“Năm Linh Mục”, chia sẻ với em: Đức Ái của linh mục Chúa Ki-tô

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb

(tiếp theo)

2. ĐỨC ÁI VỚI GIÁO DÂN

Thánh Phao-lô tông đồ đã nói: “Cũng như anh em đã từng trỗi vượt về mọi mặt: về đức tin, lời giảng, sự hiểu biết, lòng nhiệt thành trong mọi lãnh vực, và về lòng bác ái mà anh em đã học được nơi chúng tôi, thì anh em cũng phải trỗi vượt về lòng quảng đại trong dịp lạc quyên này nữa.”( 2 Cor 8, 7-8.)

Vâng, các linh mục đều trỗi vượt giáo dân về mọi mặt: đức tin, sự hiểu biết về Thiên Chúa và lòng nhiệt thành với Chúa và Giáo Hội, và nhất là lòng bác ái cao thượng của các ngài đối với mọi thành phần dân Chúa, bởi vì mục đích mà Giáo Hội sai phái các linh mục đến với mỗi giáo xứ, không phải là làm cho người giáo hữu ở đó, nhìn thấy Chúa Giê-su và Giáo Hội đang ở trong con người của các linh mục hay sao ? Do đó mà mọi lời nói, mọi việc làm của linh mục đều bày tỏ Đức Ái của Chúa Giê-su đang thực hiện trên giáo xứ của ngài.

a. Quyên góp xây dựng giáo xứ.

Có một vài linh mục vì bức xúc với cuộc sống nghèo khó của giáo dân mình, nên đi đông đi tây để kiếm tiền về cho con em trong giáo xứ được đến trường học, đây là bức xúc do Đức Ái tự tâm hồn của cha sở mà có; tuy nhiên vì để cho giáo xứ có bộ mặt văn hóa mới như các giáo xứ lớn trong thành phố của mình, nên có các linh mục hết vay tiền người này đến vay tiền người nọ, để thực hiện các công trình do chính tay mình hoặc thuê các kiến trúc sư vẻ kiểu mẫu, mà không cần tham khảo ý kiến của giáo dân (ít nữa là của ban hội đồng giáo xứ), cho đến khi vỡ nợ thì bị mọi người khinh dễ và coi thường, và hậu quả là ngài phải bỏ trốn khỏi giáo xứ của mình, vì không trả nổi số tiền nợ quá lớn mà ngài tự mình vay mượn...

Đức Ái là không để gánh nặng trên vai người nào cả, bởi vì hoa quả của Đức Ái trước tiên là niềm vui hoan lạc, niềm vui hoan lạc này không thể có được khi linh mục đi vay tiền để sửa lại nhà thờ, khi mà nhà thờ của giáo xứ vẫn còn sử dụng được đến cả mấy chục năm; niềm vui này cũng không thể có được khi linh mục không vì hoàn toàn danh Chúa để làm phòng ốc sinh hoạt của giáo xứ, nhưng danh Chúa thì chỉ một phần ba mà thôi, hai phần ba còn lại là vì danh tiếng cá nhân của mình, làm để được tiếng khen để đời, làm để lỡ đức giám mục đổi đi thì cũng có gì đó để lại cho giáo xứ chứ; niềm vui này cũng không thể có được khi mà giáo xứ đã có đầy đủ phòng ốc, nhà thờ mới xây dựng đẹp đẽ hùng tráng, các em nhỏ nghèo trong giáo xứ được giúp đỡ đến trường, thì tiếng xì xầm to nhỏ của giáo dân bay ra khắp nơi là cha sở đi xin tiền về cho giáo xứ, nhưng hết một nửa tiền thì ngài bỏ túi riêng để sử dụng cho mình hoặc cho gia đình bà con của ngài...

Chúa Giê-su –vị mục tử nhân lành và nghèo khó- không muốn Đức Ái kiểu đó của linh mục, nhưng Ngài muốn linh mục phải thể hiện bản lãnh Đức Ái của mình, trong sứ mạng của một mục tử hết lòng tin tưởng và phó thác vào tình yêu của Ngài, chính vì thế mà Chúa Giê-su trong Tin Mừng của thánh Mát-thêu đã hai lần Ngài nhấn mạnh là Thiên Chúa cần “tấm lòng nhân chứ đâu cần lễ tế” ( Mt 9, 13; 12, 7.), bởi vì kính mến Thiên Chúa và yêu thương tha nhân thì mới gọi là lễ tế đích thực, tức là Ngài muốn các linh mục dùng Đức Ái của mình để xây dựng đền thờ tâm hồn của các tín hữu, hơn là xây dựng đền thờ vật chất mà Đức Ái chỉ là cái vỏ bọc bên ngoài, để che giấu những kiêu căng bên trong tâm hồn của mục tử; Thiên Chúa cần Đức Ái của các linh mục để làm cho tâm hồn các tín hữu đoàn kết với nhau, hơn là xây dựng nhà thờ nguy nga đồ sộ mà đàn chiên tan nát vì những ghét ghen, tị hiềm, phe cánh khi nhà Chúa vừa mới xây xong; Ngài muốn Đức Ái của linh mục phải là động cơ lôi kéo những tâm hồn giáo dân nguội lạnh lòng mến, khô khan lòng đạo, biết đốt lên ngọn lửa mến Chúa yêu người qua việc thực hiện Đức Ái của linh mục, hơn là khoe khoang mình đã vì giáo xứ, vì nhà Chúa mà hao tổn rất nhiều vật chất lẫn tinh thần...

Em thân mến,

Vì có một vài linh mục nghĩ rằng Thiên Chúa muốn cư ngụ trong một nhà thờ lộng lẫy nguy nga, nên các ngài đi xin của bố thí nơi những giáo dân có máu mặt để xây nhà thờ, để xây mới hoặc sửa sang lại phòng ốc cho các sinh hoạt của giáo xứ, nghĩa là hể cần tiền là đến với họ (những gia đình giàu có), cho nên có không ít giáo dân giàu có ấy coi thường các linh mục của mình, và coi các ngài như là một con người tầm thường không hơn không kém những người đến vay mượn tiền của họ là bao nhiêu.

Có mẫu chuyện đối thoại thật này: “Mấy ngày tết, trong nhà giáo dân giàu có nọ, có người hỏi bà chủ nhà: “Tết năm nay chị không đi chúc tết các cha quen biết à ?”

Bà chủ nhà trả lời: ”Chị mà đi chúc tết các ông cha ấy à ? Các ông cha ấy phải đến đây chúc tết chị mới phải chứ...!”

Tại sao lạ vậy ? Từ trước đến nay có giáo dân nào bắt cha sở hoặc các linh mục phải đến chúc tết mình trước, thật là điều nghịch nhĩ và chói tai trái sự đời, vậy mà chuyện này lại có thật trong giáo xứ nọ. Chẳng qua là tại vì các ông cha ấy thường chạy đến nhà bà giáo dân giàu có nọ để xin tiền về cho nhà thờ, nghĩa là ngài muốn làm gì ở nhà thờ, thì chạy đến “cầu cứu” với bà chủ giàu có ấy, hoặc xin tiền cho cá nhân mình tiêu xài, nên mới có chuyện coi thường các ngài như vậy, mà không coi thường sao được khi có các linh mục hể rãnh rỗi là đến những nhà giáo dân ấy chơi từ sáng đến tối, ngày tết thì đến đánh bài, ngày thường thì đến ăn cơm uống rượu. Đức Ái của các linh mục đối với nhà thờ nhà xứ mà bày tỏ không đúng chỗ, thì ngay cả người giáo dân nghèo cũng khinh thường các ngài, bởi vì giáo dân không ai muốn người khác coi thường các linh mục, nhất là coi thường cha sở của mình, họ đau lòng lắm khi thấy những người giàu có giúp đỡ cho cha sở mình rồi coi thường các ngài, thậm chí khi nói chuyện với cha sở mà cha sở thì một thưa bà hai thưa chị coi bộ. ..lép vế, làm mất đi tư cách vừa là linh mục vừa là mục tử của mình.

Đức Ái vì nhà Chúa nơi các linh mục, không phải đi quỵ lụy những người cho tiền để các ngài xây dựng nhà thờ, nhưng các ngài phải làm sao cho Đức Ái của mình tỏa sáng, để giáo dân –dù nghèo hay giàu- cũng tự nguyện đóng góp cho nhà Chúa, không phải than thờ hoặc khoe khoang, nhưng là vì những lời nói của cha sở là sự thật, và hành động của cha sở thì luôn bày tỏ Đức Ái của ngài với việc xây dựng nhà Chúa đã đánh động tâm hồn của giáo dân, để rồi họ rộng tay với nhà Chúa trong trách nhiệm và yêu thương.

