TƯ TƯỞNG MỖI NGÀY
Năm Linh Mục

Hạ Tuần Tháng 9 Năm 2010
Từ 21 đến 30 Tháng 9 Năm 2010
Nguồn Trích: Daily Thought
Focolare Movement: wwww.focolare.org
Bản Dịch: Nam Nguyên

Ngày 21/9/2010

Điều đáng kể thực sự

Nếu chúng ta chọn Thiên Chúa là lý tưởng cho dời sống của mình – đây là căn tính của chúng ta – và nếu chúng ta đặt Ngài vào nơi ưu tiên nhất trong tâm hồn, vậy thì trong thực tế chúng ta cần phải dành chỗ cao trọng nhất trong tâm hồn mình để đón nhận Lời Ngài và thánh ý Ngài. Lời Chúa và thánh ý Chúa phải được ưu tiên hơn bất cứ sự vìệc nào khác. Thế nên chúng ta không được coi trọng các sự việc khác trong đời sống. Sự coi nhẹ các sự việc khác ở đây mang sắc thái thánh thiện mà các thánh thường hay nói đến, và các sự việc ấy không có tầm quan trọng trong đời sống của chúng ta: dù cho chúng ta yếu đau hay mạnh khỏe, dù đang học hành hay làm việc, ngủ nghỉ hay cầu nguyện, dù sống hay chết. Chỉ một điều quan trọng duy nhất trong đời đó là sống Lời Chúa và biến mình thành Lời Chúa sống động.

Chiara Lubich
Essere tua Parola Città Nuova, Roma 2008, p. 50


Ngày 22/9/2010

Hãy nghe lời Ngài!

Tin Mừng đem đến cho chúng ta vô vàn lời nói của Chúa Giêsu, nhưng chỉ có ba lời Ngài đề cập đến Chúa Cha mà thôi. Thực sự những lời này quả thực rất là quí trọng. Một trong những lời đó là lời khuyên nhủ, lời khuyên nhủ duy nhất mà Chúa Cha nói với con cái của Mình. Với tâm hồn kính trọng vô bờ bến của người con thảo, chúng ta phải nhận lấy lời nhắn nhủ này, và vì là điều cấp bách, chúng ta phải nghe theo. Lời khuyên nhủ ấy chứa đựng bí quyết của sự thánh thiện, và là một điều đơn giản vì chỉ diễn đạt bằng vài từ ngữ mà thôi. Chúa Cha nói: “Các con hãy nghe lời Ngài!” (Mt 17:5), ý Chúa Cha muốn chỉ về Người Con yêu dấu của Mình. Do đó, cầu nguyện là một cử chỉ cao đẹp để vâng phục ý Chúa Cha. Như Mẹ Maria thường làm, việc Mẹ thi hành lời khuyên nhủ này bao gồm cả việc Mẹ ngồi dưới chân Chúa Giêsu để lắng nghe Lời Ngài nói. Hơn nữa điều này còn hàm ý việc lắng nghe Ngài là Đấng đang nói với chúng ta. Thực tế chúng ta phải chú tâm đến Ngài hơn cả lời Ngài nói. Như thế, khởi sự cầu nguyện bằng việc đọc một trang Tin Mừng là điều rất nên làm, với điều kiện là đừng đọc theo cung cách của thày giáo văn chương muốn đọc, mà phải đọc như là một người có tâm tình yêu mến vì ngoài các từ ngữ văn chương ra, còn phải lắng nghe chính trái tim của Đấng mà mình mộ mến nữa.

Henri Caffarel
Prier 15 jours avec Henri Caffarel Nouvelle Cité, Parigi 2002, pp. 87-88


Ngày 23/9/2010

Được chúc phúc trong mọi việc làm

Có điều bạn phải thi hành những gì Lời Chúa khuyên làm chứ không phải chỉ biết lắng nghe cho qua lần để mà tự lừa dối mình. Bất cứ ai lắng nghe Lời Chúa mà không thì hành theo thì chẳng khác gì tự soi gương để nhìn diện mạo mình, rồi khi đã nhìn thấy điều mình muốn nhìn rồi, liền bỏ đi và chẳng còn nhớ điều mình đã thoáng nhìn qua. Còn người biết nhìn kỹ vào luật hoàn hảo của tự do - không phải nhìn để rồi quên đi nhưng nhìn để mà nhớ mãi - người ấy sẽ được chúc phúc trong mọi việc mình làm.

