclesiae de mysterio, và Thư luân lưu, Linh mục và Thiên niên kỷ thứ ba, Thầy dạy của Lời, Thừa tác viên của các bí tích và Lãnh đạo của cộng đoàn, chúng ta thấy âm vang của các tài liệu của Công Đồng Vaticanô II, nhất là Lumen GentiumPresbyterorum Ordinis, của sách Giáo lý Hội Thánh Công giáo, Bộ Giáo Luật, và những giáo huấn liên tục của Huấn Quyền.

Tài liệu đi theo cùng một hướng của lời hô hào truyền giáo Duc in altum với nhiệm vụ cấp thiết là phúc âm hoá trong Ngàn năm thứ ba. Vì lý do ấy và đồng thời lưu ý đến nhiều khuyến cáo phát xuất từ một tham khảo ý kiến rộng rãi về vấn đề này, quả là thích hợp khi nắm lấy thời cơ để trình bày một mảng giáo thuyết gồm những yếu tố nhằm khơi dậy một suy tư trên những giá trị thần học nền tảng thúc đẩy hướng đến hoạt động thừa sai, mà đôi khi chưa được rõ ràng.

Mối tương quan giữa chiều kích Giáo-hội-học – Thánh-Khí-học, đụng chạm trực tiếp đến bản chất của sứ vụ linh mục, và chiều kích Giáo-hội-học, giúp hiểu ý nghĩa của nhiệm vụ này một cách đặc biệt, đã được làm nổi bật.

Huấn thị này có mục đích cơ bản là biểu lộ lòng quý mến đặc biệt đến các linh mục đang chu toàn nhiệm vụ quý báu trong tư cách linh mục quản xứ và những linh mục dù bị nhiều khó khăn thử thách, vẫn luôn luôn hiện diện ở giữa đoàn chiên của mình. Nhiệm vụ tế nhị và quý giá mà họ theo đuổi, đem lại cơ hội để làm sáng tỏ hơn sự khác biệt tự bản chất và ngay cả trong đời sống giữa chức tư tế phổ quát và chức tư tế thừa tác, và để đem lại sự hiểu biết đúng đắn về căn tính linh mục và chiều kích bí tích căn bản của thừa tác vụ của những người có chức thánh.

Vì muốn tuân theo những chỉ dẫn của Đức Thánh Cha trong Diễn văn mà ngài gửi đến Hội nghị khoáng đại của Thánh Bộ, rất phong phú về phương diện thực hành, quả là ích lợi khi ghi lại đây :

 

Kính thưa các Hồng y, Giám mục,

Đức ông và linh mục,

Anh em và chị em thân mến trong Chúa Kitô !

1. Trong niềm vui lớn lao, tôi chào thăm anh chị em, nhân dịp Hội nghị khoáng đại của Thánh bộ Giáo sĩ. Tôi chân thành chào thăm Đức Hồng y Dario Castrillón Hoyos, Tổng Trưởng Thánh bộ, và cám ơn ngài về những lời thân ái nhân danh toàn thể mọi người hiện diện gửi đến cho tôi. Tôi chào thăm các Hồng Y, Giám mục và mọi người tham dự Hội nghị khoáng đại, với một chủ đề quan trọng đối với đời sống Hội Thánh ; Các linh mục, Chủ chăn và Lãnh đạo cộng đoàn giáo xứ. Khi nhấn mạnh đến nhiệm vụ của linh mục trong cộng đoàn giáo xứ, ta làm sáng tỏ chỗ đứng trung tâm của Đức Kitô, Đấng phải luôn luôn nổi bật trong sứ vụ của Hội Thánh.

Đức Kitô hiện diện trong Hội Thánh của Người cách tuyệt hảo nhất trong Bí tích của Bàn thờ. Trong Hiến chế Lumen gentium, Công đồng Vaticanô II dạy rằng linh mục đóng vai trò Chúa Kitô, cử hành Hi Tế Tạ Ơn và ban các bí tích (x. số 10). Như vị tiền nhiệm của tôi, Đức Phaolô VI đã nhận xét rất đúng trong Thông điệp Mysterium fidei, tiếp nối Hiến chế Sacrosanctum Concilium, số 7, Đức Kitô cũng hiện diện qua việc giảng dạy và hướng dẫn các tín hữu, những nhiệm vụ mà linh mục được đích thân mời gọi (x. AAS 57 [1965] 762).

2. Sự hiện diện của Đức Kitô, trong đời sống hằng ngày và thông thường như thế, biến giáo xứ thành một cộng đoàn đích thực của các tín hữu. Vì thế điều quan trọng nền tảng là giáo xứ cần có một linh mục làm chủ chăn và tước vị Chủ chăn được dành riêng cho linh mục. Thánh chức tư tế là điều kiện cần thiết và không thể thay thế được để đặt một người làm chủ chăn cách hữu hiệu (x. Giáo luật, đ. 521, §1). Tất nhiên, các tín hữu khác có thể tích cực cộng tác với ngài, ngay cả đến trọn thời gian nữa, nhưng bởi vì họ không có chức tư tế thừa tác, họ không thể thay thế ngài như chủ chăn.

Điều xác định chỗ đứng trung tâm đặc biệt và có tính Giáo Hội này của linh mục là mối tương quan nền tảng của ngài với Đức Kitô, Thủ lãnh và Chủ chăn, như một sự đại diện có tính bí tích. Trong Tông huấn Pastores dabo vobis, tôi lưu ý rằng mối tương quan giữa linh mục và Hội Thánh được ghi khắc trong mối tương quan mà linh mục có đối với Đức Kitô, theo nghĩa sự đại diện có tính bí tích cho Đức Kitô đặt nền tảng và soi sáng mối tương quan giữa linh mục và Hội Thánh (số 16). Chiều kích Giáo Hội thuộc về bản chất của chức tư tế thừa tác. Chức ấy hoàn toàn là để phục vụ Hội Thánh, đến nỗi cộng đoàn Giáo Hội cần cách tuyệt đối chức tư tế thừa tác để có Đức Kitô Thủ Lãnh và Mục Tử hiện diện trong cộng đoàn. Nếu chức tư tế phổ quát là kết quả của sự kiện Dân Kitô-giáo được Thiên Chúa tuyển chọn như một chiếc cầu nối với nhân loại và mọi tín hữu thuộc về đoàn dân này, chức tư tế thừa tác là hoa quả của một tuyển chọn, của một ơn gọi đặc biệt ; Người kêu gọi các môn đệ, và tuyển chọn mười hai vị (Lc 6,13-16). Nhờ chức tư tế thừa tác, người tín hữu được gây ý thức về chức tư tế phổ quát của họ và thực thi chức tư tế ấy (x. Ep 4,11-12) ; các linh mục nhắc nhở họ rằng họ là đoàn dân của Thiên Chúa và làm cho họ có khả năng dâng những của lễ thiêng liêng (x.1 Pr 2,5), qua đó chính Đức Kitô làm chúng ta thành một quà tặng vĩnh cửu dâng lên Chúa Cha (x.1 Pr 3,18). Nếu không có sự hiện diện của Đức Kitô được linh mục đại diện, người lãnh đạo mang ấn tín bí tích của cộng đoàn, thì cộng đoàn đó không phải là một cộng đoàn Giáo Hội viên mãn.

3. Như tôi đã nói trên, Đức Kitô hiện diện trong Hội Thánh một cách tuyệt hảo trong Bí tích Thánh Thể, nguồn mạch và chóp đỉnh của đời sống Hội Thánh. Người thực sự hiện diện trong khi cử hành Hi lễ thánh, và khi bánh đã được truyền phép được cất giữ trong nhà tạm như trái tim thiêng liêng của cộng đoàn tu sĩ và giáo xứ (Phaolô VI, Thông điệp Mysterium fidei, AAS 57 [1965], 772).

Vì lý do ấy, Công đồng Vaticanô II khuyên bảo các linh mục quản xứ phải lo lắng để việc cử hành Hi tế Thánh Thể phải là trọng tâm và tuyệt đỉnh của toàn thể đời sống cộng đoàn kitô-hữu (Sắc lệnh Christus Dominus, số 30). Không có thờ phượng Thánh Thể, như hình ảnh trái tim đang đập, giáo xứ nên khô cằn. Quả là hữu ích khi nhắc lại đây điều tôi đã viết trong Tông thư Dies Domini ; Trong số các hoạt động của một giáo xứ, không có điều gì cần thiết cho sự sống hoặc đào tạo cộng đoàn cho bằng việc cử hành Ngày Chúa nhật và Bí tích Thánh Thể (số 35). Không điều gì có thể thay thế được. Phụng vụ Lời Chúa mà thôi, khi quả thực không thể có một linh mục hiện diện vào ngày Chúa Nhật được, là một việc làm đáng khen để giữ gìn đức tin sống động, nhưng phải xem việc cử hành thường xuyên Bí tích Thánh Thể như một mục tiêu cần phải đạt đến.

Khi thiếu linh mục, ta phải tin tưởng và tha thiết cầu xin Chúa ban nhiều thợ gặt thánh thiện cho mùa gặt của Người. Trong Pastores dabo vobis tôi đã nhắc lại rằng : “Ngày hôm nay, cầu nguyện cho có được những ơn gọi mới phải càng ngày càng trở thành một tập quán trường kỳ và rộng khắp của toàn thể cộng đoàn kitô-hữu và nơi mọi người” (số 38). Vẻ cao cả của căn tính linh mục, việc thực thi trọn vẹn thừa tác vụ mục vụ được kết hợp với những nỗ lực cầu nguyện của toàn thể cộng đoàn và việc hi sinh đền tội cá nhân, là những yếu tố không thể thiếu của một hoạt động mục vụ cấp bách để tìm thêm ơn gọi. Sẽ là một lỗi trầm trọng khi cam chịu những khó khăn hiện tại, và hành động như thể chúng ta phải chuẩn bị cho một Hội Thánh của ngày mai mà một vài người nghĩ rằng hầu như không có các linh mục. Như thế, các biện pháp dùng để chữa trị sự hiếm hoi đó, dù đầy thiện chí, cũng sẽ gây hại trầm trọng cho cộng đoàn Giáo Hội.

4. Hơn nữa, giáo xứ là một nơi chốn đặc trưng để loan báo Lời của Thiên Chúa. Việc đó bao gồm nhiều hình thức khác nhau và mỗi tín hữu được mời gọi giữ một phần tích cực, đặc biệt qua chứng từ của một đời sống kitô-hữu và việc loan báo minh nhiên Tin Mừng cho những người chưa tin để dẫn đưa họ đến đức tin, hoặc cho các tín hữu để dạy dỗ họ, củng cố họ và khuyến khích họ sống nhiệt thành hơn. Đối với linh mục, ngài loan báo lời trong tư cách là thừa tác viên, như những người chia sẻ thẩm quyền ngôn sứ của Đức Kitô và của Hội Thánh (Pastores dabo vobis, số 26). Để chu toàn sứ vụ này cách trung thành, phù hợp với ân sủng đã lãnh nhận, ngài phải phát triển trước hết một sự tiếp xúc cá nhân và sâu sắc với Lời của Thiên Chúa (ibid.). Cho dẫu ngài thua kém các tín hữu không được thụ phong trong khả năng phát biểu, điều này không giảm thiểu tư cách của ngài là đại diện của Đức Kitô, Thủ lãnh và Mục tử, và hiệu năng của lời giảng dạy của ngài phát xuất từ căn tính của ngài. Cộng đoàn giáo xứ cần đến loại hiệu năng này, nhất là vào thời điểm đặc biệt nhất khi các thừa tác viên chức thánh công bố Lời ; vì lý do này, việc công bố Tin Mừng trong Phụng vụ và bài giảng, cả hai đều dành riêng cho linh mục.

5. Cũng vậy chức năng hướng dẫn cộng đoàn trong tư cách mục tử, chức năng riêng của linh mục quản xứ, bắt nguồn từ mối tương quan duy nhất với Đức Kitô Thủ Lãnh và Mục Tử. Đó là một chức năng phát xuất từ bí tích. Chức năng ấy không được giao phó cho linh mục bởi cộng đoàn, nhưng, đến từ Chúa, qua tay Giám mục. Tái khẳng định cách rõ ràng điều này và thực thi chức năng này với một uy quyền khiêm tốn là một phục vụ rất cần thiết cho sự thật và cho sự hiệp thông của Hội Thánh. Sự cộng tác của những người khác, những người đã không lãnh nhận sự đồng hoá với Đức Kitô nhờ bí tích, thì đáng mong ước và thường là cần thiết.

Tuy nhiên, sự cộng tác đó không thể bất cứ cách nào thay thế nhiệm vụ chủ chăn riêng của linh mục quản xứ. Những trường hợp thiếu trầm trọng các linh mục, mà cần đến một sự cộng tác mật thiết và rộng rãi hơn của các tín hữu không có quyền thừa tác linh mục, trong việc chăm sóc mục vụ của một giáo xứ, không tạo thành một ngoại lệ cho tiêu chuẩn cốt yếu của việc chăm sóc các linh hồn, như đã được quy định cách hiển nhiên bởi quy tắc giáo luật (x. Giáo luật, điều 517, §2). Trong lĩnh vực hay gây tranh cãi này, Huấn thị liên Bộ Ecclesiae de mysterio, mà tôi đã phê chuẩn cách đặc biệt, là một chỉ dẫn chắc chắc cần tuân theo.

Khi chu toàn nhiệm vụ này trong tư cách lãnh đạo, là trách nhiệm của riêng mình, chủ chăn chắc chắn sẽ có được sự trợ giúp của ban tư vấn mà Giáo luật tiên liệu (x. Giáo luật, điều 536-537) ; nhưng những người này phải dừng lại và trung thành với mục đích cố vấn của ban. Vì thế cần phải giữ mình khỏi mọi hình thức, trong thực tế, có khuynh hướng coi nhẹ tư cách lãnh đạo của linh mục quản xứ, bởi vì chính cơ cấu của cộng đoàn có thể bị méo mó.

6. Giờ đây tôi hướng lòng quý mến và biết ơn đến các mục tử trên khắp thế giới, nhất là những vị đang làm việc tại những tiền đồn của công cuộc phúc âm hoá. Tôi khuyến khích họ tiếp tục trong sứ vụ truyền giáo, thật vất vả nhưng quý báu đối với toàn thể Hội Thánh. Tôi giao phó lần lượt mỗi người hằng ngày đang thi hành việc chăm sóc mục vụ cho sự trợ giúp hiền mẫu của Đức Trinh nữ Maria, khi họ đang tìm cách sống hiệp thông sâu xa với Mẹ. Trong chức tư tế thừa tác, như tôi đã viết trong Lá Thư gửi các linh mục, nhân ngày Thứ Năm Tuần Thánh 1979, có chiều kích kỳ diệu và sâu sắc là sự gần gũi với Mẹ của Đức Kitô (số 11). Các anh em linh mục thân mến, khi chúng ta cử hành Thánh lễ, Mẹ của Đấng Cứu chuộc ở bên cạnh chúng ta. Mẹ dẫn chúng ta vào mầu nhiệm hi lễ cứu chuộc của Người Con thần linh của Mẹ. Ad Jesum per Mariam (đến với Đức Giê-su nhờ Mẹ Maria) ; ước gì đó là chương trình hằng ngày của đời sống thiêng liêng và mục vụ của chúng ta !

Với những tâm tình ấy và bảo đảm với anh em rằng tôi sẽ nhớ đến anh em trong lời cầu nguyện, tôi ban cho mỗi một người trong anh em phép lành Toà Thánh đặc biệt, và tôi cũng sẵn lòng gửi đến tất cả các linh mục trên toàn thế giới.

 

(Diễn từ của Đức Gioan-Phaolô II cho khóa họp khoáng đại của Bộ Giáo Sĩ ngày Thứ Sáu 23 tháng 11 năm 2001).

 


PHẦN I

CHỨC TƯ TẾ PHỔ QUÁT CỦA TÍN HỮU

VÀ CHỨC TƯ TẾ THỪA TÁC

1. Ngước mắt lên mà xem (Ga 4,35)

1.   Thầy bảo anh em ; Ngước mắt lên mà xem, đồng lúa đã chín vàng đang chờ ngày gặt hái ! (Ga 4,35) Những lời này của Chúa chúng ta minh hoạ rõ ràng chân trời bao la của sứ vụ tình yêu của Ngôi Lời Nhập thể. Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ (Ga 3,17). Suốt cuộc đời trần thế của Người, hoàn toàn đồng hoá với thánh ý cứu độ của Chúa Cha, là một sự biểu lộ liên lỉ Thánh ý Thiên Chúa muốn cứu rỗi nhân loại và muốn cho mọi người đạt đến ơn cứu độ như Chúa Cha mong muốn tự muôn đời. Người đã truyền giao sứ mệnh lịch sử này lại cho Hội Thánh và uỷ thác cách đặc biệt cho các thừa tác viên chức thánh. Quả thực, cao cả thay mầu nhiệm mà chúng ta được đặt làm thừa tác viên. Một mầu nhiệm về tình yêu không giới hạn, vì Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người yêu thương họ đến cùng (Ga 13,1).[1]

      Các thừa tác viên linh mục của Đức Giêsu-Kitô, mang ấn tín và ân sủng của Bí tích truyền chức thánh và được chỉ định làm chứng nhân và thừa tác viên về lòng thương xót của Thiên Chúa, tự nguyện đảm nhận phục vụ mọi người trong Hội Thánh. Trong bất cứ hoàn cảnh xã hội, văn hoá hay lịch sử nào, cả trong xã hội ngày nay, mang dấu ấn sâu đậm của tinh thần tục hoá và chủ nghĩa tiêu thụ đang xói mòn ý nghĩa kitô-giáo nơi nhiều tín hữu, các thừa tác viên của Chúa phải luôn luôn nhớ đến điều làm cho chúng ta thắng được thế gian, đó là lòng tin của chúng ta (1Ga 5,4). Thật vậy, xã hội hiện nay tạo cho chúng ta cơ hội để nhớ lại sức mạnh bất khuất của đức tin và đức ái đối với Chúa Kitô, và nhắc nhớ rằng, dù không thiếu những khó khăn và ngay cả sự thiếu tin tưởng nào đó, các tín hữu kitô-giáo – cũng như nhiều người chưa tin – vẫn đánh giá cao và cần đến thái độ sẵn sàng phục vụ của các linh mục. Họ muốn tìm thấy nơi linh mục một con người của Thiên Chúa, theo như lời Thánh Augustinô ; kiến thức của chúng ta là Đức Kitô, sự khôn ngoan của chúng ta cũng là Đức Kitô. Người ban cho chúng ta đức tin để nhìn xem các thực tại trần thế và chính Người mạc khải thực tại vĩnh cửu cho chúng ta.[2] Chúng ta sống trong thời đại của một công cuộc phúc âm hoá mới và do đó, chúng ta phải ra đi và tìm gặp những người đang chờ cơ hội được gặp gỡ Đức Kitô.

