LM. GIUSE ĐINH QUANG VINH

 

GIÁO DỤC CON CÁI THEO ĐỊNH HƯỚNG

CỦA TÔNG HUẤN FAMILIARIS CONSORTIO

 

ĐÀ NẴNG 2011

 

GIÁO DỤC CON CÁI THEO ĐỊNH HƯỚNG

CỦA TÔNG HUẤN FAMILIARIS CONSORTIO

 

Tông huấn Familiaris Consortio đưa ra các định hướng trọng yếu cho việc giáo dục: lòng kính trọng[1], lòng hiếu khách, trách nhiệm biến đổi xã hội[2], giá trị của sự thật và sự tự do[3], ý thức về sự công bằng, ý thức về tình yêu đích thực, sống tự hiến, sống giản dị và khắc khổ, sống hiệp thông và chia sẻ, giáo dục tính dục, giáo dục đức khiết tịnh, giáo dục các nguyên tắc luân lý.[4] Ngày nay báo chí nói nhiều về chức năng giáo dục của gia đình, vừa nhấn mạnh về tầm quan trọng của nó cũng như bày tỏ sự đáng tiếc về sự mất định hướng nào đó của cha mẹ khi giáo dục con cái. Cha mẹ có vai trò không thể thay thế trong việc giáo dục con em mình, nhất là trong việc dạy dỗ để chúng bước vào đời với sự trưởng thành về mặt nhân cách. Bổn phận của cha mẹ giúp con cái mình lớn lên với lòng tự trọng và trong sự an toàn, giúp chúng phát triển với khả năng tốt nhất. Vì vậy chúng ta có thể nói rằng giáo dục là quá trình làm cho nhân cách được trưởng thành, mở rộng văn hóa và làm cho giá trị của con người được bồi bổ.

Giáo dục gia đình là nền tảng cho mọi nền giáo dục và đào tạo con người. Sự trưởng thành nhân cách thông qua giáo dục gia đình là nền tảng cần thiết cho sự phát triển cá nhân. Bằng kinh nghiệm giáo dục của cha mẹ trong gia đình ngày từng ngày sẽ hướng mỗi thành viên thỏa mãn những nhu cầu và chu toàn những quyền lợi và trách nhiệm của mình.

I. TẦM QUAN TRỌNG CỦA GIÁO DỤC GIA ĐÌNH

1. Nhiệm vụ giáo dục của gia đình

Bản chất và sứ mệnh giáo dục của gia đình, cách riêng vai trò của người mẹ không có gì có thể thay thế.[5] Cha mẹ cần hiểu biết đúng đắn sứ mạng giáo dục của mình, sứ mạng của họ bắt rễ từ ơn gọi nguyên thủy khi tham gia vào công trình sáng tạo của Thiên Chúa. Đó là một nhiệm vụ thiết yếu mà cha mẹ phải thực hiện trong tình yêu để giáo dục con cái trong sự toàn diện, về mặt cá nhân cũng như mặt xã hội.

Gia đình là một nơi giáo dục các giá trị cơ bản về sự thật, tình yêu và ý nghĩa của tính dục, của gia đình và của sự sống. Ngày nay, cuộc khủng hoảng về luân lý đạo đức trở thành một trở ngại nghiêm trọng trong việc xác định bản sắc đạo đức của một người. Trong bối cảnh đó, tăng cường nhiệm vụ giáo dục gia đình là điều cần thiết. Gia đình có nhiệm vụ công bố toàn bộ kế hoạch của Thiên Chúa về hôn nhân và gia đình, sức sống tràn đầy của gia đình, của nhân loại và của Kitô giáo, và do đó góp phần vào sự đổi mới xã hội và dân Chúa. Nhiệm vụ rao giảng Tin Mừng của gia đình diễn ra chủ yếu qua việc giáo dục con em.

“Nhất là nhờ việc giáo dục con cái mà gia đình làm tròn sứ mệnh loan báo Tin Mừng về sự sống. Bằng lời nói và bằng gương sáng, trong những tương quan và chọn lựa hằng ngày, và qua những cử chỉ và dấu hiệu cụ thể, cha mẹ khai tâm cho con cái vào tự do đích thực, được thể hiện trong việc hoàn toàn hiến thân, và họ vun trồng nơi con cái lòng tôn trọng người khác, ý thức về công bình, sự đón tiếp nhân hậu, việc đối thoại, sự phục vụ cách quảng đại, tình liên đới và các giá trị khác giúp ta sống cuộc đời như một hồng ân. Hành động giáo dục của cha mẹ Kitô giáo phải phục vụ đức tin của con cái và giúp chúng đáp ứng ơn gọi mà chúng nhận từ Thiên Chúa. Cũng trong sứ mệnh giáo dục của bậc cha mẹ là phải dạy con cái biết ý nghĩa thực của đau khổ và sự chết, và làm chứng cho chúng biết về những điều ấy: họ sẽ làm được việc ấy, nấu họ biết lưu ý đến mọi nỗi đau khổ họ gặp thấy chung quanh mình, và trước hết, nếu họ biết, ngay từ môi trường gia đình, tỏ ra gần gũi cách cụ thể với các bệnh nhân và những người già yếu, để giúp đỡ và chia sẻ với họ"[6].

Thật hiển nhiên, nhiệm vụ của giáo dục cha mẹ Kitô giáo đến từ bí tích hôn nhân và cách riêng từ chính quyền bính và tình yêu của Chúa Ba Ngôi. Trong cái nhìn này, cha mẹ không chỉ trở thành người dự phần vào khoa sư phạm thần linh, nhưng nhờ sự tham gia dự vào tình yêu vợ chồng mang tính thiên linh, họ yêu thương con cái của họ bằng chính tình yêu giáo dục mà Chúa Cha yêu mỗi người trong Chúa Con.

“Chẳng những bắt nguồn từ việc dự phần vào cuộc sáng tạo của Thiên Chúa, sứ mạng giáo dục của các cha mẹ Kitô giáo còn được bắt nguồn một cách mới mẻ và chuyên biệt nơi bí tích Hôn Phối, là bí tích thánh hiến họ để lo việc giáo dục Kitô giáo đích thực cho con cái và do đó bí tích ấy cũng mời gọi họ dự phần vào chính quyền bính và tình yêu của Thiên Chúa và của Đức Kitô Mục Tử, cũng như vào tình mẫu tử của Hội Thánh. Nó còn làm cho họ được giàu thêm các ơn khôn ngoan, ơn lo liệu và ơn sức mạnh cùng tất cả những ơn khác của Thánh Thần, ngõ hầu có thể giúp cho con cái họ được lớn lên về mặt nhân bản và Kitô"[7].

Tự bản chất cha mẹ thật sự là những nhà giáo dục đầu tiên và quan trọng nhất cho con cái họ về chiều kích đạo đức, và do đó trở thành cộng tác viên không thể thiếu của mọi lãnh vực giáo dục khác,

“Nhiệm vụ và quyền lợi đầu tiên bất khả nhượng của cha mẹ là giáo dục con cái, nên họ phải được thực sự tự do trong việc lựa chọn trường học…cho con cái theo lương tâm mình. Do đó, Thánh Công Ðồng khuyến khích các Kitô hữu hãy tự động góp phần vào việc khám phá những phương pháp giáo dục thích hợp, cách tổ chức việc học hành và góp phần vào việc đào tạo các giáo chức có khả năng giáo dục thanh thiếu niên một cách đúng đắn bằng cách hỗ trợ họ, và nhất là qua các hội phụ huynh học sinh, phải theo dõi và nâng đỡ mọi công việc của nhà trường, đặc biệt việc giáo dục luân lý được giảng dạy nơi đó"[8].

