Chức Linh Mục của Anh Giáo

 

Vấn nạn chính trong tiến trình tìm về hiệp nhất với Giáo Hội Công Giáo của khối Anh giáo mà chúng ta nghe nhiều trong các bài viết ngày nay là câu hỏi về bí tích Truyền Chức Thánh mà các giám mục và linh mục Anh giáo hiện đang có và đang thi hành chức vụ. Chúng ta cùng nhau tìm hiểu: Tại Sao Giáo Hội Công Giáo đặt câu hỏi về Chức Thánh với Anh giáo?

Chức Linh Mục và Bí Tích Thánh Thể

Thật ra, trọng tâm không là bí tích Truyền Chức Thánh nhưng là bí tích Thánh Thể. Theo lý luận của giáo hội Công Giáo, bí tích thánh thể (thánh lễ) là trung tâm đời sống linh đạo của mọi Kitô hữu, và là điều kiện để nhận ra sự hiện diện của giáo hội. Nghĩa là, bí tích thánh thể sản sinh ra giáo hội, và giáo hội tiếp tục bảo trì qua việc cử hành bí tích thánh thể để giáo hội trường tồn.[1]

Qua linh mục, thánh thể được tiếp tục hiện diện giữa con người. Vì thế, bí tích Truyền Chức Thánh trở nên cần thiết và trọng tâm.[2] Với bí tích truyền chức, giáo hội công bố sự bảo đảm tính truyền thống được Chúa Giêsu thiết lập nhằm tiếp tục duy trì và làm sống động việc Chúa hiện diện cách cụ thể ở trần gian qua bí tích thánh thể. Hơn nữa, sự bảo đảm tính tông truyền trong tiến trình Truyền Chức là điều cần thiết để một tổ chức còn là Công Giáo.

Câu hỏi đặt ra là: nếu những giám mục tách ra khỏi giáo hội Công Giáo và không được truyền chức một các Hợp Lệ (nghĩa là họ không thực sự là những giám mục dưới cái nhìn của giáo hội Công Giáo), vậy khi họ phong chức cho các linh mục, liệu những linh mục này có là những linh mục thực sự hay không? Và nếu không là linh mục, làm sao có thể có Thánh Lễ (bí tích thánh thể) thực sự được?

Nói cách khác, nếu một số các giám mục Anh giáo không là những giám mục thực sự, chia sẻ chức Giám Mục Tông Truyền trong Giáo Hội, vậy những linh mục được họ phong chức cũng không là những linh mục thực sự. Vì thế, các thánh lễ do các linh mục này dâng cũng không là những Thánh Lễ thực sự.

Giáo lý Công Giáo số 1400 dạy: Các cộng đoàn giáo hội phát sinh từ cuộc Cải Cách, đã ly khai khỏi Giáo Hội Công giáo "không còn giữ được bản chất đích thực và nguyên vẹn của mầu nhiệm Thánh Thể, chủ yếu là vì thiếu bí tích Truyền Chức Thánh". Vì lý do này, Giáo hội Công giáo không thể cùng với họ cử hành bí tích Thánh Thể được. Nhưng khi các cộng đoàn này "tưởng niệm sự chết và sự sống lại của Chúa trong Tiệc Thánh, họ đã tuyên xưng rằng sự sống chỉ có nghĩa nhờ hiệp thông với Chúa Ki-tô và họ mong đợi ngày trở lại vinh quang của Người."

Vì bí tích thánh thể liên quan trực tiếp đến bí tích truyền chức, nên Giáo Hội Công Giáo đã cẩn thận suy xét quá trình hiệp nhất dựa trên bí tích truyền chức.

Giáo Huấn của Giáo Hội Công Giáo và Chức Linh Mục Anh Giáo

Chúng ta có thể bắt đầu bằng lời phán quyết của đức giáo hoàng Leo XIII, rằng: “chức thánh của Anh giáo là vô hiệu (invalid).”

Năm 1894 môt số những nhà lãnh đạo Anh giáo liên lạc với giáo hội Pháp và nói đến việc hợp tác chuyên môn trong nhiều lãnh vực thần học và thánh kinh, và những vị đại diện này cũng lên tiếng là Toà Thánh Roma đã đối xử thiên vị với Anh giáo khi nói đến chức năng giám mục và linh mục không được giáo hội Công Giáo công nhận. Một số các giám mục Pháp đã tường trình lên Toà Thánh ý kiến này, và đức giáo hoàng Leo XIII đã cho mở cuộc điều tra.

