Description: bia MVGD-b

Số 1. tháng 12.2013

 

 

Lời nói đầu                        

Kính thưa Quý Ông bà và anh chị em,

Ban Mục Vụ Gia Đình (MVGĐ) Giáo phận được thiết lập để đồng hành với các gia đình. Ngoài những nỗ lực khác, Ban MVGĐ sẽ đồng hành với các gia đình bằng nội san Mục Vụ Gia Đình theo từng quý.

Nội san Mục Vụ Gia Đình số 1 này được gửi đến các gia đình trong tâm tình hân hoan sống Mùa Giáng Sinh 2013, và hướng đến năm 2014, năm Phúc Âm Hoá Đời Sống Gia Đình.

Năm Phúc Âm Hoá Đời Sống Gia Đình được khai triển và tập chú vào bốn điểm : Sum họp cầu nguyện, Hiệp nhất yêu thương, Phục vụ sự sống và Loan báo Tin Mừng. Nội san Mục Vụ Gia Đình Năm 2014 sẽ đồng hành với các gia đình theo bốn chủ đề trên.

Với những nỗ lực nhỏ bé và chân thành, ban MVGĐ kính mong các gia đình đón nhận sự đồng hành này như khát khao được đồng cảm, được chia vui sẻ buồn với các gia đình, được cùng nhau hoàn tất các ơn gọi kitô hữu cách viên mãn trên mảnh đất Giáo phận Đà Lạt tại cao nguyên Lâm Đồng trù phú này.

Kính chúc các gia đình, các bậc ông bà, cha mẹ, con cái, các bạn trẻ, và thiếu nhi Mùa Giáng Sinh tràn đầy Thánh Đức, An Bình và Hạnh Phúc.

Chân kính,

Ban Mục Vụ Gia Đình Giáo Phận Đà Lạt

 

PHÚC ÂM HÓA ĐỜI SỐNG GIA ĐÌNH

Phúc-Âm-hóa đời sống gia đình là chủ đề mục vụ mà Hội Đồng Giám Mục Việt Nam chọn cho Năm 2014. Từ ngữ “Phúc-Âm-hóa” được dịch bởi từ evangelizatio của tiếng La tinh. Nó bắt nguồn từ tiếng Hy lạp euangelion  có nghĩa là tin vui, Tin Mừng, Phúc Âm. Ngay từ những ngày bình minh của Kitô giáo, Hội Thánh đã ý thức về sứ mạng rao giảng Phúc Âm vì chính Chúa Giêsu đã sai các Tông Đồ đi rao giảng Phúc Âm cho muôn dân.

Tông Huấn Loan báo Phúc Âm - Evangelii Nuntiandi của Đức Giáo Hoàng Phaolô VI cho biết Phúc-Âm-hóa vừa có nghĩa là công bố Phúc Âm cho người ngoài Kitô giáo, vừa đem men Phúc Âm vào trong hết mọi lãnh vực của cuộc sống, nghĩa là biến đổi mọi thực thể nhân loại cho phù hợp với Phúc Âm, từ lối suy tư cá nhân cho đến các lối sinh hoạt của các dân tộc. Ba đối tượng cho việc Phúc-Âm-hóa là người chưa biết Chúa Kitô, người vẫn còn thực hành đạo, và những người biết Chúa nhưng không còn thực hành đạo: “Đối với Giáo Hội, Phúc Âm hóa là đem Phúc Âm vào trong mọi cảnh vực nhân loại và nhờ sự tiếp xúc này làm thay đổi tự bên trong, đổi mới chính nhân loại: “Này đây Ta tạo dựng một vũ trụ mới” (Kh 21, 5). Nhưng không có nhân loại mới, nếu trước tiên không có con người mới, không có sự sống mới nhờ phép Rửa tội và do đời sống theo Phúc Âm. Vậy mục đích của việc Phúc Âm hóa chính là sự thay đổi nội tâm đó, và nếu phải diễn tả một cách vắn tắt, thì ta có thể nói một cách đúng đắn rằng Giáo Hội Phúc Âm hóa, khi chỉ nhờ sức mạnh thần linh của sứ điệp mà Giáo Hội công bố, Giáo Hội tìm cách hoán cải cùng lúc lương tâm cá nhân và tập thể của con người, hoán cải sinh hoạt mà con người đang dấn thân, hoán cải đời sống và hoàn cảnh cụ thể của họ” (EN số 18).

Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II là vị tông đồ nhiệt thành trong lãnh vực gia đình, trong bài giảng của Thánh Lễ khai mạc Thượng Hội Đồng Giám Mục ngày 26-09-1980 về Gia Đình có nói: “Gia đình là đối tượng chính của việc Phúc Âm Hóa và giáo lý của Hội Thánh”.

Cùng thao thức chuẩn bị cho Đại hội ngoại thường lần thứ ba của Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới sẽ diễn ra năm tới tại Rôma về đề tài Các thách đố mục vụ về gia đình trong bối cảnh Phúc-Âm-hóa, Đại hội lần thứ XII của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã chọn chủ đề mục vụ cho năm 2014: Phúc-Âm-hóa đời sống gia đình; Thư chung gửi cộng đồng dân Chúa nhấn mạnh: Trong năm 2014 sắp tới, chúng ta hãy cùng nhau Phúc-Âm-hóa đời sống gia đình và thúc đẩy gia đình tham gia tích cực vào sứ vụ loan báo Phúc Âm. Hội Thánh được gọi là gia đình của Thiên Chúa và mỗi gia đình Kitô hữu được gọi là Hội Thánh tại gia. Việc canh tân Hội Thánh phải được bắt đầu từ mỗi gia đình, do đó, Hội Thánh đặc biệt quan tâm đến các gia đình” (số 5).

Thư chung mời gọi canh tân gia đình dựa trên bốn mục tiêu: Gia đình sum họp cầu nguyện; gia đình hiệp nhất, yêu thương; gia đình phục vụ sự sống; gia đình loan báo Phúc Âm. Một số việc mục vụ cụ thể liên quan đến gia đình được thư chung đề nghị: chuẩn bị cho giới trẻ bước vào đời sống hôn nhân và gia đình; đồng hành với các gia đình trẻ; đồng hành và nâng đỡ anh chị em đang gặp khó khăn vì hôn nhân đổ vỡ và gia đình ly tán; đồng hành và khích lệ các nhóm, hiệp hội, phong trào tu đức và tông đồ dấn thân cho lãnh vực gia đình; đào tạo giáo sĩ, tu sĩ, giáo dân chuyên trách mục vụ gia đình; xây dựng và triển khai những chương trình mục vụ gia đình trong giáo phận cũng như giáo xứ.

Gia đình là bí tích tình yêu Thiên Chúa một khi gia đình để cho lời Chúa thấm đậm qua những bữa ăn chung trong vui tươi thân ái, trong những giây phút cầu nguyện chung thân tình, trong nỗ lực trân trọng sự sống khi vun trồng đức khiết tịnh, làm dậy men làm biến đổi đời sống mỗi cá nhân trong gia đình như chứng tá cho công cuộc Phúc Âm hóa. Muốn xây dựng tòa nhà Hội Thánh thêm kiên vững, thêm rộng lớn, cần nhất mỗi cá nhân trong gia đình nỗ lực tôi luyện để trở nên những viên gạch thánh thiện, nhân ái, đạo đức; những Kitô hữu đã được Phúc Âm hóa từ nội tâm.

Xin chân thành cảm ơn nỗ lực của quý cha trong ban biên soạn để nội san được hình thành và ra mắt như một nhúm men nhỏ cho công cuộc Phúc-Âm hóa.

 

                             Lm. Giuse Đinh Quang Vinh

  Trưởng Ban MVGĐ GP Đà Lạt

 

 

 

 

 

PHÚC ÂM HÓA ĐỜI SỐNG GIA ĐÌNH

 

I. GIA ĐÌNH – TẾ BÀO CỦA GIÁO HỘI VÀ XÃ HỘI

1. Tại sao phải Phúc Âm hóa đời sống gia đình?

Vì gia đình là tế bào của Giáo Hội và xã hội. Muốn hiểu thấu đáo câu trả lời này cần biết tế bào là gì.

* Tế bào là đơn vị cấu tạo cơ bản của sự sống. Cơ thể người gồm hàng nghìn tỉ tế bào. Chúng cung cấp cơ quan cho cơ thể, tạo nên chất dinh dưỡng từ thức ăn, chuyển hóa chất dinh dưỡng thành năng lượng, và mang lại những chức năng đặc biệt. Tế bào còn chứa nguyên liệu di truyền và tế bào có thể tự tạo nên nhiều bản sao từ chính chúng. Tế bào có cấu trúc gồm nhiều quan bào với các chức năng riêng. Tế bào bệnh, khiếm khuyết thì cơ thể yếu, đi đến tiêu vong. Không có tế bào không có sinh vật dù là đơn bào (virus), tế bào chết không được tái tạo thì sinh vật cũng chết (x. Wikipedia Tiếng Việt).

* Gia đình là tế bào của Giáo Hội ? Dù mỗi cá nhân Kitô hữu rất quan trọng và là một ngôi vị, thế nhưng mỗi cá nhân kitô hữu lại không được coi là tế bào của Giáo hội, mỗi công dân không được coi là tế bào của xã hội, chỉ có GIA ĐÌNH mới được coi là tế bào của Giáo hội, của xã hội. Rõ ràng cả Giáo hội và xã hội đều nhận ra sự thật và tầm quan trọng sống còn của GIA ĐÌNH trong “cơ thể sống” của Giáo hội và xã hội. Nếu các gia đình yếu về một phương diện nào đó (kinh tế, sức khoẻ thể lý, tâm lý, tình yêu…) thì cơ thể Giáo hội, xã hội sẽ yếu theo. Nếu các gia đình yếu bệnh về mọi phương diện thì chắc chắn Giáo hội và xã hội không có tương lai, và đi đến diệt vong.

Vì vậy cần xác tín vai trò, sự sống của gia đình mang tính quyết định sống còn của Giáo hội và xã hội.  Trong kế hoạch của Thiên Chúa, gia đình có tầm quan trọng và vị trí trung tâm đối với con người và xã hội. Vì thế, Giáo Hội coi gia đình như là xã hội tự nhiên đầu tiên và đặt gia đình làm trung tâm đời sống xã hội (Sách Tóm lược HTXHCG, 211).

2. Sức khoẻ của đời sống gia đình hiện nay

a. Khủng hoảng đời sống gia đình trên thế giới

- Ngày nay tỉ lệ gia đình có hôn nhân hợp pháp không còn như xưa, nghĩa là rất nhiều đôi nam nữ sống chung không có hôn nhân tự nhiên, không đăng ký hôn nhân, không có ràng buộc bền vững dù vẫn sinh con cái.

- Rất nhiều gia đình có hôn nhân hợp pháp nhưng lại ly tán do ly thân, ly dị.

- Có những gia đình do chủ quan hay do hoàn cảnh phải sống trong tình trạng bất hợp pháp theo phép đạo hay theo hôn nhân tự nhiên (một vợ, một chồng) …

Tóm lại cấu trúc gia đình truyền thống tự nhiên và công giáo đang khủng hoảng trên toàn thế giới.

b. Đời sống gia đình chịu ảnh hưởng nền văn hoá truyền thống

    Ưu khuyết của văn hoá gia đình truyền thống Việt Nam:

- Kính trọng ông bà, cha mẹ, cô bác, chú thím, anh chị - nhưng thiếu sự gần gũi, cởi mở, đối thoại. Từ đó dễ khép kín, khó có bầu khí hồn nhiên, vui vẻ, chân tình. Trong văn hoá truyền thống Việt Nam ít được nghe những lời yêu thương, trìu mến; ít được nhận những cử chỉ ôm ấp yêu thương.

- Ông bà, cha mẹ … luôn cẩn thận gìn giữ gia phong, gìn giữ uy tín vai bậc của mình. Đây là điều tốt nhưng nếu không khéo sẽ đi đến cực đoan, không lắng nghe con cái. Ông bà, cha mẹ thường khôn ngoan hơn và thường đúng nhưng không phải luôn luôn đúng. Người xưa cũng đã cảnh tỉnh thái độ : “cả vú lấp miệng em”, nghĩa là dùng quyền làm cha mẹ để xác định chân lý, hoặc dùng vị thế gia phong dòng tộc để xác định chân lý trong tương quan với xóm làng, khu phố…

- Con cái vâng phục tuyệt đối cha mẹ nhất là khi còn nhỏ. Điều này cực tốt, nhưng do thiếu đối thoại nên từ từ sống thái độ “kính nhi viễn chi” với ông bà cha mẹ (rất đáng tiếc).