2.   Theo những mức độ khác nhau, Đức Kitô thông ban tư cách người Mục Tử chăn dắt các linh hồn của Người cho các Giám mục và Linh mục, thông qua bí tích Truyền Chức Thánh, để làm cho các ngài có khả năng hành đông nhân danh Người và đại diện quyền Thủ Lãnh (potestas Capitis) của Người trong Giáo Hội. Sự hiệp nhất sâu xa của Dân mới không có nghĩa là không có những trách nhiệm khác biệt và bổ túc cho nhau trong đời sống của Dân mới. Những người có trách nhiệm hành động trong tư cách của Đức Kitô (in persona Christi) và làm lại điều Đức Giêsu đã thực hiện trong Bữa tiệc ly, khi Người thiết lập Hy lễ Tạ ơn, nguồn mạch và chóp đỉnh của toàn thể đời sống kitô-hữu (Lumen Gentium), được liên kết một cách đặc biệt với các tông đồ đầu tiên. An tín làm cho các ngài trổi vượt nhờ việc lãnh nhận thánh chức, bảo đảm cho sự hiện diện và tác vụ của các ngài là duy nhất, không thể thiếu và thay thế được.[3] Sự hiện diện của một thừa tác viên chức thánh là điều kiện tất yếu cho đời sống của Giáo Hội, chứ không chỉ nhằm để tổ chức sao cho hiệu quả.

3.   Duc in altum ![4] Mọi ki-tô-hữu cảm nghiệm ánh sáng đức tin trong tâm hồn và muốn đi trên con đường Đức Giáo Hoàng đã vạch ra, đều phải chuyển lời mời gọi truyền giáo khẩn trương và dứt khoát này thành việc làm. Các mục tử trong Giáo Hội, nhờ cảm thức siêu nhiên mà có khả năng phân định những đường lối Thiên Chúa muốn hướng dẫn Dân Người, nhất thiết phải thấu hiểu lời mời gọi này và thi hành với lòng nhiệt thành và sẵn sàng. “Duc in altum ! Chúa mời gọi chúng ta chèo ra chỗ sâu, với một lòng tin tưởng vào Lời Người. Chúng ta hãy học từ kinh nghiệm của Đại Năm Thánh và kiên trì trong nhiệm vụ làm chứng cho Tin Mừng, với lòng nhiệt thành mà việc chiêm ngưỡng dung nhan Đức Kitô làm nẩy sinh trong chúng ta”.[5]

4.   Quả là quan trọng khi nhắc lại Đức Thánh Cha đã hiểu như thế nào về các mục tiêu căn bản mà ngài đã đề ra vào lúc bế mạc Đại Năm Thánh 2000 và trao cho các Giáo Hội địa phương thực hiện. Khi mời gọi các Giáo Hội địa phương đảm nhận trách nhiệm này, Đức Giáo hoàng nhấn mạnh đến nhu cầu phải tận dụng ân huệ đã lãnh nhận, bằng cách đem ra thực hành qua các quyết định và đường lối hành động.[6] Ân huệ này liên quan đến sứ mạng phúc âm hoá của Giáo Hội, sứ mạng đó đòi hỏi một đời sống thánh thiện về phía người mục tử cũng như giáo dân, một sự nhiệt thành với việc tông đồ phù hợp với bậc sống riêng của mình và thấm nhuần vào các trách nhiệm và bổn phận của họ, và nhận thức rằng ơn cứu rỗi vĩnh cửu của nhiều người tùy thuộc vào việc biểu lộ Đức Kitô một cách trung thành qua lời nói cũng như việc làm. Vì thế, từ đó nẩy sinh một nhu cầu cấp bách cần đưa ra một thúc đẩy mãnh mẽ hơn cho thừa tác vụ linh mục trong các Giáo Hội địa phương, nhất là trong các giáo xứ. Điều đó phải đặt nền tảng trên sự hiểu biết đích thật về tác vụ và đời sống của các linh mục.

      Là Linh mục, chúng ta được thánh hiến trong Giáo Hội để thi hành tác vụ đặc thù đó. Chúng ta được kêu gọi bằng nhiều cách khác nhau để góp phần đào tạo Dân Thiên Chúa ở bất cứ nơi nào Thiên Chúa quan phòng đặt để chúng ta. Nhiệm vụ của chúng ta là chăn dắt đoàn chiên mà Thiên Chúa giao phó cho chúng ta, không phải vì miễn cưỡng nhưng hoàn toàn tự nguyện, không lấy quyền mà thống trị những người Thiên Chúa đã giao phó cho chúng ta, nhưng nêu gương sáng cho đoàn chiên (x. 1Pr 5,2-3). […] Đó là con đường nên thánh của chúng ta, [nhằm dẫn đưa chúng ta tiến vào cuộc gặp gỡ tối hậu với vị Mục tử tối cao là Đấng nắm giữ triều thiên vinh hiển trong tay (1Pr 5,4)]. Đó là sứ mạng của chúng ta trong việc phục vụ Dân Kitô-giáo.[7]

2. Những yếu tố nòng cốt của thừa tác vụ và đời sống linh mục [8]

      a) Căn tính Linh mục

5.   Căn tính Linh mục phải được xem xét trong bối cảnh Thánh ý cứu độ của Thiên Chúa, vì đó là hoa trái của tác động có tính bí tích của Chúa Thánh Thần, một sự tham dự vào công trình cứu độ của Chúa Kitô, và hoàn toàn nhằm mục đích phục vụ cho công trình đó trong Hội Thánh, khi nó diễn ra trong lịch sử. Căn tính Linh mục có ba chiều kích ; Thánh-khí-học, Kitô-học và Giáo-hội-học. Cơ cấu thần học nền tảng này của mầu nhiệm Linh mục, là thừa tác viên của ơn cứu độ, không hề bao giờ bị xem nhẹ, nếu linh mục am hiểu đúng đắn ý nghĩa của công tác mục vụ trong những hoàn cảnh cụ thể của giáo xứ.[9] Linh mục là đầy tớ của Đức Kitô. Nhờ Người, với Người và trong Người, linh mục trở nên đầy tớ của loài người. Chính con người của vị linh mục, được đồng hoá với Đức Kitô về phương diện hữu thể, làm nên nền tảng của việc được truyền chức để phục vụ cộng đoàn. Sự dấn thân trọn vẹn cho Đức Kitô, được thực hiện cách thích đáng và được làm chứng qua đời sống đôc thân, đặt người linh mục vào vai trò phục vụ mọi người. Ân huệ phi thường của đời sống độc thân [10] đã tìm được ánh sáng và động lực từ sự đồng hoá với ân huệ hôn ước mà Con Thiên Chúa chịu đóng đinh và sống lại đã ban tặng cho một nhân loại được cứu chuộc và đổi mới.

      Chính đời sống và công việc của người linh mục – con người được thánh hiến và tác vụ của ngài – là những thực tại thần học không thể tách rời và có mục tiêu là thực thi sứ mạng của Giáo Hội,[11] tức là đem ơn cứu độ vĩnh cửu cho nhân loại. Lý do hiện hữu của chức linh mục được tìm thấy và khám phá trong mầu nhiệm Hội Thánh – là Nhiệm Thể Chúa Kitô và là Dân Thiên Chúa đang lữ hành trong lịch sử, được thiết lập như bí tích phổ quát của ơn cứu độ.[12] “Cộng đoàn Giáo Hội nhất thiết cần đến chức tư tế thừa tác, để cho Chúa Kitô, Thủ Lãnh và Mục Tử, hiện diện giữa cộng đoàn”[13].

6.   Chức tư tế phổ quát hay chức tư tế do bí tích Thanh Tẩy của các kitô-hữu, một sự tham dự đích thực vào chức tư tế của Chúa Kitô, là yếu tính của Dân mới của Thiên Chúa [14] “Anh em là giống nòi được tuyển chọn, là hàng tư tế vương giả, là dân thánh, dân riêng của Thiên Chúa...” (1Pr 2,9) ; (Người) “làm cho chúng ta trở thành vương quốc và hàng tư tế để phụng sự Thiên Chúa là Cha của Người” (Kh 1,6) ; (Người) cũng “làm cho họ thành một vương quốc, thành những tư tế, để phụng thờ Thiên Chúa chúng ta” (Kh 5,10), “họ sẽ là tư tế của Thiên Chúa và của Đức Kitô, họ sẽ hiển trị với Đức Kitô” (Kh 20,6). Những đoạn Kinh Thánh này gợi lại Biến cố Xuất hành và ứng dụng điều đã được nói về dân Irael cũ cho Dân Israel mới : “Các ngươi sẽ là sở hữu riêng của Ta giữa hết mọi dân : vì toàn cõi đất đều là của Ta, và Ta sẽ coi các ngươi là một vương quốc tư tế, một dân thánh” (Xh 19, 5-6). Chúng cũng gợi lại sách Đệ nhị luật : Anh em là một dân thánh hiến cho Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em ; Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em đã chọn anh em từ giữa muôn dân trên mặt đất, làm một dân thuộc quyền sở hữu của Người (Đnl 7,6).

      Nếu chức tư tế phổ quát là kết quả của sự kiện dân kitô-giáo được Thiên Chúa tuyển chọn như một chiếc cầu nối với nhân loại và mọi tín hữu thuộc về đoàn dân này, chức tư tế thừa tác là hoa quả của một tuyển chọn, của một ơn gọi đặc biệt ; Người kêu gọi các môn đệ, và tuyển chọn mười hai vị (Lc 6,13-16). Nhờ chức tư tế thừa tác, người tín hữu được gây ý thức về chức tư tế phổ quát của họ và thực thi chức tư tế ấy (x. Ep 4,11-12) ; các linh mục nhắc nhở họ rằng họ là đoàn dân của Thiên Chúa và làm cho họ có khả năng dâng những của lễ thiêng liêng (x. 1Pr 2,5), qua đó chính Đức Kitô làm chúng ta thành một quà tặng vĩnh cửu dâng lên Chúa Cha (x. 1Pr 3,18). Nếu không có sự hiện diện của Đức Kitô được linh mục đại diện, người lãnh đạo mang ấn tín bí tích của cộng đoàn, thì cộng đoàn đó không phải là một cộng đoàn Giáo Hội viên mãn.[15]

      Trong dân tư tế này, Chúa đã thiết lập chức tư tế thừa tác mà một số người được kêu gọi để có thể phục vụ các tín hữu qua đức ái mục tử nhờ quyền thánh chức (potestas sacra). Chức tư tế phổ quát và chức tư tế thừa tác không chỉ khác nhau trong cấp độ, nhưng cả trong bản chất.[16] Do vậy, sự khác biệt giữa hai chức tư tế không chỉ là tham dự nhiều hay ít hơn vào chức Tư Tế của Đức Kitô, nhưng là khác biệt về bản chất của cách tham dự vào chức tư tế ấy. Chức tư tế của người tín hữu đặt nền tảng trên ấn tín của bí tích Thánh Tẩy, tức là trên dấu ấn thiêng liêng xác nhận họ được dành riêng cho Đức Kitô. Chức tư tế đó cho phép và giao cho các kitô-hữu nhiệm vụ phụng sự Thiên Chúa, qua việc tham dự một cách sinh đông vào phụng vụ của Hội Thánh và thi hành chức tư tế phổ quát bằng chứng tá của đời sống thánh thiện và việc bác ái thiết thực.[17]

      Mặt khác, chức tư tế thừa tác đặt nền tảng trên ấn tín của bí tích Truyền Chức Thánh, là bí tích làm cho người linh mục nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô Thượng Tế, để có thể hành động trong tư cách của Đức Kitô Thủ Lãnh, và thi hành quyền thánh chức (potestas sacra) qua việc dâng Hi Lễ và ban ơn tha tội.[18] Một sứ mạng mới và đặc biệt được thông ban qua bí tích cho những người chịu phép rửa đã lãnh nhận ân sủng của chức tư tế thừa tác ; đó là thi hành ba chức vụ ngôn sứ, tư tế và vương giả của Đức Kitô, trong tư cách là Thủ lãnh và Mục tử của Hội Thánh [19] giữa đoàn dân Thiên Chúa. Trong khi thi hành những chức vụ đặc biệt này, các linh mục hành động trong tư cách của Chúa Kitô Thủ Lãnh (in persona Christi Capitis) và vì thế, cùng một cách thức ấy, họ hành động nhân danh Hội Thánh (in nomine Ecclesiae).[20]

7.   Vì thế, “chức tư tế do bí tích vừa có tính chất “phẩm trật” vừa có tính chất “thừa tác”. Đó là một “tác vụ” đặc biệt, một “việc phục vụ” đối với cộng đoàn tín hữu. Tuy nhiên, chức tư tế ấy không bắt nguồn từ cộng đoàn, cũng không phát sinh do “yêu cầu” hay “sự uỷ thác” của cộng đoàn. Đúng hơn, thừa tác vụ ấy là một ân ban cho cộng đoàn, phát xuất từ chính Đức Kitô và chức tư tế sung mãn của Người [...] Nhận thức điều đó, chúng ta hiểu chức tư tế của chúng ta có “tính chất phẩm trật” như thế nào, nghĩa là nó nối kết với quyền đào tạo và quản trị một dân tộc tư tế như thế nào (x. Lumen Gentium, s. 10), và chính vì thế, mà chức tư tế cũng có “tính chất thừa tác” như thế nào. Chúng ta thi hành một chức vụ, qua đó Đức Kitô không ngừng “phụng sự” Chúa Cha qua công trình cứu độ chúng ta. Toàn thể cuộc đời linh mục của chúng ta là và phải là một cuộc đời được thấm nhiễm bởi sự phục vụ ấy, nếu chúng ta muốn tiến dâng Lễ Tế Tạ Ơn một cách xứng hợp với “tư cách của Chúa Kitô” (in persona Christi)”[21].

      Trong thời gian qua, Hội Thánh đã gặp phải những vấn đề về căn tính linh mục, đôi khi nảy sinh từ sự hiểu biết không rõ ràng về hai cách tham dự vào chức tư tế của Đức Kitô trên bình diện thần học. Trong một vài lãnh vực, những khó khăn này đã đi đến mức phá hủy sự cân bằng sâu xa của Giáo Hội, vốn là tính chất đặc thù của Huấn Quyền ngàn đời và đích thực.

      Tuy nhiên, ngày nay, các hoàn cảnh đã đổi thay, nên có thể vượt qua mối nguy “giáo sĩ hoá” giáo dân và “tục hoá” hàng giáo sĩ.[22]

      Sự dấn thân quảng đại của hàng giáo dân trong lãnh vực phụng tự, truyền bá đức tin và cộng tác mục vụ, trước tình trạng thiếu hụt linh mục, đã khiến một số thừa tác viên có chức thánh và giáo dân vượt quá giới hạn cho phép bởi Giáo Hội và bởi khả năng do hữu thể và bí tích của riêng mình. Điều này đưa đến việc xem nhẹ về phương diện lý thuyết và thực hành sứ mạng riêng của người giáo dân là thánh hoá các cơ cấu xã hội từ bên trong.

      Chính khủng hoảng về căn tính này cũng đã gây ra sự “tục hoá” nơi một vài thừa tác viên chức thánh, khi làm lu mờ vai trò riêng biệt và hoàn toàn không thể thiếu của họ trong sự hiệp thông Giáo Hội.

8.   Trong Hội Thánh, người linh mục, alter Christus, là tác viên của những hành động thiết yếu đem lại ơn cứu độ.[23] Hành động trong tư cách của Đức Kitô là Đầu (in persona Christi Capitis), linh mục là nguồn mạch sự sống và sức sống trong Giáo Hội, và trong giáo xứ của mình, nhờ quyền tế lễ làm nên Mình và Máu Thánh Đấng Cứu Thế, nhờ quyền công bố Tin Mừng và chiến thắng sự dữ của tội lỗi qua bí tích giải tội. Bản thân người linh mục không phải là nguồn mạch sự sống thiêng liêng. Đúng hơn, sự sống ấy bắt nguồn từ Đấng ban phát sự sống thiêng liêng cho toàn Dân Thiên Chúa. Người linh mục, được Thánh Thần xức dầu, là người tôi tớ đi vào cung thánh mang tính bí tích (santuario sacramentale) : đó là Đức Giêsu-Kitô Chịu-đóng-đinh (x. Ga 19, 31-37) và sống lại, từ đó xuất phát ơn cứu độ.

      Cùng với Đức Maria, Mẹ của vị Thượng Tế Vĩnh Cửu, linh mục ý thức rằng, cùng với Mẹ, họ là “một khí cụ của sự hiệp nhất cứu độ giữa Thiên Chúa và con người”, mặc dù theo những cách thức khác nhau : với Đức Trinh Nữ thì thông qua mầu nhiệm Nhập Thể, còn với người linh mục thì thông qua bí tích Truyền Chức Thánh.[24] Mối tương quan giữa linh mục và Đức Trinh Nữ Maria không chỉ dựa trên nhu cầu bảo trợ và nâng đỡ, nhưng còn hơn thế nữa dựa trên nhận thức về một sự kiện khách quan : “sự hiện diện của Mẹ chúng ta”, một “sự hiện diện có tác dụng làm cho Giáo Hội sống mầu nhiệm Đức Kitô”.[25]

9.   Trong tư cách của một người tham gia vào hành động lãnh đạo của Đức Kitô, Thủ Lãnh và Mục Tử của Nhiệm Thể,[26] người linh mục, trên bình diện mục vụ, đặc biệt có vai trò trở nên “con người của sự hiệp thông”[27], quản trị và phục vụ mọi người. Người linh mục có trách nhiệm cổ võ và duy trì mối hiệp nhất giữa các chi thể với Đầu, và giữa các chi thể với nhau. Do ơn gọi, người linh mục liên kết và phục vụ hai chiều kích ấy của chức mục tử của Đức Kitô (x. Mt 20,28 ; Mc 10, 45 ; Lc 22, 27). Để phát triển, đời sống Giáo Hội cần phải có những sinh lực mà chỉ thừa tác vụ hiệp thông, quản trị và phục vụ mới có thể cung cấp. Điều đó đòi buộc các linh mục, là những người đồng hoá hoàn toàn với Đức Kitô, Đấng ban phát ơn gọi, phải hoàn toàn thuộc về Người. Điều đó đòi buộc các linh mục phải là những người, “trong” và “với” Đức Kitô, sống những nhân đức được thể hiện nơi Đức Kitô Mục Tử, và tìm ánh sáng, đồng hoá với hiến lễ hôn ước mà Con Thiên Chúa chịu đóng dinh và sống lại dành cho nhân loại được cứu chuộc và đổi mới. Điều đó đòi buộc các linh mục phải là những người mong muốn trở nên nguồn mạch sự hiệp nhất và tự hiến cho mọi người trong tình huynh đệ - nhất là cho những người thiếu thốn. Điều đó đòi buộc các linh mục phải là những người, một khi ý thức rằng căn tính linh mục của họ bắt nguồn từ Vị Mục Tử Tốt Lành,[28] mang lấy hình ảnh đó trong nội tâm và biểu lộ hình ảnh ấy ra bên ngoài bằng một cung cách mà mọi người dễ dàng nhìn thấy.[29]

      Người linh mục làm cho Đức Kitô Thủ Lãnh của Hội Thánh, hiện diện qua thừa tác vụ của Lời, tức là chia sẻ chức vụ ngôn sứ của Người.[30] Trong tư cách và nhân danh Đức Kitô (In persona et in nomi-ne Christi), người linh mục là thừa tác viên của lời có tác dụng phúc âm hoá, tức là lời mời gọi mọi người hoán cải và nên thánh ; linh mục là tác viên của lời tôn thờ, tức là lời chúc tụng sự cao cả của Thiên Chúa và cảm tạ lòng thương xót của Người ; linh mục là tác viên của lời bí tích, vốn là nguồn mạch đầy hiệu năng của ân sủng. Bằng những cách thức khác nhau ấy, linh mục, với quyền năng Thánh Thần, kéo dài giáo huấn của Thầy chí thánh trong Giáo Hội của Người.

      b) Thống nhất đời sống

10. Do bởi tác vụ được uỷ thác cho các linh mục, vốn tự bản chất là một sự đồng hoá thánh thiện và có tính bí tích với Đức Giêsu-Kitô, các linh mục có một lý do mạnh hơn để nỗ lực sống thánh thiện.[31] Điều này không có nghĩa là sự thánh thiện mà linh mục được kêu gọi thì cao cả hơn sự thánh thiện mà mọi tín hữu khác được kêu gọi nhờ bí tích Thánh Tẩy. Sự thánh thiện chỉ là một,[32] tuy có nhiều cách diễn tả khác nhau.[33] Tuy vậy, người linh mục được thúc đẩy để nỗ lực sống thánh thiện vì một lý do khác ; để xứng đáng với ân sủng mới được ghi dấu ấn trên linh mục, để ngài có thể đại diện cho Đức Kitô Thủ Lãnh và Mục Tử, và vì thế, ngài trở nên dụng cụ sinh động cho công trình cứu độ.[34] Do vậy, trong khi thi thành thừa tác vụ, người linh mục, sacerdos in aeternum (tư tế đời đời), phải nỗ lực dõi theo mẫu gương của Chúa trong mọi sự, bằng cách kết hiệp với Người để nhận ra Thánh ý Chúa Cha, và tự hiến cho đoàn chiên.[35] Thống nhất đời sống,[36] hay sự thống nhất nội tâm [37] giữa đời sống thiêng liêng và hoạt động thừa tác, đặt nền móng trên tình yêu đối với thánh ý Thiên Chúa và bác ái mục tử.[38] Sự thống nhất đời sống, đặt nền tảng trên bác ái mục tử, sẽ tăng triển nhờ một đời sống cầu nguyện kiên trì, ngõ hầu người linh mục vừa trở nên chứng nhân của đức ái, vừa trở nên thầy dạy đời sống thiêng liêng.