Một ủy ban gồm tám người dưới quyền đức hồng y Mazzella đã nghiên cứu lịch sử và những điều kiện liên quan đến vấn đề Chức Thánh. Sau sáu tuần, ủy ban đã đệ trình lên cho đức giáo hoàng Leo XIII kết quả điều tra. Dựa vào kết qủa điều tra và với ý kiến đồng nhất của tám thành viên, đức giáo hoàng Leo XIII đã đi đến quyết dịnh qua Sắc Chỉ Apostolicae Curae được công bố ngày 18 tháng 9 năm 1896, trong đó Ngài phán quyết: “Chức thánh của Anh giáo vô hiệu.”

Từ sau phán quyết của đức giáo hoàng Leo XIII, giáo hội Công Giáo luôn thi hành nguyên tắc là nếu một linh mục Anh giáo nào muốn gia nhập giáo hội Công Giáo, họ phải được Phong Chức Thánh lại (vì giáo hội không công nhận chức linh mục Anh giáo).

Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, nhất là từ sau công đồng Vatican II, khi có nhiều người Anh giáo muốn trở về với giáo hội Công Giáo, nhiều sử gia, nhiều thần học gia Công Giáo và Anh giáo, và nhiều giám mục Công Giáo cũng đã lên tiếng về việc xét lại quyết định “vô hiệu” của chức thánh Anh giáo.

Nguyên nhân của những đòi hỏi này dựa trên cơ sở là giáo hội Công Giáo đã quá khắt khe khi đánh giá những yếu tố lịch sử và bỏ qua những thay đổi quan trọng mà những yếu tố này có thể là nguyên nhân để Chức Thánh Anh giáo được xem là có hiệu lực. Những đòi hỏi này không nhằm chống lại lời phán quyết của đức giáo hoàng Leo XIII nhưng muốn giáo hội Công Giáo Roma tái cứu xét vấn đề vì có nhiều yếu tố lịch sử đã không được giáo hội quan tâm đúng mức trong quá khứ, và những yếu tố này có cơ sở cho Chức Thánh Anh giáo được xem là có hiệu lực.

Đây cũng là tiền đề của việc Toà Thánh ban bố Tông Hiến với những chi tiết được Thánh Bộ Tín Lý soạn thảo để đón nhận những anh em linh mục Anh giáo muốn về hiệp nhất với giáo hội Công Giáo Roma trong tháng 10 năm 2009 vừa qua.

Lý Do Chức Thánh Anh Giáo Không Được Công Nhận

Ta bắt đầu bằng sự hiểu biết và phán quyết của giáo hội về Chức Thánh trong các giáo phái Tin Lành trước khi nói đến Anh giáo.

Theo tín lý của giáo hội, giám mục là người kế vị các tông đồ của Chúa Giêsu, và là người duy nhất có thể Truyền Chức cho các giám mục hay linh mục khác. Vì thế, việc bảo đảm một giám mục trong truyền thống các Tông Đồ (tông truyền) là điều tối cần thiết để đánh giá một giám mục hay linh mục nhận Chức Thánh có hiệu lực hay không. Nghĩa là, nếu một giám mục được phong chức thành sự và có hiệu lực (valid), Ngài là giám mục của giáo hội (không nhất thiết phải là giáo hội Công Giáo, nhưng là một giám mục của giáo hội Chúa Kitô). Vì thế, Ngài duy trì tính Tông Truyền và những yếu tố căn bản tín lý được Chúa Giêsu thiết lập.

Ví dụ, các giám mục của Chính Thống giáo là những những giám mục thực sự, dù các Ngài không tùng phục đức giáo hoàng, vì giáo hội Chính Thống tách rời khỏi giáo hội Công Giáo từ 1054. Nhưng trước khi tách rời khỏi Công Giáo, những giám mục này thực sự được phong chức có hiệu lực, vì thế, các Ngài tiếp tục phong chức cho những giám mục của giáo hội các Ngài, và những giám mục mới này vẫn được coi là Có Hiệu Lực và Thành Sự (hay nói đơn giản là giám mục thực sự).