- Tương quan láng giềng, dòng tộc giữa các gia đình thể hiện qua ma chay, cưới hỏi nặng về hình thức bên ngoài và cũng vì thế hay chê trách nhau và cũng luôn lo lắng bị chê trách. Trong khi các dịp này đúng ra là thể hiện lòng thương mến, chia vui, sẻ buồn, nâng đỡ, đồng hành với nhau để xây dựng hạnh phúc. Hiệu ứng của thái độ này là khó xây dựng sự hiệp nhất, đoàn kết.

- Còn nhiều nét văn hoá truyền thống cần chia sẻ, nhưng điều cần phải nói hơn là văn hoá trọng nam khinh nữ. Chính khuynh hướng này làm cho tế bào gia đình đã bị méo mó từ trong cách nghĩ, cách nhìn, cách sống của mọi thành viên trong gia đình, trong Giáo hội và xã hội. Ví dụ : nhiều người không thể trở thành kitô hữu chỉ vì là con trai cả, là cháu đích tôn; nhiều hành vi ứng xử đầy yêu thương với vợ con thì được gọi là “sợ vợ”, nhiều phụ nữ dị ứng với nét văn hoá này thì lại phản ứng cực đoan với chồng con…

c. Ảnh hưởng của văn hoá hiện đại - tục hoá và tương đối hoá.

Môi sinh văn hoá hiện đại có nhiều ưu điểm (cởi mở, thẳng thắn, thích nghi, trao đổi, tự lập …) nhưng cũng mang theo hai dòng chảy ô nhiễm rất mạnh là tục hoá và tương đối hoá.

- Tục hoá : Tục hoá hay nhìn mặt khác là giải thiêng tất cả những gì là thiêng thánh. Tục hoá có nét tích cực là giải quyết những thái độ mê tín dị đoan, nhưng có nguy cơ là vật chất hoá mọi thực thại tâm linh, tôn giáo, niềm tin. Dòng chảy tục hoá sẽ đưa con người vào trong một môi sinh chỉ còn vật chất, lợi nhuận, khoái cảm, dục vọng trần thế. Đời sống tâm linh bị bóp nghẹt và từ từ không còn tồn tại nơi con người, và dĩ nhiên trong gia đình. Khi không còn đời sống tâm linh, thiêng thánh thì con người sẽ trở nên trần tục. Thái độ tục hoá này đã đang thao túng ngay trong các cử hành cầu nguyện, phụng vụ của của các thành viên trong Giáo hội. Từ đó bỏ giờ kinh gia đình; y phục, thái độ tham dự giờ cầu nguyện hay thánh lễ giống như đi chợ, hoặc như đi dạ hội;  tìm dự thánh lễ nơi nhà thờ cử hành vui, nhanh; khuynh hướng tìm nơi lễ tôn giáo đậm mầu lễ hội … chứ không ưu tư tìm chiều kích tâm linh,  thiêng thánh, mầu nhiệm, ân sủng ….

- Tương đối hoá : là chủ trương không có gì là tuyệt đối, không có chân lý tuyệt đối áp dụng cho mọi thời và mọi nơi. Từ chủ trương này các giá trị phổ quát của luật tự nhiên về con người (sự sống, nhân vị, nhân quyền, tự do, công ích …) sẽ bị giải thích theo nhu cầu của từng giới, từng nhóm lợi ích … và từng người. Chủ trương tương đối hoá sẽ  giết chết các chân lý trong đạo, các chuẩn mực trong tương quan giữa người với người, sẽ tương đối hoá các giá trị luân lý (xưa khác nay khác, anh quan niệm trung tín, đoan trang, lễ phép, công bằng … là như thế, tôi quan niệm trung tín, đoan trang, lễ phép, công bằng… là thế này – là kiểu của tôi!). Dòng chảy tương đối hoá đang xói mòn đạo đức gia phong, đạo đức xã hội của nhiều thành viên trong các gia đình.

3. Gia đình hôm nay, truyền thống hay hiện đại ?

Truyền thống cực đoan cũng chết và hiện đại cực đoan cũng chết. Vì truyền thống cực đoan khó có chân lý toàn vẹn (chân lý từ trên, chân lý quy chủ) và hiện đại cực đoan cũng thế vì thế hệ sau không chấp nhận những giá trị truyền thống. Truyền thống cực đoan sẽ không thể thích nghi với những đòi hỏi của thời đại; hiện đại cực đoan sẽ đánh mất những chân lý, những giá trị mà đúng ra mỗi gia đình (bao gồm mỗi thành viên) phải giữ bằng bất cứ giá nào.

Sống sao cho gia đình là một tế bào tốt, lành mạnh, đầy sức sống nhân linh, thần linh trong cơ thể Giáo hội và xã hội là một thao thức cấp thiết hôm nay.

II. XÂY DỰNG GIA ĐÌNH – MỘT TẾ BÀO LÝ TƯỞNG

    CHO GIÁO HỘI VÀ XÃ HỘI HÔM NAY

Để xây dựng gia đình trở thành một tế bào lý tưởng cần làm gì?

Đón nhận và duy trì những ưu điểm của văn hoá truyền thống : đạo làm chồng, làm vợ, làm cha, làm mẹ, làm con (theo đức tin, đây là ơn gọi của mỗi người trong tương quan gia đình). Đồng thời bổ túc vào các đạo ấy bằng những nét hiện đại của nền văn hoá hôm nay.

Đạo có nghĩa là con đường. Con đường phải dẫn tới một đích điểm, một bến bờ. Nói đến đạo là nói đến một lộ trình nghiêm túc có những nguyên tắc phải theo, có những cấm kỵ phải tránh. Đạo không thể là một con đường thênh thang, càng không phải là một con đường mông lung muốn rẽ đâu thì rẽ, càng không thể dẫn đến vực thẳm tăm tối, thù hận, chia ly, chết chóc …

1. Đón nhận, duy trì và bổ túc đạo làm chồng

a. Đón nhận đạo làm chồng truyền thống

- Đạo làm chồng phải dẫn tới người vợ. Đạo làm chồng phải dẫn đến mục đích là làm cho người vợ được hạnh phúc trong tình yêu hôn nhân, được triển nở trọn vẹn mọi phẩm tính mà Đấng Tạo Hoá, mà Thiên Chúa đặt để nơi người nữ. Làm chồng mà gây đau đớn cho vợ về cả thân xác lẫn tinh thần, làm tiêu vong mọi phẩm giá của người nữ, mọi đặc quyền của người nữ thì đó là chưa ý thức và chưa đúng sống giá trị, chưa sống đúng đạo lý của văn hoá truyền thống của người làm chồng.

- Đạo làm chồng bao gồm lộ trình bảo vệ người vợ, chăm sóc vợ (người ta thường chỉ nghĩ vợ phải săn sóc chồng thôi!) vì sức khoẻ và tầm vóc thể lý và tinh thần của người nam là để bảo vệ, nâng đỡ người nữ. Thái độ này thường được thực hiện rất đạt trong thời kỳ tiền hôn nhân, nhưng phai nhạt dần trong đời sống hôn nhân.

- Lộ trình của đạo làm chồng còn đòi hỏi người chồng sống lấy đạo đức của tình yêu: gương mẫu trong ứng xử, trong tiệc tùng, trong giao tế, nghiêm túc trong các nghi thức gia phong, trong dưỡng dục con cái, trong đời sống đức tin. Tất cả những cung cách này vừa đối nội vừa đối ngoại sẽ làm nên một người chồng uy tín, đáng yêu, đáng kính. Như thế đạo làm chồng buộc người chồng phải coi (hạnh phúc) gia đình, vợ con trọng hơn (niềm vui của) bạn bè.

b. Bổ túc đạo làm chồng

Con đường hay đạo làm chồng truyền thống thường rất lý tưởng trong tâm hồn, nhưng ít khi được biểu lộ trong lời nói, trong thái độ gần gũi. Do vậy cần mặc thêm cung cách của văn hoá hiện đại :

- Gần gũi – bỏ vẻ uy nghiêm trong tương quan vợ chồng.

- Bày tỏ tình yêu ra thái độ, cử chỉ và lời nói tử tế yêu thương.

- Quan tâm đến công việc nội gia (nội trợ), chứ không chỉ tề gia.

- Cư xử sao cho vợ là người “bạn đời” chứ không phải người dưới trướng của mình.

- Bỏ quan niệm việc đàn bà nhưng tất cả là việc nhà, và hãy cùng làm với vợ.

2. Đón nhận và bổ túc đạo làm vợ truyền thống

a. Lấy chồng, người nữ - vợ sẽ thuộc về người nam-chồng

Đích đến của đạo làm vợ là người chồng. Người phụ nữ khi lấy chồng là chấp nhận đời mình thuộc về người chồng với tất cả sự dịu dàng duyên dáng, công – dung – ngôn - hạnh. Điều này rất đúng. Làm vợ, nghĩa là làm vợ của người chồng. Người vợ như thế sẽ giúp người nam trở thành một người đàn ông đúng nghĩa, giúp người nam thể hiện và phối hợp những phẩm chất nam tính của mình với nữ tính của người vợ. Văn hoá truyền thống đòi hỏi người vợ những phẩm chất và sự hy sinh rất cao để quán xuyến tất cả mọi công việc trong nhà, điều lạ là ngay cả những việc phải “năn nỉ” ngoài xã hội nữa. (…). Con đường Làm vợ theo truyền thống là phải biết “khéo chiều chồng”; “không biết chiều chồng” là thái độ khó chấp nhận. 

b. Làm vợ - nàng dâu của cả nhà chồng

Làm vợ lý tưởng là phải làm đẹp lòng cả nhà chồng. Đây là văn hoá truyền thống một mặt giúp cho người phụ nữ-người vợ ý thức trách nhiệm cao cả đối với hạnh phúc và bầu khí bình an cho chồng, cho gia đình chồng và cho chính mình, nhưng mặt khác cũng là gánh nặng rất lớn văn hoá truyền thống đặt trên vai người phụ nữ. “Rể là khách (trân trọng) dâu là con (bị đòi hỏi)” là câu nói thể hiện rất rõ đòi hỏi hy sinh của đạo làm vợ theo truyền thống.

c. Bổ túc đạo làm vợ truyền thống bằng văn hoá hiện đại

Chẳng phải tự nhiên mà khắp nơi trên thế giới người ta tranh đấu đòi cho được nữ quyền, thực ra đó là quyền làm người bình đẳng. Lý do vì văn hoá truyền thống khắp nơi đều dành nhiều đặc quyền, đặc lợi cho người nam. Văn hoá truyền thống ăn rất sâu vào suy nghĩ của mọi người là vợ phải săn sóc, lo lắng cho chồng, nay nên nghĩ thêm là chồng cũng phải săn sóc, lo lắng cho vợ. Văn hoá hiện đại khuyến khích nội dung của chữ “bạn trăm năm, bạn đời” nghĩa là vợ chồng cùng yêu thương, săn sóc, phục vụ nhau. Thực ra hạnh phúc sâu xa của hôn nhân là là yêu và được yêu chứ không phải là thống trị được nhau. Người vợ cần đảm đang (văn hoá truyền thống) nhưng cũng khéo léo để chồng hỗ trợ mình trong các việc nội trợ, tuy nhiên phải tránh thái độ làm mất mặt chồng trước mặt con cái bạn bè. Ngoài sự đảm đang truyền thống, người vợ cần trang bị thêm kiến thức về nữ công gia chánh hiện đại, về sức khoẻ và “thẩm mỹ” bản thân để hôn nhân hạnh phúc hơn.  

