LINH MỤC: TƯ TẾ HAY TRƯỞNG LÃO?

 

 

Tản mạn về chữ và nghĩa

 

Ai học tiếng Anh, Pháp cũng biết rằng priest / prêtre là những từ tương ứng với linh mục trong tiếng Việt. Thế nhưng xét kỹ một chút về từ nguyên thì không thấy sự tương đương giữa linh mụcpriest hay prêtre. Trước đây người Công Giáo Việt Nam gọi các linh mục là thầy cả. Chính thầy cả đã về hưu này mới có dây mơ rễ má với priest / prêtre của người Anh / Pháp. Thật vậy, nhóm thầy cả / priest / prêtre liên hệ trực tiếp với bàn thờ, với việc tế lễ, với Chúa-Giêsu-Thầy-Cả-Thượng-Phẩm. Nhưng thầy cả đã chấp nhận nhường chỗ cho linh mục; điều này diễn ra từ khoảng trước sau thời gian Công Đồng Vaticanô II, tức cách đây hơn 40 năm, như để thích nghi với cái nhìn mới mẻ của Vaticanô II về ‘chức thầy cả’. Còn priest / prêtre tuy tuổi già nhưng sức chưa yếu, vẫn tiếp tục cầm cự dài hơi... Nếu ngôn ngữ là chìa khoá bộc lộ sự cảm nhận, thì ở đây xem ra linh mục của Việt Nam tiến bộ hơn priest / prêtre của người Anh / Pháp nhiều!

 

Nhưng tại sao trong khi bàn thờ, việc tế lễ vẫn còn đó, vẫn uy nghi và dạt dào ý nghĩa không kém thời nào trước đây, và chắc chắn vẫn còn mãi trong thời gian, thì thầy cả lại phải rút lui để nhường chỗ cho linh mục? Dường như chuyện này có liên quan với chuyện bếp núc của Sắc Lệnh Presbyterorum ordinis (PO) ở Vaticanô II. PO là văn kiện ‘đinh’ của Công Đồng về chức linh mục. Số là ban đầu nó được gọi là De clericis (về giáo sĩ), rồi trở thành De sacerdotibus (về các tư tế), rồi sau đó là De vita et ministerio sacerdotium (về đời sống và tác vụ của các tư tế), để rồi cuối cùng được chung quyết là De presbyterorum ministerio et vita (về tác vụ và đời sống của các trưởng lão.) Trong nguyên ngữ La-tinh, sự khác biệt giữa sacerdos (tư tế) và presbyter (trưởng lão) được thấy rất rõ ràng; và việc loại chữ này để chọn chữ kia là một việc đầy hàm ý chứ không hề vu vơ. Bản văn PO dùng họ từ presbyter 132 lần; họ từ sacerdos xuất hiện chỉ 62 lần và chỉ những khi liên hệ cách riêng đến ý nghĩa “tư tế” - ta ghi nhận rằng Sắc Lệnh về Đào Tạo Linh Mục Optatam totius, công bố hai tháng trước đó, đã chỉ dùng họ từ sacerdos thôi, và không hề đá động đến từ presbyter!- Tiếc là trong thực tế, cho đến tận hôm nay, khi dịch các bản văn La-tinh sang Việt ngữ, ta thường đơn giản đánh đồng sacerdospresbyter, dịch cả hai bằng chung một từ linh mục thôi, coi như không cần biết đến sự nhọc công cân nhắc của các đấng bậc đã biên soạn và phê chuẩn nguyên bản. Hoá ra linh mục của Việt Nam vừa mới tỏ ra ‘ngon lành’ hơn priest / prêtre của Anh / Pháp, thì bây giờ lại được thấy là một anh chàng ba phải, rách việc khi dịch tiếng La-tinh. Thực ra, ngay cả ở đây priest / prêtre của Anh / Pháp cũng ba phải và rách việc y như vậy, chứ không khá gì hơn linh mục.