Điều rất quan trọng cho sứ vụ giáo dục của cha mẹ trong gia đình mình là phải làm sao đáp ứng việc giáo dục con cái họ như một nhu cầu nhân đạo. Thông qua giáo dục, các bậc cha mẹ giúp con cái của họ bước vào thế giới và gặp gỡ những người khác trong chân thiện mỹ. Một người được sinh ra và sau đó có thể là một con người. Nhưng để trở thành một con người, họ phải có nhu cầu và yêu cầu được giáo dục. Vì lý do đó mà ta hiểu được lý do vì sao việc cha mẹ giáo dục con cái trong gia đình là khởi đầu căn bản không có ai và bất cứ gì có thể thay thế. Mỗi tương quan giữa người và người trong giáo dục gia đình đáp ứng đòi hỏi đầu tiên của con người về giáo dục.[9]

2. Gia đình là không gian để giáo dục con trẻ

Đức Gioan Phaolô II nhấn mạnh rằng "giáo dục là nhiệm vụ đầu tiên và thiết yếu của văn hóa nói chung và của mỗi nền văn hóa nói riêng. Điều này hệ tại trong việc làm cho con người luôn trở thành người hơn, điều họ có thể “là”người hơn, chứ không chỉ có thể là người “có”nhiều hơn, và kết quả là qua tất cả những gì con người “có”, tất cả những gì con người “sở hữu”, con người luôn phải biết “là”người cách sung mãn hơn”.[10] Gia đình là không gian tự nhiên và văn hóa cho việc giáo dục con trẻ. Trong môi trường này trẻ em và thanh thiếu niên nhận được các quyền lợi và phẩm giá thực sự. Truyền thống văn hóa hệ tại từ sự giáo dục. Trong gia đình người ta dạy và học: ngôn ngữ, sự tôn trọng, cảm xúc, ý tưởng, óc phán đoán, năng khiếu, và nhiều loại kỹ năng v.v. Gia đình là không gian truyền thông tri thức sống từ thế hệ này sang thế hệ khác. Xã hội loài người phải đi qua gia đình, đặc biệt là ngang qua giáo dục gia đình.

Không gian của giáo dục gia đình thực sự là một không gian văn hóa. Tuy nhiên giáo dục thể hiện thông qua việc tập luyện và biểu hiện khả năng cá nhân, và về cơ bản được hiểu như là một thái độ, sự chấp nhận của mình và người khác, sự cống hiến cho tình huống của con người, tình đoàn kết với mọi người.

«Con trẻ là “vương miện của cuộc hôn nhân”, là của cải thực sự của nhân loại. Không gian tự nhiên cho giáo dục trẻ em là gia đình. Trong cộng đoàn của sự sống và tình yêu này, con trẻ được đào tạo như những thành viên của Hội Thánh Chúa Kitô. Qua vinh dự và yêu thương mà con trẻ dành cho cha mẹ, chúng có thể làm cuộc sống của mọi thành viên khác trong gia đình thêm phong phú»[11].

Gia đình thành lập trên khát vọng và niềm vui được sống với nhau và truyền đạt kinh nghiệm sống, trên khả năng tăng trưởng của sự hợp tác trong yêu thương. Đó là một nơi mà người ta có thể nói là một thực tại văn hóa, có cơ sở là sự tương tác qua lại của mỗi chủ thể dự phần trong đó và sự ảnh hưởng hỗ tương giữa các thành viên khác nhau. "Gia đình tạo nên giao điểm của lộ trình từ tự nhiên đến văn hóa, nếu không có gia đình thì không có xã hội loài người đúng nghĩa, gia đình là điểm giao nhau giữa công và tư, gia đình cần thiết cho sự phân biệt giữa những thứ vô danh và tha hóa trong đời sống xã hội"[12].

3. Đức tin là một chiều kích thiết yếu của giáo dục trong gia đình

Đối với các gia đình Công giáo, chiều kích thiết yếu của giáo dục là giáo dục đức tin. Tông huấn Familiaris Consortio nhấn mạnh: “việc dạy giáo lý ở gia đình thật cấp thiết đến mức tuyệt đối”,[13] vì nó là điều làm nên toàn bộ đời sống Kitô hữu. Cha mẹ là những nhà giáo dục đức tin đầu tiên cho con cái, chính trong sức mạnh của bí tích hôn nhân mà làm cho họ thành những người rao giảng Tin Mừng và những nhà truyền giáo của chính gia đình mình. Đức Gioan Phaolô II đã nói nhiều lần[14], tương lai của việc Phúc Âm hóa phụ thuộc phần lớn vào gia đình, Hội Thánh tại gia. Vấn đề thiết lập Nước Chúa được giao phó cho gia đình. Gia đình là nơi để truyền đạt đức tin, thánh hóa và biến đổi xã hội hiện nay theo kế hoạch của Thiên Chúa. Gia đình Kitô giáo xây dựng Nước Chúa trong lịch sử thông qua chính những thực tại hàng ngày mà nó quan tâm và được đánh dấu bằng những điều kiện sống đặc trưng của nó. “Sứ mạng giáo dục đòi hỏi cha mẹ Kitô hữu phải đem lại cho con cái tất cả những gì cần thiết để dần dần giáo dục cho chúng một nhân cách theo quan điểm Kitô giáo và Hội Thánh. Họ sẽ lấy lại những định hướng giáo dục đã nhắc tới trên kia, bằng cách lo sao để chỉ cho các con thấy ý nghĩa sâu xa của những điều ấy, ý nghĩa mà đức tin cũng như lòng yêu mến Đức Giêsu Kitô sẽ có thể đưa chúng đến. Ngoài ra, trong khi họ bận tâm củng cố ân sủng Thiên Chúa đã ban trong linh hồn con cái, cha mẹ Kitô hữu sẽ được nâng đỡ nhờ ý thức rằng Chúa đang ký thác cho họ sự tăng trưởng của một người con Thiên Chúa, một người em của Đức Kitô, một đền thờ của Chúa Thánh Thần và một chi thể của Hội Thánh".[15] Nội dung giáo dục Kitô giáo được xác định rõ trong Tuyên ngôn của Vaticanô II về Giáo dục Kitô giáo Gravissimum Educationis.[16]

Truyền bá đức tin là một sự dấn thân nghiêm túc cho bất cứ ai đã lãnh nhận Phép Rửa. Bởi vậy, nền móng của việc truyền bá đức tin là sứ vụ nhận được từ Chúa Kitô để làm cho muôn dân nhận biết sứ điệp của Tin Mừng.

"Sứ mạng giáo dục của gia đình Kitô giáo như một thừa tác vụ đích thực, nhờ thừa tác vụ ấy Tin Mừng được thông truyền và phổ biến, đến nỗi xét trong toàn bộ, đời sống gia đình trở thành con đường đức tin, và một cách nào đó, trở thành sự khai tâm Kitô giáo và là trường học đời sống, dạy cho ta noi gương Đức Kitô"[17].

Các dịch vụ của giáo dục tôn giáo là một trong những lĩnh vực mà trong đó gia đình thì không thể thay thế và nhờ đó gia đình tăng trưởng như Hội Thánh tại gia.

“Nhờ kết quả của thừa tác vụ giáo dục, qua chứng từ đời sống, cha mẹ là những người đầu tiên loan báo Tin Mừng cho con cái. Hơn nữa, khi cùng cầu nguyện với chúng, khi cùng với chúng lao mình vào việc đọc Lời Chúa, và khi làm cho chúng sống thân mật trong thân thể Đức Kitô - cả nơi bí tích Thánh Thể và nơi Hội Thánh - bằng việc khai tâm Kitô giáo, họ trở nên cha mẹ theo nghĩa trọn vẹn, nghĩa là không những họ sinh ra chúng theo sự sống phần xác mà còn theo cả sự sống tuôn trào từ thập giá và sự phục sinh của Đức Kitô, khi chúng được tái sinh trong Thần Khí”[18].

Cha mẹ là những nhà giáo dục cầu nguyện cho con cái mình. Thật vậy, cầu nguyện vừa là sự biểu lộ đức tin, vừa là trường học đức tin. Thông qua lời cầu nguyện, đức tin được sống và truyền từ cha mẹ đến con cái. Gia đình là trường học đầu tiên của việc cầu nguyện. Điều quan trọng là cầu nguyện với con trẻ trong mọi hoàn cảnh, qua những sự kiện và mọi khoảnh khắc đều tạo điều kiện để cầu nguyện. Điều quan trong nhất là con cái thấy cha mẹ cầu nguyện. Mỗi gia đình, mỗi bậc phụ huynh có câu chuyện riêng của họ về đức tin và một cách thể hiện và sống đức tin đó. Và rồi cha mẹ Kitô hữu có bổn phận đặc thù trong việc giáo dục con trẻ cầu nguyện.