3. Đón nhận – duy trì và bổ túc đạo làm cha làm mẹ

Hai con đường, đạo làm vợ và đạo làm chồng sẽ dẫn tới đạo làm cha làm mẹ. Vợ chồng không chỉ ăn ở với nhau rồi sinh con, không phải cứ có con thì đương nhiên thành cha thành mẹ xứng đáng. Phải có những tiêu chuẩn xứng hợp để là cha là mẹ. Vì vậy văn hoá truyền thống mới gọi là đạo làm cha, làm mẹ. Những tiêu chuẩn truyền thống của đạo làm cha mẹ là : sống chết vì con, thương yêu con, nuôi dưỡng con, giáo dục con nên người.

Vì những tiêu chuẩn rất chuẩn này văn hoá truyền thồng lại nghiêng về hình ảnh một người cha nghiêm nghị, cứng rắn, che dấu tình cảm trìu mến để răn dạy con cái. Đồng thời lại đưa ra một hình ảnh người mẹ dịu dàng, tình cảm, bao che, gần gũi để dưỡng dục con. Hai hình ảnh cha và mẹ này rất đúng với tự nhiên, rất hay, nhưng không đủ.

a. Thể hiện tình phụ tử và mẫu tử đúng đắn

Văn hoá hiện đại và khoa tâm lý học hiện đại đều cho thấy rằng con cái rất cần những biểu lộ yêu thương trìu mến của người cha và cũng rất cần sự nghiêm nghị của người mẹ trong việc dưỡng cục con cái. Nói như thế không phải là đòi người nam trở thành người nữ, hay người nữ phải trở thành người nam, nhưng là để loại bỏ tính cực đoan của cả cha và mẹ theo phái tính của mình (theo thần học thì nhân tính, phái tính đã sa ngã cần phải thăng tiến). Cụ thể người cha cần phải biết dành thời gian chơi, nói chuyện, đùa vui với con và trong khi chơi với con sẽ giáo dục con những đức tính tự lập, ngay thẳng, yêu thương, công bằng, cương trực … Cũng vậy người mẹ cũng đừng để tình mẫu tử tự nhiên lấn át đi đến quá nuông chiều con trong việc dưỡng dục con cái. Cần học cách dưỡng dục con cái hiện đại để con cái mau trưởng thành, tự lập và tự trọng. Tóm lại cả cha mẹ cần trang bị thêm những kỹ năng vễ dưỡng dục con cái khoa học và tâm lý hơn.

b. Đón nhận và bổ túc đạo làm con

- Khi nói đến đạo Hiếu, thường người ta chỉ nghĩ đến đạo làm con : hiếu thảo với cha mẹ. Nhưng tiếc một điều là con cái thường chỉ để ý sống đạo Hiếu với người đã khuất, với cha mẹ đã ra đi, và thường quên phải sống đạo Hiếu chân thành, đến nơi đến chốn với cha mẹ, ông bà còn sống.

- Các thống kê cho thấy lý do gia đình đau khổ hoặc tan vỡ đến từ người nam chiếm đại đa số. Điều này chứng tỏ phẩm cách người chồng quyết định hạnh phúc gia đình và cũng chứng tỏ phẩm cách ấy cần phải được nâng cấp hơn ngoài những gì văn hoá truyền thống cung cấp. Việc giáo dục con cái, hay trao cho con cái mình đạo làm con cần phải bổ túc các đức tính tự lập, tự trọng và tôn trọng tha nhân trong việc giáo dục con cái, nhất là con trai.

 

III. PHÚC ÂM HOÁ ĐỜI SỐNG GIA ĐÌNH

Để gia đình trở thành một tế bào lý tưởng của xã hội, của Giáo hội là điều không phải dễ. Từ thuở ban đầu Adam và Evà đã phá vỡ tế bào đó do kiêu ngạo cắt đứt tương quan ân sủng với Thiên Chúa. Từ thái độ ngạo mạn này nhân tính đã sa ngã, nghĩa là phái tính nam và phái tính nữ cũng đã sa ngã. Người nam và người nữ không còn hoàn toàn mang lại bình an, hạnh phúc cho nhau, vì tội lỗi đã xâm nhập vào thế gian, đã xâm nhập vào nhân tính, đã xâm nhập vào người nữ và người nam. Con người nói chung, và người nam và người nữ không còn hoàn toàn hướng về nhau để yêu thương và phục vụ nhưng còn là để thể hiện cái tôi, để mưu lợi, mưu danh, tìm lạc thú cho chính mình. Ngay từ buổi đầu, với nguyên tội, hôn nhân tự nhiên, mà Thiên Chúa đã kết hợp người nam và người nữ với nhau nên một (x. St 1, 24-31; 2, 4b-25), đã mất đi nhiều yếu tố để hôn nhân đạt tới toàn phúc.. Thật vậy từ tội lỗi của Nguyên tổ mà cả vũ trụ, đất đai, mưa nắng vừa là điều kiện sống cần thiết nhưng không còn hoàn toàn tốt đẹp và trở nên vật cản làm con người phải đổ mồ hôi sôi nước mắt kiếm ăn, người nam và người nữ không còn hoàn toàn thông cảm đón nhận nhau, và người nữ phải sinh con trong đau đớn.

1. Thiên Chúa cứu độ chúng ta

Thiên Chúa vẫn yêu thương và đi bước trước, Ngài đã chọn một dân làm dân riêng qua việc chọn gọi Abraham. Từ dân này Ngài mạc khải dần kế hoạch cứu độ của Ngài qua các tổ phụ, qua các thủ lãnh, qua các ngôn sứ. Kế hoạch này ngày nay chúng ta gọi là Cụu Ước. Sau cùng Ngài đã ban Con của Ngài, là Ngôi Lời Thiên Chúa, hay còn gọi Ngôi Hai Thiên Chúa nhập thể làm người là Giêsu Nazareth. Chúa Giêsu đã mạc khải và thực hiện tình yêu cứu độ của Thiên Chúa nơi chính bản thân mình, với cao điểm là mâu nhiệm chết trên thập giá và sống lại vinh quang. Vậy Chúa Giêsu Kitô cứu độ ai, cứu độ cái gì ?

a. Thiên Chúa cứu đời sống hôn nhân và gia đình

Thiên Chúa qua Đức Giêsu Kitô cứu độ toàn nhân loại và vũ trụ, trong đó cứu độ xã hội nguyên thuỷ đầu tiên là hôn nhân và gia đình. Thật vậy, trong mười điều răn cựu ước nói về tương quan giữa con người với nhau thì nhấn mạnh đến tương quan và đạo đức gia đình (đ.răn thứ 4) sau đó mới nói đến đạo đức và giá trị cá nhân; Tân Ước tiếp nối và hoàn tất Cựu Ước được kết lại trong 7 bí tích. Ngoài các bí tích nhằm phục vụ việc thánh hoá, chữa lành cá nhân (dù có mang tính cộng đoàn), có bí tích dành riêng cho hôn nhân và gia đình là bí tích hôn phối.

b. Bí tích là gì ? Bí tích là dấu chỉ bên ngoài do Chúa Giêsu thiết lập để ban ân sủng bên trong. Nói sâu rộng hơn các bí tích là những hành vi được Chúa Giêsu thiết lập và được hoàn tất trên thập giá, để khi Giáo hội cử hành các bí tích này thì chính Giêsu ban ơn sủng bên trong cho chúng ta. Nói cách khác, là Chúa Giêsu vẫn hiện diện và thương yêu chăm sóc, dạy dỗ, chữa lành và thánh hoá chúng ta qua các bí tích; các thừa tác viên của Giáo hội chỉ là những trung gian của Chúa chứ không thể ban ân sủng bên trong được.

Riêng bí tích hôn phối thì người cử hành không phải là giám mục, linh mục, phó tế … mà là chính người nữ và người nam, vì yếu tố thành sự ở đây là lời thề tình yêu và chung thuỷ với tự do của người nữ và người nam ; giám mục, linh mục, phó tế … chỉ là người chứng hôn. Bí tích Hôn phối lý tưởng phải được cử hành trong Thánh lễ, không phải để cho long trọng, để quay phim, chụp hình, để khoe y phục cho đẹp, nhưng là để kết hiệp sâu xa với nguồn ơn thánh hoá (ơn bí tích) bằng sự chết và phục sinh của Đức Kitô được hiện tại hoá trên bàn thờ.

Bí tích hôn phối cử hành như thế là để tình yêu phái tính đã sa ngã nơi Adam và Evà được thanh tẩy, được thánh hoá, được nâng cao như tình yêu của Chúa Kitô dành cho chúng ta. Do vậy việc cử hành bí tích Hôn phối là để lãnh nhận ơn ban bên trong từ máu tử đạo và sự sống phục sinh vinh quang thánh thiện đầy tràn tình yêu của Chúa. (Ước ao mỗi lần kỷ niệm Hôn phối hãy ý thức và sống lấy ân sủng này). Nghĩa là nhờ ơn bí tích người nam và người nữ biết chết đi với Chúa, chết đi cho tội lỗi, cho đam mê, dục vọng bất chính và sống lấy tình yêu hiến dâng phục vụ nhau giữa vợ chồng, con cái.

2. Phúc âm hoá đời sống hôn nhân và gia đình bằng cách nào ?

a. Tin nhận Kinh Thánh và sống theo giáo huấn của Giáo hội

Kinh Thánh cả Cưu Ước và Tân Ước đều xác định nguồn gốc Thần linh của hôn nhân và gia đình (x. St 1,27 ; St 2,18.23-14 ; Mc 10,5-9). Trong thư Ep 5,31-32 thánh Phaolô gọi tình yêu hôn phối nơi người nam và người nữ là “mầu nhiệm cao cả”, đời sống hôn phối này làm cho tình yêu của Chúa Kitô và Hội Thánh hiện diện trong thế giới. Nghĩa là tình yêu hôn phối hay đời sống hôn nhân – gia đình chính là hiệp thông vào hoạt động sáng tạo và cứu độ của Thiên Chúa trong Đức Kitô.

CĐ Vaticano II đã dành cả một chương trong Hiến Chế Mục Vụ Gaudium et Spes để đề cao phẩm giá của hôn nhân và gia đình (Số 47-52). Trong Thông điệp Familiaris Consortio Đức Gioan Phaolô II víết : “ “Nơi” duy nhất làm cho sự trao hiến ấy có thể thực hiện được giữa đôi vợ chồng với trọn cả sự thật của nó chính là hôn nhân, nghĩa là giao ước tình yêu hôn phối, hay nói cách khác, là sư chọn lựa có ý thức và tự do nhờ đó mà người nam và người nữ chấp nhận sống chung và chia sẻ tình yêu như chính Thiên Chúa đã muốn (x. GS 48) … “ (FC 11). ( xem thêm Sách GLHTCG 1660; 1601-1608 vv).

Sống như thế, gia đình trở nên Hội Thánh tại gia, nghĩa là có Chúa Kitô làm trung tâm và tràn đầy Thánh Thần của Ngài.

b. Đón nhận ân sủng  và nỗ lực sống ân sủng

* Bình diện ân sủng:

• Cử hành và sống ân sủng bí tích Hôn phối.  

• Cầu nguyện tại gia để có Chúa ở giữa gia đình, chứ không chỉ có bàn thờ trong nhà là đủ.

• Tham dự cử hành các bí tích nhất là bí tích Thánh Thể, với ý thức và nguyện xin cho tình yêu làm chồng hay làm vợ, tình yêu làm cha làm mẹ của mình được kết hợp, được thánh hoá, được thăng hoa như tình yêu của Đức Kitô. Như thế là khao khát và tin rằng với ân sủng khi bước vào đời sống hôn nhân và gia đình thì mỗi người sẽ sống đời làm người theo phái tính một cách hạnh phúc và phong phú hơn, chứ không phải là “gông đeo vào cổ”, hay như “ván đã đóng đinh” khổ lắm…

• Làm những công việc bác ái để tình yêu thần linh tràn đến mọi người, từ đó môi sinh thế giới sẽ tươi đẹp hơn …

 

* Bình diện tự nhiên (đưa “văn hoá” Phúc Âm vào đời thường)

+ Giữa vợ chồng :

Đón nhận những giá trị văn hoá truyền thống và hiện đại về hôn nhân và gia đình nhờ ánh sáng của Phúc âm. Chính Tin Mừng (Phúc âm) của Chúa soi sáng cho mỗi người biết đón nhận, duy trì, loại bỏ, và phát triển những ưu khuyết của văn hoá truyền thống và và hiện đại.