 

Trở lại chuyện thay sacerdos bằng presbyter trong tựa đề của PO. Từ La-tinh sacerdos mang đậm màu tế tự. Nó chỉ các tư tế, những người liên hệ trực tiếp tới hy lễ và đền thờ. Hầu như trong mọi tôn giáo đều có giới tư tế này. Cách riêng trong đời sống của người Ít-ra-en, các tư tế là hình ảnh rất quen thuộc. Con cái cháu chắt của chi tộc Lê-vi là những người lo việc tế lễ, một công việc vốn diễn ra khá thường xuyên tại Đền Thờ Giêrusalem. Vào thời Đức Giêsu, giới tư tế bao gồm vị thượng tế, các tư tế, và nhiều chức sắc khác. Trong khi đó từ presbyter không có âm hưởng tế tự. Nó gợi một điều khác. Một presbyter là một ‘trưởng lão’, hay theo nghĩa chuyên biệt hơn thì đó là người có một thế giá hay thẩm quyền nào đó trong một cộng đoàn cụ thể. Các trưởng lão không phải là các tư tế. Đọc lịch sử Ít-ra-en ta gặp các trưởng lão trong nhiều trường hợp, thường với vai trò những nhà cố vấn. Kitô giáo thuở đầu tiên cũng có các nhóm trưởng lão; đây là những người thi hành một trách nhiệm cai quản nào đó trong các hội đường. 

 

Cùng với việc đổi sacerdotium thành presbyterorum trong tựa đề của PO, còn có sự chuyển đổi thứ tự trước sau giữa vitaministerio nữa. Ban đầu là vita et ministerio (đời sống và tác vụ), nhưng rồi các nghị phụ quyết định sửa thành ministerio et vita (tác vụ và đời sống.) Ta có thể ngạc nhiên trước quyết định có vẻ cắc cớ này. Tại sao lại tác vụ và đời sống mà không là đời sống và tác vụ? Đời sống và tác vụ nghe không vừa xuôi tai vừa hợp lý hơn sao? Đặt tác vụ trước đời sống sao nghe giống như đặt tề gia, trị quốc, bình thiên hạ  trước tu thân vậy? ... Chắc phải có ý gì đây.

 

Đằng sau chữ và nghĩa ...

 

Với sự ‘cắc cớ’ nói trên, các đấng ở Vaticanô II hẳn muốn nhấn mạnh rằng chức linh mục không phải tiên vàn là một tình trạng (=bậc) sống cho bằng là một chức năng, một sự phục dịch, một tác vụ. Nếu các linh mục được mời gọi sống loại đời sống nhân bản và thiêng liêng nào đó thì đấy bởi vì loại đời sống ấy là phù hợp để giúp họ thi hành tác vụ của mình. Chính từ nơi ministerio của linh mục mà vita của linh mục được rút ra, chứ không ngược lại. Thật thú vị, ta thấy PO tỏ ra nhất quán với nền móng của nó là Hiến Chế Lumen gentium (LG.) Trong Hiến Chế này, nói về Giáo Hội, các nghị phụ Vaticanô II xác nhận rằng Giáo Hội tự bản chất là thừa sai, nghĩa là sự hiện hữu của Giáo Hội được rút ra từ sứ mạng thừa sai, chứ không ngược lại.

 

Để chống lại sự phi bác của các nhà Cải Cách đối với một số yếu tố thuộc truyền thống Công Giáo như ấn tích do truyền chức, bản chất hy tế của Thánh Lễ, chiều kích tư tế của tác vụ, Công Đồng Trentô đã khởi đi từ Thánh Lễ và Bí Tích Thánh Thể để tiếp cận chức linh mục thừa tác. Tầm quan trọng hàng đầu, vì thế, được gán cho vai trò tư tế, cho quyền thánh chức để truyền phép Thánh Thể và tha tội, và cho ấn tích chức thánh vĩnh viễn làm cho đương sự thành alter Christus. Trentô dạy rằng vì Giáo Hội đã nhận từ Đức Kitô hy tế Thánh Thể hữu hình, nên cũng phải tuyên nhận rằng trong Giáo Hội đó có một chức tư tế mới mẻ, hữu hình và riêng biệt. Cũng vì bản chất đối phó của Trentô mà Công Đồng này đã không nhấn mạnh chức tư tế phổ quát của người tín hữu - (có lẽ bởi điều này đã được các nhà Cải Cách nhấn mạnh quá đủ rồi!) Bản văn 1Pr 2,4-10 thường xuyên được sử dụng ngày nay, nói về chức tư tế phổ quát của người tín hữu, đã không được Trentô trích dẫn. Xem thế, trong khi chúng ta mắc nợ Trentô về sự thiết lập và tổ chức các chủng viện, thì Công Đồng này đã tỏ ra bất cập trong trình bày về chức linh mục.