Theo cách thức đó, các giám mục Chính Thống vẫn tiếp tục truyền thống các Tông Đồ. Do dó, những linh mục Chính Thống được phong chức là những linh mục Có Hiệu Lực và Thành Sự (hay nói đơn giả là linh mục thực sự). Vì thế, những thánh lễ các do các linh mục Chính Thống dâng là những thánh lễ Có Hiệu Lực (thánh lễ thực sự). Vì lý do này, những linh mục Chính Thống khi hiệp nhất với giáo hội Công Giáo không cần được Phong Chức lại (vì theo giáo lý Công Giáo, bí tích Chức Thánh cũng như bí tích thanh tẩy, chỉ được lãnh nhận một lần trong đời và có dấu ấn suốt đời; cử hành bí tích hai lần cho một người là Phạm Thánh.)[3]

Với các giáo phái Tin Lành, từ thời Cải Cách (thế kỷ 16) về sau, giáo hội Công Giáo không công nhận những Chức Thánh trong các giáo phái này vì họ đã công khai từ chối vai trò giáo huấn của giáo hội, và không chấp nhận vài nghi thức và lời dạy cúa giáo hội về chức giám mục và linh mục.

Về tín lý, một số giáo phái công nhận vai trò của những người làm công tác mục vụ từ thời các Tông Đồ, nhưng loại bỏ chức năng giám mục và chỉ hoạt động với chức năng tư tế (hay Việt Nam ta hay gọi là Mục Sư) và phó tế mà họ tìm thấy trong Tân ước mà thôi. Một số giáo phái khác công nhận chức năng giám mục nhưng từ chối nền tảng thần học của chức năng này, và thay đổi nghi thức để hợp với những cải cách thần học của họ. Với họ, chức năng tư tế cộng đồng (nghiã là mọi người đều có thể làm mục sư/ linh mục) là nền tảng thần học.

Về nghi thức, họ xem việc đặt tay trong lễ Truyền Chức là biểu tượng đơn giản hơn là ý nghĩa thần học truyền thống như giáo hội Công Giáo giảng dạy.

Vì những quan điểm này hoàn toàn khác với giáo huấn của Công Giáo nên giáo hội Công Giáo không công nhận những chức thánh (giám mục, mục sư/ linh mục, phó tế) này của các giáo phái Tin Lành.

Trường hợp của Anh giáo thì không hoàn toàn như vậy. Khi ly khai với giáo hội Công Giáo (mà nguyên nhân là chính trị hơn là tín lý), Anh giáo thời kỳ đó vẫn có những giám mục thực sự của giáo hội, nghĩa là những vị này được phong chức có hiệu lực và thành sự. Vì thế, nếu các ngài phong chức cho một giám mục khác, vị giám mục đó cũng là một giám mục có hiệu lực.

Trong thời kỳ đầu của Anh giáo, khi vua Henry VIII còn sống, tổng giám mục Canterburry là Thomas Cranmer (người được Henry VIII chỉ định) vẫn giữ nguyên những công thức trong nghi lễ của các phụng vụ và phong chức của giáo hội Công Giáo, dù ông là người ủng hộ chủ trương của giáo phái Luther và Calvin, và tán đồng viêc thay đổi những tín lý của giáo hội Công Giáo cho thích hợp với hoàn cảnh nước Anh.[4]

Sau khi Henry VIII chết (năm 1547), Cranmer được tự do hơn để sứa đổi thần học và diễn dịch thần học hợp với giáo hội Anh, cụ thể nhất là các bí tích và chức linh mục.

Lúc Henry VIII chết năm 1547, Edward I lên ngôi nhưng chỉ mới 9 tuổi, vì thế một Hội Đồng Cố Vấn được chọn để cai trị đất nước. Hội Đồng này theo Cải Cách Tin Lành và tìm mọi cách ngăn cản ảnh hưởng trở lại với giáo hội Công Giáo. Trong hoàn cảnh này, Cranmer xuất bản cuốn Sách Nguyện Chung (Book of Common Prayer) năm 1550 và 1552, trong đó ông sửa đổi nghi thức phong chức mới, loại bỏ chức nhỏ (minor orders) để hợp với Tân Ước hơn, gồm có phó tế, linh mục và giám mục. Dù giữ lại nghi thức đặt tay trong nghi lễ Truyền Chức linh mục, Cranmer loại bỏ những câu có liên hệ đến tính hy sinh của chức năng linh mục hay của thánh lễ, xoá những đoạn có liên quan đến linh mục là người dâng Thánh Lễ (thay vào đó bằng Chúa Giêsu là vị Thượng Tế duy nhất, và cộng đoàn là những người thực sự dâng lễ còn linh mục chỉ là người hướng dẫn), và không nói đến việc xức dầu trong nghi thức phong chức linh mục. Chính những thay đổi này đã làm cho vấn đề Chức Thánh của Anh giáo phải được xét lại.[5]