 • Loại bỏ thái độ “thống lĩnh”, cứng cỏi, cố chấp, bất cần … đối với sự thật, đối với tình yêu, đối với người mình chọn là chồng, là vợ.

• Thể hiện tối đa qua ngôn ngữ, cử chỉ thái độ tình yêu chân thật của mình cho nhau; thậm chí phải biết hy sinh cho nhau. Quan tâm đến nhau về mọi mặt để yêu thương chứ không phải để xét nét.

• Đừng bao giờ cố tình xúc phạm nhau, và cũng đừng có khuynh hướng quá nhạy cảm lời gì, hành vi gì chồing hay vợ làm đều được giải thích là cố tình trêu ngươi, xúc phạm mình. Thái độ này làm đời sống hôn nhân ngạt và sẽ đi đến khép kín, sẽ giết chết tình yêu.

• Đừng kéo bè : bố với mấy con một phe, mẹ với mấy con một nhóm …

• Đừng so sánh chồng hay vợ với chồng hay vợ của người khác về đức hạnh, về tài năng (kinh tế, ngoại giao …), vì điều này huỷ hoại tình yêu hôn nhân và gia đình của mình.

• Đừng coi bạn trọng hơn vợ hay hơn chồng, hay hơn hạnh phúc của gia đình (vì sĩ diện với bạn mà “lên mặt” với nhau, thì thật đáng trách). Bè bạn chỉ có giá trị khi giúp đời sống hôn nhân và gia đình của mình đầm ấm thêm, hạnh phúc thêm, chứ không bao giờ được phép trở nên nhân tố phá hoại hôn nhân và gia đình của nhau.

+ Giữa cha mẹ với con cái (đạo làm cha làm mẹ - trao cho con cái đạo làm con về nhân bản và siêu nhiên)

• Cha mẹ phải luôn ý thức về tình yêu trách nhiệm từ việc sinh con cái, và dưỡng dục con cái nên người, nên con Chúa, có khả năng cống hiến cho Chúa, cho thế giới…

• Mẹ đừng nói xấu chồng với con cái và bố đừng bêu riếu vợ với các con. Hành vi này làm vẩn đục tình cha, tình mẹ nơi con cái. Con cái không mồ côi nhưng đã mất mát rất nhiều.

• Trong sinh hoạt xã hội, tôn giáo, kinh tế... hãy sống sao cho con cái thấy tất cả cuộc sống của cha mẹ là vì các con hôm nay và mai sau.

• Nỗ lực tạo một mái ấm, một môi sinh tình yêu bằng chính lời nói (lịch sự tử tế, cử chỉ yêu thương, hy sinh, phục vụ nhau giữa cha mẹ. Môi trường nào thì tạo ra con người đó.

• Sống tình bạn bè trong sáng, quảng đại, tôn trọng … để dạy con sống tình bạn hữu, cởi mở với mọi người …

• Sống trung thực, tôn trọng công ích, tôn trọng quyền lơi người khác để dạy con cái về công bằng, về bác ái, về tương lai xã hội…

• Đừng cứng cỏi với con cái, cũng đừng quá nuông chiều con cái. Cố gắng khéo léo hướng dẫn con trong mọi bổn phận cá nhân (ăn uống, tắm rửa, giường chiếu, quần áo, phòng ốc, nhà cửa…). Nỗ lực này vừa rất quan trọng cho con cái nên người vừa mang lại cho cha mẹ nhiều thời gian để làm những việc khác … Dạy con cái cả trai cả gái biết giúp đỡ việc nhà.

• Dạy con từ từ biết phân biệt phái tính, biết tôn trọng sự khác biệt phái tính để chuẩn bị con cái làm người trai, người gái, người tình, người chồng-vợ, cha-mẹ trong tương lai. Đây mới là ý thức đúng về nối dõi tông đường về trách nhiệm và ơn gọi cộng tác với Thiên Chúa trong việc sinh ra những con người mới.

• Dạy con cái, chia sẻ với con cái về những đóng góp vào việc thiện, xã hội, tôn giáo …

• Cộng tác với giáo xứ, với Giáo hội trong việc truyền đạt đức tin và đời sống đức tin cho con cái.

• …

 

Kết :

Trong nhãn quan “hội nhập văn hoá” muốn Phúc Âm hoá đời sống hôn nhân và gia đình hãy khởi sự từ Phúc Âm hoá chính mình. Từ đó theo ơn gọi mình đang sống, cùng nhau Phúc Âm hoá đạo làm vợ, làm chồng trong đời sống hôn nhân; Phúc Âm hoá đạo làm cha, làm mẹ hướng đến con cái Chúa ban trong đời sống gia đình; và Phúc Âm hoá đạo làm con hướng về ông bà, cha mẹ (nguồn cội) để từ đó hướng đến bản thân và xây dựng tương lai.

Vậy Phúc Âm hoá là sống chết cho người mình yêu (vợ chồng, cha mẹ, con cái…) theo áng sáng Phúc Âm nhờ ân sủng được thông ban qua các bí tích (đặc biệt bí tích Hôn nhân và bí tích Thánh Thể), được gìn giữ và phát triển nhờ sum họp cầu nguyện, nhờ nỗ lực hiệp nhất yêu thương, để cùng nhau phục vụ sự sống (sự sống nhân linh, môi trường, công ích ..), và như thế là hoà vào việc loan báo Tin Mừng trong công cuộc tái Phúc Âm hoá thế giới hôm nay.

 

                                               Lm Đaminh Nguyễn Mạnh Tuyên

 

 

NĂM 2014 : TÂN PHÚC-ÂM-HOÁ GIA ĐÌNH

Description: tan phuc am hoa gd

Trong gia đình, gia trưởng và hiền mẫu là hai trụ cột chính. Trụ phải vững, nhà mới chắc. Trụ muốn vững, phải thường xuyên xem lại coi có bị hư hao gì không để bù đắp sửa chữa. Danh từ nhà Đạo gọi là xét mình cải tiến. Bài sau đây là bản xét mình dành cho gia trưởnghiền mẫu. 

Chuyện mở đầu : Giết chó khuyên chồng.

Xưa có hai anh em, anh giầu còn em nghèo. Anh không giúp em mà chỉ hay rượu chè cờ bạc, cho bạn bè nịnh hót vay mượn tiền. Người em âm thầm chịu đựng. Vợ thấy thế đã nhiều lần khuyên chồng phải trọng tình ruột thịt, nhưng chồng không nghe.

Một hôm chồng đi vắng, vợ đánh chết một con chó, bó chiếu để ở ngoài góc vườn. Tối chồng về, vợ làm vẻ sợ hãi nói là đã lỡ đánh chết người, không biết chôn táng thế nào cho khỏi lộ.

Thấy tình thế nguy ngập, chồng vội đi tìm những người bạn thiết đã vay mượn nhiều tiền đến giúp, nhưng ai cũng khéo từ chối. Chồng lo sợ, buồn bã trở về. Vợ đề nghị sang nhờ chú em đem đi chôn giùm. Chú em vội đến giúp anh chị, khiêng xác chết đi chôn. Nhân cơ hội, vợ nhắc cho chồng về tình nghĩa anh em. Chồng có vẻ tỉnh ngộ.

Sáng hôm sau, bạn bè chồng kéo đến đầy nhà, đòi ăn hối lộ, dọa nếu không đưa tiền sẽ đi cáo quan. Chồng định đút lót cho yên chuyện, nhưng vợ can ngăn.

Chuyện giết người đã tới tai quan. Quan đòi vợ chồng lên xử. Trước toà, người vợ khai rõ ràng sự việc, có ý giết chó để thử bạn chồng. Nghe chuyện lạ, quan cho người đi đào xác chết lên, quả thực là xác chó.

Mấy người bạn chồng bị phạt đòn khốn khổ vì tội cáo gian, còn người vợ được ban khen vì đã biết cách khuyên chồng trở về nẻo chính.

(Nguyễn Văn Ngọc, “Truyện Cổ Nước Nam”)

Description: cai-tien

Description: 39539

Cải tiến luôn mãi

Đôi hôn nhân có thể đọc hàng ngàn sách vở viết về "nghệ thuật thành công trong hôn nhân" nhưng sẽ không thành công, nếu không hồi tâm ôn lại những điều đã học biết.

Mỗi năm ít là một lần (vào ngày kỷ niệm thành hôn, hay ngày đầu năm phụng vụ…) bạn nên dành thời giờ ôn lại những câu hỏi này để tự thẩm định, hoặc vợ chồng giúp nhau thẩm định.

Không phải tội ác tầy trời mới làm cho đời sống hôn nhân mất hạnh phúc, nhưng chính tại những cử chỉ tồi tàn, những thái độ cẩu thả vô ý, những thái độ lạnh lùng, những chấp nhất lặt vặt, những kèo nhèo tiền bạc, những bất đồng về cách dạy dỗ con cái, cãi vã những chuyện không đâu… làm cho đời sống hôn nhân mất hạnh phúc.

Đôi hôn nhân sẽ cải tiến tính tình và đời sống gia đình nếu biết trả lời đúng đắn những câu hỏi sau đây do cha Edwin C. Haungs, dòng Tên biên soạn.

GIA TRƯỞNG tự hỏi

Text Box:

A. Tôi là người ĐÀN ÔNG nào?

Công việc

1. Tại sở làm, tôi có tránh những lời thô tục, tránh nói xấu người vắng mặt. Tôi có nói những lời hợp công bình bác ái không? Tôi có dám lên tiếng nói về đạo Chúa, bênh vực đạo Chúa, Giáo hội khi có dịp không? Tôi có làm việc tận tụy như một giáo dân tốt không ?

2. Tôi có cư xử đứng đắn với nữ giới cùng sở hay đã có những lời nói, cử chỉ thiếu đứng đắn ?

Thân thể

3. Tôi có tắm rửa, cạo râu, cắt tóc, ăn mặc sạch sẽ không?

4. Tôi có vất quần áo giày vớ bừa bãi trong nhà không?

Trí khôn

5. Tôi có đọc sách báo lành mạnh, sách báo Công giáo, học hỏi thêm để cải tiến trình độ hiểu biết của tôi không ?

Tinh thần

6. Vào những mùa Vọng, mùa Chay, tôi có dọn mình xưng tội không ? Tôi xưng cho qua lần hay thành tâm cải thiện?

7. Tôi có dự lễ đúng giờ vào các ngày Chúa Nhật, lễ trọng không ? Có bao giờ dự Thánh lễ ngày thường không ? Có dự lễ tử tế trọn lễ không, có vào muộn ra sớm?  Có đứng xó xỉnh cho qua lần không ?

8. Tôi có năng rước lễ không?

9. Tôi có chầu Mình Thánh Chúa, viếng đàng Thánh Giá, đi kiệu, hay dự nghi lễ nào khác bao giờ không ?

10. Đi qua nhà thờ, khi có thể, tôi có vào viếng Mình Thánh Chúa bao giờ không ?

11. Tôi có dự khoá hội thảo, tĩnh tâm để cải tiến đời sống tinh thần không ?

12. Tôi có siêng năng cầu nguyện, nhất là buổi sáng và buổi tối không ? Trước bữa ăn và sau bữa ăn có cầu nguyện và cám ơn Chúa không ?

13. Tôi có để tội trọng trong linh hồn hàng tuần, hàng tháng không ?

Text Box:  B. Tôi là người CHỒNG nào?

1. Tôi có sửa chữa, trang trí, làm cho căn nhà tôi trở thành mái ấm gia đình ? Hay tôi thích đi chơi ở ngoài với bạn bè ?

2. Tôi có khó chịu khi vợ tôi dọn cơm trễ ? Tôi có biết thông cảm, cám ơn người vợ vất vả dọn bữa, đổi món ăn cho tôi ?

3. Tôi còn yêu vợ như hồi mới cưới không ? (qua lời nói, cử chỉ...)

4. Tôi còn nhớ ngày kỷ niệm thành hôn, ngày sinh của nàng, mua món quà nhỏ tặng cho nàng để chứng tỏ tình yêu nàng không?

