HÀNG TƯ TẾ KITÔ GIÁO THEO TÂN ƯỚC

 

                      Nội dung:

                                     Dẫn nhập

                                     I. Người môn đệ gần nhất với Ðức Giêsu

                                    II. Vị tông đồ

                                    III. Trưởng lão và giám sự

                                    IV. Vị chủ sự Thánh Thể

DẪN NHẬP

Bài này mang tính chất nghiên cứu, cung cấp chất liệu Kinh Thánh cho các suy tư thần học, tu đức và mục vụ về con người và đời sống linh mục nhiều  hơn là một bài trình bày về tín lý về chức  tư tế thừa tác. Khía cạnh tín lý rõ nét hơn trong những bài đã hoặc sẽ viết.

Vì bài viết mang tính chất nghiên cứu khoa học, nên không dám khẳng định rõ hơn những gì mình khám phá. Ngay trong phần dẫn nhập này, xin được nêu ra những quan điểm khác nhau của các nhà nghiên cứu Kinh Thánh. Có quan điểm gần với thần học Công giáo, có quan điểm gần với thần học Tin lành hơn. Nhưng ngay trong các công trình nghiên cứu của các học giả Tin lành, cũng có những quan điểm khác nhau.

1 . Quan điểm phủ nhận sự hiện diện của các tư tế trong Tân Ước

 Một số nhà Kinh Thánh cũng như thần học lưu ý rằng trong Tân Ước, không thấy sự hiện diện của các tư tế, tương tự như các tư tế trong Do Thái giáo hay các tôn giáo khác. Họ cho rằng chỉ có thư Do Thái đề cập tới chức tư tế của Đức Kitô, nhằm mục tiêu minh chứng thời đại giao ước cũ đã qua, các hy tế trong Cựu Ước không còn giá trị. Đức Kitô là Vị Thượng Tế Duy Nhất, nhờ Thần Khí Hằng Có, đã hiến mình làm lễ hi sinh vô tì tích dâng lên Thiên Chúa (x. Dt 9,14).

Lễ tế của Đức Kitô là lễ tế trường tồn, vì người đã phục sinh từ cõi chết, là Vị Thượng Tế đi xuyên qua các tầng trời (x. Dt 4,14), đi vào thánh điện chân thật là Thiên Đàng, hiện diện trước nhan Thiên Chúa để cầu bầu cho chúng ta (x. Dt 9,24).

Thời Tân Ước, chỉ có một hy tế duy nhất, là Hy tế Thập giá Đức Kitô; ngoài ra không còn hy tế nào khác, nên cũng chỉ có một Tư Tế Duy Nhất là Đức Kitô, mọi người khác đều là thành viên của dân tư tế, cùng thông phần vào chức tư tế của Đức Kitô (x.1Pr 2, 9). Đấy là lập trường của Luther, người chỉ công nhận có chức tư tế cộng đồng, chống lại chức tư tế thừa tác. Nhưng Elliott, một nhà Kinh thánh Tin lành, đã giải thích câu 1 Pr 2, 9 và Xh 19, 6 không giống như Luther: Vương quốc tư tế  không gì khác hơn là “Dân thánh”, Dân được hiến thánh, được dành riêng cho Thiên Chúa, có một tương quan giao ước đặc biệt với Thiên Chúa. Trong vương quốc tư tế này, trong dân thánh, vẫn có “hàng tư tế” chuyên biệt.

Một số nhà Kinh Thánh khác nhấn mạnh là nếu dựa vào các sách Tin Mừng, thì gương mặt Đức Giêsu không giống gương mặt tư tế thời đại của Người chút nào. Không bao giờ Người tự coi mình như một tư tế. Trái lại Người còn phê bình gắt gao về các tư tế, và kẻ thù của Người là hàng tư tế. Vụ án của Người trước Tòa đạo, do thượng tế xét xử. Các môn đệ của Người, đa số là những người bình dân, không có nhiệm vụ, cũng không được huấn luyện để tế lễ. Có người còn lưu ý là trong Tân Ước, có mặt cả tư tế ngoại giáo lẫn tư tế Do Thái giáo trên “sân khấu” nhưng không hề có bóng dáng “tư tế Kitô giáo”. Điều đó nhắc nhở rằng đạo Kitô không phải là đạo Do Thái hay là bất cứ một tôn giáo nào. Đạo Kitô là một con đường; con đường ấy là con đường bước theo Đức Kitô. Có thế thôi !

Truyền thống Công giáo giải thích về sự vắng mặt của tư tế Kitô giáo trong Tân Ước như sau:  chính các tông đồ chủ sự việc cử hành bí tích Thánh Thể; các đấng đã là tư tế, dù không mang danh tư tế, vì từ ngữ tư tế đã làm cho người ta liên tưởng đến tư tế Do Thái trong Đền Thờ.