Có một vài giáo xứ, cha sở muốn xây dựng nhà thờ thì khoáng cho giáo dân bao nhiêu phần trăm, còn lại ngài đi quyên tiền những nơi khác, giáo dân giàu hay nghèo cũng phải gánh lấy khoảng tiền mà cha sở khoáng cho họ, có những gia đình nghèo cơm không đủ ăn, không có tiền cho con cái đóng học phí, nhưng vì cha sở đã nói và phân chia khoảng phải đóng góp để làm nhà thờ mà họ phải cắn răng bóp bụng để đóng góp với giáo xứ. Có một vài giáo dân đi hợp tác lao động nước ngoài (Taiwan) đã nói với anh rằng, gia đình ở bên Việt Nam (miền Bắc) gọi phone qua nhắc gởi tiền về để đóng góp cho nhà thờ, năm ngoái họ đã gởi về gia đình mười triệu đồng (VN) rồi, bây giờ lại phải gởi về nữa vì cha sở nói không đủ. Chắc chắn Thiên Chúa không muốn cư ngụ trong những nhà thờ như thế, khi mà tâm hồn giáo dân than vãn vì làm nhà Chúa mà họ phải cực khổ thêm. Đương nhiên cha sở có nhiều cách để trả lời cho họ: nào là nhà thờ xuống cấp rồi, nào là không có chỗ để cho con em học giáo lý, nào là phải xây dựng giáo xứ của mình càng ngày càng đẹp.v.v... nhưng khi khánh thành nhà thờ thì người ta trầm trồ khen ngợi nhà xứ của cha sở ở thì quá đẹp, quá tiện nghi và sang trọng hơn cả nhà thờ là nhà của Chúa, cửa kính nhà cha sở bóng loáng, vào phòng khách nhà cha sở mát rượi như vào khách sạn năm sao ở thành phố Sài Gòn, còn vào nhà thờ chầu Chúa muốn mở cái máy quạt cũng bị cha nạt nộ...

Thánh Augustin nói rằng: “Có tình yêu thì không có nhọc nhằn; cho dù có nhọc nhằn thì nhọc nhằn này cũng bị tình yêu hóa lỏng.” Đức Ái là như thế, nhọc nhằn của nó chính là hoan lạc trong tâm hồn, sự hoan lạc này được phát xuất từ tâm hồn yêu thương của linh mục, được sự đồng tình của giáo dân trong các công việc của giáo xứ, và do đó, dù có gặp nhiều phá phách hay ngăn trở, thì Đức Ái cũng vẫn luôn là kim chỉ nam hướng dẫn mọi công việc làm của linh mục tại nơi mà mình phục vụ, nhất là trong cộng đoàn giáo xứ.

b. Đức Ái trong lời nói.

Đức Ái đối với mọi người và với giáo dân nơi giáo xứ mình phục vụ, không phải chỉ là đi quyên tiền xây dựng nhà thờ mà thôi, nhưng còn là đối xử cách trân trọng và lịch sự với giáo dân của mình nữa, đó mới chính là Đức Ái thật sự làm cho người khác nhìn thấy linh mục như là một mẫu gương đạo đức thánh thiện, một nhà mô phạm gương mẫu, thánh Phao-lô tông đồ đã khuyên dạy ông Ti-mô-thê rằng: “Đừng nặng lời với cụ già, nhưng khi khuyên nhủ, hãy coi cụ như cha; hãy coi các thanh niên như anh em, các cụ bà như mẹ, các thiếu nữ như chị em, với tấm lòng hoàn toàn trong sạch.”( 1 Tm 5, 1-2.) Lời dạy của ngài đầy tràn Đức Ái mà tất cả mọi người Ki-tô hữu đều phải biết và thực hành, nhất là các linh mục, bởi vì quyền cai quản, giảng dạy và thánh hóa của Chúa Giê-su, đã được trao cho các linh mục của Giáo Hội Công Giáo, do đó, Đức Ái của các linh mục khi thi hành công việc mục vụ cần phải hài hòa, tôn trọng và lịch sự với mọi người trong giáo xứ của mình.

Có nhiều giáo dân than trách rằng, thời nay có một số linh mục trẻ sống thiếu nhân bản, bởi vì các ngài chỉ chú trọng đến việc xây dựng nhà thờ nhà xứ sao cho to lớn đẹp đẽ, hoành tráng, để thi đua với các linh mục bạn đang ở những giáo xứ lớn có đông giáo dân và nhà thờ đẹp, mà các ngài không chú trọng, hoặc chú trọng rất ít đến vấn đề nhân bản của các ngài khi tiếp xúc với giáo dân, mà nhân bản chính là Đức Ái trong giao tiếp vậy. Nếu một linh mục chính xứ chuyên tâm vào việc sống có Đức Ái với các giáo dân của mình, tức là các ngài sống có nhân bản Ki-tô giáo, thì giáo xứ của ngài chắc chắn sẽ là một giáo xứ phát triển đoàn kết và yêu thương, mà nhân bản Ki-tô giáo, nếu suy rộng ra, thì “cao cấp” hơn nhân bản của xã hội mà con người ai cũng phải học phải biết.

Nhân bản phổ thông là người nhỏ lễ phép với người trên, nói năng vâng dạ, bởi vì mình nhỏ hơn người đối diện, nhưng nhân bản Ki-tô giáo không những thấy mình nhỏ hơn người đối diện để nói chuyện cho lễ phép, mà còn nhìn thấy Chúa Giê-su trong người đang nói chuyện với mình nữa, có như thế mới tôn trọng và yêu mến họ được.

Có một vài linh mục trẻ coi chức linh mục vượt qua cả Đức Ái nên các ngài sống thiếu nhân bản với người già, chẳng hạn như nói năng cộc lốc với họ, bạt tai nhéo tai trẻ em và uống rượu với thanh niên trong giáo xứ, các ngài quên mất lời Đức giám mục đã răn dạy các ngài trong ngày truyền chức linh mục cho các ngài: “Vậy chúng con hãy luôn luôn vui vẻ chu toàn nhiệm vụ của Đức Ki-tô Thượng Tế trong Đức Mến chân thật, không tìm kiếm những sự thuộc về mình, nhưng tìm kiếm những gì thuộc về Đức Giê-su Ki-tô...” ( Lời nguyện truyền chức linh mục.)

Và, không phải ngẫu nhiên mà Chúa Giê-su đã dùng dụ ngôn người Sa-ma-ri tốt lành ( Lc 10, 29-37.) để đề cao Đức Ái, bởi vì trong dụ ngôn này, có đến ba nhân vật của ba giai cấp của xã hội thời đó được nhắc đến, đó là thầy tư tế, thầy Lê vi và người Sa-ma-ri ngoại đạo nhưng tốt lành. Thầy tư tế vì quá coi trọng chức tư tế hơn cả Đức Ái, cho nên đã bỏ mặc người bị nạn bên đường, thản nhiên bước đi; thầy Lê vi cũng coi trọng việc phục vụ bàn thờ là cao trọng hơn Đức Ái, nên cũng tránh qua người bị nạn mà đi; cuối cùng chỉ có người Sa-ma-ri ngoại đạo cũng đi ngang qua người bị nạn, nhưng không nhẫn tâm bỏ đi, mà cúi xuống băng bó vết thương, ân cần săn sóc người bị nạn.v.v...nghĩa cử cúi xuống săn sóc người bị nạn, người đau khổ chính là hành vi của Đức Ái mà tất cả mọi người có lương tâm đều phải làm, thì huống gì là thầy tư tế, thầy lê vi là những người mô phạm của Đức Ái !

Các linh mục của Chúa Giê-su càng phải coi trọng Đức Ái hơn tất cả mọi người, chức linh mục là một phẩm hàm cao quý, không do người đời nhưng do tự Thiên Chúa, do đó, mà các linh mục cần phải sống có Đức Ái và đặt Đức Ái trên tất cả mọi công việc của nhà xứ, và Đức Ái đòi hỏi các ngài phải hy sinh chính mình từ thời gian cho đến công việc, và vì Đức Ái mà các ngài phải quên đi ngay cả bản thân của mình.