Edward I chết năm 1553 lúc mới 15 tuổi. Với sự hướng dẫn của những người cố vấn chống giáo hội Công Giáo, ông chỉ định người bà con là công nương Jane Grey lên ngôi và loại bỏ hai người chị em cùng cha khác mẹ là Mary (Công Giáo) và Elizabeth (Tin Lành). Nhưng Lady Jane Grey chỉ làm nữ hoàng được 9 ngày, Hội Đồng Cố Vấn Quốc Gia đã quyết định đưa Mary I làm nữ hoàng, vì bà là con vua Henry VIII. Chính Mary I đã làm mọi cách để đem nước Anh trở lại với giáo hội Công Giáo Roma trong 5 năm bà cai trị. Sau Mary I, Elizabeth lên ngôi và bà ủng hộ việc theo chủ trương cải cách Tin Lành và tách rời khỏi giáo hội Công Giáo Roma.

Dưới thời Edward, hai yếu tố chính làm cho Chức Thánh của Anh giáo bị đặt nghi vấn là: (1) công thức dùng để phong chức giáo hội và linh mục được thay đổi, và (2) có giám mục đã được phong chức không đúng theo những tiêu chuẩn của giáo hội Công Giáo.

Trường Hợp Cụ Thể

Nữ hoàng Elizabeth I lên ngôi và muốn tách nước Anh khỏi ảnh hưởng của giáo hội Công Giáo, và theo Cải Cách Tin Lành. Bà muốn chọn Matthew Parker, người được bà tin tưởng, làm tổng giám mục của Canterbury. Bà muốn dùng Parker để xây dựng một hàng giáo phẩm ở Anh theo đường lối Cải Cách và dưới quyền điều khiển của bà. Nghĩa là, nếu Parker được làm giám mục, thì Parker có thể tiếp tục Truyền Chức giám mục cho những giám mục khác. Điều quan trọng là làm thế nào tìm được các vị giám mục thực sự để truyền chức cho Parker.

Lúc bấy giờ không một vị giám mục Công Giáo nào, cho dù không đồng ý với Toà Thánh về những quyền hành chính trị, muốn đứng ra phong chức cho Parker. Elizabeth I đã nhờ cậy đến bốn vị giám mục trong đó có ba vị (William Barlow, John Scory, và Miles Coverdale) là những người bị nữ hoàng Mary I cách chức vì công khai theo Cải Cách Tin Lành, và John Hodgkins, một giám mục phản bội giáo hội Công Giáo và chạy theo những biến đổi của xã hội.

Ngày 17 tháng 12 năm 1559, tại nguyện đường ở Lambeth, Matthew Parker được truyền chức giám mục theo nghi thức Edward, nghĩa là nghi thức đã sửa đổi, và không còn mang nội dung và nghi thức Công Giáo nữa.

Ba ngày sau khi được truyền chức, Parker đã truyền chức cho bốn giám mục khác của giáo hội Anh quốc. Từ đó, đa số những giám mục trong Anh giáo được truyền chức bởi những giám mục đến từ nhóm này.

Câu hỏi là: liệu Chức Thánh của Parker có hiệu lực và thành sự không? Đây cũng chính là nguyên nhân của những tranh luận xoay quanh tính hiệu lực của Chức Thánh Anh giáo.

Leo XIII và Chức Thánh của Anh giáo

Với Sắc Chỉ Apostolicae Curae, đức giáo hoàng Leo XIII phán quyết là “Chức Thánh của Anh giáo vô hiệu.”

Nguyên tắc được dùng là: để một bí tích được thành sự và có hiệu lực, giáo hội đòi hỏi Mô Thức Hữu Hiệu (valid form) và một Chất Thể Hữu Hiệu (Valid Matter).[6] Bên cạnh hai yếu tố này, Chủ Ý (intention) là điều quan trọng.

Trong Sắc Chỉ Apostolicae Curae, đức giáo hoàng Leo XIII lý luận rằng chúng ta không thấy được Chủ Ý (suy nghĩ) của con người. Vì thế, chúng ta đánh giá việc làm của họ qua hình thức bên ngoài. Qua hình thức và chất thể, chúng ta phán đoán Chủ Ý của người ban các bí tích.

