DUNG MẠO LINH MỤC DƯỚI ÁNH SÁNG CỦA BA NGÔI THIÊN CHÚA

 

Dàn bài:

Dẫn nhập

Linh mục là người Thầy trong Chúa Thánh Thần

Linh mục là người Anh cả trong Chúa Kitô

Linh mục là người Cha trong Thiên Chúa Cha

Kết luận

 

DẪN NHẬP

Cuộc khủng hoảng linh mục khá trầm trọng ở nhiều nơi sau Công đồng Vaticanô II ngày nay đã lắng dịu. Chân tính hay căn cước linh mục (identité du prêtre) được coi là vấn đề gai góc nhất lúc bấy giờ, nay không còn gai góc nữa.

Gương mặt của giám mục và linh mục trong Giáo Hội càng ngày càng trở nên rõ nét hơn cùng với việc đề cao giáo dân đúng theo thần học của Vaticanô II. Ngày hôm nay, không ai sợ lẫn lộn linh mục và giáo dân, tuy thỉnh thoảng vẫn còn hiện tượng “đá lộn sân” xảy ra trong các Giáo Hội tại các nước chưa phát triển.

Không còn khủng hoảng về chân tính linh mục, nhưng lại có sự khủng hoảng khác về chứng từ linh mục và hiệu năng linh mục.

Nhiều linh mục vẫn chưa sống đúng cương vị và thực hành đúng chức năng của mình. Có nhiều lý do.Ở đây chúng tôi không muốn đi sâu vào môn xã hội học tôn giáo (sociologie religieuse).

Thiết nghĩ hơn bao giờ hết, ngày hôm nay, giám mục và linh mục được mời gọi nổ lực tối đa sống đúng cương vị và thực hành đúng chức năng của mình, để đáp ứng yêu cầu của thời đại.

Để hỗ trợ cho những nỗ lực ấy, vẫn cần phải đào sâu về phương diện thần học. Có người cho rằng đã sâu thì không thể rộng. Suy tư về chức linh mục sâu xa quá, mà trong thực tế, ít có người thực hiện nổi, thì sự cao siêu ấy cũng chỉ là lý tưởng! Điều đó không đúng, vì linh mục trước hết phải sống theo ơn gọi của mình. Hơn thế nữa, ngày hôm nay, tương quan giữa thần học và đời sống khác trước đây nhiều. Thần học phải dẫn tới cuộc sống, đặc biệt là thần học về chức linh mục.

Trong ánh sáng mầu nhiệm của Chúa Ba Ngôi, chúng ta sẽ thấy rõ ràng và hấp dẫn gương mặt và chức năng của linh mục: linh mục là người của Thiên Chúa (homme de Dieu) và là người của Hội Thánh (homme de l Église), sống vì loài người và cho loài người như Đức Kitô trong tư cách là thầy, là tư tế và là mục tử.

 

I. NGƯỜI THẦY TRONG CHÚA THÁNH THẦN

1. Thánh Thần phục vụ Tin Mừng cứu độ

Theo Phaolô, không ai có thể tuyên xưng Đức Kitô là Chúa, nếu không có Thánh Thần; cũng không ai có Thánh Thần, mà có thể nguyền rủa Đức Kitô: Giêsu, đồ chúc dữ ! (x. 1Cr 12,3).

Theo Tin Mừng Gioan, Thánh Thần Thiên Chúa sẽ dẫn các môn đệ vào tất cả sự thật (x. Ga 16,13). Và sự thật, theo Gioan, là mầu nhiệm Thiên Chúa được mạc khải trong Đức Giêsu Kitô. Thánh Thần mà Đức Kitô sai đến từ Thiên Chúa là Thánh Thần Chân Lý: Ngài làm chứng cho Chúa Giêsu, cho công việc cứu chuộc và mạc khải của Chúa Giêsu (x. Ga 15,26). Thánh Thần là Thầy dạy mọi sự về Chúa Giêsu. “Dạy”, theo ngôn ngữ của Gioan, là “làm cho biết”, làm cho hiểu, nội giới hoá, cởi mở tâm hồn, để môn đệ đón nhận Chúa Giêsu vào trong lòng, tin vào Chúa Giêsu và yêu mến Chúa Giêsu (x. Ga 14,26).

Nếu Đức Giêsu đến trong thế gian để loan báo Nước Thiên Chúa, rao giảng Nước Trời, công bố Tin Mừng Thiên Chúa, thì Thánh Thần được sai đến để loan báo Đức Kitô, rao giảng và làm chứng cho Đức Kitô: “Thánh Thần sẽ lấy của Ta mà thông báo cho các ngươi” (Ga 16,14).