“Gương sống cụ thể, chứng tá sống động của cha mẹ, là yếu tố căn bản và không thể thay thế được trong việc giáo dục cầu nguyện : chỉ khi nào cha mẹ cùng cầu nguyện với con cái, chu toàn chức vụ tư tế vương giả của họ, họ mới vào sâu được trong lòng con cái và để lại đó những dấu vết mà các biến cố cuộc sống về sau sẽ không thể xóa nhòa được”[19].

Cầu nguyện gia đình là một vòng tay thân ái giữa Chúa Kitô và gia đình. Nơi đó gia đình hô hấp trong Thiên Chúa, người ta được giải khát từ "mầu nhiệm lớn lao", tìm được căn tính riêng và thái độ đích thực của tình yêu. Gia đình được mở ra cho đức tin, đức cậy trông và đức mến. Gương sống của cha mẹ và tình yêu của họ dành cho nhau thì có sức lan truyền và có hiệu quả giáo dục thật cơ bản. Kitô giáo không chỉ là một mớ học thuyết, nhưng trên hết là đời sống. Vì vậy nó không thể chỉ được dạy suông như thể dạy một học thuyết, nhưng đòi hỏi một sự giáo dục toàn diện xuyên qua gương sống.

“Gương sống cụ thể, chứng tá sống động của cha mẹ, là yếu tố căn bản và không thể thay thế được trong việc giáo dục cầu nguyện : chỉ khi nào cha mẹ cùng cầu nguyện với con cái, chu toàn chức vụ tư tế vương giả của họ, họ mới vào sâu được trong lòng con cái và để lại đó những dấu vết mà các biến cố cuộc sống về sau sẽ không thể xóa nhòa được".[20] "Thiên Chúa trao phó cho cha mẹ nhiệm vụ việc rao giảng Tin Mừng trước hết cho con cái của họ và cho phép họ công bố Tin Mừng này với sự tham dự vào tình yêu của Chúa Cha và vào giao ước hôn nhân giữa Chúa Kitô với Hội Thánh của Ngài, ân ban mà họ nhận được bởi chính Bí Tích Hôn nhân"[21].

Việc giáo dục đức tin cho con trẻ nảy sinh trước tiên trong tâm trí của cha mẹ và được thể hiện một cách cụ thể trong đời sống thường nhật của họ. Sống như thế, cha mẹ đã biến “gia đình trở thành chủng viện đầu tiên và tuyệt hảo cho ơn gọi sống đời tận hiến vì Nước Thiên Chúa”.[22]

4. Gia đình như là một trường dạy về luân lý đạo đức

Chúng ta đang sống trong một xã hội mà việc giáo dục được tập trung vào sự tự lập, nhưng một đứa trẻ thì không tự lập. Giáo dục được truyền đạt không bởi việc người ta trở nên tự lập, nhưng trở nên trưởng thành. Khi người ta theo đuổi sự tự lập như mục tiêu của giáo dục thì người ta chẳng trưởng thành bao giờ. Sự trưởng thành trong đời sống luân lý đạo đức là điều gì đó thật quan trọng đối với hạnh phúc nhân loại. “Đó là những giá trị nhân vị theo đúng nghĩa. Việc hiểu được ý nghĩa cuối cùng của sự sống và của những giá trị căn bản của sự sống là một thách đố lớn lao đang đặt ra cho việc canh tân xã hội ngày nay”.[23]

Người Việt Nam thường nói về tầm quan trọng của giáo dục đạo đức cho con trẻ như sau: "Sinh con chẳng dạy chẳng răn, thà rằng nuôi lợn lấy lòng mà ăn". Sức mạnh của Kitô giáo có là một sức mạnh luân lý đạo đức. Không có giáo dục trong gia đình khi viễn tượng không được thực hiện trong tính luân lý đạo đức. Trong sự trợ giúp gia đình không thể thiếu vai trò của các nhà giáo dục (nơi trường học, trong nhà thờ, các hiệp hội, thể thao ...). Cùng với cha mẹ là người chịu trách nhiệm chính, họ trợ giúp những người trẻ trong việc đạt được các mục tiêu đạo đức. Việc giáo dục con cái của cha mẹ là nguồn gốc của sự thiện và sự ác trong gia đình và xã hội. Con cái phản ánh bộ mặt của cha mẹ một cách trung thực.

"Các chủ chăn và cộng đồng Hội Thánh đều phải chuyên tâm tìm cách biết rõ những tình cảnh ấy và các nguyên cớ của chúng, từng trường hợp một; các vị phải để tâm, với sự kín đáo và tôn trọng, tìm cách đến với những người đang chung sống như thế, kiên nhẫn khai sáng cho họ, đón nhận họ với tình bác ái, đem lại cho họ một chứng tá về gia đình Kitô giáo, nói cách khác là làm tất cả những gì có thể đưa họ tới chỗ hợp thức hóa tình cảnh của họ. Tuy nhiên, trên hết, cần phải làm một công cuộc ngăn ngừa, bằng cách vun trồng ý thức về lòng chung thủy trong mọi việc giáo dục về luân lý và tôn giáo cho bạn trẻ, bằng cách huấn luyện cho họ có các điều kiện và cơ cấu thuận lợi cho lòng chung thủy ấy để nhờ đó họ thật sự được tự do, bằng cách giúp họ trưởng thành về mặt thiêng liêng, bằng cách làm cho họ hiểu được thực tại nhân bản và siêu nhiên phong phú của bí tích hôn nhân"[24].

Không một có thể đạt được sự giáo dục luân lý tính dục cách tinh tế và hợp lý, rõ ràng và tế nhị hơn cha mẹ.[25] Cha mẹ là những nhà giáo dục tốt nhất về lãnh vực luân lý tính dục cho con cái mình. Cùng với Hội Thánh cha mẹ phải “trình bày tính dục như một giá trị và như một sự dấn thân của mọi ngôi vị, được Thiên Chúa dựng nên là nam là nữ, theo hình ảnh của Ngài”.[26]

Khi coi các yếu tố kinh tế như thành phần chính yếu của cuộc sống, sự tự do nằm tách biệt khỏi sự thật, tác động tiêu cực của các phương tiện truyền thông đại chúng như truyền hình và internet đã đang và sẽ ảnh hưởng đến vai trò giáo dục của gia đình.

"Những nghiên cứu gần đây của Hoa Kỳ cho thấy rằng sự gia tăng của các hành vi phạm tội ở trẻ vị thành niên thường có nguyên do nơi sự sút kém của cha mẹ trong việc giáo dục luân lý đạo đức cần thiết cho con cái của họ trong những năm đầu đời. Toàn cầu hóa đang tạo ra một khuôn mẫu thống nhất của cuộc sống và cách hành xử đôi khi nó hoàn toàn trái ngược với truyền thống gia đình, và trong đó nguyên tắc luân lý đạo đức không phải lúc nào cũng có được vai trò đúng đắn. Nếu tổ chức tự nhiên của gia đình ngày nay không được bảo vệ để chống lại sự tấn công thuộc lãnh vực văn hóa, tội phạm sẽ tiếp tục gây đau đớn cho xã hội chúng ta"[27].

Hành vi bạo lực thật khủng khiếp của trẻ vị thành niên tràn ngập trên các trang tin tức trong những ngày tháng gần đây. Chúng dường như đã mất cảm thức về luân lý đạo đức. Để giáo dục và ngăn chặn những hành vi như thể, trước hết cần phải nhận ra rằng sự thất bại trong giáo dục của cha mẹ đã là nguyên nhân cho những hành vi phạm tội nơi trẻ vị thành niên. Cảm thức về luân lý đạo dực cần phải được giáo dục. "Nếu giáo dục luân lý đạo đức đạt hiệu quả, tôi đã tạo ra một con người có ‘sự tinh tế về luân lý đạo đức’ tuyệt vời: một con người cảm nhận cách sâu xa để nắm lấy tất cả những gì là lương thiện, công bằng, cao thượng; và đẩy xa một cách quyết liệt những gì bất lương, sai trái và đáng hổ thẹn". Cần giáo dục khả năng phân biệt những gì là tốt và những gì là xấu. Đặc biệt phải dạy một vài tiêu chuẩn luân lý đạo đức để người ta áp dụng trong mỗi trường hợp cụ thể của cuộc sống.