 

2. Quan điểm của nhà Kinh thánh Raymond Brown

a. Thời Giáo Hội sơ khai, Kitô giáo chưa có hàng tư tế riêng

Nhà Kinh Thánh Raymond BROWN thì cho rằng các Kitô hữu thời Giáo Hội sơ khai vẫn coi hàng tư tế Do Thái là có giá trị, nên đã không nghĩ đến một hàng tư tế riêng.

Thời gian đầu, Kitô giáo chỉ là một “phong trào” canh tân trong lòng Do Thái giáo, chỉ khác một vài điều, mà điều quan trọng hơn cả là niềm tin vào Đức Giêsu. Các Kitô hữu coi Đức Giêsu là Đấng Mêsia. Nơi Người, Thiên Chúa đã khai trương thời đại cánh chung, chính vì thế mà dân ngoại có thể thông phần trọn vẹn phúc lành của Israel mà không cần giữ luật Môsê. Lúc ban đầu, các Kitô hữu tự coi mình là Israsel đổi mới, chứ chưa phải là Israel mới. Họ chờ đợi mọi con cái Israel sẽ nhanh chóng tham gia phong trào này. Sách Công vụ Tông Đồ (2, 46) tường thuật rằng trong khi họ bẻ bánh tại nhà, những Kitô hữu ở Giêrusalem hằng ngày vẫn trung thành với việc cầu nguyện trong Đền Thờ, và không có dấu hiệu nào cho thấy họ đoạn tuyệt với hàng tư tế ở Giêrusalem. Ngay cả Phaolô, vị Tông Đồ dân ngoại, đã nhấn mạnh các Kitô hữu gốc dân ngoại không bị ràng buộc bởi Lề Luật, vẫn được sách Công vụ tường thuật là đã đến dâng của lễ trong Đền Thờ vào năm 58 (x. Cv 21,26).

b. Tư tế Kitô giáo với Hy Tế mới

Ý tưởng thay thế hàng tư tế Do Thái bằng hàng tư tế Kitô giáo chỉ xuất hiện khi có nhiều yếu tố mới làm cho đổi hướng. Trước hết, người Kitô hữu phải nghĩ rằng họ thuộc về (làm nên) một tôn giáo mới, khác Do Thái giáo và thay thế Hội đường Do Thái, làm dân Giao Ước mới. Có vài Kitô hữu quay về hướng này rất sớm, như “cánh tả” mà sách Công vụ gọi là những “người Hi Hoá” (x. Cv 6, 1). Chúng ta có thể nhận ra thần học của họ trong lời lẽ của phó tế Stêphanô, người đã mạnh bạo công kích Đền Thờ (x. Cv 7,47- 50).

Trước năm 70, quan điểm này chưa mạnh lắm. Sau năm 70, có nhiều yếu tố cộng lại làm cho Kitô giáo tách rời Do Thái giáo:

- Trong Giáo Hội, những người gốc dân ngoại ngày càng đông;

- Cộng đồng Kitô hữu ở Giêsuralem, bên ngoài ngày càng có vẻ lệ thuộc Do Thái, mất ảnh hưởng, và vai trò lãnh đạo thuộc về Rôma và một số trung tâm lớn khác như Antiôkia và Alexandria;

- Đền thờ bị tàn phá và điều đó được nhiều người Kitô hữu coi như dấu hiệu Thiên Chúa từ bỏ dân Do Thái vì họ từ khước Đức Giêsu;

- Vì phải chiến đấu để bảo tồn cương vị của mình, Do Thái giáo này càng trở nên hẹp hòi.

Có lẽ vào khoảng năm 85- 90, các Hội đường Do Thái bắt đầu “khai trừ” các giáo phái không chính thống, trong đó có Kitô giáo. Thư Do Thái có lẽ xuất hiện vào thời gian này. Tác giả nhấn mạnh Đức Giêsu là tư tế thuộc dòng vua, Đấng, nhờ cái chết hy tế, đã làm cho các hy tế Cựu Ước trở nên vô hiệu, và như vậy là tuyên bố rằng Kitô giáo đã thay thế Israel cũ. Lời tuyên bố này giống như lời khẳng định trong Tin Mừng Gioan là “Thân xác Đức Kitô” đã thay thế Đền Thờ (x. Ga 2,20-21), vì thế các ngày lễ Do Thái càng ngày càng mất giá trị so với những hồng ân mà Thiên Chúa ban cho qua Đức Giêsu.

Ngoài những yếu tố kể trên, còn phải kể thêm một yếu tố quan trọng khác, từ đó mới có hàng tư tế Kitô giáo. Đó là việc “cử hành Thánh Thể” được coi như hy tế không đổ máu, thay thế những hy tế bằng máu sinh vật, từ nay không còn được hiến dâng trong “Đền Thờ Vĩnh Cửu”. Thái độ này chỉ xuất hiện vào cuối thế kỉ I đầu thế kỷ II, trong tác phẩm Didaché chẳng hạn:

“Các ngươi hãy tụ họp lại vào ngày của Chúa, hãy bẻ bánh và tạ ơn, sau khi thú nhận tội lỗi, để lễ tế của ngươi được tinh tuyền… Chính Lời của Chúa đã căn dặn: mọi thời và mọi nơi, ai ai trong chúng ta cũng phải dâng cho Ta một lễ tế tinh tuyền…” (Didaché XIV, 1. 3).