Thánh Thần không ngừng hoạt động, loan báo và làm chứng. Hoạt động của Thánh Thần biểu lộ tình yêu sâu thẳm của Thiên Chúa đối với chúng ta, hơn thế nữa biểu lộ cả tình yêu nội tại ở trong Thiên Chúa. Thánh Thần yêu mến Chúa Giêsu, như Chúa Giêsu yêu mến Chúa Cha và đến trong thế gian để mạc khải Chúa Cha. Thánh Thần không nói gì, làm gì ngoài ý muốn của Chúa Giêsu, cũng như Chúa Giêsu không nói gì, làm gì ngoài ý muốn của Chúa Cha (x.Ga 16,13-15).

Chúa Giêsu là vị Thiên Chúa đã trở thành “lịch sử”, để lịch sử nhân loại có dấu chứng chắc chắn về tình yêu của Thiên Chúa. Nhưng chính Đức Giêsu chưa “thỏa mãn” với lần đến lịch sử của Người (venue historique). Người sai Thánh Thần đến thế gian để kiện toàn công việc của Người. Thánh Thần là Đấng phục vụ Chúa Giêsu như Chúa Giêsu là Đấng phục vụ Thiên Chúa. Do đó Thánh Thần cũng chính là Đấng phục vụ Tin Mừng cứu độ của Thiên Chúa được mạc khải trong Đức Giêsu Kitô.

2. Linh mục là con người phục vụ Tin Mừng cứu độ trong Thánh Thần

Chúa Giêsu giao phó cho Thánh Thần công việc phục vụ Tin Mừng cứu độ, đồng thời cũng giao phó nhiệm vụ đó cho Hội Thánh, cho các tông đồ và những người kế vị các đấng. Lý do không phải vì một mình Thánh Thần không đủ sức, nhưng vì theo kế hoạch của Thiên Chúa Cha, Chúa Giêsu muốn cho Hội Thánh đựơc tham gia công việc của Thánh Thần, cùng làm chứng, cùng rao giảng với Thánh Thần.

Sứ vụ của Hội Thánh là rao giảng Tin Mừng cứu độ của Thiên Chúa trong sức mạnh và sự khôn ngoan của Chúa Thánh Thần. Sứ vụ của linh mục được xây dựng trên sứ mạng của Hội Thánh (phát xuất từ sứ vụ của Chúa Giêsu): linh mục, cùng với Thánh Thần tiếp nối sứ mạng của Chúa Giêsu Kitô ở trần gian.

Phaolô không ngừng khẳng định rằng, công việc chính yếu của ông là phục vụ Tin Mừng cứu độ. Sứ vụ của Thánh Tông Đồ là rao giảng Lời Chúa, loan báo mầu nhiệm đã được giữ kín từ muôn thuở, nay được bày tỏ trong Đức Giêsu Kitô. Và ông chia sẻ công việc này với các cộng sự viên, cũng là cộng sự của Thiên Chúa. (x. l Tx 3,2).

Mục tiêu của việc rao giảng Tin Mừng là làm cho mọi người nhận biết Đức Giêsu Kitô. Nhận biết Đức Giêsu Kitô đã là thờ phượng Thiên Chúa theo Thần Khí (x. Pl 3,3).

Sứ vụ tông đồ khơi dậy và củng cố niềm tin vào Đức Giêsu Kitô bằng việc rao giảng. Sứ vụ này phải được thực hiên cùng với Thánh Thần và trong Thánh Thần. Trong khi loan báo Tin Mừng, các tông đồ đóng vai trò dụng cụ của Thánh Thần, như một phương tiện để thánh hiến các dân tộc.

Được xức dầu Thánh Thần để tham gia sứ vụ của các tông đồ, ở một cấp độ phụ thuộc vào giám mục, các linh mục được cắt đặt chuyên lo rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa. Đó là một công việc thánh thiện, vì rao giảng Tin Mừng là cử hành phượng tự đích thực, nhờ đó các dân ngoại được tác thánh bởi Thần Khí và trở nên lễ vật thiêng liêng làm đẹp lòng Thiên Chúa (x. Rm 15, 16 ).

Theo giáo Lý của Công Đồng Vaticanô II, nhiệm vụ đầu tiên của linh mục là loan báo cho mọi người Tin Mừng của Thiên Chúa (x. LM 4). Linh mục mắc nợ với mọi người việc thông truyền cho họ chân lý Phúc Âm (x. LM 4). Nhờ nghe rao giảng Phúc Âm, người ta đi tới đức tin và lãnh nhận các bí tích ban ơn cứu rỗi (x. LM 4).