5. Tôi có bao giờ bàn với nàng về việc mua bán đồ vật cho mình, cho gia đình không?

6. Tôi có bắt nàng phải hỏi tôi trước khi mua sắm đồ vật cho cá nhân nàng không? Tôi có cám ơn nàng đã làm những gì cho tôi, cho gia đình không, ví dụ, sinh con, dọn dẹp nhà cửa, trông coi con, mua bán, nấu ăn, giặt giũ ?

7. Tôi có nhận ra bộ quần áo mới nàng mặc, để có lời khen ngợi không ?

8. Tôi có cằn nhằn nàng về tiền bạc chi tiêu không ?

9. Tôi có khen nàng, có xin lỗi nàng bao giờ không ?

10. Tôi có giữ bí mật với nàng những việc lẽ ra là vợ, nàng phải biết không ?

11. Tôi có liệu cho nàng có đủ tiền chi tiêu về thực phẩm, áo quần, chăm sóc con cái không ?

12. Tôi có liệu cho gia đình có bảo hiểm sức khoẻ, bảo hiểm nhà cửa không ?

13. Tôi có tìm cách cho nàng giải trí, nghỉ ngơi ở nơi nào đó ngoài căn nhà quen thuộc không ?

14. Tôi có nói với nàng cách yêu thương và kính trọng không?

15. Tôi có chê bai, làm mất mặt nàng trước mặt người khác không?

16. Tôi có biết chia sẻ những công việc trong nhà, nhất là những việc của mình như tự treo quần áo v.v… không?

17. Khi có chuyện bất đồng, tôi có bàn giải lịch sự, tử tế với nàng không, hay tôi gắt gỏng, giận dữ khi nàng có ý kiến khác với ý kiến tôi?

18. Trong việc "chăn gối" có để ý tới làm vui lòng nàng hay chỉ nghĩ đến thoả mãn mình thôi?

19. Tôi có cư xử tử tế với họ hàng và bạn bè của nàng không?

20. Tôi có giúp nàng sống đạo tử tế, hay tôi ngăn cản, kêu ca không cho nàng đi nhà thờ, đọc kinh nhiều, tham gia hội đoàn ?

 

Text Box:  C. Tôi là người CHA nào ?

1. Tôi có ý thức về sự cao cả và trách nhiệm của người cha trong gia đình, có vui vẻ chấp nhận những tốn kém chi phí, không được tự do khi có con cái không ? 

2. Có ý thức vai trò người cha phải cung cấp nhu cầu cho gia đình, tạo cho gia đình được hạnh phúc, đứng đầu chịu trách nhiệm. . . không ?

3. Có gắng cải tiến (đọc sách báo, học hỏi, vợ chồng bàn nhau) để trở thành một người cha tốt không?

4. Có nói ngược lại lời vợ trước mặt con cái, làm giảm thế giá nàng không?

5. Có cho con cái theo học lớp giáo lý không ? Có dạy con về đạo trong những năm đầu đời của con không?

6. Có cho con cái dự những cuộc giải trí  lành mạnh không?

7. Có biết quan niệm của con cái về cuộc đời thế nào không?

8. Có khuyến khích con cái hỏi và trả lời cho con đàng hoàng ?

9. Có dạy con cái để chuẩn bị cho tuổi dậy thì của con cái không?

10. Khi thấy con muốn theo ơn kêu gọi tu trì, có khuyến khích, hay đã ngăn trở ơn gọi của con cái ?

11. Có chuyện trò vui vẻ với vợ con trong và sau bữa ăn không ?

12. Có biết con tôi chơi với bạn nào không ? Con cái đọc sách báo gì, hay đi chơi ở đâu không ?  Về nhà lúc mấy giờ đêm?

13. Có khuyến khích con cái thăm viếng các gia đình để làm quen với những người Công giáo tốt không? Thăm viếng bệnh viện, nhà dưỡng lão ?

14. Có khuyến khích con cái làm bài nhà trường đã chỉ định không ? Có giúp con làm bài ở nhà không?

15. Có ký lấy lệ vào sổ điểm của con cái hay xem xét theo dõi kỹ lưỡng ? Có khuyến khích con cái cố gắng và khen thưởng khi con cái đã cố gắng không?

16. Có cộng tác với nhà trường nơi con cái đang học không? Có biết tên thầy cô đang dạy con cái không?

17. Có khuyến khích con cái năng xưng tội, rước lễ không ? Có làm gương sáng cho con cái về việc năng xưng tội, rước lễ không?

18. Con cái có bao giờ thấy tôi say sưa rượu chè, xì ke, ăn nói thô tục không ?

19. Có chỉ trích, bình phẩm các Đấng bậc trong Giáo hội trước mặt concái không ? Có hợp tác với các ngài không?

20. Có chia sẻ trách nhiệm nuôi dưỡng con cái, hay bỏ mặc cho vợ ?

HIỀN MẪU tự hỏi

 

Text Box:  A. Tôi là người NỮ nào ?

Thân thể

1. Tôi có năng tắm rửa, điểm trang, giữ vẻ duyên dáng...như khi chưa lấy chồng không ?

2. Có vui tươi, dễ thương ?

3. Có ăn mặc sạch sẽ, thơm tho, nhã nhặn, kín đáo tuỳ theo tuổi tác không ?

Trí khôn

4. Tôi có gắng học hỏi, cải tiến trí óc (qua sách báo, nhất là sách báo Công giáo, dự hội thảo..) không?

Tinh thần 

5. Tôi có năng xưng tội, rước lễ không? 

6. Có đi dự lễ đúng giờ các Chúa Nhật, Lễ Trọng không ? Hay tôi đến muộn về sớm? 

7. Có bao giờ đi lễ ngày thường không? Có lần hạt Mân Côi tôn kính Ðức Mẹ mỗi ngày không ? 

8. Có cầu nguyện, nhất là ban sáng và ban tối không ?

9. Có tránh những lời thô tục, chửi rủa, nói phạm, nói xấu ai không? 

10. Có ở độc ác với ai không ? Nghĩ xấu, vu oan, làm ác ?

11. Có tỏ ra bác ái, quảng đại với gia đình, với họ hàng, bạn bè, láng giềng, cả kẻ thù nghịch không ? 

12. Trong ý tưởng, lời nói, việc làm, có nhìn ngắm Ðức Mẹ là gương mẫu không? 

13. Có giữ cẩn mật những điều phải giữ kín, những điều người ta căn dặn không ? 

14. Có dễ nổi khùng, bất nhẫn không ? 

15. Có sống ích kỷ, hay rộng rãi, quảng đại với người nghèo, với cộng đoàn, với giáo xứ, với Giáo hội, với công việc truyền giáo, từ thiện không ? 

Text Box:  B. Tôi là người VỢ nào ? 

1. Tôi còn cảm thấy yêu chồng, kính trọng chồng không ?

2. Có gắng làm những cái nho nhỏ cho chồng để duy trì tình nghĩa vợ chồng không ? 

3. Có khuyến khích và kiên tâm giúp chồng nên tốt không ? 

4. Có biết bỏ qua lỗi lầm của chồng không ? Có đem lỗi lầm của chồng ra nói với bạn bè không ? 

5. Có tỏ ra ghen chồng cách vô lý không ? 

6. Có làm nhục chồng trước mặt người khác không ? 

7. Có giữ lòng thù hận với chồng và không thèm nói chuyện không ? 

8. Có giữ chặt túi tiền không cho chồng tiêu gì không?  Có tránh những món chi tiêu không cần không ? Có giữ sổ chi tiêu hay hoá đơn rõ ràng không ? 

9. Có tỏ ra lịch thiệp với họ hàng bạn bè của chồng không? 

10. Có giúp chồng trong công việc của chồng không ? 

11. Có từ chối "việc chăn gối" khi không có lý do chính đáng không ? Có làm việc yêu thương này chỉ vì miễn cưỡng không ? Có được thoải mái khi chia sẻ sự thân mật vợ chồng với chồng không ? Nếu không, tôi có cho chồng biết không ? 

12. Khi đôi bên có điều khác ý, có bình tĩnh phân giải với chồng ?  

13. Khi gặp vấn đề luân lý tội phúc, có biết đi bàn hỏi với linh mục khôn ngoan thành thạo không? 

Bàn ăn 

14. Nhà bếp, bàn ăn nhà tôi có sạch sẽ, bữa ăn có dọn đúng giờ cho chồng không ? 

15. Tôi có tìm hiểu cách nấu nướng, thay đổi món ăn cho chồng không, hay nấu hoài một vài món trong nhiều ngày ?

16. Trước bữa ăn, gia đình tôi có cầu nguyện và sau khi ăn có cám ơn Chúa không ? 

17. Có chịu khó lau chùi dọn dẹp nhà cửa, đồ đạc sắp đặt ngăn nắp hay để dơ bẩn, ngổn ngang bừa bãi, chuột chui dán rúc? 

Text Box:  18. Có đọc sách báo, học hỏi để biết cách làm đẹp nhà cửa, phòng ngủ, phòng khách bằng mầu sắc của màn gió, khăn trải giường, hoa cảnh, tranh ảnh trên tường không ? Có ảnh, tượng Chúa, Đức Mẹ, thánh Bổn mạng, Thánh Giá, nước phép, tràng hạt... không?

C. Tôi là người MẸ nào ? 

1. Tôi có hiểu biết chức vụ làm mẹ cao cả, và vui vẻ đón nhận không?

2. Công việc làm ngoài nhà để sinh sống, để tham gia đoàn hội, có ngăn trở tôi trông coi săn sóc con cái không ? 

3. Gia đình tôi có được ăn uống vui vẻ,ngon lành không ? 

4. Có gắng cải tiến bản thân bằng đọc sách báo, dự khoá hội thảo, bàn bạc với chồng những vấn đề của con cái không? 

5. Có "nhất tâm thuận ý" với chồng trong việc dạy dỗ con cái không ? 

6. Có dạy con cái bằng gương tốt, bằng những nhắc nhở lịch sự không?  

7. Có để ý dạy con về đạo Chúa ngay khi con còn nhỏ không? Con cái được theo học trường Công giáo, hoặc theo lớp giáo lý Công giáo không ? 

8. Có nói gì phản đối các cha, các sơ, thầy cô trước mặt con cái không ?

9. Có dạy con cái cách bảo vệ đức trong sạch Công giáo, nhất là con cái khi tới tuổi "lớn đủ" không? 

10. Có biết con chơi với bạn bè nào, đọc sách báo nào, thích coi phim gì, thích đi nơi nào giải trí chỗ nào không ? 

11. Có dễ dãi cho con cái hỏi những vấn đề của con cái không? Có trả lời con cái cách bình tĩnh, nhã nhặn hay gắt gỏng, đe dọa ? 

12. Có giúp con cái làm bài ở nhà không ? Có khuyến khích và khen thưởng khi con cái có kết quả tốt ở trường không ? Có cộng tác với nhà trường trong việc giáo dục con cái không ? Có biết các thầy cô giáo của con không? 

13. Có thấy con cái năng xưng tội, rước lễ không ? Có năng xưng tội rước lễ để làm gương sáng cho con không ?

14. Con cái có thể thấy hình ảnh nhân đức của Ðức Mẹ qua lời nói, việc làm, sự tuân phục Thánh ý Chúa trong mọi biến cố mẹ nó gặp không ? 

15. Có nói tục tĩu, nói xấu, nói hành người ta, làm gương xấu cho con cái không ? Có ăn mặc thiếu nết na trước mặt con không? 

16. Có nuông chiều con cách thiếu khôn ngoan, làm chúng hư thân mất nết, và làm cho cuộc sống mới lớn của con cái khó khăn thêm không? 

17. Khi con cái được Chúa gọi đi tu, tôi có khuyến khích hay ngăn cản ? 

18. Có tập cho con những việc nhà như nấu ăn, giặt giũ, khâu vá, cách tiêu xài tiền nong, và những gì giúp cho tương lai con cái không?

An Phong lấy lại và biên tập

dựa trên bản dịch của Lm Đoàn Quang Báu CMC

 

Description: gia-dinh-voi-Chua

 

 

GIÁO DỤC GIA ĐÌNH

 

         Mọi người đều có một mái ấm gia đình, nơi mọi người cùng chung sống trong tình yêu thương đùm bọc. Gia đình là  một cộng đoàn nhỏ gọn trong đó có cha mẹ và con cái cùng nhau xây dựng một gia đình hạnh phúc. Vì thế, người ta mới nói :”Con có cha có mẹ, không ai ở nỗ lẻ chui lên”.

