Chân dung linh mục Việt Nam: Linh mục Giuse Nguyễn Thế Thuấn, dòng Chúa Cứu Thế


Cha Giuse Nguyễn Thế Thuấn (1922–1975)

Linh mục Giuse Nguyễn Thế Thuấn sinh năm 1922, tại làng La Phù, huyện Thường Tín, tỉnh Hà Đông (nay thuộc thủ đô Hà Nội), thuộc giáo phận Hà Nội, vào Dòng Chúa Cứu Thế tại Hà Nội và thụ phong linh mục năm 29 tuổi, tức vào năm 1951. Vì vào thời điểm này, Dòng đang có chương trình “Việt Nam hóa” đội ngũ giảng dạy tại Học Viện của Dòng, nên ngay sau khi được thụ phong linh mục, năm 1952, cha Nguyễn Thế Thuấn được cử đi du học tại Roma, kế đó, sang học tại trường Thánh Kinh Giêrusalem trong vòng 4 năm (1952–1956). Về nước, cha được cử dạy môn Thánh Kinh tại Học viện của Dòng ở Đà Lạt. Cuộc đời của cha từ nay như bị chôn chặt trong tòa nhà được xây bằng đá trên một trong những quả đồi cao nhất của Đà Lạt, trên đường từ thành phố đi Suối Vàng, bị gắn liền với công việc giảng dạy Thánh Kinh bề trên giao phó và với việc dịch Thánh Kinh cha đã đề ra cho mình.

Cha giáo Thánh Kinh

Những năm ngay sau khi đi du học về, xem ra cha chưa thích nghi được với “xã hội” xung quanh, suốt ngày chôn mình trong phòng với sách vở, thường gắt gỏng, khó chịu với những ai tới xin trao đổi với cha về bài vở như sợ người ta đánh cắp mất thời giờ quý báu của mình. Xem ra Chúa cũng đã không dành cho cha nhiều ưu đãi lắm về mặt “ngoại hình”: một chiều cao dưới mức trung bình của một người Việt Nam bình thường, một cái giọng the thé nhiều khi làm chói tai người nghe. Nhưng không ít người có dịp nghe cha giảng lễ hay giảng bài đã phải thừa nhận rằng cha có một sức hấp dẫn đặc biệt: đằng sau hay xuyên qua cái “chói tai” của giọng nói và của ngôn ngữ sử dụng ấy lại là sự lay tỉnh “lật ngược lòng trí” của Lời Chúa, sức thôi thúc của “Bài giảng trên núi”, quyền năng không gì cưỡng lại nổi của Thiên Chúa từ lòng dạ “son sẻ”, sức sống mới từ cái chết trên thập giá… một số trong những chủ đề ưa thích của cha và gây ấn tượng trên người nghe thời ấy.  

Thời ấy vốn là thời của Công Đồng chung Vatican II đang được tiến hành. Bầu khí Học viện, và của Giáo hội Việt Nam nói chung được hâm nóng với những phong trào “canh tân phụng vụ”, “trở về nguồn” và nhất là phong trào “Thánh Kinh”. Thế là cha giáo Thánh Kinh gặp thời: mỗi ngày mỗi có thêm nhà dòng, tu viện, giáo xứ đến mời cha tới giảng dạy Thánh Kinh. Tại Học viện của dòng, môn Thánh Kinh, từ niên khóa 1961–1962, được giảng dạy ngay từ Triết I, và do chính cha phụ trách. Cha buộc phải ra khỏi phòng, khỏi nhà dòng nhiều giờ, thậm chí nhiều ngày hơn, và do đó cũng có dịp tiếp xúc với nhiều người, trực tiếp đụng chạm tới nhiều vấn đề cụ thể của Giáo hội và cuộc xã hội. Cái tính khí “khó khăn” biến mất lúc nào không hay. Cha trở thành con người dễ tiếp cận. Có thể là qua thực tế, cha đã nghiệm ra được rằng thời giờ Chúa ban không phải dành cho riêng cho mình mà còn để chia sẻ cho người khác nữa.