"Việc giáo dục lương tâm là nhiệm vụ của cả cuộc đời. Ngay từ những năm đầu tiên, việc giáo dục gợi lên cho trẻ em sự nhận biết và thực hành luật nội tâm được lương tâm công nhận. một nền giáo dục khôn ngoan dạy nhân đức; đề phòng và chữa lành con người khỏi sợ hãi, khỏi yêu mình cách mù quáng (“tính ích kỷ”) và khỏi kiêu căng, khỏi những mặc cảm tội lỗi và thái độ tự mãn, phát sinh từ sự yếu đuối và những lỗi lầm của con người. Việc giáo dục lương tâm bảo đảm cho sự tự do và tạo nên sự bình an trong trái tim"[28]. Và Tông huấn đi đến kết luận: “Như thế, việc giáo dục lương tâm làm cho mỗi người có khả năng phán đoán và nhận ra được những phương tiện thích hợp để mình tự thực hiện theo đúng sự thật nguyên thủy của mình, việc giáo dục lương tâm ấy trở nên một đòi hỏi hàng đầu không thể chối cãi”[29].

II. GIA ĐÌNH NHƯ LÀ MỘT CỘNG ĐOÀN GIÁO DỤC

Tông huấn Familiaris Consortio đã không ngần ngại để xác nhận rằng: “Hôn nhân và gia đình Kitô giáo xây nên Hội Thánh. Thật vậy, trong gia đình, nhân vị không phải chỉ được sinh ra và dần dần nhờ giáo dục được dẫn vào trong cộng đồng nhân loại mà thôi, nhưng nhờ tái sinh qua phép rửa và nhờ sự giáo dục đức tin, ngôi vị ấy cũng được dẫn vào trong gia đình của Thiên Chúa là Hội Thánh”.[30] Gia đình là một cộng đoàn gói trọn cả cuộc sống, bởi bản chất của nó đã được sắp đặt cho sự sinh sản và giáo dục con trẻ. Đặc tính cộng đoàn của gia đình được thành lập trong sự cân bằng giữa quyền bính và sự tự do. Gia đình là một cộng đoàn giáo dục, và như trong bất kỳ cơ sở giáo dục nào, quyền bính và sự tự do trong gia đình phải được điều tiết và cân bằng. Một cộng đoàn là một sự hiệp nhất những con người nhận biết nhau và hỗ trợ cho nhau. Gia đình là cộng đoàn giáo dục đầu tiên chứ không phải là cộng đoàn duy nhất và độc quyền trong giáo dục. Là một cộng đoàn thân mật của sự sống và tình yêu[31], gia đình là một cộng đoàn giáo dục để giúp mỗi thành viên phát triển trong tình yêu. Mối quan hệ giữa các cá nhân trong gia đình có thể được coi như một cộng đoàn giáo dục tự nhiên. Trong gia đình người ta học hỏi lẫn nhau và cùng nhau phát triển. Mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình làm cho mỗi người sẵn sàng để tiếp nhận nahu cũng như làm cho nhau phát triển.

1. Gia đình là một personarum communio

Gia đình là nền tảng của xã hội. Bởi bản chất của nó, gia đình là một yếu tố cơ bản của xã hội loài người và sức mạnh cần thiết cho sự phát triển nhân cách tròn đầy. Cơ sở này dựa trên sự hiệp thông giữa mỗi thành viên nhằm phát triển nhân cách của mỗi người cộng đoàn. Trên hết, "gia đình là một cộng đoàn của những nhân vị, bởi cách thức riêng của sự hiện hữu và sống với nhau là sự hiệp thông: sự hiệp thông nhân vị - communio personarum". Gia đình là một cộng đoàn của tình yêu và của sự sống.[32]

«Hơn hẳn bất cứ thực tại nào khác của con người, gia đình là nơi mà một con người có thể tồn tại "tự thân”thông qua quà tặng chân thành của bản thân. Đây là lý do tại sao nó vẫn là một tổ chức xã hội mà người ta không thể và không phải thay thế: nó là "cung thánh của sự sống"»[33].

Sự hiệp thông nhân vị là nhiệm vụ của việc giáo dục thường xuyên để sự hiệp thông giữa những con người, điều mà Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đề xuất như là "nhiệm vụ đầu tiên". Sự cần thiết cho một quá trình giáo dục liên tục thiết lập chiều kích sâu xa để làm cho gia đình thành một cộng đoàn giáo dục, một trường học của tính nhân bản và tính xã hội trong đó tất cả các thành viên có trách nhiệm xây dựng sự hiệp thông nhân vị.

“Gia đình, được thiết lập do tình yêu và được sinh động cũng do tình yêu, là một cộng đồng các ngôi vị : đôi bạn là nam và nữ, cha mẹ và con cái, họ hàng. Bổn phận đầu tiên của gia đình là trung thành sống thực tại của sự hiệp thông, trong một cố gắng bền bỉ nhằm thăng tiến một cộng đồng đích thực gồm các ngôi vị"[34].

2. Cha và mẹ là những nhà giáo dục

Để cho con trẻ để trở thành những Kitô hữu tốt và công dân lương thiện, cha mẹ có bổn phận giáo dục chúng. Bổn phận giáo dục đã được đóng ấn trong ơn gọi làm cha và làm mẹ.

"Mẫu tính nhất thiết ngụ ý đến phụ tính, và ngược lại phụ tính nhất thiết ngụ ý đến mẫu tính: đó là thành quả do tính nhị phân, được Đấng Tạo Hóa ban tặng cho con người “ngay từ nguyên thủy”.[35] "Trong ơn gọi chung cho thế hệ, ơn gọi làm cha và làm mẹ được thiết lập trên nền tảng được mời gọi dấn thân cho sự giáo dục, với tư cách đã được phân biệt xét về nguồn gốc, ơn gọi làm cha và làm mẹ được thiết lập nền tảng của các vai trò khác nhau trong sự dấn thân cho việc giáo dục con cái"[36].

Thông qua giáo dục, cha mẹ có thể thực hiện ơn gọi làm cha và làm mẹ, trong chương trình của Thiên Chúa về tình yêu nhân loại và về gia đình. Đó là một ơn gọi cộng tác trực tiếp với Thiên Chúa sáng tạo. Thật vậy, vợ chồng "được kêu gọi để trở thành cha mẹ, họ hợp tác với Đấng Tạo Hóa trong việc trao ban sự sống.”Như vậy, cha mẹ làm cho sự sống này phát triển đầy đủ trong sự tôn trọng phẩm giá và quyền của nó. Phục vụ cho sự sống và tình yêu như việc lưu truyền sự sống và làm cho sự sống tròn đầy – cha mẹ được gọi mời tới sự sống "trong chân lý và tình yêu”- nhờ vào việc dấn thân giáo dục, xuất phát trực tiếp từ kế hoạch của Thiên Chúa, Đấng mời gọi các bậc cha mẹ để tiếp tục công việc sáng tạo của Ngài.