3. Linh mục là người thầy trong Chúa Thánh Thần

Linh mục không giảng dạy sự thông biết của mình, nhưng giảng dạy Lời Chúa và các mầu nhiệm của Thiên Chúa. Việc rao giảng không cốt nơi lời lẽ có sức thuyết phục của khoa khôn ngoan trần thế, nhưng nơi sự chứng minh bằng Thần Khí và quyền phép, bởi vì đức tin không xuất phát từ sự khôn ngoan của người đời, nhưng từ quyền năng, tức là Thánh Thần của Thiên Chúa (x. l Cr 2, 4-5).

Chúa Thánh Thần là Thần Khí ngôn sứ, là Sứ giả của Lời, công bố và giải thích Lời, để thiên hạ khám phá Lời Hằng Sống có khả năng ban sự sống đời đời. Cùng với Thánh Thần, linh mục là sứ giả của Lời, có nhiệm vụ công bố và giải thích Lời trong chính Thần Khí của Lời.

Thánh Thần là Thầy dạy chân lý, đưa dẫn mọi người vào sự thật trọn vẹn. Linh mục tiên vàn là môn sinh của Thánh Thần, để rồi trở thành thầy dạy chân lý trong Thánh Thần.

Thánh Thần nội tâm hoá mạc khải của Chúa Kitô. Thánh Thần làm cho Lời cư ngụ trong lòng các tín hữu, làm cho họ kết hiệp với Lời Sự Sống. Được tham gia vai trò này của Thánh Thần, linh mục phải làm cho người khác nhận biết và yêu mến Chúa Giêsu bằng chính tình yêu của Thánh Thần. Là thầy dạy yêu thương trong Thánh Thần, linh mục phải là người mang Thánh Thần, thấm đượm Thần Khí là hương vị ngọt ngào của Chúa Kitô Phục Sinh.

Linh mục có nhiệm vụ thánh hoá, làm cho người khác sống theo Thánh Thần; ngài là thầy dạy đời sống thiêng liêng (vie spirituelle: vie selon l’Esprit). Và sự sống thiêng liêng không gì khác hơn là tình yêu của Thiên Chúa trong Đức Giêsu Kitô được người kitô hữu khám phá, đón nhận và đáp trả nhờ Thánh Thần và theo Thánh Thần.

Đời sống cầu nguyện biểu lộ và phát huy tương quan tình yêu với Chúa Kitô và Thiên Chúa. Thánh Thần sẵn sàng làm cho tâm hồn con người khao khát và mời mọc Chúa Kitô: “Lạy Chúa, xin hãy đến” (Maranatha !). Thánh Thần còn làm cho người tín hữu bạo dạn và có khả năng tỏ tình với Thiên Chúa: Abba, lạy Cha ! Vắng bóng Thánh Thần, sự khao khát mong đợi Chúa Kitô sẽ trở nên mơ hồ và nhạt nhẽo, hư vô và trống rỗng! Không có Thánh Thần, tâm hồn con người sẽ cảm thấy Thiên Chúa xa vời và ảo tưởng. Là cộng sự viên của Thánh Thần, linh mục phải là thầy dạy cầu nguyện. Thế mà vai trò này đôi khi lại bị lãng quên, không được coi như “đặc thù” của linh mục!

Chúng ta có thể kể thêm rất nhiều phương diện khác nhau thuộc phạm vi giảng dạy của linh mục: linh mục là thầy dạy thống hối, thầy dạy thinh lặng nội tâm, thầy dạy lắng nghe, thầy dạy vui sống, thầy dạy hy sinh... Mọi khía cạnh của đời sống người tín hữu đều có liên hệ với Chúa Kitô, nên sứ mạng của linh mục có thể đúc kết trong nhiệm vụ cơ bản này: rao giảng Chúa Kitô là Tin Mừng của Thiên Chúa và dạy cách sống phù hợp với Tin Mừng ấy (prédicateur de l’Évangile et ma î tre de vie). Linh mục chỉ có thể thực hiện sứ vụ cao cả này cùng với Thánh Thần và trong Thánh Thần: linh mục là ngưòi thầy trong Chúa Thánh Thần.