Chu toàn bổn phận của Đức Ki-tô trong đức mến (Đức Ái) chân thật, chính là quên đi chức vụ linh mục khi phục vụ tha nhân, mà chỉ còn Đức Ái để phục vụ mà thôi, bởi vì khi phục vụ cộng đoàn mà các ngài vẫn còn nhớ đến chức vụ linh mục chính xứ của mình, thì các ngài sẽ chấp tay sau lưng để trò chuyện với những cụ già đáng tuổi cha ông của mình, hoặc nói năng xẳng giọng với họ, hoặc lớn tiếng nạt nộ -và có khi- bạt tai trẻ em khi chúng nó nghịch ngợm phá phách, hoặc “kỳ cục” hơn nữa, là các ngài lớn tiếng chỉ trích và đuổi không cho các cô thiếu nữ tham dự thánh lễ, vì các cô ấy mặc áo quần mô đen “híp hop”. Đức Ái không phải trợn mắt bặm môi, nhưng là hiền hòa giải thích, động viên khuyên bảo với tinh thần yêu thương của người cha trong gia đình, bởi vì một lời nói hiền hòa thì có sức mạnh hấp dẫn hơn cả một ngàn lời nói cộc lốc và nóng nảy.

Đức Ái trong lời nói không phải là nói năng dẻo kẹo để lấy lòng người khác, cũng không phải là nói những lời kể công kể trạng người này hay kết tội người kia, nhưng là biết kính trên nhường dưới, biết nhìn thấy cha mẹ mình nơi những cụ già để nói năng từ tốn với họ; biết nhìn thấy anh chị em của mình nơi các bạn trẻ thanh niên nam nữ, để chan hòa yêu thương và giúp đỡ; biết coi các em thiếu nhi như là những con cái mình, để yêu thương dạy dỗ bằng lời lẽ ôn tồn dịu dàng, có như thế, các linh mục mới đi sát với lời dạy của thánh Phao-lô tông đồ gởi cho ông Ti-mô-thê trên đây.

Đức Ái trong lời nói cũng là lời rao giảng của linh mục khi ngài đứng trên tòa giảng, lời giảng của ngài cần thể hiện Đức Ái rõ ràng nhất.

Có một vài linh mục dùng tòa giảng để “chửi” giáo dân vô tội vạ, làm đụng chạm đến vết thương sâu tận tâm hồn của họ, cho nên khiến cho nhiều người cảm thấy bị xúc phạm khi linh mục dùng tòa giảng để “sửa lưng” họ, cho nên họ không thích thú gì khi đến nhà thờ. Đức Ái như thánh Phao-lô tông đồ nói là tha thứ tất cả, là tin tưởng tất cả, có tha thứ cho giáo dân khi họ lỡ xúc phạm đến mình, thì tòa giảng mới trở nên nơi công bố lời hòa giải của Thiên Chúa, bằng không thì nó sẽ là hố sâu ngăn cách cha sở với họ, ngăn cách nhà thờ với họ và vô tình chính linh mục là người cản ngăn họ đến với Chúa. Có tin tưởng giáo dân, thì lời nói của mình mới được giáo dân tôn trọng, bằng không thì lời giảng của linh mục chỉ làm cho họ buồn ngủ, chán ngắt và bỏ ra ngoài tán dóc. Nếu không có Đức Ái tha thứ, thì dù cho linh mục có tài ăn nói lợi khẩu giảng cả tiếng đồng hồ, thì càng giảng, giáo dân càng thấy sự giả hình nơi linh mục mà thôi, bởi vì giáo dân đã thấy những gì linh mục làm, thường là ngược lại với những gì mà các ngài giảng cho họ nghe.

Có một vài linh mục trẻ nói với nhau rằng: “tớ giảng Lời Chúa ai nghe không nghe mặc họ.” Vâng, các ngài đang giảng Lời Chúa, nhưng Lời Chúa chỉ trên mặt chữ thì không thể nào thấm sâu vào trong tâm hồn của người nghe; Lời Chúa chỉ trên môi miệng thì người ta sẽ nghe tai này lọt qua tai khác và bay mất tiêu, cũng như hạt giống gieo vào đất cứng khô cằn không có nước thì nếu không bị chim trời đến ăn, thì cũng sẽ bị côn trùng gậm nát. Đức Ái của linh mục nơi tòa giảng quan trọng chẳng khác gì khi linh mục mở kho tàng dự trử gạo, mì gói, tiền bạc của giáo xứ để cứu đói cho dân nghèo đói ăn, cho nên khi giảng Lời Chúa thì chắc chắn Đức Ái phải nổi bật trên tất cả những lời nói từ miệng ngài phát ra, đó là lời được ngài chiêm niệm và thực hành trong cuộc sống, đó là lời đã được ngài chắt lọc thành tinh túy khi đối chiếu cuộc sống của mình với Lời Chúa, và giờ đây đang chia sẻ cho các giáo dân của mình.

Có một linh mục nọ đã nói với anh rằng: “giáo dân cần Chúa, chứ Chúa không cần giáo dân”, bởi vì ngài quan niệm như thế nên ngài phải sống “lưu vong” ở một giáo xứ khác, bởi vì nơi giáo xứ của ngài giáo dân phản đối ngài, kiện cáo ngài vì ngài chỉ biết mình và chỉ “biết” một vài gia đình giàu có trong giáo xứ mà thôi, cho nên có nhiều giáo dân trong xứ của ngài không cần Chúa của cha sở, nhưng cần Chúa ở nhà thờ giáo xứ bên cạnh, bởi vì họ không nhìn thấy Chúa của họ nơi linh mục cha sở của mình. Đương nhiên là nhân loại cần đến Chúa, vì nếu không có Ngài thì nhân loại sẽ bị tiêu diệt, nếu không có Ngài thì chúng ta –dù một bước đi- cũng nhấc chân không nổi. Vì quan niệm “giáo dân cần Chúa chứ Chúa không cần giáo dân” như thế, nên vị linh mục ấy không cần nghe giáo dân góp ý, không muốn giáo dân chia sẻ với mình trong những công việc của giáo xứ, cho nên cũng có thể hiểu rằng vị linh mục ấy rất ít thực hành Đức Ái với giáo dân của mình, nên mới có chuyện ngài đi sống “lưu vong” ở giáo xứ khác, thật đáng tiếc.

“Một vị Do thái theo chủ nghĩa thần bí, có một phương pháp cầu nguyện rất đặc biệt độc đáo. Ông ta cầu nguyện với Thiên Chúa như thế này:

“Đừng quên à nghe, Thiên Chúa, Ngài cần con, như con cần Ngài, nếu Ngài không tồn tại thì con cầu nguyện với ai? Và nếu con không tồn tại, thì ai thốt lên lời cầu nguyện đây?” (Trích trong “Viên ngọc trai”, bản dịch của Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. ) Đương nhiên là chúng ta cần Chúa, mỗi giây mỗi phút trong cuộc đời đều phải cần đến tình yêu của Thiên Chúa, nhưng Chúa cũng cần chúng ta, bằng chứng nếu Chúa không cần chúng ta thì chắc chắn là Ngôi Hai Thiên Chúa –Chúa Giê-su- không thèm xuống thế làm người, hy sinh chịu chết trên thập giá vì chúng ta, để cho chúng ta thuộc về Ngài, thuộc về một Thiên Chúa yêu thương và nhân từ. Nếu không cần yêu thương chúng ta, thì chắc chắn Thiên Chúa không tạo dựng nên vũ trụ vạn vật và chúng ta...

Thiên Chúa cũng cần chúng ta, cần linh hồn chúng ta, thì linh mục càng cần giáo dân hơn nữa, nếu không cần giáo dân thì Giáo Hội không tồn tại, giáo phận, giáo xứ sẽ không được thành lập, và chắc chắn cũng không có bí tích Truyền chức thánh để có linh mục nối tiếp công trình của Chúa Giê-su ở trần gian này...

c. Đức Ái trong hành vi, thái độ.

Có những giáo dân bực mình khi thấy một linh mục trẻ đứng chấp tay sau lưng nói chuyện với cha mẹ già của mình, trong khi các cụ thì khúm núm cung kính: dạ lạy cha ạ, dạ bẩm cha ạ. Chuyện bực mình này thì cũng đúng thôi, vì ở nhà các cụ dạy con cái cháu chắt của mình phải lễ phép kính trên nhường dưới, nhưng đến nhà thờ thấy vị linh mục trẻ đáng tuổi con cháu mình vênh mặt lên trời nói chuyện với cha mẹ già mình, thì đứa con nào mà chịu cho thấu chứ !