"Bổn phận giáo dục bắt nguồn từ trong ơn gọi đầu tiên của đôi bạn là dự phần vào công cuộc sáng tạo của Thiên Chúa: khi sinh ra một ngôi vị mới trong tình yêu và do tình yêu, một ngôi vị mang sẵn nơi mình ơn gọi phải lớn lên và phát triển, bậc cha mẹ cũng từ đó mà lãnh nhận bổn phận phải giúp đỡ hữu hiệu cho ngôi vị ấy được sống một đời sống nhân bản trọn vẹn".[37]

Vì vậy, ơn gọi giáo dục của cha mẹ Kitô giáo, vừa là một đặc ân vừa là một trách nhiệm lớn lao, đã được Thiên Chúa trao ban. Hơn nữa, khi cha mẹ thực hiện đầy đủ sứ mạng của mình trong việc giáo dục con trẻ, họ được chiếu sáng bởi "hai chân lý cơ bản: trước hết, con người được mời gọi để sống trong sự thật và trong tình yêu; thứ đến con người thực hiện ơn gọi đó thông qua quà tặng chân thành của bản thân".[38] Bí tích hôn nhân thánh hiến cha mẹ bằng một nguồn mạch mới mẻ và đặc thù cho trách nhiệm giáo dục con cái, cách riêng giáo dục con cái trong sự phát triển nhân bản và Kitô giáo. Đặc biệt,

"Trong bối cảnh hình thành đức khiết tịnh, "tính cách làm cha và làm mẹ”hiển nhiên bao gồm bậc cha mẹ chỉ còn lại một mình và kể cha mẹ nuôi. Nhiệm vụ của bậc cha mẹ còn một mình chắc chắn là không dễ dàng, bởi vì nó thiếu sự hỗ trợ của người kia, cùng với vai trò và gương mẫu của một bậc cha mẹ khác giới tính. Nhưng Thiên Chúa nâng đỡ bậc phụ đơn chiếc bằng một tình yêu đặc biệt, Ngài mời gọi họ đương đầu với nhiệm vụ này bằng lòng quảng đại và sự nhạy cảm mà họ yêu thương và chăm sóc cho con cái của họ trong các khía cạnh khác của cuộc sống gia đình"[39].

Cha mẹ là nhà giáo dục cho con cái của họ. Tuy nhiên, cha mẹ không bao giờ cảm thấy cô đơn khi dấn thân giáo dục con cái. "Giáo Hội hỗ trợ và khuyến khích họ, tin tưởng rằng họ có thể thực hiện chức năng này tốt hơn so với bất cứ ai khác"[40].

"Vai trò của cha và mẹ bổ sung cho nhau và không thể tách rời; người ta giả định rằng giữa con cái và cha mẹ thiết lập một mối liên hệ nhân vị đặc thù. Mọi trẻ em đều có quyền được sinh ra bởi một người cha và một người mẹ liên kết với nhau trong tình yêu vợ chồng"[41].

3. Tầm quan trọng trong giáo dục qua sự hiện diện của người cha

“Tình yêu đối với người vợ đã trở thành mẹ và tình yêu đối với con cái là con đường tự nhiên đưa người nam đến chỗ hiểu biết và thể hiện việc làm cha của mình. Ở những nơi hoàn cảnh xã hội và văn hóa dễ đưa người cha đến chỗ, một cách nào đó, không quan tâm tới gia đình hoặc ít có mặt trong công việc giáo dục, thì phải làm sao giúp cho xã hội ấy xác tín rằng chỗ đứng và vai trò của người cha trong gia đình có một tầm quan trọng độc nhất không thay thế được. Như kinh nghiệm cho thấy, sự vắng mặt của người cha gây ra những sự thiếu quân bình tâm lý và tinh thần, cũng như nhiều khó khăn đáng kể khác trong các tương quan gia đình; nhưng ngược lại, cũng sẽ xảy ra như thế nếu sự hiện diện của người cha lại có tính cách áp bức, nhất là ở những nơi còn có hiện tượng mà người ta gọi là "đề cao đàn ông", nghĩa là khi những lợi điểm nam tính được đề cao quá đáng làm giảm giá phụ nữ và cản trở sự phát triển các mối tương quan lành mạnh trong gia đình”[42].

Ngày nay người ta nói nhiều về sự lu mờ của người cha, không còn biết vai trò của ông ta là gì. Một câu tục ngữ Việt nhấn mạnh sự hiện diện đáng kể trong việc giáo dục của người cha: "Con có cha như nhà có nóc; Con không cha như nòng nọc đứt đuôi". Một đứa trẻ mà không có cha thì mất đi sự giáo dục và chỉ dẫn cần thiết cho cuộc đời, nó cũng tựa như ngôi nhà không mái khó tránh được sự thiêu đốt của ánh nắng mặt trời hay sự ướt át của những cơn mưa bão.

"Đây chắc chắn là một nhiệm vụ liên quan đến một làm mới lại các khái niệm văn hóa của con người, một khi kết tinh trong những định thức nhắm vào người cha như là gia trưởng, quyền bính của ông thì chẳng cần phải bàn cãi và đã lập thành dấu hiệu duy nhất cho sự mở ra với cuộc sống xã hội. Ngoài ra, là cha mẹ cũng ngụ ý đến nhiệm vụ bồi bổ năng lực yêu thương mình"[43].

Khi chức năng giáo dục của người cha dường như bị hạ giá hay thậm chí bị loại ra ngoài, chẳng lạ gì cuộc khủng hoảng về tư cách làm cha kèm theo phương diện giáo dục va đụng vào gia đình. Sự vắng mặt của người cha trong gia đình hiện lập thành mục tiêu của cuộc tấn công có hệ thống và tận căn.

"Sự nhầm lẫn về các vai trò, sự suy giảm vai trò người cha, trong sự chắc chắn của nam giới về bản sắc riêng của mình, trong vai trò của một nhà giáo dục, sự quy ghép chức năng của người cha đến một loạt sự can thiệp vào xã hội, mà quên rằng chức năng này phải bắt đầu từ cha mẹ và con trẻ cần một người cha nguyên vẹn, mọi cái chẳng phải là vô hại cho chính các ông bố và các gia đình, cho con trẻ và cho cả xã hội nữa. Các nghiên cứu xã hội cho thấy những hậu quả tiêu cực của sự vắng bóng người cha trong việc giáo dục trẻ em "[44].

Vai trò của người cha trong việc giáo dục con cái không thể được thay thế bởi bất kỳ người nào hoặc bất cứ điều gì. "Người cha theo truyền thống được coi là gia trưởng, người từng có quyền bính, nắm giữ các quy tắc, duy trì trật tự và an ninh. Người che chở con cái, nhưng đồng thời cũng dẫn đứa trẻ bước vào thực tế khó khăn của cuộc sống trưởng thành"[45].

Thật vậy, vai trò giáo dục của người cha được thiết lập trên tương giao tính dục khác phái mở ra cho sự sống và tính bền vững của người cha bên cạnh người mẹ. Sự vắng mặt của người cha thường liên quan đến nguyên nhân chủ yếu của sự thiếu sáng kiến ​​và sợ hãi của những người trẻ khi phải đối mặt với cuộc sống.[46]

Hình ảnh người cha có một tầm quan trọng lớn lao đối với con cái xét về mặt phân tâm học. Tham chiếu liên quan đến gia đình là nền tảng đầu tiên cấu tạo nên tâm lý cá nhân. "Mối liên hệ yêu thương với mẹ của con trai tăng cường và tô đậm một cảm giác ghen tuông ở thời kỳ mà hình ảnh người cha được cảm nhận bởi đứa trẻ như người hiện diện và cần thiết cho đời sống gia đình, như sức mạnh và quyền bính"[47].

Sự có mặt của người cha cho thấy cái thực tại bên ngoài đối với mối liên hệ giữa mẹ và con trai, sự có mặt đó khuyến khích và giúp đứa trẻ ra khỏi tình trạng ấu trĩ và nhờ đó tiếp cận với thế giới bên ngoài. "Bé trai xác nhận người cha như kiểu mẫu, như hình ảnh lý tưởng cho việc thể hiện chính mình, theo các đặc điểm của nam tính, khơi nguồn năng lượng của mình hướng đến các hoạt động xã hội có giá trị và luôn 'có nam tính' nhiều hơn"[48]

"Căn tính giáo dục của người cha thể hiện không chỉ trong mối liên hệ trực tiếp với con nhưng cũng còn trong mối liên hệ đến môi trường xung quanh, phát triển trên ba cấp độ:

- cảm xúc, biểu lộ tình trạng có sẵn hướng tới trao đổi đầy ý nghĩa cho việc mở rộng cá nhân, vừa trong lĩnh vực gia đình vừa trong những gì có liên quan đến tình bằng hữu;

- vật chất, cộng tác cách cụ thể để quản lý đơn vị gia đình và cổ võ ý tưởng về giá trị của lao động;

- đạo đức, khuyến khích đối thoại, với tư cách là nền tảng cho sự phát triển tâm linh và sự tìm kiếm các giá trị được chia sẻ, có căn nguyên từ sự tôn trọng phẩm giá của sự sống"[49].