Người của Thánh Thần không phải là con người phi thường hay lạ thường, nhưng là con người bình thường, thậm chí có khi còn tầm thường nữa, con người đó không đưa nhân vị của mình ra cản đường của Thánh Thần, nhưng là con người yếu đuối để cho “Gió muốn thổi mình đi đâu thì thổi”. Có thể nói, mỗi lần linh mục cúi đầu chịu tội, thú nhận mình là xác phàm, là lúc con người linh mục được “thần linh hoá”, mặc lấy Thánh Thần, và Thánh Thần sẽ chấp nhận hoạt động trong sự yếu đuối của xác phàm để biến đổi mọi xác phàm trở nên ‘thần khí’.

 

II. NGƯỜI ANH TRƯỞNG GIỐNG CHÚA KITÔ

1. Linh mục tham gia tư cách “Làm Đầu” của Chúa Kitô

Nếu Thánh Thần đưa dẫn con người đến với Đức Kitô, thì Đức Kitô, đến lượt của Người, có nhiệm vụ, theo kế hoạch của Thiên Chúa, đưa dẫn con người đến với Thiên Chúa. Đức Kitô đưa dẫn con người đi trên con đường xuyên qua và “vượt qua” thế gian về cùng Cha là Tình Yêu và là Cứu Cánh của lịch sử. Người đã thực hiện công việc Vượt Qua trong bản thân của mình: khi còn sống tại thế, Người luôn luôn hướng về Thiên Chúa Cha, Người đi đến cái chết, để khi tới “Giờ” vượt qua sự chết, Người về cùng Thiên Chúa Cha.

Con đường vượt qua của Đức Kitô không dành riêng cho Người, nhưng đã được mở ra cho tất cả nhân loại. Đức Kitô là Con Duy Nhất và Yêu Dấu của Thiên Chúa, nhưng ý định của Thiên Chúa muốn cho Người trở nên “Con Đầu” (Trưởng Tử), Người Anh Cả của đàn em đông đúc. Người là Con Người đầu tiên đi về cùng Thiên Chúa, đang kéo theo cả nhân loại hướng về Nhà Cha Chí Thánh (x. Ep 4,8).

Xét là Kitô hữu, linh mục bước theo Chúa Kitô trên con đường Vượt Qua; nhưng là linh mục, ngài tham gia vai trò dẫn đầu của Chúa Kitô, ngài thông dự vào mầu nhiệm vượt qua một cách đặc biệt hơn, với tư cách là đầu, là người anh trưởng giống như Chúa Kitô. Linh mục có nhiệm vụ đưa dẫn đàn em đi vào mầu nhiệm vượt qua của Chúa Kitô và với Chúa Kitô. Được hiến thánh làm linh mục, ngài được Thiên Chúa làm cho trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô Thượng Tế: “Linh mục được một bí tích riêng in dấu đặc biệt khi các ngài được xức dầu Thánh Thần: như thế các ngài nên giống Chúa Kitô Linh Mục, đến nỗi có quyền thay mặt Chúa Kitô là Đầu mà hành động” (... speciali charactere signantur et sic Christo Sacerdoti configurantur, ita ut in persona Christi Capitis agere valeant)... (x. LM 2).

Mọi Kitô hữu đều là những người em của Đức Kitô, và vì thế, đều là đàn em của linh mục. Là anh trưởng, là linh mục không tách rời khỏi cộng đoàn các Kitô hữu, nhưng là người dẫn đầu gắn liền với cộng đoàn.

Công đồng Vaticano II, mặc dù đề cao chức tư tế vương giả của toàn thể dân Thiên Chúa, rất nhấn mạnh vai trò làm đầu của linh mục. Chính sự tham gia của linh mục vào vai trò dẫn đầu của Chúa Kitô phân biệt chức tư tế thừa tác của linh mục với chức tư tế vương giả của dân Chúa.

Cương vị làm đầu của linh mục bao trùm toàn bộ sứ vụ của ngài. Trong mọi sự, linh mục là người đứng đầu lãnh nhận ân sủng của Thiên Chúa trong Đức Giêsu Kitô (présidence de la grâce). Vì là “đầu” của ân sủng (caput gratiae), chắc chắn linh mục có ân sủng làm đầu (gratia capitis).

2. Tư cách làm đầu của linh mục khi cử hành Thánh Thể

Sự tham gia của linh mục trong tư cách làm Đầu của Chúa Kitô được thể hiện cách rõ ràng và trọn vẹn nhất trong bí tích Thánh Thể, qua việc ngài cử hành mầu nhiệm Vượt Qua của Chúa Kitô để mọi người có thể thông dự vào.

Nhờ sự chết và sự sống lại, Đức Kitô đã trở thành Người Anh Trưởng, Anh của mọi người (Frère Premié- Né, Frère Universel). Khi cử hành Thánh Thể, linh mục cũng trở nên người Anh trưởng, người Anh Phổ Quát của toàn thể nhân loại.