           

Vaticanô II, đàng khác, được định hướng về nguồn và canh tân, đã chọn tiếp cận chức linh mục chủ yếu qua ngả Kitô học và Giáo Hội học, để cố gắng cung ứng một cái nhìn toàn diện và đúng đắn hơn. Tất cả bắt đầu từ sứ mạng của Chúa Con. Như chính Ngài được sai đến bởi Cha, Chúa Giêsu cũng sai các Tông Đồ và những người kế vị là các giám mục. Sứ vụ của các giám mục, được thông dự bởi các linh mục, bao hàm ba chức năng: ngôn sứ, tư tế và vua. Việc xếp thứ tự “ngôn sứ, tư tế và vua” (LG 25) cho thấy dường như vì nhận ra sự bất cập của Trentô nên Vaticanô II không đặt chức năng tư tế lên hàng đầu nữa. Và nói cho cùng, đây không phải là ba chức năng của riêng giám mục hay linh mục, mà trước hết là của toàn thể Dân thánh. Bản chất của chức linh mục thừa tác chỉ có thể được hiểu trong bối cảnh chức linh mục phổ quát của mọi người đã lãnh nhận Phép Rửa. Đã hẳn hai đàng khác nhau tự yếu tính chứ không chỉ về mức độ, song điều đáng ghi nhận là các nghị phụ tuyên bố rằng chức linh mục thừa tác tồn tại để củng cố và nuôi dưỡng chức linh mục phổ quát (LG 10; PO 2). Ở đây người ta thấy phần nào manh mối của việc PO thiên vị presbyter hơn là sacerdos. Việc gọi các linh mục là presbyter gợi lại tính tập đoàn và mối dây huynh đệ của các presbyter trong Tân Ước. Từ presbyter có thể diễn tả tác vụ một cách thích đáng hơn. Thật vậy, thừa tác viên của Tân Ước không phải là nhà truyền giảng, không phải là tư tế, cũng không phải là nhà cai quản – mà là cả ba ‘nhà’ này cùng một trật. Việc tập chú chỉ một trong các khía cạnh ấy sẽ làm cho thừa tác vụ thánh trở thành èo uột, thê thảm.

 

Khai triển bản chất sứ mạng thừa sai của chức linh mục theo Vaticanô II, Tổng Giám Mục Joseph Ratzinger (tức Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI hiện nay) hồi năm 1970 khẳng định rằng nếu làm linh mục chính là được-sai-đi, thì làm linh mục cũng nhất thiết có nghĩa là hiện-hữu-cho-người-khác. Nhưng hiện hữu của một người gắn không rời với những việc người đó làm. Trở thành một người được Chúa Giêsu sai đi, điều này không chỉ đòi hỏi đảm nhận một loại hoạt động chuyên biệt, mà còn đụng chạm đến chính hữu thể của người ấy. Việc chấp nhận một sứ mạng như thế đồng nghĩa với việc chấm dứt thuộc về chính mình, theo một cách thế hai mặt được Ratzinger diễn tả cô đọng như sau: “Sự trung thành với bản chất được-sai-đi này đòi phải chẻ tách hiện hữu của mình ra theo hai hướng. Một là, phải biết tránh qua một bên để nhường bước cho Đấng mà mình thay mặt. Hai là, phải nhìn nhận rằng mình không phải là cái cốt của sứ điệp.”  Người ta chỉ có thể hiểu được sự chẻ tách hiện hữu này khi nhìn vào chính Đức Giêsu, Đấng là nhà thừa sai hoàn hảo đến nỗi có thể mô tả hiện hữu của Ngài là hiện-hữu-từ-Chúa-Cha và là hiện-hữu-cho-chúng-ta. Cũng thế, người linh mục phải thường xuyên ở trong sự căng thẳng này, sự căng thẳng làm cho anh ta trở thành “kỳ diệu,” trở thành một cái gì “lưỡng diện,” vì anh ta “sống trong hai thế giới” – nói theo ngôn ngữ của Tổng Giám Mục Fulton J. Sheen.

