TƯ TƯỞNG MỖI NGÀY
Năm Linh Mục

Trung Tuần Tháng Năm Năm 2010
Từ 11 đến 20 Tháng 5 Năm 2010
Nguồn Trích: Daily Thought
Focolare Movement: wwww.focolare.org
Bản Dịch: Nam Nguyên

Ngày 11/05/2010

Tự vấn lương tâm cách trung thực (1)

Chỉ khi nào con người linh mục thấm nhuần tình thương yêu thì đó mới là trung thực, và như vậy mới không có thế lưỡng nan giữa môi trường phục vụ và nếp sống của các ngài trong xã hội ... Chúng ta hãy nghiêm chỉnh thực hiện một cuộc tự vấn lương tâm hầu giúp mình xem xét đời sống trong các khía cạnh phức tạp của nó, đặc biệt để ý đến một vài “góc cạnh” trong căn bản cấu trúc của tình thương mà thường chúng ta hay bỏ qua. 1-. Hiệp thông: theo khía cạnh này, nếp sống của tôi đã vững chắc trong tình hiệp thông chưa? Tôi đã gắn bó với của cải vật chất và thiêng liêng ra sao? Quan điểm cho đi và giữ lại làm của riêng như thế nào? 2-. Sứ vụ: tôi sống thế nào, hoạt động ra sao, và đến với tha nhân bằng cách nào? Nếp sống của tôi có hợp với đòi hỏi mà sứ vụ của tôi cần đến không? Nếu có, thì đáp ứng tới mức độ nào? Đời sống của tôi có phản ảnh sức mạnh hấp dẫn của Tin Mừng hay không? 3-.Tinh Thần: Việc tôi tin, tôi sống, và trung thành với niềm tin ra sao? Tôi sống thân mật với Chúa như thề nào? Làm cách nào để tôi dẫn dắt tha nhân đến với cuộc sống như vậy, và tôi học hỏi nơi tha nhân đang giúp tôi tiến vào nếp sống đó ra sao?

Klaus Hemmerle
Scelto per gli uomini
Città Nuova, Roma 19952, pp. 197-198


Ngày 12/05/2010

Tự vấn lương tâm cách trung thực (2)

4-. Thân xác: tôi đau khổ thế nào? Tôi có biết cách mặc lấy đau khổ của tha nhân không? Tôi có thực sự là phần tử trong Nhiệm Thể của Chúa chăng, mà có biết rằng khi một phần tử đau khi thì mọi phần tử khác cùng đau khổ với nhau không? Tôi có uốn nắn nếp sống của tôi cũng như dung mạo thân thể tôi hướng đến một tình thương yêu duy nhất để rồi qua tình yêu Chúa của tôi hướng thẳng đến mọi người không?
5-. Nhà ở, quần áo: (...) tôi ăn mặc như thế nào? Nơi tôi ở có tỏ ra khó nghèo và đơn sơ nhưng không đến độ tồi tàn chứ? Nơi tôi ở có ấm cúng và đồng thời tỏ ra hiếu khách, cũng như vừa nói lên sự chừng mực nào đó và vừa dễ dàng hoà đồng với mọi người chăng? Người bình dân có cảm tưởng sẽ được bạn được đón tiếp như bạ đón tiếp chính Chúa Kitô không?
6-. Khôn Ngoan: tôi có dành thời giờ để suy niệm về các đề tài liên quan đến đức tin, thế giới, đến Giáo Hội và phong hóa theo ánh sáng của đức khôn ngoan soi dẫn không? Tôi ăn nói ra sao? Tôi suy nghĩ thế nào? Tôi có cố gắng mở rộng kiến thức văn hóa để khỏi quá ỷ nại vào sự trợ giúp của các nhân tố khác trong việc thi hành thừa tác vụ của mình không?
7-. Giao tiếp: Tôi giữ mối quan hệ với tha nhân như thế nào? Tôi có tự cô lập mình hay để mình phóng túng với những cuộc giao tiếp thái quá? Những bài viết, những cuộc nói chuyện qua điện thoại, những cuộc thăm viếng hay những lời mời khách đến nhà của tôi có chứa đựng tình thương yêu, tình anh chị em tương thân tương ái, tinh thần trách nhiệm như một phần tử đại diện của Giáo Hội không?