Dĩ nhiên cử hành Thánh Thể tiên vàn là hành vi của Chúa Kitô, nhưng cũng chính vì thế, cửhành Thánh Thể trước hết là hành vi của linh mục, con người đã được Thiên Chúa tuyển chọn để tham gia cương vị làm đầu của Chúa Kitô. Chúng ta có thể khẳng định một cách mạnh mẽ mà không sợ lỗi thời và sai lạc: Thánh lễ là việc cử hành của linh mục, và qua việc cử hành này, dân Chúa mới có thể cử hành và tham gia mầu nhiệm Vượt Qua của Chúa Kitô: “Parce que le Christ est le Célébrant principal et que l’ Église offre le sacrifice en se laissant assumer en lui, c’est dans la Messe du prêtre que l’ assemblée célèbre la Messe...” (F. X. DURRWELL, l’ Eucharistie, sacrement pascal, éd. du Cerf, Paris 1980, p. 137).

Khi cử hành Thánh lễ, linh mục hành động với cương vị làm Đầu của Chúa Kitô: ngài là người Anh Cả giống như Chúa Kitô Trưởng Tử; mọi người khác, dù già trẻ lớn bé, có nhiều địa vị khác nhau, đều là đàn em gắn liền với người Anh trong mầu nhiệm Vượt Qua. Linh mục là dấu chỉ hữu hình và hữu thanh của Đức Kitô Thượng Tế Vĩnh Cửu đi qua các tầng trời để vào nơi Cực Thánh, đến trước Nhan Thiên Chúa. Chính vì thế chúng ta có thể gọi linh mục là “con người vượt qua”. (homo paschalis), là đại diện và là dấu chỉ của Đức Kitô Vượt Qua (Christus Paschalis), để cử hành mầu nhiệm Vượt Qua (Mysterium Paschale).

3. Mầu Nhiệm Vượt Qua là mầu nhiệm của tình Con và tình Anh Em

Mầu nhiêm vượt qua là mầu nhiệm sự chết và sự sống lại của Chúa Giêsu, nhưng xét dưới một khía cạnh khác, là mầu nhiệm của tình Con đối với Cha ( mystère de la filiation): Chúa Giêsu là Con “Chí Hiếu” của Chúa Cha: khi còn tại thế, mắt Người luôn nhìn Cha, lòng Người luôn hướng về Cha, chân Người chạy đến cùng Cha và cuối cùng Người trải qua cái chết để về cùng Cha. Giờ chết của Chúa Giêsu là Giờ Vượt Qua (Hora Paschalis) và là cao điểm của tình Con.

Trên bình diện nhân tính, biến cố Vượt Qua là biến cố tái sinh Chúa Giêsu trong sự sống mới, sự sống thần linh. Con người của Chúa Giêsu được đặt làm Con Thiên Chúa nhờ quyền năng phục sinh là Thánh Thần. Sự tái sinh của Chúa Giêsu sẽ làm cho những ai tin vào Người cũng được tái sinh nhờ Thánh Thần. Những ai tin vào Chúa Giêsu cũng được nhận làm con Thiên Chúa cùng với Người.

Là mầu nhiệm của tình Con, biến cố Vượt Qua của Chúa Kitô cũng là mầu nhiệm của tình Anh Em (Mystère de la Fraternité). Trong cuộc sống và cái chết, Chúa Giêsu đã tự nối kết mình với mọi người, và nhờ được phục sinh trong Thánh Thần, Người trở thành người Anh Phổ Quát. Người là Con yêu dấu của Thiên Chúa đã ở giữa anh chị em và hiện nay còn đang ở giữa anh chị em. Nhân danh Thiên Chúa Cha, Người Con Đầu Lòng và Người Anh Trưởng này đang tiếp đón đàn em của mình, giải hoà anh chị em với Thiên Chúa và nối kết anh chị em lại với nhau.

Bí tích Thánh Thể, cử hành mầu nhiệm Vượt Qua, là bí tích của tình huynh đệ, nối kết mọi người thành một Thân Thể với Chúa Kitô là Đầu: mọi người trở nên những người em của Chúa Kitô và là anh chị em với nhau. Hiệp thông trong bí tích Thánh Thể là sự hiệp thông huynh đệ với Chúa Kitô và với nhau của những người con cùng Cha trên trời. Là người Anh cả, người dẫn đầu hữu hình, cùng với Chúa Kitô là Đấng dẫn đầu vô hình, linh mục hoạt động đưa đàn em vào sự hiệp thông vĩnh cửu của Thiên Chúa Ba Ngôi.

