Cầu nguyện cho Linh mục (Bài 3)

 

          “Thiên Thần truyền tin cho Đức Mẹ chịu thai, xin Đức Mẹ chuyển cầu cho các Linh mục trong Hội Thánh được ở khiêm nhượng”.

          Đó là lời cầu nguyện đầu tiên mỗi khi tôi suy ngắm các Mầu Nhiệm Vui trong Năm Linh Mục này. Và tôi vẫn thường nghĩ rằng trong các ơn cần thiết cho cuộc đời linh mục, có lẽ ơn khiêm nhượng phải đứng hàng đầu. Hơn nữa trong kinh Cải Tội Bảy Mối thì ơn khiêm nhượng được nhắc đến trước tiên (Cải Tội Bảy Mối có Bảy Đức : thứ nhất Khiêm Nhượng chớ Kiêu Ngạo).

          Có nhiều biểu hiện của tính kiêu ngạo, nhưng biểu hiện thường gặp nhất đó là người kiêu ngạo thì tự cho mình hiểu biết hơn người khác, không cần nghe ai, dễ nổi nóng khi nghe góp ý phê bình. Và giữa những con người cùng chung kiếp sống phàm nhân như nhau, thì linh mục là người dễ trở thành nạn nhân của con rắn của Vườn Địa Đàng nhất.

          Thật vậy, từ khi mới được nhận vào đại chủng viện, cái áo dòng đã nâng chàng thanh niên ngày nào còn “tao mày” với bạn bè thành “ông thầy”, có chỗ ngồi riêng trong nhà thờ (mặc dầu không nhất thiết phải như thế); cha mẹ của “ thầy” cũng được ăn theo và trở thành “ông bà cố”. Rồi “ thầy” trở thành “ cha”. Mặc dầu Chúa Giê-su  đã dạy : “ Anh em cũng đừng gọi ai dưới đất này là cha của anh em, vì anh em chỉ có một Cha là Cha trên trời” (Mt 23, 9) [Rất tiếc là khi đọc đoạn Tin Mừng này trong Phụng vụ, các linh mục không đả động gì đến câu nói của Chúa Giê-su, mà lẽ ra các ngài nên giải thích một chút để cho người nghe không cảm thấy khó chịu]. Nhiều nơi, khi cha mẹ của một linh mục (kể cả của tu sĩ) qua đời, thánh lễ an táng được cử hành đồng tế long trọng.

          Tất cả những điều tôi vừa mới ghi lại trên đây, và nhiều điều khác nữa, là những tác nhân gieo mầm mống kiêu ngạo nơi người linh mục. Nếu thiếu cảnh giác, thiếu cầu nguyện, thì chắc chắn người linh mục không thể nào tránh được mũi tên ác độc của ma quỉ.

          Tôi nghe kể rằng, có một vị phó tế, trước ngày được thụ phong linh mục, thì vẫn lễ phép với ông bếp của cha sở (nơi vị phó tế đó giúp xứ) và xưng cháu với ông ta. Nhưng ngay sau khi đã trở thành linh mục, vị đó liền đổi “cháu” thành “cha” khi nói chuyện với ông bếp kia.

          Việc các linh mục trẻ tự xưng là “cha” với người khác không phải là chuyện hiếm thấy, không chỉ với các thiếu nhi, thiếu niên đáng tuổi con em mình, mà ngay cả với những người lớn tuổi đáng bậc cha ông. Bản thân tôi đã chứng kiến một cảnh tượng mà tôi cho là rất khó coi. Hôm ấy, cũng đến gần hai mươi năm về trước, tôi được mời ở lại ăn sáng với các cha – cha sở và cha phó - tại một giáo xứ nọ. Bữa ăn đang diễn ra thì có mấy vị, vừa nam vừa nữ, trong giáo xứ, đến trình một việc gì đó có liên hệ đến cha phó. Thay vì đứng lên kiếm ghế cho các vị đó ngồi nói chuyện, cha phó để họ khoanh tay đứng thưa trình. Những người này đều cao tuổi, có một vị đáng là ông của cha phó, nhưng họ cứ là “Thưa cha, chúng con …”, còn cha phó thì hồn nhiên xưng “cha” với họ. Nếu lúc ấy có người ngoài công giáo chứng kiến thì không hiểu họ sẽ nghĩ gì, khi thấy một người trẻ (cha phó không mặc áo dòng) lại xưng mình là cha của những người già hơn mình.    

          Một câu chuyện khác, cũng về một thầy giúp xứ, nhưng chưa có chức gì trong hàng giáo sĩ. Dịp cha của thầy ấy qua đời, thầy về nhà chịu tang. Khi nghe tiếng điện thoại trong nhà reo, thầy nhắc máy và lễ phép “alô, con nghe đây”, vì thầy tưởng rằng cha sở của thầy gọi. Nhưng khi nhận ra từ đầu dây kia giọng kính cẩn của một chức việc trong giáo xứ, thì thầy không còn lễ phép nữa mà “ ông đó à, có chuyện gì không, tôi đang bận” rồi cúp máy.

          Có hai bài hát về linh mục thường được dùng làm ca nhập lễ trong các thánh lễ truyền chức, trong đó cha Kim-Long đã “hồn nhiên” dùng cụm từ “khanh tướng” để nói về “chức nhị phẩm” (x. Lời Nguyện Phong Chức) của các tiến chức. “Từ bụi tro Chúa nâng con lên hàng khanh tướng” (Bài “Từ ngàn xưa”). “Nên bạn tâm phúc từ đây, giữa hàng khanh tướng quyền uy” (Bài “Tình yêu Thiên Chúa”) – Không chỉ là khanh tướng mà thôi, mà là “khanh tướng quyền uy”! Do đó mà trong một bài viết được phát tán trên mạng có câu “Quan linh mục Chúa vui lên bàn thánh”, nhại lại câu điệp khúc của bài “Tình yêu Thiên Chúa”. Mới đây, ai đó đã thay cụm từ “khanh tướng” bằng cụm từ “vinh phúc”. Nhưng dầu có thay đổi đi nữa, thì, theo một nghĩa nào đó, linh mục vẫn là những “quan nhị phẩm” , những “khanh tướng” trong Hội Thánh, ngang hàng với những “chủ tịch/kiêm bí thư xã” trong xã hội loài người. Trước kia, dưới thời “cộng hòa”, nhiều vị quận trưởng, thậm chí tỉnh trưởng, đã phải “run” trước những ‘quan linh mục” đầy uy quyền!

          Tản mạn dài dòng cũng chỉ để nói rằng người linh mục luôn sống giữa những nguy cơ trở nên nô lệ của tính kiêu ngạo. Và như đã nói ở trên, nếu thiếu cảnh giác và cầu nguyện, người linh mục không dễ dàng tránh được mũi tên ác độc của ma quỉ.

          Chúng ta hãy cầu nguyện nhiều cho các linh mục trong Hội Thánh, nhờ lời chuyển cầu của Thánh Gioan Vianê, biết sống “ hiền hậu và khiêm nhường” như lòng Chúa mong ước (x.Mt 11, 29).

 

          DU-TRƯỜNG

                  01/9/09

  

           


Năm Linh Mục