Tóm lại, người cha là tác nhân cho sự phát triển cân bằng về khía cạnh tâm lý cho cả con gái và con trai. "Quyền bính người cha được hiểu như là một hỗ trợ cần thiết cho con trẻ chưa có sự tự lập đầy đủ, và sự hiếu thảo là lễ vật phải dâng để đổi lấy sự an ninh cũng như sự cần thiết để đương đầu với thực tế của cuộc sống và thế giới xung quanh"[50]. Do đó, sự hiện diện của cha trong gia đình được hiểu là rất cần thiết cho một cha có trách nhiệm, nhờ đó có được một nền giáo dục toàn diện cho con trẻ.

“Khi biểu lộ tình cha của Thiên Chúa và sống lại tình cha ấy trên mặt đất này, người nam được mời gọi đứng ra bảo đảm sự phát triển thống nhất của mọi thành phần trong gia đình. Để chu toàn nhiệm vụ này, ông cần phải quảng đại lãnh lấy trách nhiệm đối với sự sống được thai nghén trong lòng người mẹ, cần phải chú tâm chia sẻ cố gắng giáo dục con cái với vợ mình , công việc ấy sẽ không bao giờ làm chia rẽ gia đình, nhưng làm cho gia đình được vững mạnh trong sự hợp nhất và ổn định, nên một lời chứng về đời sống Kitô hữu trưởng thành để hướng dẫn con cái vào trong kinh nghiệm sống động về Chúa Kitô và về Hội Thánh một cách hữu hiệu hơn”[51].

4. Vai trò người mẹ trong việc giáo dục con cái

Tục ngữ Việt Nam có câu: “Con hư tại mẹ, cháu hư tại bà”muốn nói lên tầm quan trọng của người nữ trong việc giáo dục con trẻ. Quan hệ giáo dục giữa mẹ và con có nguồn gốc của nó ngay cả trong giai đoạn đầu của thai kỳ "con người bắt đầu được giáo dục từ khi còn trong bụng mẹ. Cuộc đối thoại với người mẹ và qua sự trung gian của bà với người cha chuẩn bị cho sự ra đời để bước vào trong cuộc đối thoại với những người khác".[52] Người mẹ thì liên quan đến việc chăm sóc và giáo dục con cái, đặc biệt ở tuổi thơ ấu. Đó là một thời kỳ nuôi nấng mà con trẻ hoàn toàn phụ thuộc vào sự chăm sóc của người mẹ. Nhưng hệ luận giáo dục trong mối liên hệ tâm lý không chỉ giới hạn ở điều này, trong hành động hướng dẫn với tư cách của người mẹ, bà phải tiếp xúc để truyền đạt cho con mình sự thuyết phục có tính chất gợi ý trong hành động.[53] Chúng ta có thể nói rằng thông qua người mẹ, đứa trẻ phát hiện ra thế giới xung quanh nó.[54]

Vì vậy, vai trò của người mẹ là rất quan trọng trong sự sinh ra và giáo dục con trẻ. Không ai có thể thay thế vai trò này của người mẹ.[55] "Chung quy việc giáo dục con trẻ nên bao hàm trong chính nó sự đóng góp của cả cha mẹ: sự đóng góp của mẹ và của cha. Tuy nhiên, những gì thuộc về người mẹ là nền tảng quyết định cho một nhân cách mới".[56] Thiếu vắng sự hỗ trợ cho nhiệm vụ giáo dục của người mẹ, có ảnh hưởng tiêu cực đến con trẻ. "Nữ giới, trong tư cách người mẹ và nhà giáo dục đầu tiên của con người (giáo dục là chiều kích thiêng liêng của người làm cha mẹ), có một ưu tiên đặc thù trên con người".[57] Thông qua giao tiếp giữa người mẹ và con trẻ, cách riêng đứa trẻ học được kinh nghiệm của sự an toàn, lòng tin tưởng; đó là điều cần thiết để chấp nhận tình thế không thể tránh khỏi của tâm trạng thất vọng và sự tuyệt vọng. Việc tạo lập lòng tin tưởng này sau đó sẽ dẫn con trẻ tới tìm kiếm sự tự lập và sự sang tạo tự mối quan hệ này. Tình yêu người mẹ làm quân bình giữa sự ham muốn và lòng vâng phục cho con trẻ, điều này hướng con trẻ đến nhân cách tự lập.[58]

"Người ta có thể nói rằng, dưới một khía cạnh nào đó, tình yêu người mẹ là điều gì đó đào tạo và học tập, trừ những trường hợp đặc biệt, ngày mỗi ngày là một cái gì đó mà người mẹ cảm thấy nảy sinh trong chính mình, hướng đến một con người mà bà cảm thấy được hình thành và từ từ lớn lên trong chín tháng trời"[59].

5. Sự góp phần của ông bà trong việc giáo dục

“Triều thiên của ông bà chính là con cháu của họ”(Cn 17,6). Sự hiện diện của ông bà vừa làm cho gia đình phong phú về mặt tinh thần vừa “thi hành một sứ mạng quý báu là trở nên chứng nhân cho quá khứ và nguồn mạch khôn ngoan cho các người trẻ và cho tương lai”.[60] Trong khi trở thành cha mẹ nảy sinh chủ yếu là một dự án cuộc đời thì để trở thành ông bà không phải là một đặc ân riêng biệt, nó là việc thường xuyên xảy ra hay gần như tất cả, phụ thuộc vào những thế hệ trung gian. "Một đứa cháu giống như một bông hoa nở ra vào mùa thu, giữa những cành cây trụi lá".[61] Trở thành ông bà được coi là sự khởi đầu của một giai đoạn mới của cuộc sống, mối liên hệ gia đình nới rộng ra cho ông bà, ngay cả khi các cháu không sống chung cùng một nhà. Rõ ràng vai trò của ông bà bổ túc cách mạnh mẽ cho việc giáo dục của cha mẹ khi họ sống gần nhau. Thực ra ông bà giúp các cháu sự phát triển về mặt tình cảm và mặt cảm xúc. Từ kết quả của một cuộc nghiên cứu đã rút ra ba nhận xét chính sau đây: "Ông bà được coi là những người kể chuyện cho các cháu, bảo vệ cháu khỏi sự hà khắc của cha mẹ, sau hết là người nói cho các cháu về Thiên Chúa".[62] Sự hiện diện của ông bà giúp cháu có cơ hội kinh nghiệm về đời sống chung, cảm nghiệm thực tế muôn hình vạn trạng của tình thương mến và của sự tưởng tượng, bài học của sự vâng lời, vv.

“Thực sự ông bà được coi là thời điểm của: trò chơi, sự tưởng tượng, và sự ngọt ngào khi so sánh với thời điểm của: quyền bính, bổn phận, và các giá trị được coi là thuộc về cha mẹ".[63]

Sự thật đó cho thấy ông bà là những nhà giáo dục tuyệt vời cho cháu mình. "Sự hiện diện hàng ngày, hàng tuần hoặc mỗi mùa hè của ông bà thì cũng rất hữu ích; tuy nhiên nó chỉ cần thiết với điều kiện là không đảm nhận vị trí giáo dục thay thế hoặc tương phản với việc dạy dỗ của cha mẹ”. Mối liên hệ giữa ông bà và các cháu đã đạt được và tiếp tục đạt được tầm quan trọng lớn hơn trong xã hội chúng ta, đặc biệt là trong các gia đình trẻ, chính cho vai trò mà ông bà mở ra trong sự đối chiếu của hai vợ chồng với con nhỏ.[64]

"Chúng ta đã xem xét mối liên hệ giữa các thế hệ trong đời sống gia đình,"xét về mặt sinh học thì một người được ghi danh vào gia phả". Điểm nổi bật là đóng góp của ông bà trong việc dạy dỗ các cháu của mình. Ông bà truyền đạt kinh nghiệm sống và đức tin bằng sự dịu dàng đặc biệt, và ngày nay họ thường là một nhân tố hết sức quan trọng trong việc Tin Mừng hóa, đặc biệt là khi sứ vụ truyền đạt đức tin của cha mẹ giảm sút vì nhiều lý do. Trong việc truyền tải các giá trị, cách riêng là những giá trị tôn giáo, ngày nay vai trò của ông bà cho thấy tầm quan trọng nền tảng, khi đối mặt với nguy cơ của một khoảng trống chỉ riêng về mặt giáo dục"[65].