11. Lịch sử Giáo Hội tỏa ngát hương thơm nhờ những gương mẫu tuyệt vời của việc tự hiến thật sự triệt để trong mục vụ. Trong số đó có đông đảo những linh mục thánh đã đạt đến sự thánh thiện qua việc cống hiến cách quảng đại và không mệt mỏi cho việc chăm sóc các linh hồn, sống cuộc đời khổ chế và có một đời sống thiêng liêng thâm sâu, chẳng hạn Cha sở họ Ars, quan thầy các linh mục quản xứ. Các vị mục tử này, tiêu hao vì tình yêu Chúa Kitô và nhiệt thành trong bác ái mục tử, là biểu hiện sống động của Tin Mừng.

      Một vài trào lưu trong nền văn hoá hiện đại xem nhân đức, khổ chế và đời sống thiêng liêng như những hình thức nội quan, tha hoá và ích kỷ, không thể hiểu biết những vấn đề của thế giới và con người. Đôi khi, điều này đã dẫn đến một hình ảnh có nhiều dạng khác nhau về người linh mục : từ nhà xã hội học đến bác sĩ trị liệu, từ nhà chính trị đến nhà quản trị … nó còn dẫn đến ý tưởng linh mục “về hưu”. Trong bối cảnh này, cần nhắc lại rằng linh mục là người mang lấy trong cả cuộc đời sự thánh hiến tác động trên hữu thể. Căn tính cơ bản của người linh mục cần phải tìm thấy nơi ấn tín được ghi khắc trên người ấy qua bí tích Truyền Chức Thánh và từ đó phát xuất ân ban mục vụ. Vì thế, linh mục phải luôn luôn biết điều mình phải làm, đúng như một linh mục. Như thánh Gioan Boscô nói, người linh mục là một linh mục trên bàn thờ, là một linh mục trong toà giải tội, là một linh mục nơi học đường, là một linh mục ngoài đường phố ; quả thực, ngài là một linh mục khắp mọi nơi. Trong vài hoàn cảnh hiện nay, một số linh mục nghĩ rằng thừa tác vụ của họ ở ngoài lề cuộc sống, trái lại, nó thật sự nằm ở trung tâm cuộc sống, vì nó có khả năng soi sáng, hoà giải và đổi mới mọi sự.

      Có thể xảy ra là một số linh mục, khởi sự tác vụ với tràn trề nhiệt huyết và lý tưởng, đã rơi vào bất mãn, vỡ mộng và kinh nghiệm cả sự thất bại nữa. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này : thiếu sót trong việc huấn luyện, thiếu tình huynh đệ trong hàng Linh mục giáo phận, sống cô lập, hay thiếu sự nâng đỡ của giám mục [39] và cộng đoàn, những vấn đề cá nhân - từ sức khoẻ đến đau khổ vì không thể tìm thấy câu trả lời hay giải pháp cho các vấn đề, lơ là trong đời sống khổ chế, bỏ bê đời sống thiêng liêng hay ngay cả thiếu đức tin.

      Thật thế, một thừa tác vụ năng động không đặt nền tảng trên một linh đạo linh mục vững chắc sẽ nhanh chóng trở thành một hoạt động rỗng tuếch, không có đặc tính ngôn sứ. Hiển nhiên, sự thống nhất đời sống của người linh mục bị phân hoá trước tiên là do suy giảm lòng bác ái mục tử, có nghĩa là suy giảm “tình yêu tha thiết đối với mầu nhiệm mà người linh mục cưu mang trong lòng vì lợi ích của Hội Thánh và nhân loại”.[40]

      Dành thời giờ để đàm thoại thân mật và thờ lạy Vị Mục Tử Nhân Lành, hiện diện trong Bí Tích Cực Thánh trên bàn thờ, là một ưu tiên mục vụ trổi vượt hơn bất cứ việc mục vụ nào khác. Mỗi Linh mục, người lãnh đạo cộng đoàn, phải chú trọng đến ưu tiên đó, để bảo đảm rằng mình không trở nên cằn cỗi về mặt thiêng liêng, hay trở nên một máng nước khô cạn không còn có thể thông ban bất cứ điều gì cho ai nữa.

      Đời sống thiêng liêng hẳn là mối bận tâm quan trọng nhất của mục vụ. Bất cứ sáng kiến mục vụ, chương trình truyền giáo hay nỗ lực phúc âm hoá nào lẩn tránh chỗ đứng ưu tiên của đời sống thiêng liêng và việc phụng thờ Thiên Chúa, rốt cuộc sẽ đi đến thất bại.

      c) Hành trình nên thánh

12. Chức Linh mục thừa tác, trong mức độ đồng hình với đời sống và hoạt động tư tế của Đức Kitô, sẽ giới thiệu một chiều kích mới của đời sống thiêng liêng cho những ai lãnh nhận ân ban quý báu nhất này. Đó là một đời sống thiêng dựa trên sự tham dự vào tư cách thủ lãnh của Đức Kitô trong Hội Thánh của Người, đời sống đó trở nên hoàn thiện thông qua việc phục vụ có tính thừa tác cho Hội Thánh : đó là sự thánh thiện trong thừa tác vụ và qua thừa tác vụ.

13. Vì thế, đào sâu “ý thức mình là một thừa tác viên” của Đức Giêsu-Kitô [41] có một tầm quan trọng sinh tử đối với đời sống thiêng liêng của linh mục và hiệu năng của chính tác vụ.

      Mối tương quan có tính thừa tác với Đức Giêsu “làm phát sinh và đòi hỏi người linh mục, một sự ràng buộc chặt chẽ hơn, phát xuất từ “chủ ý” của người linh mục, tức là ý thức và tự do chọn lựa làm điều Hội Thánh muốn làm trong các hoạt động thừa tác của mình”[42]. Câu “làm điều Hội Thánh muốn làm trong” các hoạt động thừa tác của mình soi sáng cho đời sống thiêng liêng của các tác viên có chức thánh và mời gọi họ nhận thức rõ ràng hơn mình là “dụng cụ” để phục vụ Đức Kitô và Hội Thánh, và biểu lộ điều đó một cách cụ thể qua các hoạt động thừa tác của mình. “Chủ ý”, theo nghĩa này, nhất thiết bao hàm một mối tương quan với các hành động của Đức Kitô trong và qua Hội Thánh. Nó cũng bao hàm sự vâng phục thánh ý Người, trung thành với huấn lệnh của Người và ngoan ngùy với tác động của Người : tác vụ thánh là dụng cụ, qua đó Đức Kitô và Nhiệm Thể Người là Hội Thánh, hoạt động.

      Đây là tư thế thường xuyên của cá nhân người linh mục : “Mối dây ràng buộc này, tự chính bản chất, nhằm tác động một cách sâu rộng bao nhiêu có thể, trên lối suy tư, cảm nghĩ và chính đời sống của một người ; nói cách khác, tạo ra một loạt những tư thế luân lý và thiêng liêng tương ứng với những hành động thừa tác mà người linh mục thực hiện”[43].

      Linh đạo của linh mục đòi hỏi một bầu khí là sự gần gũi thân mật với Đức Giêsu-Kitô, tình bằng hữu và gặp gỡ cá vị với Người, “chia sẻ” sứ mạng thừa tác, yêu thương và phục vụ dành cho Người hiện diện trong Nhiệm Thể và Hiền Thê của Người là Hội Thánh. Sống mầu nhiệm Hội Thánh và hiến thân phục vụ Hội Thánh trong tác vụ, bao hàm một tình yêu thâm sâu đối với Chúa Giêsu. Bởi thế, “bác ái mục tử đặc biệt tuôn trào từ hi tế Thánh Thể. Vì thế hi tế này là trung tâm và gốc rễ của toàn thể đời sống của người linh mục, để tâm hồn người linh mục biến điều diễn ra trên bàn thờ thành của riêng mình. Nhưng điều này không thể thực hiện, trừ phi chính người linh mục tiến sâu vào mầu nhiệm Chúa Kitô qua đời sống cầu nguyện”[44].

      Trong việc thấu hiểu mầu nhiệm ấy, Đức Nữ Trinh Maria, hiệp cùng Đấng Cứu Chuộc, đến trợ giúp chúng ta, vì “khi chúng ta cử hành Thánh Lễ, thì Mẹ của Con Thiên Chúa ở giữa chúng ta và dẫn chúng ta đi vào mầu nhiệm hy tế cứu độ của Người. Như thế, Mẹ là trung gian mọi ân sủng tuôn trào từ hy tế này trên Giáo Hội và mọi tín hữu”[45]. Thật vậy, “Đức Maria kết hiệp với hy tế linh mục của Đức Kitô một cách độc đáo, bằng cách chia sẻ ý muốn cứu chuộc thế giới của Người nhờ cây Thập Giá. Mẹ là người đầu tiên tham dự cách hoàn hảo trên bình diện thiêng liêng vào sự dâng hiến của Người trong tư cách là Tư Tế và là tế phẩm. Như vậy, Mẹ có thể thâu nhận và trao ban cho những người chia sẻ thừa tác vụ linh mục của Con Mẹ, ân sủng là hết mình đáp trả lại những đòi hỏi của hi tế thiêng liêng mà chức linh mục đòi buộc ; đặc biệt Mẹ có thể thâu nhận và trao ban ơn đức tin, đức cậy và kiên nhẫn khi đương đầu với những thử thách, những thử thách này kích thích tham gia một cách quảng đại hơn vào hi tế cứu độ”[46].

      Đối với người linh mục, bí tích Thánh Thể phải chiếm giữ “vị trí trung tâm, cả trong thừa tác vụ lẫn trong đời sống thiêng liêng”[47], bởi vì tất cả lợi ích thiêng liêng của Hội Thánh phát sinh từ bí tích Thánh Thể, cội nguồn và chóp đỉnh của mọi công cuộc phúc âm hoá.[48] Vì thế quả là quan trọng việc chuẩn bị cách thích đáng trước khi dâng hi tế Thánh Lễ, cử hành thánh lễ mỗi ngày,[49] cám ơn và viếng Thánh Thể trong ngày.

14. Ngoài việc cử hành Thánh lễ mỗi ngày, linh mục còn cử hành Các Giờ Kinh Phụng Vụ, một đòi buộc mà người linh mục sẵn lòng hiểu là đòi buộc nhặt. Linh mục tăng cường tình yêu đối với Vị Mục Tử thần linh và làm cho Người hiện diện cho người tín hữu, từ hy tế trên bàn thờ cho đến việc cử hành Thần Vụ với toàn thể Giáo Hội. Linh mục nhận lãnh đặc ân “đàm thoại với Thiên Chúa nhân danh hết thảy mọi người, bởi thế dường như ngài “trở nên” môi miệng của Hội Thánh”[50] ; qua Thần Vụ, ngài bổ khuyết những gì còn thiếu trong việc ngợi khen của Đức Kitô, và với tư cách một đại diện chính thức, lời chuyển cầu của người linh mục cho việc cứu độ thế giới được kể vào số những lời chuyển cầu có hiệu lực nhất.[51]

      d) Sự trung thành của linh mục đối với kỷ luật Giáo Hội

15. “Ý thức mình là một thừa tác viên” bao hàm ý thức về hệ thống tổ chức của Thân Mình Đức Kitô. Để có thể phát triển, đời sống và sứ mạng của Hội Thánh cần có trật tự, luật lệ, quy tắc đạo đức – tóm lại, đó là một hệ thống kỷ luật. Phải loại trừ thành kiến đối với kỷ luật của Giáo Hội, ngay khi có dấu hiệu. Cũng phải vượt qua nỗi e ngại khi trưng dẫn kỷ luật của Giáo Hội hay yêu cầu thực hiện đòi hỏi của kỷ luật. Một khi những quy tắc kỷ luật của Giáo Hội được tôn trọng, sẽ tránh được những căng thẳng. Nếu không, những căng thẳng đó sẽ làm tổn thương hiệu năng của sự hiệp nhất mục vụ mà Hội Thánh cần có để chu toàn sứ mạng phúc âm hoá. Việc đón nhận cách trưởng thành những trách nhiệm của tác vụ đương nhiên chấp nhận rằng Giáo Hội “được tổ chức như một cơ cấu xã hội hữu hình cũng phải có những quy tắc, để cơ cấu phẩm trật và cơ cấu tổ chức được rõ ràng, và để việc thi hành những chức năng Thiên Chúa uỷ thác cho Giáo Hội, nhất là chức năng thuộc quyền thánh chức và cử hành các bí tích, có thể được tổ chức thích đáng”.[52]

      Ý thức mình là thừa tác viên của Đức Kitô và Nhiệm Thể của Người cũng ám chỉ sự trung thành với ý muốn của Hội Thánh, như được trình bày trong quy tắc giáo luật.[53] Mục tiêu của Giáo luật là giúp đời sống kitô-hữu hoàn thiện hơn, để có thể hoàn thành tốt hơn sứ mạng cứu độ của Hội Thánh. Do đó, luật pháp phải được tôn trọng với lòng chân thành và thiện ý.

      Trong số những khía cạnh khác nhau của kỷ luật của Giáo Hội, sự tuân phục đối với những luật lệ và quy định phụng vụ của Giáo Hội, nghĩa là trung thành với các quy tắc tổ chức việc phụng thờ Thiên Chúa đúng theo ý muốn của Vị Linh Mục Thượng Phẩm Đời Đời và của Nhiệm Thể Người, có tầm quan trọng đặc biệt. Phụng Vụ thánh là việc thực thi chức tư tế của Đức Giêsu-Kitô,[54] một hành động linh thánh trổi vượt, “chóp đỉnh quy hướng mọi hoạt động của Hội Thánh (và) là nguồn mạch từ đó mọi quyền bính của Hội Thánh tuôn trào”.[55] Do đó, trong lãnh vực này, người linh mục còn phải ý thức hơn mình là một tác viên và bị đòi buộc phải hành động cho phù hợp với những lời cam kết mà ngài đã tự nguyện và long trọng tuyên hứa trước mặt Thiên Chúa và cộng đoàn. “Việc ấn định các quy tắc Phụng Vụ thánh chỉ thuộc thẩm quyền của Giáo Hội, tức là thuộc Toà Thánh, và, trong những điều Giáo luật quy định, thuộc thẩm quyền giám mục […]. Không ai khác, ngay cả linh mục, được phép thêm bớt hay thay đổi bất cứ điều gì trong phụng vụ theo ý mình”[56]. Thái độ tự tiện, những diễn tả chủ quan, những ngẫu hứng, thái độ không tuân phục trong việc cử hành Thánh Lễ rõ ràng trái nghịch với bản chất của Thánh Lễ, tức là hy tế của Đức Kitô. Điều đó cũng áp dụng cho việc cử hành các bí tích khác, nhất là bí tích Sám Hối, qua đó hối nhân muốn canh tân đời sống, được tha thứ tội lỗi và giải hoà với Giáo Hội.[57]

      Cũng thế, người linh mục phải ân cần khuyến khích giáo dân tham dự Phụng Vụ thánh cách tích cực và ý thức, vì Hội Thánh cổ võ một sự tham dự như thế.[58] Trong Phụng Vụ thánh, một số phận vụ có thể được thi hành do những người không có chức thánh ; tuy nhiên, những phận vụ khác hoàn toàn dành riêng cho các tác viên có chức thánh.[59] Tôn trọng các bậc sống khác nhau và tính chất bổ trợ trong sứ mạng của Hội Thánh, đòi hỏi phải thận trọng tránh mọi lẫn lộn trong vấn đề này.

e) Linh mục trong cộng đoàn Giáo Hội

16. Để phục vụ Hội Thánh – vốn được tổ chức thành một cộng đoàn hữu hình bao gồm các tín hữu có cùng một phẩm giá do bí tích Thánh Tẩy và khác biệt về đoàn sủng và chức năng –, điều cần thiết là phải biết và yêu mến Hội Thánh như Hội Thánh là theo ý muốn của Chúa Giêsu-Kitô, Đấng Sáng Lập Hội Thánh, chứ không như các triết thuyết hay ý thức hệ chóng qua đã trình bày. Chức năng thừa tác nhằm phục vụ cộng đoàn, đặt nền tảng trên sự đồng hình với Đức Kitô là Đầu, đòi hỏi một sự hiểu biết và tôn trọng đối với vai trò riêng của giáo dân và khuyến khích bằng mọi cách có thể, để mọi người đảm nhận những trách nhiệm riêng của họ. Người linh mục phục vụ cộng đoàn, nhưng ngài cũng được cộng đoàn nâng đỡ. Ngài cần giáo dân đóng góp cách đặc biệt, không chỉ trong việc tổ chức và điều hành cộng đoàn, nhưng cả trong đức tin và bác ái : có một ảnh hưởng hỗ tương nào đó giữa đức tin của linh mục và đức tin của giáo dân.