Klaus Hemmerle
Scelto per gli uomini
Città Nuova, Roma 19952, pp. 198-199


Ngày 13/05/2010

Sống và biết nói năng

Để trở thành người hướng dẫn chân chính của cộng đồng cũng như người quản lý trung thực phân phát các nhiệm tích của Thiên Chúa, linh mục cũng được mời gọi trỏ thành một người phân phát lời Chúa, một người rao giảng Tin Mừng hăng say và quảng đại. Thời đại này một điều thúc bách mà ai cũng thấy đó là lời nói trở nên qua ứ quan trọng cho cộng “cuộc truyền bá Tin Mừng theo các phương thức mới mẻ”. Đây là một nhu cầu có chiều kích lớn lao, vì thời đại này người ta muốn thấy linh mục “sống” lời mình nói trước khi “rao truyền” những lời mình muốn nói cho người khác. Các linh mục cần phải nói sao “sống vậy.” Thế nhưng các ngài cũng phải cố gắng rèn luyện trí tuệ để học biết những lời nói sâu sắc và rao truyền nhưng điều mình biết một cách có hiệu quả. Trong thời đại chúng ta đang sống, ai cũng thấy hầu như mọi ngành nghề liên quan đến cuộc sống đều được đào tạo tới mức độ chuyên môn, nên việc đào tạo kiến thức cũng rất là quan trọng. Việc đào tạo này sẽ giúp chúng ta dễ dàng tiến vào những cuộc đối thoại quan trọng và đầy sáng tạo với các tư tưởng của thời đại.

Pope John Paul II
Gift and Mystery
Doubleday, New York, 1996 p. 91-92


Ngày 14/05/2010

Một cuộc học hỏi liên lỉ và thoải mái

Linh mục có nếp sống sống lịch thiệp không có nghĩa là tự hạ mình, có thái độ ân cần nhưng vẫn tỏ ra vững mạnh, có sức thu hút các linh hồn nhưng biết đặt ra giới hạn cần thiết, với thái độ kiên nhẫn khéo léo nhưng không đến nỗi quá nhu mì, và luôn luôn phải tỏ ra khôn ngoan. Điều dễ gây nguy hại cho linh mục là sự thiếu học hỏi. Các ngài đừng bao giờ gạt bỏ việc học hỏi sang một bên, bởi vì học hỏi là cơ hội giúp mình thông hiểu sự việc và kiêm chứng sự việc không ngừng. Các sách vở tốt cũng như gương các thánh là nguồn bảo vệ các linh mục, và nếu các ngài biết yêu mến những vật quí này sẽ thoát được mọi ác hại. Ngoài ra việc học hỏi còn giúp các linh mục trở nên người có kiến thức rộng hơn, tự tin hơn và cũng thức thời hơn, nhờ vậy mới đưa ra những lời khuyên nhủ thích hợp cho các linh hồn và nhất là chỉ chuyên tâm phụng sự Thiên Chúa mà thôi. Học hỏi liên tục là điều mà tôi muốn nhấn mạnh ở đây rằng nó sẽ giải thoát các linh mục khỏi rất nhiều nguy cơ. Để biết dành ra thời gian cho việc học hỏi, cần phải biết hồi tâm, đây là một nhân đức thiết yếu cho tâm hồn các linh mục và cũng thiết yếu cho cả việc giao tiếp với thế giới.

