THẦN HỌC CỦA TRENTÔ VÀ VATICANÔ II VỀ CHỨC LINH MỤC

 

Đối với Giáo hội  Công giáo, giáo lý của Công đồng Trentô về các bí tích, đặc biệt về bí tích Thánh Thể và chức linh mục, rất quan trọng. Có nhiều điều Công Đồng đã định tín, trở nên đối tượng của đức tin Công giáo. Các tín điều ấy nhằm xác định rõ nội dung đức tin chống lại những sai lầm.

Ngày nay nhiều người công nhận rằng thần học Công giáo và Tin lành về bí tích Thánh Thể không xa nhau như trước đây nhiều người nghĩ. Đã có những gặp gỡ trao đổi phong phú, mang lại nhiều hứa hẹn cho sự hiệp nhất trong tương lai. Nhưng thần học về thừa tác vụ trong Giáo Hội còn rất xa nhau. Có những điểm gần như hoàn toàn trái ngược nhau. Công đồng Trentô đã định tín nhiều điều về chức linh mục, chống lại những sai lầm đi ngược với giáo lý truyền thống của Giáo Hội. Điều đó không có nghĩa là thần học của Công đồng Trentô hoàn toàn đầy đủ. Cái nhìn của Công đồng Trentô tuy đúng, nhưng có chỗ còn hạn hẹp, vì bối cảnh tranh luận và vì thần học về chức linh mục bấy giờ chưa phong phú.

Công đồng Vaticanô II, trong hai sắc lệnh về giám mục và linh mục, lấy lại những điều đã được Công đồng Trentô định tín, nhưng đi xa hơn và có một cách nhìn toàn diện hơn. Đặc biệt là thần học của Vaticanô II về giám mục mới mẻ, rõ ràng và phong phú hơn nhiều so với giáo lý Công đồng Trentô. Ở đây chúng tôi nhấn mạnh nhiều hơn tới chức linh mục, dù biết rằng đi từ chức giám mục thì phù hợp với tinh thần Công đồng hơn.

Khởi điểm thần học

Linh mục thời nào cũng là con người của Giáo Hội, sống bởi Giáo Hội, cho Giáo Hội và vì Giáo Hội. Nhưng trước đây, ý tưởng này chưa được làm nổi bật trong thần học về chức linh mục.

Đối với Công đồng Trentô, khởi điểm của thần học về linh mục là bí tích Thánh Thể : “Trong Bữa Tiệc Ly, Đức Kitô đã để lại một hy lễ hữu hình, đã trao phó cho các tông đồ và những người kế vị các ngài trong chức vụ linh mục” (DZ 938).

Lý do hiện hữu của chức linh mục rõ ràng và dễ hiểu: “Vì hy tế Thánh Thể hữu hình, phải có chức tư tế hữu hình” ( DZ 957).

Linh mục là đấng nhận lãnh quyền tế lễ và tha tội. Ai cũng biết linh mục vẫn là con người yếu đuối, nhưng được trao cho quyền hành to lớn: linh mục có quyền trên Mình Máu Chúa Kitô. Vì thế, linh mục là con người cực trọng, cao hơn các thiên thần; thậm chí có người còn dám nói linh mục còn cao hơn Đức Mẹ, vì Đức Mẹ chỉ sinh Chúa Giêsu có một lần, còn linh mục làm cho Chúa Giêsu hiện diện hữu hình mọi ngày trên  bàn thờ, trong Thánh lễ, hiện diện mãi giữa nhân loại, từ đời nọ sang đời kia và cho đến tận thế.

Cách nhìn này không sai, nhưng chưa được đầy đủ. Các khía cạnh khác của các tác vụ linh mục hơi bị lãng quên: trách nhiệm “Phúc Âm hóa” bằng việc rao giảng Lời Chúa, trách nhiệm hướng dẫn và chăn dắt con chiên trong đời sống đạo hằng ngày.

 Không ai thấy được sự khác biệt giữa chức linh mục và chức giám mục, vì cả hai đều có quyền biến đổi bánh và rượu thành Mình và Máu Chúa Kitô.

Công đồng Vaticanô II khẳng định lại uy quyền cực thánh và cao trọng này của chức linh mục: “Nhờ chức thánh, họ được trao quyền tế lễ và tha tội” (x. LM 2).

Nhưng Công Đồng mở rộng tầm nhìn của Giáo hội và đã lồng quyền tế lễ của linh mục vào trong sứ mạng của Giáo Hội.