Nhờ có sự hiện diện của cháu mà người ta có thể giúp người cao tuổi có được niềm vui khi nhìn thấy chính cuộc sống của họ kéo dài thêm. Niềm vui của ông bà cũng có thể ảnh hưởng đến các đặc điểm của cháu, vì vậy cũng có thêm một hiệu quả giáo dục tích cực. Đối với họ, sự trợ giúp là cái gì đó là được cung cấp một cách tự nhiên vì tình thương mến, lòng biết ơn và bằng nhiều hình thức liên quan đến tất cả sự chăm sóc mong manh nhất.

“Thật ra, cuộc sống của những người già giúp chúng ta thấy rõ bậc thang các giá trị nhân bản, nó cho thấy sự tiếp nối các thế hệ và là một bằng chứng tuyệt diệu về sự tùy thuộc lẫn nhau trong Dân Thiên Chúa”[66].

Như vậy, xét về mối tương quan giữa các thế hệ, gia đình được coi là môi trường giáo dục lý tưởng: “Gia đình, được thiết lập do tình yêu và được sinh động cũng do tình yêu, là một cộng đồng các ngôi vị : đôi bạn là nam và nữ, cha mẹ và con cái, họ hàng. Bổn phận đầu tiên của gia đình là trung thành sống thực tại của sự hiệp thông, trong một cố gắng bền bỉ nhằm thăng tiến một cộng đồng đích thực gồm các ngôi vị”[67].

III. KẾT LUẬN

Khi cứu xét những đặc điểm đã nêu trên, chúng ta có thể xác tín rằng “yếu tố gốc rễ nhất, có tính cách định tính cho bổn phận giáo dục của cha mẹ, chính là tình phụ tử và tình mẫu tử, tình yêu này được hoàn thành trong công cuộc giáo dục khi nó bổ túc và hoàn thiện trọn vẹn công việc phục vụ sự sống của họ. Như một nguồn mạch, tình yêu thương của cha mẹ trở thành linh hồn và là nguyên tắc gợi hứng và hướng dẫn tất cả hành động giáo dục cụ thể, bằng cách phong phú hóa nó với những giá trị như sự dịu dàng, kiên trì, nhân hậu, phục vụ vô vị lợi, tinh thần hy sinh, là những bông hoa quí báu nhất của tình yêu”.[68] Hội Thánh khẳng định các quyền của cha mẹ trong việc giáo dục con cái của họ. Giáo dục con cái là ơn gọi của cha mẹ: “cha mẹ đã được chính Thiên Chúa đặt làm những nhà giáo dục đầu tiên và chính yếu cho con cái của họ, và đó là một quyền tuyệt đối không thể chuyển nhượng”[69]. Vai trò giáo dục của cha mẹ là rất quan trọng và gần như không thể tìm thấy một thay thế thích hợp. Vì vậy, cha mẹ phải chú tâm đến bổn phận giáo dục con cái. Đối với cha mẹ các quyền và nghĩa vụ của giáo dục là chính đáng và không thể tách rời. Cha mẹ chịu trách nhiệm chính cho việc giáo dục con cái của họ trong đức tin, cầu nguyện, và tất cả các nhân đức. Ngược lại, con cái cũng có quyền được cha mẹ yêu thương và dạy dỗ.

Gia đình Kitô giáo là nơi mà ơn cứu độ của Thiên Chúa ở cùng và đến lượt mình, gia đình phải thực thi sứ mạng đem ơn cứu độ đó cho gia đình mình và cho thế giới. Đó cũng là ơn gọi và bổn phận nên thánh của gia đình[70]. Khi cử hành hôn phối, cha mẹ Công Giáo đã hứa “sẵn sàng yêu thương và đón nhận con cái Chúa sẽ ban, và giáo dục chúng theo luật Đức Kitô và Hội thánh”. Chỉ với một lời hưa ngắn gọn như thế nhưng đã tóm gọn toàn bộ nội dung mà Tông Huấn Familiaris Consortio muốn đề cập.


 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

C. Caffarra, Il ministero educativo dei genitori – Sứ vụ giáo dục của cha mẹ”, in http: /www.caffarra.it/educazione040604.php [ultima visita del 23.04.2010].

F. Castellini, “La relazione nonni-nipoti nella famiglia giovane – Mối liên hệ giữa ông bà và cháu chắt trong gia đình trẻ”, in La famiglia 201(2000) 21.

Công ĐỒng Vaticanô II, Thánh Công Đồng Chung Vaticanô II, Giáo Hoàng Học Viện Piô X, Đà Lạt 1972.

G. P. DI NICOLA – A. DANESE, Le ragioni del matrimonio. Aspetti di sociologia della famiglia – Những lý lẽ của hôn nhân. Những khía cạnh xã hội của gia đình, Effatà Editrice, Torino 2006, 219-220.

D. Galuppini – M. Lovatti, “Il ruolo del padre nella società attuale – Vai trò của người cha trong xã hội đương thời”, in http://www.lovatti.eu/f-padre.htm [ultima visita del 15.04.2010].

M. Gennari, Trattato di Pedagogia Generale – Đường hướng sư phạm tổng quát, Studi Bompiani, Milano 20072.

Thông điệp Evangelium vitae – Tin Mừng về Sự Sống, công bố ngày 30 – 03 – 1995.

FC 38

Giovanni Paolo II, Tông thư Gratissimam sane – Thư gửi các gia đình, ban hành ngày 02 – 02 - 1994

Giovanni Paolo II, “Allocutio ad eos qui conventui Consilii ab exsecutione internationalis organismi compendiariis litteris UNESCO nuncupati affuere”, n. 12, die 2 iun, 1980: Insegnamenti di Giovanni Paolo II, III, 1 [1980] 1644.

Giovanni Paolo II, Tông huấn Familiaris Consortio (FC) – Về những bổn phận của gia đình Kitô giáo, Lm. Augustinô Nguyễn Văn Dụ chuyển ngữ, Rôma 2001.

S. Grygiel, “L'educazione avviene nell'incontro. L'educazione è all'Altro invisibile ma sempre presente – Giáo dục xảy đến trong sự gặp gỡ. Sự giáo dục ở với Đấng vô hình nhưng luôn hiện diện”, in Aa.Vv., In Cristo Nuova Creatura, PUL – MUSIA, Roma 2001.

Hi Đng Giáo Hoàng vGia Đình, Tuyển Tập các Tài liệu Huấn quyền về Gia đình, Edizioni Dehoniane Bologna, Bologna 2004.

B. Lamberto, L'educazione e i suoi problemi – Sự giáo dục và những vấn đề của nó, La Nuova Italia, Firenze 1953.

G. Lo Sapio, “Riflessioni sulla Funzione Educativa del Padre – Những lời nhận xét về chức năng giáo dục của người cha”, in La Famiglia 235 (2006) 32.

L. Macario, Pedagogia Familiare. Note di metodologia pedagogicaSư phạm Gia đình. Những lưu ý về phương pháp học thuộc sự phạm, LAS, Roma 2009.

L. Pedron, “Morale sessuale e familiare – Luân lý tính dục và gia đình”, in: http://proposta.dehoniani.it/txt/moralese.html#3 [ultima visita del 12.04.2010].

S. Spini, “Media e bambini: una sfida per l’educazione – Phương tiện truyền thông và con trẻ: một thách đố cho sự giáo dục” in http://www.aiart.org/public/web/documenti/spini_sergio.doc. [ultima visita dell’8.4.2010].