Sự trích dẫn Malaki 1, 10- 11 trở nên một yếu tố rất quan trọng trong thần học Kitô giáo về mầu nhiệm Thánh Thể. Việc cử hành Thánh Thể được các Kitô hữu coi như “hoàn tất” sấm ngôn của Malalki, và Thiên Chúa từ nay sẽ không chấp nhận hy lễ do tay các tư tế Do Thái nữa.

Cũng vào thời gian ấy, phụng vụ Kitô giáo bắt đầu thành hình, và cơ chế những người phục vụ cũng dần dần hình thành. Clément de Rome nói đến một cơ chế tương tự như trong Cựu Ước gồm “Thượng tế- Tư tế- thầy Lêvi” (I Clément 40). Các từ ngữ về hy tế Thánh Thể và về hàng tư tế bắt đầu được sử dụng đi đôi với nhau. Chỉ một thời gian, là cuối thế kỷ II sang đầu thế kỷ III, Tertullien đã nói tới giám mục giống như thượng tế ( De Baptismo 17) và Hippolyte de Rome nói đến tinh thần “Thượng tế” của giám mục (Traditio Apostolica III, 5).

3. Phải nhìn từ một “quan điểm động”

Dĩ nhiên, việc hình thành hàng tư tế Kitô giáo được trình bày như trên không đơn thuần phủ nhận Đức Giêsu thiết lập chức tư tế thời Tân Ước vào buổi ăn tối cuối cùng với các môn đệ trước khi Người chịu nạn. Nhưng cũng không thể khẳng định cách đơn giản là hàng tư tế như hiện nay đã do Chúa ấn định trong Bữa Tiệc Ly.

Việc thành lập hàng tư tế cũng như việc thành lập Giáo Hội phải được nhìn từ một quan điểm động, chấp nhận biến chuyển bắt đầu từ một trọng tâm nòng cốt.

Chính Đức Giêsu đã chọn một số môn đồ, trao cho họ sứ mạng loan báo Nước Thiên Chúa. Đó là “nhân tố” quan trọng sau này trở thành một cộng đồng mà chúng ta gọi là Giáo Hội. Và trong Bữa Tiệc Ly, Người đã gán cho cho những của ăn mà Người chia sẻ với các môn đệ một ý nghĩa đặc biệt, như thế Người đã cung cấp cho họ một nghi lễ cộng đồng, sau này được coi là hy tế, và những người cử hành được gọi là tư tế.

Lập trường trên đây của nhà kinh thánh R. Brown chứa đựng nhiều yếu tố  tích cực, mà ngày hôm nay không ai phủ nhận: sự gắn liền giữa Kitô giáo và Do Thái giáo trong thời gian đầu; cách tổ chức phẩm trật trong Giáo Hội hôm nay không hoàn toàn như trong Tân Ước; con đường mà Đức Giêsu mở ra không nặng về cơ chế.

Nhưng chúng ta không thể coi đó là một lập trường hoàn toàn chắc chắn, vì nhiều chỗ chỉ là cách giải thích riêng của tác giả, ví dụ việc định vị Thư Do Thái vào khoảng năm 85-90, việc coi phó tế Stêphanô như lãnh đạo “cánh tả” thời Giáo Hội sơ khai. Cần phải bổ túc bằng quan điểm của A.Feuillet, nhấn mạnh nhiều hơn đến gương mặt cũa vị tư tế Tân Ước, đã được phác hoạ, thậm chí còn được Chúa Kitô chú ý thiết lập trước khi Người ra đi chịu chết.

Dĩ nhiên R. Brown cũng công nhận là các thừa tác vụ thánh trong Giáo Hội hôm nay đã có nhiều “tiền thân” trong Tân Ước, chứ Giáo Hội không thể bịa đặt ra những hoàn toàn ngược với ý muốn của Đức Giêsu, như một số người quá khích chủ trương.

I. NHỮNG MÔN ĐỆ GẦN NHẤT VỚI ĐỨC GIÊSU

1. Môn đệ gắn bó với Đức Giêsu  như lý tưởng của linh muc

Lý tưởng của linh mục Kitô giáo sau này chủ yếu vẫn là hình ảnh các môn đồ của Đức Giêsu được phác hoạ trong các sách Tin Mừng. Dĩ nhiên mọi Kitô hữu đều được mời gọi trở nên môn đồ của Đức Giêsu, nhưng người ta vẫn luôn nghĩ rằng những người dẫn thân vào các tác vụ đặc biệt phải gắn liền với Đức Giêsu cách đặc biệt hơn bởi những đòi hỏi của tư cách môn đệ.