      Gia đình kitô-giáo và cộng đoàn nhiệt tâm thường đã nâng đỡ các linh mục trong những lúc các ngài gặp khủng hoảng. Cũng vậy, điều hết sức quan trọng là người linh mục cần hiểu, quý mến và trân trọng bản chất của đời sống thánh hiến là đi theo Đức Kitô, đó là một kho tàng quý giá của Hội Thánh và là bằng chứng Thánh Thần hoạt động trong Hội Thánh.

      Trong mức độ các linh mục là dấu chỉ sống động và tôi tớ phục vụ sự hiệp thông trong Hội Thánh, các ngài trở nên thành phần của sự hiệp nhất sống động của Hội Thánh trong thời gian, tức là trong Truyền Thống thánh, mà Huấn Quyền là người trông coi và bảo đảm. Nhờ quy chiếu vào Truyền Thống, thừa tác vụ linh mục có được một nền tảng vững chắc và một chứng từ khách quan về Sự Thật, đã tỏ lộ trong Đức Kitô và được mạc khải trong lịch sử. Điều đó giúp ngăn ngừa sự ham thích chạy theo cái mới lạ, vốn làm tổn thương sự hiệp thông và làm tiêu tan sự sâu sắc và tính khả tín của tác vụ linh mục.

      Linh mục quản xứ được mời gọi kiên trì xây dựng sự hiệp thông trong giáo xứ của mình và Giáo Hội địa phương, cũng như với Giáo Hội hoàn vũ. Ngài phải là gương mẫu của sự gắn bó với Huấn Quyền trường cửu và kỷ luật của Giáo Hội.

f) Ý thức đến chiều kích phổ quát trong cái đặc thù

17. “Linh mục cần ý thức rằng việc ngài thuộc về một Giáo Hội địa phương, do tự bản chất, là một yếu tố có ý nghĩa trong việc sống linh đạo kitô-giáo. Theo chiều hướng đó, người linh mục tìm thấy cách chính xác trong việc ngài thuộc về và hiến mình cho một Giáo Hội địa phương, một sự phong phú về ý nghĩa, về tiêu chuẩn để biện phân và về hành động, định hướng cho cả sự biện phân mục vụ lẫn đời sống thiêng liêng của mình”[60]. Đây là một điểm quan trọng cần phải hiểu biết rõ ràng thế nào để cho “mối bận tâm thuộc về và hiến mình cho Giáo Hội địa phương không giới hạn hoạt động và đời sống người linh mục cho một mình Giáo Hội ấy ; không thể có một sự hạn chế kiểu ấy, căn cứ trên chính bản chất của cả Giáo Hội địa phương lẫn thừa tác vụ linh mục”[61].

      Khái niệm nhập tịch, như đã điều chỉnh bởi Công Đồng Vaticanô II và sau đó được đưa vào Giáo Luật,[62] khắc phục mối nguy hiểm là giới hạn quá chặt chẽ thừa tác vụ linh mục không chỉ vào tiêu chuẩn địa lý, nhưng nhất là vào tiêu chuẩn tâm lý và ngay cả thần học nữa. Việc thuộc về một Giáo Hội địa phương và phục vụ cho sự hiệp thông nội bộ của Giáo Hội ấy – vốn là những yếu tố thuộc chiều kích giáo hôi – cũng kết hợp cách cơ bản vào đời sống và hoạt động của các linh mục, đồng thời đem lại cho chúng một cấu trúc đặc thù bao gồm các đối tượng và mục tiêu mục vụ xác định, những dấn thân cá nhân vào các nhiệm vụ riêng biệt, những cuộc gặp gỡ mục vụ và chia sẻ các mối quan tâm. Để hiểu và yêu mến Giáo Hội địa phương cách hiệu quả hơn, gắn bó và hiến thân nhiệt tình hơn, phục vụ đến mức hy sinh chính bản thân để được thánh hoá nhờ Hội Thánh, các tác viên có chức thánh phải luôn luôn ý thức rằng Giáo Hội hoàn vũ “là một thực thể ưu việt hơn mọi Giáo Hội địa phương, về phương diện hữu thể và trần thế”[63]. Quả thế, Giáo Hội hoàn vũ không phải là tổng số tất cả các Giáo Hội địa phương. Các Giáo Hội địa phương, trong và với Giáo Hội hoàn vũ, phải cởi mở đón nhận thực tại là sự hiệp thông đích thật về nhân sự, đoàn sủng và truyền thống thiêng liêng, vốn vượt lên trên mọi biên giới địa dư, tâm lý và tri thức.[64] Các linh mục phải ý thức hết sức rõ ràng rằng Hội Thánh là duy nhất. Tính phổ quát và công giáo phải luôn luôn thâm nhập vào cái đặc thù. Một mối dây hiệp thông sâu xa, chân thực và sinh động với Toà thánh Phêrô, là bảo đảm và điều kiện thiết yếu. Đón nhận, phổ biến và nhiệt tâm áp dụng các văn kiện của Đức giáo hoàng và các văn kiện khác do các Thánh bộ tại Giáo triều Rôma ban hành, là những biểu lộ cụ thể.

      Cho tới nay, chúng ta đã xem xét về đời sống và công việc của mọi Linh mục. Trong phần sau, chúng ta tập trung suy tư về những người được chỉ định cách riêng vào chức vụ linh mục quản xứ.

PHẦN II

GIÁO XỨ VÀ NHIỆM VỤ LINH MỤC QUẢN XỨ

3. Giáo xứ và linh mục quản xứ

18. Những khía cạnh Giáo-hội-học quan trọng nhất về khái niệm giáo xứ trên bình diện thần học-giáo luật, đã được Công Đồng Vaticanô II xem xét dưới ánh sáng của Truyền thống, giáo thuyết công giáo và Giáo-hội-học về hiệp thông. Sau đó, chúng được quy định thành các điều khoản trong bộ Giáo luật. Giáo huấn của các Đức Giáo hoàng sau Công Đồng, mặc nhiên hay minh nhiên, đã triển khai những khía cạnh đó dưới những góc cạnh khác nhau, nhưng luôn luôn quy chiếu về chức linh mục thừa tác. Một bản tóm tắt những chủ đề chính yếu về phương diện tín lý, thần học và giáo luật nẩy sinh từ chất liệu này sẽ hữu ích, nhất là để đưa ra một giải đáp hữu hiệu hơn cho những thách đố mục vụ mà thừa tác vụ giáo xứ của các linh mục đang đương đầu vào buổi bình minh của ngàn năm thứ ba.

      Bằng phép loại suy, phần lớn những điều nói về vai trò lãnh đạo của các linh mục quản xứ, cũng áp dụng cho các linh mục phụ tá trong các giáo xứ cũng như các linh mục được bổ nhiệm vào những nhiệm vụ mục vụ đặc biệt như tuyên uý trại giam, bệnh viện và trường học và các linh mục được giao nhiệm vụ chăm sóc cho những người di dân và du lịch v.v…

      Giáo xứ là một cộng đoàn kitô-hữu nhất định, được thành lập cách cố định trong một Giáo Hội địa phương, mà việc chăm sóc mục vụ được uỷ thác cho một linh mục quản xứ như là chủ chăn riêng của giáo xứ ấy, dưới quyền của Giám mục giáo phận.[65] Do đó, toàn thể đời sống của giáo xứ, cũng như ý nghĩa của những dấn thân hoạt động tông đồ cho xã hội, phải được hiểu và sống trong mối tương quan của sự hiệp thông hữu cơ giữa chức linh mục phổ quát của tín hữu và chức linh mục thừa tác ; của sự cộng tác huynh đệ và năng động giữa chủ chăn và tín hữu, trong sự tôn trọng tuyệt đối các quyền hạn, bổn phận và chức năng của mỗi bên, và sự nhìn nhận hỗ tương khả năng và trách nhiệm riêng của họ. Linh mục quản xứ, “hiệp thông chặt chẽ với giám mục và với mọi tín hữu, phải tránh đưa vào tác vụ mục vụ mọi hình thức độc tài và những hình thức điều hành dân chủ xa lạ với thực tại thâm sâu của thừa tác vụ”[66]. Về điểm này, Huấn thị liên bộ Ecclesia de Mysterio, được Đức Thánh Cha phê chuẩn in forma specifica, vẫn còn đầy đủ hiệu lực. Áp dụng toàn bộ Huấn thị này bảo đảm sự thực hành đúng đắn trong Giáo Hội, đó là điều cơ bản cho chính đời sống của Giáo Hội.

      Mối dây ràng buộc bên trong với cộng đoàn giáo phận và Giám mục của mình, và sự hiệp thông phẩm trật với đấng Kế Vị thánh Phêrô, bảo đảm cho tư cách thành viên của cộng đoàn giáo xứ trong Giáo Hội hoàn vũ. Do đó, cộng đoàn giáo xứ là một phần của giáo phận (pars dioecesis)[67] được linh hoạt bởi cùng một tinh thần hiệp thông, một tinh thần đồng trách nhiệm có trật tự do bí tích Thánh Tẩy, một đời sống phụng vụ chung mà trung tâm là việc cử hành Thánh Lễ [68] và một tinh thần truyền giáo chung được cộng đoàn ấy chia sẻ. Thực vậy, mỗi giáo xứ “đặt nền móng trên một thực tại thần học, vì nó là một cộng đoàn Thánh Thể. Điều này có nghĩa giáo xứ là một cộng đoàn hoàn toàn xứng hợp để cử hành Thánh lễ, là nguồn mạch sống động để xây dựng cộng đoàn và là mối ràng buộc có tính bí tích làm cho cộng đoàn hiệp thông đầy đủ với toàn thể Hội Thánh. Sự thích đáng như thế bắt nguồn từ sự kiện giáo xứ là một cộng đoàn đức tin và là một cộng đoàn hữu cơ, tức là được cấu thành bởi các tác viên có chức thánh và các kitô-hữu khác, trong đó, người mục tử – thay mặt Đức giám mục giáo phận – là mối liên kết có tính phẩm trật với toàn thể Giáo Hội địa phương”[69].

      Vì thế, giáo xứ, giống như một tế bào của giáo phận, phải nêu ra “một gương mẫu nổi bật về hoạt động tông đồ của cộng đoàn, vì giáo xứ đưa vào hiệp nhất tất cả sự đa dạng của con người tìm thấy trong đó và tháp nhập vào trong sự phổ quát của Giáo Hội”[70]. Cộng đoàn kitô-hữu là yếu tố cơ bản của giáo xứ. Theo một nghĩa nào đó, hạn từ này nhấn mạnh mối quan hệ năng động giữa những người cấu thành nên cộng đoàn, dưới sự lãnh đạo không thể thiếu của một mục tử hợp pháp. Theo luật chung, đó là tất cả các tín hữu cư trú trong một lãnh thổ quy định, hay một số tín hữu trong trường hợp thuộc các giáo xứ tòng nhân, được thiết lập dựa trên nền tảng nghi lễ, ngôn ngữ, dân tộc hay vì một mục đích đặc biệt nào khác.[71]

19. Một yếu tố cơ bản khác của khái niệm giáo xứ là khái niệm chăm sóc mục vu (cura pastoralis) hay chăm sóc các linh hồn (cura anima-rum), đó là nhiệm vụ riêng của linh mục quản xứ và được diễn tả chính yếu qua việc rao giảng Lời Thiên Chúa, ban phát các bí tích và quản trị mục vụ cộng đoàn.[72] Trong giáo xứ, khung cảnh thông thường của việc chăm sóc mục vụ, “linh mục quản xứ là chủ chăn riêng của giáo xứ được giao phó cho ngài. Ngài thi hành việc chăm sóc mục vụ cho cộng đoàn dưới quyền của giám mục giáo phận, mà ngài đã được kêu gọi chia sẻ với giám mục tác vụ của Đức Kitô, để qua việc phục vụ cộng đoàn, ngài có thể hoàn thành nhiệm vụ rao giảng, thánh hoá và quản trị, với sự cộng tác của các linh mục hay phó tế khác và với sự hỗ trợ của giáo dân, và trong sự phù hợp với các quy tắc giáo luật”.[73] Khái niệm linh mục quản xứ thì dồi dào ý nghĩa thần học cao cả và không ngăn cản Giám mục thiết lập những hình thức khác của việc chăm sóc các linh hồn (cura animarum), phù hợp với quy tắc giáo luật.

      Trong thời gian qua, điều trở nên cấp thiết là thích nghi việc chăm sóc mục vụ trong các giáo xứ với những hoàn cảnh khác nhau, ví như hoàn cảnh thiếu hụt linh mục trong một số vùng, các giáo xứ thành thị quá đông giáo dân, các giáo xứ nông thôn suy yếu, hay các giáo xứ giảm sút số tín hữu. Những hoàn cảnh như thế đòi hỏi đưa một số đổi mới nào đó vào trong luật chung của Giáo Hội liên quan đến việc chăm sóc mục vụ trong các giáo xứ. Không cần phải nói, những đổi mới này không liên quan đến bất cứ đổi mới nào trên bình diện nguyên tắc. Trong số những sáng kiến như thế, có thể uỷ thác việc chăm sóc mục vụ các linh hồn thuộc một hay nhiều giáo xứ, cho nhiều linh mục cách toàn đới (in solidum), với điều kiện chỉ có một linh mục làm người điều phối, chỉ đạo công việc mục vụ của cả nhóm, và trực tiếp chịu trách nhiệm trước Giám mục.[74] Dựa trên nền tảng của một danh nghĩa đa dạng, một chức vụ quản xứ duy nhất và công việc chăm sóc mục vụ duy nhất cho giáo xứ có thể được uỷ thác cho nhiều linh mục là những người tham gia vào chức vụ được uỷ thác cho họ theo một cách thức như nhau, và việc chỉ đạo được một anh em linh mục đích thân đảm trách như là người điều phối. Giao phó việc chăm sóc mục vụ giáo xứ cách toàn đới có thể tỏ ra hữu ích trong việc giải quyết những khó khăn nảy sinh trong các giáo phận, nơi đó việc suy giảm số linh mục bó buộc các ngài phải phân phối thời giờ cho nhiều hoạt động thừa tác. Nó cũng tỏ ra là một cách thế hữu ích để cổ võ tinh thần đồng trách nhiệm giữa các linh mục và nhất là cổ võ các linh mục tập sống chung, vốn luôn luôn được khuyến khích.[75]

      Tuy nhiên, điều cần được xem xét cách thận trọng là việc chăm sóc mục vụ cách toàn đới, mà chỉ có thể giao phó cho các linh mục mà thôi, có thể làm phát sinh một số khó khăn. Người giáo dân tự nhiên gắn bó với linh mục quản xứ của mình. Việc luân phiên liên tục giữa các linh mục có thể gây bối rối và hiểu lầm trong giáo xứ. Giá trị lớn lao của tư cách người cha thiêng liêng của linh mục quản xứ quả hiển nhiên. Vai trò “người cha gia đình” (paterfamilias) do bí tích mà linh mục quản xứ đảm nhận và những ràng buộc tất nhiên của nó, quả là hữu hiệu về phương diện mục vụ.

      Trong những trường hợp nhu cầu mục vụ đòi hỏi như vậy, Giám mục giáo phận có thể tạm thời giao phó việc chăm sóc mục vụ trong nhiều giáo xứ cho một Linh mục.[76]

      Trong những nơi mà hoàn cảnh đòi buộc, và như là giải pháp tạm thời,[77] một giáo xứ có thể được uỷ thác cho một giám quản.[78] Tuy nhiên, ta phải nhắc lại rằng chức vụ linh mục quản xứ, thiết yếu có tính mục vụ, đòi hỏi tính chất toàn vẹn và ổn định.[79] Linh mục quản xứ phải là hình tượng cho sự hiện diện của Đức Kitô lịch sử. Những đòi hỏi của sự đồng dạng với Đức Kitô nhấn mạnh tầm quan trọng của việc uỷ thác này.

20. Sứ mạng của người mục tử trong một giáo xứ, bao gồm toàn bộ việc chăm sóc các linh hồn, tất nhiên cần đến việc thi hành thánh chức Linh mục.[80] Vì thế, ngoài điều kiện hiệp thông với Giáo Hội,[81] giáo luật minh nhiên quy định chỉ một người nam đã được được thụ phong chức thánh mới có thể được bổ nhiệm cách hợp pháp vào chức vụ Linh mục quản xứ.[82]

      “Về bổn phận của linh mục quản xứ là công bố Lời Chúa và giảng dạy giáo thuyết công giáo đích thực, Giáo Luật số 528 minh nhiên đề cập đến giảng lễ và dạy giáo lý, các sáng kiến nhằm cổ võ sống tinh thần Tin Mừng trong mọi phạm vi của cuộc sống, giáo dục công giáo cho thiếu niên và người trẻ, cũng như những nỗ lực liên hệ đến việc hợp tác đúng dắn của giáo dân, ngõ hầu sứ điệp Tin Mừng đến được với những người lơ là thực hành đức tin và những người không tuyên xưng đức tin chân thật nữa,[83] để họ có thể hoán cải nhờ ân sủng của Thiên Chúa. Cố nhiên, linh mục quản xứ không buộc phải đích thân chu toàn tất cả những bổn phận này. Đúng hơn, ngài có bổn phận lo liệu sao cho những bổn phận đó được hoàn thành trong giáo xứ một cách thích đáng và phù hợp với giáo thuyết và kỷ luật của Giáo Hội. Những điều đó được thực hiện, khi hoàn cảnh cho phép và lệ thuộc trách nhiệm cá nhân của ngài. Một vài bổn phận riêng của linh mục quản xứ phải luôn luôn được thi hành chỉ bởi một tác viên chức thánh, như trong trường hợp giảng trong Thánh Lễ.[84] Cho dù ngài có thể thua kém người giáo dân không có chức thánh về khả năng hùng biện, song điều đó không loại trừ sự kiện là do bởi bí tích, ngài đại diện Đức Kitô, Thủ Lãnh và Mục Tử và hiệu năng của lời giảng của ngài phát sinh từ thực tại ấy”[85]. Các chức năng khác của linh mục quản xứ, chẳng hạn như dạy giáo lý, có thể được thường xuyên chu toàn bởi người giáo dân đã được đào tạo cách thích đáng về phương diện giáo thuyết và sống trọn vẹn đời sống kitô-hữu. Trong những trường hợp đó, linh mục quản xứ bị đòi buộc phải duy trì những tiếp xúc cá nhân với những người ấy. Chân phước Gio-an XXIII đã viết : “điều quan trọng nhất là linh mục phải luôn luôn trung thành với nhiệm vụ giảng dạy. Về mặt này, quả là hữu ích khi nói và nhấn mạnh rằng – theo lời thánh Piô X – các linh mục bị ràng buộc cách chặt chẽ hơn bất cứ nhiệm vụ nào khác, nghiêm khắc hơn bất cứ bổn phận nào khác”[86].