Letter of James
1: 22-25


Ngày 24/9/2010

Sự vâng lời tận tình của Mẹ Maria

Ngay khởi đầu Sách Tân Ước, chúng ta đã thấy xuất hiện gương mặt của Mẹ Maria. Lời “xin vâng theo như lời sứ thần truyền tin” của Mẹ không còn là một lời hôn ước nữa, mà chính là sự kết hôn thần thánh giữa Thiên Chúa và một phàm nhân biết vâng phục Lời Chúa và làm theo thánh ý của Thiên Chúa. Trong thái độ vâng phục tận tình của Mẹ Maria. Ngôi Lời không phải chỉ là Đấng được Mẹ hoàn toàn vâng phục, mà Ngài trở thành Ngôi Lời nhập thể và được sinh ra để sống giữa chúng ta, nhờ đó chúng ta trở thành anh chị em của Ngài. Trọn vẹn tinh thần truyền thống của Giáo Hội sẽ hướng đến chính biến cố độc nhất vô nhị này, đó là chính giây phút Ngôi Lời mặc lấy xác phàm nơi cung lòng Mẹ Maria, một biến cố được coi là mô thức cho sự việc tương tự cũng xẩy đến cho bất cứ ai có lòng yêu mến Chúa và vâng theo thánh ý Ngài: tức là người ấy cũng để cho Chúa Kitô sinh ra nơi tâm hồn mình.

Silvano Cola
Scritti e testimonianze Gen’s, Grottaferrata 2007, p. 86


Ngày 25/9/2010

Sẽ không trở lại tình trạng trống rỗng

Trời cao hơn đất chừng nào thì đường lối của Ta cũng cao hơn đường lối các ngươi, và tư tưởng của Ta cũng cao hơn tư tưởng các ngươi chừng ấy. 10 Cũng như mưa với tuyết sa xuống từ trời không trở về trời nếu chưa thấm xuống đất, chưa làm cho đất phì nhiêu và đâm chồi nẩy lộc, cho kẻ gieo có hạt giống, cho người đói có bánh ăn, 11 thì lời Ta cũng vậy, một khi xuất phát từ miệng Ta, sẽ không trở về với Ta nếu chưa đạt kết quả, chưa thực hiện ý muốn của Ta, chưa chu toàn sứ mạng Ta giao phó.

Isaiah 55: 9-11


Ngày 26/9/2010

Mọi sự sẽ đổi thay

Những lời Chúa Giêsu nói trong Tin Mừng là những điều duy nhất, có sức lôi cuốn, rõ ràng và dứt khoát. Tất cả đều có thể hòa nhập vào đời sống. Lời Ngài nói là ánh sáng soi dẫn mọi người sinh ra trong thế gian này, nên được áp dụng phổ quan cho mọi người. Khi sống Lời Chúa, nếp sống thực sự sẽ đổi thay đáng kể: nếp sống giao hoà với Thiên Chúa, nếp sống giao tế với mọi người chung quanh ta, với đối với cả kẻ thù địch nữa. Người sống Lời Chúa như thế sẽ đặt mọi giá trị vào đúng khuôn khổ đạo đức khiến cho chúng ta sẵn sàng bỏ qua tất cả sang một bên, ngay đến chính cha mẹ, anh chị em mình, và cả công việc làm ăn nữa... để rồi đặt Thiên Chúa vào nơi cao trọng nhất trong tâm hồn mình. Đó là lý do tại sao Lời Chúa luôn hứa ban những sự phi thường: sẽ được lời gấp trăm ở đời này và đưọc hạnh phúc vĩnh cửu đời sau nữa.

Chiara Lubich
Essere tua Parola Città Nuova, Roma 2008, p. 18


Ngày 27/9/2010

Được canh tân bởi Lời Chúa

Do vậy, các môn đệ được lôi cuốn sống thân mật với Thiên Chúa vi các ông thấm nhuần Lời Thiên Chúa phán dậy. Có thể nói Lời Chúa là nước tắm gội các ông được sạch sẽ, và có sức mạnh sáng tạo biến đổi các ông thành sở hữu của Thiên Chúa. Được như thế rồi, các sự việc còn lại trong đời sống chúng ta sẽ ra sao? Chúng ta đã chẳng được thấm đậm tràn trề bởi Lời Chúa hay sao? Phải chăng Lời Chúa là thức ăn mà chúng ta hằng được nuôi dưỡng, hơn cả cơm bánh hay các thức ăn của thế gian này hay sao? Chúng ta có thực sự quan tâm đến Lời Chúa không? Chúng ta có yêu mến Lời Chúa không? Phải chăng chúng ta đã từng thấm nhuần Lời Chúa đến mức độ Lời Chúa đã để lại dấu tích trong đời sống của chúng ta và uốn nắn các tư tưởng của chúng ta thành nề nếp rồi đó sao? Hay là chúng ta lại có ý hướng khác như tư tưởng của chúng ta luôn dễ bị uốn nắn bởi những sự việc do người đời hướng dẫn và áp đặt vào bản thân mình? Chẳng lẽ Lời Chúa lại không vượt trên cái tiêu chuẩn mà một đôi khi chúng ta tự lấy làm mẫu mực sống cho mình hay chăng? Chẳng lẽ chúng lại còn cứ chần chờ để mà nán lại ở vũng bùn nhơ, nơi mà bao nhiêu người thời nay thường hay bị sa lầy sao? Chẳng lẽ chúng ta lại không đủ nghị lực để cho Lời Chúa thanh tẩy bản thân mình một cách sâu đậm hay sao?