Sự kiện Đức Giêsu đã chọn giữa rất nhiều kẻ theo Người con số Mười Hai môn đệ để họ ở lại với Người đã tạo ra một mẫu mực: người Kitô hữu nào được chỉ định thi hành một thừa tác vụ đặc biệt, thì phải trở nên một môn đệ gần hơn của Chúa như trường hợp Nhóm Mười Hai. Nếu mỗi Kitô hữu đều được mời gọi trở nên ánh sáng cho trần gian, thì người linh mục được mời gọi trở nên ánh sáng cho cộng đoàn Kitô hữu.

Gương mặt của người môn đệ sống gần Đức Giêsu được các sách Tin Mừng mô tả khá cụ thể. Đức Giêsu đã được thời đại của Người coi như một Vị Thầy đáng kính. Người là một Rabbi có một số môn đồ đi theo. Những môn đồ này sống rất gần với Người, thấy những điều Người làm, nghe những lời Người nói và dạy dỗ. Họ nỗ lực sống như Người, để có thể đại diện cho Người trước mặt kẻ khác. Sự gần gũi tới mức không còn ngăn cách giữa Thầy và Trò, Trên và Dưới: “Anh em là bạn hữu của Thầy... Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ làm.” (Ga 15,14- 15). Sự gần gũi này không giảm cương vị làm Thầy và làm Chúa của Đức Giêsu: “Trò không hơn Thầy, tớ không hơn chủ” (Mt 10,24).

2. Ơn gọi làm môn đệ

Điều sẽ trở nên quan trọng cho việc phát triển hàng tư tế Kitô giáo là “yếu tố ơn gọi” trở nên môn đồ. So với hàng tư tế Cựu Ước sinh ra từ dòng dõi Lêvi, các tư tế Kitô giáo tự nguyện đáp trả lời mời gọi trở nên môn đệ của Đức Yêsu, trở thành bạn hữu của Người.

Tính triệt để của lời mời gọi của Đức Giêsu vẫn ghi khắc rất sâu trong lý tưởng linh mục. Đối với người môn đệ, chỉ một có một Vị Thầy Duy Nhất là Đức Giêsu (x. Mt 6, 24; 23, 8). Khi Đức Giêsu kêu gọi, nếu muốn trở thành môn đệ, không được phép chần chờ vì bất cứ lý do gì, dù là lý do cao thượng, nhưng phải đáp trả ngay với tất cả tấm lòng. Đức Giêsu đã phản ứng cách cứng rắn với kẻ xin Người chu toàn bổn phận làm con: “Cứ theo Ta và để kẻ chết chôn kẻ chết” (Mt 8,22). Khi một người bắt đầu theo Đức Giêsu với tư cách môn đệ, thì không được phép do dự, nhìn lại đằng sau: “Ai đã tra tay cầm cày mà còn ngoái lại đàng sau, thì không thích hợp với  Nước Thiên Chúa” (Lc 9, 62).

Các sách Tin Mừng giới thiệu lý tưởng môn đồ như một ơn gọi độc quyền, làm chủ trọn vẹn ước muốn của người môn đồ, không chấp nhận sự cạnh tranh: “Kẻ nào đến với Ta mà không ghét cha, mẹ, vợ, con cái, anh chị em mình và cả mạng sống mình nữa, ắt không thể làm môn đồ Ta” (Lc 14, 26).

Có người vấn nạn: đòi hỏi gắt gao của Đức Giêsu hướng tới mọi người muốn theo Người, chứ không riêng gì Nhóm Mười Hai. Điều này cũng đúng, vì đó là đòi hỏi tuyệt đối của Nước Trời. Nhưng ai cũng phải công nhận là sự triệt để của lời kêu gọi được trình bày quá cao để mọi người có thể đón nhận. Vả lại các tác giả Tin Mừng có nói đến các cá nhân trong Nhóm Mười Hai từ bỏ của cải và gia đình để theo Chúa Giêsu (x. Mt 4, 22). Và chính các môn đệ cũng coi “nét tiêu biểu nhất” của họ là “từ bỏ mọi sự mà đi theo Chúa Giêsu” (x. Mt 19, 27). Trong câu chuyện chàng thanh niên giàu có, điểm then chốt là chấp nhận từ bỏ mọi của cải, rồi mới có thể theo Chúa (x. Mt 19, 16- 22). Đối với người luật sĩ muốn theo Nhóm Mười Hai, Chúa Giêsu bảo: “Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu” (Mt 8, 20).

Việc theo Chúa Giêsu của người Kitô hữu nói chung cũng đòi hỏi từ bỏ, vác thập giá mà theo Người (x. Mt 10 ,38; 16, 24). Nhưng tư cách môn đồ theo nghĩa hẹp, đòi hỏi “rập khuôn” theo Thầy, mà ơn gọi của Thầy đạt tới cao điểm trong cuộc Khổ Nạn.