      Như đã rõ, do bởi đức ái mục tử đích thật, linh mục quản xứ không chỉ buộc phải khuyến khích tất cả các cộng tác viên, nhưng còn phải quan tâm đến họ. Trong một vài quốc gia nơi đó có những tín hữu thuộc về những nhóm ngôn ngữ khác nhau, nơi đó chưa có thiết lập những giáo xứ đối nhân [87] hay chưa có những thu xếp thoả đáng cho họ, linh mục quản xứ quản trị địa hạt đó là linh mục quản xứ cho những thành viên tín hữu đó.[88] Ngài có bổn phận đáp ứng những nhu cầu riêng biệt của họ, nhất là trong những vấn đề liên quan đến những nhạy cảm văn hoá đặc biệt của họ.

21. Liên quan đến những phương tiện thánh hoá thông thường, giáo luật số 528 quy định rằng linh mục quản xứ phải đặc biệt quan tâm lo lắng để bí tích Thánh Thể trở nên trung tâm của cộng đoàn giáo xứ và các tín hữu đạt đến sự viên mãn của đời sống kitô-hữu bằng cách tham dự cách ý thức và tích cực vào Phụng Vụ thánh, bằng cách cử hành các bí tích, bằng cách thực hành việc cầu nguyện và làm các việc lành phúc đức.

      Đáng chú ý là Giáo luật đề cập đặc biệt đến việc thường xuyên rước lễ và lãnh nhận bí tích Hoà Giải. Điều này ngụ ý rằng linh mục quản xứ, khi xếp đặt giờ lễ và giải tội trong giáo xứ của mình, phải tính đến những thời gian thích hợp cho phần đông các tín hữu, đồng thời phải lưu ý đến việc tạo điều kiện thuận lợi cho những người gặp khó khăn trong việc tham dự các cử hành bí tích. Linh mục quản xứ phải đặc biệt quan tâm đến việc xưng tội cá nhân, hiểu theo tinh thần và hình thức được Hội Thánh thiết lập.[89] Ngài phải nhớ rằng việc xưng tội phải đi trước việc rước Mình Thánh Chúa.[90] Hơn nữa, vì những lý do mục vụ và để tạo thuận lợi cho các tín hữu, các tín hữu cũng có thể xưng tội đang khi cử hành Thánh lễ.[91]

      Cần phải quan tâm bảo đảm việc “tôn trọng những nhạy cảm của hối nhân liên quan đến cách người ấy muốn xưng tội, hoặc diện đối diện, hoặc sau một chấn song”[92]. Vì những lý do mục vụ, vị giải tội cũng phải ưa thích dùng một toà giải tội có chấn song.[93]

      Thói quen viếng Thánh Thể cũng phải được hết sức cổ võ. Nhằm mục đích ấy, Nhà thờ phải mở rộng cửa càng lâu càng tốt, và giờ mở cửa cố định phải được xác định. Nhiều linh mục quản xứ cổ võ việc thực hành đáng ca ngợi là chầu Mình Thánh Chúa cách long trọng và có thể nghiệm thấy những hoa quả trên sức sống của giáo xứ.

      Mình Thánh Chúa được cất giữ với tâm tình yêu mến trong một nhà tạm vốn là “trái tim thiêng liêng của mọi cộng đoàn tu sĩ và cộng đoàn giáo xứ”[94]. “Không có việc thờ phượng Bí tích Thánh Thể, như thể với một trái tim đang đập, giáo xứ trở nên khô cằn”[95]. “Nếu anh em muốn các tín hữu cầu nguyện cách thiết tha và sốt sắng – như Đức Piô XII đã nhắc nhở hàng giáo sĩ Rôma – anh em hãy nêu gương cho họ bằng cách cầu nguyện trước mặt họ trong nhà thờ của anh em. Một linh mục quỳ gối trước nhà tạm, trong một tư thế riêng và chìm sâu trong suy niệm, là một gương sáng xây dựng dân chúng, một lời nhắc nhở và mời gọi thi đua cầu nguyện”[96].

22. Giáo luật điều 529 thảo ra những nhiệm vụ chính mà chức vụ mục tử của linh mục quản xứ đòi hỏi phải chu toàn và vạch ra những đặc tính thừa tác được chờ đợi nơi một linh mục quản xứ. Trong tư cách là linh mục dành riêng cho giáo xứ, ngài phải làm mọi nỗ lực để tìm hiểu các tín hữu đã được giao cho ngài chăm sóc và tránh mọi hình thức quan liêu. Một linh mục quản xứ không phải là một quan chức chu toàn một vai trò hoặc cung cấp sự phục vụ cho những ai yêu cầu họ. Đúng hơn, ngài chu toàn trọn vẹn tác vụ như một con người của Thiên Chúa, thăm hỏi các tín hữu, thăm viếng gia đình họ, đáp ứng nhu cầu và chia sẻ niềm vui của họ. Ngài khôn ngoan sửa dạy, chăm sóc người già, kẻ yếu nhược, người bị bỏ rơi, người đau ốm và người hấp hối. Ngài hiến thân chăm sóc cách đặc biệt người nghèo đói và đau khổ. Ngài nỗ lực hoán cải người tội lỗi và kẻ lầm đường lạc lối. Ngài khuyến khích họ chu toàn nhiệm vụ của bậc sống mình và cổ võ đời sống kitô-hữu trong các gia đình.[97]

      Cổ võ những việc bác ái tinh thần và vật chất vẫn luôn là một ưu tiên mục vụ và một dấu chỉ cho sức sống của mọi cộng đoàn kitô-hữu.

      Một nhiệm vụ quan trọng khác được giao phó cho linh mục quản xứ là cổ võ vai trò riêng của giáo dân trong sứ vụ Hội Thánh, đó là làm cho trật tự các thực tại trần thế thấm nhuần tinh thần Phúc âm và trở nên hoàn hảo, và như thế họ làm chứng cho Đức Kitô cách đặc biệt trong việc thi hành các công việc trần thế.[98]

      Linh mục quản xứ có bổn phận cộng tác với Giám mục của mình và với các linh mục khác trong giáo phận nhằm để các tín hữu đang tham gia trong cộng đoàn giáo xứ ý thức rằng họ cũng là thành viên của giáo phận và của Hội Thánh phổ quát.[99] Tính chuyển động ngày càng gia tăng của xã hội ngày nay càng đòi buộc giáo xứ đừng trở nên khép kín. Đúng hơn, phải tiếp đón tín hữu của các giáo xứ khác và tránh ngăn cản giáo dân của mình tham gia sinh hoạt của các giáo xứ, nhà xứ hoặc các nhà nguyện khác.

      Linh mục quản xứ bị đòi buộc cách đặc biệt phải nhiệt tâm cổ võ, nâng đỡ và theo dõi các ơn gọi tiến tới chức linh mục.[100] Nêu gương sáng, qua việc tỏ lộ rõ ràng căn tính linh mục,[101] kiên trì sống chức vụ linh mục, cùng với việc sốt sắng xưng tội, hướng dẫn thiêng liêng cho các người trẻ, và dạy về tác vụ thánh là những điều cần thiết cho việc cổ võ các ơn gọi linh mục. Gieo vãi các hạt giống của cuộc sống hoàn toàn hiến thánh cho Thiên Chúa và cổ võ lòng yêu mến đức khiết tịnh luôn là một nhiệm vụ đặc biệt của tác vụ linh mục.[102]

      Giáo Luật quy các nhiệm vụ sau đây cách đặc biệt cho các linh mục quản xứ [103] : ban bí tích Thánh Tẩy và Thêm Sức cho những ai đang nguy tử chiếu theo điều 883, §3 [104] ; trao Của Ăn Đàng và bí tích Xức Dầu Bệnh Nhân, giữ nguyên quy định của điều 1003, §§ 2 và 3 [105] ; ban Phép Lành Toà Thánh ; chủ trì và chúc hôn ; cử hành lễ nghi an táng ; làm phép giếng rửa tội trong mùa Phục Sinh ; dẫn đầu các cuộc kiệu và ban phép lành trọng thể bên ngoài nhà thờ ; long trọng cử hành Thánh Lễ vào ngày Chúa nhật và các ngày lễ buộc.

      Còn hơn là những nhiệm vụ hoặc quyền lợi được trao riêng cho linh mục quản xứ, những chức năng này được giao phó cho ngài cách đặc biệt do bởi trách nhiệm riêng là linh mục quản xứ. Vì thế các ngài phải trực tiếp chu toàn, hay ít là quan tâm theo dõi suốt quá trình thực hiện.

23. Trong những miền thiếu hụt các linh mục, điều có thể xảy ra, như đã xảy ra ở một vài nơi, là Giám mục, sau khi xem xét cẩn thận, có thể cho một người hoặc nhiều người chưa có ấn tín linh mục cộng tác “tạm thời” (ad tempus) trong việc thi hành chăm sóc mục vụ của một giáo xứ, theo cách được giáo luật chấp thuận.[106] Tuy nhiên trong những trường hợp đó, những tính chất nguyên thủy của sự khác biệt và bổ túc của các đặc sủng và các chức năng của các thừa tác viên được thụ phong và của tín hữu giáo dân phải được cẩn thận tuân giữ và tôn trọng bởi vì chúng là đặc tính riêng của Hội Thánh và đó là ý muốn của Thiên Chúa về việc tổ chức Hội Thánh. Những hoàn cảnh bất thường hiện hữu đủ biện minh cho sự cộng tác như thế. Tuy nhiên, sự cộng tác như thế không thể vượt quá cách hợp pháp những giới hạn của tính cách riêng biệt thuộc thừa tác vụ thánh và bậc sống giáo dân.

      Nhằm làm sáng tỏ thuật ngữ có thể gây nhầm lẫn, Giáo Hội dành riêng một vài từ ngữ hàm ý vai trò “làm đầu” (rôle de “tête”) cho các linh mục – như “chủ chăn”, “tuyên úy”, “linh giám”, “điều phối viên” và các từ tương đương khác.[107]

      Trong các danh xưng nói về quyền lợi và nhiệm vụ của tín hữu giáo dân, Giáo Luật phân biệt các thẩm quyền hoặc các chức năng, thuộc về mọi tín hữu giáo dân, do quyền lợi hoặc nhiệm vụ riêng, và những gì phát xuất từ việc cộng tác với thừa tác vụ mục vụ. Những điểm sau là một capacitas hoặc habilitas mà việc thực thi tùy thuộc vào việc được các chủ chăn hợp pháp giao phó.[108] Vì thế, chúng không hề có nghĩa là các quyền.

24. Những điều nói trên đã được Đức Gioan-Phaolô II làm sáng tỏ trong Tông huấn hậu-Thượng-hội-đồng Christifideles Laici : “Sứ vụ cứu độ của Giáo Hội trong thế giới được thực hiện không những nhờ các thừa tác viên đã lãnh bí tích Truyền Chức Thánh, nhưng còn nhờ tất cả mọi giáo dân : thực vậy, nhờ đã được chịu phép thánh tẩy và nhờ ơn gọi chuyên biệt của mình, các giáo dân, mỗi người theo mức độ của mình, tham dự vào chức vụ tư tế, ngôn sứ và vương giả của Đức Kitô. Vì thế, các vị chủ chăn có bổn phận phải nhìn nhận và cổ võ các tác vụ, chức vụ và nhiệm vụ của giáo dân, những chức vụ và nhiệm vụ này đặt nền tảng trên bí tích Thánh Tẩy và Thêm Sức, hơn nữa, đối với phần đông trong số họ, còn thêm bí tích Hôn Phối. Ngoài ra, khi nhu cầu và lợi ích của Giáo Hội đòi hỏi, các vị chủ chăn có thể, chiếu theo quy tắc của luật chung, mà trao phó cho giáo dân một số chức vụ và nhiệm vụ, dù vẫn gắn liền với tác vụ riêng của vị chủ chăn, nhưng không buộc có ấn tích của bí tích Truyền Chức Thánh” (s. 23). Cũng tài liệu này nhắc lại những nguyên tắc cơ bản quy định việc cộng tác này và đưa ra những giới hạn cho nó : “việc thi hành một nhiệm vụ như thế không biến giáo dân thành một chủ chăn : thực ra, yếu tố cấu tạo tác vụ không phải do chính hoạt động nhưng là sự truyền chức thánh bí tích. Chỉ có bí tích Truyền Chức Thánh mới ban cho thừa tác viên được thụ phong được quyền tham dự đặc biệt vào chức vụ của Đức Kitô Thủ Lãnh và Mục Tử, cũng như vào chức tư tế vĩnh cửu của Ngài. Nhiệm vụ được thi hành với tư cách thay thế có được sự hợp pháp cách chính danh và trực tiếp khi được vị chủ chăn ủy nhiệm chính thức và, khi thi hành nhiệm vụ này cách cụ thể, người thay thế phải tuân theo sự điều khiển của quyền bính Giáo Hội” (s. 23)[109].

      Trong những trường hợp mà việc cộng tác vào tác vụ thánh đã được giao phó cho tín hữu không được thụ phong, một linh mục cần phải được chỉ định trong tư cách người điều phối và được ban cho các quyền hạn và nhiệm vụ của một linh mục quản xứ, để chỉ đạo trực tiếp việc chăm sóc mục vụ.[110] Đã rõ, chức vụ của linh mục quản xứ được thi hành bởi một linh mục đã được chỉ định để chỉ đạo hoạt động mục vụ - chẳng hạn một người được trao cho các năng quyền của một quản xứ - và thi hành các chức năng dành riêng cho linh mục, khác biệt hoàn toàn với sự cộng tác bổ trợ của người tín hữu không được thụ phong trong các công việc khác của chức vụ.[111] Một nam tu sĩ không có chức thánh, một nữ tu, một người giáo dân có thể thi hành các công việc quản trị, cũng như cổ võ việc huấn luyện về mặt thiêng liêng. Tuy nhiên, họ không thể thi hành các chức năng hoàn toàn thuộc về việc chăm sóc các linh hồn bởi vì những việc này đòi hỏi ấn tín linh mục. Tuy vậy, họ có thể hỗ trợ các thừa tác viên chức thánh trong các việc phụng vụ phù hợp với địa vị giáo luật của họ và được liệt kê trong giáo luật điều 230, §3 : “thi hành thừa tác vụ Lời Chúa, chủ toạ các buổi kinh phụng vụ, ban bí tích Thánh tẩy và cho rước lễ, theo những quy định của luật”[112]. Ngay cả các phó tế, dù không bị coi ngang hàng với các tín hữu khác, cũng không thể thi hành việc chăm sóc các linh hồn trọn vẹn.[113]

      Quả là luôn thích đáng việc các Giám mục giáo phận thẩm tra mọi trường hợp cần thiết với sự thận trọng tối đa và tiên liệu mục vụ. Ngài phải thiết lập tiêu chuẩn để xác định tư cách thích đáng của những người được mời gọi cộng tác trong hình thức này và xác định rõ ràng các chức năng được giao phó cho mỗi người trong số họ trong sự phù hợp với các hoàn cảnh của mỗi giáo xứ liên hệ. Khi không có sự giao phó cụ thể và rõ ràng các công việc, linh mục điều phối sẽ xác định trong vấn đề này. Tính chất bất thường và tạm thời của những thu xếp như thế đòi hỏi đẩy mạnh một ý thức về sự cần thiết tuyệt đối các ơn gọi linh mục trong các cộng đoàn giáo xứ này. Mầm mống của các ơn gọi ấy phải được động viên trong họ, lời cầu nguyện cá nhân và của cộng đoàn cho các ơn gọi phải được cổ võ và cũng như lời cầu nguyện cho việc thánh hoá các linh mục.

      Nhằm bảo đảm cho các ơn gọi linh mục có thể trổ hoa cách dễ dàng trong cộng đoàn, điều quan trọng là cộng đoàn ấy phải thấm nhuần một tình yêu đích thực đối với Hội Thánh. Một lòng kính trọng sâu xa và nhiệt tình mạnh mẽ đối với Hội Thánh – Hiền Thê Đức Kitô, là người cộng tác với Chúa Thánh Thần trong công trình cứu độ , phải luôn được cổ võ và khuyến khích.

      Vì thế, cần phải làm mọi nỗ lực để giữ gìn trong tâm hồn của các tín hữu niềm vui và niềm tự hào thánh thiện phát xuất từ tư cách là thành viên của Hội Thánh, điều khá hiển nhiên trong thư thứ nhất của thánh Phêrô và trong sách Khải Huyền (x. 1Pr 3,14 ; Kh 2,13.17 ; 7,9 ; 14,1tt ; 19,6 ; 22,14). Không có niềm vui và niềm tự hào này, ở một bình diện tâm lý, thì khó mà giữ gìn và phát triển đời sống đức tin. Không phải là điều gì đáng ngạc nhiên, ít ra ở bình diện tâm lý, khi trong một vài bối cảnh nào đó các ơn gọi linh mục không thể nảy mầm hoặc vươn tới mức trưởng thành.

      “Quả là một sai lầm tai hại khi tuyệt vọng trong lúc đối diện với những khó khăn hiện nay và chấp thuận thái độ muốn chuẩn bị một Hội Thánh tương lai mà hầu như không có linh mục. Những biện pháp đưa ra theo ánh sáng đó nhằm ngăn chặn sự thiếu hụt các linh mục hiện nay, tuy ta không chống lại những thiện chí thúc đẩy họ, nhưng trong thực tế sẽ gây thiệt hại trầm trọng cho cộng đoàn Giáo Hội”[114].

25. “Nơi nào các phó tế vĩnh viễn tham gia vào việc chăm sóc mục vụ của các giáo xứ mà, bởi thiếu hụt các linh mục, không có được phúc lợi trực tiếp từ một linh mục quản xứ, họ phải được ưu tiên hơn các tín hữu không được thụ phong”[115]. Do bởi chức thánh, phó tế “là thầy dạy bao lâu thầy giảng dạy và làm chứng cho lời của Thiên Chúa ; thầy thánh hoá khi ban bí tích Thánh Tẩy, bí tích Thánh Thể và các á bí tích, thầy tham dự Thánh Lễ trong tư cách một “thừa tác viên của Máu Thánh”, cất giữ và ban phát Mình Thánh ; thầy là người hướng dẫn bao lâu thầy linh hoạt cộng đoàn hoặc một khu vực của đời sống Giáo Hội”[116].

      Các phó tế là ứng viên của chức linh mục phải được đặc biệt tiếp đón khi khi họ phục vụ trong một giáo xứ. Trong sự thoả thuận với các vị lãnh đạo chủng viện, linh mục quản xứ phải là một người hướng dẫn và một vị thầy, ý thức rằng một sự tự hiến chân thành và trọn vẹn cho Đức Kitô về phần của một ứng viên chức linh mục, có thể tùy thuộc vào chứng tá gắn bó của mình vào căn tính linh mục, và vào lòng quảng đại có tính thừa sai khi ngài phục vụ và yêu mến giáo xứ.