Pope Benedict XVI
Chrismn Mass 9 April 2009


Ngày 28/9/2010

Hoàn chỉnh ở lãnh vực cá nhân và xã hội

Các cộng đoàn tín hữu sơ khai hiểu lời sứ điệp Tin Mừng một cách hoàn hảo, và họ sống trong tinh thần xã hội tốt đẹp tới độ họ hiệp thông trong tâm hồn và tâm trí luôn hợp nhất với nhau. Họ thể hiện tinh thần sống của Thiên Chúa Ba Ngôi trong nếp sống hằng ngày chứ không dừng lại ở một điểm sống tình thần nào đó mà thôi. Chẳng hạn họ mang của cải mình vào làm của chung cho cộng đòan thực ra chính là thước đo lường lòng tin và chân lý mà họ sống. Đối với họ, tin một đàng mà hành động theo nếp sống không phù hợp với mẫu mực sống đã đề ra, là điều sai trái dẫn đến con đường chết về mặt tâm, lý tôn giáo cũng như tinh thần... Làm việc, đau khổ và chết cho cứu cánh này không những phù hợp với chương trình của Thiên Chúa đối với cá nhân mà còn phù hợp với cả đại gia đình nhân loại để cùng nhau đạt đến sự cứu rỗi đời đời. Thế nhưng ở tầm mức con người trần gian, việc biểu hiện tiềm năng cá nhân... đó là một tiềm năng có thể đưa đẩy chúng ta vào cảm nghiệm của Chúa Giêsu là Thiên Chúa xuống thế làm người.

Silvano Cola
“Pastoral Ministry Today” Being One 18 (2009/3) pp. 52-57, at p. 54.


Ngày 29/9/2010

Tin Mừng bao hàm sức mạnh của hiệp nhất

Biểu tượng Chúa Thánh Thần Hiện Xuống bao gồm nhiểu hình lưỡi lửa theo như Tin Mừng do các tông đồ loan báo, là điều ai cũng hiểu được. Biểu tượng còn nói lên ý nghĩa về Tin Mừng là một sứ điệp công giáo phổ quát khiến cho muôn dân muôn nước với mọi sắc thái văn hóa khác nhau đều có thể sống theo. Qua sác thái phổ quát này, Tin Mừng còn là sức mạnh của hợp nhất cho mọi dân tộc. Sức mạnh này khởi phát từ Chúa Thánh Thần là Đấng đem đến sự hiệp nhất và thắng vượt sự chia rẽ của tháp Babel. Đây là lý do tại sao mà Thánh Công Đồng Vatican lại nhận định rằng “Giáo Hội ở trong Chúa Kitô như bí tích hoặc dấu chỉ và khí cụ của sự kết hợp mật thiết với Thiên Chúa và của sự hiệp nhất toàn thể nhân loại, nên, dựa trên giáo huấn của các Công Ðồng trước, Giáo Hội muốn làm sáng tỏ bản tính và sứ mệnh phổ quát của mình cho tín hữu và toàn thế giới. Những hoàn cảnh hiện tại làm cho nhiệm vụ của Giáo Hội thêm khẩn thiết hơn, để ngày nay mọi người liên hệ chặt chẽ hơn bởi nhiều ràng buộc xã hội, kỹ thuật, văn hóa, cũng được hiệp nhất trọn vẹn trong Chúa Kitô””(LG 1). Chúng ta chẳng bao giờ quên được sư mệnh và lời kêu gọi này của Giáo Hội

Card. Claudio Hummes
Sempre discepoli di Cristo San Paolo, Milano 2002, pp. 142-143


Ngày 30/9/2010

Không có tình thương yêu – Không giảng dậy được

(Chúa) gởi các môn đệ cứ hai người thành một nhóm lên đường để rao truyền Tin Mừng vì hai nguyên lý về đức ái, tức là mến Chúa và yêu người, cũng như vì đức ái không thể thực hiện được ở nơi nào ít hơn hai người. Nói cho cùng chẳng có ai lại thực hiện đức ái ngay vào bản thân mình. Như vậy tình thương yêu phải hướng đến người khác, nên mới gọi đó là đức ái. Dù không nói ra, việc Chúa Giêsu đã sai cứ hai môn đệ thành một nhóm lên đường cũng nói lên việc thánh hóa chúng ta, đó là sứ vụ rao truyền không thể thực hiện nổi bởi những người không có tình thương yêu nhau.

St. Gregory the Great
Homily XVII on Luke’s Gospel Sources Chrétiennes, 485, pp. 364-365


Năm Linh Mục