Cũng như Chúa Kitô đã được thánh hiến và sai đi loan báo Nước Thiên Chúa, Giáo Hội được thánh hiến và sai đi rao giảng Tin Mừng, tiếp nối sứ mạng của Chúa Kitô.

Chúa Kitô đã cho toàn thể Giáo Hội thông phần vào sự xức dầu mà Người đã lãnh nhận từ Chúa Cha. Thánh Thần hay là “Dầu Xức” đã biến Giáo Hội trở thành Hội Thánh, Thân Thể huyền nhiệm của Chúa Kitô.

Trong Đức Kitô, nhờ Đức Kitô và với Đức Kitô, Giáo Hội đích thực là một dân tư tế, được mời gọi để dâng lễ tế của Chúa Kitô lên cho Thiên Chúa và để làm chứng cho tình thương của Thiên Chúa trong Chúa Kitô trên khắp cùng mặt đất.

Chức vụ linh mục được thiết lập để phục vụ dân thánh Chúa, giúp cho dân có khả năng hiến tế và làm chứng. Chức vụ linh mục, cùng với chức vụ giám mục và ở một mức độ tùy thuộc vào chức giám mục, tiếp nối sứ mạng Chúa Kitô đã trao phó cho mười hai tông đồ. Sứ mạng của các ngài là sứ mạng tông đồ (mission apostolique).

1º Khác với Công đồng Trentô, khởi điểm thần học của Vaticanô II về chức linh mục là khởi điểm Giáo Hội học, thực ra cũng là khởi điểm Kitô học: sự hiến thánh và sứ mạng của Chúa Kitô.

Khởi điểm này không khai trừ quyền tế lễ của linh mục, cũng không làm mất sự khác biệt bản chất giữa linh mục và giáo dân.

Vì sự hiến thánh và sứ mạng của Chúa Kitô gắn liền nhau cách bất khả phân, sự hiện hữu của  Giáo Hội và sứ mạng Phúc Âm hóa cũng không thể tách biệt.

Khởi đi từ Chúa Kitô và Giáo Hội, Công đồng Vaticanô II giải quyết thỏa đáng những khó khăn và thắc mắc của các nghị phụ: đề cao việc Phúc Âm hóa của linh mục hay nhấn mạnh khía cạnh phượng tự và hy tế Thánh Thể?

2º Điểm khác biệt thứ hai gắn liền với điểm 1º là sự kiện Chúa Kitô thiết lập chức linh mục:

Theo Công đồng Trentô, lý do Chúa Giêsu thiết lập chức linh mục là để tiếp tục Hy Lễ Thập Giá bằng hiến tế Thánh Thể. Đây là một cái nhìn thuần túy phượng tự, làm nổi bật quyền hành của linh mục và sự khác biệt bản chất giữa chức tư tế thừa tác với vai trò và sứ mạng của người giáo dân thường. Sự nhấn mạnh này là phản ứng chống lại phong trào cải cách của Luther.

Dĩ nhiên đó là một lý do hiện hữu quan trọng của chức linh mục. Công đồng Vaticanô II không chối bỏ lý do này, nhưng muốn đi xa hơn. Công Đồng không sợ lẫn lộn giữa vai trò linh mục và vai trò giáo dân. Ngược lại, Công Đồng cố gắng định vị chức linh mục thừa tác trong chức tư tế vương giả của toàn thể dân Chúa, để từ đó khám phá lý do sâu xa của việc Chúa Giêsu thiết lập chức linh mục, làm nổi bật sự khác biệt bản chất giữa chức tư tế thừa tác với chức tư tế vương giả, mà không tách rời linh mục ra khỏi dân Chúa.

Sau khi đã nói tới chức tư tế vương giả (toàn thể dân Chúa được thánh hiến bằng Dầu Xức của Chúa Kitô là Thánh Thần), Công Đồng đề cập ngay đến sự “duy nhất đa diện” của Nhiệm Thể Chúa Kitô. Chính vì Thân Thể Duy Nhất mà chức tư tế thừa tác được thiết lập. Chúa Giêsu  đã cắt đặt giữa cộng đồng các tín hữu một số “ thừa tác viên” có quyền tế lễ và tha tội nhờ chức thánh, để nhân danh Chúa Kitô, họ chính thức thi hành chức vụ linh mục cho loài người (x. LM 2).