26. Giống như hội đồng mục vụ của giáo phận,[117] những tiên liệu của luật về việc thiết lập một hội đồng mục vụ ở bình diện giáo xứ, là phải được Giám mục xem xét là thuận lợi, sau khi hội ý với hội đồng linh mục.[118] Nhiệm vụ cơ bản của một hội đồng đó là để phục vụ, ở bình diện tổ chức, việc cộng tác có trật tự của các tín hữu trong việc triển khai hoạt động mục vụ vốn dành riêng cho các linh mục.[119] Vì thế hội đồng mục vụ là một cơ quan tư vấn trong đó người tín hữu, khi diễn tả tinh thần trách nhiệm phát xuất từ bí tích Thánh Tẩy, có thể giúp đỡ linh mục quản xứ, là người đứng đầu hội đồng ấy,[120] qua việc góp ý về những vấn đề mục vu.[121] “Tín hữu giáo dân phải càng ngày càng xác tín hơn về ý nghĩa đặc biệt của sự dấn thân của họ trong việc tông đồ của giáo xứ” ; vì thế cần có một “sự quý mến đầy xác tín, bao quát và dứt khoát hơn đối với hội đồng mục vụ giáo xứ[122]. Đây là những lý do rõ ràng về điều đó : “Trong hoàn cảnh hiện nay, người tín hữu giáo dân có khả năng làm nhiều chuyện và, vì thế, phải hết sức làm tăng trưởng một sự hiệp thông Giáo Hội đích thực trong các giáo xứ của họ, nhằm thức tỉnh lại lòng nhiệt thành thừa sai hướng về những người không tin và những tín hữu đã rời bỏ đức tin hoặc không gắn bó với đời sống kitô-hữu”[123].

      “Tất cả các tín hữu có quyền, đôi khi có cả nhiệm vụ nữa, là góp ý kiến về những vấn đề liên quan đến thiện hảo của Hội Thánh. Việc này có thể thực hiện qua những cơ chế đã được lập ra vì mục đích đó : [...] Hội đồng mục vụ có thể là một phương tiện hữu hiệu nhất ... để đề nghị và gợi ý về những sáng kiến liên quan đến truyền giáo, huấn giáo và tông đồ [...] cũng như để cổ võ việc huấn luyện giáo thuyết và đời sống bí tích của các tín hữu ; để hỗ trợ công tác mục vụ của các linh mục trong các hoàn cảnh xã hội và miền đất khác nhau ; để tìm cách gây ý thức quần chúng tốt hơn v.v…”[124]. Hội đồng mục vụ phải được nhìn trong mối liên hệ với bối cảnh tương quan phục vụ lẫn nhau giữa một linh mục quản xứ và tín hữu của ngài. Vì thế quả là vô nghĩa khi xem hội đồng mục vụ như một cơ quan thay thế linh mục quản xứ trong việc điều hành giáo xứ, hoặc như một cơ quan mà, trên cơ sở của đa số phiếu, bó buộc rõ ràng linh mục quản xứ trong việc hướng dẫn giáo xứ.

      Theo các quy tắc của luật về sự quản trị đúng đắn và trung thực, các cơ quan được lập ra để phụ trách những vấn đề kinh tế trong một giáo xứ, không thể áp lực trên vai trò mục vụ của linh mục quản xứ, vì ngài là vị đại diện và quản trị hợp pháp của các thiện ích của giáo xứ.[125]

4. Các thách đố tích cực hiện nay

      đối với các thừa tác vụ mục vụ trong giáo xứ

27. Bởi vì, vào lúc khởi đầu thiên niên kỷ mới, toàn thể Hội Thánh đã được mời gọi nỗ lực “canh tân lại đời sống kitô-hữu”, đặt nền tảng trên ý thức về sự hiện diện của Đức Kitô sống lại giữa chúng ta,[126] chúng ta phải nhìn thấy những hệ quả của lời mời gọi ấy trên việc chăm sóc mục vụ trong các giáo xứ.

      Việc này không đòi hỏi sáng chế những chương trình mục vụ mới, bởi vì chương trình kitô-giáo, xoay quanh Đức Kitô, luôn là một chương trình hiểu biết, yêu mến và noi gương Người, sống đời sống của Thiên Chúa Ba Ngôi trong Người, và với Người biến đổi lịch sử và đem đến chỗ thành toàn : “đó là một chương trình không thay đổi theo những biến chuyển của thời gian và văn hoá, dù nó có quan tâm đến thời gian và văn hoá nhằm đối thoại đúng đắn và hiệp thông cho có hiệu quả”[127].

      Trong chân trời mục vụ lớn lao và đòi hỏi của ngày hôm nay : “chính trong các Giáo Hội địa phương mà các nét cụ thể của một chương trình mục vụ chi tiết có thể được xác định – mục tiêu và phương pháp, đào tạo và sự phong phú của người dân có liên quan, tìm kiếm những tài nguyên cần thiết – cốt để giúp cho việc loan báo về Đức Kitô tới với dân chúng, khuôn đúc cộng đoàn, và ảnh hưởng sâu xa và sắc bén trong việc đem những giá trị Tin Mừng thấp nhập vào trong xã hội và văn hoá”[128]. Đó là chân trời của “một công việc hứng thú là làm sinh động lại công tác mục vụ – một công việc liên quan đến tất cả chúng ta.[129]

      Thách đố mục vụ quan trọng và cơ bản nhất mà các linh mục phải đối diện trong giáo xứ đó là đem lại cho các tín hữu một đời sống thiêng liêng vững chắc đặt nền tảng trên các nguyên tắc của giáo thuyết kitô-giáo như đã được các thánh áp dụng vào đời sống và dạy dỗ. Chương trình mục vụ phải đặt ưu tiên cho khía cạnh cốt yếu này của mọi hành động mục vụ. Ngày hôm nay, hơn bao giờ hết, cầu nguyện, đời sống bí tích, suy niệm, thinh lặng thờ lạy, đàm thoại thân mật với Chúa, thực thi hằng ngày các nhân đức làm chúng ta nên giống Người hơn, phải được tái khám phá, bởi vì những điều đó đem lại kết quả hơn bất cứ thảo luận nào, và cuối cùng là điều kiện cần thiết cho mọi thảo luận có hiệu năng.

      Tông thư Novo Millennio inuente đặt ra bảy ưu tiên mục vụ : sống thánh thiện, cầu nguyện, cử hành Thánh Lễ ngày Chúa nhật, bí tích Hoà Giải, chỗ đứng hàng đầu của ân sủng, và lắng nghe và loan báo Lời.[130] Những ưu tiên này đã trở nên hết sức rõ ràng từ kinh nghiệm Đại Năm Thánh. Chúng trao ban không những cho các linh mục quản xứ nhưng còn cho tất cả các linh mục dấn thân trong công việc cura animarum, nội dung và chất liệu cho những vấn đề mục vụ mà các ngài phải suy niệm cách thấu đáo. Chúng cũng cung cấp một tổng hợp về tinh thần mà việc canh tân công tác mục vụ phải tiếp cận.

      Tông thư Novo millennio ineunte cũng nhấn mạnh đến “một lãnh vực quan trọng khác mà Hội Thánh phổ quát và các Giáo Hội địa phương phải dấn thân và đặt ra kế hoạch : lãnh vực hiệp thông (koinonia), lãnh vực này biểu thị và mạc khải chính bản chất của mầu nhiệm Hội Thánh” (s. 42) và bao hàm việc cổ võ một linh đạo hiệp thông. “Làm cho Hội Thánh trở thành ngôi nhà và trường học của hiệp thông : đó là thách đố lớn nhất mà chúng ta đối diện trong thiên niên kỷ mới khởi đầu, nếu chúng ta muốn trung thành với kế hoạch của Thiên Chúa và đáp trả những khao thát thâm sâu nhất của thế giới” (s. 43). Hơn nữa, văn kiện cũng xác định rõ rằng : “Trước khi đưa ra những kế hoạch thực hành, chúng ta cần cổ võ một linh đạo hiệp thông, bằng cách biến nó thành nguyên tác hướng dẫn việc giáo dục nơi nào những cá nhân và kitô-hữu được đào tạo, nơi nào các thừa tác viên của bàn thờ, các người thánh hiến, và những người làm mục vụ được rèn luyện, nơi nào các gia đình và các cộng đoàn đang được xây dựng” (s. 43).

      Một công cuộc cổ võ mục vụ đích thực để các cộng đoàn giáo xứ chúng ta sống thánh thiện bao hàm một khoa sư phạm xác thực về cầu nguyện, một huấn giáo được canh tân, có sức thuyết phục và hữu hiệu về tầm quan trọng của ngày Chúa Nhật và việc cử hành Thánh Lễ hằng ngày, chầu Mình Thánh Chúa cá nhân và cộng đoàn, thực hành bí tích Hòa Giải thường xuyên và cá nhân, hướng dẫn thiêng liêng, sùng kính Đức Mẹ, noi gương các thánh ; cũng như một sự dấn thân đổi mới và tông đồ để chu toàn hằng ngày các trách nhiệm của cộng đoàn và của cá nhân, chăm sóc mục vụ các gia đình, và kiên trì dấn thân trong lãnh vực chính trị và xã hội.

      Việc canh tân mục vụ này sẽ không có được trừ phi được soi sáng, nâng đỡ và linh hoạt bởi những linh mục đã thấm nhuần cùng một tinh thần. “Các tín hữu nhận được sự động viên lớn lao từ gương sáng và chứng tá của linh mục […] Họ có thể tái khám phá giáo xứ như là một “trường học” cầu nguyện, trong đó “việc gặp gỡ với Đức Giêsu-Kitô không chỉ được diễn tả qua việc cầu xin trợ giúp nhưng cũng qua những hành vi tạ ơn, ca ngợi, thờ phượng, chiêm ngưỡng, lắng nghe trong tâm tình cầu nguyện, nhiệt thành yêu mến, cho đến độ yêu mến Người cách đích thực”[131]. “Thật là tai hại khi ta quên rằng “không có Đức Kitô chúng ta không thể làm được sự gì” (x. Ga 15,5). Chính lời cầu nguyện làm chúng ta bám chặt vào sự thật này. Nó thường xuyên nhắc nhở chúng ta đến địa vị ưu tiên của Đức Kitô và, trong sự kết hiệp với Người, địa vị ưu tiên của đời sống nội tâm và sự thánh thiện. Khi nguyên tắc này không được tôn trọng […] không có gì lạ khi các chương trình mục vụ chẳng đi đến đâu, thoát khỏi tay chúng ta, và còn gây ra một tâm trạng nản chí vì thất bại ? Lúc ấy, chúng ta chia sẻ kinh nghiệm của các môn đệ trong tường thuật về mẻ cá kỳ diệu : “Chúng tôi đã vất vả suốt đêm mà không bắt được gì” (Lc 5,5). Đó là thời gian của đức tin, của lời cầu nguyện, của cuộc đàm thoại với Thiên Chúa, nhằm mở lòng chúng ta cho dòng nước của ân sủng và để cho lời của Đức Kitô đi qua chúng ta với tất cả sức mạnh của nó : Duc in altum!.[132]

      Hiếm mà có được một người giáo dân tốt, nếu không có các linh mục thật sự thánh thiện ; không có các ngài, mọi sự đều sững lại. Cũng vậy, không thể có một sự trổ hoa các ơn gọi nếu không có những gia đình kitô-hữu là Giáo Hội tại gia. Chính vì thế quả là sai lầm khi nhấn mạnh đến giáo dân mà lại coi nhẹ thừa tác vụ thánh. Sai lầm đó dẫn đến việc làm tổn hại người giáo dân và làm cho toàn thể sứ vụ của Hội Thánh không còn sinh hoa kết trái.

28. Việc tái khám phá lại trong các cộng đoàn chúng ta lời mời gọi phổ quát sống thánh thiện phải là nền tảng cho tất cả các chương trình mục vụ và định hướng cho việc lập kế hoạch. Linh hồn của mọi công việc tông đồ tùy thuộc vào đời sống thân mật với Thiên Chúa, đặt tình yêu của Đức Kitô lên trên hết, tìm kiếm vinh quang lớn hơn cho Thiên Chúa trong tất cả mọi sự, sống sự năng động quy ki-tô của lòng sùng kính Đức Maria – “totus tuus”. Việc đào tạo đời sống thánh thiện đặt “chương trình mục vụ dưới dấu chỉ của sự thánh thiện”[133] và cấu thành thách đố mục vụ ưu tiên của thời đại ngày hôm nay. Trong Hội Thánh, tất cả mọi tín hữu đều được mời gọi nên thánh.

      Dạy cho mọi người, và không mệt mỏi nhắc nhở rằng, thánh thiện là mục tiêu của đời sống kitô-hữu, đó là điểm nòng cốt của khoa sư phạm nên thánh. “Tất cả mọi người trong Hội Thánh, dù họ thuộc về cơ cấu phẩm trật hoặc được phẩm trật chăm sóc, đều được mời gọi nên thánh, theo lời dạy của thánh Tông đồ : “Vì đó là ý muốn của Thiên Chúa, việc thánh hoá anh em” (1Tx 4,3 ; x. Ep 1,3)”[134]. Đó là yếu tố đầu tiên cần được khai triển theo phương pháp sư phạm trong huấn giáo của Giáo Hội, để ý thức về sự cần thiết mỗi người phải nên thánh trở thành một xác tín chung.

      Loan báo tính phổ quát của lời mời gọi nên thánh đòi buộc rằng, đời sống kitô-hữu phải được hiểu như là đi theo Đức Kitô, hoặc đồng hình đồng dạng với Đức Kitô. Sự đồng dạng này với Đức Kitô là chính bản chất của sự thánh hoá và là mục tiêu đặc biệt của toàn thể đời sống kitô-hữu. Nhằm thực hiện mục tiêu này, mọi kitô-hữu cần đến sự trợ giúp của Hội Thánh, bởi vì Hội Thánh đồng thời vừa là Mẹ vừa là Thầy. Sư phạm về việc nên thánh là một mục tiêu vừa lôi cuốn, vừa có tính cách thách thức đối với tất cả những ai đang lãnh trách nhiệm điều hành và huấn luyện trong Hội Thánh.

29. Một sự dấn thân nhiệt thành, có tính cách truyền giáo cho công cuộc phúc âm hoá là một ưu tiên có tầm quan trọng đặc biệt cho Hội Thánh và, do đó, cho việc chăm sóc mục vụ của giáo xứ.[135] “Dù ở trong những nước đã được phúc âm hoá nhiều thế kỷ trước đây, thực tại của một “xã hội kitô-giáo”, dù mang những yếu nhược luôn ấn dấu trên đời sống nhân loại, lượng giá chính mình cách minh nhiên dựa trên những giá trị Tin Mừng, thực tại ấy giờ đây đã biến mất. Ngày hôm nay chúng ta phải can đảm đối diện với một hoàn cảnh càng ngày càng trở nên đa dạng và đòi hỏi, trong bối cảnh của toàn cầu hoá và của sự pha trộn mới và dễ thay đổi của các dân tộc và các nền văn hoá”[136].

      Trong xã hội hiện nay, được đánh dấu bởi chủ nghĩa đa nguyên văn hoá, tôn giáo và sắc tộc, chủ nghĩa tương đối, lãnh đạm, thoả hiệp giả tạo (irenism), và chủ nghĩa hỗn hợp (syncretism), có vẻ là một số kitô-hữu đã trở nên quen thuộc với một hình thức của “kitô-giáo” thiếu vắng bất kỳ quy chiếu nào về Đức Kitô và Hội Thánh của Người. Trong những hoàn cảnh ấy, sứ mệnh mục vụ bị giảm thiểu vào những quan tâm xã hội trong một viễn tượng thuần túy nhân học, thường đặt nền tảng trên một lời mời gọi mơ hồ là chủ trương hoà bình, chủ nghĩa đại đồng (universalism) hoặc một sự quy chiếu mơ hồ về “các giá trị”.

      Phúc âm hoá thế giới hiện đại chỉ có thể xảy ra với việc tái khám phá căn tính cá nhân, xã hội và văn hoá của người kitô-hữu. Điều đó bao hàm, vượt trên tất cả mọi sự, việc tái khám phá Đức Giêsu-Kitô, Ngôi Lời nhập thể, và Đấng Cứu Độ duy nhất của nhân loại ![137] Xác tín căn bản này cởi trói cho sự dấn thân truyền giáo vốn phải là đặc tính riêng biệt của mọi linh mục, và qua ngài, của mọi giáo xứ hoặc cộng đoàn được giao phó cho ngài chăm sóc mục vụ. “Chúng ta tin rằng hoàn toàn không thể có được một phương pháp mục vụ mà có thể được áp dụng, hoặc có thể thích ứng với mọi hoàn cảnh ; trước chúng ta, điều này đã là hiển nhiên trong lời dạy của thánh Grêgôriô thành Nadian. Một phương pháp mục vụ duy nhất thì bị loại bỏ. Nhằm xây dựng mọi người trong đức ái, cần thay đổi các hình thái qua đó tâm hồn của người tín hữu có thể được đánh động, nhưng không thay đổi giáo thuyết. Vì thế, việc chăm sóc mục vụ đòi hỏi một thích nghi các hình thái nhưng loại trừ mọi thay đổi giáo thuyết”[138].

      Linh mục quản xứ phải luôn bảo đảm rằng các hiệp hội, phong trào hoặc nhóm khác nhau có trong giáo xứ sẽ góp phần riêng của mình vào nỗ lực truyền giáo của giáo xứ. “Một khía cạnh quan trọng khác của hiệp thông là cổ võ các hình thức của hiệp hội, hoặc những loại truyền thống hơn hoặc những phong trào Giáo Hội mới hơn, tiếp tục trao ban cho Hội Thánh một sự sinh động vốn là quà tặng của Thiên Chúa và “một mùa xuân đích thực của Thần Khí”. Các hiệp hội và phong trào trong Hội Thánh, cả ở bình diện hoàn vũ lẫn địa phương phải luôn hành động trong sự hoà hợp hoàn toàn với Hội Thánh và tuân theo chỉ dẫn của các Chủ chăn hợp pháp của họ”[139]. Mọi hình thức của xu hướng dành riêng hoặc co cụm vào những nhóm riêng biệt phải ngăn ngừa trong cơ cấu giáo xứ bởi vì đặc tính thừa sai dựa trên xác tín, mà phải được mọi người chia sẻ, rằng “Đức Giêsu-Kitô có một ý nghĩa và một giá trị cho nhân loại và cho lịch sử của nó, giá trị duy nhất và đôc nhất, riêng của một mình Người, độc quyền, phổ quát, và tuyệt đối. Đức Giêsu-Kitô là Ngôi Lời của Thiên Chúa làm người để cứu độ nhân loại”[140].

      Hội Thánh tin cậy vào sự trung thành hằng ngày của các linh mục trong tác vụ mục vụ khi họ chu toàn sứ vụ rất cần thiết trong các giáo xứ được giao phó cho các ngài chăm sóc.

      Đối với các linh mục quản xứ và các linh mục khác đang phục vụ trong các cộng đoàn khác nhau, chắc chắn là không thiếu những khó khăn về phương diện mục vụ, hoặc những kiệt quệ thiêng liêng và thể lý do quá tải hoặc thiếu sự quân bình mà cần đến thời gian để canh tân đời sống thiêng liêng và nghỉ ngơi phần xác. Cần phải nói rằng, thất vọng biết bao khi cơn gió trần tục hoá thường làm chết ngạt những hạt giống đã được gieo vãi với biết bao nỗ lực cao quý hằng ngày.