Tác giả của bản dịch Thánh Kinh

Cha cũng đã từng giữ chức Giám học Học viện và bề trên nhà dòng Chúa Cứu Thế tại Đà Lạt. Nhưng ai cũng thấy, những chức tước này chẳng thay đổi gì nhiều trong cung cách sống, trong cách xử sự, hay trong trật tự ưu tiên của công việc: vẫn là một cha giáo Thánh Kinh say sưa với sách vở, với lớp học và nhất là với việc dịch Thánh Kinh. Cha đã bắt đầu với Thánh Kinh Tân Ước. Bản dịch Tân Ước của cha đã được xuất bản, sau đó, được sửa chữa và được tái bản, vào những năm 1960. Song song với việc chỉnh sửa bản Tân Ước, cha cũng đã bắt đầu dịch bộ Thánh Kinh Cựu Ước, nhưng tiếc thay, đã không có đủ thời gian để hoàn tất. Chỉ còn cách đích mấy bước thì cha đã vội ra đi. Cha tử nạn ngày 28-3-1975 tại Di Linh, tỉnh Lâm Đồng hiện nay, vào dịp được mời về giảng tĩnh tâm mùa Chay và chuẩn bị Phục sinh cho giáo xứ Di Linh.

Nhưng Thiên Chúa đã không để cha phải “chết lần thứ hai”: một số anh em trong Dòng đã bỏ trọn gần hai năm trời để làm nốt những gì cha còn để lại: tiến hành việc xin phép xuất bản Thánh Kinh trọn bộ Cựu và Tân Ước, chuyển bản thảo từ Đà Lạt về thành phố Hồ Chí Minh, dịch các cuốn cha chưa kịp dịch (sách Gióp, Châm ngôn, tiên tri Baruc), soạn các tiểu dẫn từ các tư liệu cha đã chuẩn bị để phục vụ cho việc giảng dạy Kinh Thánh, thêm một số ghi chú, đánh máy bản thảo để nộp Cục xuất bản, và in, với số lượng 10.000 bản.

Và thế là mùa Giáng sinh năm 1976, người công giáo Việt Nam đã có thể có thêm một bản dịch Thánh Kinh trọn bộ mới, dày khoảng 3.000 trang (hai phần dẫn nhập Cựu Ước và Tân Ước 88 trang, phần Cựu Ước: 2318 trang,  phần Tân Ước 616 trang) khổ 20 x 14cm, được in trên giấy bible, tức loại giấy vàng, mỏng và dai, thường được dùng để in sách Thánh Kinh. Đức Tổng Giám mục Phaolô Nguyễn Văn Bình chuẩn ấn ngày 12.11.1975, giấy phép của Bộ Thông Tin Văn Hóa – Cục Báo Chí Xuất Bản số 92/GPNT/XB – ngày 13/11/1975, nộp lưu chiểu tháng 12.1976.

Cũng xin giới thiệu một đôi hàng về bản thảo bản dịch trọn bộ Thánh Kinh cha Nguyễn Thế Thuấn đã để lại. Bước vào phòng ở và làm việc của cha để thu dọn bản thảo, người học trò của cha có cảm giác như được bước vào nơi thân quen nhất của cha giáo Thánh Kinh. Bầu khí làm việc trong âm thầm, lặng lẽ, kiên trì như vẫn còn bao trùm cả căn phòng giản dị nhưng chứa đầy vết tích của suy tư, tìm kiếm khoa học. Các bản thảo được xếp ngay ngắn, thứ tự trong một cái bàn rộng, có nhiều ngăn. Bản thảo của từng cuốn sách thuộc Cựu Ước được đóng riêng, theo cùng khổ giấy, 20x40cm. Mỗi trang giấy, được viết một mặt, đều được chia thành ba cột. Cột giữa dành cho từng câu của bản dịch đã hoàn chỉnh. Cột bên trái ghi các từ quan trọng trong câu và các nghĩa của các từ này. Cột bên phải ghi các chú thích về từ ngữ. Cha dùng giấy bao xi măng để làm bìa cho các bản thảo. Tất cả đều được viết bằng tay. Bên cạnh đó là một tủ đựng các phiếu được xếp trong những ngăn nhỏ. Mỗi phiếu là một câu, một cụm từ, một từ với những giải thích hay chú giải của nhiều tác giả khác nhau…  

Mối thiện cảm và lòng tin tưởng trong 35 năm qua độc giả dành cho bản dịch Thánh Kinh của cha Nguyễn Thế Thuấn hẳn là phần thưởng quý báu của nỗ lực cần cù, kiên nhẫn, kính cẩn đối với Lời Chúa và của lòng yêu kính đối với Giáo hội Việt Nam của cha.

nguồn Web HĐGMVN

 


Năm Linh Mục