Ở đây Vaticanô II trích dẫn Công đồng Trentô (khóa 23, ch.1: DZ 957), nhưng thêm vào mấy chữ “trong cộng đồng các tín hữu” (in societate fidelium), cho thấy lý do sự hiện hữu của các thừa tác viên là để phục vụ dân Chúa. Chữ “chính thức” (publice) cũng được thêm vào để phân biệt rõ cương vị linh mục với cương vị giáo dân. Cuối cùng, Vaticanô II còn xác định thêm là chức linh mục được thi hành “nhân danh Chúa Kitô cho loài người” (pro hominibus nomine Christi), để làm nổi bật khía cạnh “sống cho” (pro-existence) của tác vụ linh mục.

Câu trích dẫn và một số chi tiết thêm vào cho thấy rằng các nghị phụ Vaticanô II vừa muốn nối kết với truyền thống của Trentô, vừa nới rộng cái nhìn của truyền thống.

Đức Kitô thiết lập chức linh mục lúc nào ?

Công đồng Trentô trả lời một cách rõ ràng và xác quyết: “Nếu ai nói rằng Đức Kitô không có phong chức linh mục cho các tông đồ khi nói : “Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Ta” thì phải vạ tuyệt thông” (DZ 949). Vì thế Công Đồng gọi các linh mục là những người kế vị các tông đồ trong chức tư tế.

Dĩ nhiên Công đồng Trentô không giới hạn vào bữa Tiệc Ly, nhưng còn nói đến việc Đức Kitô ban Thánh Thần để tha tội. Dù sao, ý tưởng Chúa Giêsu lập chức tư tế trong bữa Tiệc Ly vẫn chiếm ưu thế. Quan niệm này không sai, nhưng nếu được sử dụng cách mù quáng và cực đoan, sẽ làm lu mờ sứ vụ của Giáo Hội và của linh mục (linh mục là người được sai đi, trong lòng một Giáo Hội thừa sai).

Công đồng Vaticanô II lấy lại quan điểm của Trentô, nhưng định vị nó trong một toàn bộ rộng

llớn hơn. Công Đồng không muốn xác định “ lúc” mà Đức Kitô thiết lập hàng tư tế. Quan điểm của Cộng Đồng hoàn toàn quy chiếu về sứ vụ của Chúa Kitô: “Chúa Kitô đã sai các tông đồ như chính Người được Chúa Cha sai, và qua các tông đồ, Người đã làm cho các đấng kế vị là các giám mục cũng được tham dự việc thánh hiến và sứ vụ của chính mình Người. Tác vụ (munus) này của giám mục cũng được trao cho linh mục ở mọi cấp độ tùy thuộc, để một khi đã gia nhập hàng linh mục, họ là những cộng sự viên của hàng giám mục, chu toàn một cách tốt đẹp sứ vụ tông đồ do Chúa Kitô trao phó” (LM 2).

lKhẳng dịnh này của Vaticanô II phát xuất từ những lý do thần học rất quan trọng.

Trước hết, không thể bàn đến việc thiết lập chức linh mục mà không đề cập đến vấn đề rộng llớn hơn là “tổ chức hàng giáo phẩm”. Ý tưởng đó là một tiến bộ so với Công đồng Trentô.

Vaticanô II không muốn xác định rõ “thời điểm” của việc thiết lập chức linh mục, sợ làm như vậy sẽ giới hạn sứ vụ của linh mục. Rõ ràng Công Đồng chỉ muốn nối kết chặt chẽ việc thiết lập chức linh mục với sứ vụ của các tông đồ và các giám mục. Do đó, sứ vụ của linh mục có một chiều kích phổ quát. Giới hạn duy nhất của sứ vụ là do “cấp độ tùy thuộc” (subordinato gradu), nghĩa là tùy thuộc vào các giám mục.

Tính đặc thù của chức linh mục

Cả Trentô lẫn Vaticanô II khẳng định chức linh mục là một bí tích ghi “ấn tín” (character) đặc biệt và trường tồn. Bí tích, ân sủng và ấn tín là ba từ ngữ căn bản chung cho cả hai Công Đồng.

Công đồng Trentô lên án những ai quan niệm chức linh mục như một quyền bính tạm thời, và có thể trở thành giáo dân nếu không thi hành tác vụ nữa (x.DZ 964).

Vaticanô II xác nhận “chức linh mục, tuy đòi hỏi phải có những bí tích khai sinh đời sống Kitô giáo, nhưng lại được một bí tích riêng in dấu đặc biệt’ (LM 2).

Cả hai Công Đồng đều quan niệm “chức linh mục” như một hồng ân đặc biệt Chúa ban (Gratia Ministerii), không phải ai cũng có.