Trong trường hợp Anh giáo, họ tự ý thay đổi một vài lời trong nghi thức Truyền Chức, nhất là ý nghĩa Hy Sinh của thánh lễ, và chức năng của linh mục.[7] Vậy khi dùng một công thức khác với công thức được giáo hội cộng nhận, Leo XIII phán quyết là những các giám mục Anh giáo đã không nhận cùng một bí tích được giáo hội Công Giáo Roma hiểu.[8] Nghĩa là, những Chức Thánh này không có hiệu lực.

Điều khó khăn là không phải nghi thức này được luôn dùng trong mọi lễ nghi phong chức giám mục của Anh giáo, mà chỉ xảy ra trong khoản thời kỳ từ thời Edward cho đến thời Charles II (khoảng năm 1552 đến 1662). Dù chỉ một vài giám mục được phong chức Vô Hiệu (không thực sự là giám mục theo tiêu chuẩn giáo hội Công Giáo Roma), nhưng khi các Ngài tham dự lễ phong chức cho các giám mục khác trong lịch sử, làm thế nào để phân định chính xác Ai là người được vị Giám Mục nào phong chức?

Nói cách khác, 500 năm lịch sử của Anh giáo đã không cho phép các sử gia đi vào chi tiết để tìm hiểu cặn kẻ Ai là Giám Mục Thực Sự và Ai là không. Vì thế, phán quyết của đức giáo hoàng Leo XIII là chung cho mọi giám mục và linh mục của Anh giáo cho đến ngày nay.[9]

Kết Luận

Giáo hội Công Giáo Roma luôn trân trọng truyền thống sống đạo của Anh giáo, và vui mừng đón nhận những thành viên muốn tìm về hiệp nhất với giáo hội Công Giáo Roma. Tuy nhiên, vì lịch sử đã chứng minh là Chức Thánh của Anh giáo không thực sự tiếp tục truyền thống của giáo hội từ thời các Tông Đồ qua nhưng cố tình thay đổi nghi thức Truyền Chức, giáo hội Công Giáo Roma đã không công nhận chức giám mục và linh mục của Anh giáo.

Dù vậy, giáo hội Công Giáo luôn tạo điều kiện dễ dàng để những linh mục Anh giáo, sau khi hiệp nhất với giáo hội Công Giáo Roma, nếu muốn tiếp tục thi hành chức vụ linh mục, cũng được giúp đỡ để tiếp tục mục vụ cho những người tín hữu Anh giáo gia nhập giáo hội Công Giáo.


[1] Thánh Iraneaus dạy rằng Thánh Thể thiết lập Giáo Hội, và Giáo Hội tiếp tục bí tích thánh thể. Tư tưởng này được lặp lại nhiều lần trong tông thư John Paul II, Ecclesia de Eucharistia (17 April 2003), 1: AAS 95 (2003), 433.

[2] Chức thánh được nhắc đến trong giáo hội gồm chức Giám mục, Linh mục và Phó tế. Trong bài này, vì nội dung liên hệ trực tiếp đến bí tích Thanh thể nên chức thánh được nhấn mạnh ở đây là chức Giám mục vá chức Linh mục.

[3] Ví thế, những ứng viên đã lãnh nhận bí tích thanh tẩy ở những giáo phái Tin Lành, khi gia nhập giáo hội Công Giáo, họ không được Rửa Tội lại, mà chỉ được mời đón nhận bí tích thếm sức và thánh thể như một bước trọn vẹn gia nhập giáo hội Công Giáo.

[4] George H. Tavard. A Review of Anglican Orders: The Problem and the Solution. (Collegeville: Liturgical Press, 1990) 19

[5] Nghi thức phong chức này được gọi là Edwardine Order. Xem George H. Tavard. A Review of Anglican Orders, 24.

[6] Ví dụ, bí tích thanh tẩy (rửa tội) cần có Mô thức Hữu Hiệu là công thức: Cha-Con-Thánh Thần; và Chất Thể Hữu Hiệu là Nước. Nếu rửa tội mà không có Nước hay đọc không đúng công thức Cha-Con-Thánh Thần thì bí tích đó vô hiệu.

[7] Apostolicae Curae, nos. 12 và 13

[8] George H. Tavard. A Review of Anglican Orders, 103; và Apostolicae Curae nos. 31, 33

[9] Apostolicae Curae, 26

 

Lm. Matthew Nguyễn Khắc Hy

 


Năm Linh Mục