S. Vegetti Finzi, Nuovi nonni per nuovi nipoti. La gioia di un incontro – Ông bà mới lạ cho các cháu mới mẻ. Niềm vui của một sự gặp gỡ, Mondadori, Milano 2008.

W. Visconti, “Genitori – Quý phụ huynh” in J. M. Prellezo – C. Nanni – G. Malizia, Dizionario di Scienze dell’Educazione – Từ điển về Khoa học Giáo Dục, Elledici, LAS e S.E.I, Torino 1997, 461.


 

NỘI DUNG

I. TẦM QUAN TRỌNG CỦA GIÁO DỤC GIA ĐÌNH. 3

1. Nhiệm vụ giáo dục của gia đình. 3

2. Gia đình là không gian để giáo dục con trẻ. 5

3. Đức tin là một chiều kích thiết yếu của giáo dục trong gia đình. 6

4. Gia đình như là một trường dạy về luân lý đạo đức. 8

II. GIA ĐÌNH NHƯ LÀ MỘT CỘNG ĐOÀN GIÁO DỤC. 9

1. Gia đình là một personarum communio. 10

2. Cha và mẹ là những nhà giáo dục. 10

3. Tầm quan trọng trong giáo dục qua sự hiện diện của người cha. 11

4. Vai trò người mẹ trong việc giáo dục con cái 14

5. Sự góp phần của ông bà trong việc giáo dục. 14

III. KẾT LUẬN. 16

TÀI LIỆU THAM KHẢO. 17

 



[1] FC 43

[2] FC 44

[3] FC 48

[4] FC 37; 64

[5] GS 52

[6] Evangelium vitae 92

[7] FC 38

[8] Gratissimam sane, n. 6.

[9] C. Caffarra, Il ministero educativo dei genitori – Sứ vụ giáo dục của cha mẹ”, in http: /www.caffarra.it/educazione040604.php [ultima visita del 23.04.2010].

[10] Giovanni Paolo II, “Allocutio ad eos qui conventui Consilii ab exsecutione internationalis organismi compendiariis litteris UNESCO nuncupati affuere”, n. 12, die 2 iun, 1980: Insegnamenti di Giovanni Paolo II, III, 1 [1980] 1644.

[11] Hi Đng Giáo Hoàng v Gia Đình, “La famiglia cristiana: una buona novella per il terzo millennio – Gia đình Kitô giáo: một tin mừng cho thiên niên kỷ thứ ba” n. 4, cfr. Tuyển Tập các Tài liệu Huấn quyền về Gia đình, n. 3285, p. 1221; Evangelium vitae, 32, cfr. Tuyển Tập các Tài liệu Huấn quyền về Gia đình, n. 1221, p. 405-406.

[12] S. Spini, “Media e bambini: una sfida per l’educazione – Phương tiện truyền thông và con trẻ: một thách đố cho sự giáo dục” in http://www.aiart.org/public/web/documenti/spini_sergio.doc. [ultima visita dell’8.4.2010].

[13] FC 52

[14] FC 50 – 52.

[15] FC 39.

[16] Gravissimum educationis số 2.

[17] FC 39.

[18] FC 39.

[19] FC 60.

[20] FC 60.

[21] L. Pedron, “Morale sessuale e familiare – Luân lý tính dục và gia đình”, in: http://proposta.dehoniani.it/txt/moralese.html#3 [ultima visita del 12.04.2010].

[22] FC 53

[23] FC 8

[24] FC 81.

[25] FC 37

[26] FC 32

[27] Hi Đng Giáo Hoàng v Gia Đình, Globalizzazione, economia e famiglia, cfr. Tuyển Tập các Tài liệu Huấn quyền về Gia đình, n. 3178, p. 1172.

[28] CCC, n. 1784. C. Caffarra, loc. cit.

[29] FC 8

[30] FC 15

[31] FC 17; GS 48

[32] HỘi ĐỒng Giáo Hoàng vỀ Gia Đình, “Famiglia e diritti umani” n. 16, in Tuyển Tập các Tài liệu Huấn quyền về Gia đình, n. 3450, p. 1317.

[33] Ibib.

[34] FC 18.

[35] Thư gửi các gia đình, 7

[36] L. Macario, op. cit., 143-144.

[37] FC 36.

[38] Hi Đng Giáo Hoàng v Gia Đình, “Sessualità umana: verità e significato”, 37-40. In Tuyển Tập các Tài liệu Huấn quyền về Gia đình, n. 1962 – 1966, p. 704 – 706.

[39] Ibid

[40] Ibid

[41] Hi Đng Giáo Hoàng v Gia Đình, “I figli, primavera della famiglia e della società”, trong Tuyển Tập các Tài liệu Huấn quyền về Gia đình n. 3136, p. 1154.

[42] FC 25

[43] W. Visconti, “Genitori” in J. M. Prellezo – C. Nanni – G. Malizia, op. cit., 461.

[44] Hi Đng Giáo Hoàng v Gia Đình, Paternità di dio e paternità nella famiglia, 7; in Tuyển Tập các Tài liệu Huấn quyền về Gia đình, n. 3695, p. 1425.

[45] P. Brechon, La famille, idées traditionnelles et idées nouvelles. Le Centurion, 1976, 15-25, 28-33; J. Arénes, La Filiation aujourd'hut, Tychique, mag­gio 1997 (Documento 706, Pastorale Familiare, Commissione per la Famiglia, Conferenza Episcopale Francese); cfr. Tuyển Tập các Tài liệu Huấn quyền về Gia đình, “Paternità di Dio e paternità nella famiglia” n. 3691, p. 1422.

[46] D. Galuppini – M. Lovatti, “Il ruolo del padre nella società attuale”, in http://www.lovatti.eu/f-padre.htm [ultima visita del 15.04.2010].

[47] L. Macario, op. cit., 55.

[48] Ibid.

[49] G. Lo Sapio, “Riflessioni sulla Funzione Educativa del Padre”, in La Famiglia 235 (2006) 32.

[50] L. Macario, op. cit., 57.

[51] FC 25

[52] S. Grygiel, “L'educazione avviene nell'incontro. L'educazione è all'Altro invisibile ma sempre presente – Giáo dục xảy đến trong sự gặp gỡ. Sự giáo dục ở với Đấng vô hình nhưng luôn hiện diện”, in Aa.Vv., In Cristo Nuova Creatura, PUL – MUSIA, Roma 2001, 81.

[53] L. Macario, op. cit., 53.

[54] B. Lamberto, L'educazione e i suoi problemi, La Nuova Italia, Firenze 1953,14; 299. Cfr. M. Gennari, Trattato di Pedagogia Generale, Studi Bompiani, Milano 20072, 246.

[55] Cfr. Hi Đng Giáo Hoàng vGia Đình, “La donna, sposa e madre, nella famiglia e nella società”, 4; in Tuyển Tập các Tài liệu Huấn quyền về Gia đình, n. 2362, p. 865.

[56] Mulieris dignitatem n.18.

[57] Ibid., 19; in Tuyển Tập các Tài liệu Huấn quyền về Gia đình, n. 841, p. 253.

[58] L. Macario, op. cit., 55.

[59] W. Visconti, “Genitori” in J. M. Prellezo – C. Nanni – G. Malizia, op. cit., 460.

[60] FC 27

[61] S. Vegetti Finzi, Nuovi nonni per nuovi nipoti. La gioia di un incontro, Mondadori, Milano 2008, 13.

[62] G. P. DI NICOLA – A. DANESE, Le ragioni del matrimonio. Aspetti di sociologia della famiglia, Effatà Editrice, Torino 2006, 219-220.

[63] Ibid.

[64] F. Castellini, “La relazione nonni-nipoti nella famiglia giovane”, in La famiglia 201(2000) 21.

[65] Hi Đng Giáo Hoàng v Gia Đình, “I figli, primavera …, cit., n. 3148, p. 1161.

[66] FC 27

[67] FC 18

[68] FC 36

[69] FC 40

[70] FC 56; 57