 

Vậy theo Vaticanô II, nhiệm vụ hàng đầu của linh mục là gì và chức linh mục thừa tác tương quan thế nào với Thánh Lễ và Bí Tích Thánh Thể? Câu trả lời thật rõ: Nhiệm vụ trước hết là rao giảng Tin Mừng, vì nếu Tin Mừng không được rao giảng thì các bí tích sẽ vẫn chỉ là những nghi thức trống rỗng, vô hồn. Việc giảng dạy Tin Mừng tông truyền sẽ triệu tập dân Thiên Chúa lại. Họ sẽ dâng hiến chính mình cho Thiên Chúa làm “một hy lễ sống động.” Nhờ tác vụ của linh mục thừa tác, hy lễ thiêng liêng của tín hữu được làm cho hoàn hảo trong kết hợp với hy lễ của Đức Kitô, khi Thánh Lễ được dâng nhân danh toàn Giáo Hội (PO 2). Con đường tiếp cận chức linh mục thừa tác của Vaticanô II, như vậy, đạt tới chóp đỉnh của nó nơi việc cử hành Thánh Thể (ta không quên đây vốn là khởi điểm trong lộ trình của Trentô!) Nghĩa là, đối với Vaticanô II, Thánh Lễ vẫn là bổn phận chính yếu của người linh mục.

 

Kể từ Vaticanô II

 

Sắc Lệnh PO của Vaticanô II đã không ấm ớ khi trình bày về chức linh mục. Không may là chính quan điểm sáng tỏ và mới mẻ của Vaticanô II đã có một số hiệu ứng phụ, như những gì được thấy diễn ra trong thời gian tiếp sau Công Đồng này. Nhiều linh mục, chưa kịp quen với cái nhìn mới và đầy thách đố này, bỗng ngơ ngác, hốt hoảng, cảm thấy mình bị thất đoạt, thậm chí bị vuột mất ‘căn tính’. Việc nhấn mạnh chức linh mục phổ quát của mọi tín hữu dường như ‘đe doạ’ chức linh mục thừa tác! Việc xáo trộn vị trí của vai trò tư tế dường như đã ‘giáng cấp’ người linh mục! Thế là xảy ra hiện tượng đào ngũ gần như hàng loạt vào những năm 1970 và cả những thập niên sau đó - từ ‘đào ngũ” ở đây được dùng bởi chính Niên Giám Thống Kê của Toà Thánh. Đồng thời, con số chủng sinh và ngay cả con số chủng viện cũng bắt đầu tụt giảm nhanh chóng. Và đây đó rộ lên những tranh cãi về sự độc thân linh mục và về vấn đề truyền chức linh mục cho phụ nữ - điều không hề thấy giữa những người Công Giáo Rôma trước thời Vaticanô II.

 

Có vẻ như Huấn Quyền cũng lúng túng. Vì thế, vô hình trung, một tiến trình ‘tái lập trật tự’ được sớm bắt đầu. Chức Linh Mục Thừa Tác chiếm một nửa nghị trình của Synod 1971, với văn kiện cùng tên được công bố vào cuối năm ấy. Văn kiện này dường như quên mất những cố gắng của Vaticanô II trong cân nhắc từ vựng. Hai từ sacerdospresbyter hầu như được dùng thay thế nhau một cách không phân biệt. Tiêu đề của phần thứ hai, Directoriae rationes quoad vitam et ministerium sacerdotis (Những chỉ dẫn cho đời sống và tác vụ của tư tế), đã hoàn toàn lật đổ thành quả đạt được ở tựa đề của PO. Sacerdos trở lại thay thế presbyter, và vita tái chiếm vị trí của nó trước ministerio! Rồi đến Tông Huấn Hậu Thượng Hội Đồng Pastores dabo vobis (PDV, năm 1992), văn kiện quan trọng mới nhất của Huấn Quyền cho đến nay về chức linh mục. Hoà nhịp trong tiến trình ‘tái lập trật tự’ nói trên, PDV sử dụng họ từ “presbyter” 284 lần, trong khi họ từ “sacerdos” được dùng đến 571 lần – vượt hơn gấp đôi!  