Để trở thành con người đưa mọi người vào mầu nhiệm hiệp thông, linh mục trước hết phải là người “quy tụ” như Chúa Giêsu. Chúa Cha sai Chúa Giêsu đến thế gian, để trở thành người Anh Trưởng quy tụ đàn em về một mối. Linh mục cũng quy tụ mọi người, để mọi người cùng với Chúa Giêsu lãnh nhận sự sống thần linh từ nơi Thiên Chúa. Linh mục được mời gọi tham gia vai trò “Thâu Kết” của Đức Kitô (le Christ Récapitulateur).

Chúa Giêsu quy tụ nhân loại tản mác khắp nơi nhờ Lời và Thánh Thần, linh mục cũng quy tụ họ bằng Lời và Thánh Thần, Đấng là ơn thông hiệp viên mãn cánh chung.

Chúa Giêsu quy tụ các anh chị em của Người để chúc tụng, tôn vinh Thiên Chúa Cha; linh mục là người Anh cả, đại diện Chúa Kitô, khởi xướng và chủ sự việc chúc tụng tôn vinh Thiên Chúa.

Khi còn tại thế, Chúa Giêsu là người con có tâm hồn tràn ngập lòng biết ơn đối với Thiên Chúa. Hiện nay, Người vẫn không ngừng cảm tạ tình thương bao la của Thiên Chúa, riêng cho Người và chung cho toàn thể nhân loại. Trong bí tích Thánh Thể, linh mục tham gia vai trò Anh Trưởng của Chúa Giêsu, cử hành nghi lễ Tạ Ơn Thiên Chúa cho mình và cho tất cả anh chị em mình.

 

III. NGƯỜI CHA GIỐNG NHƯ THIÊN CHÚA

1. Chúa Cha ban Chúa Kitô cho nhân loại

Chúa Kitô, người Anh Trưởng đáng yêu, Người dẫn đầu đường Vượt Qua đi về cùng Thiên Chúa, do chính Thiên Chúa Cha ban cho chúng ta. Thiên Chúa Cha đầy tình nhân ái, không tiếc gì với chúng ta, đã không ngần ngại ban Con Yêu Dấu và Duy Nhất của Ngài cho nhân loại.

Chúa Kitô là Ơn Cứu độ, là Lời Hằng Sống, là Bánh bởi Trời, là Sự Sống lại và Sự Sống mà Thiên Chúa cống hiến cho nhân loại. Người là quà tặng, là hồng ân lớn nhất và kỳ diệu nhất mà Thiên Chúa ban cho chúng ta (Donum Mirabile).

Nếu có đức tin, chúng ta sẽ không ngớt ngỡ ngàng, ngạc nhiên vì tình thương của Thiên Chúa. Chúa Kitô là con bởi Lòng Dạ Ngài, gắn liền với Ngài không hề phân ly, thế mà Ngài vẫn ban cho chúng ta!

Càng hiểu Chúa Kitô, càng yêu Chúa Kitô, chúng ta càng khám phá tầm vóc lớn lao của hồng ân Thiên Chúa, và như thế chúng ta càng cảm được tấm lòng của Thiên Chúa đối với chúng ta, tấm lòng mà Kinh Thánh Cựu Ước đã phải dùng rất nhiều hình ảnh để mô tả: tình của người cha, tình của người mẹ, tình của người chồng, tình của người yêu, tình của người bạn...

Khi chưa nhận ra hồng ân lớn nhất của Thiên Chúa, chúng ta vẫn chưa nhận được tấm lòng của Thiên Chúa.

Tình Cha của Thiên Chúa không bao giờ chấm dứt, vì Ngài là Đấng trung tín đến muôn đời. Ngài đã ban và không ngừng ban cho nhân loại Con yêu dấu là Chúa Kitô. Chúa Kitô là hồng ân luôn luôn hiện tại (Donum actuale), mà mỗi ngày người Kitô hữu đều có thể lãnh nhận. Mỗi ngày chúng ta đều có niềm vui tiếp đón Chúa Kitô đến từ nơi Thiên Chúa.

Trong kế hoạch cứu độ của Ngài, Thiên Chúa muốn có dấu chỉ hữu hình của tình cha tại trần gian. Như đã thánh hiến Chúa Kitô và sai vào thế gian, Ngài đã thánh hiến các môn đệ trong Chúa Kitô và sai đến thế gian để làm chứng cho tình yêu của Ngài. Để tiếp nối công việc của các tông đồ, giám mục và linh mục cũng được thánh hiến và sai đi.