         Tục ngữ Pháp có câu :”Gia đình là nền tảng của xã hội”. Thiếu nền tảng vững chắc thì ngôi nhà sẽ đổ và nếu thiếu gia đình là nền tảng thì xã hội không thể đứng vững được.

         Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II, trong tông huấn Familiaris consosrtio, cũng xác định :”Gia đình là trường học đầu tiên dạy các đức tính xã hội mà không một đoàn thể nào khác có thể vượt qua” (Fc số 3). Và do đó, cha mẹ cũng đồng thời là thầy cô của đứa bé, dạy cho chúng những bài học vỡ lòng.

         1. Giáo dục nói chung

         Giáo dục con cái  “hướng dẫn” và “giúp đỡ” chúng phát triển toàn diện con người.  Giúp đỡ không có nghĩa là “làm thay” nhưng chỉ là “hướng dẫn”.

         Giáo dục con người là dạy dỗ con người về đức dục, trí dục và thể dục để trở nên con người toàn diện  Đa số cha mẹ thời nay cũng xác tín rằng : đứa trẻ sau này có nên người hay không, phần lớn do ảnh hưởng gia đình.

         Cha mẹ phải giúp cho con cái NÊN NGƯỜI.  Từ ngữ “nên người” đây là trở nên con người toàn diện xứng đáng với “linh ư vạn vật”, con người xứng danh là con người, chứ không phải là loại “nửa người, nửa ngợm nửa đười ươi”.

         Truyện :  Học làm người

         Một gã con đồ đến chất vấn một nhà tu hành :

         - Tôi xin ông giải thích điều này : tại sao trong cuộc sống, không ai dạy thú vật làm thú vật, chẳng hạn như chẳng ai dạy chó làm chó, ngựa làm ngựa, heo làm heo… mà ông lại cực nhọc đứng ra để dạy người ta làm người ?  Tại sao thú vật không ai dạy mà chúng biết làm thú vật, còn người tại sao nếu không dạy thì không biết làm người ?

          Nhà tu hành trả lời :

         - Con người có hai phần hợp lại : một là thú vật, hai là thiên thần. Nếu không ai nhắc nhở thì nhiều kẻ quên bản tính của mình, có kẻ thích làm thú vật, mà cũng có người ưa thích làm thánh.

         Do đó, triết gia Blaise Pascal mới nói :”Con người không phải là một vị thiên thần, cũng không phải là một con vật, kẻ nào muốn là thiên thần, lại làm con vật” (L’homme n’est ni ange, ni bête, et qui veut faire l’ange fait la bête).

         Vì thế Đức Khổng Tử cũng phải nhắc nhở :”Vi nhân nan” : làm người khó lắm.

         Mục tiêu của giáo dục là cha mẹ giúp con cái nên người và nên thánh. Phải vạch cho chúng biết con đường để phát triển đời mình.

         Con cái phải được giáo dục, nếu không nó sẽ trở nên con vật.  Kinh nghiệm cho thấy : Những đứa bé được con vật nuôi (như khi một con khỉ bắt cóc một đứa bé về rừng nuôi) thì nó sống theo thể cách một con vật, nói đúng ra theo thể cách một con khỉ.

         Đứa bé được coi như một thửa đất tốt cần phải có ”nước, phân, cần, giống” như lời thánh Gioan Kim Khẩu nói :”Đất dầu tốt, nhưng nếu không được vun xới và gieo giống lành thì nó vẫn khô khan. Lòng trí con trẻ tuy là đất tốt, nhưng nó sẽ không khai nở nhân đức nếu nó không được vun xới và được các điều tốt gieo vào.

         2. Thành phần giáo dục

         * Sự phối hợp giữa cha mẹ

         Công việc giáo dục cần có sự “phối hợp” chặt chẽ giữa cha và mẹ.  Vốn dĩ người đàn ông có bản chất cứng rắn, rõ ràng, minh bạch và kiên quyết khiến con cái phải nể phục, kiêng dè; trong khi người vợ, người mẹ lại có sự mềm dẻo, tình cảm và yêu thương khiến con cái dễ chiều theo vì quí mến.

         Công đống Vatican II cũng dạy :”Việc giáo dục con cái được coi là một vinh dự của cha mẹ công giáo, vì khi thi hành bổn phận giáo dục, họ biết cộng tác với Thiên Chúa và trở thành những người diễn đạt tình yêu của Người” (MV số 50).

         Hơn nữa, Chúa Kitô là tư tế, tiên tri và vương đế, nên người Kitô hữu cũng được tham gia vào ba chức năng ấy. Khi dạy dỗ con cái là họ đang trực tiếp thi hành sứ mạng tiên tri.

         * Vai trò người mẹ

         Như chúng ta đã nói việc giáo dục cần có sự phối hợp của cha mẹ, nhưng vai trò quan trọng nhất vẫn là người mẹ, vì từ khi sinh ra, đứa con luôn ở với mẹ, được bồng ẵm trên tay từ khi lọt lòng :”Chín tháng cưu mang, ba năm bú mớm”.

         Các nhà giáo dục đều khẳng định vai trò hàng đầu của người mẹ trong vấn đề giáo dục :

         - “Đàn bà là nhà giáo dục đầu tiên” (E. Deschanel).

         - “Thiên nhiên muốn nói rằng giáo dục sơ khởi về tinh thần  và đạo đức là công việc của người đàn bà” (J. Simon).

         * Vai trò người cha

Người cha không trực tiếp giáo dục con cái bằng người mẹ nhưng lại là người hỗ trợ đắc lực và bổ túc cho cách giáo dục còn thiếu sót của người mẹ :”Một nền giáo dục tốt là gia tài giầu sang nhất  mà người cha có thể trối lại cho con cái mình” (Algarotti).

         Gia đình là trường học đầu tiên của đứa bé, đã là nhà trường thì phải giáo dục, mà nếu không giáo dục thì nó là cái gỉ ?  Cũng thế, cha mẹ không dạy dỗ con cái thì gia đình trở nên cái gì ? Phải chăng nó trở thành nơi làm dịch vụ ăn uống :

                  Nuôi con chẳng dạy chẳng răn

                  Thà rằng nuôi lợn cho ăn lấy lòng.

         Truyện : Thiếu giáo dục

         Một bà mẹ dẫn con đến bác sĩ và hỏi :

         - Thưa bác sĩ, tôi đọc sách thấy nói : đứa trẻ thích ăn gì là do cơ thể thiếu chất đó.  Cháu trai 10 tuổi nhà tôi hút thuốc lá, vậy cháu thiếu cái gì ạ ?

         Bác sĩ trả lời :

         - Thưa bà, cháu thiếu giáo dục.

         3. Thời gian giáo dục

         * Từ lúc con nhỏ

         Sinh con cái đã là một chuyện, còn giáo dục con cái thì phải bắt đầu từ lúc nào là thuận lợi và hữu hiệu nhất ? Các nhà giáo dục đều khẳng định : từ lúc còn nhỏ.

         Đây không hẳn chỉ là lời khẳng định của các nhà giáo dục mà là kinh nghiệm ngàn đời của con người như ca dao đã ghi lại :

                  Uốn cây từ thuở còn non

                  Dạy con từ thuở con còn trong nôi.

 

         Truyện : Dạy con khi nào ?

         Một bà mẹ hỏi một nhà giáo dục kia :

         - Khi nào tôi phải giáo dục con tôi ?

         - Cháu năm nay mấy tuổi rồi ?

         - Thưa, 4 tuổi rồi.

         - Nếu chưa bắt đầu thì bà đã mất 4 năm rồi. Sự giáo dục khởi đầu với nụ cười đầu tiên nở ra trên khuôn mặt nhỏ nắn của đứa trẻ.

         Vì sao lại phải giáo dục con cái sớm như vậy ?  Vì theo ông Robert Howard thì :”Trẻ con mới sinh ra thông minh hơn là chúng ta tưởng.  Chúng có thể nhận biết, ghi nhớ và cảm giác được môi trường chung quanh.  Ngay cả trước khi chào đời, thai nhi có thể nhận biết tiếng nói của người mẹ” (Theo Kiến thức ngày nay, số 83, 1992, tr 49).

         * Thai giáo.

         Thai giáo là giáo dục con từ lúc còn là bào thai.  Nghe ra khó chấp nhận,  nhưng chính khoa học đã xác định con cái có ảnh hưởng  bởi máu huyết, bởi di truyền và tâm lý của cha mẹ, hay theo tiếng chuyên môn gọi là “gen” cũng vậy.

 

         Chúng ta nghe nói :”Con nhà tông không giống lông cũng giống cánh”. Đó là điều thực tế để chúng ta ý thức rằng có thể và cần dạy con từ trong trứng nước là đúng.  Thực tế cũng chứng minh rằng khi người mẹ mang thai mà lo nghĩ quá, hoặc yếu đuối thể xác, tinh thần , hay mang bệnh hoạn thì đứa con sinh ra  cũng bị ảnh hưởng…(x. Cẩm nang hạnh phúc gia đình, tr 276t).

         Truyện : Dạy con từ lúc nào

         Có người hỏi hoàng đế Napoléon :

         - Tâu hoàng thượng, giáo dục đứa con vào lúc nào thuận tiện nhất ?

         Napoléon trả lời :

         - Phải giáo dục nó 20 năm trước khi ra đời.

         4. Nguyên tắc giáo dục

         Không ai có thể phủ nhận được ảnh hưởng của cha mẹ đối với con cái. Nếu Chúa Giêsu nói :”Cây tốt thì sinh quả tốt, cây xấu thì sinh quả xấu”, thì con cái là kết quả của cha mẹ thì cũng bị ảnh hưởng như vậy cả tinh thần lẫn vật chất.

                  Con thì giống mẹ giống cha

                  Cháu nào mà chẳng giống bà giống ông.

         Nguyên tắc của giáo dục là nêu gương sáng.  Từ ngàn đời dân Việt đã đúc kết kinh nghiệm này trong câu tục ngữ :

                  Lời nói như gió lung lay

                  Gương bày như tay lôi kéo.

          Các nhà giáo dục cũng công nhận kinh nghiệm đang quí này và khẳng định :

         - “Giáo dục sẽ vô hiệu nếu không có gương sáng” (P. Janet).

         - “Giáo dục phần lớn cốt ở hành động, gương mẫu và thực hành, còn học vấn cốt ở bài vở và suy luận” (De Bonald).

         Bình thường, con cái bắt chước theo hướng cha mẹ sống. Hướng ấy các con nhìn thấy trong những phản ứng nhỏ thường ngày của cha mẹ.

         - Những câu ta nói với người khác cho thấy ta tôn trọng hay là coi thường người chung quanh.

         - Những phê phán của ta về người và việc, cho thấy ta sống dựa trên căn bản giá trị nào.

         - Cách ta chọn lựa trong những điều nhỏ cho thấy ta đang làm gì trong cuộc sống : lợi lộc, tiếng khen ? Hay là tình Chúa, tình người ?

         - Cần quan tâm sống tốt trong những điều nhỏ, nơi bản thân cũng như nơi con cái. Đừng khinh thường những việc nhỏ bởi vì “lỗ nhỏ đắm thuyền”.

         5. Giáo dục đức tin

         Với tư cách là gia đình Kitô hữu, ngoài việc giáo dục con cái nên người, cha mẹ còn phải giáo dục để con cái trở nên những Kitô hữu chính danh, cha mẹ phải thi hành chức năng tiên tri ngay tại gia đình.

         Giáo dục đức tin (tôn giáo) đây không phải là dạy giáo lý cho các em còn quá nhỏ không thể tiếp thu được.  Cha mẹ chỉ dạy cho con  bằng cách nói về Chúa.  Dạy cho các em biết lạy Chúa, chào Chúa, làm dấu Thánh giá hay đọc kinh Lạy Cha, Kính Mừng, Sáng danh…

         Nhưng cách dạy tốt nhất là cha mẹ cứ đọc kinh cầu nguyện để chúng bắt chước, nhất là khi hai vợ chồng cầu nguyện có đứa con ở giữa.