      Một nền văn hoá trần tục ở quy mô lớn tìm cách cô lập người linh mục trong những phạm trù quan niệm riêng của nó và tước khỏi người linh mục chiều kích thần giao - bí tích, là nguyên nhân gây ra hiện tượng này. Nhiều hình thức ngã lòng có thể xuất phát từ đó và dẫn đến sự cô lập, những hình thức suy nhược (depressive fatalism), và duy hoạt động (scattered activism). Tuy nhiên, điều đó không ngăn cản con số đông đảo các linh mục của Hội Thánh, nhờ được các giám mục quan tâm nâng đỡ, đối diện những khó khăn của tình thế lịch sử hiện tại cách tích cực, và đã thành công trong việc dấn thân quảng đại trong công tác mục vụ và sống trọn vẹn căn tính linh mục.

      Cũng có những nguy hiểm bên trong đối với thừa tác vụ linh mục ; thói quan liêu, chức quyền (functionalism), dân chủ hoá, lập kế hoạch có tính cách “quản trị” hơn là mục vụ. Đáng tiếc thay, trong một vài hoàn cảnh, các linh mục có thể bị các cơ cấu chôn vùi, chúng chế ngự các ngài và không phải luôn là cần thiết, hoặc chúng gây ra những hậu quả tiêu cực về phương diện tâm sinh lý có hại cho đời sống thiêng liêng và chính tác vụ.

      Giám mục có bổn phận phải hết sức cảnh giác trước những hoàn cảnh đó, bởi vì ngài là, trên tất cả mọi điều khác, một người cha đối với những cộng sự viên thân tín và quý báu nhất của ngài. Quả là cấp bách và cần thiết việc liên kết tất cả các sức mạnh của Giáo Hội để chống trả cách hữu hiệu những tấn công thường nhắm đến các linh mục và tác vụ của các ngài.

30. Vì những hoàn cảnh hiện tại của đời sống Hội Thánh, các đòi hỏi của công cuộc phúc âm hoá mới, và xét đến sự đáp trả mà các linh mục được lời mời gọi nêu lên, Thánh Bộ Giáo Sĩ trao tặng tài liệu này như một phương tiện nhằm khuyến khích và thúc đẩy tác vụ của các linh mục được giao phó việc chăm sóc mục vụ cho các linh hồn trong các giáo xứ. Quả thế, sự tiếp xúc cách trực tiếp nhất của Hội Thánh với dân chúng thường xảy ra trong bối cảnh của giáo xứ. Vì thế, tư tưởng và quan tâm của chúng tôi hướng về linh mục trong tư cách là linh mục quản xứ. Ngài tái diễn sự hiện diện của Đức Giêsu-Kitô trong tư cách là Đầu của Thân Thể mầu nhiệm, vị Mục tử nhân lành chăm nom từng thành viên một của đoàn chiên. Trong tài liệu này, chúng ta đã tìm cách nhấn mạnh mầu nhiệm và tính bí tích của tác vụ này.

      Trong ánh sáng giáo huấn của Công Đồng Vaticanô II và Tông huấn Pastores dabo vobis, tài liệu này phải được xem như một tiếp nối của Kim chỉ nam về Thừa tác vụ và Đời sống của các linh mục, Huấn thị Liên Bộ Ecclesiae de mysterio, và Thư luân lưu Linh mục và Thiên niên kỷ kitô-giáo thứ ba, Thầy dạy của Lời, Thừa tác viên của các Bí tích và Lãnh đạo của cộng đoàn.

      Chỉ có thể sống hằng ngày tác vụ bằng phương thế nên thánh cá nhân ; phương thế này phải luôn đặt nền tảng trên sức mạnh siêu nhiên của các bí tích Thánh Thể và Hoà Giải.

      “Bí tích Thánh Thể là tâm điểm mà mọi sự phát xuất và quay về. [...] Qua các thế kỷ, vô vàn các linh mục đã tìm thấy trong bí tích Thánh Thể niềm an ủi mà Đức Giê-su đã hứa ban vào buổi chiều Tiệc ly, bí quyết để vượt thắng nỗi cô đơn, sức mạnh để chịu đựng mọi đau khổ, lương thực để làm một khởi đầu mới sau mọi nản lòng, năng lực nội tâm để nâng đỡ quyết tâm sống trung thành”[141].

      Sự tiến triển trong đời sống thiêng liêng và trong việc huấn luyện thường xuyên [142] có thể được nâng đỡ rất nhiều nhờ tình huynh đệ giữa các linh mục, một tình huynh đệ không phải chỉ là có khả năng sống chung dưới một mái nhà, nhưng đòi hỏi phải hiệp thông trong lời cầu nguyện, chia sẻ các mục tiêu, cộng tác mục vụ, và sống tình bằng hữu hỗ tương giữa các linh mục và Giám mục của mình. Điều đó cũng giúp ích trong việc thắng vượt các thử thách và khó khăn khi thi hành tác vụ thánh. Mọi linh mục không chỉ cần đến sự trợ giúp trong tác vụ của người anh em của mình, nhưng cũng cần đến anh em vì họ là anh em của mình.

      Trong số các phương thức khác, một ngôi nhà có thể lập nên trong giáo phận để tất cả các linh mục thỉnh thoảng rút lui về mà tĩnh tâm và cầu nguyện, hầu tiếp xúc lại với các phương tiện không thể thiếu được để nên thánh.

      Trong tinh thần của phòng Tiệc Ly, nơi mà các Tông đồ quy tụ và cầu nguyện với Đức Maria, Mẹ Chúa Giê-su (Cv 1,14), chúng tôi giao phó cho Mẹ những trang này được viết với lòng yêu thương và biết ơn đối với tất cả các linh mục đang thi hành việc chăm sóc các linh hồn trên khắp thế giới. Ước gì mỗi linh mục, là người hằng ngày đang dấn thân trong “nhiệm vụ” mục vụ, cảm nghiệm được sự đỡ nâng hiền mẫu của Nữ vương các Tông đồ và sống trong sự hiệp thông sâu xa với Mẹ. Chức tư tế thừa tác có một “chiều kích lạ lùng và sâu sắc về sự gần gũi giữa Mẹ Đức Kitô” [và các linh mục].[143] Quả là một nguồn an ủi lớn lao khi biết rằng “Mẹ của Đấng Cứu chuộc, Đấng dẫn đưa chúng ta vào mầu nhiệm hi tế cứu chuộc của Chúa Con, luôn ở gần chúng ta. Ad Iesum per Mariam : ước gì đó là mục tiêu hàng ngày của đời sống thiêng liêng và mục vụ của chúng ta”[144].

Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã phê chuẩn Huấn thị này và truyền phổ biến.

Rô-ma, Văn phòng Thánh bộ Giáo sĩ, ngày 4 tháng 8 năm 2002, Lễ thánh Gioan Maria Vianney, Cha Sở họ Ars, Quan thầy các linh mục quản xứ.

 

Hồng y DARIO CASTRILLON HOYOS,

Tổng trưởng

+ CESBA TERNYAK,

TGM hiệu toà Eminenziana, Thư ký

 

Kinh tuyên xưng tình yêu của cha sở họ Ars, Thánh Gioan Maria Vianney

Con yêu mến Ngài, lạy Thiên Chúa của con, và ước vọng duy nhất của con là yêu mến Ngài cho đến hơi thở cuối cùng của đời con.

Con yêu mến Ngài, lạy Thiên Chúa đáng yêu vô cùng và con muốn chết đang khi yêu Ngài hơn là sống một giây phút nào mà không yêu Ngài.

Con yêu mến Ngài, lạy Thiên Chúa của con, và con không ao ước điều gì khác ngoài Nước Trời để có được niềm vui khi yêu mến Ngài cách hoàn hảo.

Con yêu mến Ngài, lạy Thiên Chúa của con, và con sợ hoả ngục, bởi vì nơi đó sẽ không có niềm an ủi dịu ngọt là yêu mến Ngài.

Lạy Thiên Chúa của con, nếu miệng lưỡi con không thể thốt lên trong mọi giây phút rằng Con yêu mến Ngài, con muốn trái tim con nói lên điều đó vào mỗi nhịp đập. Xin ban cho con ơn được chịu khổ vì yêu mến Ngài, yêu mến Ngài đang khổ đau và một ngày kia chết đi đang khi yêu mến Ngài và cảm nhận rằng Con yêu mến Ngài. Và khi con tiến gần đến cuối đời, xin Ngài gia tăng và hoàn thiện tình yêu của con đối với Ngài.

 

Lm John Phan Du Sinh, OFM chuyển dịch

 


Lời kinh của linh mục quản xứ dâng lên Rất Thánh Đức Bà Maria

 

Lạy Mẹ Maria, Mẹ của Chúa Giêsu Kitô,

Đấng chịu đóng đinh và sống lại,

Mẹ của Giáo Hội, một dân tộc tư tế (1Pr 2,9),

Mẹ của các linh mục, thừa tác viên của Con Mẹ ;

Xin đón nhân sự dâng hiến khiêm hạ của chính con,

để trong công việc mục vụ

lòng thương xót vô bờ của vị Thượng Tế vĩnh cửu được loan báo ;

Lạy “Mẹ của Lòng Thương Xót”.

Mẹ đã chia sẻ “sự vâng phục tư tế” của Con Mẹ (Dt 10, 5-7 ; Lc 1, 38),

và đã chuẩn bị cho Người một chỗ ở xứng đáng

nhờ được Chúa Thánh Thần xức dầu,

xin gìn giữ đời sống linh mục của con

trong mầu nhiệm khôn tả của chức vụ làm “Mẹ Thiên Chúa”.

Xin ban cho con sức mạnh

trong những giây phút u tối của cuộc đời này,

xin nâng đỡ con trong khi thi hành thừa tác vụ,

xin giao phó con cho Đức Giêsu,

để trong sự hiệp thông với Mẹ,

con có thể chu toàn sứ vụ với lòng trung thành và yêu thương,

lạy Mẹ của vị Linh Mục đời đời,

“Nữ Vương các Tông Đồ và đấng Phù Hộ các linh mục”[145].

Xin giúp con luôn trung thành với đoàn chiên

mà Vị Mục Tử Tốt Lành đã giao phó cho con,

Mẹ đã thinh lặng đồng hành với Đức Giêsu trong sứ vụ của Người

để loan báo Tin Mừng cho người nghèo khó.

Ước gì con luôn kiên nhẫn, dịu hiền

kiên quyết và yêu thương,

khi chăm sóc người bệnh và kẻ yếu hèn,

người nghèo khó và người tội lỗi,

lạy Mẹ, “Đấng Phù hộ toàn dân kitô-giáo”.

Con hiến thánh và phó dâng mình con cho Mẹ, lạy Mẹ Maria,

Mẹ đã thông phần trong công trình cứu chuộc

khi đứng kề bên thập giá của Con Mẹ,

Mẹ “liên kết chặt chẽ với công trình cứu độ”[146].

Trong khi thi hành thừa tác vụ,

xin cho con luôn ý thức đến

“chiều kích lạ lùng và sâu xa của sự hiện diện từ mẫu của Mẹ”[147]

trong mọi thời điểm của cuộc đời,

trong cầu nguyện và hoạt động,

trong lúc vui cũng như lúc buồn,

khi mệt mỏi cũng như lúc nghỉ ngơi,

lạy “Mẹ của lòng trông cậy”.

Lạy Mẹ thánh thiện, xin ban cho con khi cử hành Thánh Lễ,

nguồn mạch và trung tâm của chức vụ linh mục,

biết sống thân tình với Chúa Giêsu

trong sự thân tình của Mẹ với Người,

để “khi chúng con cử hành Thánh Lễ,

Mẹ sẽ hiện diện với chúng con”

và dẫn chúng con vào mầu nhiệm cứu chuộc của hi tế Con Mẹ,[148]

Ôi “Đấng trung gian của mọi ơn phúc

tuôn trào từ hi lễ này cho Giáo Hội và cho mọi tín hữu”[149]

Lạy “Mẹ của Đấng Cứu độ chúng con”.

Lạy Mẹ Maria : con hết lòng ước ao

đặt để con người của con và ước muốn sống thánh thiện của con

dưới sự che chở hiền mẫu và soi sáng của Mẹ

để Mẹ giúp con nên “đồng hình đồng dạng với Đức Kitô,

Thủ Lãnh và Mục Tử”

điều cần thiết cho thừa tác vụ của mọi linh mục quản xứ.

Xin cho con luôn ý thức rằng

“Mẹ luôn gần gũi với các linh mục”

trong sứ vụ người nữ tì của Đấng Trung Gian duy nhất, Đức Giêsu-Kitô ;

Ôi “Mẹ của các linh mục”

vị “Ân Nhân và Trung Gian”[150] của mọi ơn huệ. Amen.

 

 

 

 

 

 


Năm Linh Mục



[1]    Gioan-Phaolô II, Thư gửi các linh mục ngày Thứ Năm Tuần Thánh 2001 (25/3/2001), n. 1.

[2]    Thánh Augustinô, De Trinitate, 13,19, 24 ; NBA 4, p. 555.

[3]    Gioan-Phaolô II, Thư gửi các linh mục ngày Thứ Năm Tuần Thánh 2000 (23/3/2000), n. 5.

[4]    Gioan-Phaolô II, Tông thư Novo Millennio ineunte (6/1/2001), n. 15 ; AAS 93 (2001), p. 276.

[5]    Gioan-Phaolô II, Thư gửi các linh mục ngày Thứ Năm Tuần Thánh 2001 (25/3/2001), n. 2.  

[6]    Gioan-Phaolô II, Tông thư Novo Millennio ineunte (6/1/2001), n. 3 ; l.c., p. 267.

[7]    Gioan-Phaolô II, Bài giảng dịp Năm Thánh của các Linh mục (18/5/2000), n. 5.

[8] x. Thánh Bộ Giáo Sĩ, Linh mục và Thiên niên kỷ kitô-giáo thứ ba, Thầy dạy của Lời, Thừa tác viên của các Bí tích và Lãnh đạo của cộng đoàn (19/3/1999).

[9]    Theo chiều hướng này, quả là quan trọng việc suy tư trên điều mà Đức Gioan-Phaolô II gọi là "một thừa tác viên của Đức Giêsu Kitô, Thủ lãnh và Mục tử của Hội Thánh", Tông huấn Hậu Thượng Hội đồng Pastores dabo vobis (25/3/1992), pp. 695-696.

[10] x. Thánh Bộ Giáo Sĩ, Kim chỉ nam về thừa tác vụ và đời sống của các linh mục Tota Ecclesia (31/1/1994), n. 59 ; Libreria Editrice Vaticana, 1994.

[11] Gioan-Phaolô II, Tông huấn Hậu Thượng Hội đồng Pastores Dabo Vobis (25/3/1992), n. 70 ; l.c., pp. 778-782.

[12] x. Công Đồng Vaticanô II, Hiến chế Lumen gentium, n. 48.

[13] Gioan-Phaolô II, Diễn từ gửi đến Hội nghị khoáng đại của Thánh bộ Giáo sĩ (23/11/2001).

[14] x. CONSTITUTIONES APOSTOLICAE, III, 16, 3 ; SC 329, p. 147 ; Thánh Ambrôsiô, De mysteries, 6, 29-30 ; SC 25 bis, p.173 ; Thánh Tôma Aquinô, Summa Theologiae, III, 63, 3 ; Công Đồng Vaticanô II, Hiến chế Lumen gentium nn. 10-11 ; Sắc lệnh Presbyterorum Ordinis, n. 2 ; GIÁO LUẬT, điều 204.

[15] Gioan-Phaolô II, Diễn từ gửi đến Hội nghị khoáng đại của Thánh bộ Giáo sĩ (23/11/2001), l.c.

[16] x. Công Đồng Vaticanô II, Hiến chế Lumen gentium, n. 10 ; Sắc lệnh Presbyterorum Ordinis, n.2 ; PIUS XII, Thông điệp Mediator Dei (20/11/1947) ; AAS 39 (1947), p. 555 ; Diễn từ Magnificate Dominum ; AAS 46 (1954), p. 669 ; Thánh Bộ Giáo Sĩ, Hội Đồng Giáo Hoàng về Giáo Dân, Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin, Thánh Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Các Bí Tích, Thánh Bộ Giám Mục, Thánh Bộ Phúc Âm Hoá Các Dân Tộc, Thánh Bộ Đời Sống Thánh Hiến và Hiệp Hội Tông Đồ, Hội Đồng Giáo Hoàng Giải Thích Các Bản Văn Pháp Lý, Huấn thị Liên Bộ về một số câu hỏi liên quan đến việc cộng tác của tín hữu không có chức thánh vào thừa tác vụ thánh của các Linh mục Ecclesiae de Mysterio (15/8/1997), Các Nguyên tắc thần học n.1.

[17] X. Giáo lý Hội Thánh Công giáo, N. 1273.

[18] x. Công Đồng Trentô, Khoá XXIII, Doctrina de Sacramento Ordinis (15/7/1563) ; DS 1763-1778 ; Công Đồng Vaticanô II, Sắc lệnh Presbyterorum Ordinis, nn. 2 ; 13 ; Sắc lệnh Christus Dominus, n. 15 ; Missale Romanum, Institutio generalis, nn. 4, 5 và 60 ; Pontificale Romanum, de Ordinatione, nn. 131 và 123 ; Giáo lý Hội Thánh Công Giáo nn. 1366-1372, 1544-1553, 1562-1568, 1581-1587.

[19] x. Gioan-Phaolô II, Tông huấn Hậu Thượng Hội đồng Pastores dabo vobis (25/3/1992), nn. 13-15 ; l.c.

[20] x. Công Đồng Vaticanô II, Hiến chế Sacrosanctum Concilium, n. 33 ; Hiến chế Lumen gentium, nn. 10, 28, 37 ; Sắc lệnh Presbyterorum Ordinis nn. 2, 6, 12 ; Thánh Bộ Giáo Sĩ, Kim chỉ nam về thừa tác vụ và đời sống của các linh mục Tota Ecclesia (31/1/1994), nn. 6-12 ; Thánh Tôma Aquinô, Summa Theologiae, III, 22, 4.

[21] x. Gioan-Phaolô II, Thư gửi các linh mục ngày Thứ Năm Tuần Thánh 1979 Novo incipiente (8 April 1979), n. 4.

[22] x. Gioan-Phaolô II, Tông huấn Hậu Thượng Hội đồng Christifideles laici (30/12/1988), n. 23 ; Huấn thị Liên Bộ Ecclesiae de Mysterio (15/8/1997), Các Nguyên tắc thần học n.4, l.c., p. 860-861 ; Thánh Bộ Giáo Sĩ, Linh mục và Thiên niên kỷ kitô-giáo thứ ba, Thầy dạy của Lời, Thừa tác viên của các Bí tích và Lãnh đạo của cộng đoàn (19/3/1999), p.36.

[23] x. Thánh Bộ Giáo Sĩ, Kim chỉ nam về thừa tác vụ và đời sống của các linh mục Tota Ecclesia (31/1/1994), n. 7.

[24] x. Phaolô VI, Giáo lý trong buổi tiếp kiến chung ngày 7/10/1964 ; Insegnamenti di Paolo VI, 2 (1964), p. 958.

[25] x. Phaolô VI, Tông huấn Marialis Cultus (2/2/1974), nn. 11, 32, 50, 56.

[26] x. Gioan-Phaolô II, Tông huấn Hậu Thượng Hội đồng Pastores dabo vobis (25/3/1992), n. 21 ; l.c.