Thiên Chúa không muốn cho những người được sai đi chỉ làm chứng bằng lời nói suông, vì thế Ngài đã đặt trong bàn tay của họ khả năng ban phát Chúa Kitô. Ngài không ngừng ban cho Giáo Hội và toàn thể nhân loại sự sống của Chúa Kitô qua bàn tay của linh mục. Đó là thực tại không thể tưởng tượng nhưng là điều kỳ diệu Thiên Chúa đã làm, biểu lộ sự khiêm tốn tế nhị của Ngài.

Sự “khiêm nhường” của Thiên Chúa là “cao điểm” của tình yêu. Tình yêu hạ mình đến cùng có tác dụng cất nhắc con người, làm cho con người gặp gỡ Thiên Chúa và được sống.

Tình Cha của Thiên Chúa thật sâu thẳm, không ai hiểu thấu. Người cha gia đình, là cha trên bình diện máu huyết, không thể nào biểu lộ hết tình Cha của Thiên Chúa. Chỉ có người cha “thiêng liêng” được tác thánh, được xức dầu Thần Khí mới có thể thi hành nhiệm vụ đại diện Thiên Chúa Cha ban phát Chúa Kitô cho nhân loại.

Nhiều giáo phụ đã bàn tới “đặc tính làm cha thiêng liêng” của linh mục một cách rõ ràng và sâu sắc: “ Ai không ăn thịt của Chúa, sẽ không có sự sống đời đời. Vậy chắn chắn chúng ta chỉ nhận lãnh hồng ân do từ bàn tay đã được thánh hiến của linh mục. Chính linh mục đã sinh ra chúng ta một cách thiêng liêng nhờ phép Rửa... “ (JEAN CHRYSOSTOME, Sacerd. PG 48, 644). “Lời Chúa, bí tích, mục vụ chỉ là những dấu chỉ của “đặc sủng sinh hạ” những con người máu huyết và xác thịt cho sự sống thần linh” (GREGOIRE DE NAZIANZE, Oratio II).

2. Linh mục phản ánh sự Nhiệm Sinh Kỳ Diệu

Tư cách làm cha của linh mục còn có một ý nghĩa thứ hai, quan trọng không kém: phản ánh sự Nhiệm Sinh Kỳ Diệu trong Thiên Chúa.

Chúa Cha không ngừng sinh ra Chúa Con và yêu mến Chúa Con. Tất cả tình yêu của Chúa Cha dành cho Chúa Con. Niềm vui của Chúa Cha là Chúa Con, lẽ sống của Chúa Cha là Chúa Con, vinh dự của Chúa Cha là Chúa Con. Đối với linh mục, chúng ta có thể khẳng định theo loại suy: niềm vui của linh mục là người Kitô hữu, lẽ sống của linh mục là người Kitô hữu và vinh dự của linh mục cũng là người Kitô hữu.

Hội Thánh là cộng đồng yêu thương phản ánh sự hiệp thông trong Thiên Chúa Ba Ngôi. Hơn ai hết, linh mục phải là đầu mối, khởi thuỷ của sự hiệp thông này, giống như Chúa Cha là Khởi Nguyên, là Nguồn Suối của tình yêu và sự sống trong Thiên Chúa Ba Ngôi.

Chúa Cha là Nguyên Thủy, không phải vì Ngài cao trọng hơn Chúa Con, nhưng vì Ngài là Cha, Đấng không được sinh ra (non generatus). Đại diện cho Thiên Chúa Cha, linh mục là giềng mối của sự hiệp thông bác ái, không phải vì linh mục cao cả hơn giáo dân, nhưng vì linh mục là cha.

Nếu linh mục hiểu hết ý nghĩa của sứ mạng và vai trò của mình, sống trọn vẹn Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi trong Hội Thánh, đưa các Kitô hữu vào sự hiệp thông với Ba Ngôi Thiên Chúa, chắc chắn linh mục sẽ thấy Kitô hữu là niềm vui, là lẽ sống và là vinh dự của mình. Linh mục sẽ không ngừng ban phát bản thân cho Kitô hữu như Chúa Cha không ngừng ban phát chính mình trong Chúa Kitô. Linh mục là dấu chỉ của sự “Tự Hiến Vĩnh Cửu” của Thiên Chúa.