Đức Ái trong hành vi thái độ của linh mục rất quan trọng, bởi vì có khi chỉ một cử chỉ vô tình của mình thôi, cũng làm cho giáo dân “phản cảm” và có ấn tượng không mấy tốt đẹp với mình.

Thánh Phao-lô tông đồ đã dạy:

“Đức mến thì nhẫn nhục, hiền hậu,

không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc,

không làm điều bất chính, không tìm tư lợi,

không nóng giận, không nuôi hận thù,

không mừng khi thấy sự gian ác,

nhưng vui khi thấy điều chân thật.” ( 1Cr 13, 4-6.)

Có mấy điểm sau đây mà các linh mục thường mắc phải khi tiếp xúc với giáo dân của mình, và làm trái ngược lại với những gì mà thánh Phao-lô đã dạy:

1. Thái độ giận dữ trái ngược với hiền hậu.

Nóng giận thì ai cũng có, nhưng tùy hoàn cảnh, tùy chức tước và bổn phận mà bày tỏ sự nóng giận của mình, nhưng nóng giận ở đây không có nghĩa là vì ích lợi của cá nhân mình, hoặc vì tự ái của mình bị đụng chạm, nhưng là vì lợi ích cho tha nhân và cho cộng đoàn, những nóng giận ấy không gây mất hòa khí giữa linh mục và giáo dân, hoặc giữa linh mục và những người khác. Nếu nóng giận để tự ái của mình được thỏa mãn thì sẽ không giải quyết được vấn đề gì, mà chỉ gây thêm nhiều chia rẻ và buồn phiền mà thôi.

Khi có giáo dân góp ý, thì có một vài linh mục nổi giận không bằng lòng, thế là lời qua tiếng lại, gặp giáo dân thẳng tính và nóng nảy thì chắc chắn giữa hai người sẽ có cuộc đụng độ, mà phần thắng bên ngoài thì luôn thuộc về linh mục, nhưng kết quả là giáo xứ mất đi một con chiên không đến nhà thờ, mà linh mục thì sẽ buồn phiền và hối hận vì thái độ nóng giận của mình. Đức Ái do đó mà trốn khỏi con người của linh mục, bởi vì sự nóng giận thường là mất khôn, mà Đức Ái thì không thể ở chung với sự nóng giận đầy tự ái.

Đức Ái thì nhẫn nhục và hiền hòa, mà cử chỉ đầy Đức Ái của một linh mục thì luôn làm cho người khác cảm thấy được an ủi, được khuyến khích và họ cảm thấy đời sống tâm linh của mình đầy tin tưởng vào Chúa Giê-su qua vị đại diện của Ngài là linh mục, là cha sở của họ.

Linh mục là những người đọc nhiều sách, nhất là các sách tu đức và hạnh các thánh, thì sự hiểu biết của các ngài chắc chắn nhiều hơn giáo dân trong việc kiềm hãm tính nóng giận, do đó mà một linh mục thường hay nóng giận thì giáo dân sẽ không nhìn thấy Đức Ái nơi các ngài, và đương nhiên họ cũng sẽ không nhìn thấy được Chúa Giê-su nơi con người của các ngài.

Linh mục là người được chọn để diễn lại từng ngôn ngữ và hành động của Chúa Giê-su cho người khác thấy và nghe, cho nên không ngạc nhiên khi thấy có một vài giáo dân không hề có cảm tình hay kính trọng các linh mục, bởi vì các vị linh mục ấy có cuộc sống giống như họ chẳng khác chút nào: cũng bon chen đầu tư buôn bán, cũng nạt nộ giận dữ, cũng uống rượu hút thuốc, cũng hưởng thụ những tiện nghi vật chất sang trọng như các đại gia ngoài đời, và nguy hiểm hơn là các vị linh mục ấy coi chức thánh như là một chức vụ để được phục vụ, và do đó mà không lạ gì khi các ngài sống không có Đức Ái với tha nhân, nguyên nhân chính là những ai cứ lo nghĩ về bản thân mình, thì chắc chắn sẽ không nghĩ đến người khác và không quan tâm đến người khác, mà linh mục thì không phải như thế vì tha nhân mà sống hiền hòa chứ không phải vì mình để rồi giận dữ với tha nhân.

2. Thái độ kiêu ngạo vênh vang, tự đắc ngược lại với Đức Ái.

Có lẽ việc đào tạo ở trong chủng viện ít chú trọng đến nhân bản mà quá chú trọng đến việc lịch sự khách sáo, ít chú trọng đến việc phục vụ mà chỉ chú trọng đến sự lãnh đạo, và điều này ảnh hưởng rất nhiều đến các linh mục tương lai, cho nên sau khi ra trường được bài sai đi làm mục vụ ở giáo xứ, thì đa phần các linh mục trẻ đều tỏ ra thái độ “khác thường” với giáo dân, thậm chí với các bạn bè của mình và với bà con thân thuộc của mình, sự “khác thường” ấy chính là kiêu ngạo, coi mình thuộc hàng “cõi trên” và mọi người thuộc hàng “cõi dưới”, đó là thái độ thiếu Đức Ái hoàn toàn nơi linh mục của Chúa Giê-su.

Thời nay, giáo dân thường ta thán về việc có một số linh mục sống hưởng thụ và thiếu nhân bản, do đó mà thường dẫn đến kiêu ngạo khi đối xử với giáo dân, sự kiêu ngạo này dẫn đến hành động thiếu Đức Ái nơi linh mục. Thánh Phao-lô khuyên không nên vênh vang tự đắc, bởi vì chức vụ linh mục không phải để ăn trên ngồi trước, cũng không phải để tiến thân ngoài xã hội, càng không phải để được người khác phục vụ, nhưng linh mục chính là một thiên chức được Chúa Giê-su lập ra, để vì phần rỗi của các linh hồn đã được Ngài đổ máu ra để cứu chuộc, cho nên linh mục là người được chọn để ban phát các ân sủng của Thiên Chúa cho nhân loại, chứ không phải được chọn để trở thành người ăn trên ngồi trước và là kẻ thống trị.

Giáo dân thời nay không còn thần thánh hóa linh mục nữa, nhưng không phải vì thế mà họ không tôn trọng linh mục, không còn thần thánh hóa linh mục là bởi vì họ được học hỏi nhiều về giáo lý, tri thức cũng đầy đủ, kiến thức thì có khi vượt hẳn linh mục và học vị thì cũng như thế, cho nên nếu một linh mục mà cứ cao cao sang sang coi giáo dân như là những thuộc hạ của mình, hoặc như những đầy tớ để mình sai vặt không công khi ở nhà thờ nhà xứ, thì chẳng khác gì các linh mục đang sống ở các thế kỷ trước vậy. Nếu không vì đức tin, nếu không vì vâng phục lời giáo huấn của Giáo Hội, và nếu không vì lòng đạo đức thì không một giáo dân nào đi xem lễ của một linh mục mà ai cũng biết là kiêu ngạo hách dịch, và càng không ai muốn đến nhà thờ khi mà linh mục cư xử với ông bà bố mẹ của họ như hàng bề dưới, bởi vì thời nay giáo dân không còn nhìn vẻ uy nghi bệ vệ của linh mục để phán đoán linh mục thánh thiện hay đạo đức nữa, nhưng người ta sẽ nhìn vào cách sống có Đức Ái hay không của linh mục để đánh giá sự đạo đức của các ngài.

Cho nên, thái độ vênh vang tự đắc của linh mục là đi ngược lại với Tin Mừng của Chúa Giê-su, và đi ngược lại với lời dạy của thánh Phao-lô tông đồ, và nhất là chính những vênh vang tự đắc ấy làm cho hình ảnh của linh mục trở nên xa lạ với giáo dân, bởi vì Giáo Hội đã dạy cho giáo dân biết nhận ra những dấu chỉ nơi linh mục, để biết một linh mục chân chính của Chúa Giê-su, đó chính là Đức Ái và sự khiêm nhường của các ngài.