II. VỊ TÔNG ĐỒ

1.Tông đồ với thừa tác vụ linh mục

Gương mặt người môn đệ ảnh hưởng nhiều trên linh đạo dành cho hàng linh mục đặc biệt là cuộc sống theo gương Đức Kitô. Nhưng chính “vai trò tông đồ” mới làm cho các Kitô hữu hiểu thừa tác vụ linh mục.

Các môn đệ được kêu gọi không phải chỉ để ở lại với Chúa Giêsu, mà còn để đại diện Người, giới thiệu Người cho người khác. Các sách Tin Mừng gợi ra điều đó, khi nói đến việc Đức Giêsu sai Nhóm Mười Hai, đi từng hai người vào các làng mạc (x. Mc 6, 7 tt). Dĩ nhiên việc sai đi “dứt khoát” làm nên “tông đồ vụ” chỉ bắt đầu sau khi Chúa sống lại. Mọi sách Tin Mừng đều nối kết vai trò các môn đệ với vai trò các tông đồ: Nhóm mười hai nhận lãnh “lệnh truyền giáo” sau biến cố Phục Sinh (x. Mt 28, 19; Lc 24, 47- 48; Ga 20, 21; Mc 16, 15).

Nhưng nói chung, Tân Ước ít nói tới tông đồ vụ của Nhóm Mười Hai. Và “mẫu” được coi là tông đồ trong sách Công vụ, và nói chung trong Tân Ước, không là gương mặt của người môn đệ của Đức Giêsu lúc Người còn tại thế và đi rao giảng Tin mừng.

Phaolô thường xuyên được gọi là tông đồ; dù Phaolô vẫn coi mình là môn đệ bước theo Đức Giêsu, sự kiện ông không phải là một trong Nhóm Mười Hai cho thấy rõ “môn đệ” và “tông đồ” là những vai trò thực sự khác biệt. Một người có thể là một tông đồ rất tầm thường, nhưng là một môn đệ có tư cách. Người khác có thể sống lý tưởng môn đệ rất tốt, nhưng lại không dấn thân vào con đường tông đồ cách hữu hiệu.

2. Tông đồ, người phục vụ

Nét nổi bật của người môn đệ là sự “gần gũi” với Đức Giêsu, còn nét nổi bật của người tông đồ là “phục vụ”. Phục vụ ở đây tiên vàn là phục vụ Đức Giêsu Kitô. Dĩ nhiên việc phục vụ Đức Kitô bao hàm công việc phục vụ tha nhân, nhưng chỉ một mình Đức Kitô, là nguồn gốc và là mục đích của công việc tông đồ.

 Phaolô là tông đồ, vì ông đã được Đức Kitô Phục Sinh sai đi. Kẻ được sai thay mặt cho người sai mình, không những có quyền hành của người sai đi, mà còn làm cho người ấy hiện diện với những người mình được sai đến. Phaolô tông đồ giới thiệu Đức Giêsu cho nhiều người, không những bằng lời rao giảng (x. 2Cr 4, 5), mà còn bằng đời sống (x. Gl 2, 20). Mục tiêu của sinh hoạt tông đồ bắt nguồn từ Đức Giêsu là đưa nhiều người đến với Người (x. 1Cr 9, 19). Người tông đồ hay tôi tớ Đức Giêsu Kitô  chỉ là “gạch nối”, là nhịp cầu, nhờ đó người khác có thể tin vào Đức Giêsu (x. 1Cr 3, 5).

3. Công việc tông đồ phục vụ

Công việc tông đồ là gì? Người tông đồ làm những gì? Công việc phục vụ của Phaolô rất rộng, bao hàm nhiều phương diện, dù chỉ nhắm một mục tiêu là Đức Giêsu Kitô.

a. Lao động

Công việc lao động hằng ngày nhằm đưa Phaolô lại gần quần chúng, và để ông khỏi phải vướng bận, nhờ vả người khác để sinh nhai. Điều đó cũng được Phaolô coi là tông đồ “Điều tôi tìm không phải là của cải mà là chính mình anh em” (2 Cr 12, 14).

b. Quyên góp

Dù rất ngại đồng tiền của người khác cho mình, Phaolô không do dự quyên góp để nâng đỡ cho sự nghèo khổ của Giáo Hội Giêrusalem. Khi thúc giục những người dân ngoại giúp đỡ Giáo Hội Mẹ, Phaolô muốn gìn giữ họ gắn liền với các Giáo hội ở Palestine. Ông muốn dạy cho họ biết cần phải “chia sẻ”. Vì lẽ đó, ông nói đi nói lại về việc quyên tiền trong các thư của ông, và không coi đó là việc bất xứng, nằm ở ngoài  thừa tác vụ tông đồ của ông (x. 2 Cr 9).