Conchita Cabrera De Armida
Sacerdoti di Cristo
Città Nuova, Roma 2008, pp. 190-191


Ngày 15/05/2010

Giải thích thời gian

Cuộc sống của chúng ta ngày nay quá mải mê nhìn ra thế giới bên ngoài. Các phương tiện truyền thông phát triển quá sức nhanh và có tính cách thuyết phục rất ư thu hút khiến chúng ta luôn phải chú ý, nhất là luôn làm cho chúng ta phải phân tâm, và còn lôi cuốn chúng ta ra khỏi chính bản thân mình, đến nỗi chúng ta chẳng còn tha thiết gì đến cá nhân mình nữa. Vì vậy chúng ta phải hết sức cẩn thận. Chúng ta nên chuyển đổi vị trí từ vai trò đơn thuần quan sát sang vai trò phê bình, suy luận và phán đoán. Thái độ phản tỉnh này quả thực tối ư quan trọng cho tâm hồn sống trong thời đại tân tiến ngày nay, nếu người đó muốn tồn tại một cách lành mạnh, chứ không phải biến mình thành một tấm gương chỉ biết phản chiếu cách vô thức hàng ngàn vạn những hình tượng nổi bật ngoài đời.

Paolo VI
Udienza generale
16 aprile 1969


Ngày 16/05/2010

Sự khôn ngoan của Ba Ngôi Thiên Chúa

Một ưu điểm mà các người Kitô hữu có được là dấu ấn Ba Ngôi Thiên Chúa biểu lộ trong mọi cung cách của nếp sống cá nhân và giao tế. Ngày nay chúng ta sẽ phải học hỏi nhiều hơn nữa cách thức nhìn mọi sự việc theo ánh sáng của Ba Ngôi Thiên Chúa... Chúng ta sẽ chuyển biến sự lãnh hội văn hóa và tư tưởng thời đại vào ý tưởng hiểu biết trong Ba Ngôi Thiên Chúa. Đây là phương thế duy nhất giúp chúng ta vượt qua được tình trạng tiến thoái lưỡng nan giữa đức tin và đời sống, giữa ý niệm văn hóa và quan điểm thần học. Khi nhìn sự việc dưới góc cạnh khôn ngoan của Ba Ngôi Thiên Chúa, chúng ta chẳng bao giờ có thể tách lìa mình khỏi những viễn tượng hoàn chỉnh không bao giờ đối nghịch nhau. Chỉ khi nào suy luận theo đường hướng Ba Ngôi Thiên Chúa, chúng ta mới có sự thăng bằng và đối thoại tốt đẹp được. Thiên Chúa là “một” hiện hữu trong Ba Ngôi Vị, sự hiện hữu này không thể phản ảnh trong sự hiên hữu của các loại thụ tạo, nên chúng ta cần học hỏi cách thức luôn nhìn sự việc theo mối tương giao giữa Ba Ngôi Thiên Chúa, học hỏi để làm sao chúng ta có thể cùng đồng hành bên nhau và sống trong hiệp nhất.

Toni Weber
L’ansia di Toni Weber. “Far casa ai sacerdoti”
Città Nuova, Roma 1994, pp. 39-40


Ngày 17/05/2010

Thập tự giá là sách dậy khôn ngoan

Thập tự gía là cuốn sách dậy khôn ngoan hay nhất và cần phải đọc. Những ai chưa đọc sách này là người chưa biết gì cả dù đã đọc hết các thứ sách khác. Chỉ có những người khôn ngoan thực sự mới là người biết yêu mến loại sách này, thường tham khảo đến sách này, và muốn đào sâu kiến thức của mình trong chính sách này... Càng đến với trường dậy khôn ngoan này nhiều, các bạn càng muốn ở lại mãi trong trường đó. Thời gian ở đó có qua đi những vẫn không cảm thấy mình nhàm chán. Từ nơi đó các bạn sẽ học và biết được mọi sự mà các bạn cần biết, đồng thời các bạn cũng chẳng bao giờ cho là dủ về những điều mà mình đã nghiệm thấy trong trường học này.

San Giovanni Maria Vianney
Primavera nell’anima. 100 pagine del Curato d’Ars
Città Nuova, Roma 2006, p. 9