         Truyện : Gương bà Vaugham

         Thực là vô cùng cảm động khi thấy đứa trẻ ngây thơ nhưng chăm chú nhìn xem nét mặt dịu dàng của bà mẹ khi cầu nguyện.

         Bà Vaugham là một trong những người mẹ đáng kể làm gương.  Bà đặt tất cả uy tín của bà trong tình yêu thương và lòng đạo đức. Cầu nguyện, bà thường để những đứa nhỏ ngồi bên.  Và các em bé sung sướng học được lòng mến Chúa trên khuôn mặt bà.  Cô Gladys lần kia kêu lên :”Mẹ ơi, sao khi mẹ ở trong nhà thờ, mẹ xinh đẹp thế” ?  Bà mỉm cười :”Con ơi, vì có Chúa Giêsu ở đấy”. Cô bé lui ra, vừa đi vừa nhẩm lời mẹ (Bùi Đức, Vinh quang bà mẹ, 1959, tr 124).

Lm Giuse Đinh lập Liễm

 

 

Description: gia-dinh-hanh-phuc

Bài “Mẹ Pháp ngạc nhiên khi Mẹ Việt bao bọc con” và bài “Ra công viên xem Tây dậy con” dưới đây như một minh hoạ cho việc phối hợp dưỡng dục truyền thống và hiện đại trên bình diện tự nhiên.

 

Mẹ Pháp ngạc nhiên khi Mẹ Việt bao bọc con

Thời gian nghiên cứu quá trình nuôi dạy con ở một số gia đình Việt Nam và sự phát triển của nhiều trẻ em ở Pháp - TS Marie-Eve Hoffet-Gachelin (Chủ tịch hiệp hội Tâm lý Pháp – Việt) vô cùng ngạc nhiên khi gặp hình ảnh những đứa trẻ Việt khi đi ăn, đi chơi luôn luôn được mẹ ẵm, bồng trên lưng...

 

Sự khác biệt, những ưu thế của phương pháp dạy con ở Việt Nam và Pháp được TS Marie-Eve Hoffet-Gachelin (Chủ tịch hiệp hội Tâm lý Pháp – Việt) và ông Nguyễn Minh Đức (TS tâm bệnh học và phân tâm học) chia sẻ tại hội thảo “Để trẻ vững bước vào đời” tổ chức tại Hà Nội.

Ngạc nhiên...

"Hình ảnh những đứa trẻ Việt khi đi ăn, đi chơi luôn luôn được mẹ ẵm, bồng trên lưng mẹ, quấn chặt lấy mẹ và được chăm sóc một cách cẩn thận tỉ mỉ..." đã khiến TS Marie không khỏi ngạc nhiên.

"Những bà mẹ Pháp ít yêu thương con theo cách đó" - bà Marie cho hay. Ngay từ nhỏ họ đã tập cho con thói quen độc lập và quá trình tách con ra khỏi mẹ diễn ra rất dễ dàng, không gặp bất cứ phản ứng nào của trẻ.

Bà Marie nói thêm: “Tôi thấy ở Việt Nam, một đứa trẻ được chăm sóc rất tỉ mỉ, từ từ từng giai đoạn bú sữa, ăn dặm cho tới khi biết bò, biết chạy. Nhưng chuyện cho con ăn đối với nhiều bà mẹ Việt là cả vấn đề nan giải. Chúng có thể khóc, chạy khắp nhà, nghịch ngợm, có khi cả nhà phải chạy theo, người lớn phân công nhau làm đủ trò để chúng vui thích và ăn hết bát. Kiểu nhồi nhét này khiến chúng không hứng thú mấy chuyện ăn uống, tương tự như việc học cũng vậy, càng nhồi sẽ càng làm trẻ chán nản”.

Bất cứ người cha, người mẹ nào đều muốn mang lại cho đứa con thân yêu của mình một thế giới đủ đầy về cả vật chất lẫn tinh thần, dành cho con sự ân cần, trìu mến và mở ra một thế giới êm đềm, tươi đẹp trước mắt con từ những ngày đầu con chào đời, chập chững những bước đi đầu tiên. Bởi vậy, với trẻ bố mẹ là chỗ dựa vững chãi để chúng dựa vào, bám víu lấy mỗi khi đương đầu với khó khăn.

Với trẻ bố mẹ là chỗ dựa vững chãi để chúng dựa vào, bám víu lấy mỗi khi đương đầu với khó khăn - điều phổ biến trong các gia đình ở Việt Nam. Và, bất cứ người cha, người mẹ nào đều muốn mang lại cho con yêu của mình một thế giới đủ đầy về cả vật chất lẫn tinh thần...

Tuy nhiên, TS Nguyễn Minh Đức cho rằng, cần tạo nên sự gắn bó an toàn với trẻ, nghĩa là không nên bao bọc trẻ quá mức, chúng sẽ quấn mẹ nhiều hơn trong khi thế giới bên ngoài có rất nhiều điều nên quan sát, và học hỏi. Chỉ khi bé được giao lưu, tiếp xúc với mọi thứ xung quanh thay vì “ngủ say” trong vòng tay ấm áp của mẹ thì trẻ sẽ phát triển hơn cả về mặt tâm lý và tư duy, đồng thời chủ động hơn trong nhận thức ngay từ khi còn nhỏ.

 

Sự khác biệt

Ở Việt Nam, khi lọt lòng mẹ, trẻ được ôm ấp, vỗ về, nâng niu và luôn ở cạnh mẹ. Mẹ Việt chăm con rất chu đáo, tinh tế khi cảm nhận được những thay đổi trong từng cử chỉ của con. Chỉ cần bé mấp máy môi, cựa mình hay khóc thì mẹ là người đầu tiên nhận thấy....

 

 

Trẻ Pháp được ngồi vào một bàn riêng và tự ăn ngay cả khi không có sự kiểm soát của người lớn.

 

Mẹ Pháp thì khác, ngay khi đứa bé chào đời đã được đặt vào một chiếc giường (nôi) riêng, và ở một phòng tách biệt với bố mẹ. Phụ nữ Pháp ít cho con bú và chỉ cho bé bú khi đã thực sự cần theo một khung giờ nhất định. Nếu chẳng may con bị đói, khát sữa trước giờ bú thì mẹ thường vỗ về, chơi cùng con để tập trung chú ý của bé sang hướng khác. Với cách này, mẹ Pháp tiến hành cai sữa rất dễ dàng và không quá khó để trẻ thích nghi với việc “nghỉ” bú mẹ.

Trẻ Pháp khá độc lập trong chuyện ăn uống, TS Đức chia sẻ.

Nếu như các bà mẹ Việt luôn phải chật vật cho con ăn thì ngược lại, mẹ Pháp chẳng hề vướng bận gì trong giờ cơm của trẻ. Cách nấu đồ ăn cho trẻ ở Pháp không theo ý muốn của phụ huynh mà hoàn toàn phụ thuộc vào khẩu vị của các bé. Trẻ thích ăn gì, mùi vị như thế nào sẽ được “chiều” theo ý muốn. Qua đó, chúng có thể nhận biết được các khẩu vị khác nhau.

Thay vì cả nhà cùng chạy loăng quăng khắp nơi, diễn đủ trò để bé ăn dù chỉ là một thìa cơm, trẻ Pháp khi ăn được “định vị” ở một ghế riêng, tự xúc, tự ăn và chúng ăn một cách ngon lành, ngoan ngoãn ngay cả khi không có sự kiểm soát của người lớn.

TS Marie cũng đưa ra dẫn chứng về tính độc lập của trẻ Pháp trong chuyện ngủ. Ở Pháp, các bé phải ngủ một mình từ rất sớm. Ban đầu trẻ hay khóc nên cha mẹ thường cho ngậm ti giả, hoặc mút tay và dần thích nghi với việc phải tự mình làm quen với cuộc sống độc lập. Trong khi đó, ở Việt Nam nhiều gia đình vẫn cho trẻ ngủ chung với bố mẹ tới khi 7, 8 tuổi. Điều này sẽ khiến trẻ cô đơn, sợ hãi và cảm thấy bị bỏ rơi khi chúng phải tách ra ở riêng.

Tại hội thảo, các diễn giả cũng đưa ra lời khuyên với phụ huynh, không phải bao bọc trẻ một cách thái quá mới thể hiện tình yêu thương mà hãy yêu con bằng cách tạo cho bé sự độc lập, tự chủ ngay từ khi còn nhỏ. Quan trọng là phải dạy cho con hiểu, để thành công phải học cách đối diện và chấp nhận thất bại để khi lớn lên con có trách nhiệm hơn đối với cuộc sống của mình.

 

Thu Thảo – Ngọc Anh

Nguồn Vietnamnet

 

Description: Gia đình 6

 

Ra công viên xem Tây dạy con

Không ít mẹ Việt đã từng thèm thuồng khi nhìn những đứa trẻ Tây tự ngồi xúc ăn một cách ngoan ngoãn bên cạnh bố mẹ. Không ít bà mẹ Việt đã từng thèm muốn có được ¨phép màu¨ của những ông bố, bà mẹ Tây khi chỉ cần một cái lừ mắt, một câu ¨No! No!¨ nhẹ nhàng là lập tức đứa trẻ ngoan ngoãn vâng theo. Liệu có phải trẻ Tây ngoan hơn trẻ Việt hay những ông bố, bà mẹ Tây có bí quyết 'thuần phục' trẻ?

Description: http://imgs.vietnamnet.vn/Images/2011/08/18/20/20110818205212_treTaychoi.jpg

Ra công viên, xem Tây dạy con

Ngay từ những ngày đầu, tôi thấy các ông bố bà mẹ Tây mới sung sướng làm sao khi họ cứ việc ngồi trò chuyện, uống nước với nhau trong quán để mặc con cái tự chơi trong công viên với nhau.

Công viên chia thành từng khu vực cho từng đối tượng, nhưng đông nhất vẫn là khu vực dành cho trẻ dưới 8 tuổi. Đồ chơi được đổ ra, bọn trẻ chơi với nhau thân thiện, vui vẻ cho dù trước đó chúng chưa hề gặp, không tiếng cãi nhau, không cảnh tranh giành đồ chơi, không có tiếng khóc gọi bố, mẹ… Chơi xong, trẻ tự thu dọn đồ chơi của mình. Nếu có trẻ đang chơi đồ chơi của bạn mà bạn về, chỉ cần nghe thấy câu ¨tớ phải về nhà bây giờ¨ thì cho dù thích đồ chơi đó đến đâu, bé cũng trả bạn ngay.

Nhưng 'ngưỡng mộ' nhất với tôi đó là việc ăn của trẻ. Với những trẻ lớn đã đi học mẫu giáo hoặc tiểu học, chúng cầm bánh mỳ hoặc đồ ăn khác mà bố mẹ đưa cho, tự ăn một cách ngon lành; những trẻ bé còn ăn bột, sữa thì ¨bị¨ đặt vào xe đẩy và ngồi yên để bố/mẹ xúc cho ăn.

Tôi thường xuyên được chứng kiến cảnh trong vòng 5-10 phút, bé hoàn thành phần bột, cháo, hoa quả nghiền hay sữa của mình. Tôi liên tưởng đến cảnh 'cực khổ' mỗi khi cho con ăn của mình cũng như của không ít bà mẹ Việt. Và ngày ngày đưa con ra công viên chơi, tôi quan sát, tôi để ý xem tại sao họ - những ông bố, bà mẹ Tây làm được những điều mà tôi không thể. Những ngày ở công viên trẻ em đã giúp tôi có những so sánh để nhận ra sự khác biệt giữa hai cách dạy con - của họ và của tôi (và có lẽ là của nhiều mẹ Việt), giúp tôi nhận ra và học hỏi được nhiều điều từ cách dạy con của mẹ Tây.

Rèn con từ nhỏ, kiên trì, lắng nghe, nghiêm khắc và làm bạn với con

Lòng kiên trì của mẹ Tây với con có lẽ mẹ Việt phải chào thua. Nhiều mẹ Việt băn khoăn tự hỏi làm sao để 'không nổi khùng khi chơi với con', làm sao để không nổi cáu khi dạy con học.