c. Cầu nguyện

Đối với Phaolô, dạy cho người khác cầu nguyện hay tổ chức cầu nguyện cũng là một công việc rất quan trọng của người tông đồ (x.1 Tm 2). Chính bản thân Tông Đồ cũng cầu nguyện cảm tạ Thiên Chúa thay cho các giáo đoàn, không ngừng cầu xin cho họ (x. Ph 1, 4; Rm 1, 9).

d. Đau khổ của người tông đồ

Rất thường xuyên, Phaolô đề cập tới đau khổ của ông như dấu hiệu cương vị tông đồ mà ông sống. Với tư cách tông đồ, Phaolô giới thiệu Đức Giêsu cho nhiều người, ông có thể làm điều đó rất hữu hiệu, vì ông mang trong thân mình cuộc tử nạn của Đức Giêsu (x. 2 Cr 4,10). Tông đồ Phaolô chẳng bao giờ thư thái, nhưng quẫn bách tư bề, chiến đấu bên ngoài, lo sợ bên trong (x. 2 Cr 7, 5).

 Linh mục theo mẫu tông đồ Phaolô không mong thoát khỏi một đời sống đầy những áp lực, thử thách bên ngoài là sự bách hại và các bệnh tật. Phaolô đã kể ra một loạt những thử thách làm bằng chứng cho cuộc đời tông đồ của ông (x. 2 Cr 11, 23). Nhưng đau khổ nội tâm còn gay gắt hơn đối với người tông đồ. Phaolô tự coi mình như trò cười, như đồ điên dại vì Đức Kitô (x. 1Cr 4, 9- 10).

e. Công tác “sửa sai”

Một trong những công việc quan trọng của tông đồ là “sửa dạy”, đó là công việc phục vụ đầy khó khăn, đòi hỏi nhiều can đảm. Phaolô đã không ngại ngùng làm công việc sửa sai này. Ông đã mạnh mẽ chống lại những lạm dụng trên bình diện cá nhân (thiếu bác ái, loạn luân), trên bình diện Giáo Hội( chia rẽ, thiếu cung kính đối với bí tích Thánh Thể), trên bình diện giáo lý ( đánh giá sai về đức tin, sai lệch về mầu nhiệm Chúa Kitô).

 Dựa vào Thư Gl 4, 20 và 2 Cr 12, 20 chúng ta biết được sự sửa sai của Phaolô và những buồn phiền không thể tránh mà sự sửa sai ấy gây ra. Đối với Phaolô, công việc sửa dạy thuộc về nội dung của nghĩa vụ tông đồ và là một phần của công việc phục vụ Đức Kitô.

Sửa sai huynh đệ là điều mà Giáo Hội sơ khai vẫn áp dụng khi cần thiết, Giáo Hội đã dùng ngay cả biện pháp cứng rắn là khai trừ (x. Mt 18, 15-16).

f. Rao giảng Tin Mừng

Dĩ nhiên phận vụ quan trọng nhất của người tông đồ là rao giảng Tin Mừng Đức Giêsu Kitô. Nhiều câu nói của Phaolô tiêu biểu cho chức năng tông đồ: “Khốn thân tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng”(1Cr 9, 16).

Phaolô coi việc rao giảng Tin Mừng là nghĩa vụ thiết yếu của người tông đồ: “Làm sao họ tin được Đấng họ không nghe? Làm sao họ nghe được nếu không có người rao giảng? Làm sao mà rao giảng nếu không được sai đi?” (Rm 10, 14-15). Vậy tông đồ chủ yếu là người được sai đi rao giảng, là sứ giả loan báo Tin Mừng về Đức Giêsu Kitô (x. Rm 10, 15).

Phaolô thường xuyên nói đến tước hiệu tông đồ của ông, gắn liền với việc rao giảng Tin Mừng: “Phaolô, tôi tớ của Đức Giêsu Kitô, tôi được kêu gọi làm tông đồ, và dành riêng để loan báo Tin Mừng của Thiên Chúa” (x. Rm 1, 1 tt).

Ở đây quan điểm của Phaolô hoàn toàn phù hợp với quan điểm của Giáo Hội sơ khai. Giáo Hội bắt đầu hình thành từ Lời Rao giảng Tông truyền (Kérygme Apostolique, x. Cv 2, 14- 41; 3, 11- 26; 4, 8- 12…).

 

III. TRƯỞNG LÃO VÀ GIÁM SỰ

1.Trưởng lão- Giám sự, người sống giữa cộng đoàn

Hình ảnh người tông đồ theo Phaolô quả thực là lý tưởng cho con người linh mục hôm nay. Nhưng có một khía cạnh rất quan trọng của vai trò tông đồ rất khác với vai trò của linh mục sau này.