 

Cũng phải kể đến dấu ấn của Đức Gioan Phaolô II, một vị giáo hoàng đặc biệt quan tâm đến căn tính và sứ vụ của các linh mục. Những Lá Thư Thứ Năm Tuần Thánh hằng năm của ngài suốt 27 năm, từ năm 1979 cho đến 2005 là năm ngài qua đời, phản ảnh giòng suy tư của vị giáo hoàng này về chức linh mục thừa tác. Điểm nổi bật nhất của những Lá Thư này, nhất là khi so sánh với các văn kiện của Vaticanô II, đó là sự thống trị của phạm trù tư tế. Trong một số Lá Thư, những từ như sacerdos, sacerdotium, sacerdotalis xuất hiện trùng trùng hầu như ở tất cả các đoạn văn. Thử làm một thống kê nho nhỏ: Lá Thư tương đối ngắn của năm 1987 sử dụng từ sacerdotium 17 lần, sacerdos 12 lần, sacerdotalis 14 lần – trong khi đó từ presbyteri chỉ 2 lần, và presbyteratus chỉ có 1 lần! Đức Gioan Phaolô II rõ ràng thiên về con đường của Trentô để tiếp cận chức linh mục thừa tác. Phải chăng vì ngài quá bận tâm giải quyết các hiệu ứng phụ, nhất là cuộc khủng hoảng ‘căn tính’, do Vaticanô II đem lại? Hay bởi vì bối cảnh những Lá Thư của ngài luôn luôn là ... Thứ Năm Thánh, ngày Chúa lập Bí Tích Thánh Thể và chức linh mục? Hay vì cả hai?

 

Thay lời kết

 

Điều quan trọng, nói cho cùng, không phải là từ ngữ. Chẳng lẽ để hưởng ứng tinh thần của Vaticanô II ta sẽ gọi các linh mục là “trưởng lão”? Nhiều linh mục còn lâu mới ‘lão’ và cũng không muốn ‘lão’ chút nào kia mà. Cũng vậy, đây đó thỉnh thoảng râm ran tranh luận về việc nên nói “truyền chức linh mục” hay nên nói “trao tác vụ linh mục,” để rồi thực tế thấy cả hai vẫn cùng tồn tại. Nhiều linh mục thường xuyên mặc ‘soutane’, nhiều linh mục khác cả năm chưa mặc ‘soutane’ một lần - tuỳ ý nghĩa biểu tượng được gán cho chiếc ‘soutane’. Những sự khác biệt đại loại như thế không gây chết chóc cho ai; tuy nhiên cách nào đó chúng có thể là dấu chỉ rằng chúng ta hôm nay đang ở trong một mối căng thẳng giữa các nẻo đường tiếp cận chức linh mục thừa tác.

 

            Hiện nay, bên trong Công Giáo Rôma, rõ ràng không có duy chỉ một cách nhìn chức linh mục thừa tác. Ta không nên buồn về điều đó. Tác vụ chức thánh là một thực tại phong phú và đa chiều kích, và có nhiều ‘cổng’ để đi vào nó. Điều quan trọng là ta cởi mở để khám phá và lĩnh hội càng nhiều càng tốt những yếu tố và những khía cạnh của thực tại này.

 

                                                                                   Lm. Lê Công Đức

 

(có tham khảo Donovan, Daniel. What are they saying about the ministerial priesthood? New York: Paulist Press, 1992.)

 

 


Năm Linh Mục