Trái lại, mẹ Tây là những người bạn thực sự của con. Mẹ Tây có thể ngồi chơi xúc cát với con, thậm chí, cả với trẻ mới gặp lần đầu đến cả 1 - 2 giờ đồng hồ. Nếu bé có hành động chưa đúng, mẹ nhẹ nhàng nhưng vô cùng kiên quyết nói ¨No! No!¨ (không được) cho đến khi nào trẻ dừng hành động sai trái của mình.

Đặc biệt, mẹ ¨Tây¨ cực kỳ kiên nhẫn lắng nghe những thắc mắc của trẻ và ¨miệt mài¨ giải thích cho những câu hỏi ¨tại sao không¨ của bé mà không hề nổi nóng. Rất nhiều ngày ra công viên, tôi chưa một lần thấy mẹ Tây quát mắng, nặng lời với con.

Ngay từ khi còn rất nhỏ, chỉ vài tháng tuổi, bé đã được bố mẹ cho ra công viên chơi cùng các bạn. Với bé dưới 3 tuổi, bố mẹ theo sát từng cử chỉ, hành động của con, từ ¨No! No!¨ luôn được họ sử dụng để uốn nắn bé và kèm sau đó là lời giải thích cho lý do ¨No! No!¨ ấy.

 

 

Ra công viên, tất cả đồ chơi đều là của chung!

Những câu như : ¨Con chơi chung với bạn đi¨, ¨Con giúp bạn xúc cát đi¨, ¨Con cảm ơn bạn đi¨… luôn được mẹ Tây sử dụng. Chính vì được kèm cặp từ nhỏ như vậy nên đến khi các bé ngoài 3 tuổi, bố mẹ hầu như không phải lo lắng gì khi để chúng tự chơi với bạn. Đây cũng có thể là một lý do khiến người Tây làm việc theo nhóm tốt hơn người Việt.

Chuyện của trẻ con để trẻ con tự giải quyết! Đây là sự khác biệt lớn nhất giữa cách dạy con của ¨Tây¨ và của người Việt. Nếu mỗi khi trẻ Việt khóc đòi đồ chơi của ai đó thì ông, bà hoặc bố mẹ hay người trông bé sẵn sàng hỏi mượn cho bé. Với bé ¨Tây¨, điều này khác hoàn toàn, bé phải tự hỏi mượn bạn, bạn không cho mượn, bé phải ¨chấp nhận¨, không được khóc lóc, mè nheo. Bé tuyệt đối không được đòi, tranh đồ chơi của bạn. Khi mượn, chơi xong hoặc bạn về, bé đưa trả bạn một cách tự nguyện, vui vẻ, thậm chí còn giúp bạn thu dọn đồ chơi. Người lớn hầu như không can thiệp vào chuyện của trẻ khi có những cãi cọ, tranh giành nho nhỏ, họ để cho chúng tự tìm cách hòa giải với nhau.

Hào phóng lời khen với trẻ!

Nếu như một số ông bố, bà mẹ Việt sợ rằng khen nhiều con sẽ kiêu căng, sợ con không có ý chí phấn đấu nên ¨hà tiện¨ lời khen với con, thậm chí còn dùng cách ¨khích tướng¨ bằng cách chê bai để trẻ ¨bực mình¨ mà phấn đấu vươn lên thì các ông bố, bà mẹ ¨Tây¨ lại cực kỳ ¨hào phóng¨ lời khen với trẻ.

Chỉ cần trẻ làm được một việc gì đó cho dù rất nhỏ cũng nhận được câu ¨rất tốt¨, ¨rất giỏi¨, ¨rất ngoan¨. Trẻ luôn được khích lệ để làm việc tốt. Ngược lại, trẻ cũng bị nhắc nhở, phê bình nghiêm khắc khi có hành động chưa đúng dù cũng rất nhỏ.

Nhìn những khuôn mặt vui vẻ của trẻ mỗi khi được khích lệ, tôi chợt nghĩ rằng, có lẽ cách của mẹ ¨Tây¨ hiệu quả hơn cách ¨khích tướng kiểu chê bai¨ của một số ông bố, bà mẹ Việt.

Bởi rằng, trẻ Việt không phải là những ¨ông tướng Tàu¨ thời xưa để có thể nung nấu ý chí, vượt khó khăn, phấn đấu vươn lên để ¨rửa nhục¨. Những lời nhiếc mắng, chê bai nặng lời của bố mẹ đôi khi còn làm tổn thương nặng nề tâm hồn trẻ thơ, làm nhụt ý chí của trẻ, thậm chí, ám ảnh trẻ lâu dài.

Nhìn sự ân cần, kiên nhẫn, tỉ mỉ dạy con của họ, tôi thấy rằng, quả thật, kỹ năng giáo dục trẻ của tôi còn ¨thiếu¨ và ¨yếu¨. Tôi đã hiểu, tại sao trẻ ¨Tây¨ ngoan thế!

Tất cả chỉ bởi vì chúng nhận được một sự giáo dục tốt từ nhỏ, từ chính bố mẹ chúng. Giá như tôi cũng như nhiều bà mẹ Việt khác cũng có được sự kiên trì, nhẫn nại với con, luôn dịu dàng với con, luôn là bạn của con, giành nhiều thời gian hơn để hiểu tâm lý con và bớt nóng nảy hơn trong chăm sóc, dạy dỗ con.

Nguyên An (Tây Ban Nha)

Nguồn Vietnamnet

Thơ gửi Tuổi Teen

Description: hoa 1Tuổi Teen đẹp lắm Teen ơi,

Nhưng đừng Teen quá đánh rơi cuộc đời.

Teen luôn hợp mốt, hợp thời,

Teen luôn nâu tóc, áo quần tắn tươi.

Teen vui, Teen nói, Teen cười,

Đường làng, góc phố, Teen tươi đẹp là !

Sao Teen khi “ngự tại gia”,

Teen lười cười nói với cha mẹ mình ?

Mẹ cha có quá với Teen,

Khi dạy Teen nhớ giữ gìn đời Teen ?

Chắc Teen mong mẹ cha hiền,

Sẻ chia thông cảm nỗi miềm của Teen.

Cha mẹ cũng muốn như Teen,

Đồng hành, tâm sự cùng Teen sớm chiều.

Thương Teen thương cả đời Teen,

Mẹ cha mới khó với Teen chút mà.

Chút ấy là cả tình cha,

Là cả lòng mẹ bao la dịu hiền,

Là cả mưa nắng triền miên,

Tóc mây mẹ úa gạo tiền nuôi Teen.

Thế mà Teen cứ “lình xình”.

Teen hờn, Teen giận, Teen “kình” mẹ cha ?

Thấy Teen lễ Chúa Nhật qua,

Sao Teen đẹp thế nét ngoan nhà thờ.

Văn minh hiện đại đáng mơ,

Nhưng Teen đừng bỏ những giờ cầu kinh.

Vì sợ một phút linh tinh,

Teen rồ ga phóng, thất kinh, hỏng đời !

 

Teen ơi, Teen hỡi, Teen ơi,

Tương lai phải đắp, đường đời phải xây.

Muốn đời hồng nắng trắng mây,

Teen đừng dông bão sập tan cửa nhà.

Buồn tuôn từ mắt mẹ cha,

Rồi Teen sẽ thấy xót xa phận mình.

Thương Teen nên nói như “ca”,

Biết Teen thương lắm cả nhà, mẹ cha.

Teen vui, Teen “phá” chút à,

Teen thương “ba” lắm, “má già” càng thương.

Teen luôn trên kính, dưới nhường,

Chỉ đôi ba lúc bất thường mộng mơ !

Teen đang trổ mã, trời ơi !

Teen đừng “yêu vội”, tưởng đời là thơ.

Thơ thì “luôn đẹp như mơ”,

Tình thật phải vỡ phải chờ phải vun.

Yêu cuồng tình hoá đất bùn,

Chắc Teen đâu muốn ố bùn phải không ?

Mai này Teen đẹp vợ chồng,

Teen thương, Teen bế, Teen bồng Teen con.

Hay Teen theo Chúa sắt son,

Quyết tâm cùng Chúa gánh gồng Tin Yêu,

Teen làm dì phước dịu hiền,

Teen làm linh mục dòng, triều đẹp sao !

Chúc Teen bền chí, mộng cao,

Chúc Teen vượt khó ngước cao tầm nhìn,

Chúc Teen đẹp thắm như tiên,

Chúc Teen chững chạc hoa niên hợp thời,

Để Teen khắp chốn khắp nơi,

Hồng tươi nét đạo nét đời Việt Nam.

NMT  

Lăn tăn cùng giới trẻ         Nguyễn Nguyễn

Qua tuổi Teen, bước vào tuổi trẻ.

Thời vàng son,

Nhiều ngạc nhiên, đầy phấn khởi,

Nhiều hứa hẹn, lắm ước mơ,

Rồi bơ vơ, dao động.

Đường đại học ? Công ty ? Xưởng thợ ?

Vườn cà phê ? Đồi chè ? Rau xanh ? Hồ cá ?

Ở lại quê ? Lao lên phố chợ ? Lên rẫy, lên non ?

Sắm con Dream ? Con Yama ? Con Vespa ?

Tiền đâu ?

Nhà hai anh em.

Chuyện vợ chồng ? Tổ ấm ? Tông đường ?

Em bên nhà, hiền ngoan ? Em phố núi, hiện đại ?

Chàng dưới xóm, mẹ ưa ? Chàng bên sông, bố thích ?

Em sinh viên ? Sợ khôn hơn chồng !

Chàng sinh viên ? Sợ quá thư sinh !

Nàng mình thích, em gái không ưa !

Chàng mình mai mối, cô em phụng phịu !

Ôi toát mồ hôi !

Thời vàng son sao lắm lăn tăn !

Cứ bé con, vô tư mà sướng !

Gạt chuyện tình, chuyện công danh,

Tìm lũ bạn cà phê cà pháo.

Ông nào cũng trán cao, miệng rộng,

Tranh luận đại sự, vĩ mô, chính trị, kinh tế.

Nghe thủng tai, rung đùi, à tỉ phú.

Lúc tính tiền, thiếu mấy đồng, tỉ phú giả lơ !

Về nhà,

Gặp cô em rượu, ôi thôi là điệu. Chắc đang yêu.

Mong em lấy được tấm chồng thương em.

Em đang yêu lúc vui như tết, lúc im re. Rõ khổ.

Thế mà em, cứ như mẹ già, cố vấn ông anh :

Phải như ri, như nớ, chớ có lờ mờ, chết nghe anh !

Chuông nhà thờ đổ.

Vẫn lăn tăn !

Tiếng mẹ yêu : “đi lễ đi con”.

Nghe như mật ngọt, nhưng sao oải quá !

Lừng khừng !

Tiếng bố ho.

Bừng tỉnh ! Vội thưa to hơn bọn trẻ nhà sơ : “Dạ” !

Đóng bộ vía, tới nhà thờ, cùng bạn bè dự lễ Noel.

Du dương tiếng đàn ca thánh thót,

Lung linh hoa nến, đèn sao,

Chúa trời cao lại làm em bé đơn hèn.

Thế là sao ? Là sao ?

Đang lơ mơ nghe tiếng cha cất hát :

“Vinh danh Thiên Chúa trên các tầng trời”.

Trong tiếng hát vang có tiếng mình :

“Và bình an dưới thế cho người thiện tâm”.

À, con hiểu rồi, con hiểu rồi Chúa ơi !

Thế là hết lăn tăn.

Từ ấy tư duy sáng hẳn. Bình an chi lạ !

Chẳng còn mộng mị con Dream, con Yama, con Vespa.

Đường tình cũng bỗng nhẹ nhàng,

Tim bảo yêu ai, cứ thật lòng “thổ lộ” !

Ngày vui công việc, tối “sẵn sàng” đọc kinh.

Cô em cố vấn kinh ngạc :  “Bộ muốn đi tu !”

Mẹ cười thì thầm : “Tu gì,  yêu cô ca đoàn !”.

Bố phán : “Mai lấy cái Honda để nhà đi lại nghe con”.

Ối giời ơi, đang hết lăn tăn lại lăn tăn buột miệng :

Nhà mình sao giờ vui thế !

Bố đáp : “Vì bố hết lăn tăn với con rồi. Mau cưới đi con !”.

Hình như nhà mình đang được Phúc Âm hoá sao ấy !