 Người tông đồ là một con người truyền giáo, thành lập các cộng đoàn Kitô hữu, rồi lại rời bỏ để đi thành lập những cộng đoàn khác, và vẫn giữ quan hệ với các giáo đoàn mình thành lập bằng thư từ, bằng cách sai những người đại diện đến thăm, hoặc chính mình đến thăm khi có cơ hội. Còn vị trưởng lão xuất hiện trong lịch sử Kitô giáo như một con người thường trú giữa lòng giáo đoàn mà mình chăm sóc.

Theo một số nhà chú giải Kinh Thánh, trong Giáo Hội sau thời kỳ Phaolô, trưởng lão và giám sự chưa phân biệt, nói chung họ là những người có trách nhiệm mục vụ, chăm sóc một số giáo đoàn. Đời sống và công việc của họ được nói tới trong các thư mục vụ (x. 1 và 2 Tm; Tt), Thư 1 Phêrô và sách Công vụ.

2. Trách nhiệm mục vụ, cai quản và  chăm sóc cộng đoàn

a. Tiếp nối công việc các Tông đồ

Dựa trên các Thư mục vụ,  “các vị trưởng lão, giám sự” thay vào chỗ các tông đồ, khi các vị này cần phải đi thành lập các giáo đoàn khác. Họ tiếp tục  công việc mà các tông đồ đã đặt nền móng. Những người đại diện cho Phaolô (Timôthê. Titô) phát biểu rất rõ ràng về tư cách và công việc đòi hỏi nơi vị “trưởng lão – giám sự”.

Các nét được phác họa nghiêng về cơ chế nhiều hơn; các đức tính đòi hỏi không nặng phần gian khổ hay dấn thân của người tông đồ: “Vị giám sự phải là người vô phương trách cứ, không tục huyền, tiết độ, điềm đạm, thanh lịch, hiếu khách, biết giảng dạy, không nghiện ngập, không hiếu chiến, nhưng khoan dung, không gây sự, không ham tiền, biết tề gia đúng mực, biết dạy con cái trong sự tùng phục, rất mực đàng hoàng” (1 Tm 3, 2- 4). “Một vị giám sự, theo tư cách là quản gia của Thiên Chúa, phải là người vô phương trách cứ, không tự mãn, không cáu kỉnh, không nghiện ngập, không hiếu chiến, không hám trọc lợi, nhưng hiếu khách, phục thiện, chừng mực, công bằng, nhân đức, tiết độ, nắm giữ giáo điều chắc chắn chiếu theo đạo lý, để có thể vừa khuyên răn rập theo đạo lý thường lương, vừa biện bác những người chống đối” (Tt 1, 7- 9).

b. Vai trò lãnh đạo

So với vị trưởng lão – giám sự, thì tông đồ là một “con người đặc sủng”, không nặng về cơ chế. Người tông đồ thường sẵn sàng phiêu lưu đến những vùng đất xa lạ; còn người trưởng lão – giám sự là một người tề gia (x. 1 Tm 3, 4- 5), một người có trách nhiệm tổ chức, củng cố, làm cho ổn định, bảo vệ cộng đồng khỏi những thay đổi nguy hiểm (x. Tt 1, 9).

Dĩ nhiên chúng ta cũng không nên quá khích và coi chức trưởng lão – giám sự chỉ là “cơ chế”. Phaolô coi “quản trị” cũng là một đặc sủng (x. 1 Cr 12, 28). Vả lại, nếu không có công việc của các trưởng lão – giám sự, thì công việc ban đầu của các tông đồ không thể tồn tại.

Các trưởng lão – giám sự tiếp nối nghĩa vụ “sửa dạy” của các tông đồ: “Vì có lắm người loạn tặc, huênh hoang hư ngôn, phỉnh phờ gạt gẫm nhất là những kẻ thuộc giới cắt bì. Phải làm sao cho chúng cứng miệng lại; chúng làm điên đảo cả gia đình người ta, dạy những điều bất chính, vì tham trọc lợi” (Tt 1, 10- 11).

Trưởng lão –giám sự còn có nhiệm vụ lo phần “tài chính” cho giáo đoàn, tổ chức, chăm sóc giáo đoàn. Công việc quản trị không đi ngược với công việc của người mục tử được mời gọi yêu thương đàn chiên, làm gương mẫu cho đàn chiên: “Hãy chăn dắt đàn chiên của Thiên Chúa nơi anh em, hãy coi sóc không phải như thể miễn cưỡng, nhưng cách nhiệt thành, đừng như thể làm chúa trên phần cơ nghiệp đã lãnh, nhưng là làm gương mẫu cho đàn chiên” (1 Pr 5, 2- 3).

Lời của Phaolô nhắn nhủ các trưởng lão ở Êphêsô thật là cảm động và không nặng về cơ chế chút nào: “Anh em hãy đề cao cảnh giác về mình cũng như về đàn chiên , trên đó Thánh Thần  đã đặt anh em làm người thị sự, để anh em chăn dắt Hội Thánh của Thiên Chúa, Người đã mua chuộc lấy bằng chính Máu Con của Người”(Cv 20, 28).