Ở một giáo xứ nọ, giáo dân đa phần là những người có học thức và địa vị, có người thì làm bác sĩ, có người làm kiến trúc sư, và phần nhiều làm giáo sư dạy các trường đại học nổi tiếng, và những người được bầu vào trong ban điều hành của giáo xứ đều là những giáo dân có địa vị và học thức. Khi giáo xứ được trao cho một linh mục trẻ học lực chỉ hết bậc trung học coi sóc, và sau một năm thì giáo dân bắt đầu ta thán là linh mục còn trẻ mà kiêu ngạo, thích sinh hoạt với thanh thiếu niên trong giáo xứ nhưng lại không có lễ phép với những giáo dân lớn tuổi, ăn nói nhỏ nhẹ với các bạn thanh niên nam nữ nhưng lại la lối to tiếng với người già cả, và giáo dân từ từ bỏ không đến nhà thờ vào những thánh lễ ngày chủ nhật nữa, có người đi lễ các nhà thờ bên cạnh, có người không đi lễ nơi nào, và thậm chí có người không muốn cho bố mẹ của mình đi lễ với cha sở trẻ đó nữa, lý do duy nhất là: cha sở trẻ vì học lực không cao nhưng vì mặc cảm mình học hành ít, nên luôn lấy quyền cha sở ra để nạt nộ giáo dân, nhất là những giáo dân lớn tuổi, để tỏ ra mình cũng có học thức và có quyền “sanh sát” trong tay, thế là con cái khi đến nhà thờ dâng lễ cùng với cha mẹ, thấy cha sở tuổi đang con cái mình mà ăn nói vô phép, thái độ bất kính trọng với cha mẹ mình thì chịu không nổi, thế là cách giải quyết duy nhất của họ là không đi lễ nhà thờ nữa, để khỏi phải nhìn thấy một linh mục trẻ tuổi đáng làm em của mình mà vô phép với cha mẹ già của mình.

Đành rằng cá tính của mỗi người không giống nhau, nhưng hể làm linh mục thì chắc chắn phải sửa đổi cá tính không phù hợp với thiên chức linh mục mà mình đã lãnh nhận, bởi vì linh mục không phải là một chủ nhân ông để sai khiến đầy tớ, nhưng là phục vụ; bởi vì linh mục không phải là một tổng giám đốc để sai khiến hoặc chỉ tay năm ngón với giáo dân, nhưng là để phục vụ; bởi vì linh mục không phải là một chức quan, nên không thể thi ân cho người này và bỏ bê người khác theo ý muốn của mình, nhưng là để phục vụ. Bởi vì phục vụ với tất cả yêu thương là dấu chỉ của một linh mục mang trong mình Đức Ái của Chúa Giê-su, và là thước đo của giáo dân đối với một linh mục, do đó mà thánh Phao-lô tông đồ đã không khách sáo khi dạy dỗ giáo dân của giáo đoàn Cô-rin-tô về Đức Ái rằng: Đức Ái thì không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, vì những điều ấy rất xa lạ với giáo huấn của Chúa Giê-su và rời xa cuộc sống của một mục tử với đàn chiên của mình.

Đức Ái của linh mục phải vượt tất cả mọi sự, nhất là phải vượt qua những công lao mà mình đã làm cho giáo xứ, hoặc những nơi mà mình đang phục vụ với tất cả thành công của tài năng, bởi vì như lời thánh Phao-lô đã dạy, dù các ngài có đem tất cả tài sản (bao gồm vật chất, tài năng, sức khỏe, trí óc) để bố thí và cống hiến, mà nếu không có Đức Ái thì cũng chỉ là con số không mà thôi, chẳng có ích gì cả. Chẳng có ích là bởi vì người không có đức tin nhưng có nhiều tiền bạc thì cũng có thể làm được như thế, và có khi làm thành công hơn các linh mục nữa là khác, Đức Ái của linh mục phải vượt qua và lớn hơn tất cả những gì mình đã phục vụ cho giáo xứ hay cho bất cứ cộng đoàn nào là như thế đó.

Chúa Giê-su vì yêu mà xuống thế làm người, yêu khi chúng ta còn là tội nhân, đó chính là Đức Ái toàn hảo tuyệt vời của Ngài, là mẫu gương cho những “Ki-tô thứ hai” là các linh mục, bởi vì các linh mục cũng là những tội nhân như những tội nhân khác cần luôn trông cậy vào tình yêu của Thiên Chúa, cho nên linh mục không thể nào dùng sự kiêu ngạo hợm mình để đối xử với giáo dân và tha nhân; bởi vì Chúa Giê-su muốn Đức Ái này phải được con người –đặc biệt những người Ki-tô hữu- thực hiện cách nổi bật nơi các anh chị em của mình, nơi người lân cận và ngay cả với người thù ghét mình nữa.

ĐỨC ÁI KHI LÀM MỤC VỤ

Em thân mến,

Đức Ái của linh mục không chỉ có khi tiếp xúc với giáo dân hay bất cứ người nào khác, nhưng Đức Ái vẫn cứ luôn hiện diện nơi con người của linh mục, và do đó mà khi linh mục làm bất cứ việc gì dù lớn hay nhỏ, dù quan trọng hay không quan trọng, dù dạy dỗ hay làm những công việc khác, thì trên mỗi công việc đều thể hiện Đức Ái của các ngài trước tiên.

Công việc hằng ngày của linh mục là dâng thánh lễ và suy niệm, đôi lúc có dạy dỗ các giáo dân trong họ đạo hoặc làm công tác mục vụ ở trường học, nhưng việc quan trọng nhất mà các linh mục phải làm, đó là công tác mục vụ trong giáo xứ của mình, hoặc nơi các cộng đoàn đã được giao phó cho các ngài. Cho nên, công tác mục vụ của các linh mục cần phải nổi bật lên một tấm lòng nhân hậu và khiêm tốn, bởi vì không một linh mục nào có thể thành công trong mục vụ được nếu linh mục ấy không thực hành Đức Ái của mình, đây là điều mà các thánh linh mục đã từng cảm nghiệm khi các ngài phục vụ Chúa nơi con người được giáo phó cho các ngài, chẳng hạn như thánh Thánh Francis of Assisi nói: “Ở nơi chỗ đầy hận thù, con phải gieo xuống hạt yêu thương.” Và ngài cũng xác tín rằng: “Yêu chính là Thiên Chúa phát ra tia lửa trên con người.” Do đó, mà trong công việc mục vụ hằng ngày, các linh mục cũng luôn phải làm thế nào để thực hiện Đức Ái nơi giáo xứ của mình, để mỗi một giáo dân của ngài luôn nhìn thấy khuôn mặt yêu thương của Chúa Giê-su nơi cha sở và nơi các linh mục của mình.

Mục vụ bao gồm tất cả những gì liên quan đến công tác truyền giáo của linh mục, từ cử hành thánh lễ, ngồi tòa giải tội, hoặc dạy dỗ các lớp giáo lý trong giáo xứ của mình, vì qua những công việc mục vụ này mà linh mục thể hiện tình yêu của Chúa Giê-su trên con người của ngài với các giáo dân. Tóm lại, mục vụ được gói trọn trong ba nhiệm vụ mà Giáo Hội đã trao phó cho các linh mục thông qua vị giám mục của họ, đó là nhiệm vụ giảng dạy, thánh hóa và cai quản.

a. Đức Ái trong nhiệm vụ giảng dạy.

Thánh công đồng chung Vatican II dạy rằng: “Các giám mục và các linh mục, các cộng sự viên của các ngài, có nhiệm vụ số một là loan báo Tin Mừng của Thiên Chúa cho tất cả mọi người theo lệnh của Chúa Ki-tô” ( Sách GLCG số 1888.)Có nhiệm vụ loan báo Tin Mừng tức là rao giảng Lời Chúa cho tất cả mọi người, đó chính là nhiệm vụ và là trách nhiệm của linh mục, là căn tính của linh mục, do đó, khi mà một linh mục không làm tròn nhiệm vụ rao giảng của mình thì chắc chắn ngài trở thành một cái xác không hồn, hoặc khi giảng dạy mà ngài không có Đức Ái, thì lời giảng dạy của ngài sẽ như thanh la chũm chọe mà thôi.

Đức Ái trong nhiệm vụ giảng dạy đòi hỏi các linh mục phải có sự tế nhị để nhận ra, hoặc nhìn thấy đối tượng của mình là những giáo dân đang rất thiếu thốn giáo lý hoặc Lời Chúa, để khi giảng dạy ngài không la lối thóa mạ, không giận dữ chỉ trích, nhưng bày tỏ thái độ hiền hòa trong cách giảng dạy và khiêm tốn trong lời giảng của mình.