[27] Ibid., n. 18 ; l.c., p. 684 ; x. Thánh Bộ Giáo Sĩ, Kim chỉ nam về thừa tác vụ và đời sống của các linh mục Tota Ecclesia (31/1/1994), n. 30.

[28] x. Công Đồng Vaticanô II, Sắc lệnh Presbyterorum Ordinis, n. 13.

[29] x. Thánh Bộ Giáo Sĩ, Kim chỉ nam về thừa tác vụ và đời sống của các linh mục Tota Ecclesia (31/1/1994), n. 46.

[30] x. Gioan-Phaolô II, Tông huấn Hậu Thượng Hội đồng Pastores dabo vobis (25/3/1992), n. 26, l.c., p 698 ; Thánh Bộ Giáo Sĩ, Kim chỉ nam về thừa tác vụ và đời sống của các linh mục Tota Ecclesia (31/1/1994), nn. 45-47.

[31] x. Công Đồng Vaticanô II, Sắc lệnh Presbyterorum Ordinis, n.12 ; GIÁO LUẬT, điều 276, § 1.

[32] x. Thánh Phanxicô de Salê, Dẫn nhập vào đời sống đạo đức, phần 1, ch. 3.

[33] x. Công Đồng Vaticanô II, Hiến chế Lumen gentium, n. 41.

[34] x. Công Đồng Vaticanô II, Sắc lệnh Presbyterorum Ordinis, n. 12 ; GIÁO LUẬT, điều 276, § 1.

[35] x. Công Đồng Vaticanô II, Sắc lệnh Presbyterorum Ordinis, n. 14.

[36] x. ibid.

[37] x. Gioan-Phaolô II, Tông huấn Hậu Thượng Hội đồng Pastores dabo vobis, (25/3/1992), n. 72 ; l.c.

[38] Ibid.

[39] Công Đồng Vaticanô II, Sắc lệnh Christus Dominus, n. 16 : “Vì các linh mục [của các Giám mục], chia sẻ một phần nhiệm vụ cũng như những quan tâm của các ngài, và vị họ dấn thân không mệt mỏi cho công việc của mình, nên các ngài hãy luôn đặc biệt yêu mến họ. Hãy coi họ như những người con, người bạn. Hãy luôn sẵn sàng lắng nghe họ và tạo một bầu khí gia đình thân thiết với họ ; như thế các ngài nhiệt thành cổ võ toàn thể công tác mục vụ trong cả giáo phận. Một giám mục phải quan tâm chăm sóc đời sống – thiêng liêng, trí thức, và vật chất – của các linh mục mình, để họ có thể sống thánh thiện và đạo đức, và thực thi thừa tác vụ cách trung thành và đầy hiệu năng”.

[40] Gioan-Phaolô II, Tông huấn Hậu Thượng Hội đồng Pastores dabo vobis, (25/3/1992), n. 72 ; l.c.

[41] Ibid., n. 25 ; l.c., p. 695.

[42] Ibid.

[43] Ibid.

[44] Công Đồng Vaticanô II, Sắc lệnh Presbyterorum Ordinis, n. 14.

[45] Gioan-Phaolô II, Dẫn nhập Thánh lễ Đức Bà Czestochowa, L'Osservatore Romano, 26/8/2001.

[46] Gioan-Phaolô II, Bài giáo lý trong buổi tiếp kiến chung của 30/6/1993, Đức Maria là Mẹ của vị Thượng phẩm tối cao và vĩnh cửu, L'Osservatore Romano, 30/6 - 1/7/1993.

[47] Gioan-Phaolô II, Tông huấn Hậu Thượng Hội đồng, Pastores dabo vobis, (25/3/1992), n. 26 ; l.c.

[48] Công Đồng Vaticanô II, Sắc lệnh Presbyterorum Ordinis, n. 5.

[49] Ibid., n.13 ; GIÁO LUẬT, điều 904 và 909.

[50] Thánh Bênađinô thành Siêna, Sermo XX : Opera Omnia, Venetiis 1591, p. 132.

[51] Chân phước COLUMBA MARMION, Đức Kitô, lý tưởng của linh mục, cap. 14 ; Maredsous 1951.

[52] Gioan-Phaolô II, Tông Hiến Sacrae disciplinae leges (25/01/1983) ; AAS 75, II (1983), p. XIII.

[53] x. ibid.

[54] x. Công Đồng Vaticanô II, Hiến chế Sacrosanctum Concilium, n. 7.

[55] Ibid., n. 10.

[56] Ibid., n. 22.

[57] x.GIÁO LUẬT, điều 959.

[58] Ibid., n. 23.

[59] Huấn thị Liên Bộ Ecclesiae de Mysterio (15/8/1997), Các Nguyên tắc thần học n.3 ; Thực hành điều 6 và 8 ; l.c. ; Hội Đồng Giáo Hoàng Giải Thích Các Bản Văn Pháp Lý, Trả lời (11/7/1992) ; AAS 86 (1994), pp 541-542.

[60] Gioan-Phaolô II, Tông huấn Hậu Thượng Hội đồng, Pastores dabo vobis (25/3/1992), n. 31 ; l.c.

[61] Gioan-Phaolô II, Tông huấn Hậu Thượng Hội đồng Pastores dabo vobis (25/3/1992), n. 32 ; l.c.

[62] x. Công Đồng Vaticanô II, Sắc lệnh Christus Dominus, n. 28 ; Sắc lệnh Presbyterorum Ordinis, n. 10 ; GIÁO LUẬT, điều 265-272.

[63] Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin, Thư Communio notio gửi các Giám mục của Hội Thánh Công giáo về một vài khía cạnh của Hội Thánh hiệp thông (28/5/1992), n. 9 ; l.c., p. 843.

[64] x. Công Đồng Vaticanô II, Hiến chế Lumen gentium, n.23.

[65] x. Công Đồng Vaticanô II, Sắc lệnh Christus Dominus, n. 30 ; GIÁO LUẬT, điều 515, § 1.

[66] Thánh Bộ Giáo Sĩ, Linh mục và Thiên niên kỷ kitô-giáo thứ ba, Thầy dạy của Lời, Thừa tác viên của các Bí tích và Lãnh đạo của cộng đoàn (19/3/1999), p. 36 ; x. Thánh Bộ Giáo Sĩ, Kim chỉ nam về thừa tác vụ và đời sống của các linh mục Tota Ecclesia (31/1/1994), n. 17.

[67] x. GIÁO LUẬT điều 374 § 1.

[68] x. Công Đồng Vaticanô II, Hiến chế Sacrosanctum Concilium, n. 42 ; Giáo lý Hội Thánh Công giáo, n. 2179 ; Gioan-Phaolô II, Tông thư Dies Domini (31/5/1998), nn. 34-36 ; Tông thư Novo Millennio ineunte (6/1/2001), n. 35, l.c.

[69] Gioan-Phaolô II, Tông huấn Hậu Thượng Hội đồng Christifideles Laici (30/12/1988), n. 26 ; l.c. ; x. Huấn thi Liên Bộ Ecclesia de Mysterio (15/8/1997), Thực hành, điều 4 ; l.c., p. 866.

[70] Công Đồng Vaticanô II, Sắc lệnh Apostolicam Actuositatem, n. 10.

[71] x. GIÁO LUẬT điều 518.

[72] x. Công Đồng Trentô, Khoá XXIV (11/11/1563), điều 18 ; Công Đồng Vaticanô II, Sắc lệnh Christus Dominus, n. 30 : “Theo một nghĩa đặc biệt, các linh mục quản xứ là những người cộng tác với giám mục. Họ được trao ban việc chăm sóc linh hồn như một chủ chăn riêng, trong một khu vực nhất định thuộc giáo phận, và dưới quyền của giám mục”.

[73] GIÁO LUẬT, điều 519.

[74] x. GIÁO LUẬT, điều 517 § 1.

[75] x. Công Đồng Vaticanô II, Sắc lệnh Christus Dominus, n. 30 ; Sắc lệnh Presbyterorum Ordinis 8 ; GIÁO LUẬT cann. 280 ; 550 § 2 ; Thánh Bộ Giáo Sĩ, Kim chỉ nam về thừa tác vụ và đời sống của các linh mục Tota Ecclesia (31/1/1994), n. 29.

[76] x. Công Đồng Trentô, Khoá XXI (16/7/1562), điều 5 ; hội đồng giáo hoàng giải thích các bản văn pháp lý, Nota Explicitiva, được ấn hành với sự đồng ý của Thánh bộ Giáo sĩ, về những trường hợp chăm sóc mục vụ của nhiều giáo xứ được giao phó cho một linh mục (13/11/1997) : Communicationes 30 (1998), pp. 28-32.

[77] x. GIÁO LUẬT, điều 526 § 1.

[78] x. ibid., cann. 151, 539-540.

[79] x. ibid., có thể 539.

[80] x. Công Đồng Lateranô III (năm 1179), điều 3 ; Công Đồng Lyon II (năm 1274), Hiến chế 13 ; GIÁO LUẬT, điều 150.

[81] x. GIÁO LUẬT, điều 149, § 1.

[82] x. ibid., điều 521 § 1. Đoạn 2 của điều ấy liệt kê một vài phẩm tính chính yếu đòi buộc nơi ứng viên của thừa tác vụ giáo xứ ; đạo lý lành mạnh, hạnh kiểm liêm chính, có lòng nhiệt thành lo cho các linh hồn và các đức tính khác. Những ứng viên đó cần có những phẩm tính mà luật chung của Hội Thánh đòi hỏi trong mối tương quan với các giáo sĩ khác (x. điều 273-279) cũng như được quy định trong luật riêng (những điều cần thiết nhất trong Giáo Hội địa phương).

[83] x. ibid., điều 528 § 1.

[84] x. Huấn thị Liên Bộ Ecclesiae de Mysterio (15/8/1997), Thực hành , điều 3, l.c., p. 864.

[85] Gioan-Phaolô II, Diễn từ gửi đến Hội nghị khoáng đại của Thánh bộ Giáo sĩ (23/11/2001) ; l.c.

[86] Chân Phước Gioan XXIII, Thông điệp Sacerdotii Nostri primordia, nhân dịp kỷ niệm 100 năm cái chết lành thánh của Curé d'Ars (1/8/1959), phần III ; AAS 51 (1959), p. 572.

[87] x. GIÁO LUẬT, điều 518.

[88] x. Ibid., điều 519, 529 § 1.

[89] x. Các đề nghị trong những phần có liên quan tới các dấu chỉ bí tích và hình thức của việc cử hành trong Tông huấn Reconciliatio et Paenitentia của Đức Gioan-Phaolô II (2/12/1984), nn 31 III ; 32.

[90] x. GIÁO LUẬT, có thể 914.

[91] x. Thánh Bộ Phụng Tự Và Kỷ Luật Các Bí Tích, trong Notitiae 37 (2001), pp. 259-260.

[92] Gioan-Phaolô II, Diễn từ cho các thành viên của Toà xá giải (27/3/1993) ; AAS 86 (1994), p. 78.

[93] x. GIÁO LUẬT, điều 964 § 3 ; Gioan-Phaolô II, Motu Proprio Misericordia Dei (7 April 2002), 9b ; Hội Đồng Giáo Hoàng Giải Thích Các Bản Văn Pháp Lý, Reply circa điều 964 § 2 (7/7/1998).

[94] Phaolô VI, Thông điệp Mysterium fidei (3/9/1965) ; AAS 57 (1965).

[95] Gioan-Phaolô II, Diễn từ cho các tham dự viên Hội nghị khoáng đại của Thánh bộ Giáo sĩ (23/11/2001) ; l.c.

[96] Chân Phước Gioan XXIII, Thông điệp Sacerdotii Nostri primordia nhân dịp kỷ niệm 100 năm cái chết lành thánh của Curé d'Ars (1/8/1959), phần II ; l.c.

[97] x. GIÁO LUẬT, điều 529 § 1.

[98] x. ibid., điều 225.

[99] x. GIÁO LUẬT, 529 § 2.

[100] x. GIÁO LUẬT, điều 233 § 1 ; Gioan-Phaolô II, Tông huấn Hậu Thượng Hội đồng Pastores dabo vobis (25/3/1992), n. 41 ; l.c.

[101] x. Thánh Bộ Giáo Sĩ, Kim chỉ nam về thừa tác vụ và đời sống của các linh mục Tota Ecclesia (31/01/1994), n. 66.

[102] Thánh Ambrôsiô, De virginitate, 5, 36 ; PL 16, p. 286.

[103] GIÁO LUẬT, điều 530.

[104] Ibid., điều 883, 3 ; Do chính luật, những vị sau đây có năng quyền ban bí tích Thêm sức... 3. Đối với những người lâm cơn nguy tử, linh mục quản xứ hoặc bất cứ linh mục nào.

[105] Ibid., điều 1003, § 2 : “Mọi linh mục đã được ủy cho coi sóc các linh hồn, có nghĩa vụ và quyền ban bí tích Xức dầu bệnh nhân cho những tín hữu đã được trao cho các ngài chăn dắt ; khi có lý do chính đáng, bất cứ linh mục nào khác cũng có thể ban bí tích này với sự ưng thuận ít nhất là suy đoán của linh mục đã nói trên”. § 3 “Bất cứ linh mục nào cũng được phép mang theo mình Dầu đã được làm phép, để trong trường hợp khẩn trương có thể cử hành bí tích Xức dầu bệnh nhân”.

[106] x. ibid., có thể 517 § 2.

[107] Gioan-Phaolô II, Diễn từ gửi đến Hội nghị khoáng đại của Thánh bộ Giáo sĩ (23/11/2001) ; l.c.

[108] x. GIÁO LUẬT, điều 228, 229, §§ 1 và 3 ; 230.

[109] x. Presbyterorum Ordinis, n. 2 ; Giáo lý Hội Thánh Công giáo n. 1563.

[110] x. GIÁO LUẬT, điều 517 § 2 ; Giáo lý Hội Thánh Công giáo, n. 911.

[111] x. Huấn thị Liên Bộ Ecclesiae de mysterio (15/8/1997), Các Nguyên tắc thần học và Thực hành ; l.c., pp. 856-875 ; GIÁO LUẬT, điều 517 § 2. 

[112] Huấn thị Liên Bộ Ecclesiae de mysterio (15/8/1997), Thực hành, điều 6 ; 8 ; l.c., pp. 869 ; 870-872.

[113] x. GIÁO LUẬT điều 150 ; Giáo lý Hội Thánh Công giáo, nn. 1554 ; 1570.

[114] Gioan-Phaolô II, Diễn từ gửi đến Hội nghị khoáng đại của Thánh bộ Giáo sĩ (23/11/2001) ; l.c.

[115] Thánh Bộ Giáo Sĩ, Kim chỉ nam về thừa tác vụ và đời sống của các phó tế vĩnh viễn Diaconatus Originem (22/2/1998), n. 41.

[116] Ibid., n. 22 ; l.c., p. 889.

[117] x. Công Đồng Vaticanô II, Sắc lệnh Christus Dominus, n. 27 ; GIÁO LUẬT điều 511-514.

[118] x. GIÁO LUẬT., điều 536 § 1.

[119] x. Ibid., điều 536 § 1.

[120] x. Ibid., điều 536 § 1.

[121] Huấn thị Liên Bộ Ecclesiae de mysterio (15/8/1997), Thực hành, art. 5 ; l.c.

[122] x. Gioan-Phaolô II, Tông huấn Hậu Thượng hội đồng Christifideles laici (30/12/1988), n. 27 ; l.c.

[123] Ibidem.

[124] Thánh Bộ Giáo Sĩ, Thư luân lưu Omnes Christifideles (25/1/1973), nn. 4 ; 9.

[125] x. GIÁO LUẬT, điều 532 và 1279, §1.

[126] x. Gioan-Phaolô II, Tông thư Novo Millennio ineunte (6/1/2001), n. 29 ; l.c.

[127] Ibid.

[128] Ibid.

[129] Ibid.

[130] Ibid.

[131] Gioan-Phaolô II, Diễn từ cho các linh mục quản xứ và Hàng linh mục Rô-ma (1/3/2001), n. 3 ; x. Tông thư Novo Millennio ineunte (6/1/2001), n. 33 ; l.c.

[132] Ibid., n. 38 ; l.c.

[133] Ibid., n. 31 ; l.c.

[134] Công Đồng Vaticanô II, Hiến chế Lumen Gentium, n. 39.

[135] X. Phaolô VI, Tông huấn Evangelii nuntiandi, n. 14 ; Gioan-Phaolô II, Diễn từ cho Thánh bộ Giáo sĩ (20/10/1984) : "Vì thế cần tái khám phá chức năng riêng của giáo xứ như một cộng đoàn đức tin và đức ái, đó là lý do hiện hữu và tính chất cơ bản nhất của nó. Điều đó có nghĩa là xem việc phúc âm hoá là trục của mọi hoạt động mục vụ bởi vì đó là một đòi hỏi cấp bách, trổi vượt và quan trọng. Chính vì thế mà phải loại bỏ cái nhìn hoàn toàn chiều ngang của sự hiện diện trong xã hội, và chính vì thế mà chiều kích bí tích của Hội Thánh được củng cố".

[136] Gioan-Phaolô II, Tông thư Novo Millennio ineunte (6/1/2001), n. 40 ; l.c.

[137] X. Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin, Tuyên ngôn Dominus Jesus (6/8/2000).

[138] Thánh Grêgôriô Cả, Quy tắc mục vụ, Dẫn nhập phần ba.

[139] Gioan-Phaolô II, Tông thư Novo Millennio ineunte 6/1/2001, n. 46 ; l.c.

[140] TB. Giáo Lý Đức Tin, Tuyên ngôn Dominus Iesus (6/8/2000), n. 15 ; l.c.

[141] Gioan-Phaolô II, Thư gửi các linh mục vào ngày Thứ Năm Thần Thánh 2000 (23/3/200), nn. 10.14.

[142] X. Thánh Bộ Giáo Sĩ, Kim chỉ nam về thừa tác vụ và đời sống của các linh mục Tota ecclesia (31/1/1994), cap. III.

[143] Gioan-Phaolô II, Thư gửi các linh mục vào ngày Thứ Năm Tuần Thánh 1979 (8 April 1979), n. 11, l.c.

[144] Gioan-Phaolô II, Diễn từ gửi đến Hội nghị khoáng đại của Thánh bộ Giáo sĩ (23/11/2001) ; l.c.

[145] Công đồng Vaticanô II, Sắc lệnh Presbyterorum Ordinis, n. 18.

[146] Công đồng Vaticanô II, Hiến chế Sacrosanctum Concilium, n. 103.

[147] Gioan-Phaolô II, Thư gửi các linh mục vào ngày Thứ Năm Tuần Thánh 1979 (8 April 1979), n. 11, l.c., p. 416.

[148] Gioan-Phaolô II, Diễn từ gửi đến Hội nghị khoáng đại của Thánh bộ Giáo sĩ (23/11/2001) ; l.c., p. 217.

[149] Gioan-Phaolô II, nhân dịp lễ Đức Bà Czestochowa.L'Osservatore Romano, 26/8/2001.

[150] Công Đồng Vaticanô II, Hiến chế Lumen gentium, n. 62.