3. Linh mục, chứng nhân của Chúa Cha Vô Hình

Theo trường phái tu đức Pháp quốc (École Francaise), linh mục không thuần tuý là con người được cắt đặt để phục vụ người khác. Các ngài là những người được chọn làm dấu chỉ nhắc nhở cho nhân loại, do sự thánh hiến mà các ngài đã lãnh nhận, quyền tối thượng và những đòi hỏi tuyệt đối của Thiên Chúa Siêu Việt. Linh mục là người cha tinh thần nhưng hữu hình, dấu chỉ của Thiên Chúa là Cha Vô Hình. Tư cách làm cha của linh mục là đời sống của một con người “như thấy Đấng Vô Hình”.

Trong một xã hội càng duy vật, tư cách làm cha tinh thần của linh mục càng quan trọng và cần thiết. Cuộc sống của linh mục là biểu tượng cho Thiên Chúa đầy tình thương và uy quyền.

Uy Quyền của Thiên Chúa là Tình Thương Tuyệt Đối. Ngài không muốn cho ai tuyệt vọng, vì nghĩ mình bị bỏ rơi, nhưng muốn cho mỗi người có niềm hy vọng, dù là người tội lỗi và yếu đuối nhất, Dụ ngôn “người Cha Nhân hậu” trong Tin Mừng Luca là hình ảnh đẹp nhất về Thiên Chúa; linh mục phải luôn luôn mang hình ảnh này.

Tình Thương của Thiên Chúa không là tình cảm uỷ mị, mà là Uy Quyền Tuyệt Đối, nên không ai có thể khinh thường Thiên Chúa. Không ai có thể tranh giành Quyền Bính Tối Thượng của Thiên Chúa , bắt buộc người khác khuất phục mình. Chỉ một mình Thiên Chúa có Quyền Tuyệt Đối, vì tự bản chất, Ngài là Thiên Chúa, và tự bản chất, Ngài là Tình Thương.

Trên bình diện siêu nhiên, con người linh mục thật cao trọng, vì đã được Thiên Chúa yêu thương đặc biệt. Linh mục đã nhận lãnh nhưng không, phải ban phát nhưng không.

Vì ích lợi của dân Chúa, các giáo phụ đặc biệt nhấn mạnh đến cương vị cao trọng của linh mục: “Bạn không biết linh mục là ai sao? Ngài là thiên thần của Thiên Chúa. Những điều ngài nói đâu phải do ngài! Khinh dễ ngài là khinh dể Thiên Chúa. Nếu không phải Thiên Chúa hành động qua ngài, chẳng có phép Rửa, chẳng có hiệp thông vào các mầu nhiệm, cũng chẳng có phúc lành, và như thế bạn không còn là Kitô hữu nữa” (JEAN CHRIRYSOSTOME PG 62, 610).

 

Lời Kết

Theo giáo lý cùa Công đồng Vaticanô II, giám mục có chức tư tế thừa tác viên mãn. Giám mục là người Cha, người Thầy và là người Anh Cả trong Dân Chúa. Chức linh mục viên mãn này, giám mục chia sớt cho các linh mục, thực thi qua các linh mục. Số đông các linh mục là “bài tính nhân’”đối với các giám mục (multiplication de l’Évêque), không phải chỉ trên bình diện địa dư, nhưng để phản ánh “tính đa diện” của chức vụ linh mục viên mãn, để biểu lộ tình cha con, tình thầy trò và tình anh em của giám mục.

Bất cứ linh mục nào cũng đều phải ý thức mình là cha, là thầy và là anh cả. Nhưng vì là con người có giới hạn, phong thái của mỗi vị có thể khác nhau: có vị nghiêng về tình cha, có vị nặng về tình thầy, vị khác chứa chan tình huynh đệ. Do đó các linh mục cần bổ sung cho nhau, để sứ mạng linh mục được thể hiện trọn vẹn. Nếu biết lưu ý và suy nghĩ cẩn thận, chúng ta sẽ khám phá ra nhiều đường lối mục vụ khác nhau, bổ sung cho nhau, đưa tới lợi ích tối đa cho dân Chúa: có mục vụ của người cha (pastorale paternelle), có mục vụ của người anh (pastorale fraternelle), và có mục vụ của người thầy (pastorale du maître).

Mọi người trong dân Chúa đều cần tình thương của người Cha, cần sự hướng dẫn của người Thầy và sự chia sẻ của người Anh. Nhân loại đang bị khủng hoảng về quyền bính đang cần tình Cha đích thực; nhân loại đang khắc khoải về tình huynh đệ, đang cần những người Anh can đảm dấn thân; nhân loại đang ở trong bóng tối không nhìn thấy ánh sáng, đang cần những vị Thầy không ngoan đầy Thần Khí.

+ Phaolô Bùi Văn Đọc

Giám mục giáo phận Mỹ Tho

 

 


Năm Linh Mục