Chúng ta có thể kết luận là gương mặt vị trưởng lão – giám sự là “tiền thân” của linh mục sau này, đã góp phần phát triển tổ chức hàng giáo phẩm. Nhưng gương mặt người môn đệ và người tông đồ không thể bị lãng quên, nếu muốn có đủ các yếu tố nòng cốt của lý tưởng linh mục.

IV. VỊ CHỦ SỰ THÁNH THỂ

Như đã phân tích, chức tư tế Kitô giáo thay thế chức tư tế trong Israel, chỉ nổi lên khi Mầu nhiệm Thánh Thể được coi như một Hy tế không đổ máu thay thế cho các hy tế đổ máu trong Đền Thờ.

1. Trưởng lão- Giám sự với vai trò chủ sự Thánh Thể

Có điều cần lưu ý là Tân Ước không thường xuyên gán việc phục vụ Thánh Thể cho một trong ba chức năng mà chúng ta đã bàn tới khi mô tả hoạt động của các vi trưởng lão – giám sự, ít thấy có sách Tân Ước đề cập đến việc chủ sự Thánh Thể. Phaolô cũng không nói rằng ông chủ sự Thánh Thể. Người chỉ tường thuật việc Đức Giêsu lập phép Thánh Thể, dựa theo Truyền Thống. Có một chỗ duy nhất có thể được giải thích theo chiều hướng đó là Cv 20, 11: “Rồi ông lên, bẻ bánh và ăn”.

Lời Chúa nói với Nhóm Mười Hai: “Hãy làm việc này mà nhớ đến Ta” chắc chắn liên hệ tới việc cử hành Thánh Thể. Chúa ra lệnh cho Nhóm Mười Hai và cho Giáo Hội. Những người Tin lành có khuynh hướng giải thích lệnh truyền này theo nghĩa Giáo Hội nói chung. Truyền thống Công giáo coi đó là việc Đức Giêsu thiết lập chức tư tế thừa tác (x. Lc 22, 19).

Sách Công vụ thường xuyên đề cập đến việc bẻ bánh, mà không nói rõ là ai chủ sự bẻ bánh và ai đọc những “lời của Chúa” (Này là Mình Thầy… Này là Máu Thầy). Nếu chỉ dựa vào Tân Ước, chúng ta không thể đơn thuần cho rằng là các vị trong Nhóm Mười Hai hiện diện ở đâu là chủ sự ở đó, và đã có một dây chuyền “phong chức chủ sự Thánh Thể” từ Nhóm Mười Hai sang các tông đồ truyền giáo, rồi sang các trưởng lão – giám sự.

2. Quyền “chủ sự”

Điều duy nhất chắc chắn là khi có cử hành Thánh Thể, thì có người chủ sự và người ấy ý thức là mình có quyền chủ sự. Người đó đắc thủ quyền chủ sự ấy như thế nào? Quyền chủ sự ấy có kéo dài mãi, kể cả lúc không cử hành? Những câu hỏi này khó được trả lời cách minh nhiên, nếu chỉ dựa vào chứng từ của Tân Ước.

Chúng ta chỉ hiểu rõ khi đặt “quyền chủ sự” (potestas ordinis) trong lòng sứ vụ của toàn thể Hội Thánh. Nói như vậy không có nghĩa là công nhận quyền ấy phát sinh từ “quần chúng” trong Giáo Hội.

Với tác phẩm của các Giáo phụ Sứ đồ, chúng ta thấy rõ hơn. Ví dụ, theo sách Didaché, thì tiên tri được phép cử hành Lễ Tạ Ơn (X, 7), nhưng vẫn có chỉ dẫn về việc chọn  người chủ sự là Giám mục và người phụ giúp là Phó Tế (XV, 1). Thư I Clémentê nói đến tội truất phế những người hiến dâng của lễ với lòng đạo đức khỏi cương vị Giám Mục (44, 4). Mười lăm năm sau, trong các Giáo Hội mà Ignace d’Antioche biên thư, chắc chắn là Giám Mục hay một linh mục mà ngài chỉ định chủ sự Thánh Lễ (ad Smyrnaeos 8, 1 ad Ephesios 20, 2).

Chấm dứt thế kỷ đầu tiên, hai vai trò trước kia có thể tách rời, kết hợp lại với nhau: Vai trò “trưởng lão – giám sự” và vai trò chủ sự Thánh  Thể. Bên cạnh sự chăm sóc về giáo lý, luân lý, ngay cả vật chất dành cho đàn chiên, vị giám mục cùng với các linh mục phải chăm sóc giáo đoàn đặc biệt là trên bình diện bí tích: “Bí tích Thánh Thể được Giám Mục hay người mà được Giám mục chỉ định cử hành, thì mới hợp pháp”.

 

+ Phaolô BÙI VĂN ĐỌC

Giám mục Giáo phận Mỹ Tho

 

nguồn: giaophanmytho.net

 


Năm Linh Mục