Năm Linh mục

CẦU NGUYỆN CHO LINH MỤC. (Bài 2)

 

          Trong một bài viết trước, tôi đã mạo muội chia sẻ một kinh nghiệm cầu nguyện cho các Linh Mục, một hình thức cầu nguyện rất bình dân, rất đơn giản và rất thuận lợi, đó là cầu nguyện với các Mầu nhiệm Mùa Vui của Kinh Mân Côi. Trong bài này, tôi xin được phép dựa vào Bản kinh Năm Linh Mục của Tòa Thánh để tản mạn đôi điều cũng về việc cầu nguyện cho các Linh Mục. Bản kinh này do Thánh Bộ Giáo Sĩ soạn cho năm Linh Mục, nhưng nội dung của bản kinh thì, ngoài đối tượng chính là Linh mục, còn nhắm đến nhiều đối tượng khác, cách riêng nhắm đến các tín hữu giáo dân trong các xứ đạo.

Nhưng vì là một bản kinh để đọc trong năm Linh mục, dầu có những ý cầu nguyện dành cho nhiều thành phần khác trong Dân Chúa, thì Linh mục vẫn là thành phần được nhắm đến hơn hết trong bản kinh. Xin được nêu lên những điểm quan trọng để lời cầu nguyện của chúng ta được thiết thực hơn, và nhờ đó mà hữu hiệu hơn.

          Trên Tuần san Công giáo & Dân tộc, số đôi 1715-1716, tuần lễ 10-16.7, có bài viết nhan đề “Năm Linh mục để làm gì ?”, ở các trang 35-37, trong đó có đoạn được tác giả viết như sau : “ Tôi rất tiếc là trong thư mục tử vừa rồi, Đức Giáo hoàng đã không phác họa một khuôn mặt mới nào cho linh mục hôm nay. Ngài chỉ nêu lên một khuôn mặt duy nhất là thánh Gioan Vianê, cha sở họ Ars. Nhưng như tôi đã nói, thật khó mà thuyết phục các linh mục ngày nay noi gương bắt chước thánh nhân, mà thực ra, có muốn bắt chước cũng không được nữa. Vì làm sao người thời đại hôm nay có thể sống lại thời của thánh Gioan Vianê !”

          Tôi thật sự cũng “rất tiếc” là tác giả đã viết lên một nhận định như thế ! Nếu người thời đại hôm nay không thể bắt chước thánh Gioan Vianê, một người sống cách chúng ta chỉ trên dưới 200 năm, thì làm sao có thể noi gương một người đã sống cách chúng ta đến 2000 năm ? Vì tác giả cũng đã viết tiếp : “Vả lại hình ảnh đích thực để các linh mục rập khuôn bắt chước là chính Đức Giêsu Kitô, chứ không phải bất cứ linh mục nào, ở thời nào và ở đâu !”

          Lý do mà tác giả nêu lên để nói rằng các linh mục thời nay không muốn và không thể bắt chước thánh Gioan Vianê là vì thánh nhân là “ hình ảnh một linh mục chỉ biết giới hạn mình trong khuôn khổ nhà thờ, loanh quanh đi từ bàn thờ xuống tòa giải tội…”. Rồi tác giả nêu lên “những khuôn mặt như Abbé Pierre, sáng lập tổ chức ‘Bạn đường Emmaus’, hay của các linh mục thợ thời thập niên 50, có thể lôi cuốn được nhiều người hơn…những giám mục như Helder Camara, hay như Tổng giám mục Romero, những vị mục tử dám mở cửa nhà thờ chính tòa cho người vô gia cư đến ở, hay dám đổ máu mình ra ngay tại bàn thờ…”

          Không dám phản bác những gì mà một linh mục vừa cao  niên vừa uyên bác như tác giả của bài báo nêu trên đã viết ra, nhưng trong tư cách một người tín hữu giáo dân xấp xỉ thất tuần, tôi nghĩ rằng không biết cái gì đáng phải làm hơn đối với các linh mục thời nay để sống đúng với căn tính của mình  : “giới hạn mình trong khuôn khổ nhà thờ, loanh quanh đi từ bàn thờ xuống tòa giải tội” – nghĩa là sống hết mình vì các linh hồn đã được Chúa trao phó cho mình chăn dắt, hay thực hiện bên ngoài nhà thờ, xa đoàn chiên của mình, những “công trình ngoạn mục” thường mang vinh quang về cho người thực hiện những công trình đó nhiều hơn là mang lợi ích cho các linh hồn mà người đó có trách nhiệm coi  sóc ?

          Theo cái nhìn chung của các tín hữu giáo dân hiện thời, hình ảnh người linh mục như lòng Chúa mong muốn và như lòng của chính giáo dân chờ đợi, đó là hình ảnh của người mục tử cảm nếm được niềm vui hiện diện lâu giờ trước Thánh Thể Chúa, niềm vui gắn bó với Lời Chúa, niềm vui được đón tiếp tội nhân hoán cải, niềm vui sống an bình phó thác trong tay Mẹ từ ái và xa lánh các cạm bẫy của Ma Quỉ (x.Kinh Năm Linh Mục). Đó là hình ảnh của người mục tử biết chăm sóc đến các gia đình Kitô hữu để họ “cảm thấy ngôi Nhà thờ như mái ấm bởi luôn được gặp gỡ các thừa tác viên của Chúa” (Kinh năm LM). Đó là hình ảnh của người mục tử có lòng yêu mến đủ sức “đốt lên và nuôi dưỡng lòng mến nơi mọi Kitô hữu để (họ) biết đón nhận và làm triển nở các ơn gọi cũng như các đặc sủng mà Thánh Thần Cháu rộng ban” (Kinh năm LM). Đó là hình ảnh của người mục tử biết đến với các con chiên của mình, để như Chúa Giêsu đã nói, “Tôi biết chiên của tôi  chiên của tôi biết tôi”(Ga 10, 14). Và đó cũng là người mục tử dám xa 99 con chiên “ngoan đạo” để đi tìm một con chiên lìa đàn.

          Một hình ảnh như thế chỉ có thể tìm thấy nơi người linh mục “biết trọn niềm yêu mến giáo xứ của mình” (Kinh năm LM). Và tình yêu này chỉ có thể tìm thấy nơi người linh mục mà lòng đầy ắp tình yêu Thiên Chúa, như thánh Gioan Vianê hằng cầu nguyện : “Ôi lạy Chúa, xin cho con được ơn khi từ giã cõi đời này mà vẫn một lòng yêu mến Chúa mà thôi.”  (Kinh năm LM).

          Tôi muốn được cầu nguyện như thế cho các linh mục trong Hội Thánh, cho các mục tử của tôi./.

                                                                            

         Du Trường

            04/8/09.

             

         

           


Năm Linh Mục