Công đồng Trentô lên án những ai nói rằng các Kitô hữu đều là những linh mục của Giao Ước mới như nhau, không phân biệt (promiscue). Không được coi linh mục và Kitô hữu có quyền thiêng liêng như nhau (pari inter se potestate spirituali, DZ 960).

Vaticanô II cũng khẳng định là không thể trở thành linh mục do ý muốn riêng, nhưng do hồng ân của Thiên Chúa, và không thể là linh mục chỉ do phép Rửa Tội, nhưng do bí tích Truyền Chức là một bí tích riêng.

Sự khác biệt giữa hai Công Đồng phát xuất từ hai bối cảnh khác nhau. Bối cảnh Công đồng Trentô là bầu khí ưu tư lo lắng của Giáo Hội trước giáo lý của Luther phủ nhận giá trị bí tích của phép Truyền Chức. Bối cảnh của Vatiacnô II là bối cảnh đổi mới, cởi mở và đại kết. Công Đồng không bận tâm bênh vực đặc tính bí tích của phép Truyền Chức. Công Đồng như không lo lắng về những quá khích của Luther, nhưng chỉ muốn nhìn những điểm tích cực nhắc nhở Giáo Hội về chức tư  tế cộng đồng của dân Chúa.

Sự khác biệt bối cảnh này đưa tới cách suy nghĩ và trình bày khác. Chức linh mục theo Vaticanô II ít được coi như một quyền hành trên bí tích Thánh Thể hơn là một ân sủng dành cho sứ vụ. Về “ấn tín”, các nghị phụ chỉ nhắc lại điều cốt yếu của Công đồng Trentô là “các linh mục được một bí tích riêng in dấu đặc biệt” (LM 2). Công Đồng không rút ra hệ luận tu đức từ “ấn tín”, nhưng hướng “ấn tín” về chức năng đặc thù của linh mục trong Giáo Hội là “thay mặt Chúa Kitô là Đầu mà hành động”.

Để hiểu rõ hơn giáo lý của Công đồng Vaticanô II, chúng ta cần lưu ý ba điểm :

1º Vaticanô II không thể xác định chức năng đặc thù của linh mục mà không nối kết với chức giám mục (utpote Ordini Episcopali conjunctum). Linh mục lãnh nhận chức năng của mình từ Chúa Kitô, luôn phải thi hành chức năng ấy trong Giáo Hội, liên kết mật thiết với chức giám mục. Linh mục thông phần “quyền bính mà Chúa Kitô dùng để xây dựng, thánh hóa và cai trị Giáo hội. Chức linh mục là “quyền thừa tác” trong Giáo Hội.

2º Vaticanô II không tách rời bí tích Truyền Chức khỏi ba bí tích khai tâm Kitô giáo (Rửa Tội, Thêm Sức, Thánh Thể). Tương quan không thể xóa bỏ với ba bí tích làm nên dân Chúa chứng tỏ mục tiêu của chức linh mục là xây dựng Nhiệm Thể Chúa Kitô.

3º Điểm thứ ba là một câu rất quan trọng: “ut in persona Christi Capitis agere valeant”. Câu này làm nổi bật tính đặc thù của phẩm trật trong Giáo Hội. Điều khác biệt căn bản nhất giữa linh mục và Kitô hữu giáo dân là: linh mục là dấu chỉ của Đức Kitô làm Đầu Giáo hội. Linh mục không những là người chủ sự Thánh Thể nhân danh Đức Kitô, mà còn là đầu trong toàn bộ sứ vụ. Sứ vụ làm đầu này không do phép Rửa, nhưng do “bí tích riêng in dấu đặc biệt”.

Nội dung chức tư tế thừa tác

Đối với Công đồng Trentô, nội dung chức tư tế thừa tác là “quyền tư tế”, là “quyền thánh chức” (potestas ordinis), quyền trên bí tích Thánh Thể. Linh mục là người tế lễ.

Đối với Vaticanô II, nội dung chức tư tế thừa tác rộng hơn: tất cả công tác “Phúc Âm hóa” hướng về Hy Tế Thánh Thể. Linh mục là thừa tác viên rao giảng Tin Mừng cho lương dân, thừa tác viên xây dựng Giáo hội, thừa tác viên cử hành Thánh Thể. Chức tư tế thừa tác bao trùm mọi sinh hoạt của Giáo hội, nhưng một cách đặc biệt hơn gắn liền với nhiệm vụ loan báo Tin Mừng.

                                                                              

+ Phaolô Bùi Văn Đọc

Giám mục giáo phận Mỹ Tho

 


Năm Linh Mục