Nhiệm vụ giảng dạy của linh mục không chỉ bằng lời mà thôi, nhưng còn bằng cuộc sống của mình nữa, mà dấu chỉ rõ ràng nhất để lôi kéo và hấp dẫn giáo dân nghe và bắt chước mình đó là Đức Ái:

- Đức Ái làm cho nhiệm vụ giảng dạy của linh mục trở thành niềm vui.

- Đức Ái làm cho nhiệm vụ giảng dạy của linh mục trở thành giòng suối mát chảy vào tâm hồn tín hữu.

- Đức Ái làm cho lời giảng dạy của linh mục như ngọn lửa yêu thương, cháy phầng phầng trong tâm hồn tín hữu.

- Đức Ái của linh mục làm cho cuộc sống của ngài nên giống Chúa Giê-su hơn.

b. Đức Ái trong nhiệm vụ thánh hóa.

Muốn thánh hóa người khác thì trước hết phải thánh hóa chính mình, nghĩa là mình phải trở thành nhà mô phạm cho người khác, rồi mới chỉ bảo hướng dẫn người khác học làm người tốt.

Linh mục được giám mục trao cho quyền thánh hóa, tức là được cử hành bí tích Thánh Thể là trung tâm điểm của đời sống Giáo Hội, các ngài thánh hiến Giáo Hội bằng lời cầu nguyện và các việc làm gương sáng của mình, do đó mà linh mục cần phải có một đời sống gương mẫu như Chúa Giê-su –là đường là sự thật và là sự sống- để trở nên người được thánh hóa cách riêng cho Thiên Chúa và để trở nên tấm bánh cho cộng đoàn nơi ngài thi hành sứ mạng thánh hóa hưởng dùng.

Thánh công đồng chung Vartican II đã nhấn mạnh và khuyên nhủ các linh mục rằng: “Đừng làm như những lãnh chúa đối với những người được ủy thác cho phần coi sóc của mình, nhưng bằng cách trở thành những gương mẫu cho đàn chiên. Như vậy, họ sẽ cùng với đàn chiên được trao phó, đạt tới sự sống đời đời” (Sách GLCG số 893.) Lời nhắn nhủ rất tế nhị này của công đồng chung đáng làm cho các linh mục phải suy gẫm và xét mình, bởi vì từ ngày được chọn vào hàng ngũ công hầu danh tướng của Chúa –hàng giáo sĩ- thì linh mục thực sự được bao lần dang tay đón nhận người tội lỗi trở về với Chúa, ngài có bao nhiêu lần lỗi phạm Đức Ái với đoàn chiên mà Giáo Hội đã trao cho ngài, hay các linh mục chăm nom đoàn chiên như những người làm thuê, hoặc như các lãnh chúa trong giáo xứ của mình.

Nhiệm vụ thánh hóa là ban phát ân sủng của Thiên Chúa cho nhân loại, mà cụ thể là các giáo dân trong giáo xứ của mình, chính khi cử hành bí tích Thánh Thể -trung tâm của Đức Ái- thì linh mục càng thấy rõ hơn bất cứ người nào về mầu nhiệm tình yêu mà Chúa Giê-su đã thực hiện trong bí tích Thánh Thể, bởi lẽ, nếu ngài –linh mục- không thực sự trở nên tấm bánh cho giáo dân hưởng dùng, tức là nếu ngài không thực hiện Đức Ái cách chân thật giữa cộng đoàn, thì việc ngài đọc lời truyền phép trên bánh và rượu sẽ là một xúc phạm lớn với Chúa Giê-su Thánh Thể, cho nên khi ban phát Mính Thánh Chúa cho giáo dân thì cũng là khi linh mục ban phát Đức Ái của mình cho họ, bởi vì như lời thánh Francis of Assisi đã nói: “Chỉ mong con yêu Ngài đến chết, bởi vì Ngài tự nguyện chết vì yêu con.” Chúa Giê-su vì yêu nhân loại cho đến chết, và đã trở nên bánh trường sinh nuôi sống các linh hồn như thế nào, thì các linh mục cũng vì yêu mến Chúa Giê-su mà hiến thân cho đoàn chiên của mình như vậy, tức là đem Đức Ái chia sẻ những niềm vui nỗi buồn với giáo dân của mình.

Nhiệm vụ thánh hóa còn đòi hỏi các linh mục phải hết sức thánh hóa mình trước bằng cầu nguyện, suy ngắm Lời Chúa và thực hành Đức Ái, bởi vì nếu không thích cầu nguyện hoặc cầu nguyện cách hời hợt cho có lệ thì không thể tìm được thánh ý Chúa trong lời của Ngài, và một khi không tìm được ý Chúa thì khó mà thực hành Đức Ái trong cuộc sống hiến dâng cách trọn vẹn được.

c. Đức Ái trong nhiệm vụ cai quản.

Nói đến cai quản là nói đến quyền hành, quyền hành này được trao cho toàn quyền hay một phần quyền hạn tùy theo nhu cầu chức vụ, để thi hành nhiệm vụ cai quản của mình, nhưng mà hể có quyền cai quản thì cũng đồng thời có quyền hạch sách và nhũng nhiễu quần chúng. Thế nhưng, quyền cai quản trong Hội Thánh là quyền để phục vụ, như lời dạy của thánh công đồng Vatican II rằng: “Các giám mục dẫn dắt các Giáo Hội riêng biệt của mình, như những vị đại diện và những đặc sứ của Chúa Ki-tô, bằng các lời khuyên, các lời khuyến khích và gương sáng của mình, nhưng cũng bằng uy quyền của mình, và bằng việc hành sử quyền hành linh thánh của mình.” ( Sách GLCG số 894.)

Đức giám mục đã chia sẻ quyền hành cai quản này lại cho các linh mục là những cộng sự viên đắc lực của mình, cho nên các linh mục cũng phải sử dụng quyền cai quản này để xây dụng theo tinh thần phục vụ của Thầy mình là Chúa Giê-su Ki-tô.

Không như quyền cai quản của quân đội thuộc cấp chỉ biết tuân lệnh thượng cấp, các linh mục cai quản giáo xứ của mình trong tinh thần yêu thương hơn là đe nạt, phục vụ hơn là được phục vụ và sai khiến, bởi vì Chúa Giê-su đến không phải để được phục vụ, mà là phục vụ người khác.

Đức Ái của các linh mục trong nhiệm vụ cai quản cần phải lấy tình yêu thương mà quản trị, lấy sự công bằng mà đối đãi với mỗi giáo dân không phân biệt giàu nghèo, đạo mới hay đạo cũ, hoặc có công trạng hay không công trạng với giáo xứ, bởi vì các linh mục là những “vị mục tử tốt lành sẽ là mẫu mực và khuôn đúc cho nhiệm vụ chủ chăn của các giám mục...” có như thế vai trò chủ chăn của các ngài mới thật sự nên giống Chúa Giê-su.

Có một vài mục tử cai quản giáo xứ của mình như một chủ nhân ông, lợi dụng lòng quý mến của giáo dân đối với linh mục nên sai khiến họ bất kể ngày giờ, miễn là được việc của mình mà thôi. Hoặc là có một vài giáo xứ mà mỗi khi nhắc đến cha sở của mình thì lắc đầu ngao ngán, vì ngài cai quản giáo xứ mà không như cai quản, ngài làm cha sở mà không hề xử lý công việc của nhà xứ, vì tất cả mọi việc đều ủy quyền cho cô thư ký thay ngài làm tất cả mọi việc: giáo dân muốn gặp cha sở để bàn chuyện tâm linh của mình thì phải hỏi cô thư ký, cô cho gặp cha thì gặp không cho thì giáo dân không thể gặp; có những chuyện mà đáng lẽ phải đích thân giải quyết như xưng tội, thì cũng phải qua sự đồng ý của thư ký, vì cha sở luôn bận rộn tối ngày: khi thì đi phố, khi thì đi họp tại tòa giám mục, khi thì bận họp công tác, khi thì bận đi nghỉ.v.v...nghĩa là những công việc “bận và họp” của ngài không ở trong giáo xứ, mà ở đâu đâu chỉ có Chúa biết và cô thư ký biết mà thôi, cho nên lâu ngày giáo dân không nhìn thấy được hướng đi cho giáo xứ, ngài chỉ biết làm những gì mà trong giáo xứ đã có sẵn, và rồi khi được giáo dân góp ý việc xây dựng giáo xứ, thì ngài gạt bỏ và nói: bày vẻ làm gì thêm mệt. Thái độ tiêu cực ấy bày tỏ cho giáo dân biết ngài không yêu mến giáo xứ của ngài, ngài đến hình như bị ép buộc và vì bổn phận mà làm, chứ không có hứng thú gì với công việc mục vụ của giáo xứ mình.