Ngày 18/05/2010

Khôn ngoan chứ không cần hùng biện

Có sự khác biệt lớn lao giữa người nói năng nhờ vào ơn thánh sủng và người ăn nói theo sự khôn ngoan thế gian. Chúng ta thường cảm nghiệm nghiệm rằng những người trí thức co tài hùng biện, không những có năng khiếu ăn nói mà còn có kiến thức biết rông hiểu nhiều nữa, Họ thuyết giảng bao nhiêu lần trong các thánh đường và rất mực thành công. Có điều họ không thôi thúc được các thính giả đạt đến tâm tình sám hối qua các bài giảng của mình, cũng chẳng làm cho người nghe có thêm lòng tin tưởng hay tỏ ra kính sợ Thiên Chúa hơn mỗi khi suy lại những lời họ giảng dạy. Họ để các khán giả ra về sau khi chỉ thưởng thức những lời nói ngon ngọt làm cho tai nghe được thích thú. Trong khi đó, nhiều người kém tài hùng biện và cũng chẳng bận tâm đến việc dọn bài giảng sao cho hay ho nổi bật. Họ chỉ sử dụng những lời nói đơn sơ chân thành thế mà đã đưa biết bao nhiêu người trở về với niềm tin yêu, giúp nhiều thính giả sẵn sàng sống đời khiêm cung nhiệm nhặt, hoặc lưu lại được trong tâm hồn mọi người những động cơ thúc đẩy tiến tới việc cải thiện đời sống. Đây chắc chắn chính là dấu chỉ cho biết họ giảng khuyên theo ơn thánh sủng đã được ban cho họ.

Origene
Commento alla lettera ai Romani 9, 2
La teologia dei Padri/4, Città Nuova, Roma 1975, pp. 135-136


Ngày 19/05/2010

Cho mọi dân tộc mọi thời đại

Hồng ân thánh mà các linh mục lãnh nhận khi được thụ phong chức tư tế đã không chỉ chuẩn bị cho các ngài một sứ mệnh hạn hẹp nhưng hướng đến một sứ vụ cứu rỗi lan rộng tới toàn cầu và kéo dài có thề “cho đến tận thế.” Ơn thánh sủng ấy ban cho mọi linh mục co quyền chia sẻ với sứ mệnh mà Chúa Kitô trao lại cho các tông đồ của Ngài. Chức tư tế má các linh mục được chia sẻ thiết yếu bao gồm việc phục vụ mọi dân tộc thuộc mội thời đại không phân biệt màu da, chủng tộc hay phạm vi nào cà.

Second Vatican Council
Presbyterorum ordinis 10


Ngày 20/05/2010

Cho toàn thể Giáo Hội

Tôi đã vận dụng mọi cố gắng của tôi trong thời gian hai năm lưu học tại thành phố muôn thuở để “học” về thành Roma: thành Roma của các hầm mộ, Roma vcủa các thánh tử đạo, Roma của hai thánh cả Phêrô và Phaolô, Roma của những người tuyên xưng đức tin. Mỗi lần tôi nghĩ lại những năm lưu học ấy tôi vẫm thấy cảm xúc khôn tả. Khi rời khỏi kinh thành, tôi mang theo không những một vốn liếng học vấn thần học sâu sắc hơn mà con là chức linh mục đã được tôi luyện vững chắc cũng như một viẽn ảnh sâu rộng về Giáo Hội. Thời gian lưu học cô đọng ấy có dịp được gần gũi với các Tông Đồ đem lại nhiều kiến thức từ mọi quan điểm. Dĩ nhiên tôi còn có thể thêm nhiều chi tiết khác vào kinh nghiệm xúc tích ấy. Tuy nhiên tôi muốn gồm tóm tất cả lại mà nói vắn tắt rằng những năm đầu trong cuộc đời linh mục của tôi tại thành Roma, đã giúp tôi lãnh hội được một nhãn quan có tầm mức rộng trên cả Châu Âu lẫn toàn cầu. Tôi rời Roma để trở về Cracow với cảm nghiệm về sứ mênh toàn cầu của chúc linh mục, một sứ mệnh đã được diễn tả đầy đủ ý nghĩa trong Thánh Công Đồng Vatican II, đặc biệt trong Hién Chế Ánh Sáng Muôn Dân (Lumen Gentium). Không phải chỉ có các giam mục mà thôi mà ngay cá nhân mỗi linh mục cũng đều phải quan tâm đến Giáo Hội toàn cầu và nên có trách nhiệm thế nào đó với toàn thể Giáo Hội.

Pope John Paul II


Năm Linh Mục