Chủ chăn tốt lành vì đàn chiên mà hy sinh mạng sống của mình, một mục tử tốt lành thì luôn nhân hậu với đàn chiên, không ngần ngại lắng nghe những tỏ bày tâm sự của họ, và đùm bọc họ như người cha chăm sóc đứa con yêu quý của mình, đó chính là Đức Ái, Đức Ái làm cho linh mục trở nên những mục tử tốt lành như ý Chúa Giê-su mong muốn. Thánh Phan-xi-cô Khó Nghèo đã nói: “Các thánh yêu người thì không coi phải yêu ai, mà đơn giản là vì ai mà thực hành đức ái.” ( Sách GLCG, số 1563.)đó chính là lời hướng dẫn các linh mục trong nhiệm vụ cai quản của mình, bởi vì trong công việc cai quản giáo xứ của chủ chăn, giữa đông đảo giáo dân thì có một vài linh mục chọn người nào đó để giúp đỡ và để được giúp đỡ, cho nên giáo xứ của ngài lắm lời qua tiếng lại trong giáo dân là cha sở không công bằng, yêu người này ghét bỏ người kia...

Thánh công đồng Vatican II nói về chức linh mục như sau: “Chức vụ của các linh mục, xét như đó là chức năng được kết hợp với hàng giám mục thì dự phần vào uy quyền của Chúa Ki-tô, uy quyền mà ngài dùng để xây dựng, thánh hóa và cai quản Nhiệm Thể của Ngài.” Một linh mục hiểu rõ được giáo xứ mà mình được sai đến phục vụ, không còn là một cộng đoàn xa lạ, cũng không phải chỉ là một giáo xứ thuần túy tôn giáo, mà giáo xứ còn là một Nhiệm Thể của Chúa Giê-su, do đó mà linh mục không còn cai quản theo kiểu quyền hành nữa, nhưng là phục vụ những chi thể của thân thể mầu nhiệm của Chúa mà linh mục là một trong những chi thể ấy...

Khi lấy Đức Ái ra để đối đãi với người khác, thì chính là đối đãi với bản thân mình vậy.

MẪU GƯƠNG ĐỨC ÁI CỦA LINH MỤC

Em thân mến,

Là linh mục của Chúa Giê-su Ki-tô, trong cuộc đời tận hiến của mình, ngoài Chúa Giê-su ra, thì có rất nhiều mẫu gương về Đức Ái để cho các linh mục học hỏi bắt chước, nhưng có lẽ gần gủi nhất và dễ thương nhất, chính là Đức Mẹ Maria mẹ của Chúa Giê-su, và thêm mẫu gương khác đó chính là thánh Gioan Maria Vianney, bổn mạng của các cha sở và của các linh mục.

Hai mẫu gương này đều là mẫu gương tuyệt hảo về Đức Ái, mà trong cuộc sống ở trần gian các ngài đã trở thành những tấm gương phản chiếu tinh thần Phúc Âm của Chúa Giê-su trong cuộc đời của các ngài, mà tinh thần Phúc Âm thì gói trọn trong hai chử Yêu Thương, tức là Đức Ái.

1. Đức Ái của Đức Mẹ Maria.

Tất cả các thánh trên thiên đàng, không có một vị thánh nào mà không yêu mến Đức Mẹ Maria, tất cả những người được gọi là thánh thiện trong Giáo Hội Công Giáo, không một ai mà không biết Đức Mẹ Maria, và không một linh mục nào của Chúa Giê-su mà lại không biết người Mẹ tuyệt vời ấy của mình, nhưng điều anh muốn nói ở đây là tất cả các linh mục đều biết đến Đức Mẹ Maria, nhưng các ngài có bắt chước các nhân đức và gương sáng của Mẹ, để đời sống tận hiến của mình được thêm thú vị không ? Bởi vì có rất nhiều người –trong đó có cả linh mục- rất yêu mến Đức Mẹ Maria, đọc kinh lần chuổi Mân Côi, cầu xin với Mẹ rất nhiều điều, nhưng rất ít có người cầu xin cho được bắt chước các nhân đức của Mẹ, để sống tốt lành hơn trong cuộc sống của mình.

Cuộc đời của Đức Mẹ Maria là bản tóm gọn Phúc Âm của Chúa Giê-su, cuộc sống của Đức Mẹ Maria tràn đầy Đức Ái đối với tha nhân, từ khi Mẹ có trí khôn cho đến ngày được Thiên Chúa đưa Mẹ lên trời cả hồn lẫn xác. Cuộc đời của Đức Mẹ Maria là cuốn phim sống động của những người tận hiến cho Thiên Chúa, nhất là các linh mục, để các ngài qua trung gian của Đức Mẹ Maria mà trở thành những môn đệ tốt lành của Chúa Giê-su, và mục tử nhân hậu của đoàn chiên mình.

Đức Ái của Đức Mẹ Maria được thể hiện rõ ràng nhất trong ba sự việc xảy ra trong đời của Mẹ, đó là:

1. Đi thăm bà Ê-li-sa-bét.

2. Tham dự tiệc cưới ở Ca-na.

3. Dưới chân Thánh Giá Chúa.

mà mỗi linh mục nên suy gẫm và cám ơn Thiên Chúa đã gởi đến cho các ngài một mẫu gương tuyệt vời về đàng nhân đức, đặc biệt là Đức Ái và đức khiêm nhường. Như lời thánh công đồng Vatican II dạy rằng: “Đúng thế, Trinh Nữ Đức Mẹ Maria được công nhận và tôn kính là Mẹ đích thực của Thiên Chúa và của Đấng Cứu Chuộc. Mẹ cũng thật sự là “Mẹ các chi thể Chúa Ki-tô”, vì đã đã cộng tác bằng Đức Ái của mình bằng việc sinh ra các tín hữu trong Giáo Hội, những chi thể của Đầu này...” ( Sách GLCG, số 963.)

a. Đức Ái khi Mẹ đi phục vụ bà Ê-li-sa-bét.

Tin Mừng của thánh Lu-ca thuật lại rằng: sau khi được sứ thần truyền tin mang thai Đấng Cứu thế, thì Đức Mẹ Maria vội vã lên đường, đến miền núi, để thăm và giúp đỡ người chị họ là bà Ê-li-sa-bét, vì bà đang mang thai gần đến ngày sinh nở, và Mẹ đã ở lại đó độ ba tháng rồi trở về ( Lc 1, 39-45.).

Sự mau mắn ra đi để phục vụ tha nhân của Đức Mẹ Maria là một biểu hiệu Đức Ái rất mãnh liệt, chính lòng yêu mến Chúa thôi thúc Mẹ thực hành Đức Ái với tất cả tâm hồn, và vì Đức Ái này mà Mẹ càng thêm khiêm tốn hơn trong việc phục vụ tha nhân, mặc dù thân phận của Mẹ bây giờ đã khác trước, đó là thân phân cao sang: Mẹ Thiên Chúa. Mặc dù Mẹ không hề nói ra những việc mà Thiên Chúa đã thực hiện nơi bản thân Mẹ, nhưng Thiên Chúa là Đấng luôn bảo vệ người công chính đã làm thay điều này thay cho Mẹ, khi bà Ê-li-sa-bét cất tiếng ca ngợi: “Em được chúc phúc hơn mọi người nữ, và người con em mang thai cũng được chúc phúc.” ( Lc 1, 42.) Ba tháng ở trong nhà chị họ nơi miền núi, Đức Mẹ Maria đã phục vụ với tất cả lòng yêu mến, cuộc sống ở miền núi thì khác hẳn ở miền xuôi, và công việc phục vụ người đàn bà mang thai sắp đến ngày sinh nở lại càng mệt nhọc và phức tạp hơn, nhưng Đức Mẹ Maria đã không ngần ngại phục vụ trong tinh thần khiêm tốn ngập tràn Đức Ái.

Được sai phái đến một giáo xứ bởi giám mục của mình, linh mục giống như Đức Mẹ Maria vội vã ra đi vì Đức Ái để phục vụ, chứ không vì thân phận là một giám đốc, và càng không phải là một ông quan quyền thế võng lọng đón đưa đến giáo xứ mới, rồi sau đó dù chưa tiếp xúc với giáo dân, chưa nắm rõ tình hình giáo xứ, thì đã bày tỏ quyền hành của mình qua lời nói và cử chỉ thái độ gây một ấn tượng không mấy tốt đẹp cho giáo dân mới của mình. Phục vụ với tâm tình khiêm tốn –dù mình là cha sở- và hành xử với tất cả Đức Ái của một linh mục, thì dù cho linh mục không có nhiều tài năng trổi vượt, thì ngài cũng được giáo dân vui mừng hoan hỉ, vì ngài đã trở nên giống Đức Mẹ Maria phục vụ quên mình.

Đức Ái của Đức Mẹ Maria không bao gồm trong dòng tộc, mà trải rộng đến từng người trên thế gian này, nhưng lại được bắt đầu từ trong họ hàng bà con của Mẹ, đó là việc phục vụ bà Ê-li-sa-bét. Đức Ái của linh mục cũng phải như thế, được bắt đầu từ trong gia đình mình, tức là luôn tỏ lòng hiếu thảo với cha mẹ, yêu thương và kính mến anh chị em của mình, rồi sau đó đem yêu thương này đến trong cộng đoàn giáo xứ của mình, phục vụ chăm nom đoàn chiên của mình như yêu mến chăm sóc cha mẹ và các anh chị em của mình vậy. Đó không những là noi gương Đức Ái của Đức Mẹ Maria, mà còn là thực hành lời thánh Phao-lô đã dạy.

b. Đức Ái của Mẹ nơi tiệc cưới Ca-na.

Cũng như tất cả những người phụ nữ trong thôn xóm, hoặc bà con, hoặc bạn bè, Đức Mẹ Maria cũng được mời đi dự tiệc cưới ( Ga 2, 1-12.), và Mẹ đến không phải để được phục vụ vì Mẹ là mẹ của Chúa Giê-su một Rabi-thầy- nhưng là để phục vụ giúp đỡ cho đôi tân hôn trong ngày cưới. Sự phục vụ này làm nổi bật Đức Ái nơi Mẹ khi Mẹ nhìn thấy họ đang hết rượu, và với cái nhìn tinh tế của người phụ nữ, với lòng yêu thương của người mẹ, Mẹ đã xin Chúa Giê-su –con mình- giúp họ để họ được trọn vẹn niềm vui, và Chúa Giê-su đã nhậm lời Mẹ.

Cái tế nhị tinh tế không ồn ào này, chỉ những ai có tâm hồn khiêm tốn, lòng tràn đầy Đức Ái mới có thể làm được, và đó chính là các linh mục của Chúa Giê-su, các ngài là những người con của Mẹ được sinh ra trên đồi Gôn-gô-tha qua lời trối của Chúa Giê-su: “Thưa Bà, đây là con Bà”, và “Đây là mẹ của anh.”( Ga 19, 26b-27.)

Giáo xứ như một gia đình có tiệc cưới, mỗi người một nét và ai cũng muốn đến giúp một tay để cho giáo xứ thêm yêu thương đoàn kết, tạo bầu khí vui vẻ cho giáo xứ, mà cha sở chính là chủ gia đình ấy, cho nên ngài có bổn phận và vui vẻ đón tiếp tất cả mọi người đến chia sẻ niềm vui và xây dựng với ngài, mà không vì một lý do gì để từ chối họ, bởi vì chính ngài đã học được tinh thần khiêm tốn và lòng tràn ngập Đức Ái đối với các giáo hữu của mình nơi Đức Mẹ Maria.

Không la lối thóa mạ, không hách dịch hợm mình, nhưng luôn luôn bày tò nét hân hoan khi có người muốn đến với mình để chia sẻ nổi niềm băn khoăn về đức tin, hoặc về công việc của giáo xứ. Đó chính là Đức Ái của phục vụ như Đức Mẹ Maria đã phục vụ vì Đức Ái nơi tiệc cưới Ca-na.

c. Đức Ái khi Mẹ đứng dưới chân Thánh Giá Chúa.

Trong đau khổ oan ức thì con người ta khó mà tha thứ, khó mà thông cảm, bởi vì thù hận đang chất chứa tràn đầy trong lòng. Trong đau khổ tột cùng, không một ai bình tĩnh để tha thứ cho kẻ đã giết con mình, và đó chính là điều mà thế gian không thể làm được, vì thế gian chưa nhìn thấy lòng nhân hậu của Thiên Chúa, chưa thấy sự hy sinh tột cùng của tình yêu nơi Chúa Giê-su, và chưa cảm nghiệm được Đức Ái nơi Đức Mẹ Maria.

Dưới chân Thánh Giá trên đồi Gôn-gô-tha có hai hạng người: công chính và tội lỗi là Đức Mẹ Maria và các quân lính đóng đinh Chúa; có hai thái độ: yêu thương tha thứ của Chúa Giê-su và hận thù chết chóc của người lính đâm cạnh nương long Chúa; có hai trạng thái: vui mừng của những người biệt phái và thượng tế và buồn thương của Đức Mẹ Maria và môn đệ Gioan cũng như những người phụ nữ nhân đức khác. Đó chính là bối cảnh mà Đức Ái được trổi vượt lên trên tất cả mọi hận thù toan tính của con người.

Dưới chân Thánh Giá Chúa, Đức Mẹ Maria đã cảm nghiệm sâu xa ơn cứu chuộc nhân loại chỉ có nơi sự hy sinh của Chúa Giê-su, và qua sự hy sinh quên mình này của Chúa Giê-su mà Đức Ái sẽ được vươn chồi nẩy lộc nơi con người, trước hết là nơi bản thân của Mẹ, các tông đồ rồi đến những người tin vào Chúa Giê-su Ki-tô.

Dưới chân Thánh Giá Chúa ngày hôm nay chính là bàn thờ tế lễ, mà các linh mục mỗi ngày cử hành mầu nhiệm hy tế vượt qua –thánh lễ Misa- nơi bàn thánh này, sự đổ máu không còn nữa, nhưng tình yêu của Chúa Giê-su thì vẫn cứ tuôn chảy trên bàn thờ, nơi mỗi người tham dự thánh lễ qua vị đại diện của Ngài là linh mục công giáo, do đó mà các linh mục học được, suy niệm được sâu xa căn tính của linh mục chính là yêu thương, là Đức Ái, vì qua Đức Ái này mà người linh mục mỗi ngày càng trở nên giống Chúa Giê-su hơn.

Dưới chân Thánh Giá Chúa, Đức Mẹ Maria đã nghe được những lời xin Chúa Cha tha thứ cho kẻ đóng đinh mình từ nơi miệng Chúa Giê-su phát ra, thì ngay trong lòng Mẹ, sự tha thứ ấy cũng được thể hiện bằng việc chấp nhận và phó thác tình yêu tận hiến này cho Thiên Chúa Cha, mà không một lời oán trách hay giận hờn, đó chính là Đức Ái tuyệt vời của Đức Mẹ Maria, và đó là mẫu gương yêu thương tuyệt vời mà Chúa Giê-su –qua trung gian của Đức Mẹ Maria- để lại cho các môn đệ của Ngài.

Không một linh mục nào mà không yêu mến thánh lễ, bởi vì một khi cử hành thánh lễ là chính ngài thực hiện lại tình yêu tận hiến của Chúa Giê-su trên Thánh Giá, do đó mà ngài càng học được sự tha thứ nơi Chúa Giê-su và Đức Mẹ Maria. Sự tha thứ này vẫn mãi luôn xảy ra trong đời sống mục vụ của mình, ngài cần phải tha thứ luôn luôn, tha thứ không điều kiện đối với những kẻ công kích mình, không thích mình và gây khó khăn cho mình trong công việc rao giảng Phúc Âm của Chúa Giê-su, đó là Đức Ái trọn hảo của linh mục.

Đức Mẹ Maria là mẫu gương về Đức Ái của các linh mục của Chúa Giê-su Ki-tô, nếu yêu mến Mẹ mà không noi gương và thực hành các nhân đức của Mẹ, nhất là Đức Ái và đức Khiêm nhường, thì có thể nói: các linh mục đang lừa dối Mẹ và lừa dối các tín hữu của mình vậy.

(còn tiếp)

 

.

 


Năm Linh Mục